© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Há»™i thảo "Những chuyển Ä‘á»™ng trong thÆ¡ hôm nay" (Hà Ná»™i, 17.09.2002)
 1   2   3   4   5   6 
18.9.2002
Trần Tiến Dũng
Vật liệu của cảm xúc
tham luận tại hội thảo
 
Tôi tin rằng không có dòng thơ nào là dòng thơ đã qua (ngôn ngữ không chết). Dù thơ vần hay thơ tự do, thơ của chúng ta hôm nay phải được viết bằng vật liệu của thời đại này, thứ vật liệu mà ngôn ngữ thơ thể hiện phải là thứ vật liệu đời sống đang dùng. Tôi làm sao có thể đi ngược thời gian để sống trong không gian chứa vật liệu tình yêu của thơ Xuân Diệu, Thanh Tâm Tuyền. Tôi không nói thơ tình của họ lúc này đọc lên thấy giả tạo, nhưng vật liệu mà các thi sĩ đó dùng nay đã không còn hoặc người thời nay không dùng nữa. Vật liệu mà ngôn ngữ thơ thể hiện có thể không đủ làm nên một bài thơ hay, nhưng đó là tiêu chuẩn để xác định bài thơ đó có thuộc về ngày hôm nay hay không. Một người làm thơ 20 tuổi không thể cố sống sao cho có được cái không khí của ông già 60, càng không thể sống và viết bằng vật liệu đã được chôn theo xác ma thế kỷ trước.

Thường ai làm thơ cũng có lúc mê đắm vật liệu thơ của những thi sĩ lớn trong quá khứ. Không ít người muốn quay đầu, ngược đường để tìm lại hoặc cố tái sinh vật liệu cũ. Thí dụ: Hằng ngày họ trông tin người tình từ cái máy điện thoại nhưng khi viết thì họ lại viết một câu thơ đại loại như "trông chờ tin nhạn"...

Các bạn có thể tự tìm thấy rất nhiều cách thể hiện giả dối như thế trong thơ hôm nay. Quả thật, với cách sử dụng vật liệu đó, họ đã phủi sạch đời sống của họ trong thơ. Ðể bước vào thơ của họ người đọc phải bắt đầu từ điểm nào? Phải chăng từ quá khứ nhạt nhòa! Ða số những bà mẹ thành thị từ lâu đã thôi "nón lá nghiêng che". Trong cảm thụ của đứa bé thị dân, câu thơ trên không có hình ảnh. Nếu bị bắt buộc đọc đi đọc lại cái thứ đó đứa bé có nguy cơ vô cảm trước thơ.

Thơ, thơ của chúng ta hôm nay, bước ra khỏi quá khứ, nắm bắt hiện tại. Mỗi ngày trôi qua những vật liệu mới đến thay thế vật liệu cũ, đời sống của chúng thật ngắn ngủi nên sự phong phú của chúng thật vô cùng. Có người sẽ nói: Cái mớ vật liệu linh tinh đó không bao giờ có đủ tầm vóc để làm nên biểu tượng của thơ như hoa, rượu, kiếm, trăng, cổ mộ... Ðiều đó chỉ đúng một khi những người làm thơ hôm nay từ chối hoặc cố tình không nhìn thấy những vật liệu thường dùng đã gắn bó với cuộc sống của họ không chỉ bằng công dụng mà còn bằng biểu tượng. Khi người yêu tôi tặng tôi một hộp dao cạo râu chẳng lẽ cái hộp dao cạo râu không mang chút biểu tượng tình yêu nào sao? Có thể tôi là người nhạy cảm, nhưng tại sao những người làm quảng cáo nhìn thấy đám bọt bia là những trái bóng và việc đá đám bọt bia kia cho phép người xem liên tưởng đến việc đá bóng và một giải bóng đá? Theo tôi, vật liệu mà ngôn ngữ thơ thể hiện phải phản ảnh trung thực đời sống thực tại của người viết. Ðó cũng là cách phá bỏ ranh giới giữa thơ và đời sống.

Tôi may mắn được làm bạn với một ít nhà thơ, bạn thơ của tôi không phải là những người nổi danh nhưng vật liệu trong thơ họ là những thứ vật liệu mà họ dùng hằng ngày trong sinh hoạt. Cái mà thơ họ đang nỗ lực nắm bắt để thỏa mãn và để thất vọng không phải là vật liệu thuộc về khoảnh khắc xa xôi, họ muốn có trong thơ họ những vật liệu đến và đi trong khoảnh khắc của thời gian đánh răng, làm tình, kiếm tiền những vật liệu hiện hữu để làm nên đời sống, và thơ họ.

T/P HCM ngày 14 tháng 9 năm 2002

© Talawas 2002