© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
23.3.2007
Trần Trọng Hoàng Bách
Lại xin lỗi nữa hay đã hết thuốc chữa?
 
1.

Đọc "Lời xin lỗi" của Phan Huyền Thư trong vụ "cây thơ Thanh Tâm Tuyền", tôi tò mò đảo chuột sang một cây thơ khác, cũng do nhà thơ nữ nặng lòng với sự nghiệp của một số bậc đàn anh này giới thiệu: "cây thơ Ngô Kha".

Quái lạ! Trí nhớ tôi lộn tùng phèo hết cả, hay cái tiếng hô của ông Hoàng Ngọc-Tuấn khiến đầu óc tôi mụ mẫm, nhìn đâu cũng thấy phường đạo tặc chăng? Cái nội dung mà tôi đọc được trên poster Ngô Kha của Phan Huyền Thư sao mà quen quen, nhưng lục lại bộ chứa thượng vàng hạ cám của mình từ hàng chục ngàn bài báo đã đọc cũng đâu phải dễ. Thú thật với các vị là trong tinh thần "quyết tử cho óc tò mò", sau một buổi sáng ròng rã tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra hòn đảo mà mình đã từng ghé qua rồi lại quên đi, vì thực ra nó cũng không có gì đặc biệt đến mức phải lưu vào máy. Nó ở địa chỉ này: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=50&article=49588, đề ngày 16/12/2005, với tiêu đề "Ngô Kha - ngụ ngôn một thế hệ", không đề tên tác giả. Bài của báo Quân đội Nhân dân đăng lại trên website báo Nhân dân.

Ta hãy lần lượt xem từng đoạn trong poster Ngô Kha của Phan Huyền Thư và so sánh chúng với bài trên website báo Nhân dân.

  1. Bài trên Nhân dân: "Người thắp lửa sân trường"

    Phan Huyền Thư: “Người thắp lửa sân trường"

  2. Bài trên Nhân dân: "tốt nghiệp thủ khoa khóa I (ĐH Sư phạm Huế 1958-1959), Ngô Kha theo học tiếp Luật khoa và từ năm 1962, anh dạy Văn và đạo đức tại các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo của Huế."

    Phan Huyền Thư: “tốt nghiệp thủ khoa khóa I (ĐH Sư phạm Huế 1958-1959), Ngô Kha theo học tiếp Luật khoa và từ năm 1962, anh dạy Văn và đạo đức tại các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo của Huế.”

  3. Bài trên Nhân dân: “Ngô Kha luôn dạy cho học trò ý thức tự tôn của một dân tộc. Ông Nguyễn Công Thắng- người học trò của Ngô Kha nhớ lại: '… thầy Kha hầu như chỉ bình luận thời sự, biến giờ học thành một cuộc đối thoại sinh động về ý thức công dân trong một xã hội nhiễu nhương, về dân chủ và cách mạng dân tộc, về chiến tranh và hòa bình.”

    Phan Huyền Thư: “Ngô Kha luôn dạy cho học trò ý thức tự tôn của một dân tộc. Một học trò của anh nhớ lại: "Thầy Kha hầu như chỉ bình luận thời sự, biến giờ học thành một cuộc đối thoại sinh động về ý thức công dân trong một xã hội nhiễu nhương, về dân chủ và cách mạng dân tộc, về chiến tranh và hòa bình."

  4. Bài trên Nhân dân: "Những thanh niên Huế tính cách vốn phẳng lặng như dòng sông Hương, nhưng sống trong ngục trần gian Mỹ-ngụy, trái tim và tâm hồn họ nổi sóng. Quán Bạn-một hội quán của văn nghệ sĩ, trí thức ngày ấy, là nơi tụ hội của văn chương thơ phú, âm nhạc, nhưng cũng là nơi tụ hội của những trái tim yêu nước..."

    Phan Huyền Thư: "Những thanh niên Huế tính cách vốn phẳng lặng như dòng sông Hương, nhưng khi cần, trái tim và tâm hồn họ sẵn sàng nổi sóng. Quán Bạn-một hội quán của văn nghệ sĩ, trí thức do Ngô Kha và Trần Quang Long lập nên năm 29 tuổi, là nơi tụ hội của văn chương, âm nhạc, nhưng cũng là nơi tụ hội của những trái tim yêu nước."

  5. Bài trên Nhân dân: "Năm 1964, địch đàn áp nhóm Quán Bạn. Cùng với nhà thơ Trần Quang Long, Ngô Kha bị địch bắt giam và được ghi vào sổ đen của những người bị chúng để mắt thường xuyên. Học sinh, sinh viên biểu tình đòi chính quyền "trả lại thầy giáo Kha cho chúng tôi", "Đả đảo bọn cướp thầy".


    Phan Huyền Thư: "Năm 1964, địch đàn áp nhóm Quán Bạn. Ngô Kha bị bắt giam và được ghi vào sổ đen của những người bị chúng để mắt thường xuyên. Học sinh, sinh viên biểu tình đòi chính quyền "trả lại thầy giáo Kha cho chúng tôi", "Đả đảo bọn cướp thầy".

  6. Bài trên Nhân dân: "Hai năm sau, vào năm 1966, quân đội Sài Gòn đẩy anh vào lực lượng động viên trù bị... Ngô Kha hụt hẫng đến tột độ, anh giam mình trong cô đơn và tự giết mình bằng nỗi cô đơn ấy. Những vần thơ của anh như là tiếng gào thét từ khước của những người bị đày vào cuộc:

    Con đã đi bao năm
    mẹ không rời ngưỡng cửa
    và nay
    gió cũng tang bồng
    nhưng thi sĩ vẫn nằm im trong nhà tù vĩnh cửu


    Phan Huyền Thư: "Hai năm sau, 31 tuổi, quân đội Sài Gòn đẩy Ngô Kha vào lực lượng động viên trù bị. Ngô Kha hụt hẫng đến tột độ, anh giam mình trong cô đơn và tự giết mình bằng nỗi cô đơn ấy. Những vần thơ của anh như là tiếng gào thét từ khước của những người bị đày vào cuộc:

    Con đã đi bao năm
    mẹ không rời ngưỡng cửa
    và nay
    gió cũng tang bồng
    nhưng thi sĩ vẫn nằm im trong nhà tù vĩnh cửu
    "



*


Thiết nghĩ không cần dẫn ra thêm nữa, chỉ cần tổng kết ngắn gọn rằng những chữ duy nhất thuộc sở hữu trí tuệ của Phan Huyền Thư trên tấm poster này là: (Ngô Kha) "Sinh năm 1935" và "Phan Huyền Thư giới thiệu". Tất cả các chữ khác thuộc bản quyền của tác giả bài trên báo Nhân dân. Tại đây, nữ sĩ của chúng ta đã không cần mất chút ít công sức như ở poster Thanh Tâm Tuyền, cô bệ nguyên xi cái của người khác vào làm cái của mình, như thể của... chùa vậy.

Câu chuyện này khiến tôi phải nhìn nhận vụ "cây thơ Thanh Tâm Tuyền" cũng như "Lời xin lỗi" của Phan Huyền Thư và những ý kiến chia sẻ cảm thông, thậm chí ca ngợi cô, dưới một ánh sáng khác.

Ở đây khó có lý do gì "nhạy cảm" để biện bạch hay cảm thông: Ngô Kha được "toàn Đảng toàn dân ta đồng tâm nhất trí" vinh danh là nhà thơ liệt sĩ với biết bao là phẩm chất cực kỳ an toàn cho người giới thiệu nhà thơ này trên sân Văn Miếu. Bài viết mà Phan Huyền Thư nhỡ tay cầm nhầm được đăng trên hai tờ báo thuộc loại "bố của chính thống", là báo Nhân dân và báo Quân đội Nhân dân. Mà nhân đây, cũng phải hỏi ngược lại về vụ Thanh Tâm Tuyền: Nếu tờ Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam sẵn sàng trích dẫn đích danh ông Đặng Tiến trong lời giới thiệu về Thanh Tâm Tuyền thì làm sao Phan Huyền Thư lại phải... giấu ông Đặng Tiến đi nhỉ?

Lại một lời xin lỗi nữa chăng? Hay cái bệnh chung của toàn xã hội Việt Nam hiện nay: "tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm" đã ngấm đến xương tuỷ của cả tầng lớp trí thức tinh hoa - giới văn nghệ sĩ – và đã hết thuốc chữa? Câu chuyện Phan Huyền Thư với hai tấm poster nói trên chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng. Vì thế khi phải nêu trường hợp của cô ra đây, xin được hiểu là tôi không có cắc cớ gì riêng với cá nhân cô cả.

Cũng nhân đây, xin được mách rằng đoạn sau đây của bài trên báo Nhân dân mà Phan Huyền Thư đã "trích dẫn không thương tiếc":

"xuất hiện như một ngọn cờ đầu, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn tuyên chiến với chế độ độc tài Mỹ-ngụy. Giọng thơ của Ngô Kha cũng thay đổi theo tư tưởng và hành động của anh, từ "Bài ca tự quyết" đến "Cho những người nằm xuống" rồi "Trường ca Hòa bình".

lại có nguồn gốc từ một bài báo khác, đăng trước đó 8 tháng:

"xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Mỹ ngụy. Những bài thơ mới của Ngô Kha lúc này là những khúc tráng ca mang đầy dấu ấn của thời cuộc: Bài ca tự quyết, Cho những người nằm xuống, Trường ca hòa bình..."

(Thái Ngọc San, Thanh niên 01/3/2005:
http://www.thanhnien.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=78355)

Ai "đạo" ai, thiết nghĩ đã rõ. Điều đáng lưu ý là hiện tượng đồ ăn trộm, nếu không bị phát hiện, cứ thế mà vô tư tuồn từ tay người này sang người khác.


2.

Cuối cùng là một điều không trực tiếp liên quan đến Phan Huyền Thư nhưng có thể là một câu hỏi về tư cách, quan điểm, thái độ của các nhà thơ được coi là trẻ và cấp tiến khi “có lòng” giới thiệu các nhà thơ đàn anh trên sân Văn Miếu vừa rồi.

Trong poster giới thiệu Hoàng Hưng, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết về lối rẽ trong cuộc đời của ông Hoàng Hưng như sau: “… ông không nhìn đời toàn mầu hồng nữa, ông kết bạn với những thành phần ‘phức tạp’, và đến năm 1982, vì một lý do ‘đáng tiếc’, ông phải bước vào trại cải tạo.”

Đọc đoạn ấy, một độc giả trong trắng có cách nào hiểu khác hơn hiểu rằng ông Hoàng Hưng đáng trách kia đã sa vào một môi trường “phức tạp” của những kẻ phạm pháp (cờ bạc nghiện hút chẳng hạn), rồi dĩ nhiên vì thế mà “đáng tiếc” phải đi cải tạo (nhân phẩm?).

Đoạn sau, như Nguyễn Vĩnh Tiến miêu tả tiếp, cho thấy ông Hoàng Hưng đã học tập cải tạo tốt, đạt được nhiều tiến bộ trong tù ra sao, rồi từ đó được ra tù và cuộc đời lại đẹp làm sao!

Không nói thì thôi, nói ỡm ờ như thế thì hỏi ích lợi gì, hỡi các nhà thơ trẻ và cấp tiến?

© 2007 talawas