© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
24.10.2002
Trần Tiến Dũng
Biến đổi để cảm xúc
 
Nếu chúng ta cùng tin thơ cất giữ được trong cảm xúc, âm thanh của câu chuyện, hình ảnh của cảm tính, hẳn chúng ta chỉ có thể tiếp cận khu vườn lạc thú này qua ngõ hình ảnh, những hình ảnh không chỉ được thấy trong biểu hiện căn nguyên mà qua là cái thấy được biến đổi từ cách nhìn của thi sĩ.

Trong cách nhìn của Khế Iêm: "Con mèo đen có linh hồn và chiếc xương sườn của tôi...". Trong cách nhìn của Thận Nhiên: "... Những trái chín rực ánh sáng anh biết, đó là thứ ánh sáng của giấc mơ tự tắt...". Trong cách nhìn của Ðỗ Kh: "... Con sông mà con tôi ném ba tôi xuống một đời trong nắm tay vung vẩy thả....".

Bây giờ chúng ta thử quan sát những miếng gỗ trong không gian chơi của một đứa bé trai. Câu chuyện về những miếng gỗ vụn này được thằng bé kể trong cách nó xếp thành những hình khối. Thằng bé nói: "Ðây là thành phố của cháu". Tiếp tục, nó xếp hai miếng gỗ vuông nhỏ lên một miếng gỗ tròn: "Ông có biết lái tàu vũ trụ không? Làm gì à! Ðể đi chơi trong thành phố của cháu, để bay tới ngôi sao ông thích". Và khi chọn được một miếng gỗ ưng ý, thằng bé choàng lên miếng gỗ mảnh vải màu. Miếng gỗ lập tức thành một đứa bé gái - có thể vì nó không có em gái - " Em gái của cháu xí xọn lắm nhưng có em cùng chơi vẫn vui hơn". Trong tình trạng cảm xúc đặc biệt của thằng bé, câu chuyện mà nó kể về đứa em gái bằng gỗ thật đến nỗi như chính nó là người duy nhất được phó thác cho thiên chức kể về những lạc thú trẻ thơ của chúng ta.

Tôi tin rằng hình ảnh của sự sống chưa bao giờ biết tới tủ sách hay thư viện. Hình ảnh trên văn bản chỉ là cái xác, bởi chúng đang bị sự biểu đạt thời quá khứ cầm nhốt, và tất nhiên những hình ảnh đó cần phải được cái nhìn của trẻ thơ và thi sĩ hôm nay trả lại cho chúng quyền tự do biến đổi. Cả hai có chung một đức tin thuần khiết là hình ảnh không biến đổi vô cớ, hình ảnh này sinh nở tự nhiên từ hình ảnh kia, không có chuyện hình ảnh bị cắt đứt bởi ranh giới chia đôi quá khứ và hiện tại, văn bản không là nơi chốn cuối cùng của hình trạng.

Mặc dù vậy người ta vẫn cần phải phản bác. Hình ảnh cần gì biến đổi thành thần hoặc thành quỉ, hình ảnh chỉ cần an trú trong sự thông thái, uyên bác... Nếu khẳng định như thế thì đời sống chỉ cần những triết thuyết, giáo điều, bài thuyết giảng... Cần gì thơ! Cần gì thi sĩ! Những người luôn biến đổi hình ảnh sống của mình để kể về nỗi đau, hạnh phúc của ho, kể về cảm xúc được sống ngay lúc này của chúng ta.

Người ta vẫn hay trách rằng thơ đã mất sự quyến rũ, trở nên nặng nề, xơ cứng, vô hồn... Phản ứng đó của công chúng là bình thường, có vẻ để tự vệ trước những hình ảnh thơ không biến đổi. Ðiều này tước mất hứng thú đọc thơ của họ. Trong chuyện này, những đứa bé - những bậc thầy ngôn ngữ hình ảnh- có cách ứng xử tích cực riêng. Bằng cách nhại thơ, chúng đã hồn nhiên biến đổi để trao tặng sự sống mới cho những hình ảnh thơ xơ cứng trong sách giáo khoa của chúng:

...ô hay dái cứ hai hòn nhỉ
cứ kết liền nhau đến lạ kỳ
đã có con cu còn con cặc
đã xanh lông dái lại Ba Vì


Cách biến đổi này có thể đã vượt quá qui phạm thông thường nhưng nếu không như thế thì ngôn ngữ hình ảnh không có khả năng đến được chỗ khoái-chí-trẻ-thơ.

Như những ngành nghệ thuật khác, thơ là dòng chảy không gián đoạn. Hình ảnh biến đổi như mùa để khẳng định sức sống khỏe mạnh trong hiện tại. Chúng ta đang sống trong một thế giới bấp bênh. Chúng ta có một điểm tựa chung là thơ và chính ngôn ngữ hình ảnh luôn biến đổi của thơ đã giúp chúng ta chống lại những ý nghĩ tầm phào rằng: Thơ đã đuối sức! Thơ đang chết! Có một sự thật không thể phủ nhận là thơ đang thiếu vắng những hình ảnh biến đổi (có quá nhiều những kẻ sử dụng ngôn ngữ bất tài đang mượn hình thức thơ để tìm danh) trong khi giữa tình trạng sống hôm nay, đáng ra thi sĩ phải có trong cái nhìn, thí dụ như: những tòa nhà sáng choang, những căn phòng cho thuê ở các khu đô thị mới... chúng nối kết thành những toa tàu đang rời ga, những toa tàu chứa đầy những câu chuyện về các bữa ăn thừa mứa và thiếu thốn, về giấc mơ chỉ muốn bỏ đi để gặp giấc mơ khác, về khát vọng của những con người luôn hy vọng đó là những con tàu hạnh phúc v.v... Trước những hình ảnh sống biến đổi sinh động như thế, nếu thi sĩ không theo kịp, Thơ có gì để nói!

Như sau một mùa gieo hạt, không gì có thể tước đoạt khỏi tôi một sự thật khác: Họ, những thi sĩ tiên phong, vẫn mọc lên từ mạch đất của xứ sở này:

...
Tôi giữ vai người tình
Nhai nuốt nàng
Chao ôi
Con sâu gậm nhấm tôi
...
Nhổ răng đau
Ngày chủ nhật
Tôi chôn mối tình chung huyệt con sâu
Thơ Nguyễn Ðạt

...
Nỗi cô đơn
Tưởng có thể giũa và đeo thành chuỗi trên da thịt
Mật ong của trinh nữ
... và khẽ chạm vào nhau ngân nga
Thơ Thảo Phương


Ðã rất nhiều con mắt cây biến mất
Và rất nhiều con mắt mới mọc ra
...
và anh mơ một ngôi nhà trong ánh sáng của cây
Thơ Nguyễn Quang Thiều

...
Miệng chén hoằm sâu bầu vú khoét thủng
Men lợn chuồng phóng lên lợn gỗ
May mà sống qua cơn
Mắt người thân hàn gắn các đồ vật
Thơ Mai Văn Phấn

Họ biến đổi ngôn ngữ hình ảnh, thoạt nhìn có vẻ chỉ để tạo sức sống khác cho thế giới riêng của họ. Nhưng không, họ hiện hữu để đưa thơ ra khỏi nguy cơ chậm chân, lẽo đẽo phía sau cảm xúc của công chúng. Thơ luôn ở phía trước, luôn cảm thụ trước tiên và trực tiếp hình ảnh biến đổi sinh động của sự sống.

Ngày 13 tháng 10 năm 2002

© Talawas 2002