© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
30.3.2007
Nguyễn Đăng Thường
Trả lời Tuý Vân
 
1. Có phải Nguyễn Đăng Thường kỳ thị Nam, Bắc hay không?

Khi đặt thành vấn đề với câu hỏi "la toáng" này, đương sự đã muốn xé to chăng? Bởi lẽ đây là một câu hỏi đã chứa đựng câu trả lời "có". Do vậy, nếu tôi bảo "không" thì cũng vô ích, vì sẽ không thuyết phục được một người đã có định kiến, hay có ác ý đối với tôi (và với ông Hoàng Ngọc-Tuấn). Nhưng thôi, tôi cũng xin trả lời minh bạch. Xin thưa: Làm sao mà kỳ thị Nam, Bắc khi ba tôi, má tôi, bác, chú, mợ, cô, cậu, dì của tôi đều đã ra chào đời ở Hà Nội? Mẹ và cậu trong một ngôi nhà gần Hồ Gươm.

Cậu tôi tên Phạm Văn Hạnh, chơi thân với Nguyễn Tuân. Ngoài tình yêu văn chương, đó còn là tình bạn ấm đất trà tàu, cao lâu cô đầu trong thời thanh xuân của hai chàng thanh niên thích lãng du, trong một Hà Nội vang bóng trước khi gia đình chúng tôi vào / về Nam trước 1954. Phạm Văn Hạnh là tác giả thi tập Giọt sương hoa. Cậu thuộc nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nếu không muốn nói cậu là người sáng lập. Tôi chưa rõ tuổi đời của kịch tác gia Đoàn Phú Tứ. Nhưng trong một chuyến về thăm quê nhà vài năm trước đây, mợ tôi cùng với cô con gái lớn của bà đã mất hơn nửa ngày cuốc bộ thuê xe ở Hà Nội để tìm tới nhà cụ / cậu Nguyễn Xuân Sanh, và nhà thơ có cho mợ tôi biết vào thời điểm Xuân Thu Nhã tập, ông chỉ được 17, 18 tuổi đời, ông rất khâm phục cậu Hạnh và rất hãnh diện được có mặt trong Xuân Thu Nhã Tập.

Bằng cớ (về liên hệ tinh cảm mật thiết giữa Bắc, Nam trong gia đình chúng tôi) là bài phiếm du "Một tết ở Hà Nội" của Phạm Văn Hạnh ở trang 875 trong cuốn Thơ Mới 1932-1945 - Tác giả và Tác phẩm (nxb Hội Nhà văn, 1999). Vào / về Nam ở Sài Gòn trước 1954, Phạm Văn Hạnh đã lấy bút danh Thê Húc (tên cây cầu trên Hồ Hoàn Kiếm) để ghi nhớ thời trai trẻ ở Hà Nội. Cậu đã cùng với các thi văn hữu trong nam như Thiên Giang, Tam Ích, Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Đông Hồ, Mộng Tuyết... sáng lập tủ sách "Chân trời mới". Tủ sách riêng của cậu tại tư gia có nhiều bản quý in lần đầu tiên trên giấy nội hoá gồ ghề tuyệt đẹp. Nếu còn giữ được tới ngày nay thì chúng sẽ "vô giá". Cuốn Vang bóng một thời in chữ to trên giấy dày trông tựa một cuốn từ điển mỏng, khổ lớn. Nhờ có cậu Hạnh bọn trẻ chúng tôi đã được đọc nhiều tác phẩm ở bên kia giới tuyến sau 1954 như tập thơ Việt Bắc. Lúc đó, như đa số, tôi thích nhứt bài "Cá nước" vì nó vần vè dễ nhớ.

Chúng tôi đã dùng cuốn Kiều dày cộm, có tranh mộc bản màu tuyệt đẹp của các danh hoạ đương thời, để bói quẻ cho các chị giúp việc trong nhà. Sau đó vài cô (gái quê 17, 18) cũng đã có số phận của nàng Kiều nhưng tội nghiệp thiếu phần kết cục đẹp. Vì biệt thự, nhà thương tư của dượng tôi và lẫm lúa (kho lúa) của ông bà ngoại tôi ở kế bên tư thất (chúng tôi từ Nam Vang rồi từ Sài Gòn về quê ngoại sau khi ba tôi qua đời) đã bị Pháp xung công sau 1945 để làm trại lính và chỗ ở cho các sĩ quan. Ban đêm lúc mọi người đã yên giấc ở nhà trên, vài cô tớ gái đã nhảy rào sang ngủ với lính Tây. Chị "Tím" (tên do má tôi đặt vì gái quê không có tên) chẳng bao lâu sau đã bị lộ tẩy vì mắc bệnh giang mai và đã được dượng tôi một y sĩ (médecin - lúc dượng tôi ra Hà Nội học cao đẳng, chính quyền Pháp chưa cho dân bản xứ lấy bằng "đốc tờ") chăm sóc nhưng lúc đó thuốc men không được dồi dào nên số phận của cô gái quê đó rất bi đát. Gia đình chúng tôi tuy thuộc giới địa chủ trung lưu nhưng đã có đóng góp cho kháng chiến, có thân nhân tập kết ra Bắc. Nhắc lại chuyện cũ chẳng hay ho gì, nếu không muốn nói là chỉ xót xa thêm, dù nó có giúp cho tôi tìm lại được vài mảnh thời gian đã mất. Nhưng người ta cứ vọc mãi không muốn chấm dứt với lời xin lỗi của Phan Huyền Thư đến mức viết bậy viết bạ, "cãi chày cãi cối", sỉ vả, muốn biến ông Hoàng Ngọc-Tuấn thành một đứa tiểu nhân "vạch lá tìm sâu" nên tôi đã phải lên tiếng.

Cãi qua cãi lại, nói tới nói lui, bắt bẻ từng li từng tí có ích lợi gì cho ai đâu? Nhưng tôi đã bị lôi ra toà án nhân dân / độc giả để xét xử nên đành phải cố biện minh với phương tiện nhỏ bé của mình. Các nhà thơ trẻ trong nước nếu muốn làm công việc giới thiệu nghiêm túc thì nên tìm đọc và giới thiệu các thi nhân đã muốn cách tân thơ, hay các thi sĩ còn lạ xa với độc giả. Giới thiệu Nguyễn Bính ư? Hay nhỉ! Độc giả Hà Nội thông thái đến thế cơ à? Các thi nhân tiền chiến tên tuổi như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh... tuy đã chọn một con đường khác nhưng họ vẫn / đã có tên trong chương trình Việt văn trung học và đại học miền Nam từ xửa từ xưa kia, khi... non nước Âu Lạc / Sài Gòn thái bình... thái... thái bình! [1]


2. Tại sao Phan Huyền Thư và độc giả trong nước ở miền Bắc phải cám ơn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền?

Theo thiển ý của tôi, cám ơn một nhà thơ đã có đóng góp đáng kể cho văn học nước ta như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền là một yêu cầu không quá to tát và đó cũng là nghĩa của từ "phải". Có thể tôi đã gây ngộ nhận do sự vụng về. Tôi tình nguyện cắp sách trở lại mái trường tiểu học thân thương trên con đường hàng xoài ở Cần Thơ để ngồi lại dưới bóng ma người thầy cũ và bên cạnh lũ bạn hiền của những ngày thơ ấu. Tuy nhiên, thực tế đã không được đẹp đẽ như trong văn chương. Ngày tựu trường đầu tiên trong đời học sinh (bé bỏng) của tôi, dưới mái lá của một lớp học đông đúc, tôi đã bị thằng Cậy, một bé bự thuộc giới bình dân (chắc em gái nó là con Nhờ) ngắt véo đùi non đến tím bầm, vì tôi không cho nó chấm mực. Một bài học vỡ lòng về hậu quả của sự ích kỷ, tài sản chung, và bạo lực, nhưng chưa được ý thức đúng mức vào lúc nó xảy ra. Nói tóm lại, tôi nghĩ bây giờ đã đến lúc miền Bắc "phải" (nếu là "lệnh" thì... càng hay!) cám ơn thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Huế, Sài Gòn đã thắp tạ nhà thơ Tôi không còn cô độc khá rôm rả rồi.


3. Tài sản chung

Nếu thơ Thanh Tâm Tuyền là tài sản chung của người Việt trong ngoài thì tại sao chỉ riêng miền Nam và hải ngoại mới được phép biết rõ về tiểu sử Thanh Tâm Tuyền, mà vài độc giả đã đóng góp ý kiến ngắn vẫn muốn giữ nguyên tình trạng dối trá đó bằng cách bênh vực quá mức Phan Huyền Thư? Tại sao phải chờ đến hôm nay, "gần 32 năm sau" (chữ của độc giả Tuý Vân) khi chiến tranh đã chấm dứt mới có một chị hùng nhảy ra giới thiệu qua loa "cây thơ" Thanh Tâm Tuyền trong "ngày thơ"? Tuý Vân viết: "Từ 1975 tới nay, ở trong nước, có ai công khai giới thiệu Thanh Tâm Tuyền là người lính Việt Nam Cộng hoà như Phan Huyền Thư". Ừ nhỉ, sao lạ rứa? Mà lạ thật. Xin hỏi: lính Cộng hoà đã có mặt trên nửa phần đất nước Việt Nam trước 1975, thì việc gì mà phải bưng bít giấu quanh trẻ ranh nực cười như thế? Ô hay, họ cũng là người Việt Nam mà! Và cái tội của ho, nếu có tội, không phải là đã lựa chọn sai lầm một chủ nghĩa, mà đã chiến bại.

Nếu đã hô hào chủ trương hoà hợp hoà giải thì cớ chi chính quyền đã cấm cửa một vị linh mục (xin lỗi không nhớ tên)? Đã không cho giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nhập cảnh khi ông hướng dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam tìm hiểu văn hoá Việt? Và cớ chi eVăn lại đục bỏ hết các đóng góp do các cây bút hải ngoại qua các bản dịch để kiểm duyệt... thơ văn của các tác giả danh tiếng ngoại quốc à? Tác phẩm thì đục bỏ, mà chuyện ngồi lê đôi mách thì cứ rỉ rả mỗi ngày. Tại sao lại phải che giấu mãi cái tiểu sử "nhớp nhơ" của Thanh Tâm Tuyền thì thơ ông mới được chấp nhận? Sen không thể nở trong bùn à? Mặc dầu trước 75 miền Nam không phải là cái ao nước bẩn mà một hồ bơi khá trong nếu so với miền Bắc. Chắc lại phải kiên nhẫn đợi thêm 32 năm nữa mới có một anh hùng đứng lên tiết lộ việc Thanh Tâm Tuyền đã di tản vào Nam, và phải kiên tâm đếm tiếp 32 năm nữa để có một hiệp sĩ đột xuất tung ra cái tin giật gân Thanh Tâm Tuyền đã lìa bỏ quê hương sang Mỹ? Ở miền Nam trước 75, độc giả và thính giả đều biết rõ Tố Hữu là một nhà thơ cộng sản. Ai thích thơ ông thì đọc, ai không thích thì kinh (không dấu) nhi viễn chi. Ca khúc “Đợi anh về” phổ nhạc bản dịch tuyệt hay (thơ Simonov) của Tố Hữu, đã được danh ca Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long công khai trình diễn gây xúc động mãnh liệt. Trong trường hợp này thì xin hỏi lại, ai kỳ thị, Nam hay Bắc, sau ba mươi hai năm?

Một độc giả khác, Nguyễn Kim Bình, cũng có viết (Ý kiến ngắn, 18.3.2007): "Nhưng nếu Phan Huyền Thư buộc phải ghi ra trên poster tất cả các chi tiết thiếu sót về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền... thì tôi chắc chắn tên nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã không thể xuất hiện trong Ngày Thơ Việt Nam thứ V vừa qua." Tôi chấp nhận ý kiến xây dựng này. Nhưng cũng xin phép cho tôi được diễn dịch thêm từ một góc cạnh khác cho dễ thấy hơn. Bởi nói như vậy thì chẳng khác gì khi ta bảo con gà nếu nó muốn được ăn thịt thì phải nằm im để cho người ta cắt cổ. Chịu đấm (tiểu sử bị đục bỏ, bóp méo) mà không được ăn xôi (không có nhuận bút, có thêm vài độc giả, nếu có, thì chưa thể là xôi đôi với Thanh Tâm Tuyền) để làm gì?

Nhân đây tôi cũng xin mách, trước 75 ở Sài Gòn trong giới sinh viên học sinh có từ "một cây" không biết do ai chế tạo, nhưng đã được sử dụng để cười cợt chọc quê một anh chàng sính thơ ("một cây thơ"), sính triết lý hiện sinh ("một cây exist"), ưa lăng nhăng "một cây tán gái". Nhưng chưa có ai sử dụng nó để gọi nghiêm túc Arthur Rimbaud là "một cây thơ hiện đại", Jean-Paul Sartre là "một cây triết lý hiện sinh", Alain Robbe-Grillet là "một cây tiểu thuyết mới". Có thể "cây" là biến thể của "tay" như trong cụm từ "một tay cờ bạc", nhưng đã bớt đạo đức và thêm khôi hài. Tất nhiên đỉnh cao trí tuệ của loài người lúc đó là một thằng bạn học cũ của tôi: nó là "một cây cù lần".

Bây giờ chúng ta vẫn có thể gọi đùa bất cứ ai đó là "một cây phở bò", "một cây thịt chó", "một cây tiết canh", v.v. Và do đó một "nhà thơ trẻ" sẽ khác với một "cây thơ trẻ". Vả lại, loại cây trưng bày trong sân Văn Miếu chỉ là loài không rễ dễ bị tróc gốc. Xin đề nghị: từ nay Việt kiều yêu nước đêm đông xa trông cố hương buồn lòng tỷ phú nếu có "gọi thơ" (với nghĩa Trịnh Công Sơn của "gọi nắng”) thì nên nghiêm chỉnh giữ đúng đường lối chính trị không chính em của họ mà kêu réo các tay thơ thẩn trẻ đã xuất hiện trong "Ngày Thơ Việt Nam (cù) lần thứ V" là "cây thơ" thay vì "nhà thơ" nhé!


5. Cứu cánh biện minh cho phương tiện

Nếu là độc giả Tuý Vân, tôi sẽ thận trọng hơn trước khi mang khẩu hiệu này ra sử dụng. Tôi xin kể vài "phương tiện" nổi tiếng: đập phá những ngôi thánh đường cổ ở Nga, những ngôi chùa cổ ở Trung Quốc, những tu viện cổ ở Tây Tạng (một hành động dã man chỉ trong phút chốc đã tiêu diệt cả một nền văn hoá mấy ngàn năm); chiến dịch diệt trừ chim chóc phá hại mùa màng; Cách mạng Văn hoá; các trại cải tạo; các lò sát sinh; cuộc diệt chủng ở Campuchia và ở những nơi khác tới nay vẫn chưa chấm dứt hẳn, v.v. Đây là một khẩu hiệu cũ mèm, đã được mổ xẻ tận xương tuỷ rồi, không còn ai đem ra để "biện minh" cho bất cứ chuyện gì nữa, nhỏ hay to. Tuý Vân có chấp nhận và ca ngợi hành động "cứu cánh / phương tiện" của một kẻ đói tiền đói tình chạy tới giựt bóp và hãm hại mình hay không?

Sau đây là phần phụ lục về "cứu cánh / phương tiện": Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây cũng có liên lạc với tôi về việc sử dụng lại Diễn từ Nobel của Claude Simon do tôi chuyển ngữ. Tôi đã vui vẻ chấp thuận và hồ hởi gởi tư liệu về cho họ mà không nhắc đến chuyện tiền nong (nhuận bút) vì nghĩ nó sẽ quá vĩ đại, mình sẽ không có tủ sắt to để chứa, mà chỉ đặt cược rằng chí ít thì họ cũng sẽ ưu ái gởi cho mình một cuốn để giữ làm kỷ niệm chơi. Nhưng từ đó tới nay tôi không được họ liên lạc tiếp và vẫn mù tịt về số phận của bài diễn từ cho tới khi đọc thêm ý kiến ngắn trên talawas tôi mới được biết thêm rằng sách đã in và đã tung ra thị trường. Tôi không biết bản dịch của mình có được / bị trung tâm sử dụng hay không!


6. Tác phẩm và xuất xứ

Về việc trưng bày một tác phẩm hội hoạ (tranh Tạ Tỵ) mà không cần nói đến tiểu sử (tác phẩm lẫn tác giả) tôi chỉ xin kể lại một câu chuyện cũ: Sau cuộc trưng bày trong Triển lãm Hội hoạ Toàn cầu ở Hội chợ Quốc tế Paris 1937, bức Guernica của Picasso đã được gởi đi triển lãm thêm tại vài nơi khác ở châu Âu và cuối cùng đã được Picasso đưa sang Mỹ để gây quỹ giúp những người di tản Tây Ban Nha và được nhà danh hoạ giao trách nhiệm lưu giữ cho viện bảo tàng Metropolitan of Modern Art ở New York, cùng với lời dặn dò thiết tha rằng hoạ phẩm này chỉ được trở về quê hương ông khi nó không còn chế độ độc tài và đã có chế độ dân chủ thực sự. Ý muốn của Picasso đã được tôn trọng. Vì không biết hoạ phẩm của Tạ Tỵ đã vào viện bảo tàng Hà Nội như thế nào và bằng cách nào nên tôi không dám góp ý.


6. Kết

Giấu đầu thì lòi đuôi. Ba mươi hai năm có là bao đối với lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử nước ta nói riêng. Còn nhân loại, còn người Việt thì sẽ còn những vấn đề, sẽ phải tiếp tục tranh đấu cho tự do, bác ái, công bằng. Mà theo thiển ý của tôi vũ khí duy nhứt và hữu hiệu nhứt vẫn là chế độ và hành động dân chủ theo lối Mỹ (hay tương tợ) dù nó chưa đạt tới mức lý tưởng. Nhưng chí ít thì tới nay nó cũng đã cung cấp phương tiện khá tốt để kiểm soát các "phương tiện" khác, ngăn ngừa không để cho chúng nhân danh này nghĩa nọ mà đi quá mức, quá xa. Nếu dân Việt đã cùng nhau chung sức đứng lên chống chế độ thuộc địa, một chế độ chỉ chuyên chế hai phần tư hay ít hơn, khi nhìn lại, thì dân Việt cũng có thể đồng tâm vùng lên chống lại bất cứ chế độ độc tài chuyến chế toàn trị nào. Cá nhỏ sẽ trở thành cá to. Góp gió làm bão. Đừng khinh thường cho rằng chúng không đáng kể. Mọi cuộc đấu tranh không sử dụng vũ khí, bạo lực, khủng bố, biết tôn trọng luật pháp, dù có bé tí thế mấy đi chăng nữa (như trường hợp tiểu sử Thanh Tâm Tuyền) vẫn đáng cho mọi người, trong lẫn ngoài, cùng nhau vui vẻ dấn thân.


*


Phụ lục
Thay lời phi lộ

(Lời của nhà xuất bản Hoa Tiên cho lần tái bản các tác phẩm Lửa thiêng của Huy Cận tại miền Nam 1967, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư 1968, Quê ngoại của Hồ Dzếnh 1969…)

Độc giả thân mến,

Gần đây, một số Thi phẩm của các Thi nhân Tiền chiến, được tuyển chọn làm tài liệu tham khảo văn chương cho chương trình Đại học Văn khoa.

Trong số những Thi phẩm ấy, có một số của các Thi nhân mà hiện thời, họ đang sinh sống bên kia giới tuyến, nơi phân nửa của lòng Đất Mẹ cách ngăn!

Và, từ trước đến nay, cũng có lắm người nói đến hai cảnh "Thiên đườnng" và "Địa ngục" để rồi mai mỉa, tiếc rẻ cho thân thế và sự nghiệp của Thi nhân!

Nhưng, với Thi nhân, ôi! có đâu là Thiên đường! hay đâu là Địa ngục! Mà, với họ, chỉ có một dải Núi Sông hùng vĩ: truyền chảy dòng máu anh thư, bất khuất! nhuộm thắm muôn hồng ngàn tía ngan ngát sắc hương...; và, chính máu xương họ cũng đã chan hoà cùng Hồn Thiêng Sông Núi...

Hay, với họ, chỉ có một dải Trời, Đất thênh thang: tóc mây đen xám, ủ khói điêu tàn!...; mõm đất khô cằn, ngậm bấy mùa đau!...

Hoặc, với họ, chỉ có đôi bàn tay: dang rộng đón nhận muôn nghìn bàn tay, mặt đối mặt, bốn mát ngẩng nhìn:

"Hỡi Thượng đế, tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang.
Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái
Nhận tôi đi dầu Địa ngục, Thiên đường."

Đứng trong địa hạt văn chương - đối với Thi nhân - chúng tôi quan niệm rằng: đấy là những Bông Hoa tươi sắc ngát hương của "Vườn Hoa Tiền Chiến" thì, không lý nào, chúng ta lại đang tay ngắt bỏ một cành! Mà, trái lại, chúng ta còn có cái trách nhiệm vun bồi, và vun bồi mãi mãi để cho Vườn Hoa Đất Nước ngày càng thêm phô Sắc ngát Hương...

Có quan niệm và nhận chân được như thế, chúng ta mới có thể hy vọng sẽ làm tròn bổn phận của kẻ "chăn Vườn" hiện đại!

Và, cũng vì quan niệm như vậy, cho nên, chúng tôi không ngại tái bản một số Thi phẩm Tiền chiến của các Thi nhân hiện đang phục vụ cho chính quyền miền Bắc.

Ngoài ra, nhắc và nói đến họ, chúng tôi không vì mục đích chính trị hay một tham vọng nào khác.

Sống dưới sự kềm hãm của chế độ đảng trị, không biết các Thi nhân ấy có chớm nở được những bông hoa gì mới lạ hơn không? Hay cũng chỉ chớm được những bông hoa mà, một sớm một chiều đã nhạt hương phai sắc!

Vả lại, dù muốn dù không, người ta cũng không thể tìm lại được thực chất cái Sắc cái Hương của những bông hoa đã nở trong thời tiền chiến.

SAIGON, ngày 1 tháng 5 năm 1967


© 2007 talawas



[1]Xem phần Phụ lục