© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Há»™i thảo "Những chuyển Ä‘á»™ng trong thÆ¡ hôm nay" (Hà Ná»™i, 17.09.2002)
 1   2   3   4   5   6 
23.9.2002
Nguyễn Hoàng Sơn
Ðốt đuốc đi tìm nhà phê bình!
 
Theo tôi, từ 1945 đến nay, chúng ta không có những người phê bình thơ chuyên nghiệp. Nói thế nghĩa là trước đó, đã từng có, tuy thật hiếm hoi. Người xứng đáng với danh hiệu nhà phê bình thơ chuyên nghiệp ấy chính là Hoài Thanh. Thử hình dung (theo cách mà nhà báo Phạm Quỳnh giả định về quyển Truyện Kiều), nếu bỗng dưng kho sách quốc ngữ của chúng ta không có quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân thì sẽ ra sao nhỉ? Ðiều đó có nghĩa là một thời đại thi ca sôi nổi sẽ trôi tuột vào quên lãng, những tên tuổi như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử... sẽ khuất lẫn giữa vô vàn những nhà thơ hạng hai, hạng ba. Lớp người đọc hậu sinh là lũ chúng ta sẽ không được ai hướng dẫn, định hướng trong việc thưởng thức, bạ gì đọc nấy. May mà điều ấy không xảy ra! Tôi cho rằng rất nhiều công trình nghiên cứu về Thơ Mới sau này, cả những sách về thơ "hậu chiến" nữa, đều không vượt ra khỏi cái bóng của cuốn " Thi nhân Việt Nam". Kể cả những...công trình của chính Hoài Thanh! Ðây thực là một ví dụ về sự oái oăm của sáng tạo, giải thích được nó không phải dễ. Những năm bảy mươi, quá ngán ngẩm về những tuyển thơ hiện đại dày cộp nhưng tiêu chí tuyển chọn chỉ là chức vụ và lí lịch của nhà thơ chứ không phải chính thơ, tôi thường vẩn vơ tự hỏi vì sao Hoài Thanh không dành những năm tháng cuối đời để làm những cuốn sách có thể tiếp nối được cái mạch đã khơi lên từ 'Thi nhân Việt Nam"? Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình đã vì yêu mến Hoài Thanh, vì sốt ruột với thi đàn mà có một đòi hỏi thật không tưởng! Chính Hoài Thanh, khi làm Tuyển Tập cho chính mình, vẫn còn phủ định cuốn sách quan trọng nhất của đời mình, cho rằng "nó sai từ căn bản, nhiều ý kiến tưởng đúng mà cũng vẫn sai" (đại ý như vậy) kia mà!

Còn các nhà phê bình khác thì sao? Người làm được nhiều việc nhất cho thơ trong 30 năm Dân chủ Cộng hoà ( 1945-1975) không phải ai khác mà là Xuân Diệu. Trước năm 1945 ông đã có những bài tiểu luận xuất sắc về Tản Ðà, về Thanh niên với Quốc văn, nhưng phải đến kháng chiến chống Pháp, nhất là từ khi hoà bình lập lại trên miền Bắc, đóng góp trong mảng phê bình giới thiệu thơ của ông mới thật nổi bật. Ông cần cù gom nhặt từng câu thơ, thậm chí chỉ một hình ảnh nên thơ, một giọng nói mới từ những trang bích báo của đại đội đến những "hiện tượng một bài", lẻ tẻ, rải rác ở các địa phương, trong khói lửa chiến tranh. Những thi sĩ do ông phát hiện qua các cuộc thi thơ lớn mà ông thường ngồi ghế chủ khảo, hầu hết đều trở thành nhà thơ đích thực, không phải hạng ăn may, sớm nở tối tàn! Các nhà thơ cổ điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...cũng nhờ ông mà rũ được lớp bụi thời gian phủ dày, sống dậy, tiếp tục đồng hành với chúng ta. Chế Lan Viên đánh giá " một mình Xuân Diệu làm việc còn hơn cả một Viện Văn học" không phải là quá đáng! Tất nhiên Xuân Diệu có những sai sót, nhất là bảo thủ, điều mà bất kì một cây bút lớn nào cũng không tránh khỏi. Vì bảo thủ nên ông không thấy được cái mới trong thơ tự do, thơ không vần của Nguyễn Ðình Thi. Xuân Diệu cũng rất dè dặt với những tìm tòi, tung phá (còn rất ít ỏi) của lớp trẻ. Ông chỉ "bắt" được những tiếng thơ nào cùng tần số với ông. Nhưng ông lại khá rộng rãi, nhạy cảm với các nhà thơ nước ngoài có bút pháp mới lạ, tân kì, chẳng hạn Nadim Hitmét, Aragông, Nêruđa...Cộng vào rồi trừ đi, Xuân Diệu vẫn có số dương rất lớn. Theo tôi, không thể tưởng tượng thi đàn trước 1945 mà thiếu vắng Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, cũng không thể tưởng tượng thi đàn sau 1945 mà thiếu vắng những công trình của Xuân Diệu với tư cách nhà phê bình. Chế Lan Viên cũng có nhiều đóng góp ở mảng này nhưng còn lâu mới so sánh được với Xuân Diệu.

Nói như vậy thì chắc nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp tự ái nhưng sự thật là như vậy. Có những nhà phê bình có ý thức lấy phê bình thơ làm sự nghiệp, muốn ôm trùm cả một giai đoạn, một dòng thơ nhưng chưa đủ sức thuyết phục người sáng tác, càng chưa đủ sức gây ấn tượng lâu bền với bạn đọc. Những mệnh đề rất đúng, rất chuẩn xác như "tiếng reo vui từ cuộc sống", "nhà thơ chiến sĩ"...không được vận dụng thoả đáng với các nhà thơ có cá tính khác nhau, đặc điểm sáng tạo khác nhau, vì thế gây nên sự nhàm chán, đôi khi là phản cảm của người đọc. Nhà phê bình không đồng hành với người sáng tạo, không phải là tri kỉ của họ, không đủ sức bàn bạc về những tác phẩm thơ cụ thể với người đọc, nhân rộng hơn cái hay, cái đẹp của thơ, cảnh báo kịp thời những khuynh hướng tìm tòi vô vọng. Sau khi Xuân Diệu mất, có thể nói các cuộc thi thơ thiếu người cầm cân nảy mực đủ tầm cỡ, đôi khi lăng xê những tên tuổi thiếu sức thuyết phục, có cảm tưởng rằng ai lãnh giải cũng được!

Sang thời đổi mới, cùng với sự bùng nổ của báo chí, tự do ngôn luận được nới rộng, các cây bút vốn tự coi là phê bình thơ chuyên nghiệp bỗng dưng lảng tránh việc định giá các thi phẩm mới ra đời, chỉ chăm chăm vào những tên tuổi đã được khẳng định như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Ðấy là một biểu hiện thiếu bản lĩnh, cầu an, hoặc là sự hoang mang khi những tiêu chí phê bình vốn được coi là "thiên kinh địa nghĩa" đã không còn là chỗ dựa tin cậy. Nhưng phê bình, giới thiệu thơ vốn là nhu cầu tự thân của thi đàn, cả từ phía người sáng tác lẫn người thưởng thức. Khi các nhà phê bình lảng xa thì các nhà thơ, noi gương Xuân Diệu, phải tự làm lấy việc "tiếp thị" sản phẩm của mình. Chính các nhà thơ như Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo, Ðỗ Minh Tuấn, Trần Ðăng Khoa, Trúc Thông, Anh Ngọc, Vân Long, Trịnh Thanh Sơn, Hoài Anh...đã khiến cho làng phê bình thơ mấy năm qua không đến nỗi đìu hiu! Cái được của họ là làm cho công chúng quan tâm hơn đến thơ, sách phê bình giới thiệu thơ thường là bán chạy hơn chính các tập thơ! Nhưng cái chưa được của họ cũng chính là cái chưa được của Xuân Diệu: nhà thơ nào cũng chỉ nhân danh quan niệm thơ của mình, nhân danh trường phái của mình để phát biểu. Nghĩa là cũng chỉ bắt được một tần số nào đó, ít có có cao vọng và đủ khả năng vươn lên tầm khái quát cả một nền thơ. Vì chỉ khư khư ôm giữ quan niệm của mình và trường phái mình nên các nhà thơ- phê bình rất hẹp hòi. Cuộc tranh cãi xung quanh hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều là một ví dụ điển hình. Theo tôi Nguyễn Quang Thiều là một hiện tượng mới về chất trong sự phát triển của thơ tiếng Việt. Cái giải thưởng Hội Nhà văn 1993 mà Thiều nhận được là một trong những giải thưởng hiếm hoi mang tính phát hiện, bên cạnh rất nhiều giải thưởng thường mắc những căn bệnh dựa dẫm, cầu an, tệ hơn nữa là xôi thịt mà muốn đưa ra một ví dụ không khó. Vậy mà sau khi Nguyễn Quang Thiều được giải, kẻ nói xuôi, người nói ngược, đến nỗi nghe nói có vị giám khảo còn tỏ ra sám hối (?). Những người phản đối Nguyễn Quang Thiều lấy những thước đo rất cũ và hoàn toàn không thích hợp để đo đạc, phẩm bình những bài thơ rất mới mẻ, giàu cảm xúc và vô cùng độc đáo trong diễn đạt của Nguyễn Quang Thiều. Có vẻ như cả người khen lẫn người chê đều chưa hiểu Thiều, mỗi khi động đến hiện tượng này người ta đều khôn ngoan gắn với những chữ trung tính 'tìm tòi, thể nghiệm". Ðến nỗi chính nhà thơ này phải kêu lên : Tôi năm nay đã 45 tuổi rồi, in năm, bảy tập thơ rồi, còn thử nghiệm đến bao giờ nữa! Phải cho tôi cái quyền có cái giọng thơ của tôi chứ! Trong khi đó thì, không ồn ào , ảnh hưởng của Nguyễn Quang Thiều đến nhiều người viết trẻ là điều có thể thấy được. Chỉ một thí dụ này cho thấy thi đàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, thiếu vắng đến đâu một nhà phê bình đủ quyền uy, đủ sức định hướng dư luận, giúp đỡ cả cho người sáng tác và người thưởng thức. Những bài phê bình thơ trên báo gần đây, hầu hết là của các nhà thơ, chưa vượt qua tầm một bài đọc sách, nặng về nhấm nháp một câu, một chữ nào đó, rất nhiều khi là vì nể nang, vì cảm tình cá nhân mà viết, làm tăng thêm sự rối loạn trong nhận thức, thẩm định thơ. Cần phải có những nhà phê bình thơ chuyên nghiệp, say đắm mà tỉnh táo, công tâm, trung thực, đôi khi còn phải dũng cảm nữa. Nhà phê bình ấy ở đâu, chúng ta còn phải đốt đuốc đi tìm!
16/9/2002

© Talawas 2002