© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
12.11.2002
Nguyễn Đăng Thường
Cám ơn cái Lồng Hạc của Nguyễn Quốc Chánh
 
Bắt đầu của Tân hình thức có phải là kết thúc của Thơ tự do? Tất nhiên là không. Khế Iêm, trong một thư riêng cho vài bạn thân: "Thơ cần có nhiều thể loại, thơ vần, tự do, THT thì mới phong phú. Ai thích gì làm nấy thì mới vui. Nếu vườn hoa chỉ có một loài hoa thì đơn điệu và dễ nhàm chán". Và Khế Iêm, trong một email riêng khác: "Công việc của chúng ta, chẳng phải cách mạng hay phủ nhận ai, mà để cứu chính chúng ta và thơ khỏi bị chìm xuồng giống như tiểu thuyết hay hội họa VN bây giờ."

Tiện đây cũng xin nói thêm rằng "thơ tự do" không nhất thiết phải đồng nghĩa với (nói chi "sinh đôi") "tinh thần tự do", hay "chủ nghĩa cộng hòa", hay "chủ nghĩa cá nhân". Thời cổ đại, Athens (Hy Lạp) đã có chế độ dân chủ nhưng không có thơ tự do và vẫn còn một giai cấp nô lệ, như nước Mỹ trước khi chế độ nô lệ được bãi bỏ. Tôi không dám tin, một cách quá lãng mạn, như nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, rằng "Tự do là bản tính đầu tiên và cuối cùng của con người". Tôi thiển nghĩ rằng nó phải đến từ sự học hỏi, hiểu biết, thực hành, và cần có hiến pháp, luật lệ bảo vệ. Ý thức về tự do không phải tự nhiên mà có. Nhân loại chỉ đạt tới sau một đoạn đường dài đầy chông gai. Tự do luôn luôn bị đe dọa. Cách mạng tháng 7 đã bị hijack ("bắt cóc") bởi Napoléon, dù ông hoàng đế này là một minh đế. Thế nhưng tự do dân chủ vẫn có thể hiện hữu dưới một chế độ quân chủ lập hiến. Sau thời trung đại u mê, thời Phục hưng Ý (thế kỷ 15-16) nhờ sự khám phá lại nền văn minh cổ Hy (thế kỷ 5-4 trước công nguyên) mà đã có được ý niệm về dân chủ, dẫn đến cuộc cách mạng dân chủ Mỹ (thế kỷ 18) rồi cuộc cách mạng dân chủ Pháp (thế kỷ 18). Người Pháp đến nước ta cai trị, nhưng họ cũng mang đến cho ta phương tiện để tự giải phóng, bằng sự mở mang trí tuệ, cung cấp cho ta những ý niệm về dân chủ, tự do, công bình, bác ái. Nhà nước cộng hòa dân chủ xã hội chủ nghĩa thì khốn thay đang làm ngược lại. Ðộc tài có khi đến bằng "cách mạng giải phóng" (Trung Hoa, Cuba, Việt Nam, Bắc Triều Tiên) mà cũng có thể đến bằng lá phiếu cử tri (phát xít Ðức). Ngoài ra, chẳng bao giờ có tự do tuyệt đối, hay có mới mẻ trăm phần. Làm gì có chuyện cõi riêng. Con người luôn luôn bị cột chặt vào không gian, thời gian và đoàn thể. Cái "bồn" của thơ tự do, tuy có lớn hơn cái "bình" của thất ngôn, và mặc dù do chính mỗi tác giả tự sáng tạo lấy bằng các chất liệu chính mình lựa chọn (cứ giả dụ như vậy đi), nhưng tự chính nó không chứa đựng tự do (hay quân chủ, hay độc tài, hay bất cứ một cái gì khác). Bởi chẳng thiếu những bài thơ tự do nhảm nhí. Cũng chẳng thiếu những bài thơ tự do ca tụng lãnh tụ và chế độ độc tài. Người làm thơ tự do cũng không chắc đã có đầu óc tự do hay "ý thức cá nhân đặc sệt" (NQC). Nếu mọi người làm thơ tự do đều được hoàn toàn tự do thì cả nước ta cũng nên làm thơ tự do lắm chứ. Tự do, đi hoang, thường là ảo mộng của những kẻ đang bị nhốt. Nếu từ thể thơ thất ngôn chúng ta đã được một bà Huyện và một bà Hương, thì từ thể thơ tự do chúng ta cũng có thể có một ông Sóng Hồng hay một ông Sóng Xanh.

Ông NQC bình thơ theo quan điểm Mác-xít, với cái nhìn phiến diện bị ám ảnh bởi đấu tranh giai cấp và kinh tế, mặc dù tỏ vẻ chống Marx và chủ nghĩa cộng sản, có thể vì ông không có được một cách nhìn khác hơn. Nhưng theo hiểu biết ngu muội của tôi, thơ tự do Việt, chí ít là trên phương diện thẩm mỹ, có phản kháng cái mốc xì gì đâu, trừ một ông Thanh Tâm Tuyền đã tự ví mình với một vị "hoàng tử đầy quyền uy" trong một "cuộc hành trình hoàn toàn cô độc", dù ông thuộc nhóm Sáng Tạo. Phần lớn, thơ tự do đã được sử dụng như một thể thơ sẵn có, vừa mới mẻ kích thích vừa ít trói buộc và có thể dễ làm hơn, thế thôi. Ở Pháp, hình như thơ tự do xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20, với Apollinaire. Có thể nó đã bắt nguồn từ thơ Rimbaud, từ bài 'Mouvement' (Chuyển động) trong tập thơ-văn xuôi Illuminations. 'Mouvement' là bài thơ tiếng Pháp đầu tiên có những câu ngắn dài không đồng đều và không vần. Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (1621-1695) cũng có những câu ngắn dài không đồng đều rất tự do, tuy vẫn còn vần ở cuối câu, như thơ tự do của Tố Hữu. Các bài thơ phỏng dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine của Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) chắc hẳn đã có đóng góp cho sự hình thành thơ mới. Ở Việt Nam, thơ tự do chỉ là một phiên bản chịu nhiều ảnh hưởng Pháp, thơ siêu thực Pháp, Breton, Éluard, Prévert, vì lúc đó ta chưa được tiếp xúc với văn hóa Anh-Mỹ (Whitman). Các bài thơ tự do đầu tiên của Nguyễn Ðình Thi thì hình như đã đượm / đậm mùi hoài cổ, chính trị rồi, với những "Tháp Rùa lim dim nhìn nắng" và "Tháng Tám về rồi đây / Hôm nay nghìn năm gió thổi", dù là một bài thơ rất hay, gây nhiều cảm xúc ở người đọc. Ðó chắc phải là cơn gió cách mạng tháng Tám, chóng trở thành cơn bão chuyên chế tháng Muời: "Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên / Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp / Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp! / Vinh quanh Tổ quốc chúng ta / Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa! / Vinh quanh Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi / Quyết chiến thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại..." (Tố Hữu).

Không có truyền thống tất nhiên không có hiện đại. Cái mới chỉ có thể tới từ cái cũ. Cái cũ có khi lại trở thành cái mới. Cái cũ của mỹ thuật châu Phi, ả Rập, Nhật Bản đã trở thành cái mới trong hội họa Tây Phương. Cái mới của thơ mới đã thoát thai từ cái cũ của ca dao, thất ngôn, thơ lãng mạng Pháp. Tân hình thức (cũng như tân hiện thực, nghệ thuật mới, tiểu thuyết mới, đợt sóng mới, triết lý mới...) phải đến từ những cái cũ, trong đó có (cái cũ của) thơ tự do. Người làm thơ tự do không nên tự hào về điều này cũng như người làm thơ tân hình thức không cần mặc cảm về việc đó. Kịch cổ điển Pháp (Racine, Corneille) đã đến từ kịch cổ điển Hy Lạp (Sophocles, Euripides, Aeschylus). Thơ ngụ ngôn của La Fontaine cũng đến từ các truyện ngụ ngôn cổ Hy (Esope). Chủ nghĩa lãng mạn sinh ra ở Ðức trước khi sang Pháp rồi lan khắp thế giới để tới Việt Nam. Câu thơ "Thời gian hỡi hãy dừng ngay cánh lại/ Cho ta đây say hưởng phút vui điên" (Tố Hữu) và ca từ "Ngày tháng nào đã ra đi sao ta còn ngồi lại" (Trịnh Công Sơn) là sao chép, dịch thơ Lamartine (Ô temps, suspends ton vol!…Laissez-nous savourer les rapides dèlices trong bài Le Lac) và thơ Apollinaire (Les jours s'en vont je demeure, trong bài Le Pont Mirabeau). Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp là nhại lại cuộc gặp gỡ Kim Kiều, để mộng du trở về một quá khứ vàng son chưa chắc đã có thật, nhưng đã trở thành một "trang sử xinh đẹp / oai hùng" của dân tộc. Bài thơ này chỉ là một thứ "remake" với sắc đỏ, xanh, hồng (buổi sáng) và nhạc du dương, có "happy ending" kiểu Hollywood. Nó chỉ là thơ tình lãng mạn, nhí nhảnh, sẽ đẻ ra thêm một "cô Bắc Kỳ nho nhỏ" ở Sài Gòn 60. Nó không có tiếng kêu bi thảm của định mệnh "Người đâu gặp gỡ làm chi / Trăm năm biết có duyên gì hay không?", như trong cuộc tao ngộ Kim Kiều (sắc trắng, xanh, vàng, hoàng hôn). Sau Kim Vân Kiều truyệnKim Vân Kiều tân truyện, sau Les misérables, La dame aux camélias, Les trois mousquetaires... là Ngọn cỏ gió đùa, Ðời mưa gió, Tiêu Sơn tráng sĩ... Trống MáiKhối tình Trương Vọi, thập niên 30 Hà Nội, Ðồ Sơn. Cải lương đã cách tân hát bộ để loại bớt những từ Hán Việt và những tuồng tích của truyện Tàu, đem ngôn ngữ bình dân cùng bài vọng cổ và những đề tài xã hội, văn chương, lịch sử VN vào ca kịch.

Thơ tự do của NQC không Tây cũng chẳng Mỹ. Nó là con cháu của thơ tự do Việt, Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và vài người khác. Nó cũng là chút chít của các thể thơ truyền thống, bà Hương, ông Khiêm, bác Khuyến, cụ Du và nhiều người khác, pha thêm chút máu gấu (?) mủ rồng (?) ( sao lại mê con rồng Nam đến thế nhỉ? vì đối với người nước ngoài, nó chỉ là một chú tiểu long không... lý! Tại vì rồng thì sang, áo tứ thân thì quê mùa chẳng đáng mặt thi sĩ tiên phong? Thơ tự do đã / sẽ trở thành thơ gò bó như các thể thơ truyền thống, kể luôn thể thơ "mới" THT, hay thể thơ vi tính liên bản. Ðể tránh (nếu tránh được) cái định mệnh hiển nhiên đó (có sinh ắt có tử!), hay để kéo dài (nếu kéo được) cái tuổi thọ (ai mà hổng khoái được sống dai?) THT Việt đã "nối vòng tay lớn" (xin phép dùng lại cụm từ thơm tho này để được thơm lây) cố sức bao gồm các thể thơ cũ và mới, nội và ngoại, kể cả kịch nói, cải lương, tuồng, chèo, vọng cổ và những chuyện tầm phào ngoài đường phố... "Dùng lại các thể thơ cũ vì dòng thơ 5, 7, 8 chữ phù hợp với độ dài của câu nói trong tiếng Việt cũng như độ dài 10 âm tiết trong tiếng Anh, tự nhiên thoải mái cho người đọc, không phải chau mày, tắc lưỡi, bị tra tấn khổ sở khi đọc thơ" (Khế Iêm), chứ không có chuyện ôm chân hay cầm tay ai. THT không "chạy theo chiều chuộng thị hiếu tiêu dùng của người đọc" vì THT chọn những đề tài mới lạ, thường không hợp khẩu vị độc giả. Không chỉ riêng thơ tự do, mà văn chương nghệ thuật nói chung luôn luôn phục vụ một thiểu số. Cái thiểu số đó nó có thể là một "tiểu thiểu số" (độc giả tiểu thuyết mới), một "trung thiểu số" (độc giả tiểu thuyết cổ điển) hay một "đại thiểu số" (độc giả best-sellers). THT chỉ mong có độc giả, càng đông càng vui, vì nhận thấy căn bệnh dị ứng thơ đã gần như là nan y rồi.

Ông NQC viết: "Tân hình thức Mỹ chắc cũng giống mô hình của đảng cộng sản Mỹ. Chả có sức mạnh gì trong việc truy tầm Bin Laden hay bẻ cò Iraq". Xin thưa: không chắc đâu. Ðảng cộng hòa Mỹ, chứ không phải đảng cộng sản, đang truy tầm Bin Laden và muốn đánh Iraq. Tại sao lại ví một trường phái thơ mới với một đảng chính trị cũ không chắc là đã còn hiện hữu? Bởi THT Mỹ không có mục tiêu chính trị như chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông NQC viết: "Thơ truyền thống là loại hình kinh tế chỉ biết dựa vào thổ sản. Kinh tế của phương thức con nhà nghèo. Thơ tự do là loại hình kinh tế của công nghệ cao. Kinh tế của phương thức con nhà giàu." Xin miễn bàn đến giá trị của lập luận Mác-xít này, vì tôi không là một nhà kinh tế học. Chỉ xin áp dụng nó vào đời sống thực tiễn. Nếu đúng vậy thì bây giờ ở VN chắc phải có đủ các loại hình kinh tế và phương thức kể trên, vì đã và đang có thơ tự do của NQC và những người khác? Còn nền kinh tế của Ai Cập, Trung Hoa ở thời xa xưa thì sao? Giàu hay nghèo, dựa vào thổ sản hay công nghệ cao, mà xây được kim tự tháp, vạn lý trường thành, nhưng không có thơ tự do?

Thơ tự do đã mất sinh khí nên cần phải có thêm tân hình thức. Các nỗ lực hồi sinh thơ tự do Việt bằng sự gia tăng ẩn dụ, tu từ, hình ảnh dị kỳ, nhân cách hóa, chỉ làm người đọc ngán ngẩm, chẳng ai thèm đọc. Sự tự do quá trớn đã khiến thơ trở thành một trò chơi chữ nghĩa bí hiểm, đánh mất độc giả trên đường phiêu lưu trở lại chiếc tháp ngà. Như vậy, nàng thơ tự do Việt chẳng khác gì một cô gái già mặt bự phấn son, cố che đậy những nếp nhăn bằng sự diêm dúa, không còn cái tươi mát hồn nhiên của tuổi thanh xuân. Người làm thơ THT thì dùng ngôn ngữ đời thường và hiện đại, trực tiếp, làm thơ cho mọi người cùng đọc, nên rất trân trọng độc giả. Hầu hết các nhà thơ THT chỉ là một con người bình thường / tầm thường, kể lại những mẫu chuyện đời vặt vãnh đã xảy đến cho mình, mà cũng có thể xảy đến cho người khác. May thay họ không là "gấu" không là "rồng", họ không thích vai trò thi sĩ đỉnh cao, tự ái, tự đại, vỗ ngực rêu rao làm thơ cho mình, không cần người đọc, nhưng lại méo mặt khi bị cấm, đến đỗi phải gửi ra hải ngoại tìm độc giả. Chúng tôi nhận thấy mình chưa đủ tư cách để nhận lãnh phần thưởng tinh thần quý hóa này: "Vừa ra khỏi làng là đã sợ mất gốc. Chưa xài hết tự do đã vội ôm giò truyền thống." Xin thưa: Chúng tôi ra hải ngoại đã hơn một phần tư thế kỷ rồi. Chúng tôi đều là người của thị thành từ khi còn ở quê nhà. Và chúng tôi không là cây nên chẳng sợ mất gốc. Nếu có gốc thì chúng tôi muốn chớ không sợ mất.

Người làm thơ THT không nhọc công tìm kiếm cái tinh túy của ngôn ngữ, một quan niệm đã cũ xưa. Vì đối với hắn mọi ngôn ngữ đều là chất liệu có giá trị ngang nhau. Hắn hài lòng với cái ngôn ngữ thế giới đã bị "ô nhiễm" bởi phim Hollywood, ti vi Mỹ, báo chí truyền thông đại chúng. Là người trần mắt thịt, hắn không nhìn thấy "con gấu nhe răng cười trong cuống họng của rừng", "ngón cái tắt thở", "cửa mở mắt". Ðại khái (vì thi thoảng hắn cũng dùng ẩn dụ như "con mèo đen") rừng là rừng, cửa là cửa đối với hắn. Hắn nghĩ rằng người đọc không cần đến các trò ẩn dụ lôi thôi, chi chít ở mỗi dòng, chỉ thêm rối trí. Pushkin thuở bé có một chị vú kể truyện cổ tích và đọc thơ dân gian cho ông nghe. Khi làm thơ ông dùng ngôn ngữ bình dân, mở đường cho các thế hệ sau thoát khỏi ngôn ngữ cầu kỳ của thơ trước đấy. Chúng tôi (hay chỉ riêng tôi) hạnh phúc với cái thân phận heo chuồng, chẳng thấy cần phải làm "đứa con hoang hết thuốc chữa; hoang từ lúc khai sinh cho đến ngày xuống lỗ". Nhà thơ Khế Iêm đã xài hết thơ tự do nên cần có bạc mới. Tự do cá nhân thì ông thơ con mèo đen này đã, đang và sẽ còn lạm dụng dài dài, đừng lo, "no doubt about it" như ông tổng thống cao bồi đệ nhị Dubya (George W. Bush) thường nói. Sau mùa Xuân năm 2000, thời điểm của Tân hình thức Việt, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh đã có những đoạn thơ vắt dòng theo tân hình thức. Xin trích dẫn một đoạn thơ NQC vắt dòng sau 10 chữ, bắt chước một bài tân hình thức của một tác giả khác đăng trên TC Thơ:

Rồng vẫn ung dung bất động và chưa một lần
nhức đầu hay tăng áp huyết. Trong khi má tôi,
uống đủ thứ cổ và tân dược, vẫn không sao
trục khỏi bụng cơn đau do râu rồng tác hại.
(NQC. 'Những Mối Quan Hệ', Việt số 7 đầu năm 2001)

Ðiều này chắc chưa đủ để chứng tỏ rằng tân hình thức đã có ảnh hưởng và đóng góp đáng kể cho thơ Việt? Dù nó đã ảnh hưởng đến chính thơ của người viết bài phê bình cười chê THT? Ðời sống hải ngoại tất bật, trong việc mưu sinh cũng như trong cuộc mua vui, chúng tôi không có thì giờ để làm những chuyện hay ho, siêu thực, kiểu "bức tường trắng lau hoài không hết nắng" để tạo cảm xúc mới. Vì chưa thoát khỏi trói buộc của lô-gích sát đất, chúng tôi chỉ có thể vươn tới những lập luận tầm thường kiểu như "bức tường trắng rực rỡ không cần nắng", hay "bức tường trắng chói lòa dù không nắng", hay "bức tường trắng mưa lau hoài không hết nắng", nghĩ rằng nếu viết như vậy thì may ra nó có thể là một ẩn dụ có ý nghĩa? Nhưng cớ chi người làm thơ phải lau mãi một bức tường đẹp như thế, dù với mục đích tìm xúc cảm mới. Ðối với chúng tôi, "môn thể thao" lái xe gắn máy đùa nghịch với tử thần chỉ là một "triết lý sống" và một hành động ngu xuẩn, chứ không can đảm, anh hùng, đáng để ca ngợi. Và cái bên trong (nội tâm, ý thức, tiềm thức của con người hiện đại bị chi phối, điều kiện hóa) thường gồm những cái thu nhặt hay áp đặt từ bên ngoài. Ông NQC có những cảm nghĩ rất thông thái. Nhưng thơ tự do có còn là "nghệ thuật của số ít, của những cá nhân đặc chủng và những dân tộc đặc biệt" như ông đang chiêm bao? Hay là nó đã trở thành món tiền thông dụng, đã là thơ của đám đông, thậm chí, là thơ của những kẻ bất tài? Chắc chắn số người làm thơ sẽ tụt xuống mức tối đa nếu phải làm thơ theo những thể thơ cổ. Ông NQC cũng có thể sẽ bỏ thơ luôn nếu bị bắt buộc phải sử dụng lại các thể thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn, song thất lục bát, thậm chí, lục bát và thơ mới. Hay là ngược lại, ở nước ta bây giờ đại đa số đang làm thơ vần thơ cổ, và chỉ lẻ tẻ vài cá nhân còn biết sử dụng cái nghệ thuật của số ít, là làm thơ tự do? Và như thế dân tộc Việt có là một dân tộc đặc biệt hay không? Thiển nghĩ, thơ tự do ngày nay đã lền khên như bèo trên mặt nước ao thơ, nước (ao) nào mà chẳng có. Ở thế kỷ của vi tính và "cloning", đặc chủng và đặc biệt chỉ là ảo tưởng của những kẻ thiếu thông tin, bị cô lập? Con người hiện đại ở khắp nơi trên thế giới ngày càng hệt nhau, chẳng khác gì những người máy, hay đàn chiên, đàn bò không có cá tính. Nếu còn chút ý thức cá nhân loãng, còn cảm xúc được lai rai là may mắn rồi, bất luận cựu hay tân, nguội hay âm ấm. "Sài Gòn gãy cặc" là tiếng kêu hoảng hốt, là một thảm kịch đối với người làm thơ trong nước. Ở ngoài nước? Gãy thì có bác sĩ gắn lại. Hoặc dùng cặc cao su, đủ màu, đủ cỡ, đủ kiểu, thường sướng hơn cặc thiệt.

Nhà thơ Khế Iêm viết" "Charles Jencks, nhà lý thuyết tiên phong của kiến trúc hậu hiện đại Hoa kỳ thập niên 1980 (kiến trúc cũng là ngọn cờ đầu của chủ nghĩa hậu hiện đại), trong thời điểm "2000 and beyond" đã bắt đầu xét lại, kết hợp với những khám phá của khoa học về chaos, đưa kiến trúc qua một ngả đường khác, và ông gọi là Fractal Architecture, sát gần với tự nhiên. Hội họa đang trở về với chân dung, phong cảnh, hình thể, tĩnh vật. Tiểu thuyết trở về với cốt truyện và tình tiết. Kịch quan tâm tới số phận của nhân vật. Họ không những trở về với truyền thống mà còn chắp cánh bay tuốt về cổ điển, quay về với tự nhiên là chủ yếu. THT là một trong những biến chuyển đó. Ðây là một biến chuyển lớn mang tính đồng bộ, đồng loạt. Tìm lại những thể cũ và làm mới lại thì cực kỳ khó, chứ không phải cứ ngồi nghĩ ra thơ [như vài người]... THT Việt khá thú vị, vì chứa rất nhiều khả thể của nhiều bộ môn, muốn khai thác hết cũng còn lâu lắm, và nếu trong thực hành, kết hợp cả được với chaos nữa thì còn gì bằng."


Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh có vẻ sính thơ Whitman (1819-1892), ở thời cuối thế kỷ 19. Thú thật là tôi không biết ai đã sáng chế thơ tự do. Bài thơ tự do đầu tiên của Whitman One's-Self I Sing, gồm chín câu, ghi các năm 1867-1871. Tập Alcools (1920) của Apollinaire(1880-1918) có nhiều bài có thể coi như là thơ tự do, như bài 'La Synagogue' tuy còn vần ở cuối câu, đã đăng báo Le Festin d'Ésope, số 3, từ năm 1904. Thơ Whitman có cái hay mà cũng có cái dở. Những nhà phê bình thơ tiếng Anh cho rằng: "Cái nguy hiểm của phương pháp Whitman là làm người ta tưởng lầm phương pháp tu từ là thi pháp... và người đọc có cảm tưởng cảm xúc của thơ Whitman là thứ cảm xúc giả tạo". T. S. Eliot có câu nói thường hay được trích dẫn: "No vers is libre for the man who wants to do a good job". Vâng, không có thơ nào tự do cả nếu muốn có thơ hay. Ông NQC còn tin tưởng vào sự độc đáo trăm phần, độc nhất vô nhị, nên chê bai thẩm mỹ của đám đông. Ðó là cái quyền bất khả xâm phạm của ông. Tranh Warhol và nghệ thuật Pop Art trị giá bạc triệu, ngợi ca vẻ đẹp của đồ vật thông dụng sản xuất hàng loạt bằng máy, dù có cho không chắc ông cũng không nhận. Nhóm THT rất cám ơn ông. Cám ơn lời khen nồng nàn "Chắc là cái giống Lạc Việt! Lạc Ðường! Lạc Chợ! Lạc Nhách! Và Tân hình thức chắc là cái Lạc Hồng!"

Vâng. Cám ơn. Cám ơn cái Lồng Hạc.

© Talawas 2002