© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
31.3.2007
Nguyễn Huệ Chi
Nguyễn Thị Bích Châu - Từ văn chương đi vào lịch sử
(Hay một cách giải thích sử liệu và văn liệu về Chế Thắng phu nhân)
 
1.

Phải nói ngay rằng nếu truy cứu chính sử thì không hề có Nguyễn Thị Bích Châu. Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần, Quyển VII, trong phần viết về cuộc xuất quân đánh Chiêm Thành vào tháng Chạp năm Bính thìn (1376) do Trần Duệ Tông thân chinh không những không nói gì về người cung phi họ Nguyễn trong chuyến đi này mà còn cho thấy, về những thiên tai trắc trở gặp trên đường hình như cũng không có. Ngay trong tháng Chạp toàn quân đã trẩy đến cửa biển Di Luân tức cửa Ròn, sau đó tập kết ở Nhật Lệ đóng quân lại luyện tập trong một tháng rồi ngày 23 tháng Giêng năm Đinh tỵ (1377) thì đã kéo đến cửa Thị Nại của Chiêm Thành. Việc thua trận xảy ra sau đó khiến cả đoàn quân tan tác chủ yếu do nhà vua nôn nóng, khinh địch và không có tài cầm quân. Gần một trăm năm sau, tháng Mười một năm Canh dần (1470), vua Lê Thánh Tông lại thân chinh Chiêm Thành, đánh đến kinh đô Đồ Bàn, bắt sống vua Chiêm Trà Toàn, đến tháng Năm năm Tân mão (1471) mới trở về đến Thăng Long. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi rằng trong cuộc hành binh, vua Lê Thánh Tông đã dừng lại ở nhiều đền miếu để cầu khấn thần linh trợ giúp, tuy nhiên cũng không nhắc đến ngôi đền thiêng ở huyện Kỳ Anh. Ngay cuối năm đó, vua lại xuất quân đi đánh Chiêm Thành một lần thứ hai bắt được vua Chiêm là Trà Toại trở về nhưng lần này sử ghi quá vắn tắt không cho ta biết gì hơn ngoài một dòng thông báo gọn như đã nêu. Như vậy, nhân vật Nguyễn Thị Bích Châu chỉ còn một nguồn xuất xứ duy nhất trong điều kiện tư liệu hiện nay, đó là cuốn Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại truyện truyền kỳ chứ không phải là lịch sử. Dầu vậy, một trong những đặc điểm đáng nói của truyền kỳ là một bộ phận của loại truyện này thường bắt nguồn từ truyền thuyết, mà truyền thuyết thì chính là lịch sử sống của dân gian, là lịch sử chưa thành văn được thiêng hóa và huyền thoại hóa. Nếu cố gắng bóc tách những huyền tích viền quanh truyền thuyết, ta có thể bất ngờ phát hiện được không ít cái lõi của sự thật nằm ẩn giấu ở bên trong. Bởi vậy, thông qua các câu chuyện truyền kỳ, nhiều khi người đọc được mách bảo những điều thú vị nó là chất liệu nóng hổi của đời sống nhiều thời đại mà các bộ thông sử, với các nguyên tắc ghi chép quan phương của sử quan triều đình, đã hầu như quên lãng. Hai bộ sách truyền kỳ có tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam là Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm đều là những bằng cứ rõ rệt cho điều ấy. Trong Truyền kỳ mạn lục có nhân vật Ngô Chi Lan, một nữ học sĩ tên tuổi ở Kim Hoa (Vĩnh Phúc) sống vào nửa cuối thế kỷ XV, là một nữ quan dưới triều Lê Thánh Tông, và là vợ viên Giáo thụ Phù Thúc Hoành, hai vợ chồng đều nổi tiếng hay thơ và kết bạn rất thân với nhà thơ lừng danh đương thời Thái Thuận, ấy vậy mà nếu đốt đuốc đi tìm cũng không tìm được một dòng nào trong sử, ngoại trừ mấy câu chú dẫn vắn tắt trong Trích diễm thi tập mà Lê Quý Đôn là người đầu tiên đọc được. [1] Cũng vậy, trong Truyền kỳ tân phả có truyện An Ấp liệt nữ kể câu chuyện về bà vợ thiếp của ông Đinh Nho Hoàn, người ở An Ấp (Hương Sơn, Hà Tĩnh), đỗ Hoàng giáp khoa Canh thìn niên hiệu Chính Hòa (1700), được cử đi sứ Trung Quốc năm 1715 không may lâm bệnh chết dọc đường, ở nhà bà hay tin cố nán đợi đến khi đưa xác ông về đến nơi làm lễ chôn cất xong thì thắt cổ tự tử. Sử có chép sơ lược việc này bởi vì triều đình nhà Lê đã phong tặng bà là “Tiết phụ”, nhưng muốn biết rõ thân thế của bà từ nhỏ đến lớn, nỗi khổ bà chịu trong những ngày đằng đẵng xa chồng và tâm trạng của bà khi quyên sinh cùng sự linh ứng sau khi bà được lập đền thờ thì phải tìm đến sách của Hồng Hà phu nhân. Có thể nói Nguyễn Thị Bích Châu trong truyện Hải khẩu linh từ cũng thuộc một trường hợp tương đồng. Bằng sự khổ công tìm tòi sách vở và và thần tích chắc còn khá phong phú vào thế kỷ XVIII, Đoàn Thị Điểm đã làm sống lại một nhân vật bằng xương bằng thịt, có tiểu sử và hành trạng tỷ mỉ, có cả bài thơ của vua Lê Thánh Tông viếng nàng vào năm 1471 lúc vua đi đánh Chiêm Thành trở về qua cửa biển Kỳ Hoa ghé thuyền đỗ lại. Có nghĩa là nếu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của các thời kỳ quá khứ, có nhiều nhân vật đã từ lịch sử đi thẳng vào văn học và trở thành bất tử thì cũng có những trường hợp, sau khi đã bất tử trong tư cách những hình tượng nghệ thuật trọn vẹn, từ văn học nhân vật lại được hoàn trả lại cho lịch sử, để lấy lại sự công bằng của lịch sử mà do thời gian, gốc rễ xác thực đã bị mất đi. Công lao của nữ sĩ họ Đoàn ở nửa đầu thế kỷ XVIII quả là lớn khi bà bảo lưu được vẹn nguyên cốt cách khó lẫn của một Bích Châu để nàng từ trong tác phầm do mình tái tạo, lại đàng hoàng trở về với vị trí vốn có của một vị phu nhân bất tử ở cuối thời Trần. Trong tiếp nhận văn học đây là lý thuyết song hành và chuyển hóa về “tầm chờ đợi” (horizon d’attente). [2] Bản thân truyền thuyết lịch sử về Bích Châu đương thời bà sống đã có sức hút với công chúng đến mức được lan truyền rộng rãi, tự nó đã chứa đựng một “tầm chờ đợi” nguyên phát, khiến cho đến thế kỷ XVIII thì bắt gặp nguồn cảm hứng lớn của Đoàn Thị Điểm. Và với tâm hồn rất mực nhân bản của một nhà văn cỡ lớn, Đoàn Thị Điểm đã sáng tạo một truyện ngắn xuất sắc, một câu chuyện Đền thiêng cửa bể hết sức cảm động xen lẫn truyền kỳ với hiện thực, và bản thân nó lại chứa đựng một “tầm chờ đợi” mới, “tầm chờ đợi” thứ phát, để đến các thế kỷ sau, nhân vật của bà đi ra từ văn học lại bắt gặp tấm lòng của nhiều thế hệ công chúng người Việt vốn có một đời sống tâm linh nhạy bén, đã nhận ra ngay đó chính là cốt lõi nhân vật lịch sử bảy thế kỷ trước, một tấm gương mãi mãi sáng rỡ của cộng đồng dân tộc mình.


2.

Đền thờ bà Bích Châu tại xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Vậy, về mặt lịch sử ta có thể suy ngẫm những gì từ câu chuyện về nàng Bích Châu. Dựa trên manh mối của truyền thuyết, tôi xin lưu ý một vài điều sau đây. Trước hết, cái chết của Bích Châu là hậu quả của tập tục hiến tế vẫn còn tồn tại ở Việt Nam trong giai đoạn sơ kỳ Trung đại. Dưới thời Cổ đại, không riêng gì nước ta, tập tục hiến tế diễn ra hầu như phổ biến ở rất nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh việc giết người sống, nhất là việc giết tù binh và giết trẻ em hàng loạt trong các lễ tế trọng đại mà ngành khảo cổ học đã phát hiện nhiều vết tích rùng rợn trong các bộ lạc thổ dân da Đỏ châu Mỹ, sử sách và truyền thuyết Đông Tây còn ghi chép được nhiều tập tục khác, như dùng người sống cúng cho các loài thú dữ mà người ta coi là hung thần ở những địa phương có loài đó hoành hành (câu chuyện cúng Chằn tinh trong truyền thuyết Thạch Sanh và nhiều truyện khác), hoặc bắt cung nữ lên giàn lửa chết theo vua ở Ấn Độ, và ở các nền văn hóa gần gũi với Ấn Độ (Triều đình nhà Trần phải cho Đỗ Khắc Chung vào Chiêm Thành cứu Công chúa Huyền Trân sau khi vua Chiêm Chế Mân chết đột ngột), hay tuy không bắt lên giàn lửa nhưng lại chôn sống họ bên cạnh mộ vua phổ biến ở Trung Quốc và cũng thấy ít nhiều ở Việt Nam (dưới thời Lý Trần). Một tập tục khác không kém phổ biến là hàng năm cắt lượt cho từng gia đình hiến các cô gái đẹp ném xuống sông làm vợ Hà Bá để thần không dâng nước lên phá hoại sinh linh và mùa màng. Khi nền văn hóa Hán đã bắt đầu thịnh phát và việc chế ngự nạn lụt được nhà nước quân chủ quan tâm thì ở phương Đông tập tục trên mất dần. Sử ký của Tư Mã Thiên có chép chuyện Tây Môn Báo nước Ngụy thời Chiến Quốc đến đất Nghiệp chứng kiến tục lệ kỳ quái này bèn tìm mọi cách phá bỏ. [3] Nhưng tại Việt Nam, theo tôi, do điều kiện sông nước hung dữ và các cuộc chiến tranh Nam Bắc phải đi qua rất nhiều sông biển, dường như cho đến đầu thế kỷ XV, tập tục này vẫn lác đác tồn tại, nhất là những lúc quân đội xuất chinh. Trong Lê triều thông sử, Lê Quý Đôn đã ghi được câu chuyện Lê Lợi khi chuyển từ Lỗi Giang vào xứ Nghệ, vào năm Ất tị (1425), đi qua sông Lam đã phải đưa người vợ thứ ba hiến cho thần Phổ Hộ ở ngôi đền bên sông để thần phù hộ đánh quân Minh. [4] Trước khi chết người vợ ba đó chỉ có một ước nguyện là sau này con nàng sẽ được nối ngôi báu, và Lê Lợi đã giữ lời hứa, về sau đành truất Thái tử Tư Tề đi mà cho Lê Nguyên Long con bà lên ngôi tức Lê Thái Tông. Nàng Bích Châu của Trần Duệ Tông cũng đã ở vào một hoàn cảnh “bất khả kháng” như thế. Đọc Lĩnh Nam chích quái ta thấy, bất kỳ một cuộc viễn chinh nào, việc tế thần trên đường đi là việc hệ trọng. Khi quân lính trẩy qua những địa hình hiểm trở, tương truyền có những vị thần thiêng được dân lập đền thờ cúng từ rất lâu đời thì toàn quân phải đóng lại, người cầm quân thân đứng ra làm lễ tế, và lễ vật dâng tế phải chuẩn bị thật chu đáo. Theo truyền thuyết của Đoàn Thị Điểm, ở Kỳ Hoa lúc bấy giờ có ngôi đền rất thiêng thờ thần Giao long. Giao Long tức thuồng luồng vốn là loài thủy quái hung dữ phổ biến ở đời Trần mà sử từng chép rằng, nhà Trần phải bày ra tục vẽ mình cho dân để khi xuống nước dân chúng khỏi bị chúng làm hại. Những đền thờ thần Giao Long trấn giữ nơi cửa biển chắc chắn là chuyện thường thấy. Không những thế, nhiều tên đền dọc các cửa biển còn lại đến ngày nay vẫn giữ được tên gọi Càn hoặc đọc chệch đi là Cần hay Cờn như đền Cờn (Nghệ An)... chính là bắt nguồn từ từ nguyên xa xưa của Mã Lai Sakana tức là rắn. Việc Trần Duệ Tông không thể bỏ qua ngôi đền thờ thần rắn ở Kỳ Hoa cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, sự việc không dừng ở đấy. Ngay đêm hôm vua làm lễ tế, thần Giao Long hiện lên đòi nhà vua phải cho một người vợ tài mạo song toàn và trong tình thế muôn phần khó xử, bà Nguyễn Thị Bích Châu đã tự nguyện liều mình. Lôgic của câu chuyện sẽ không có gì khó hiểu nếu cuộc hành binh của Trần Duệ Tông gặp sóng to gió lớn trên vùng biển Kỳ Anh, vì các cuộc hiến tế thường là một hành động tín ngưỡng linh thiêng bắt buộc phải làm khi có một tai họa thiên nhiên đang đe dọa sự tồn vong của toàn bộ quân sĩ. Song như đã nói, sử chép chuyến đi này không hề có trở ngại sóng gió. Đương nhiên lễ hiến tế vẫn diễn ra, nếu không thì đã không có truyền thuyết Bích Châu lưu hành. Cố gắng tham chiếu truyền thuyết với chính sử, chúng tôi thử đi tìm lời giải đáp từ một bình diện khác, xem xét nó như cái nghi lễ bắt buộc cốt đáp ứng một yêu cầu còn bức xúc hơn. Ta biết rằng ngay từ buổi ban đầu chuẩn bị cho cuộc chinh phạt, vua Trần đã không được dư luận trong triều ủng hộ. Quan Ngự sử trung tán Lê Tích dâng sớ can gián rất khẩn thiết, lấy cớ nhà nước vừa dẹp xong loạn Dương Nhật Lễ, lại bị Chế Bồng Nga mấy phen vào cướp phá, sức lực quân và dân chưa kịp hồi phục. Ngự sử đại phu Trương Đỗ, một vị quan có tài và thanh liêm rất mực, cũng liên tiếp ba lần dâng sớ, nói rõ vua mới lên ngôi, chưa làm cho đức chính và giáo hóa của mình thấm đến phương xa mà đã động binh là thất sách. Ba lần can không được nghe lời, Trương Đỗ liền treo mũ từ quan. Hai nhân vật đại biểu cho tiếng nói chính thống cấp cao của nhà nước chống lại lệnh vua chứng tỏ quan điểm của cả triều đình lúc ấy phân tán đến thế nào. Nhưng Trần Duệ Tông vẫn một hai theo ý mình, tự đóng vai trò chỉ huy cao nhất, nhổ thuyền cất quân ra đi. Thật trớ trêu, hành vi quyết đoán của nhà vua vẫn không khích lệ nổi tinh thần quân sĩ. Đến nỗi khi đã xáp trận với quân Chiêm, thấy Chế Bồng Nga sai người giả cách đến đưa thư xin hàng, tướng Đỗ Lễ vẫn còn tâu: “Quan quân vào sâu đánh phá thành giặc là việc vạn bất đắc dĩ. Xin hãy sai một biện sĩ cầm mảnh thư đến hỏi tội, để xem tình hình hư thực của giặc, như kế sách của Hàn Tín phá nước Yên ngày trước, không phải khó nhọc mà thành công. Cổ nhân có nói: “Lòng giặc khó lường”. Thần xin bệ hạ hãy xét lại”. Niềm kiêu hãnh của Trần Duệ Tông lập tức bị xúc phạm. Vua chỉ thẳng vào mặt Đỗ Lễ mà nói: “Ta mình mặc áo giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp cho ta đó... Nay nếu dừng lại mà không tiến thì thực trời cho mà không lấy, để nó lại nẩy sinh cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà.” Nói rồi sai lấy áo đàn bà mặc vào cho Đỗ Lễ. [5] Phải nói, tâm lý do dự không muốn xung trận lan khắp từ tướng đến quân ngay từ lúc xuất phát là một bất lợi lớn cho quân ta. Có lẽ trong tình huống ngặt nghèo giữa vùng đất xa lạ đó Trần Duệ Tông đã phải dùng đến một biện pháp trấn an là cầu viện đến thần linh. Trong thâm tâm người cầm quân lúc bấy giờ, nghi lễ hiến tế là cách duy nhất có thể tác động mạnh đến tâm linh giúp trấn an tâm lý ba quân nhằm ổn định phần nào quân kỷ. Đó mới chính là lý do sâu kín đưa bà Bích Châu đến chỗ tuẫn nạn. Cần để ý thêm nữa là về mặt chính kiến, Bích Châu lại cũng là một thành viên đắc lực của tư tưởng phản chiến từ đầu. Sử không ghi chép ý kiến của bà, chắc theo thói quen trọng nam khinh nữ, nhưng truyền thuyết cho biết, khi nghe tin vua Trần định tổ chức đội quân viễn chinh, bà đã viết ngay một bài văn nhờ bà Phó mẫu dâng lên vua, trong đó về mặt lập luận thì không khác Trương Đỗ bao nhiêu, song về ý tưởng nhân đạo, thương dân, thì còn trội hơn họ Đỗ. Bà phân tích sự thất bại của quân nhà Trần trong mấy lần Chiêm Thành vào kinh đô cướp phá là “do lòng dân không yên” và nhất mực lấy mục đích “yên dân” để tỏ bày chủ kiến: “Trị đạo trước hãy nhằm vào vào gốc sau mới đến phần ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn. Muốn bẻ được cái rắn phải nắm được cái mềm, muốn chinh phục người xa không gì hơn dùng đức.” Những lời lẽ thâm thúy trên cơ sở “dĩ dân vi bản” kia đã không thể lọt được tai ông vua hiếu chiến Trần Duệ Tông. Không những thế, trên đường đi, người cung nữ tài hoa này còn vận dụng Kinh Dịch để đoán trước vận mệnh của cuộc chiến. Đoàn Thị Điểm viết: “Nàng ngồi dậy bói một quẻ Kinh Dịch, trúng vào quẻ “phục” biến sang quẻ “di”, trong lòng tự đoán rằng: trong quẻ, “dụng đảng” nhiều, “thể đảng” ít, “ngoại khí” vượng “nội khí” suy. Vả hào từ nói “mê lại dữ, có tai vạ”, đi hành quân thế nào cũng đại bại”. [6] Về phía Bích Châu, tuy rất thương chồng nhưng vẫn phải nói lên sự thật - đó chính là điều mà ngày nay ta thường gọi là “nhân cách trí thức”, một phẩm chất cần có của kẻ sĩ trong mọi thời đại. Còn về phía Duệ Tông, thử nghĩ, trước một quyết định khăng khăng không ai có quyền bàn cãi mà một người thiếp yêu lại dám “bàn ra”, thậm chí đã lênh đênh trên hành trình vạn dặm rồi mà còn dám dùng quẻ bói làm nhụt lòng tướng sĩ, tội ấy to đến thế nào, chắc ai cũng lường thấy. Với một ông vua nóng nảy, từng bị sử sách lên án là “ương gàn cố chấp”, hệ lụy của Bích Châu hẳn càng trầm trọng. Đoàn Thị Điểm nói cái chết của nàng là một cái chết tự nguyện, và cứ lý mà suy chúng ta cũng tin con người nhạy cảm này đã chủ động nhận lĩnh lấy, nhưng thực chất, đó là cái chết tất yếu của một người sớm biết nhìn ra lẽ phải và đã phải trả giá cho dự cảm sáng suốt của mình. Lễ hiến tế do Trần Duệ Tông xếp đặt, vừa là việc làm để thị uy tinh thần ba quân mà biết đâu trong chỗ thâm sâu cũng để nhổ đi một cái gai nhức nhối. Mặc dù trong truyện có nói đến tình cảm thương tiếc của nhà vua, cùng bài văn tế nàng do vua đích thân đọc - điều ấy chắc cũng phản ánh nỗi giằng xé có thực trong tình cảm con người cuồng vọng đó, nhưng xét kỹ, đấy vẫn là một biện pháp chính trị của kẻ cầm quyền sau khi đã đạt mục đích, một cách “trao giải thưởng nhà nước” cho người từng chống mình nay đã bị vô hiệu hóa. Với những ai từng trải nghiệm, không khó gì để nhận ra dụng ý “giải tỏa tâm lý thứ hai” của mọi chính quyền chuyên chế kiểu Trần Duệ Tông.

Tượng bà Bích Châu ở hậu cung ngôi đền
Truyện của Đoàn Thị Điểm còn có thêm một phần kết có hậu, khi bà cho Lê Thánh Tông ngót một thế kỷ sau đứng ra giải oan cho Bích Châu, để xác nàng từ hang ổ của Giao Long nổi lên trên mặt biển, được vua cho an táng và lập đền thờ phụng. Lọc bỏ những chi tiết huyền hoặc phi lý, phần kết của truyền thuyết này nói gì? Theo chúng tôi, đây lại là một bằng chứng nói lên rằng, đến thời Lê Thánh Tông, với chủ trương suy tôn Nho giáo, đưa giáo hóa của đức thánh Khổng đến khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, về mặt tín ngưỡng, Lê Thánh Tông đã bắt đầu xét lại các loại tín ngưỡng dân gian lưu hành từ trước, xóa bỏ hoặc hạn chế từng bước các tập tục cổ xưa. Đặc biệt, trong thần điện của Triều đình nhà Lê sơ có một sự đổi thay đáng kể: Nguyễn Văn Chất được giao phó trọng trách viết lại các thần tích thần phả, nhất loạt xóa bỏ các nhiên thần (thần tự nhiên), nhất là các loại dâm thần, hung thần, bằng cách nhân hóa chúng hoặc thay thế vào đấy các vị thần là những con người trần thế có công tích, có lý lịch rõ ràng. Có phần chắc ngôi đền thờ Giao Long ở huyện Kỳ Hoa đã bị thế chỗ bởi ngôi đền thờ Bích Châu mà tiếng tăm hẳn đã trở nên lừng lẫy không chỉ trong đời sống tâm linh của địa phương huyện Kỳ Hoa mà lan rộng trên nhiều vùng của cả nước. Một sự đổi ngôi hợp với quy luật của lý tính. [7]


3.

Cuối cùng, hãy trở lại với cái nhìn tổng thể về hình tượng nàng Bích Châu trong câu chuyện truyền kỳ. Đoàn Thị Điểm đã xây dựng một cung nữ thời đại cuối Trần với vẻ đẹp toàn bích về nhiều mặt. Đẹp người đẹp nết và có tài năng thiên bẩm về âm luật, văn chương. Nhưng cái điều cốt yếu làm cho hình tượng Bích Châu chinh phục được độc giả 4 thế kỷ nay là những đề xuất táo bạo của nàng gói ghém trong bài Kê minh thập sách với 10 kiến nghị ngắn gọn mà đột xuất, tưởng như vẫn còn ứng dụng được cho đời sống hiện đại. Mười kiến nghị cụ thể, cũng là mười điều kiện để xây dựng một nhà nước vững mạnh, trong đó có yếu tố quyết định từ chủ trương đường lối đúng đắn của người cầm quyền: “bãi bỏ các chính sách hà khắc bạo ngược thì lòng người tự yên” (苛 暴 去 則 人 心 自 安 hà bạo khử tắc nhân tâm tự an), nghĩa là thay đổi bản chất bộ máy chính quyền với tư cách một công cụ đàn áp, lấy chuyên chính, bạo lực làm nguyên tắc khiến dân xa và sợ;
Bài thơ của Nguyễn Huệ Chi viếng bà Bích Châu đêm 18-3-2005 lúc đến thăm đền
có yếu tố tầm nhìn và bản lĩnh trong cách dùng người: “nén chặn bọn lộng quyền” (抑 權 臣 以 防 蠹 政 ức quyền thần dĩ phòng đố chính), “sa thải bọn tham nhũng” (汰 冗 濫 以 省 漁 民 thải nhũng lạm dĩ tỉnh ngư dân), “trọng người có tài, có thực lực” (選 將 宜... 先 韜 略 tuyển tướng nghi... tiên thao lược) hơn là “căn cứ vào bề ngoài” (不 必 文 華 bất tất văn hoa, 何 須 舞 調 hà tu vũ điệu) hoặc “dựa vào gia thế” (後 世 家 hậu thế gia) tức lý lịch gia đình, nghĩa là có biện pháp trong sạch hóa bộ máy và nâng cao hiệu năng, sức mạnh thực của nó; có yếu tố coi trọng sự chấn hưng và phát triển văn hóa đất nước: “xin cổ động nho phong để cho ngọn đuốc văn minh cùng ánh mặt trời cùng soi sáng” (願 振 儒 風 使 爝 火 與 日 光 而 盡 照 nguyện chấn nho phong sử tước hỏa dữ nhật quang nhi tận chiếu), nghĩa là hướng tới một mục tiêu cao xa hơn sự thuần túy cai trị; quan trọng hơn hết là yếu tố thành tâm xích lại gần nhau giữa người thống trị và người bị trị: “cầu lời nói thẳng để cửa thành cùng đường ngôn luận được rộng mở” (願 求 直 諫 令 城 門 與 言 路 而 盡 開 nguyện cầu trực gián lệnh thành môn dữ ngôn lộ nhi tận khai), nghĩa là tạo điều kiện cho đời sống người dân có được một chừng mực tự do tư tưởng, tự do ngôn luận... Tóm lại, là một bản kiến nghị mang danh nghĩa lời khuyên nhỏ nhẹ của vợ đối với chồng lúc gà vừa gáy sáng, Kê minh thập sách thực chất là một chính sách toàn diện nhằm cải tổ nhà nước chuyên chế trên cơ sở mầm mống phôi thai của tinh thần dân chủ. [8]

Cả cuộc đời từ lúc vào cung cho đến khi ngã xuống, nàng Bích Châu đã luôn luôn sống nhất quán với những ý nguyện “thân dân” tốt đẹp. Đấy cũng là phần lương tri ẩn náu sâu trong tiềm thức dân tộc chỉ chờ thời cơ là phát sáng. Cái chết của nàng là một sự trả giá cho những ước vọng quá khổ, những ước vọng đi trước thời đại, nhưng bản thân nó không hề mang ý nghĩa một sự tuyệt vọng. Trái lại đó là cái chết thiêng, chính nó đã hiển linh thành một sức mạnh thần bí hộ vệ dân chúng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng nhiều thế kỷ nay. Đúng hơn, nó nhen nhóm cho chúng ta niềm tin vào sự sống, vào sức mạnh của truyền thống lâu bền, và đối với các thế hệ hôm nay mà những khái niệm “tự do dân chủ” đã không còn là cảm tính mà hoàn toàn sáng rõ thì cái ý tưởng của “kê minh thập sách” càng là một lời mời gọi để tích cực dấn thân vì lẽ phải.

Hà Nội ngày 20 tháng 3 năm 2007



[1]Trích diễm thi tập gọi bà là Nguyễn Hạ Huệ, có thể là một tên khác của bà.
[2]Thuật ngữ của H. R. Jauss, nhà mỹ học người Đức (1921-1997).
[3]Tư Mã Thiên. Sử ký, Quyển 126, “Hoạt kê liệt truyện”, mục 66: Tây Môn Báo trị Nghiệp. 司 馬 遷。史 記 卷 一 百 二 十 六 滑 稽 列 傳 第 六 十 六 西 門 豹 治 鄴 . Nguyên văn: 魏 文 侯 時,西 門 豹 為 鄴 令。豹 往 到 鄴,會 長 老,問 之 民 所 疾 苦。長 老 曰︰ 苦 為 河 伯 娶 婦,以 故 貧。豹 問 其 故, 對 曰︰鄴 三 老、廷 掾 常 歲 賦 斂 百 姓,收 取 其 錢 得 數 百 萬,用 其 二 三 十 萬 為 河 伯 娶 婦,與 祝 巫 共 分 其 餘 錢 持 歸。當 其 時,巫 行 視 小 家 女 好 者,云 是 當 為 河 伯 婦,即 娉 取。洗 沐 之,為 治 新 繒 綺 縠 衣,閒 居 齋 戒,為 治 齋 宮 河 上,張 緹 絳 帷,女 居 其 中。為 具 牛 酒 飯 食,十 餘 日。共 粉 飾 之,如 嫁 女 床 席,令 女 居 其 上,浮 之 河 中。始 浮,行 數 十 里 乃 沒。其 人 家 有 好 女 者 恐 大 巫 祝 為 河 伯 取 之,以 故 多 持 女 遠 逃 亡。以 故 城 中 益 空 無 人,又 困 貧,所 從 來 久 遠 矣。民 人 俗 語 曰,即 不 為 河 伯 娶 婦,水 來 漂 沒,溺 其 人民 云。西 門 豹 曰︰至 為 河 伯 娶 婦 時,願 三 老、巫 祝、父 老 送 女 河上,幸 來 告 語 之,吾 亦 往 送 女。皆 曰︰諾。

至 其 時,西 門 豹 往 會 之 河 上。三 老、官 屬、豪 長 者、里 父 老 皆 會,以 人 民 往 觀 之 者 三 二 千 人。其 巫,老 女 子 也,已 年 七 十。從 弟 子 女 十 人 所,皆 衣 繒 單 衣 立 大 巫 後。西 門 豹 曰︰呼 河 伯 婦 來,視 其 好 醜。即 將 女 出 帷 中,來 至 前。豹 視 之,顧 謂 三 老、巫 祝、父 老 曰︰是 女 子 不 好,煩 大 巫 嫗 為 入 報 河 伯,得 更 求 好 女,後 日 送 之。即 使 吏 卒 共 抱 大 巫 嫗 投 之 河 中。有 頃,曰︰巫 嫗 何 久 也﹖弟 子 趣 之﹗復 以 弟 子 一 人 投 河 中。有 頃,曰︰弟 子 何 久 也﹖復 使 一 人 趣 之﹗復 投 一 弟 子 河 中。凡 投 三 弟 子。西 門 豹 曰︰巫 嫗、弟 子,是 女 子 也,不 能 白 事,煩 三 老 為 入 白 之。復 投 三 老 河 中。西 門 豹 簪 筆 磬 折,向 河 立 待 良 久。長 老、吏、旁 觀 者 皆 驚 恐。西 門 豹 顧 曰︰巫 嫗、三 老 不 來 還,奈 之 何﹖ 欲 復 使 廷 掾 與 豪 長 者 一 人 入 趣 之。皆 叩 頭,叩 頭 且 破,額 血 流 地,色 如 死 灰。西 門 豹 曰︰諾。且 留 待 之 須 臾。須 臾,豹 曰︰廷 掾 起 矣。狀 河 伯 留 客 之 久。若 皆 罷 去 歸 矣。鄴 吏 民 大 驚 恐,從 是 以 後,不 敢 復 言 為 河 伯 娶 婦。Tạm dịch: Thời Ngụy Văn Hầu, Tây Môn Báo được cử đến đất Nghiệp (huyện Tương Châu) làm quan Lệnh. Báo đến Nghiệp, gặp mặt các vị trưởng lão, hỏi lý do vì sao dân chúng lại khổ. Các vị trưởng lão đáp: “Khổ vì Hà Bá cưới vợ, bởi đó mà trở nên nghèo”. Báo hỏi duyên cớ. Đáp rằng: “Mấy ông chức sắc Tam lão, Đình duyện ở đất Nghiệp này hàng năm thu tô thuế của trăm họ, tiền thu được có đến trăm vạn, dùng hai ba chục vạn làm lễ cho Hà Bá cưới vợ, cùng đồng cốt khấn khứa rồi chia nhau số tiền mang về. Những dịp ấy, đám thầy đồng đi đến nhà nào thấy có con gái trẻ đẹp liền bảo phải làm vợ Hà Bá, lập tức bắt làm sính lễ. Cho cô ta tắm rửa, ăn mặc lụa là, giữ trai giới không cho làm gì, sống trong một cung riêng trên bờ sông, che trướng giăng màn lụa cho cô ta ở đấy. Bày đặt rượu thịt ăn uống trong hơn mười ngày. Rồi cùng nhau trang điểm cho cô ta, đặt ngồi lên chiếc giường cưới trải chiếu và ném xuống giữa sông. Bắt đầu ném, giường trôi đến vài chục dặm mới chìm. Những nhà nào có con gái đẹp đều sợ đám thầy đồng bắt làm vợ Hà Bá nên phần lớn đưa con trốn biệt. Vì cớ đó mà trong thành trống rỗng không có người ở, lại trở nên cùng quẫn, chuyện kể ra cũng đã lâu rồi. Dân chúng có câu truyền nhau rằng “Chẳng phải Hà Bá cưới vợ mà bị nước cuốn chìm, dìm chết dân đấy thôi”. Tây Môn Báo đáp: “Đến ngày Hà Bá cưới vợ, lúc Tam lão, thầy đồng thầy cúng và phụ lão rước cô dâu ra sông thì xin đến báo cho biết, tôi cũng đến tiễn cô dâu. Phụ lão bảo: “Được”.

Đến ngày ấy, Tây Môn Báo đến họp cùng mọi người ở trên sông. Các vị Tam lão, chức sắc, hào trưởng và phụ lão trong làng đều có mặt. Dân chúng đến xem chừng hai, ba nghìn người. Thầy đồng là một bà già tuổi đã bảy mươi. Đệ tử theo hầu có mười cô, đều mặc áo đơn thêu năm màu, đứng ở phía sau. Tây Môn Báo nói: “Xin gọi người vợ Hà Bá đến đây xem đẹp xấu thế nào”. Tức thì đem người con gái từ trong màn ra, dẫn đến trước mặt. Báo nhìn nàng rồi quay lại bảo với Tam lão, thầy đồng và phụ lão rằng: “Cô gái này không đẹp, phiền bà đồng xuống báo với Hà Bá cho đổi một cô gái đẹp khác, hôm sau lại sẽ xin tống tiễn”. Tức thì sai lính tráng cùng ôm bà đồng ném xuống sông. Được một chốc lại nói: “Bà đồng sao lại lâu thế? Đệ tử hãy đi xuống xem sao!”. Bèn lại bắt một người đệ tử ném xuống sông. Được một chốc lại nói: “Đệ tử sao mà lâu thế? Lại phải cho một người khác xuống nữa!” Bèn ném tiếp một người đệ tử nữa xuống. Cứ thế ném tất cả đến ba đệ tử. Tây Môn Báo nói: “bà đồng và đệ tử đều là đàn bà con gái, không biết bẩm báo sự việc, phiền Tam lão xuống bẩm giúp cho!”. Lại ném Tam lão xuống sông. Tây Môn Báo mũ cài trâm cung kính khom mình vái, hướng xuống sông đứng chờ một lúc lâu. Các vị trưởng lão, lại viên và người đứng xem đều kinh hoàng. Tây Môn Báo quay lại nói: “Bà đồng, Tam lão không trở về thì biết làm thế nào?”. Lại muốn bắt một người trong số quan Đình duyện và hào trưởng ném xuống tiếp. Tất cả đều dập đầu xuống đất lạy như tế sao, đến nát cả da trán, máu chảy đầm đìa, mặt xám như tro. Tây Môn Báo bảo: “Thôi được. Hãy đợi một chốc nữa”. Một chốc sau Báo nói: “Đình duyện hãy đứng dậy. Tình trạng Hà Bá lưu khách có lẽ còn lâu. Các ngươi hãy bãi đi mà về thôi”. Các chức sắc và dân chúng đất Nghiệp vô cùng khiếp sợ. Từ đó về sau không dám nói đến chuyện Hà Bá cưới vợ nữa.
[4]Lê triều thông sử. Phần “Liệt truyện đệ nhất”: Hậu phi truyện, truyện thứ ba: Thái Tổ Phạm Hoàng hậu.
[5]Những dẫn liệu trên đều trích từ Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Quyển VII, kỷ nhà Trần. Bản dịch, Nxb. KHXH, 1993, Tập II, tr. 160-162.
[6]Những dẫn liệu trên đều lấy từ bản dịch Truyền kỳ tân phả của Ngô Lập Chi và Trần Văn Giáp. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1962; truyện “Đền thiêng cửa bể”.
[7]Trong bài Hà Hoa hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa) ở tập Minh lương cẩm tú có một dòng nguyên chú của người làm thơ, hoặc người sao chép tập thơ, nói rõ bà Bích Châu được phong Thượng đẳng thần. Về bài Hà Hoa hải môn lữ thứ này và 13 bài khác trong cụm thơ vịnh các cửa biển, tuy được chép vào thi tập của Lê Thánh Tông thật nhưng cả Lê Quý Đôn (Toàn Việt thi lục) và Bùi Huy Bích (Hoàng Việt thi tuyển) đều thống nhất coi đấy là thơ khuyết danh chứ Lê Thánh Tông không phải là tác giả. Nhưng ví thử có đúng là của Lê Thánh Tông đi nữa thì những bài đó cũng không phải được làm trong lần chinh phạt Chiêm Thành lần thứ nhất (từ cuối năm 1470 đến giữa mùa hè Năm 1471), vì chứng cớ khó bác bỏ là chúng không được chép trong tập Chinh Tây kỷ hành là tập thơ ghi chép đầy đủ và tuần tự về cuộc hành binh quy mô đó (Trong Chinh Tây kỷ hành cũng đã có một bài Trú Hà Hoa cảng khẩu, dạ tọa thính vũ, bi cảm câu sinh sáng tác vào ngày 11 tháng Chạp năm Hồng Đức thứ nhất, nghĩa là: Trú lại ở cửa biển Hà Hoa, đêm nghe tiếng mưa, sinh lòng thương cảm). Phải chăng bài chép trong Minh lương cẩm tú là cảm hứng của nhà vua trong cuộc chinh phạt lần sau, vào khoảng cuối năm 1471 cho đến đầu năm 1472? Bởi thế, dù bài thơ có nói đến đền Chế Thắng phu nhân thì bấy giờ đền cũng đã lập được một năm, hơn thế nữa, việc nhà vua không ghé lại viếng ở đền của bà chứng tỏ sự kiện Chế Thắng phu nhân hiển linh đã lắng xuống. Dưới đây là nguyên văn và bản dịch bài thơ Hà Hoa hải môn lữ thứ của Đỗ Ngọc Toại:

河 華 海 門 旅 次
河華 到 處 雨 崇 朝
寰 海 茫 然 四 望 遙
觸 石 油 油 雲 戀 岫
俳 岩 洶 洶 浪 隨 潮
水 僊 潭 上 煙 霞 古
制 勝 祠 中草 木 嬌
醉 倚 蓬 窗吟 興 發
詩 懷 客 思倍 無 聊

Hà Hoa hải môn lữ thứ
Hà Hoa đáo xứ vũ sùng triêu
Hoàn hải mang nhiên tứ vọng dao,
Xúc thạch du du vân luyến tụ,
Bài nham húng húng lãng tùy triều.
Thủy Tiên đàm thượng yên hà cổ,
Chế Thắng từ trung thảomộc kiều.
Túy ỷ bồng song ngâm hứng phát,
Thi hòa khách tứ bội vô liêu.

Mưa mai mù mịt cửa Hà Hoa,
Ngắm biển mênh mang bốn phía xa.
Mây mến đầu non lơ lửng đứng,
Sóng theo con nước rập rờn qua.
Thủy Tiên đầm nọ đầy sương ráng,
Chế Thắng đền kia rực cỏ hoa.
Say tựa bên mui càng nảy hứng,
Lòng thơ dạ khách khó khuây khỏa
(Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông. Nxb. Văn học, 2003; tr. 242-245)
[8]Các đoạn nguyên văn chữ Hán trích từ Truyền kỳ tân phả. Bản in Lạc thiện đường năm Gia Long thứ mười (1811). Ký hiệu Thư viện Viện Hán Nôm: A.48.
Nguồn: Tham luận tại Há»™i thảo khoa học “Chế Thắng phu nhân và Kê minh thập sách những bài học trong thời hiện đại” do Há»™i Khoa học Lịch sá»­ phối hợp vá»›i Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Anh, Hã TÄ©nh và Ban văn học Cổ trung đại Viện Văn học tổ chức tại Văn Miếu ngày 24-3-2007.