© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
23.3.2007
Nguyễn Đăng Thường
Buồn cười và đáng thương hết chỗ nói

Nếu Hải Giác Thiên Nhai chưa phân biệt nổi giữa ý kiến (ngắn) và ý ruồi (đen kịt) thì tốt hơn ông này đừng nên bén mảng tới "sân chơi" (diễn đàn) talawas để vo ve, mà nên bay về "sân chầu" (chợ trời) Văn Miếu để bu bám. Tôi xin lỗi trước mà cũng xin nói thẳng ra ngay lập tức: Hải Giác Thiên Nhai đã lải nhải bậy bạ, lê thê triết lý đạo đức rởm, lạc đề nhảy từ con gà sang con lừa để phô trương mớ kiến thức bao la như cái mông trẻ, tự tôn khi nhắc lại quá khứ của mình, bênh vực không cần thiết một kẻ (dù là một "đóa hoa") đã không làm trọn bổn phận, kết tội không nhân nhượng một người đã can đảm làm một chuyện rất đáng khâm phục, là thế nào? Trong trường hợp Thanh Tâm Tuyền / Phan Huyền Thư tuyệt nhiên không thể có chuyện lượng thứ kiểu quân tử Tàu hay nhẹ tay kiểu công tử Tây.

Ô hay, ông Hải Giác Thiên Nhai vin vào đâu mà lại dám miệt thị những người cầm bút trong ngoài thỉnh thoảng xuất hiện trên sân talawas là những kẻ "no cơm ấm áo rủ nhau đến đó bù khú, đú đởn". (Nếu sân talawas đáng tởm như vậy thì ông tới đó làm gì?) Và ngược lại, ở quốc nội thì "người ta (xin hỏi: người ta... nào?) không rỗi hơi (tại sao không?) để đến Văn Miếu trình diễn lấy cái hư (?) như ở talawas, mà hoàn toàn vì cái thực (?)... Có thực (ẩm?) mới vực được đạo (chuối? xôi? đô?)", vân vân. Ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã đến với talawas để phơi bày cái thực thì tại sao lại bị chỉ trích, chê bai?

Ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã chẳng chứng minh rất hùng hồn rồi hay sao, rằng bài giới thiệu nhà thơ Thanh Tâm Tuyền của Phan Huyền Thư chỉ đúng sự thật phân nửa (mà "đúng phân nửa thì tệ hơn nói láo"), không phải vì thiếu tài liệu, mà (đây là thiển ý của người viết bài này chứ không phải của ông Hoàng Ngọc-Tuấn) có thể vì đã muốn bóp méo sự thật với một ý đồ nào đó, hay vì đã bị những kẻ ưu thế khống chế, những kẻ không bao giờ biết tôn trọng mà muốn luôn luôn bóp chết sự thật. Ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã hành động không để cầu vinh, mà chỉ vì kính nể một nhà thơ quá cố và một đời thơ bị vùi dập không tiếc thương, và không muốn nó lại bị tiếp tục bạc đãi thêm. Người phạm lỗi đã biết phục thiện thì coi như xong rồi, cớ chi lại bới móc nữa? Cũng xin lưu ý chữ nghĩa của Hải Giác Thiên Nhai đầy dẫy sáo ngữ như "cả vú lấp miệng em", "trẻ người non dạ". Xin thưa: vú ông Hoàng Ngọc-Tuấn không phải là vú sữa hay vú silicon nên chưa lấp được mồm ai, bé hay to, và ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã có khá nhiều tuổi đời, kinh nghiệm sống, kiến thức rộng, dù nếu chỉ bằng hai cái mông trẻ chập lại thì cũng khá bao la rồi, vì là mông Thánh Gióng!

Cái lỗi của Phan Huyền Thư không phải là đã đạo văn, như đa số đã hiểu lầm và đang ra tay nghĩa hiệp bênh vực cô bằng lẽ này hay lẽ nọ, mà đã hời hợt (nhẹ) hay đã cố tình hoặc đã để cho kẻ khác giật dây (nặng) khi đục bỏ những năm học tập cải tạo của Thanh Tâm Tuyền và sự ra đi của ông vì không thể ở lại quê nhà. Vì lằn ranh không rõ rệt nên ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã phải lên tiếng. Trong trường hợp này im lặng là đồng lõa, là tiếp tay đàn áp, và lợi dụng một nhà thơ. Có thể Phan Huyền Thư muốn được thơm lây mà không muốn bị liên lụy. Nếu vậy thì chẳng có gì đáng bênh vực, ca ngợi. Ai cũng được quyền sử dụng tài liệu sẵn có nhưng phải nêu rõ xuất xứ và lý do biên tập, nhất là khi sự biên tập có thể gây ngộ nhận. Nếu Phan Huyền Thư đạo văn dù không kể xuất xứ nhưng không đục bỏ những điểm quan trọng, thì chắc chắn sẽ không có ai bắt bẻ, "vạch lá tìm sâu" làm chi. Nếu nói tới Solzhenitsyn thì phải kể tới chủ nghĩa Stalin. Nếu nhắc đến Anne Frank thì phải nhắc đến chủ nghĩa Phát-xít.

Tất nhiên với Thanh Tâm Tuyền ta không thể chấp nhận, nói chi ca ngợi quá mức, cái giả thuyết Phan Huyền Thư "treo bảng thịt chó [để] bán thịt heo". Trừ vài ý thơ tình đã được khai thác phổ nhạc, thơ Thanh Tâm Tuyền không để bán chác, ngâm nga, lẩy, bói, như Truyện Kiều. Nó cũng không thuộc loại "Thu điếu", "Cảnh nhàn" đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ, không thể được tiếp tục sử dụng nếu thiếu châm biếm, khôi hài. Một nhà thơ đúng nghĩa ở thế kỷ 21 không thể bình thản làm một bài thơ "Vịnh Lăng Bác", "Qua Điện Biên hoài cổ", "Tới Khe Sanh tức cảnh" như người xưa đã vịnh "Ông phỗng đá", "Bánh trôi nước", "Hang Cắc Cớ", tức cảnh "Đèo Ngang", "Đèo Ba Dội", vân vân, vì chúng ta đã đánh mất hay đã bị cưỡng đoạt sự trong trắng ngây thơ. Nếu tiểu sử không minh bạch, người đọc sẽ không thể hiểu nổi hoặc chỉ hiểu lờ mờ các câu thơ:

Chợt anh muốn viết tặng em
Nhưng không thể được
Em làm con tin của một thế giới...

(Thanh Tâm Tuyền)

Khi đọc lần đầu tiên các câu thơ Thanh Thanh Tuyền: "Em bé quàng khăn đỏ ơi / Này một con chó sói / Thứ chó đói lang thang", tôi đã nghĩ đến cô bé quàng khăn trong chuyện cổ tích mà cũng đã liên tưởng đến các cháu ngoan Bác Hồ, và cái hay của thơ Thanh Tâm Tuyền là ở chỗ nó đã ngấm ngầm tạo được sự liên tưởng / kết hợp hình ảnh tài tình đó. Thanh Tâm Tuyền đã làm xong sứ mạng của một nhà thơ là để lại tác phẩm, mà tác phẩm thì như hoa thơm trái ngọt (xin gọi tạm như vậy). Con người cần hoa quả, hậu thế cần thơ Thanh Tâm Tuyền. Phan Huyền Thư và độc giả trong nước ở miền Bắc phải cám ơn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền chứ không thể ngược lại. Ăn hay không ăn, đọc hay không đọc thì tùy họ. Nói tóm lại, họ phải đích thân chạy đi tìm / chạy đến với nhà thơ chứ không thể ngược lại.

Chuyện buồn cười là những tâm hồn cao thượng, nhân ái, hô hào hòa giải hòa hợp chỉ muốn nó xảy ra theo một chiều hướng: những người thua cuộc và những nạn nhân (miền Nam và Việt kiều) nên quên quá khứ và thứ tha tất cả, người lẫn việc, trong khi những kẻ chiến thắng đang nắm giữ quyền hành trong tay (Nhà nước, Bộ Giáo dục, và có thể Hội Nhà văn...) thì vẫn được trọn quyền kiểm duyệt, lựa chọn tùy nghi, không quên gì cả, chẳng tha thứ ai hết. Không chỉ riêng Thanh Tâm Tuyền mà còn nhiều nhà thơ khác đã vào Nam sau 54 và ra hải ngoại sau 75, cần được nhắc nhở biết đến như: Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Nguyễn Chí Thiện, Quách Thoại, Trần Thanh Hiệp, Mai Trung Tĩnh, Viên Linh, Phạm Nguyên Vũ, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Trần Lê Nguyễn, Vương Tân, vân vân.

Tôi xin ngừng nơi đây vì ý kiến (hôi) ngắn đã bất đắc dĩ trở thành ý ruồi (trâu) bất tận rồi! Xin đa tạ, xin lỗi tất cả. Và xin mọi người tha thứ cho tôi.