© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Con đường xã há»™i - dân chủ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
24.3.2007
Mai Thái Lĩnh
Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh - Về nền tảng đạo đức Nho giáo
 1   2 
 
Đúng kỉ niệm 81 năm ngày mất của nhà văn hoá và hoạt động chính trị Phan Chu Trinh (24.3.1926-24.3.2007), chúng tôi hân hạnh giới thiệu tiếp phần III, là phần cuối trong loạt bài nghiên cứu của tác giả Mai Thái Lĩnh về Phan Chu Trinh, sau phần I “Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh - Về những nguyên tắc căn bản của chế độ dân chủ” và phần II “Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh - Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”.
talawas
Để xây dựng một chế độ chính trị-xã hội mới trên một đất nước có nền văn hoá lâu đời như ở nước ta, không thể bắt đầu từ con số không, cũng không thể khởi đầu bằng sự đập phá, đạp đổ di sản của cha ông để lại. Khác hẳn với những người cộng sản, và cũng khác với những người mác-xít có xu hướng cách mạng, Phan Châu Trinh là một nhà dân chủ - xã hội, nghĩa là một nhà xã hội chủ nghĩa có xu hướng cải cách. Mà muốn thực hiện cải cách thì trước tiên phải đánh giá lại một cách công bằng nền văn hoá cũ, phân biệt được một cách khách quan cái đượccái không được, cái haycái dở, để từ đó xây dựng nên nền văn hoá mới phù hợp với truyền thống và bản sắc của dân tộc, đồng thời theo kịp với đà tiến bộ của văn minh nhân loại.

Nhà cải cách Phan Châu Trinh đã bắt đầu công việc đó bằng cách đánh giá lại nền đạo đức truyền thống của nước ta. Tại sao lại bắt đầu bằng đạo đức? Ông giải thích như sau:

“Tôi chọn lấy vấn đề này, là vì tôi tưởng rằng từ xưa đến nay bất cứ dân tộc nào, bất luận quốc gia nào, dầu vàng, dầu trắng, dầu yếu, dầu mạnh, đã đứng cạnh tranh hơn thua với các dân tộc trên thế giới thì chẳng những thuần nhờ cái sức mạnh mà thôi, mà phải nhờ có đạo đức làm gốc nữa; nhất là dân tộc nào đã bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên khỏi bị người đè lên thì lại cần phải có một cái nền đạo đức vững chắc hơn dân tộc đang giàu mạnh hơn mình.” (NQT, tr. 476; NVD, tr. 928)

Như vậy, trong cuộc chạy đua trong thời đại mới, sức mạnh hàng đầu của một dân tộc nhược tiểu không phải là sức mạnh vật chất hay sức mạnh quân sự, mà chính là sức mạnh tinh thần, sức mạnh đạo đức. Một “nền đạo đức vững chắc” chính là cái gốc, là nền tảng cho dân tộc ta có thể “hội nhập” vào thế giới hiện đại mà không sợ thua thiệt, mà vẫn có thể cạnh tranh với các dân tộc khác. Chính con người làm ra của cải vật chất, chính con người cầm vũ khí để bảo vệ Tổ quốc của mình; nhưng cái làm cho con người thật sự trở thành con người lại chính là đạo đức.


Những điều cần gìn giữ trong di sản của Nho giáo

Để đánh giá lại di sản của Nho giáo, Phan Châu Trinh đã sử dụng hai khái niệm “đạo đức” và “luân lý”.

Theo ông, “đạo đức” bao gồm những nguyên lý căn bản của “đạo làm người”:

“Đã gọi là người thì phải có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cần, kiệm. Nhân là có lòng thương người, nghĩa là làm việc phải, lễ là ăn ở cho có lễ độ, trí để làm việc cho đúng, tín là nói với ai cũng giữ lời cho người ta tin mình mới làm được việc, cần là làm việc phải siêng năng, kiệm là ăn ở dành dụm trong lúc no để phòng lúc đói, lúc có để phòng lúc không v.v. Người có đạo đức tức là người đã ở trong đạo làm người vậy.” (NQT, tr. 478; NVD, tr. 930)

Ông cho rằng đạo đức là cái gì không thay đổi theo thời gian và không gian, và có giá trị phổ biến:

“Đạo đức đã như thế thì không có mới có cũ, có đông có tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng phải giữ đạo đức ấy mới là người trọn vẹn. Dầu nhà bác học xướng ra học thuyết nào khác nữa, dầu các chính thể khác nhau hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hoặc cộng sản nữa, cũng không tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức, nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được.” (NQT, tr. 478-479; NVD, tr. 930)

Nhưng đạo đức không chỉ là những giá trị tinh thần, những nguyên lý triết học để người ta chiêm ngưỡng hay tranh luận thuần tuý về mặt lý thuyết mà còn thể hiện trong thực hành qua một tập hợp bao gồm những quy tắc ứng xử, những mối quan hệ xã hội được gọi là “luân lý”. Theo Phan Châu Trinh, đạo đức không thay đổi trong khi luân lý lại thay đổi tuỳ theo văn hoá, tín ngưỡng, những điều kiện sống và những nhu cầu của xã hội:

“Luân lý thì không thế. Luân lý có thể thay đổi được luôn. Luân lý tuỳ mỗi thời mà khác, tuỳ mỗi nơi mà khác.” (NQT, tr. 479; NVD, tr.930)

Hiện tượng luân lý thay đổi tuỳ theo thời đại, tuỳ theo hoàn cảnh chính trị hay môi trường kinh tế-xã hội là hiện tượng rất dễ nhận thấy. Cùng là chữ hiếu nhưng vào thời xa xưa có bộ tộc sau khi cha mẹ chết, người ta ăn thịt cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo, trong khi ở nơi khác, làm như vậy là vô luân. Ngay như ở nước ta, cha mẹ qua đời phải chôn cất, xây mộ chứ không hoả táng như ở Ấn Độ; nhưng đến nay, hoả táng ngày càng được áp dụng rộng rãi và có thể trong tương lai sẽ thay thế dần cho phương pháp chôn cất. Ngày xưa, việc vua kết hôn là việc trọng đại, nhưng vào đời nhà Đinh, vua có đến năm bà hoàng hậu; trong khi các đời sau dù vua có bao nhiêu vợ cũng chỉ có một bà được phong làm hoàng hậu mà thôi. Đời nhà Trần, để bảo vệ ngai vàng, người trong họ được lấy nhau, trong khi đối với các đời sau, đó lại là chuyện loạn luân.

Từ những hiện tượng đó, ông đi đến kết luận :

“Người ta có thể thay đổi được luân lý mà không thể thay đổi được đạo đức. [1] Ấy luân lý và đạo đức khác nhau là thế. Nói cho rõ hơn thì luân lý như cái áo tuỳ người lớn nhỏ mà thay đổi, nhưng cũng không mất hình cái áo đi, chí như đạo đức thì như cơm, như nước, như đồ bổ dưỡng, cần cho mọi người, dẫu muốn thay đổi cũng không thay đổi được; thay đổi được thì là đạo đức giả.” (NQT, tr. 479; NVD, tr. 931)

Người ta có thể không đồng ý với Phan Châu Trinh về sự phân biệt hai khái niệm “đạo đức” và “luân lý” hoặc không tán thành quan niệm của ông về giá trị vĩnh cửu, phổ quát của các giá trị đạo đức. Nhưng bởi vì ông không phải là một nhà đạo đức học hoặc một triết gia, chúng ta có thể tạm gác lại việc tranh luận lý thuyết xung quanh những vấn đề này. Ở đây, chúng ta chỉ cần xem xét chủ ý của ông khi đưa ra hai khái niệm đó.

Như chúng ta đã biết, kể từ khi phát động phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh nuôi một hoài bão rất lớn: làm thay đổi toàn bộ nền văn hoá cổ truyền để đưa dân tộc ta đến với những giá trị mới mang tính nhân loại, giúp đất nước ta hội nhập vào thế giới văn minh hiện đại. Do đó, điều quan trọng trước hết là phải phân biệt cái cần bảo tồn, phát huy cái cần xoá bỏ triệt để trong di sản văn hoá truyền thống. Khi đưa ra hai khái niệm “đạo đức” và “luân lý”, ông muốn phân biệt “đạo đức”cái cần gìn giữ, phát huy với “luân lý“ là cái có thể thay đổi và cần thiết phải thay đổi để phù hợp với thời đại mới.

Đối với Phan Châu Trinh, những nguyên lý đạo đức, những giá trị đạo đức như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cần, kiệm… chính là những tinh hoa của Nho giáo đã làm thành “cái tính chất của dân tộc”. Trải qua quá trình lịch sử tiến hoá, những tinh hoa đó đã trải qua thử thách, kết tinh thành viên ngọc mài không mòn, thành sắt nguội đánh không vỡ, bền vững với thời gian, và ông tin rằng trong tương lai, khi hội nhập với thế giới, các giá trị đạo đức ấy vẫn cần thiết cho dân tộc ta:

“Đạo đức đây chỉ rằng: “Phàm đã là một dân tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một cái lịch sử chính đáng, thì phải gìn giữ những sự vẻ vang trong lịch sử của dân tộc mình”, nghĩa là gìn giữ lấy những đức hay tính tốt mấy trăm nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nước nào, dân tộc nào đối với mình cũng đem lòng kính trọng. Nói tóm lại, là một cái tính chất của một dân tộc đã trải lâu năm kết tinh lại như hòn ngọc mài không mòn, như sắt nguội đánh không bể thì mới gọi là đạo đức được.” (NQT, tr. 476; NVD, tr. 928)

Chính vì vậy, ông chủ trương “giữ gìn đạo đức Nho giáo” để tạo ra nền tảng cho công cuộc đổi mới; đồng thời “thay đổi luân lý Nho giáo” nhằm đưa nước Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, chuẩn bị điều kiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập vào thế giới văn minh, hiện đại.

Theo quan niệm của Nho giáo, đạo đức được thể hiện thành luân lý thông qua năm mối quan hệ của người đời là: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn; thường được gọi là ngũ luân. Luân lý cũng được thể hiện trong ba lĩnh vực từ hẹp đến rộng bao gồm: gia đình, quốc giaxã hội, mà nhà Nho tổng kết bằng câu: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” [2]

Phan Châu Trinh đánh giá rằng tinh hoa của đạo đức Nho giáo được tập trung trong lĩnh vực luân lý gia đình:

“Trên tôi đã nói luân lý của ta có năm mà thuộc về gia đình hết ba, nghĩa là cha con, anh em, vợ chồng. Nếu nói theo đúng trí tưởng luân lý từ xưa để lại mà làm cho đúng thì tưởng cũng không còn chỗ nào chỉ trích được.” (NQT, tr. 484; NVD, tr. 934-935)

Do đó, muốn khôi phục lại nền đạo đức cũ, trước hết phải khôi phục lại luân lý gia đình để làm nền tảng cho việc xây dựng một xã hội mới. Nhưng tại sao phải khôi phục lại luân lý gia đình trước khi tiếp thu đạo đức luân lý của Âu Tây? Về vấn đề này, ông phát biểu như sau:

“Có người hỏi luân lý ta mất thì ta đem luân lý của Âu châu về ta dùng hẳn có được không? Tôi xin trả lời rằng: không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?”

Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng cũng không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên sức lực bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy.” (NQT, tr. 505-506; NVD, tr. 954-955)

Nói “cứu chữa cây luân lý cũ” hay “khôi phục lại nền đạo đức cũ” của ta không có nghĩa là khôi phục lại luân lý gia đình y nguyên như xưa. Ngược lại, chúng ta phải biết gạn lọc, rút tỉa những gì cần gìn giữ, phát huy và những gì là cái cần phải loại bỏ. Bởi lẽ, trải qua chế độ quân chủ, luân lý gia đình của các nước Á Đông đã phần nào bị hư hỏng, không còn theo đúng tinh thần của đạo Khổng Mạnh nữa.

Có một số nguyên nhân làm cho luân lý Nho giáo thoái hoá, không còn theo đúng tinh thần của đạo Khổng Mạnh.

Nguyên nhân thứ nhất là do chế độ quân chủ chuyên chế lợi dụng luân lý gia đình để củng cố quyền lực của vua, qua đó làm hỏng luân lý gia đình. Để tăng cường quyền lực quân chủ, vua và tầng lớp quan lại đã đồng thời tăng cường vai trò của người cha, người chồng trong gia đình; nói cách khác là ách áp bức của triều đình được tăng cường thêm bởi ách áp bức của người cha, người chồng trong gia đình:

“Chẳng những vua quan chuyên chế mà thôi, họ còn lại lập mưu kéo cả kẻ làm cha, kẻ làm chồng vào cái cạm bẫy độc ác ấy nữa để cho tiện việc chuyên chế của bọn họ.” (NQT, tr. 484; NVD, tr. 935)

Hậu quả là gia đình trở thành nơi tập rèn tính nô lệ cho người dân Việt ngay từ nhỏ:

“Ta thử xem gia đình của ta bây giờ thì cha mẹ coi con như của, nói rằng của mình đã sinh ra [3] , mình muốn thế nào thì phải thế. Đại khái cha mẹ không muốn lo việc đời, thì cũng không cho con lo vệc đời, cha mẹ không muốn đi xa cũng không muốn cho con đi xa, cha mẹ muốn lòn cúi cửa ông lớn này, ông lớn nọ để con làm các sở cho vẻ vang thì cũng bắt con như thế, thật không còn gì là cho con một chút tự do. Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như các nhà nghèo dạy con thì tát, thì chưởi, thì đánh, rồi nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí chuyên chế trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.” (NQT, tr. 485-486; NVD, tr. 936-937)

Nguyên nhân thứ hai là trong khi thực hành luân lý Nho giáo, giới “thượng lưu” và “trung lưu” ở nước ta đã chú trọng hình thức mà xem nhẹ nội dung, biến lễ nghĩa trở thành một thứ hình thức trang trí, thậm chí trở thành “đạo đức giả”:

“Trong luật ta cho cha mẹ và chồng có quyền nhiều. Đạo cha con xem ra thì chỉ còn thấy những kẻ tay lấm chân bùn còn biết cắm cúi lo làm để nuôi cha nuôi mẹ, chí như bọn thượng lưu trung lưu thì ta không còn thấy đến chữ hiếu nữa.

Bọn ấy phần nhiều mượn những lốt lễ nghĩa rất kỳ khôi của bọn tà nho mang vào để che miệng thế gian, chớ không có chút gì gọi là hiếu là thuận cả. Nào là nằm đường, nào là chống gậy, nào là khóc mả, nào là ở dơ, nhưng kỳ trung có thương xót, có yêu dấu gì đâu [4] , chỉ đem một trò giả dối diễn ra trước mặt mọi người mà thôi vậy. Chẳng những bọn ấy giả dối trong khi cha mẹ họ tử hậu mà trong lúc sinh tiền họ cũng không ăn ở thật lòng.” (NQT, tr. 486; NVD, tr. 937)

Nhưng Phan Châu Trinh cũng nhận xét rất xác đáng rằng những thứ “luân thường đạo lý” mà bọn “tà nho” ở Trung Quốc và Việt Nam đặt ra một cách trái tự nhiên thì khi đem ra thực hành, người dân cũng đã tự mình sửa chữa một phần nào:

“Về đạo vợ chồng thì ta vẫn nói là “phu xướng phụ tuỳ” [5] , là “thiếp phụ dĩ thuận vi chính” [6] , hoặc “xuất giá tùng phu” [7] , song ta coi thì rút cục lại nhà nào thuận hoà tức là vợ chồng nhà ấy có đạo đức, có tính cách ngang nhau mới được thế. Nếu nhà nào vợ khôn hơn chồng thì vợ làm chủ. Xem đó thì cũng đủ biết rằng sự gì gây dựng ra không theo tính tự nhiên của loài người thì dẫu có quyền chuyên chế mạnh đến đâu cũng không buộc người ta theo được.” (NQT, tr. 486; NVD, tr. 937)

Tóm lại, theo ông, ưu điểm lớn nhất của đạo đức Nho giáo được thể hiện trong luân lý gia đình. Nhưng không thể giữ y nguyên luân lý gia đình như trước, mà phải gạn lọc lại hoặc thay đổi cho phù hợp với thời đại; và nhất là phải thuận theo “tính tự nhiên của loài người”. Ông tin rằng cái gì không hợp với lẽ tự nhiên, với nhân tính thì không sớm thì muộn cũng bị đào thải, dù áp chế đến đâu cũng không buộc người ta theo được.

Ông còn nhấn mạnh: khôi phục lại nền đạo đức cũ không phải là khôi phục những luân lý mang tính chất chuyên chế, mà là khôi phục lại những mối quan hệ trong gia đình phù hợp với “đạo đức trung dung” của Khổng Mạnh:

“Tôi cũng đã biết rằng muốn khôi phục lại nền đạo đức của một nước mà trăm việc đều đổ nát như thế này, không phải là việc dễ. Nhưng nay ta bảo rằng khó, không khôi phục lại nền đạo đức cũ thì biết bao giờ mới mở mặt được với người. Tôi nói đạo đức cũ không phải là con phải làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời nào cùng nước nào cũng được, không cổ, không kim, không Đông, không Tây như tôi đã nói đó vậy. Đạo ấy ở trong những câu: “Sĩ khả sát, bất khả nhục” (Giết người học trò được, mà làm nhục họ thì không được); “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu” (Giàu sang không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không buộc mình cúi đầu, được thế mới gọi là đại trượng phu) v.v. (NQT, tr. 507-508; NVD, tr. 956-957)


Đạo Khổng Mạnh và ý thức hệ Nho giáo

Theo Phan Châu Trinh, Nho giáo chân chính nằm ở đạo Khổng Mạnh nguyên thuỷ chứ không phải là thứ Nho giáo bị chuyên chế hoá đã được truyền bá vào nước ta từ thời Bắc thuộc và trở thành hệ tư tưởng chính thống kể từ thế kỷ 15. Bởi vì Nho giáo du nhập vào nước ta là thứ Nho giáo ở Trung Quốc đã bị biến dạng, thoái hoá kể từ sau đời nhà Tần.

Là một nhà hiền triết sống vào thời cổ đại, Khổng Tử chủ trương “quân dân tịnh trọng” (vua và dân đều trọng như nhau). Vua và dân đều cần có đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng phải suy từ lòng đó yêu thương dân như con đỏ vậy. Từ vua đến dân đều phải lấy việc “tu thân” (sửa mình, rèn luyện bản thân) làm gốc, điều đó thể hiện tinh thần bình đẳng giữa vua và dân. Theo Phan Châu Trinh, nếu áp dụng quan niệm đó một cách đúng đắn, người ta có thể tiến đến một thể chế “quân dân cộng trị” (vua và dân cùng nhau cai trị), tức là chế độ quân chủ lập hiến (monarchie constitutionnelle, constitutional monarchy):

“Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai nước trên đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng đã giảm bớt nhưng dân vẫn thương vua mà vua cũng vẫn yêu dân. Nước Nhật thì có kém thua nhưng đã theo chính thể lập hiến thì trước sau rồi cũng tới nơi vậy.” (NQT, tr. 499-500; NVD, tr. 949)

Phan Châu Trinh đặc biệt đề cao Mạnh Tử, với quan niệm: “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân quý hơn hết, đất cát thứ nhì, vua là nhẹ hơn cả). Ông gọi đó là chủ nghĩa dân chủ. [8]

Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy chỗ hạn chế của tư tưởng Khổng Mạnh:

“Đức Khổng đã nói rằng: Vua phải thương dân, dân phải thương vua, song nếu vua không thương dân thì dân phải làm sao? Tiếc thay! Ngài không dạy đến. Ông Mạnh cũng nói rằng: Dân quý mà vua khinh, nhưng ngày nay dân hỏi vua, vua bảo rằng vua quý mà dân khinh thì dân phải làm sao? Ông cũng không hề nói đến. Vậy cho nên từ khi Khổng Mạnh đã qua rồi thì dân Tàu cũng thế mà dân ta cũng thế, hễ họ vua nào hơn thì lấy được nước, họ vua nào thua thì mất nước; vua công minh [9] thì dân theo, vua tàn bạo thì dân giết, thành ra đời nào bền lắm là mấy chục năm, thay đổi tranh giành gây ra lắm cuộc trị, loạn làm cho giết hại lẫn nhau; cha giết con, con giết cha, anh giết em, em giết anh, vua giết tôi, tôi giết vua, không còn gì là đạo lý luân thường nữa.” (NQT, tr. 500; NVD, tr. 949-950)

Nói cách khác, Nho giáo tuy có mầm mống của tư tưởng dân chủ nhưng lại không sáng tạo ra được một cơ chế nào để hạn chế được sự chuyên quyền cũng như bảo đảm việc chuyển giao quyền lực từ đời này sang đời khác một cách công bằng, hợp lý; vì vậy hết trị lại tới loạn, từ triều đại này sang triều đại khác chủ yếu cũng dựa trên sức mạnh chứ không phải dựa trên lòng dân. Ngay cả những triều đại dựa vào dân để chống ngoại xâm thắng lợi thì ngay khi nắm được chính quyền cũng nhanh chóng rời xa dân, coi việc bảo vệ ngai vàng là trên hết. Đó chính là nguồn gốc sâu xa của những bi kịch như vụ án “Lệ Chi Viên” đã đem lại cái chết thảm khốc của nhà nho vĩ đại Nguyễn Trãi vào năm 1442.

Ở Trung Quốc, sau khi nhà Tần thất bại trong việc đàn áp Nho giáo, vương triều nhà Hán và các triều đại sau đó thay đổi chính sách, công kênh Khổng Mạnh lên và tìm cách lợi dụng Nho giáo. Kể từ khi trở thành hệ tư tưởng chính thống, Nho giáo đánh mất tinh thần “vì dân” của Khổng Tử, xa rời “chủ nghĩa thân dân” của Mạnh Tử, thoái hoá thành một thứ ý thức hệ bảo vệ ngôi vua, bảo vệ quyền quân chủ.

Trong bài nói chuyện “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, Phan Châu Trinh có nhận xét về thủ đoạn khôn khéo này của các vương triều Á Đông. Theo ông, chế độ quân chủ ở châu Âu bộc lộ sự chuyên chế một cách rõ ràng hơn, do đó không lừa dối được dân một cách lâu dài:

“Vua Âu châu ở xứ thượng võ, cho nên làm cái gì cũng hung hăng [10] mà ngay thực, cho đến sự độc ác cũng vậy. Lúc trước [11] muốn đè nén dân thì phải thông đồng với Giáo hội, bày đặt ra nói ông vua là ông Thần Trời, thay mặt cho Thần Trời, hay là Thần Trời hoá thành ra, nghĩa là ông vua không phải một loài với dân thì dân phải tôn kính ông vua. Nhưng mà những cái lẽ đó là cạn cùng giả dối [12] , chỉ có phỉnh dân ngu được một lúc mà thôi, cho nên sau rồi ở Âu châu cái dân quyền càng mạnh chừng nào thì quân quyền càng xếp lại chừng nấy.” (NQT, tr. 457-458; NVD, tr. 971-972)

Như chúng ta đã biết, ở châu Âu, lý thuyết “quyền của thần linh” (droit divin, divine right) giải thích rằng quyền lực của nhà vua bắt nguồn từ Thiên Chúa (Chúa Trời). Từ thế kỷ 17, Thomas Hobbes và sau đó là John Locke đã bác bỏ lý thuyết này. Cuộc tranh luận xung quanh vấn đề nguồn gốc của quyền lực chính trị vào các thế kỷ 17, 18 đã mở đường cho các lý thuyết chính trị mới đưa các nước Tây Âu và Bắc Mỹ vào thời đại dân chủ.

Nhưng vua ở Á Đông thì “khéo” hơn (xảo quyệt hơn). Các triều đại quân chủ tìm cách lợi dụng Nho giáo để lừa mị dân, củng cố cho quân quyền:

“Vua Á Đông thì họ không làm như thế. Họ lựa ở trong các lời nói của ông Khổng, ông Mạnh, hoặc ở trong các sách cổ những câu nói có nhiều nghĩa để họ dựa vào đó; họ lập ra pháp luật để bó buộc cai trị dân [13] ; cái ngôi vua thì gọi là con Trời, nhưng họ cũng cứ xưng họ là người, chẳng những họ không đứng ra ngoài cái hàng bà con của dân mà họ lại đứng vào cái hàng thân thiết của dân, như là ta nói “quân, sư, phụ”, lại thường nói “vua, cha, chồng”. Dù ở chốn hương thôn dốt nát không biết ông vua thế nào, nhưng mà họ thấy đứng vào hàng cha, thầy, chồng, thì họ cũng cho đứng vào đám thân thiết. Dân ngu thì họ cứ kính, cứ yêu [14] , chớ họ có biết đâu đến hồi giận của ông vua thì ông giết cả ba họ người ta.” (NQT, tr. 458; NVD, tr. 972)

Bên cạnh việc biến Nho giáo thành một ý thức hệ để bảo vệ quyền quân chủ, các triều đình Á Đông còn tạo ra một tầng lớp quý tộc dựa vào quan văn là chính, còn quan võ thì chủ yếu là những kẻ dốt nát:

“Dân bên Âu châu thượng võ, cho nên dòng quý tộc chư hầu phải có võ công mới lên được, mà đã lên được thì khó mất lắm. Còn bên Á Đông này, cái cánh [15] quý tộc lại chuộng thi văn, mà trong thi văn đó ai đậu mới được làm quan, ai không đậu thì thôi, bên quan võ thì chỉ hồi có giặc hay là hồi khai quốc mới có người tài thật, kỳ dư thi võ chức chỉ là để thưởng cho những người dốt nát. [16] Thí dụ như một người đi lính từ 20 tuổi đến 50 tuổi, thì thế nào cũng lên được chức lãnh binh, đề đốc, hưởng được cái mùi phú quý [17] ít năm, nghĩa là mình ăn ở miễn cho người ta đừng ghét là được. Ấy là cái mưu quân chủ rèn tập cái trí dân ở Á Đông làm cho khờ khỉnh.“ (NQT, tr. 458-459; NVD, tr. 972-973)

Nhưng chế độ quân chủ chỉ làm cho dân ngu chứ không thể làm cho nước ngoài ngu, do đó tạo ra được một chính quyền mạnh đối vối dân, nhưng lại yếu hèn, nhu nhược đối với nước ngoài:

“Có hay đâu giữ khéo thì dân trong nước không động đến ngôi vua của con cháu thật, nhưng mà ngoại quốc lấy thì dễ như chơi, bởi vì dân nó ngu! Nó không biết nước là cái gì cả. [18] Ta thử xem cái gương nhà Tống trước thì mất với Liêu rồi sau mất với Kim, rồi sau mất với Mông cổ, còn nhà Minh thì lại mất với Mãn châu, Cao Ly thì mất với Nhật, Việt Nam thì mất với Tây.

Thương hại thay trong hai nghìn năm các nhà vua chẳng ngó chi đến cái lợi hại dân tộc, chỉ lo tính toán mà đè nén cái trí dân, để mà giữ chặt cái chìa khoá tủ sắt ngôi Thiên tử cho con cháu mình. Nhưng mà có hay đâu, dân đã ngu thì nước phải yếu, vua quan lại nghênh ngang tham nhũng nữa, như thế tất loạn, loạn thì ngôi vua mất. Nếu dân ngu quá, yếu quá, không đủ dấy loạn được, thì các nước khác nó tràn vào, ấy là cái lẽ tự nhiên, làm gì thế nào cũng không khỏi mất. Cho nên xưa nay cái ngôi vua thay đổi luôn, cũng như cái ghế hạng nhất ở rạp hát vậy.” (NQT, tr. 460; NVD, tr. 973-974)

Do nhận định như vậy, cho nên Phan Châu Trinh công kích Nho giáo đời sau mà không công kích đạo Khổng Mạnh, tức Nho giáo chân chính. Theo ông, từ đời Tần Thuỷ Hoàng, đạo nho chân chính không còn nữa:

“Xét cái lịch sử quân chủ ở Á Đông này thì chúng ta biết rằng từ Tần Thỉ Hoàng về sau, các nước nói theo đạo Nho đó kỳ thật trong nước không có thi hành một chút đạo Nho nào, chỉ còn sót lại một hai điều ở trong gia đình mà thôi. Kỳ dư là những điều mấy ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén dân.” (NQT, tr. 457; NVD, tr. 971)

Đối với lịch sử của chế độ quân chủ ở nước ta, ông ca ngợi nhà Trần là một triều đại còn giữ được mối quan hệ tốt đối với dân:

“Trừ ra đời nhà Trần thì vua với dân gần nhau lắm. Con vua cũng đi chơi với con dân, những kẻ phụ lão đều được dự bàn việc nước, và những khi vua đã truyền ngôi cho hoàng thái tử rồi thì thường đi khắp dân gian xem xét phong tục, chính trị, để sửa sang lại cho hiệp với lòng ước vọng của dân; cho nên dân mến đức mà cảm phục, mấy lần tử chiến với giặc Mông Cổ, mấy phen hiệp sức để giúp nhà vua mới được thắng trận một cách vẻ vang như thế.” (NQT, tr. 488; NVD, tr. 939)

Trở lại với tinh thần “vì dân”, với “chủ nghĩa thân dân” của Khổng Mạnh chính là tạo tiền đề tiến đến chế độ dân chủ, bởi lẽ “đạo Khổng Mạnh”, tức Nho giáo chân chính, không đối lập với dân chủ hoặc với văn minh Âu châu:

“Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc rất thần hiệu để chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu châu về tức là đem đạo Khổng Mạnh về. Đạo Khổng Mạnh là đạo trung dung thường dùng như cơm nước thường ngày; như kính trọng cha mẹ, như thương người đồng loại, chớ không phải mê tín như các đạo khác. Thế thì đem văn minh Âu châu về đã không hại gì mà lại còn làm cho rỡ ràng [19] thêm đạo Khổng Mạnh ra.” (NQT, tr. 500-501; NVD, tr. 950)

Chính vì những lẽ đó, Phan Châu Trinh cho rằng đạo đức Nho giáo chân chính vẫn là cái gốc để dân tộc ta bước vào thế giới văn minh, vẫn là nền tảng để xây dựng chế độ dân chủ, sau đó tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội :

“Nếu ta giữ được một ít đạo đức của ta, thâu thái một ít đạo đức của Âu châu đem về hoà lại [20] , rồi khuếch trương luân lý ta ra cho có quốc gia luân lý, nghĩa là khiến dân Việt nam ai ai cũng đều biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được như thế thì chẳng những nước Việt Nam sau này giàu mạnh, mà trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dể ta như ngày nay nữa.” (NQT, tr. 508; NVD, tr. 957)


© 2007 talawas



[1]Bản của NQT in sót nửa câu làm cho câu văn tối nghĩa. Đoạn này tôi trích theo bản của NVD.
[2]Rèn luyện bản thân, quản lý tốt gia đình, cai trị vương quốc thành công, và làm cho cả thế giới được yên bình. Câu này tóm lược những nhiệm vụ mà nhà Nho phải thực hiện trong đời người, vốn là những ý tưởng rút ra từ “Đại học”, một trong bốn cuốn sách căn bản (Tứ thư) trình bày lý thuyết Nho giáo.
[3]Đoạn này theo bản của NVD. Bản của NQT ghi: “… nói rằng gia đình đã sinh ra…”.
[4]Đoạn này theo bản của NVD. Bản của NQT ghi “có yếu đuối gì đâu”
[5]Chồng xướng lên vợ nghe theo.
[6]Người vợ lẽ hay vợ chính đều lấy sự thuận theo chồng làm cốt yếu.
[7]Người phụ nữ theo quan niệm xưa luôn luôn phải lệ thuộc vào người khác: tại gia tòng phụ (ở nhà phải theo cha), xuất giá tòng phu (lấy chồng thì phải theo chồng), phu tử tòng tử (chồng chết thì phải theo con). Trong tiếng Hán-Việt, chữ tòng còn được đọc là tùng.
[8]Gọi là chủ nghĩa dân chủ có lẽ không đúng hẳn. Có lẽ nên gọi là chủ nghĩa thân dân, nhưng quan niệm “thân dân” của Mạnh Tử gần với chế độ dân chủ ngày nay hơn là quan niệm của Khổng Tử.
[9]Bản của NVD ghi là công bình (thay cho công minh)
[10]Bản NVD ghi “hung dữ” (thay cho “hung hăng”)
[11]Bản NVD ghi “Lúc trước những ông vua Âu châu muốn đè nén dân…”
[12]Bản NVD ghi “cạn cùng, giả dối”
[13]Bản NVD ghi “bó buộc cái trí dân”.
[14]Bản của NVD không có đoạn “Dân ngu thì họ cứ kính, cứ yêu...” Đoạn trích này giữa hai bản có nhiều chỗ khác nhau. Ở đây tôi dựa vào bản của NQT là chính.
[15]Bản NQT ghi là “cái cách quý tộc”. Bản NVD ghi “cái cánh quý tộc” có lẽ hợp lý hơn.
[16]Bản NVD ghi: “kì dư thì để thưởng những người lính dốt nát” (không có ba chữ “thi võ chức”).
[17]Bản NVD ghi “mùi quý tộc”.
[18]Bản NVD ghi “Nhưng có hay đâu giữ khéo quá thì dân trong nước nó ngu không động đến ngôi vua thật, mà các nước ngoài họ tới lấy thì dễ như chơi, nghĩa là dân nó ngu, nó không biết nước là cái gì nữa cả.”
[19]Bản NVD ghi “rõ ràng”.
[20]Bản NVD ghi “đem điều hoà lại”.