© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
29.3.2007
Nguyễn Hiếu
Thời cửu vạn, ôsin
 
Chưa bao giờ hiện tượng cửu vạn, ôsin lại phổ biến như bây giờ. Người làm công tạm cư có mặt đầy rẫy khắp nơi trên thế giới từ nước nghèo đến nước giàu. Họ được mang những tên khác nhau như làm công nhật (day laborer), làm tạm cư (migrant worker), làm hợp đồng, làm khoán. Họ từ thôn quê lên thành thị, tạm trong lúc giữa mùa hay suốt cả năm. Họ từ nước này sang nước nọ, theo hợp đồng hoặc đi chui. Họ khác nhau về màu da, tiếng nói, nhưng cảnh ngộ đều như nhau. Cảnh nghèo!

Lần đầu tiên về Việt Nam năm 1993 tôi được nghe đến từ “cửu vạn” [1] , hoàn toàn xa lạ với người sinh trưởng ở miền Nam và cắt đứt với dòng sống đó gần 15 năm, rồi được giải thích gốc rễ của từ ấy. Năm 2004, tôi viếng cảnh Sapa ngồi nói chuyện với một cô bán khoai lùi, nếp nướng, cô nói không ngừng nhờ giúp đưa vào Sài Gòn làm “ôsin”, như thể đó là phép màu ra khỏi tình cảnh bế tắc. Tôi nghe và ngầm hiểu theo ngữ cảnh trong câu chuyện và sau này tìm hiểu thêm mới biết Ôsin là tên một cô gái trong một phim truyện nhiều tập của Nhật Bản một thời được chiếu trên truyền hình Việt Nam. Ngày xưa khi tôi nghe nói về cuộc sống của những người phu khuân vác ở bến tàu, những người làm cu-li thời Pháp thuộc, những người ở đợ cho điền chủ là điển hình cho giới cùng đinh, thấp kém, bị bóc lột trong xã hội. Ai ngờ qua thế kỷ 21 những người đó nhiều như những đạo quân. Chỉ riêng Trung Quốc, trong thống kê 2003 có gần 113,9 triệu lao động tạm cư với tỉ lệ 23,2 % tổng số lao động vùng quê. [2]



Tại Hoa Kỳ, họ có mặt trong các tiểu bang tập trung vào nông nghiệp, gia súc, xây cất, và dịch vụ không chuyên môn. Đến các nông trại ta thấy họ làm công việc lượm, hái, đóng thùng, chất rau quả. Đến các lò súc sanh gà, heo, bò, họ làm công việc bắt, chặt, gói thịt. Đến các công trường xây cất họ làm việc đào, xúc, khuân, đổ. Đến các nhà ăn họ làm việc dọn, rửa, lau, chùi. Đến các chợ họ làm khuân vác, sắp xếp, dọn dẹp. Đến các trung tâm vật liệu xây cất, sửa sang nội thất ta thấy họ quần áo xộc xệch, ba lô cũ kỹ đứng, ngồi, tập trung ở một góc bãi đậu xe, chờ đợi một cánh tay vẫy đến đón về làm công.

Ở Dubai, một trong bẩy thủ hiến tự trị của Liên hiệp Ả-rập (United Arab Emirates), đổ đồng cứ mỗi công dân quốc gia này là có tám người làm công tạm cư chủ yếu đến từ các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông. Họ làm tất cả mọi việc từ trong nhà ra ngoài đường, giao sữa buổi sáng, lau chùi bệnh viện, dọn đổ rác, giữ trẻ, nấu ăn, đổ móng, sửa ống nước, cắt tóc, v.v… ngoại trừ các việc làm ở công sở chính quyền. Nói chung những công việc nặng nề nhất, dơ nhất, nguy hiểm nhất.

Số phụ nữ đi làm ôsin trong nước và xuyên quốc gia cũng không kém gì lực lượng cửu vạn. Đấy là một phương thức giảm đói, một hy vọng và con đường duy nhất thoát nghèo, vì không phải ai cũng có đủ tiền, trí óc, và kiên nhẫn để mua vé cho chuyến xe học vấn ra khỏi tầng lớp nghèo. Số vốn cỏn con nếu có thì cũng để dành ưu tiên cho con trai, còn con gái phải lượm mót phần sót lại. Trong thế giới phụ hệ, phân chia lao động theo giới tính, thì phụ nữ lãnh đủ. Phụ nữ chiếm một nửa của nhân loại, nhưng vẫn là thành phần nghèo nhất của giới nghèo. Họ đóng góp khoảng 2/3 công việc trên thế giới nhưng chỉ được 1/10 lợi tức thu nhập. Họ sở hữu ít hơn 1/100 tổng tài sản. [3] Phụ nữ không chỉ bán sức lao động mà ngay thân thể họ cũng bị dùng như món hàng. Không biết bao nhiêu gia đình đã đem con gái gả, bán, chuộc nợ, gây vốn “hy sinh” cho gia đình (anh trai, em trai, ông bố). Một trong những hệ quả của cửu vạn, ôsin là cấu trúc gia đình, nền tảng của xã hội bị phá vỡ. Con cái của họ phần lớn bị tách rời không thể theo cha mẹ vì điều kiện cư trú, hộ khẩu và phải ở lại với ông bà nơi thôn quê. Ảnh hưởng tâm sinh lý do sự cách biệt đó lâu dài không lường. Vợ hoặc chồng xa cách quá lâu dẫn đến tình cảm nhạt mờ hoặc nhu cầu sinh lý, cô đơn đẩy vào liên hệ ngoại hôn.

Đã qua rồi một thời lo âu (age of anxiety) của thế kỷ 20 và bây giờ là thời sợ hãi (age of fear) của thế kỷ 21. Không còn nữa những lo âu, bất ổn về đối nghịch giữa đế quốc, thuộc địa, tự do, phát xít, và cộng sản. Đây là thời chấm dứt của ý thức hệ (the end of ideology). Cộng sản suy thoái rơi vào thùng rác của lịch sử để còn lại duy nhất một nền kinh tế thị trường của tư bản toàn cầu xuyên quốc gia. Không còn ý thức hệ nên hầu hết các nhà lãnh đạo, chính trị gia sẵn sàng quên (hay từ bỏ) lý tưởng phục vụ xã hội, quốc gia và gắn cho mình chiếc cầu vai thực dụng (pragmatist) để có chân trong thiểu số đặc quyền tư bản. Vấn nạn của thế kỷ này là tư bản toàn cầu và độc tài toàn trị. Cái nào cũng đáng sợ nhưng sợ hơn là khi cả hai liên kết với nhau và người dân “một cổ hai tròng” như theo mô hình Trung Quốc mà Việt Nam nhại lại. Một mặt độc tài toàn trị tạo giai cấp lãnh đạo cai trị với đặc quyền, đặc lợi, không giới hạn, không kiểm soát, trù dập dân chủ, giới hạn tự do. Mặt khác kinh tế thị trường lũng đoạn bởi tham nhũng, co cụm phúc lợi xã hội công cộng, tư nhân hóa giáo dục và y tế công cộng dẫn đến bất công xã hội, đào sâu cách biệt giàu nghèo, gia tăng nghèo đói. Giới lãnh đạo cai trị gián tiếp hay trực tiếp làm nhiệm vụ cò mồi móc túi. Mặt nổi của kinh tế thị trường đầy hàng hoá sung túc không lấp được một nỗi sợ bao trùm. Nhà nước sợ người dân có tự do, dân chủ phản kháng với độc tài toàn trị. Người có tiền do tham nhũng sợ bị tố, hất cẵng. Người làm ăn chân chính sợ sách nhiễu thuế má, vòi vĩnh. Tài xế sợ công an giao thông ghi phạt, giam xe, rút bằng vô lối. Hãng xưởng sợ bị mất giao kèo. Bệnh nhân sợ vào bệnh viện bị đối xử phân biệt nếu không có tiền mặt hoặc bảo hiểm. Học sinh sợ thi không đạt nếu không học tư thêm ngoài giờ. Người làm sợ bị mất việc và giai cấp lao động tê liệt không phản kháng. Một nỗi sợ về tương lai bất ổn, cản trở các toan tính hợp lý, nhất là niềm tin và hy vọng vào tương lai để có động lực chống lại những điều kiện quá quắt không chấp nhận được hiện thời. [4]

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quái thai sanh ra từ con cái “tư bản toàn cầu bóc lột” dưới nhãn hiệu tự do và con đực “độc tài toàn trị” trên chiêu bài xã hội chủ nghĩa. Dưới chính sách kinh tế hiện nay, tư sản chân chính bị đè bẹp và tư bản đỏ thống trị dẫn đến phân hóa xã hội trầm trọng. Mở rộng thị trường để tự do cạnh tranh, chèn ép, và lừa đảo. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thời là môi trường cho lừa đảo và công cụ rửa tiền (biến tiền làm ăn phi pháp, tham nhũng thành tiền chính thức) tiện nghi hợp pháp. Đó cũng là một sòng bài hợp thức hoá làm tán gia bại sản như phong trào “chim cút”, “nuôi chó”, trong đó mơ ước hão huyền từ vốn liếng nho nhỏ ăn theo bị cuốn mất trong mê man của cơn sốt bệnh hoạn. Cái bong bóng xà phòng màu sắc lung linh ấy vỡ ngay sau khi lơ lửng vài giây. Không biết định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào nhưng nhà cửa, đất đai của người dân bị trưng mua bồi hoàn với giá vất đi trong khi đất công hữu thì hoặc chia năm xẻ bẩy vào tay riêng hoặc chuyển nhượng cho giới đầu tư với bao bì đút túi. Nhà nước càng ngày càng tư hữu hóa những cơ chế công cộng căn bản góp vào phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, giao thông để dân nghèo phải nhịn cơm mua thuốc, bỏ học đi làm, mất phương tiện di chuyển mưu sinh.

Tại sao đội ngũ cửu vạn, ôshin tăng trên đà gia tốc trong khi chỉ hơn hai chục năm về trước số người làm công nhật lẻ tẻ, rời rạc không tập trung như bây giờ?

Cửu vạn và ôsin là nô lệ thời hiện đại vì “chủ nhân không cần phải chiếm hữu nô lệ mà chỉ cần mướn nô lệ” [5] . Không cần phải đô hộ chiếm đóng về không gian địa lý hoặc về thân thể, mà qua trung gian của thị trường. Kỹ nghệ hoá tạo thặng dư lao động và giới vô sản sẵn sàng cạnh tranh, giành giựt lẫn nhau để kiếm chút cháo. Các nước nghèo kém tranh giành hạn nghạch và điều kiện tối ưu để xuất cảng sang Hoa Kỳ, châu Âu. Việt Nam, Campuchia, Bangladesh tranh nhau ở hàng vải, quần áo. Tương tự ở ngành xuất khẩu tôm, cá Basa, cà phê, tiêu, v.v… Những địa phương sản xuất này được thay đổi như áo lót và sẵn vứt đi như vớ rách. Tư bản toàn cầu xuyên quốc gia nắm giữ phương tiện sản xuất, phân phối, quyết định chỉ số sản xuất, và ấn định giá thành. Giới tiêu thụ được tự do lựa chọn và mua dùng. Những hình thức khuyến mãi tiêu thụ tạo thèm muốn cho giới tiêu thụ, từ người có của cho đến kẻ nghèo khó, từ lúc sơ sinh cho đến khi về trời. Mọi người có cảm giác bình đẳng với nhau và tự do lựa chọn trên mặt bằng tiêu thụ. [6] Nhưng quyền tự do và bình đẳng trên lãnh vực khác thì không thấy đâu. Người làm công tầm tầm vẫn có thể dành dụm mua quần Calvin Klein, ví tay Coach, đeo kiếng Chanel cứ như là người mẫu. Nhưng chỉ cần một tai biến như cơn bệnh nặng của cá nhân hoặc gia đình thì các món hàng sở hữu được đem đi cầm, bán đổ bán tháo, gia nhập vào đám đông nghèo khó không có một phúc lợi xã hội nào đỡ đần.

Việt Nam gia nhập WTO và ký những hiệp ước thương mại trong vùng, đặt chân lên con tàu tốc hành tư bản kinh tế thị trường, nhưng có lẽ đã vào toa sau cùng dành cho người phục vụ. Đội quân cửu vạn, ôsin sẵn sàng thay thế người gục ngã.

Chẳng lẽ dân tộc Việt Nam không đáng được một nhà nước pháp quyền, tự do, dân chủ với cơ cấu phúc lợi xã hội công cộng vững chắc và các tổ chức hiệp hội nông dân, công đoàn, chính trị, tôn giáo, báo chí, truyền thông, văn bút, nghệ thuật độc lập, tự trị, để tiếng nói của mỗi người dân mọi giới góp vào xây dựng một xã hội ấm no, hạnh phúc, và công bằng?

© 2007 talawas



[1]Hình ảnh nữ 'cửu vạn' trong ngày 8/3 (VnExpress.net)
[2]China had 113.9 million migrant workers in 2003 (Xinhua 2004-05-15)
[3]Paul Ekins, A New World Order: Grassroots Movements for Global Change (New York: Routledge, 1992), p. 74.
[4]Pierre Bourdieu, Acts of Resistance – Against the Tyranny of the Market, (New York: The New Press, 1998), p. 82.
[5]Harvest of Shame, 1960
[6]Zillah Eisenstein, global obscenities, (New York: New York University Press, 1998), p. 46.