© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Há»™i thảo "Những chuyển Ä‘á»™ng trong thÆ¡ hôm nay" (Hà Ná»™i, 17.09.2002)
 1   2   3   4   5   6 
17.9.2002
Nguyễn Đăng Điệp
Những ngả đường sáng tạo của thi ca (tham luận tại hội thảo)
 
1.

Như một tất yếu, để tồn tại, thi ca luôn phải biết tự đổi mới, vì xét đến cùng, hoạt động nghệ thuật là một hoạt động năng sản và sáng tạo. Ðó cần phải là thứ sáng tạo triệt để chứ không thể nửa vời. Mỗi lần đối diện với trang viết, nhà thơ buộc phải đứng trước một thúc ép vô hình: liệu anh ta có đem đến cho người đọc một cái gì mới mẻ hay không? Anh ta không thể thanh minh với người đọc: tôi định viết thế này, tôi muốn cách tân thế kia bằng những tuyên bố đơn thuần. Anh ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: sự mới mẻ của nhà thơ nằm chính trên từng con chữ của mình. Cũng bởi thế không phải không có lý khi Lê Ðạt lên tiếng chữ bầu lên nhà thơ. Thực ra, đây không phải là ý riêng của tác giả Bóng chữ, nó là một mệnh đề đã từng được nhiều thi sĩ phương Tây nhắc đến. Lõi cốt của quan niệm này là muốn nhấn mạnh hơn nữa đặc trưng của văn học: sáng tạo văn học là sáng tạo bằng chất liệu ngôn từ. Nói theo ngôn ngữ của Asimet, tựa vào ngôn ngữ, nhà thơ đã có trong tay cái đòn bẩy để tạo nên thế giới của riêng mình.

Tuy nhiên, sự sáng tạo nào cũng cần đến một không gian tự do đích thực. Nói một cách đầy đủ hơn, nỗ lực làm mới thi ca ít nhất phải cần đến ba điều kiện cơ bản: ý thức sáng tạo của chủ thể, không gian tự do tinh thần, sự mở lòng đón nhận cái mới của công chúng độc giả. Trước đây, khi Xuân Diệu đổi mới đã có Thế Lữ đề tựa, khi Hàn Mặc Tử bị dè bỉu, Chế Lan Viên đã quả quyết trên tờ Người Mới ngày 23-11-1940: "Mai sau những cái tầm thường, mực thước sẽ biến đi và còn lại thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử". Vậy mà khi Nguyễn Ðình Thi khởi xướng thơ không vần, ông lập tức bị la ó. Nguyễn Ðình Thi nhụt chí và những thể nghiệm kia đành dừng lại với tư cách là những thử nghiệm dang dở. Trong khi đó, ở phương Tây, chuyện có vần hay không vần trong thơ đã là chuyện "xửa xưa" của họ. Thực ra, nếu nhìn kỹ vào lịch sử văn học nước nhà sẽ thấy dường như bất kỳ giai đoạn nào cũng có những cá nhân biết phá / lệch chuẩn để làm mới thơ ca. Ðó là Hồ Xuân Hương với thơ Ðường luật, Nguyễn Du với truyện thơ Nôm truyền thống …Cố nhiên việc tạo nên cái mới trong thơ một mặt không được bóp méo và làm bạc màu ngôn ngữ của dân tộc, mặt khác không thể không đi theo lộ trình đổi mới tư duy nghệ thuật thi ca của nhân loại nếu như ta không muốn nằm mãi trong ốc đảo của riêng mình. Ðó là một mâu thuẫn mà nhà thơ phải thường xuyên đối mặt. Mà suy cho cùng, sáng tạo là một hình thức vượt lên tình thế nhằm tạo nên một mặt bằng nghệ thuật và một trình độ kết tinh mới.


2.

Nhìn vào thơ ca thời đổi mới dễ nhận thấy thơ thực sự đã mang một diện mạo khác hẳn so với thơ ca thời kháng chiến. Dàn đồng ca thời chống Mỹ đã nhường chỗ cho sự xuất hiện của nhiều giọng điệu, nhiều cách thức tổ chức trữ tình khác nhau. Ðây là lý do tạo nên sự da dạng của thơ.Trước đây, khi tổng kết thời đại Thơ mới, Hoài Thanh đã nêu lên một mệnh đề nổi tiếng:"Tình chúng ta đã đổi mới thơ cũng đổi mới vậy". Mệnh đề này khẳng định điều cốt tử nhất của thơ ca: đổi mới thơ trước hết là phải đổi mới cảm xúc, đổi mới cách nhìn, đổi mới tọa độ soi ngắm và lý giải thế giới chứ không phải cố ý tạo nên những văn bản chắp vá hoặc cố tạo nên những cách nói lạ tai nhằm gây sự hiếu kỳ. Cuộc sống thời hậu chiến đặt nhà thơ vào một vị thế khác, cuốn họ vào những mối quan tâm khác so với hoàn cảnh đất nước thời chiến tranh. Thơ ca bắt đầu chú ý hơn đến những chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng giàu ý nghĩa nhân sinh: chuyện đồng lương trước cảnh giá chợ cao chóng mặt, chuyện một người hành khất, nỗi đau khi các giá trị đảo lộn, sự lạnh lẽo thờ ơ của con người trước đồng loại…. Nếu như do điều kiện lịch sử, các nhà thơ trước đây đặt lên hàng đầu nhiệm vụ thơ ca phục vụ kháng chiến thì ở giai đoạn mới các nhà thơ có điều kiện "vị nhân sinh" trên cơ sở "vị nghệ thuật". Nói đơn giản hơn, chức năng thẩm mĩ của thơ ca đã được trả về với ý nghĩa đích thực của nó. Khác với văn xuôi, ngôn từ thơ ca mang vẻ đẹp nội tại. Ðó là vẻ đẹp mang tính chất "tự ngắm". Bản thân từng âm vị, âm tiết thơ , đúng như R.Jacobson nói, đều mang chức năng thẩm mĩ. Vì thế, nghe một câu thơ, độc giả chưa chắc đã hiểu rõ nhưng vẫn thấy hay, vẫn thấy rung cảm trước những ám ảnh đầy mê hoặc của ngôn từ, nhịp điệu, tiết tấu. Nhưng thơ không chỉ hay ở chữ mà còn ám người đọc bởi các biểu tượng thơ đa nghĩa, trùng phức. Ðể thấy được chiều sâu của tác phẩm ít nhất người ta cũng phải "ngước lên một lần" để thấy cái đẹp và tiếng nói của nhà thơ xuyên qua các lớp biểu tượng ấy.

Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt thêm một số điều dễ gây nhầm lẫn khi tranh luận về chuyện đổi mới thơ. Ðúng là thơ xưa nay chỉ có hai loại thơ hay và thơ dở. Hay thì đương nhiên là sống, dở thì đương nhiên là chết. Nhưng cái hay thường gắn liền với cái mới trong khi đó không phải cái mới nào cũng hay. Cả phong trào Xuân Thu nhã tập trước đây là một minh chứng. Phong trào thơ ấy chỉ còn lại một chút của tin là Màu thời gian của Ðoàn Phú Tứ. Nhưng cho dù cuộc thể nghiệm ấy không thành thì vẫn phải kính trọng họ với tư cách là những người có tư tưởng cách tân. Chí ít, những nỗ lực của họ cũng kích thích sự sáng tạo của các nhà thơ và giúp cho thế hệ sau cần phải tìm đến những nẻo đường cách tân khác. Trong thời gian qua, không ít người thường hay truy xét ngờ vực những cách tân thơ một cách quá cay nghiệt. Ðiều này có thể thấy qua số phận các tập thơ của Lê Ðạt, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải… Trong việc thẩm định thơ, chuyện khen chê là chuyện bình thường. Các nhà thơ cũng cần phải có bản lĩnh trước lời chê và cũng đừng ảo tưởng mình là "thánh thi" vì những lời khen. Bởi nếu nhìn kỹ, phía sau sự khen chê là đại diện cho những hệ quy chiếu, những thái độ, những gu thẩm mỹ và văn hóa khác nhau, những cách đọc khác nhau. Một khi cái mới gắn liền với cái hay thì nó sẽ xuyên qua / bất chấp các định kiến để tồn tại. Còn nhớ, khi Xuân Diệu xuất hiện trong làng Thơ mới, không ít người đổ tội cho ông là mất gốc, lai căng… Nhưng hóa ra cái thứ thơ như "trẻ con tập nói" ấy lại là chỗ hơn người của Xuân Diệu. Nó đã sống và có khả năng sống lâu dài. Sáu mươi năm sau, Nguyễn Quang Thiều ném ra Sự mất ngủ của lửa và lập tức tập thơ này bị kêu là một thứ thơ dịch. Dĩ nhiên ở đây tôi không có ý so sánh tầm vóc của Nguyễn Quang Thiều và Xuân Diệu mà muốn khẳng định, mỗi khi cái mới xuất hiện bao giờ cũng cần đến những con mắt xanh thay vì một mực tìm cách vùi dập nó. Trong lần trò chuyện với các đồng nghiệp Trung Quốc mới đây tại Bắc Kinh, bạn cho chúng tôi biết: các nhà văn Trung Quốc giờ đây có thể viết bất cứ đề tài nào, viết bằng bất cứ phương pháp gì miễn là tác phẩm của họ phải hay, phải được người đọc chấp nhận. Như vậy, vấn đề tự do sáng tạo của nghệ sĩ được đề cao và với ý thức đề cao chủ thể, năng lượng sáng tạo của nhà thơ được giải phóng một cách triệt để, "khát vọng thành thực" của nhà văn được tạo điều kiện tối đa. Ở Việt Nam, thơ ca nói riêng và văn học nói chung hãy còn quá ít tiếng cười, quá ít chất giọng giễu nhại. Sự cười nhại thực ra là một hình thức tạo nên "cái nhìn của kẻ khác" và thơ ca vì thế, thật hơn, đời hơn. Khi phát ngôn một tư tưởng các thi sĩ ta thường nghiêm trọng hóa nó, và sự nghiêm trang một cách thái quá ấy khiến cho ngôn ngữ văn chương thiếu lực hút, nó như những sản phẩm được bày biện trong tủ kính. ở phía khác, ta luôn sợ "phạm húy", né tránh những vấn đề bức xúc của đời sống. Người làm thơ không dám vượt qua các giới hạn, các chuẩn mực được xây dựng từ lâu. Một số cây bút dám bứt phá thì lại bị phản đối quá mức. Xuất hiện trong văn học ta quá nhiều barie trong thẩm định và trước sức ép ấy người viết cũng tự sợ hãi bằng cách tự dựng lên một barie ngay trong ngòi bút của mình. Ðó là một lực cản đối với sáng tạo. Ấy là chưa nói đến chuyện người ta vẫn đánh giá văn học và thơ ca bằng những tiêu chí ngoài văn học.Trong khi lẽ ra phải đòi hỏi nhà thơ có hoàn thành sứ mệnh của một nhà thơ hay không (mà bằng chứng là những tác phẩm của họ hay dở thế nào, có đóng góp gì về tư tưởng và nghệ thuật) thì người ta lại thường đòi hỏi nhà thơ ấy phản ánh những gì, mang quan điểm đạo đức nào... Nghĩa là người ta đòi hỏi tư cách công dân nhà thơ chứ không thật sự đòi hỏi tư cách thi sĩ của nhà thơ. Họ đã không mấy để ý rằng, nếu tạo nên những vần thơ có giá trị thì nhà thơ đã hoàn thành sứ mệnh công dân một cách thuyết phục nhất. Trước khi tạo nên những kết tinh, thơ ca bao giờ cũng trải qua những dò tìm, những thử nghiệm. Cần phải biết trân trọng những dò tìm ấy bởi thử nghiệm trong thơ không có nghiã là những bản nháp, những phác thảo nghuệch ngoạc mà thực chất, đó là những sản phẩm mang tính sáng tạo. Nếu những thử nghiệm ấy thành công thì xu hướng thi ca mà nhà thơ theo đuổi đã tìm được chỗ đứng trong độc giả. Còn nếu không, nó cho thấy sự bế tắc của một hướng tìm tòi.


3.

Trong một bài viết trước đây, khi nhìn nhận sự phát triển của thơ ca nhìn từ phương diện giọng điệu, tôi đã có lần nói đến những xu hướng chính của thơ ca trong thời đổi mới. Ở đây, chúng tôi xin được trở lại vấn đề này và thử phác dựng những xu hướng thơ nổi bật sau:


Trên đây là những hướng vận động cơ bản của thơ ca thời gian qua. Nhìn từ góc độ các thế hệ nhà thơ ta cũng có thể nhận thấy sự chuyển động về mặt tư duy nghệ thuật. Thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau 1975 như Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Nguyễn Quyến, Nguyễn Bình Phương, Trần Tiến Dũng, Phan Huyền Thư… đang cố gắng đi tìm những giọng điệu mới. Họ có ý thức gây hấn với truyền thống, đưa vào thơ những yếu tố hậu hiện đại qua những cấu trúc nhiều phần mảnh, mạch thơ thường trôi một cách bất định tạo cảm giác hỗn loạn, phi logic : Ta đã qua những đêm hoang vu / Ðến bao giờ ngủ bù cho Hà Nội / Ngủ bù cho đêm nằm tưởng tượng hương hoa sữa / Tưởng tượng em đến sáng còn thèm (Lê Vĩnh Tài), Ngoài anh đêm nay / đường cỏ tràn hoa ướt / và nền đất ngậm âm thanh / khởi đầu / và nền đất khẩy tượng hình / kết thúc (Trần Tiến Dũng), Dằn nỗi vô đơn không thoái thác / em thèm miết ngón tay / không vị mặn / của anh / Mắt / môi / lưỡi / răng / nha phiến ( Phan Huyền Thư)… Ðây rõ ràng ràng là những câu thơ lạ cho dù đến nay những nỗ lực cách tân ấy của họ được chấp nhận đến đâu lại là chuyện khác. Trong tập Viết thơ chẳng hạn, ta bắt gặp nhiều cấu trúc ngôn bản tựa như cấu trúc của một bài văn xuôi, nhiều câu thơ mang vẻ mặt vu vơ nhìn qua chẳng ăn nhập gì với nhau. Thực ra các nhà thơ trẻ hôm nay muốn tìm cách tạo nên những dòng ngữ lưu mới, những cấu trúc ngữ pháp mới để khắc phục tính tuyến tính của thi ca trên cơ sở tôn trong sự trôi dạt của những dòng liên tưởng. Họ muốn tạo ra sự hòa trộn giữa cái tôi ý thức và cái tôi vô thức. Như vậy, một khi quan niệm và cảm xúc thay đổi thì tất sẽ kéo theo sự thay đổi về thi pháp. Nhiều cây bút từng có những thành công nhất định trong thơ thời chống Mỹ cũng có ý thức thay đổi giọng điệu thơ mình: Hữu Thỉnh với Thư mùa đông, Vũ Quần Phương với Vết thời gian, Thi Hoàng với Gọi nhau qua vách núiBóng ai gió tạt, Vân Long với Những khối hình câm, Nguyễn Trọng Tạo với Ðồng dao cho người lớn, Trúc Thông với Maratông…Ngay cả thể thơ truyền thống như lục bát cũng được đổi thay. Có chất giọng bụi bặm của Bùi Chí Vinh, cách nói tài hoa theo kiểu xẩm ngọng của Nguyễn Duy… Nói thế để thấy rằng những chuyển động của thơ ca thời đổi mới đã đem đến cho thơ luồng sinh khí mới. Tuy nhiên dường như chưa có một xu hướng nào thực sự trở thành xu hướng ưu trội và cũng chưa xuất hiện những kết tinh nghệ thuật ở trình độ đỉnh cao. Nói về đổi mới thơ thiết tưởng cũng phải nói đến một hiện tượng không hẳn là cá biệt: trong khi nhiều cây bút miệt mài sáng tạo thì cũng không hiếm những bài thơ mang cảm hứng giả tạo, cường điệu những cảm xúc vụn vặt, viết những câu thơ mang vẻ tân kỳ nhưng sáo rỗng. Nhiều bài thơ quá sướt mướt, ủ ê (hình như với những người này không buồn thì không thành thi sĩ), nhiều triết lý đơn giản mà cứ ngỡ cao siêu. Ðây là một hiện tượng cần cảnh giác vì sự tồn tại của nó đồng nghĩa với sự dễ dãi trong lao động nghệ thuật của nhà thơ. Trong những năm đổi mới thi ca, sự xuất hiện của ba tập Di cảo thơ (Chế Lan Viên) là một hiện tượng độc đáo. Không phải bài thơ nào trong Di cảo cũng hay, nhiều bài thơ còn cho thấy tài năng xiếc chữ của nhà thơ nhưng có một điều hẳn ai cũng nhận thấy: Chế Lan Viên luôn có ý thức đổi mới thơ. Với ông, đổi mới là lẽ sống cao nhất của nghệ thuật.


4.

Quan sát thơ ca từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay dễ nhận thấy nhiều cây bút hụt hơi sau khi đã tạo nên được những ấn tượng thơ tốt đẹp ban đầu. Dường như còn thiếu một cái phông văn hóa thật dầy dặn ở những người cầm bút, nhất là ở những cây bút trẻ. Ưu thế của các cây bút trẻ là sự nhiệt thành, được đào tạo khá cơ bản nhưng sự trải nghiệm còn ít và khả năng tích hợp văn hóa còn mỏng nên khó bề tạo nên sự trường sức trong sáng tạo. Di cảo thơ Chế Lan Viên chính là một trường hợp đáng để ta suy nghĩ khi đổi mới thơ ca. Thêm một lần nữa ta thấy sự đổi mới nếu không triệt để thì chẳng khác gì cảnh đánh trống bỏ dùi. Dĩ nhiên, đổi mới không đồng nghĩa với tâm lý vọng ngoại, sùng ngoại. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chỉ một khi chúng ta biết tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc mình thì mới tạo nên một môi trường thuận lợi để xuất hiện những tài năng nghệ thuật lớn. Dù muốn hay không, trách nhiệm chính trong việc tạo nên cái mới, tạo nên một mặt bằng thơ ca hiện đại, thuộc về thế hệ trẻ. Chỉ có họ mới còn đủ thời gian và tài năng để lãnh trách nhiệm nặng nề này. Kết thúc bài viết này tôi chỉ muốn nhắc đến những con số: vào thời Thơ mới, những bậc tài danh thi ca thường chín ở độ tuổi đôi mươi; vào những năm chống Mĩ, những bài thơ của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Ðiềm , Hữu Thỉnh, Trần Mạnh Hảo… cũng hút người đọc ngay từ khi họ còn rất trẻ…Nói thế để thấy rằng nhiệm vụ làm mới thơ là công việc của tất cả các nhà thơ nhưng trước hết thuộc về đội ngũ những cây bút trẻ. Khó có thể nói trước ai trong số họ sẽ là những tài năng đích thực của thơ ca. Chỉ biết rằng chỉ một ai dám chịu sống hết mình trong cảnh "giời đầy", chỉ một ai dám vắt kiệt tài năng và tâm huyết mình cho thơ thì người ấy mới đủ sức tạo được những câu thơ vượt qua sự đãi lọc khắc nghiệt của thời gian.


Hà Nội, thượng tuần tháng 9.2002


© Talawas 2002