© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Há»™i thảo "Những chuyển Ä‘á»™ng trong thÆ¡ hôm nay" (Hà Ná»™i, 17.09.2002)
 1   2   3   4   5   6 
17.9.2002
Linh SÆ¡n
Ðám ma bác giun
Tường thuật buổi Hội thảo
 
Tôi biết, thế nào rồi lũ kiến cũng giận tôi vì sự ví von này! Ngay bản thân tôi thấy nó cũng không ổn. "Bác" đối với "Nàng" thì cứ coi là được đi, nhưng "Giun" đối với "Thơ" thì quả tình không chỉnh. Tất nhiên, để cho nhã hơn, có thể ví buổi hội thảo Những chuyển động trong thơ hôm nay của Hội Nhà văn Hà nội như Ba tiểu lễ mà thầy Balaghe đã ăn bớt đêm Giáng Sinh năm nào. Cũng những gương mặt ngơ ngác, cũng kẻ này hỏng thì kẻ khác lại bái, kẻ này đứng thì kẻ kia lại ngồi, câu kinh nghe nhầm lẫn lung tung... ấy. Buổi hội thảo có trên một trăm nhà thơ ở lứa tuổi U-70, quay đi quay lại mãi mới thấy có Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Bảo Chân... là còn thuộc câu lạc bộ 30/40, nhưng cũng bị đẩy vào co rúm giữa một đám cổ thụ hoa râm.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, chủ toạ cuộc Hội thảo, ngay từ đầu đã làm cử toạ chưng hửng khi than thở rằng một hội thảo về thơ hôm nay là "phức tạp lắm, nhưng cũng phải cố mà làm". Cố thì cũng được, nhưng sao phải cố thế cho khổ? Hơn nữa, cũng theo như chủ toạ, mục đích chính của cuộc Hội thảo là xới lên vấn đề, tức là xới rồi bỏ đó như bất cứ cuộc hội thảo nào, vậy có gì mà phức tạp? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, đồng chủ toạ, tuyên bố cả thẩy có 13 (đúng là con số xui) tham luận sẽ được đọc và khẩn thiết yêu cầu các nhà thơ phát biểu ý kiến tranh luận.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp của Viện Văn học đọc bài tham luận đầu tiên nhan đề "Những ngả đường sáng tạo của thơ ca", một bài viết có tính chất khái luận khá công phu theo tinh thần ta thắng địch thua, miền Bắc được mùa miền Nam thắng lớn. Thơ, nói chung, phải đổi mới, tất nhiên, cũ cũng hay, tất nhiên, thanh niên ta nói chung là tốt, tất nhiên, còn nhiều bất cập trong việc đánh giá, thẩm định. Tóm lại, tiến sĩ Điệp cho rằng, muốn nói thế nào về thơ Việt Nam hôm nay cũng được, bảo nó đi lên, đi xuống hay đi ngang thì đều đúng cả.

Nhà thơ kiêm nhà lý luận kiêm nhà báo Nguyễn Hoàng Sơn đọc bài tham luận kế tiếp có cái tên rất kêu là "Đốt đuốc đi tìm nhà phê bình thơ". Thơ ca, theo ông, đang lụn bại vì thiếu nhà phê bình có con mắt xanh. Khác với mấy mươi năm trước - tham luận của ông trình bày - khi thơ ca Việt Nam có Hoài Thanh và Xuân Diệu, những người có vai trò lớn trong việc tìm kiếm các mầm non thơ ca, thì ngày nay, chắc có trục trặc về gen, nên những nhà phê bình có đôi mắt xanh đều đi đâu mất cả. Giống như tất cả các tham luận của các nhà lý luận văn học Việt Nam được đào tạo một cách bài bản khác, ông cẩn thận không đi xa quá hai nhà phê bình thơ lỗi lạc của quá khứ, cẩn thận dừng lại ở những chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", tất nhiên có trách nhẹ các ông kia không "vị nghệ thuật cả cuộc đời" một chút cho đúng tinh thần phê phán hiện đại.

Nhà thơ Thảo Phương, đại diện duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu một cách rất nhiệt huyết về vai trò, vị trí của nhà thơ Việt Nam hiện đại. Theo chị, thơ chả cần phải đổi mới, vì đổi mới làm gì, mình có mới bây giờ thì một trăm năm sau cũng thành cũ(!) Lý luận của chị quả thực còn đáng kinh ngạc hơn trí tưởng tượng của chị, cho nên sau đó, khi chị tự tin tuyên bố "hiện nay, nhà thơ là cái rốn của xã hội, mọi thay đổi của xã hội đều được nhà thơ cảm nhận", thì mọi người không còn sức để ngạc nhiên nữa. Tuy vậy, chị cũng đã hoàn thành xuất sắc việc đọc tham luận của nhà thơ đồng hương Trần Tiến Dũng, "Vật liệu của cảm xúc", một tham luận tuy hơi đơn giản, nhưng chân thành và trong sáng.

Phát biểu tiếp theo của nhà thơ Dư Thị Hoàn, "Tôi nghiêng mình kính phục họ", làm cho chủ toạ loay hoay như ngồi trên đống lửa. Đọc tham luận ngân nga như hát, nhả nắn nót từng chữ như biểu diễn ca trù, nhà thơ cho rằng, những nhà văn nhà thơ thuộc thế hệ mình gặp thời, nên tác phẩm vừa ra đời đã được đón tiếp niềm nở. Ngày nay, các nhà thơ trẻ, đặc biệt là Vi Thuỳ Linh, mới ra đã gặp nhiều cơn hung hiểm. Trong tham luận có đả động đến ông Tấn Phương của Ban Văn hoá Tư tưởng, người mà theo nhà thơ, đã cho tác giả trẻ Vi Thuỳ Linh "lên thớt" trong một cuộc họp mặt có hơn 500 văn nghệ sĩ đất Cảng; ngoài ra còn vô số từ huý như hải ngoại, bất mãn, v.v... và v.v... Thế là ồn ào hết cả lên! Nhà thơ Vũ Quần Phương, bứt rứt ngay từ đầu, thấy mình có trách nhiệm ổn định trật tự bằng việc kêu gọi không nên cực đoan. Đại ý ông nói rằng thì là ông không khen không có nghĩa là ông lạc hậu cổ hủ, mà chỉ vì ông không thấy hay, nếu thấy hay thì ông hẹp lượng gì mà không khen, rằng phải phân định rạch ròi cái mới hay và cái mới dở và v.v... và v.v...

Sau phát biểu của nhà thơ Vũ Quần Phương, không khí của buổi Hội thảo lập tức quay về với không khí của một buổi hội thảo chính tông nhà nước, nghĩa là không đi đến đâu cả. Người ta điệu một ông Tú Văn Trần Lê Văn lên diễn đàn phều phào kể về kinh nghiệm làm thơ bẩy mươi năm trước, một ông Xuân Dục dậy dỗ các nhà thơ trẻ làm thơ với một volume gấp đôi mức bình thường khiến nhiều nhà thơ phải dạt ra ngoài cửa, một ông Thế Hùng hùng dũng kết tội những nhà thơ có tội "thèm chồng" là sa đoạ khiến nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phải cố len vào giữa hai phát biểu của nhà thơ Chử Văn Long và nhà thơ Trúc Thông để cãi lại cho hả giận. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hối thúc các nhà thơ trẻ phát biểu, nhưng không có ai chịu ra điều. Ai cũng nhìn ra cửa và nghĩ về một cõi mung lung nào đó, tất nhiên không phải cõi thơ.

Cuối cùng rồi cũng xong. Tất nhiên không có ai cuồng lên mà hô "Thoát rồi! thoát rồi!" như trong một truyện ngắn của Henry Troyat, nhưng mọi người đều đồng ý biểu quyết thầm nên kỷ niệm công cuộc tìm đường của các nhà thơ từ sáng tới giờ bằng một chầu bia hơi "vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc". Các con đường cuối cùng đều đổ về một nơi, và từ nơi ấy, các nhà thơ lại thảo luận rôm rả, rôm rả hơn hẳn trong cuộc Hội thảo, về những con đường của thơ ca hiện đại.

© Talawas 2002