© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
14.4.2007
Christiane Schott
Paris en rose
Trần Kh. dịch
 
Vào cái thời mà tháp Eiffel vẫn còn là một công trình kiến tạo cao nhất thế giới và qua đó đã ban phát cho khu phía tây thành phố Paris thêm cái vẻ hào nhoáng mà nó chưa bao giờ đạt được như thế, thì ở đầu bên kia của thành phố, Edith Giovanna Gassion được sinh ra đời. Belleville vào năm 1915 - điều ấy có nghĩa là: rượu vang đỏ pha trong bình núm vú của hài nhi, rất nhiều đòn roi và sự thất học, trẻ con còi xương và những người lớn mắc bệnh phong thấp. Tầng lớp tư sản thì nhìn đám thợ thuyền cộng sản với sự ghê tởm, trong lúc những chàng ca sĩ hát rong của khu vực thì tự làm nổi bật mình lên như những kiếp người sa cơ lỡ vận: "Belleville là một khu vực khốn kiếp. Đấy chính là hoả ngục của Dante."

Edith đã thoát ra khỏi hoả ngục. Bà đã thành công trong việc từ bỏ khu phía đông bị rẻ rúng để nhảy vào khu phía tây thanh lịch. Tính đến năm 1963 - năm Edith qua đời ở tuổi 47 - thì bà đã sống một phần tư thế kỷ gần tháp Eiffel, như thể đấy là một hàng xóm thân cận. Lúc ấy, vị trí số một của ngọn tháp này đã bị thay thế bởi toà nhà Empire State Building từ lâu rồi. Nhưng Edith - vẫn mãi mãi nhỏ nhắn như một cô bé với chiều cao 1 mét 47 của mình - đã nổi danh khắp thế giới như là một giọng ca hàng đầu của nước Pháp.

Chính cái biểu tượng to lớn bên dòng sông Seine đã trở thành sân khấu cho bà nhân dịp chiếu ra mắt cuốn phim Hollywood The Longest Day vào năm 1961. "Bà ta đứng trên đấy, hai cánh tay giang thẳng lên bầu trời đêm, và qua hệ thống loa khuếch âm, giọng hát của bà đã vang vọng đến hàng ngàn người hâm mộ đứng nghe dọc bờ sông", Charles Dumont - nhạc sĩ, 77 tuổi - đã kể như thế. Ông đã trở thành một kẻ được sủng ái trong số những "triều thần" của Edith, khi vào năm 1960 ông viết cho nữ ca sĩ này ca khúc "Non, je ne regrette rien" ("Không, tôi không hối tiếc gì cả"). Lúc ấy, bà đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi và bài hát này đã góp phần giúp bà có được một kết thúc huy hoàng cho sự nghiệp của mình.

Hiện nay, Dumont là một trong những chứng nhân cuối cùng có thẩm quyền để đánh giá cuốn phim mới của đạo diễn Olivier Dahan kể về cuộc đời Piaf, bằng những trải nghiệm của một kẻ sống cùng thời. Ông cảm thấy lạ lẫm, khi thấy nữ diễn viên Marion Cotillard trong vai nữ thần tượng của mình nhìn xuống từ những tấm biển quảng cáo treo khắp thành phố. Dumont nói: "Trước Edith chưa từng có ai là một hiện thân độc đáo như thế cho cái bản sắc Pháp, và sau bà cũng sẽ chẳng có một ai". Dumont đã viết cho Piaf 28 ca khúc, và từ 40 năm nay, ông đã đi trình diễn một mình với những bài hát này.

Những "đĩa hát vàng" được ông treo trong căn hộ rộng rãi nằm trong khu nghệ sĩ Saint Germain-des-Prés. Tâm điểm của phòng khách là một chiếc dương cầm. Một chú chó con lông đốm sủa ăng ẳng. Charles Dumont ngồi trên chiếc ghế bành thiếp vàng phong cách Louis XVI và hồi tưởng về quá khứ, về cái thời mà ở khu tả ngạn sông Seine này, Boris Vian và Juliette Gréco vẫn còn là những cái tên chỉ được truyền tụng trong thiểu số sành điệu, trong lúc những "ngôi sao" thì ngự trị bên phía hữu ngạn và đám đông công chúng thì đổ xô vào những căn phòng của nhà hát Olympia và nhà hát kịch ABC.

"Huyền thoại Piaf không cư ngụ ở đây, mà là ở giữa Khải Hoàn Môn và tháp Eiffel", Dumont bảo như thế. "Bây giờ thì tài tử giai nhân tụ ở nơi khác, nhưng quận 16 vẫn còn giữ được đẳng cấp của nó."

Và cái quận này cũng muốn phô trương dung nhan của nó ngay cả với một người khách sử dụng Métro bình thường. Chính ở khu vực này thì đường xe điện ngầm lại chạy trên mặt đất. Ngồi trong Métro, người ta có thể nhìn thấy rõ những ngôi nhà của tầng lớp tư sản giàu có được xây dựng từ những thời kỳ danh tiếng, những cổng vào Métro - xem chừng đã đến độ chín muồi để có thể đưa vào bảo tàng viện - được thiết kế bởi một kiến trúc sư chuyên về phong cách art nouveau: Hector Guimar. Với những nhành hoa sen thiết kế cầu kỳ bằng sắt và những mái che làm bằng kính hình dạng vỏ sò, vị kiến trúc sư này đã đưa một nét bay bướm vào cái khung cảnh đối xứng đầy vẻ nghiêm khắc của các đại lộ. Những người đàn bà rời Métro ở trạm dừng Passy này thì phô bày sự nhạy cảm của mình ngay giữa khuôn mặt, vài người đeo khẩu trang, một số người trẻ thì tự cắt đứt mình với đồng loại chung quanh bằng dụng cụ nghe tai của máy MP3-Player. Những cô bé học trò, chân mang giày ống bóng loáng và trên mái tóc thì đeo băng nhung màu xanh thẫm, xếp hàng một lặng lẽ bước theo cô giáo của mình đi về hướng toà thị chính, một toà nhà có dáng dấp của các lâu đài vùng sông Loire và hiện đang có một vị bộ trưởng đã về hưu đang làm việc ở đấy với tư cách thị trưởng.

Cổng vào toà nhà được canh gác bởi hai nhân viên mặc chế phục và có vẻ cục cằn không mấy thân thiện. Khi nghe hỏi rằng lễ kết hôn của Edith Piaf với người đàn ông trẻ hơn bà 20 tuổi, Théo Sarapo, vào ngày mồng 9 tháng 10 năm 1962 đã diễn ra ở căn phòng nào, thì họ trả lời bằng sự im lặng. Câu đùa vui "Souriez-moi, Milord", cười mỉm với tôi một cái đi mà, quí ngài, cũng chẳng hề làm cho thái độ họ thay đổi.

Cuộc đi dạo xuyên qua khu phố diễn ra không có gì đặc sắc và hào hứng. Đằng sau những cánh cổng của những toà nhà được bảo vệ an toàn là những người làm vườn da đen đang cắm cúi cắt tỉa cây cối của những khoảng sân trước. Rồi là những ông bà già - những khách hàng quen thuộc của các cửa hàng cao lương mỹ vị trong khu vực. Họ kéo những cái túi đi chợ có bánh lăn trên lề đường - rặt một loại túi ca-rô kiểu Tô-cách-lan và có vẻ điệu đàng quí tộc hơn nhờ cái mác Rosler - để tải về nhà thực phẩm vừa đủ cho những hộ gia đình chỉ có một người. Và cả những khu nhà ở đằng xa kia nữa, nơi đường Pierre Charron đổ vào đại lộ Champs Elysées và đồng thời là điểm bắt đầu của quận 8, cũng toát lên một tinh thần trật tự qui củ.

Phía mặt tiền của khách sạn bốn sao Château Frontenac, người ta treo những lá cờ của các nước Âu châu. Không thấy một nghệ sĩ chơi phong cầm ở góc phố nào, cũng chẳng thấy một cô ca sĩ mảnh mai mặc váy bạc màu nào đang đứng cất to giọng để hát một ca khúc thời thượng trên vệ đường, như Edith Giovanna Gassion đã làm như thế vào năm 1935, lúc cô nàng lần đầu tiên dám rời bỏ khu Belleville của mình để đến hát tại nơi này. Và Edith đã thành công trong cuộc thử lửa. Louis Leplée - chủ phòng trà Le Gerny's - nghe, nhìn và biết ngay rằng: Đấy là một giọng ca thiên phú. Ông quyết định ra tay nâng đỡ cô gái 19 tuổi này và gọi cô là "La Môme Piaf" - chim sẻ và cô bé trong cùng một con người. Nhưng hẳn cô bé này thuở ấy đã phải có cái cảm giác mình già trước tuổi. Vài tháng trước khi ngôi sao của Edith toả chiếu ở Gerny's, Edith đã phải chôn cất cô con gái 2 tuổi tên là Marcelle của mình.

Cô trình diễn đến ba suất trong một ngày, rồi những chuyến lưu diễn trên khắp nước Pháp và những buổi thâu thanh đĩa nhạc: vì thế, chỉ sau vài năm, Piaf đã kiếm đủ tiền để có thể mua cho mình một căn hộ ở một khu phố sang trọng. Không giống như những người hàng xóm luôn ngủ nghê đầy đủ và ăn uống giờ giấc điều độ, Piaf đã lấy đêm làm ngày và căn phòng khách của bà thì bị biến thành một phòng tập dượt sau những buổi hát khuya. Bên phải cổng vào của ngôi nhà số 67 Boulevard Lannes có treo một tấm bảng nhỏ, bị che khuất một phần bởi cây cối, tấm bảng nhắc nhở cho ta biết rằng có một người rất nổi tiếng đã từng sống mười năm cuối đời mình tại đây. Mặc cho chứng ung thư, mặc cho tình trạng kiệt sức kinh niên và sự lạm dụng thuốc men, bà vẫn tiếp tục hành hạ những nhạc sĩ của mình trong căn hộ nằm ở tầng một và luôn đòi hỏi ở họ sự tập trung cao độ cho tới lúc trời tờ mờ sáng. Charles Dumont không quên được chuyện ông và những bản nhạc do ông sáng tác đã bị Piaf khước từ nhiều lần, trước khi ông nhận cái ân huệ là được bà để tai nghe đến. "Mấy tay clochard bụi đời vẫn thường hay mò từ rừng Bois de Boulogne qua khu phố này coi bộ còn được bà chào hỏi thân thiện hơn, và lại còn được bà cho ít tiền tiêu vặt nữa chứ", Dumont kể lại như thế.

Vào buổi chiều hôm nay, ai đó đã đem ra phơi phóng trên cái ban-công thuộc căn nhà cũ của Piaf một chiếc áo lông thú. Chiếc áo đã sờn cũ và không còn bóng bẩy, như thể nó vừa bước ra từ cái rương chứa đồ cũ của người nữ ca sĩ. Nhà báo với phong cách tự tin Françoise Giroud thuở sinh thời hẳn sẽ phải cảm thấy những nhận xét bỉ báng của mình về cô ca sĩ đang lên đến từ Belleville được kiểm chứng. "Nói cho cùng thì cô ta không chịu trách nhiệm cho việc lúc nào quanh cô cũng toát lên một nỗi khốn khổ. Cô mặc áo lông chồn, cô sống ở vùng Bois. Nhưng áo lông chồn khoác trên người cô ta trông cứ như là lông thỏ", Giroud đã viết như thế đầu những năm năm muơi trên tờ báo lá cải France-Dimanche.

Piaf đã chưa bao giờ thực sự thoát hẳn được cái gốc gác Belleville của mình. Và khi "tấm màn sân khấu cuối cùng" của bà được hạ xuống, thì một cuộc rút lui trở về lại khu phố của tuổi ấu thơ cũng đã diễn ra. 400 ngàn người buồn bã đi theo sau quan tài vào ngày 14 tháng 10 năm 1963. Họ bỏ những đại lộ tráng lệ lại đằng sau lưng và đi về hướng đồi dốc của quận 20. Ở đấy, có những con đường uốn lượn thay thế cho những đại lộ mang tên các vị tướng. Ở đoạn đường dốc Rue des Pyrénées người Paris có thể ngửi được một chút khí trời vùng cao. Tại đây, việc người ta mặc áo lông chồn hay lông thỏ, mặc áo gió đã lỗi thời hay là áo chùng caftan đều không quan trọng. Tại khu phố Boulevard de Belleville xô bồ náo nhiệt - sợi dây thần kinh trung tâm của cả khu vực - thì cái vẻ mỹ miều bị kiềm chế của khu phía tây sang trọng đã biến mất, thay vào đó là những sắc màu sặc sỡ và âm thanh ầm ĩ.

Tại trạm Métro Belleville, vài nhạc sĩ Nga đang so dây đàn vĩ cầm với tiếng sáo, những người bán hàng của khu chợ trời sinh hoạt vào mỗi thứ ba thì đang tìm cách bán tống bán tháo khoai lang, chuối xanh và dứa... bằng chiêu đại hạ giá của buổi chợ tàn. Những phụ nữ Phi châu tay ôm những túi nhựa đầy ắp và trên lưng thì gùi con nhỏ bằng những chiếc khăn nhiều màu sắc. Những người đàn ông mặc áo trùm đầu Burnu trắng hoặc áo thụng Ả Rập Dschellaba kẻ sọc tụ tập từng đám đấu hót ầm ĩ, rồi người Ý, người Arménie, người Do Thái gốc Đông Âu, người Hồi giáo, Phi châu da đen, người Trung Quốc - sau khi Mademoiselle Gassion bỏ đi thì cái thành trì truyền thống của tầng lớp thợ thuyền này đã biến thành một "thành phố" của dân tị nạn và người nhập cư. Với khoảng 110.000 cư dân, quận 20 này lớn ngang cỡ thành phố Metz hoặc Mulhausen, nhưng ở đây hiện đang sinh sống đủ loại sắc dân đến từ 80 quốc gia.

Những tiếng động ồn ào giảm đi nhiều đằng sau bức tường của nghĩa địa Père Lachaise. Nhiều lăng mộ trông như cung điện, những tượng bán thân và điêu khắc bám rêu phong là đặc điểm của chốn này. Cả triệu người chết đã được chôn ở đây trong vòng 200 năm qua, mỗi năm có chừng một triệu du khách đến đây và đi vòng quanh những ngôi mộ, để thấy mình được gần nhiều như có thể với những con người từng một thời danh tiếng, mà thân xác nay đã hoá thành nắm đất lạnh: Những dấu son môi in trên bệ đá nơi an nghỉ cuối cùng của Oscar Wilde, bánh hạnh nhân domino và hoa hồng cho Gertrude Stein, niềm thương cảm cho Alfred de Musset, người ước mong có một cây liễu trồng bên mộ mình nhưng rốt cuộc lại nhận được một loài cây khác.

Nằm trên hầm mộ của gia đình Piaf là một phiến đá cẩm thạch, giản dị và đen tuyền, như chiếc áo váy bà vẫn mặc mỗi khi trình diễn. Và bên dưới phiến đá thì qui tụ đầy đủ những người mà bà đã tỏ ý được mãi mãi ở gần - cái ước muốn hẳn là bất chợt và mơ hồ về một thứ có tên gọi là mái ấm gia đình: đấy là người cha - nghệ sĩ xiếc uốn dẻo ở Belleville; đấy là bé gái Marcelle - lìa đời trước khi được học nói; đấy là người chồng cuối cùng Théo Sarapo - kẻ bị nghi ngờ là một gã Gigolo, và anh ta cũng lìa đời chỉ 7 năm sau cái chết của Edith. Dieu réunit ceux qui s’aiment, Thượng đế hợp nhất những kẻ yêu nhau, là hàng chữ màu vàng khắc trên phiến đá - được trích ra từ ca khúc "Hymne à l’amour", bài hát này vang lên một lần nữa hôm nay bởi một nữ du khách Anh. Bà ta để cho Piaf cất tiếng hát từ chiếc điện thoại di động của mình, âm thanh nghe hơi rỗng rãng, nhưng giọng hát thì chẳng thể nào lẫn lộn: bài hát nói về chuyện đất trời cũng có thể tiêu tan, chừng nào tình yêu còn chiến thắng.

Piaf: kẻ săn đuổi tình yêu không ngơi nghỉ - Piaf: cô người lùn chuyên nuốt trọn đàn ông. Sau khi mất, tại quận 20 này, bà đã được đền bù cho những nỗi thất vọng của mình, những thứ đã khiến cho cuộc sống riêng tư của bà chẳng được mấy thanh thản. Ngoài Maurice Chevalier ra thì Edith Piaf là cô bé thần đồng và là tất cả niềm hãnh diện của khu Belleville này. Ai dừng chân lại bên những bậc cấp trước căn nhà không có gì đặc biệt mang số 71 rue de Belleville sẽ được những khách bộ hành lớn tuổi giúp mở mang thêm kiến thức: "Ông/bà có rõ là ông/bà đang đứng ở đâu đấy không? Đây là căn nhà của bố mẹ Piaf đấy. Người ta bảo là bà ta được sinh ra ngay trên những bậc thang cấp này." Trên thực tế thì dĩ nhiên cái khả năng bà được sinh ra tại nhà thương mang tên Tenon nằm gần đấy có vẻ khả tín hơn, trước đây vài năm, một quảng trường nhỏ mang tên Piaf đã thành hình dưới bóng của cái bệnh viện này.

Bức tượng đồng của cô ca sĩ nhỏ nhắn ngự trị ở đấy, vây bủa bởi mùi thịt nướng bay ra từ những quán ăn nhanh Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng gù của những chú bồ câu béo tốt, cô đứng đấy, mắt ngước nhìn trời và trông có vẻ vững vàng hơn so với cuộc đời thật, như thể sẵn sàng để cho những kẻ hâm mộ có thể mạnh bạo quàng tay ôm chặt lấy thần tượng của mình, trong vài phút giây ngắn ngủi của một pô hình.

Riêng Bernard Marchois thì đã sắp xếp cuộc sống của mình để có một sự chung đụng gần gũi và lâu bền với "Madonna áo đen". Từ 30 năm nay, ông chia sẻ căn hộ bốn phòng của mình ở phố Rue Crespin du Gast với người đã chết. "Tôi ở phía bên phải, còn bên trái là vương quốc của Edith", người trọn đời hâm mộ Piaf đã nói như thế. Ông là kẻ hiện đang quản lý cái gia sản của Edith: Chiếc áo khoác mặc trong nhà, những túi xách tay, những đôi giày cao gót số 34, thú nhồi bông, thư từ, đĩa hát, hình ảnh và những bức chân dung sơn dầu, đôi găng tay đánh box của võ sĩ quyền anh hạng trung được bà yêu thương tên Marcel Cerdan. Năm 1958, ở lứa tuổi 16, Marchois đã may mắn được làm quen với nữ ca sĩ ngay tại nhà của bà ở gần Bois de Boulogne, nhân dịp ông và bố mẹ được mời đến dự một buổi trình diễn nhạc tại gia. Ông si mê giọng hát và bắt đầu sưu tầm tất cả những thứ gì còn để lại từ cuộc đời của bà từ dạo ấy.

Với bài hát được yêu thích "Non, je ne regrette rien", Edith Piaf đã đặt những viên đá đầu tiên xây nên niềm hạnh phúc của nhạc sĩ Charles Dumont. Và bằng những vật dụng còn sót lại từ cuộc sống của bà, bà đã ban phát cho cuộc đời của Bernard Marchois - kẻ chuyên đi săn tìm những di vật đã được tôn lên như những vật thờ phụng - một ý nghĩa. Và chuyện ông cho ra đời một bảo tàng tư nhân tại Belleville cũng hoàn toàn thích hợp với khung cảnh: Cái nôi của ca khúc - chanson - nằm tại đây. Và ở đây, âm nhạc vẫn còn luôn bay bổng.

Chính tại nơi đây vẫn còn vài kẻ hoài cổ kiên trì chăm sóc và giữ gìn cái truyền thống của bistrot à chanson bằng những ca khúc bình dân và những món ăn dân dã. Ở quán Le Vieux Belleville, người chủ quán đang dọn cho khách món thịt gà nấu với sốt vang đỏ, trong lúc nữ nghệ sĩ phong cầm Minelle thì đang chơi bản "Java bleue" của Edith. Và cuối mỗi buổi tối thì giai điệu của "Quốc tế ca" lại vang lên, để đừng ai quên rằng mình đang đứng giữa trái tim của một khu phố thợ thuyền cũ. Và khán giả cũng hát theo - ông chủ hàng bánh mì người Tunisie, bác thợ sửa ô-tô - dưới móng tay vẫn còn đọng vết dầu máy, và bà khách quen gốc Á Căn Đình tên Nelida - một nữ hoạ sĩ đã sống từ nhiều năm ở đây. Ngay cả vài cô cậu người Nhật trẻ cũng kín đáo ngân nga theo.

Chung qui cũng chỉ do có vài hàng xóm kiện cáo rằng ban đêm họ không ngủ được vì bị tiếng ồn quấy rầy, mà quán nước có chơi nhạc sống Au Limonaire - một quán có tham vọng nghệ thuật cao hơn những quán kiểu như Le Vieux Belleville - phải dọn đi nơi khác. Bây giờ thì bà chủ quán Noëlle Tartier - người từ 20 năm nay luôn khuyến khích và ủng hộ những ca sĩ trẻ theo cái tinh thần và truyền thống của những Piaf, Brel und Gainsbourg... - đã thuê được một cái quán khác nằm ở quận 9, gần rạp Olympia đầy truyền thuyết. Sauvage culture, văn hoá man dại, là hàng chữ nằm trên chiếc áo thun của người đàn bà mỏng mảnh này, bà ta đang chiến đấu để chen qua được đám khách đông đảo, với món ăn bốc khói nghi ngút và những vại bia to lớn trên tay. Rồi Daniel Lefore bước lên sân khấu: một nhạc sĩ chuyên viết ca khúc, người vẫn mơ một ngày nào đó sẽ được đứng trên sân khấu của nhà Olympia, chỉ nằm cách đây vài căn phố thôi, để hát lên những ca khúc với lời lẽ châm biếm và âm điệu dịu dàng của mình.

Trong lúc đó, một số kẻ đi chơi đêm cũng đã tụ tập lại với nhau trên sân ngắm cảnh của vườn Parc de Belleville. Họ chạy trốn cảnh nhốn nháo trên những bậc thang trước nhà thờ Sacré-Cœur, để cùng nhau nhìn ngày dần tắt tại đây, trong vòng bạn bè thân mật. Sundowner - thức uống có cồn để nhâm nhi vào lúc mặt trời lặn - họ tự mang theo, một người lôi ra từ thùng đàn một chiếc ghi-ta. Và ở đằng xa kia. Về phía tây. Ngọn tháp Eiffel - mong manh như một kim nam châm - chìm dần vào bóng đêm đang phủ xuống.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: Die Zeit , 22.02.2007, Nr. 09