© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.4.2007
 
Giai phẩm mùa đông 1956 - Tập I
 1   2   3   4 
 
Lời nhà xuất bản

Để góp phần vào việc chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Toàn quốc, để phát huy đẩy mạnh tự do sáng tác văn nghệ theo phương châm Trăm hoa đua nở, chúng tôi xuất bản tập Giai phẩm mùa Đông này, gồm có nhiều bài của nhiều tác giả bản sắc khác nhau, khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Mỗi tác giả chỉ chịu trách nhiệm về bài viết của mình. Trên tình thần này, nhà xuất bản thiết tha mong các bạn văn nghệ sĩ cộng tác đông đảo.

Nhà xuất bản Minh Đức
Mục lục


Văn nghệ và chính trị

Trương Tửu
Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích

“Các ngài tán thưởng cảnh sắc muôn hình muôn vẻ của thiên nhiên. Các ngài không bắt buộc hoa hồng phải có hương thơm của hoa tím. Thế mà, tinh thần con người là vật phong phú bậc nhất thì các ngài lại muốn bắt nó chỉ được phép tồn tại dưới một hình thức độc nhất.

… Ánh mặt trời chiếu vào một hạt sương nhỏ nhất cũng long lanh trăm mầu ngàn sắc; nhưng ánh sáng của tinh thần, mặc dầu tiết ra ở rất nhiều cá nhân khác nhau và chiếu vào rất nhiều đối tượng khác nhau, thì lại chỉ được phép toả ra một mầu sắc độc nhất do Nhà nước ấn định!

Hình thức chủ yếu của tinh thần là vui tươi, là xán lạn mà các ngài bắt nó chỉ được hiện ra bằng bóng tối và mầu đen; làm gì có hoa mầu đen trong các loài hoa?”

Các Mác

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản nhằm tiêu diệt chế độ tư bản chủ nghĩa, sự thành lập Đảng Xã hội dân chủ (Bôn-sê-vích) do Lê-nin quan niệm, xây dựng và lãnh đạo đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định và ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ phong trào xã hôi chủ nghĩa trên thế giới. Trong những tác phẩm lý luận viết từ 1900 đến 1905 – đặc biệt là những cuốn Làm gì?, Một bước tiến hai bước lùi – Lê-nin đã sáng tạo ra một quan niệm mới về Đảng của giai cấp vô sản và phát triển thành hệ thống thuyết vô sản chuyên chính của Mác-Ăngghen, để đánh đổ những ý kiến cơ hội chủ nghĩa và tự do vô chính phủ của những phần tử men-sê-vích đang chiếm giữ một vai trò quan trọng trong cuộc vận động cách mạng Nga lúc bấy giờ. Kế tục và phát triển chủ nghĩa Mác, Lê-nin chủ trương rằng trong thời đại tư bản đế quốc chủ nghĩa này, giai cấp vô sản có sứ mạng lịch sử và đủ khả năng lãnh đạo toàn bộ cuộc cách mạng của nhân dân bị áp bức để tiêu diệt chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội cộng sản không có giai cấp, giải phóng triệt để con người và sự lao động. Chỉ có giai cấp vô sản mới đủ sức hoàn thành sự nghiệp vĩ đại ấy. Các giai cấp bị áp bức khác phải tuyệt đối chịu sự lãnh đạo của giai cấp vô sản mới có thể tự giải phóng mình được. Muốn làm tròn nhiệm vụ lịch sử ấy, giai cấp vô sản phải có Đảng của mình tổ chức thật khoa học, kỷ luật đanh thép, đường lối cách mang thật nguyên tắc, chỉ huy chiến đấu thật tài tình, không để một biến chuyển thực tế đột xuất nào làm lạc hướng hay núng chí: đó là Đảng Bôn-sê-vích, Đảng cộng sản Lê-nin chủ nghĩa. Đảng này – và chỉ một mình đảng này – phải nắm toàn quyền lãnh đạo giai cấp vô sản làm cách mạng. Đảng này – và chỉ một mình Đảng này – khi cách mạng thắng lợi, phải nắm giữ quyền lãnh đạo chính quyền, thực hành vô sản chuyên chính, xây dựng xã hội chủ nghĩa, bước đầu của chế độ cộng sản. Đó là lý thuyết của Lê-nin về Đảng, về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về vô sản chuyên chính, được sáng tạo ra khoảng 1900-1905. Đó cũng là chủ trương của Đảng Bôn-sê-vích từ lúc thành lập (1903). Với chủ trương ấy, Lê-nin lãnh đạo Đảng tiến hành cách mạng, chống lại và đánh bại tất cả những chính đảng phi vô sản khác (Ca-đê, Xã hội Cách mạng, Men-sê-vích v.v…). Đảng đã tổ chức, giáo dục, động viên giai cấp vô sản cuốn hút toàn thể nhân dân bị áp bức làm ra Cách mạng tháng Mười 1917, mở một kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người.

Trong quá trình đấu tranh lịch sử này và trên cơ sở chủ trương ấy, Lê-nin đã đề cập đến quan hệ giữa văn nghệ và chính trị theo một quan điểm hoàn toàn mới trong một văn kiện quan trọng đăng ở báo Đời mới số 12 (tháng 11-1905): “Tổ chức Đảng và văn học Đảng”.

Cũng như tất cả những tác phẩm lớn nhỏ khác của Lê-nin, bài báo này viết ra để giải quyết một vấn đề đấu tranh thực tế do cuộc vận động cách mạng nêu ra trong một quãng thời gian nhất định (1905) và đề ra một nhiệm vụ cấp thiết cho toàn Đảng, toàn chiến tuyến xã hội chủ nghĩa đang tiến bước. Nhưng bởi Lê-nin là một khối óc thiên tài có năng lực lý hội được chân lý khách quan cơ bản của một thời đại lịch sử lâu dài, nên ngay khi giải quyết một vấn đề thực tiễn cách mạng nhất thời cũng đạt được nội dung nguyên tắc của nó, khiến cho lý luận của mình vượt quá được tính cách nhất thời ấy mà trở thành một phát kiến khoa học chân chính, một cống hiến lớn cho khoa học thẩm mỹ. Vì vậy, lý thuyết Lê-nin “Tổ chức Đảng và văn học Đảng” đã sống lâu hơn nhiệm vụ cách mạng hồi 1905 và đã trở thành, như lời Jdanov, “những nguyên tắc làm cơ sở cho sự phát triển văn học Xô-viết”. Hơn nữa, lý thuyết Lê-nin, thông qua kinh nghiệm Xô-viết, đã làm cơ sở cho đường lối phát triển văn nghệ chung ở tất cả những nước có Đảng của gai cấp vô sản nắm giữ chính quyền hoặc đang lãnh đạo cách mạng.

Lý thuyết Lê-nin đề ra, trong thẩm mỹ học, ba khái niệm độc đáo (đã biến thành thực tế): Đảng Cộng sản lãnh đạo văn nghệ; Văn nghệ thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; Văn nghệ có Đảng tính cộng sản. Đây là hình thức lịch sử hoàn toàn mới của mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị chỉ xuất hiện được trong thời đại xã hội chủ nghĩa.

Ở nước ta, từ sau Cách mạng tháng Tám, quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cũng khoác hình thức lịch sử ấy. Đảng của những người cộng sản Việt Nam, từ khi nắm chính quyền, cũng đặt cho mình nhiệm vụ lãnh đạo toàn bộ cuộc sinh hoạt văn nghệ. Và văn nghệ sĩ, nói chung, trong quá trình kháng chiến cứu nước, cũng dần dần tiến đến chỗ tự nguyện tự giác cố gắng sáng tạo một nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa và thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Đã thế, tại sao gần đây lại nảy sinh ra vấn đề: tự do văn nghệ sĩ mâu thuẫn với sự lãnh đạo của Đảng? (mâu thuẫn chứ không phải đối kháng). Tại sao lại có ý kiến – rất sai lầm – của một số người (Nguyễn Chương, Xuân Trường, Quang Đạm, Hoàng Xuân Nhị – tôi chỉ mới kể đến những người viết trên báo Nhân dân, cơ quan trung ương của Đảng Lao động Việt Nam) cho rằng anh em văn nghệ sĩ đòi thoát ly sự lãnh đạo của Đảng? Tại sao lại có yêu sách: trả lại quyền điều khiển chuyên môn cho những người cộng tác chuyên môn được quần chúng chuyên môn tự ý tín nhiệm và lựa chọn?

Theo tôi nghĩ, sở dĩ có những vấn đề ấy chỉ vì Đảng đã không thực hiện đúng tinh thần của lý thuyết Lê-nin về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Bài sau, góp ý kiến phê phán đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng, tôi sẽ bàn kỹ. Hôm nay, hãy xin trình bày lý thuyết Lê-nin về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị.

Trong báo Nhân dân ra ngày 16-10-1956, ông Hoàng Xuân Nhị bàn về vấn đề chính trị lãnh đạo văn nghệ có nói đến bài “Tổ chức Đảng và văn học Đảng” của Lê-nin. Ông đã giải thích lý thuyết Lê-nin một cách sai lạc theo trình độ hiểu biết riêng của ông. Sự giải thích ấy đã dắt ông đến kết luận sau đây:

“Chúng ta thấy rất rõ: văn nghệ hoặc chuyên môn theo chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa công nhận sự lãnh đạo của Đảng không những về chủ trương đường lối mà cả về tổ chức. Vì sao vậy? – Vì đã công nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, công nhận sự lãnh đạo của đảng tiền phong thì tất nhiên phải công nhận sự chuyên chính của giai cấp vô sản – ở chế độ ta hiện nay là sự chuyên chính dân chủ của nhân dân – đảm bảo cho sự chuyên chính này là chính cương sách lược cách mạng do Đảng đề ra cùng với tổ chức của Đảng. Bài của Lê-nin được viết ra cuối năm 1905 thời mà Đảng chưa lên nắm chính quyền. Đến lúc Đảng đã nắm chính quyền rồi thì lẽ cố nhiên nguyên tắc Đảng lãnh đạo và tổ chức lãnh đạo văn nghệ… lại càng sáng tỏ và chặt chẽ hơn nữa… Chạm tới nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, của tổ chức Đảng thì dứt khoát là sai. Công nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, công nhận chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta thì phải công nhận sự lãnh đạo của Đảng, của tổ chức Đảng là một nguyên tắc gang thép…”

Dưới đây, tôi sẽ chứng minh: ông Hoàng Xuân Nhị đã hoàn toàn xuyên tạc lý thuyết của Lê-nin. Hai bài báo của ông Hoàng Xuân Nhị bàn về nhân văn xã hội chủ nghĩa, về Giai phẩm, về báo Nhân văn... đăng liền trong hai số Nhân dân 955, 956, vì xuất phát từ sự xuyên tạc ấy, nên đã phạm rất nhiều sai lầm có thể làm hại đến Đảng, làm hại đến phong trào văn nghệ. Những sai lầm này, tôi sẽ lần lượt phê phán trong một số bài sau. Ở đây, tôi chỉ muốn đối chiếu ý kiến ông Hoàng Xuân Nhị với bài “Tổ chức Đảng và văn học Đảng” của Lê-nin là văn kiện mà ông dùng để đi đến kết luận như trên; bạn đọc sẽ thấy rõ ông Hoàng Xuân Nhị phản lại Lê-nin đến mức độ nào.

Trong cuốn Lê-nin và những vấn đề văn học Nga (trang 120), Boris Meilakh [1] viết: “Bài báo của Lê-nin (bài “Tổ chức Đảng và văn học Đảng”) chuyên bàn về hai vấn đề: 1) vấn đề văn học của Đảng nghĩa là văn học có mục đích tuyên truyền những nguyên lý tư tưởng và tố chức của Đảng Bôn-sê-vích; và 2) vấn đề đảng tính của văn học nói chung theo ý nghĩa thật rộng của danh từ này. Phân ranh giới giữa hai vấn đề ấy là một điều cực kỳ quan trọng”. Ở trang 130, ông Meilakh lại viết rành mạch hơn nữa: “Thật là hoàn toàn sai lầm nếu ta nhập làm một trong những nhiệm vụ của văn học của Đảng mà Đảng phải trực tiếp chịu trách nhiệm và những nhiệm vụ mà Đảng đề ra năm 1905 cho văn học nói chung”. Ở trang 133, ông Meilakh trở lại vấn đề này, lại dẫn ra đoạn văn của Lê-nin như sau đây: “Trước hết, nói về văn học của Đảng chịu sự kiểm soát của Đảng... Đảng có quyền đuổi ra khỏi Đảng những đảng viên nào dùng danh nghĩa Đảng để tuyên truyền những quan niệm chống lại Đảng... Đề luận thứ hai, tố giác khẩu hiệu tư sản về ‘tự do tuyệt đối’, bàn về đảng tính của sự sáng tác văn học nói chung...”

Như vậy tức là Lê-nin có phân biệt dứt khoát văn học của Đảngvăn học nói chung do các nhà văn không phải đảng viên sáng tác. Đối với văn học của Đảng, Lê-nin đã viết, từ hồi tháng 7-1905 (trước bài “Tổ chức Đảng và văn học Đảng” 9 tháng): [2]

“Toàn bộ văn học của Đảng, ở địa phương hay ở trung ương, đều tuyệt đối phải chịu sự kiểm soát của các hội nghị Đảng mà lại không do tổ chức của Đảng chỉ đạo là một điều không thể chấp nhận được”. Một lần khác, Lê-nin lại viết: “Cách mạng càng gần đến ngày bùng nổ, Đảng Dân chủ Xã hội càng gần đến ngày có khả năng sử dụng báo chí công khai thì Đảng càng cần phải áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc trách nhiệm vô điều kiện của nhà văn đảng viên đối với Đảng, sự lệ thuộc của họ vào lãnh đạo của Đảng”. Theo ý Lê-nin, nhà văn của Đảng phải triệt để tuân theo kỷ luật Đảng, tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng thông qua các tổ chức Đảng, thực hành những nhiệm vụ chiến đấu mà Đảng trực tiếp giao cho.

Tuy đề ra nguyên tắc nhà văn đảng viên phải chịu sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng như vậy, Lê-nin cũng vẫn không quên nhấn mạnh rằng khu vực công tác văn học của Đảng có những đặc tính riêng biệt không thể lãnh đạo như các khu vực công tác khác được: “Phải đảm bảo phạm vi thật rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho sở thích cá nhân, phạm vi thật rộng rãi cho tư tưởng và trí tưởng tượng, cho nội dung và hình thức”. Lê-nin cho rằng lãnh đạo công tác văn học phải tuyệt đối tránh bình quân hoá máy móc, tránh xu hướng san bằng, tránh lối đa số chế ngự thiểu số...

Còn đối với việc nhà văn ngoài Đảng thì Lê-nin lại đặt vấn đề một cách khác hẳn. Trước hết, đây là một vấn đề chiến thuật cách mạng của Đảng Bôn-sê-vích, trong lãnh vực văn học và nghệ thuật. Lê-nin nhận định rằng trong điều kiện lịch sử của nước Nga hồi 1905, cuộc cách mạng của toàn thể nhân dân bị áp bức (công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản tự do...) nhằm mục đích lật đổ chế độ Nga hoàng, tiêu diệt chế độ bóc lột phong kiến của giai cấp đại địa chủ ở nông thôn, là một cuộc cách mạng tư sản dân chủ. Nhưng Lê-nin còn nhận định rằng trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, quyền lãnh đạo cách mạng tư sản dân chủ phải ở trong tay Đảng của giai cấp vô sản thì nội dung chân chính của cuộc cách mạng này mới được thực hiện – vì giai cấp tư sản Nga lúc ấy không còn đóng vai trò cách mạng như giai cấp tư sản ở Pháp thời 1789 nữa. Nó sẽ lợi dụng công nông để thiết lập sự thống trị giai cấp của nó và ngoài nước để phản bội công nông. Nếu giai cấp công nhân không sáng suốt để nó lợi dụng được thì chóng chầy nó sẽ trâng tráo mặc cả với các lực lượng phản động, như Gorki đã tiên đoán trong bài “Nhận xét về tầng lớp tiểu tư sản” (Đời mới, số 1 ra ngày 29-10-1905): “Chính chúng tôi đã thắng trận! Chúng tôi là đại diện của nhân dân! Các ngài phải dành cho chúng tôi một chỗ ngồi để chúng tôi buôn bán với các ngài chứ? Chúng tôi bán giai cấp công nhân đây. Các ngài trả chúng tôi bao nhiêu nào?”

Vì lẽ đó, Đảng Bôn-sê-vích, bộ tham mưu của giai cấp vô sản, phải nắm quyền lãnh đạo cách mạng tư sản dân chủ để thực hiện những nhiệm vụ lịch sử do cuộc cách mạng này đề ra. Nhưng chính vì giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng tư sản dân chủ nên nó sẽ thực hiện những nhiệm vụ kia cách nào để mở đường cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, kiến thiết một chế độ trong đó những giai cấp bóc lột (địa chủ, tư bản) bị tước hết quyền thống trị. Đường hướng phát triển lịch sử của cách mạng Nga là như vậy. Yêu cầu khách quan của xã hội Nga lúc đó là như vậy. Thuận theo hướng ấy, đáp lại đúng yêu cầu là tiến bộ, là cách mạng, là hợp quy luật lịch sử. Bất kỳ người nào, hành động nào đi ngược lại quy luật lịch sử này – nghĩa là đi ngược lại sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản – đều đưa đến kết quả cản đường tiến bộ của xã hội, làm lợi cho kẻ thù của cách mạng.

Đứng trên lập trường Đảng ấy, Lê-nin kêu gọi các nhà văn ngoài Đảng đương thời có xu hướng dân chủ cách mạng đem tài năng đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, vì chỉ có con đường này là chính nghĩa. Lê-nin hiệu triệu họ tập hợp chung quanh Đảng Bôn-sê-vích để tiến hành đấu tranh chống những kẻ thù của sự tiến bộ lịch sử. Lê-nin yêu cầu họ tự nguyện tự giác hướng theo đường lối cách mạng của Đảng Bôn-sê-vích mà sáng tác văn học nếu họ thực sự và nhiệt tình muốn tham gia cuộc chiến đấu dân chủ chống bóc lột và áp bức để giải phóng con người – vì đường lối cách mạng của Đảng Bôn-sê-vích biểu hiện sâu sắc và trung thành quy luật lịch sử khách quan của sự phát triển xã hội Nga thời ấy. Có sáng tạo nghệ thuật theo đường lối cách mạng của Đảng Bôn-sê-vích mới có thể phản ảnh xã hội một cách chính xác nhất, hiện thực triệt để nhất và mới có thể góp phần vào sự nghiệp cách mạng một cách đắc lực nhất. Do đó, yêu cầu của Đảng Bôn-sê-vích đối với văn học hoàn toàn thống nhất trong căn bản với yêu cầu bản thân của sự sáng tạo nghệ thuật.

Đối với nhà văn đương thời, Lê-nin đề ra yêu cầu sáng tác theo đường lối lịch sử như vậy, chứ không bao giời lại chủ trương hẹp hòi rằng nhà văn đã thừa nhận sự lãnh đạo về đường lối cách mạng của Đảng Bôn-sê-vích thì phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng – như ông Hoàng Xuân Nhị đã hiểu trong bài “Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta” đăng trong báo Nhân dân. Ý kiến này của ông Nhị hoàn toàn nghịch với chiến thuật của Đảng Bôn-sê-vích trong công tác tranh thủ các nhà văn dân chủ cách mạng (không phải đảng viên Bôn-sê-vích) chiếm đa số, khoảng 1905. Như Lê-nin đã nhận định cuộc vận động cách mạng Nga 1905 vì thuộc phạm trù cách mạng dân chủ tư sản nên “làm nảy nở ra mỗi ngày một nhiều những phần tử chiến đấu cực kỳ phức tạp biểu hiện quyền lợi của nhiều tầng lớp rất khác nhau trong nhân dân; sẵn sàng xung vào hàng ngũ chiến đấu quyết liệt, nhiệt tình hy sinh cho tự do, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ để giành được tự do; những phần tử ấy không có ý thức và cũng không đủ sáng suốt để có ý thức về ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng đang tiến hành, về nội dung giai cấp của cộc cách mạng này” [3] . Để tranh thủ các phần tử cách mạng đông đảo ấy – và nhất thiết phải tranh thủ họ – Đảng Bôn-sê-vích không bao giờ lại chủ trương bắt họ phải chịu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Nếu Đảng chủ trương hẹp hòi như vậy thì giai cấp công nhân đã bị cô thế và thất bại không thể nào tránh được. Với tinh thần thực tế cách mạng vô cùng vững chắc, Lê-nin đã đề ra cho Đảng nhiệm vụ khẩn yếu là “giác ngộ chính trị những nhà trí thức cảm tình với giai cấp vô sản”, “ảnh hưởng quyết định đến ý thức hệ của các nhà văn tiến bộ”, để họ sáng tác có lợi cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản do Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo.

Chiến thuật ấy đã đạt được nhiều kết quả tốt. Một số đông văn sĩ, thi sĩ đương thời, mặc dầu không tán thành lý thuyết thẩm mỹ của Lê-nin, nhưng vì có tư tưởng dân chủ cách mạng, vì chán ghét chế độ phong kiến và chán ghét giai cấp tư sản tự do nên đã hợp tác với Đảng trong giai đoạn cách mạng tư sản dân chủ. Như các văn thi sĩ Balmont, Valéri Brioussov, L. Vilkine, Z. Venguéroya, Teffi, Tchirikov O. Dymov… phần lớn vốn theo phái nghệ thuật tượng trưng chủ nghĩa hoặc thần bí chủ nghĩa mà nhờ hấp thụ ảnh hưởng của đường lối cách mạng Bôn-sê-vích nên khi sáng tác văn thơ đăng vào báo Đời mới thì đều biểu lộ một xu hướng chiến đấu có lợi cho sự tiến triển của Đảng Bôn-sê-vích.

Đối với họ, Lê-nin cũng không yêu cầu phải tán thành hoàn toàn những mục tiêu đấu tranh cuối cùng của giai cấp vô sản. Thi sĩ tượng trưng Brioussov, trong bài thơ “Gửi những người thân cận của tôi”, đã tuyên bố thẳng với giai cấp công nhân: “Phá hoại, tôi đi với các anh; nhưng kiến thiết, tôi sẽ không đi với các anh nữa”. Các thi sĩ khác như Balmont, tác giả các bài thơ “Gửi người lao động Nga”, “Bọn tiểu tư sản”; Minski, tác giả bài thơ “Ca ngợi công nhân”; E. Tchirikov, tác giả truyện ngắn “Diều hâu và gà mái”; nữ sĩ Teffi, tác giả bài thơ “Những con ong” v.v… cộng tác với các báo chí Bôn-sê-vích (Đời mới, Viériod) cũng không hề triệt để tán thành ý thức hệ và chính trị Bôn-sê-vích. Một số lớn văn thi sĩ ấy, sau này, chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng nhờ có chiến thuật mềm dẻo và thực tế của Lê-nin nên họ đã nhất thời sát cánh với Đảng, với vô sản, sáng tác những văn thơ có tính chất cách mạng dân chủ, lợi cho sự nghiệp đấu tranh của giai cấp vô sản và của Đảng hồi 1905. “Qua những tác phẩm đăng ở báo Đời mới, Balmont, Z. Venguéroya, L. Vilkine v.v… hiện ra trước mắt độc giả không phải là các nhà văn tượng trưng chủ nghĩa mà là những nhà văn tiêu biểu cho những tầng lớp trí thức có thiện cảm với giai cấp vô sản… Trong giai đoạn cách mạng sôi nổi có những nhà văn tiến bộ có thiện chí ủng hộ chính nghĩa của giai cấp vô sản; gây ra những trở lực cản đường họ trong khi họ vươn theo theo hướng ấy là phạm một sai lầm to tát” [4] . Đối với các nhà văn có tính chất tự do chủ nghĩa này, không gì làm cho họ xa rời giai cấp vô sản bằng sự bắt buộc họ phải chịu “kỷ luật” lãnh đạo của “tổ chức” Đảng. Điều này Lê-nin hiểu hơn ai hết. Điều này người Bôn-sê-vích chân chính nào cũng hiểu. Điều này chỉ có ông Hoàng Xuân Nhị không hiểu.

Ngoài mục đích giác ngộ và tranh thủ các nhà văn dân chủ cách mạng đương thời, bài báo của Lê-nin còn đề ra một lý thuyết thẩm mỹ học mới mở đâu kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa của quan hệ giữa chính trị và văn nghệ. Đó là lý thuyết văn học có đảng tính. Đay là một vũ khí Lê-nin đã dùng để chiến đấu với chủ trương “văn học không đảng phái” của giai cấp tư sản tự do Nga lúc bấy giờ. Giai cấp này rất lo sợ và hoảng hốt thấy một phân số lớn trí thức của hàng ngũ mình có khuynh hướng theo Đảng Bôn-sê-vich trên mặt trận văn học nghệ thuật. Nó tìm đủ mọi cách để kéo các nhà văn tư sản và tiểu tư sản tiến bộ ra khỏi ảnh hưởng của Đảng Bôn-sê-vích. Những phát ngôn nhân uy tín của nó: Strouvé, Filossoforv, N. Berdiaev, D. Méréjkovski, Iolloss liên tiếp lên tiếng công kích lý thuyết văn học có đảng tính của Lê-nin. Tất cả đều cho rằng Đảng Bôn-sê-vích định nô dịch hoá nghệ thuật, tiêu diệt tự do sáng tác của văn nghệ sĩ, “giày đạp dưới chân những giá trị vĩnh cửu”. Muốn đánh lừa mọi người, các lý thuyết gia tư sản và tiểu tư sản thiếu trung thực ấy xuyên tạc ý tưởng của Lê-nin một cách trắng trợn. Họ la ó ầm lên rằng Lê-nin bắt buộc tất cả các nhà văn đều phải gia nhập Đảng, chịu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, sáng tác theo chỉ thị của Đảng. Họ kết án những văn sĩ, thi sĩ cộng tác với báo Đời mới là “quỳ mọp trước một thần tượng mới”, phản bội lý tưởng cao cả của “các nhà đại trí thức Nga”[5] Họ nêu cao khẩu hiệu “văn học đứng trên các giai cấp”, khẩu hiệu “văn học không đảng phái”, khẩu hiệu “tự do tuyệt đối của nhà văn” để cuốn hút các tâm hồn văn nghệ cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ chủ nghĩa vào một đường hướng sáng tác chống lại vô sản.

Lê-nin đã kịch liệt đả phá xu hướng văn học phản động ấy. Một mặt, Lê-nin nêu rõ cho mọi người thấy rằng, các nhà “đại trí thức Nga” kiểu Strouvé, Méréjkovski, Berdiaev lớn tiếng tuyên bố là “tự do tuyệt đối trong sáng tác văn học” nhưng kỳ thực hoàn toàn lệ thuộc tâm hồn vào cái két bạc của giai cấp tư bản, vẫn làm tôi tớ cho “mười ngàn kẻ quyền cao chức trọng”, vẫn dùng ngòi bút để cản đường tiến thủ của giai cấp vô sản cách mạng. Cái tự do của họ là tự do làm nô lệ. Một mặt khác, Lê-nin đề ra thái độ chân chính của một nhà văn biết tôn trọng nhân phẩm và nghệ thuật của chính mình, là: tự nguyện tự giác đứng công khai về phía giai cấp vô sản, sáng tác để phục vụ lý tưởng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản, sát cánh với Đảng của giai cấp vô sản chiến đấu tiêu diệt mọi kẻ thù của nhân dân lao động.

Đúng như lời nhận xét của nhà phê bình văn học Markiewiez trong bài “Lê-nin và những vấn đề văn học”, “Lê-nin nêu ra nguyên tắc đảng tính trong văn học theo nghĩa ý thức hệ, chứ không theo quan điểm về tổ chức” [6] . Nói khác đi, tức là Lê-nin vạch ra một hướng tiến nhất định, dứt khoát cho văn học nghệ thuật – cái hướng tiến tất yếu của văn nghệ trong giai đoạn lịch sử hiện đại. Có ý hướng sâu sắc về hướng tiến ấy, thấm nhuần nó, biến nó thành huyết mạch mình, nhà văn nghệ mới sáng tác được những công trình nghệ thuật xứng với ý nghĩa của danh từ này. “Ý thức đó”, nói theo Mác, văn nghệ sĩ “dù không muốn, cũng phải đạt được”, nếu không sẽ bất thành văn nghệ sĩ. Chứ không phải Lê-nin nói đảng tính trong văn học là bắt văn nghệ sĩ phải ở trong một tổ chức Đảng, hay chịu kỷ luật của một tổ chức Đảng như bọn trí thức tư bản tự do Nga đương thời (1905) vu cáo cho Lê-nin trong các báo chí của chúng. Sau này (1929), một lãnh đạo độc đoán và tự tôn sùng như Stalin cũng vẫn phải thừa nhận trên lý thuyết rằng “không thể nào áp dụng những quan niệm thuộc về nội bộ Đảng đối với những lãnh vực không Đảng và vô cùng rộng lớn hơn Đảng, như văn học, sân khấu v.v…” [7]

Yêu cầu của Lê-nin về văn học đảng tính có mâu thuẫn gì với tự do tư tưởng, tự do sáng tác của văn nghệ sĩ hay không? Chính Lê-nin, tiếp tục truyền thống Mác-Ăngghen, đã nói: “Mỗi nghệ sĩ, mỗi ai tự nhận là nghệ sĩ, đều có quyền sáng tác hoàn toàn tự do, hợp với lý tưởng của người ấy, sáng tác hoàn toàn độc lập”. Lê-nin lại đã nói: “Văn học là vật ít chịu khuất phục nhất đối với sự bình quân hoá máy móc, sự san bằng, sự đa số chế ngự thiểu số… Trong lãnh vực ấy, phải đảm bảo phạm vi thật rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho sở thích cá nhân, cho tư tưởng và sức tưởng tượng phóng khoáng, cho nội dung và hình thức. Điều này không ai có thể chối cãi được…” Chủ trương như vậy và lại đề ra văn học đảng tính, Lê-nin có tự mâu thuẫn vời mình không? Nói một cách khác, văn nghệ sĩ tự động đứng vào hàng ngũ xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản, có còn giữ được tự do tư tưởng không? Có còn “sáng tác hoàn toàn độc lập” được không?

Điểm mấu chốt của vấn đề văn học đảng tính là ở chỗ đó.

Không, Lê-nin không tự mâu thuẫn với mình. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ không mâu thuẫn với yêu cầu có đảng tính cộng sản trong văn học. Trái lại, chỉ có đi với giai cấp vô sản tiến hành cách mạng, chỉ có phục vụ lý tưởng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản – hơn nữa, trong thời đại hiện nay, chỉ có dưới chế độ xã hội do giai cấp vô sản nắm chính quyền – văn nghệ sĩ mới gặp đầy đủ điều kiện tốt để phát huy triệt để tự do tư tưởng, thực hiện triệt để quyền “sáng tác hoàn toàn độc lập” như Lê-nin nói.

Sao vậy?

yêu cầu cơ bản của giai cấp vô sản cách mạng hoàn toàn thống nhất với yêu cầu cơ bản của tư tưởng của nghệ thuật. Mác đã nói: “Tinh tuý của tư tưởng là chân lý”. Cũng có thể nói: “Tinh tuý của nghệ thuật là sự thực”. Chân lý của cuộc sống toàn diện luôn luôn biến chuyển theo quy luật nhất định; chân lý của con người toàn diện vượt khỏi mọi hình thức của sự tha hoá xã hội. Từ xưa đến nay, các giai cấp bóc lột kế tục nhau thống trị xã hội đều sợ chân lý của cuộc sống toàn diện và của con người toàn diện. Ngay cả những lúc một giai cấp bóc lột đang còn tính chất cách mạng – như giai cấp tư sản lúc đang lớn lên và chiến đấu thủ tiêu chế độ phong kiến, chẳng hạn – nó cũng chỉ dung thứ và khuyến khích sự phát hiện một bộ phận chân lý nào không liên quan đến quyền bóc lột của nó. Nó tìm đủ mọi cách để chặn đường nhân dân không cho có ý thức về chân lý của cuộc sống và con người toàn diện – vì chân lý này, căn bản, bộc lộ sự bóc lột của nó và cổ vũ những người bị bóc lột chống lại nó.

Chỉ có giai cấp vô sản cách mạng mới thiết tha cần biết toàn bộ chân lý về xã hội, về con người. Nó không sợ sự thực toàn diện vì nó làm cách mạng để tiêu diệt sự bóc lột, mọi giai cấp, mọi tình trạng bất bình đẳng giữa con người và con người. Nó chỉ thắng lợi được khi nó biết thật đúng, thật đầy đủ toàn bộ sự thực xã hội. Nắm vững sự thực là điều kiện căn bản để nó tiến hành cách mạng thành công. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản là một hệ thống tư tưởng và hành động triệt để khoa học, triệt để cách mạng. Sức mạnh vĩ đại của nó, sự tất thắng của nó là ở chỗ nó nhận thức và hành động hợp với quy luật khách quan của thực tại, hợp với yêu cầu phát triển khách quan của xã hội, hợp với chân lý lịch sử, hợp với nguyện vọng tất yếu của toàn thể nhân dân cần lao. Muốn có ý thức chính xác về quy luật ấy, yêu cầu ấy, chân lý ấy, nguyện vọng ấy, nó phải thực sự cầu thị một cách cực kỳ nghiêm túc, cực kỳ thành khẩn. Không nhận định được thật đúng toàn bộ sự thực luôn luôn biến hoá, nó sẽ đề ra những phương lược chiến đấu sai lầm và tất yếu sẽ thất bại. Vì lẽ đó, giai cấp vô sản, đánh đổ kẻ thù hay xây dựng xã hội mới, lúc nào cũng cần biết rõ toàn bộ sự thực khách quan để làm căn cứ cho mọi chủ trương chính sách chiến đấu. Giai cấp vô sản xa rời sự thực ngày nào là bước vào con đường thất bại ngày ấy. Cho nên nó đặc biệt tôn trọng sự thực, tôn trọng chân lý khách quan, tôn trọng những người phát hiện sự thực, tôn trọng những người tìm tòi chân lý – tôn trọng những nhà khoa học và nghệ thuật.

Một chính đảng thực sự là đại diện ý thức của giai cấp vô sản không thể không theo đường lối cách mạng khoa học nói trên; đó là Đảng Cộng sản mà Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông quan niệm và xây dựng. Thể theo nhu cầu lịch sử của giai cấp, Đảng Cộng sản là đội quân tiền phong dũng cảm trên con đường đi tìm chân lý, phát hiện sự thực, nhận thức hướng đi đúng, tổ chức toàn thể chiến tuyến những người bị bóc lột áp bức vững bước tiến đến tương lai cộng sản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản đặc biệt yêu cầu ai ở hàng ngũ của giai cấp vô sản cũng phải có nhiệm vụ phát hiện sự thực, khám phá chân lý của cuộc sống cụ thể, đề xuất nguyện vọng thân thiết của quần chúng.

Sợ sự thực, không dám nói sự thực, ngăn cấm người ta nói sự thực, không căn cứ vào sự thực toàn diện để vạch đường lối chủ trương chính sách, không lấy sự thực để chỉnh lý tư tưởng và hành động: đó là tâm lý thù địch của Đảng Cộng sản, của người cộng sản. Đảng Cộng sản nào có tâm lý ấy là một chính đảng đã mất tính chất vô sản, không đại diện cho giai cấp vô sản nữa, Phản bội Mác-Lênin, phản bội tinh thần cộng sản chủ nghĩa.

Yêu cầu cơ bản của giai cấp vô sản cách mạng, của Đảng Cộng sản chân chính là nhận thức đúng sự thực toàn diện về xã hội, về con người. Yêu cầu cơ bản của văn nghệ không gì khác hơn là nghiên cứu, phát hiện, và hình tượng hoá sự thực toàn diện của con người cụ thể, của xã hội cụ thể, ở những giai đoạn tiến hoá nhất định. Hai yêu cầu đó hoàn toàn thống nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người văn nghệ sĩ chân chính có thể buộc liền vận mạng nghệ thuật vào vận mạng một giai cấp, một đảng của giai cấp, một chính quyền của giai cấp mà không thương tổn gì đến bản chất của nghệ thuật, đến tự do sáng tác của nghệ sĩ. Hơn nữa, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, văn nghệ sĩ gặp được một giai cấp, một đảng, một chính quyền tạo cho mình điều kiện tốt nhất để thể hiện, tự do và phong phú, cái yêu cầu chủ yếu của nghệ thuật là phát hiện sự thực toàn diện. Đó là giai cấp vô sản, đảng của giai cấp vô sản, chính quyền của giai cấp vô sản. Sáng tác theo lập trường ý thức hệ vô sản, sáng tác để phục vụ cách mạng của giai cấp vô sản, sáng tác để giáo dục hàng ngũ xã hội chủ nghĩa: đó là nội dung của khái niệm đảng tính cộng sản trong văn học, theo ý Lê-nin.

“Đảng tính cộng sản biểu hiện quyền lợi của những tầng lớp lao động đông đảo nhất nên nó là biểu hiện tối cao của tinh thần quần chúng. Đảng tính cộng sản không dung thứ những quan niệm giáo điều chủ nghĩa, những lối san bằng, sơ lược… Trái lại, đảng tính cộng sản tạo những khả năng vô tận cho sự sáng tạo, để miêu tả mọi mặt, mọi mầu sắc, mọi mâu thuẫn của đời sống. Đảng tính cộng sản ăn nhịp với nghệ thuật và hoàn toàn phù hợp với những quy luật khách quan của sáng tác nghệ thuật[8] .

Có nhận thấy sự thống nhất giữa đảng tính cộng sản và quy luật sáng tác văn nghệ như vậy mới có thể hiểu sâu sắc được tại sao các văn nghệ sĩ chân chính thừa nhận sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, của Đảng Cộng sản, ở các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân. Khi người văn nghệ sĩ tuyên bố thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không phải họ nói đãi bôi ngoài miệng hay xu thời mị thế. Cũng không phải họ đã hèn nhát thủ tiêu tự do riêng để phục vụ một quyền uy chính trị. Họ tuyên bố thể là bởi họ thiết tha yêu tự do, yêu nghệ thuật, yêu chân lý. Mà họ biết rằng sáng tạo văn nghệ để phục vụ giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì càng khiến họ tự do hơn bao giờ hết, khiến nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khiến chân lý được tôn trọng hơn bao giờ hết. Tự do là hiểu sự tất yếu; phát triển là thuận theo quy luật lịch sử; chân lý là sự thực cách mạng đang tiến tới. Văn nghệ sĩ muốn cùng giai cấp vô sản, cùng Đảng Cộng sản, làm chủ sự tất yếu, làm chủ quy luật lịch sử, làm chủ cách mạng, nên họ sát cánh với vô sản, với Đảng để tiến hành công trình sáng tác nghệ thuật. Họ muốn khôi phục lại cho bản thân cái ý nghĩa chân chính của sự làm người bị quy luật tha hoá của xã hội giai cấp luôn luôn uy hiếp và xúc phạm. Vì thế mà họ đứng dưới lá cờ giải phóng của Đảng Cộng sản.

Tuy vậy, văn nghệ sĩ chân chính không phải là hạng người phục tùng Đảng, phục tùng giai cấp vô sản một cách hình thức chủ nghĩa. Họ không bao giờ thần thánh hoá Đảng và giai cấp vô sản. Họ phục vụ giai cấp vô sản là phục vụ cái chân lý xã hội khách quan mà giai cấp vô sản đang thực hiện. Họ đã từng suy nghĩ rất nhiều về câu nói của Mác: “Vấn đề không phải là cần biết người công nhân này hay người công nhân kia muốn gì; cũng không phải là cần biết quần chúng công nhân tự vạch cho họ một cứu cánh gì. Điều cần biết là phải hiểu giai cấp vô sản là gì và nó phải làm gì để cho hợp với bản chất nó. Cứu cánh của nó, hành động của nó liệt ra ở địa vị của nó trong xã hội và ở sự tổ chức của xã hội tư bản chủ nghĩa”. (Sainte Famille) Họ lại đã từng suy nghĩ rất nhiều về câu nói của Lê-nin: “Lịch sử của các nước đều chứng nhận rằng giai cấp công nhân bằng sức lực riêng của mình chỉ đạt được đến ý thức công đoàn mà thôi, nghĩa là ý thức về sự cần thiết tập hợp thành công đoàn đấu tranh với giai cấp chủ, đòi Chính phủ ban bố đạo luật này, đạo luật khác có lợi cho công nhân v.v… Còn chủ nghĩa xã hội là một chủ nghĩa xuất hiện từ những ý nghĩa triết học, sử học, kinh tế học do những nhà trí thức đại biểu của giai cấp hữu sản sáng tạo ra”.

Không phải hễ là công nhân thì tức là có ý thức xã hội chủ nghĩa. Muốn có ý thức này, giai cấp công nhân phải học tập chủ nghĩa xã hội, phải đấu tranh với bản thân rất gay go mới gột được những tư tưởng tâm lý có tính chất tư sản (hoặc phong kiến) bám chằng chịt trong đầu óc. Phải học tập và chiêm nghiệm trong đấu tranh chủ nghĩa Mác-Lênin rất công phu, giai cấp vô sản mới có được một lập trường vô sản chân chính. Tư tưởng thành phần chủ nghĩa là hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa Mác-Lênin, với sự thực. Những người văn nghệ sĩ chân chính, bất kể xuất thân ở thành phần xã hội nào, nếu cần cù nghiên cứu thực tế đấu tranh giai cấp, tham gia tích cực cuộc đấu tranh, và học tập khoa học Mác-Lênin đồng thời học tập quần chúng, có thể đạt được một lập trường ý thức hệ vô sản mà chính người vô sản, nếu chưa kinh qua một công trình học tập chủ nghĩa Mác-Lênin đúng mức, chưa có được vững vàng. Do đó, văn nghệ sĩ, với điều kiện vừa nói, có khả năng và tác dụng giác ngộ giai cấp vô sản, bồi dưỡng cho giai cấp này đạt tới ý thức chính xác về lập trường vô sản. Làm như vậy mới thực sự là phục vụ giai cấp vô sản, theo Mác-Lênin.

Đối với Đảng Cộng sản, văn nghệ sĩ cũng quan niệm nó một cách biện chứng. Không phải một chính đảng cứ tự mệnh danh là bộ tham mưu của giai cấp vô sản thì tự nhiên nó mang tính chất vô sản trong mọi chủ trương, chính sách, tác phong lãnh đạo. Tính chất vô sản giai cấp là cái mà Đảng cộng sản phải mất nhiều công phu mới chiếm được, duy trì được, phát triển được. Nếu sự thực hàng ngày cho ta biết có nhiều người mang thẻ đảng viên cộng sản khá lâu năm mà tư tưởng và hành động vẫn chưa có gì là vô sản cả, thì sự thực lịch sử cũng đã chứng minh có nhiều đảng tự nhận là của giai cấp vô sản mà quả thực phản lại quyền lợi của giai cấp vô sản (như Đảng Xã hội ở các nươc tư bản, Đảng Men-sê-vích ở Nga…) Cho nên khi văn nghệ sĩ thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là họ thừa nhận sự lãnh đạo của một đảng thực sự cộng sản, thực sự của giai cấp vô sản, thực sự thể hiện từng bước cái chân lý lịch sử mà giai cấp vô sản có sứ mạng biến thành thực tế xã hội cụ thể. Muốn nhận thức đúng chân lý ấy, Đảng phải tích cực nghiên cứu sự thực về mọi mặt, ở mọi tầng lớp, trong mọi điều kiện sinh hoạt. Đảng phải triệt để thực sự cầu thị. Đảng phải căn cứ vào sự thực đã nắm được, khái quát thành lý luận cách mạng, thành đường lối đấu tranh, thành chủ trương chính sách. Để kiểm tra xem những lý luận, đường lối, chủ trương, chính sách của mình hợp hay không hợp với quy luật khách quan của xã hội, lợi hay hại cho sự nghiệp giải phóng của giai cấp vô sản, được hay mất lòng nhân dân lao động, Đảng phải nhìn vào thực tế quần chúng, nhận định tác dụng của chủ trương đối với quần chúng, đối với sự tiến bộ xã hội nói chung. Nếu thấy nó có hại cho nhân dân lao động, cản đường tiến lên của cách mạng, xoá nhoà chân lý lịch sử mà giai cấp vô sản có nhiệm vụ thể hiện thì lập tức Đảng phải tự kiểm điểm, dũng cảm nhận sai lầm, chỉnh lý chủ trương chính sách cho hợp với sự đòi hỏi của thực tế khách quan. Và, nếu cần, phải cương quyết thanh lọc Đảng.

Xem vậy, sự nhận thức về xã hội cũng như sự kiến lập chủ trương chính sách của Đảng là cả một quá trình phức tạp đầy rẫy những cái đúng, cái sai, cái lệch mà chỉ có thực tiễn cách mạng mới đánh giá chân xác được. Văn nghệ sĩ có nhiệm vụ phát hiện sự thực trăm mầu nghìn vẻ của con người, của xã hội, để giúp Đảng nhìn đúng thực tế khách quan. Họ phát hiện những vấn đề do sự thực nêu ra để làm cơ sở cho Đảng vạch chủ trương chính sách. Họ vào thực tế nhìn sự thực để kiểm tra chủ trương chính sách của Đảng. Họ vì cộng sản chủ nghĩa mà xây dựng Đảng Cộng sản, cũng như vì quy luật lịch sử mà xây dựng giai cấp vô sản. Họ chịu sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp mà đồng thời họ cũng đại diện cho chân lý, cho sự thực, cho nhân dân, xây dựng giai cấp và Đảng.

Một Đảng Cộng sản chân chính phải tạo đầy đủ điều kiện cho văn nghệ sĩ làm tròn nhiệm vụ phát hiện sự thực sâu sắc của cuộc sống. Lãnh đạo tốt là giúp đỡ văn nghệ sĩ càng ngày càng tăng cường khả năng phát hiện đúng sự thực. Lãnh đạo tốt là tuyệt đối không ngăn cản văn nghệ sĩ phát hiện sự thực một cách hoàn toàn tự do. Lãnh đạo tốt là đừng để văn nghệ sĩ vì sự thực mà đối kháng lại Đảng. Văn nghệ sĩ yêu Đảng, nhưng họ còn yêu sự thực hơn Đảng. Vận mạng của văn nghệ dài hơn vận mạng của Đảng, dài hơn cả vận mạng của chế độ. Chế độ tốt, Đảng tốt phải làm cách nào để nghệ thuật mang theo nó trong vận mạng lâu dài của nó những kết quả tốt của Đảng, của chế độ đối với sự nghiệp giải phóng con người. Trong tương lai, văn nghệ sĩ sẽ là chứng nhân về mọi hành động của Đảng trước toà án lịch sử nghìn đời. Trong hiện tại, nó là người bạn rất đắc lực của Đảng. Nó đưa Đảng vào trong quần chúng hiệu nghiệm hơn bất kỳ phương tiện tuyên truyền nào. Nó đưa quần chúng đi sâu vào Đảng, giúp đỡ Đảng, kiểm tra Đảng hiệu nghiệm hơn bất kỳ tổ chức nào của Đảng. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và vinh quang ấy, văn nghệ cần một điều kiện không thể thiếu được, đó là quyền tự do phát hiện sự thực toàn diện. Một Đảng tốt phải tạo cho văn nghệ điều kiện ấy.

Quan hệ giữa văn nghệ và Đảng Cộng sản, giữa văn nghệ và giai cấp vô sản, giữa văn nghệ và chính quyền xã hội chủ nghĩa hay dân chủ nhân dân là như vậy. Các vị lãnh tụ cộng sản vĩ đại đều hiểu như vậy.

Lê-nin lúc đã nắm chính quyền, trong một buổi thảo luận với Clara Zetkin, đã nêu rõ công thức của mối quan hệ ấy, khi nói: “Mỗi nghệ sĩ, mỗi ai tự nhận là nghệ sĩ đều có quyền sáng tác hoàn toàn tự do, hợp với lý tưởng của người ấy, hoàn toàn độc lập. Nhưng, chúng ta là những người cộng sản. Chúng ta không khoanh tay để cho sự hỗn độn tự do phát triển. Chúng ta phải hướng dẫn quá trình ấy đến những kết quả định trước theo một kế hoạch nhất định”. Hướng dẫn quá trình sáng tác tự do của văn nghệ sĩ để nó giúp ích vào sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản theo tinh thần kế hoạch, nguyên tắc chủ yếu của công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa: đó là đường lối chính sách văn nghệ của Đảng Cộng sản do Lê-nin lãnh đạo.

Để thực hiện đường lối chính sách hợp lý này, một mặt “Lê-nin không bao giờ lấy sở hiếu riêng của mình bắt nghệ thuật phải tuân theo; không bao giờ Lê-nin trình bày ý kiến riêng của mình về nghệ thuật như những chân lý tuyệt đối đúng… ‘Lê-nin không bao giờ lấy sở thích yêu ghét riêng của mình về nghệ thuật để vạch ra đường lối chính sách’. Đó là lời của Lounacharski. Lê-nin chống lại bất kỳ uy quyền chủ nghĩa nào trong nghệ thuật” [9] .

Một mặt khác, “Đảng phải dứt khoát tán thành sự thi đua tự do giữa các nhóm và các xu hướng (văn nghệ)… không thể để cho một sắc lệnh hay một quyết định của Đảng trao độc quyền hợp pháp cho một nhóm hay một tổ chức văn học nào trong lãnh vực văn học và xuất bản. Ủng hộ vật chất và tinh thần nền văn học công nông, giúp đỡ các nhóm nhà văn bạn đường của công nông v.v… Đảng không thể trao độc quyền cho một nhóm nào dù nhóm ấy có là vô sản nhất về tư tưởng; vì làm như thế có nghĩa là tàn phá nền văn học vô sản trước tiên [10] .

Đặc biệt đối với các nhà văn bạn đường của công nông, Đảng có một chính sách rất đúng mực đúng đắn: “... Phải chú ý tới sự phân hoá trong hàng ngũ họ; trong hàng ngũ ấy có nhiều nhà văn lành nghề có một giá trị quan trọng; trong hàng ngũ họ, có nhiều sự lưỡng lự. Đối với họ, chính sách tốt nhất chỉ có thể là đặt những quan hệ chiến thuật và thận trọng. Nên nhớ là phải đối xử với họ cách nào để tạo cho họ tất cả những điều kiện khả dĩ giúp họ tiến mau sát đến ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa... Đảng phải khoan thứ những hình thái ý thức quá độ và bền bỉ giúp cho những hình thái này – những hình thái này rất là nhiều, không thể tránh được – mau mòn trong quá trình cộng tác ngày càng chặt chẽ và thân ái với những lực lượng văn hoá cộng sản chủ nghĩa” [11] . Ở điều thứ 12 của bản nghị quyết Đại hội, Đảng lại căn dặn “các nhà phê bình cộng sản phải có một thái độ hết sức khéo léo, hết sức thận trọng, hết sức kiên nhẫn đối với những tầng lớp nhà văn có khả năng đi theo vô sản và tương lai sẽ chắc chắn đi theo”.

Tóm lại: đường lối chính sách văn nghệ của Lê-nin và Đảng Cộng sản Liên-xô đại cương là:

  1. Những văn nghệ sĩ của Đảng tất nhiên phải theo kỷ luật nội bộ của Đảng, phải chịu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phải thực hành những nhiệm vụ và công tác Đảng giao phó cho. Tuy vậy, vẫn phải “tuyệt đối bảo đảm tự do thật rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho sở hướng cá nhân, bảo đảm tự do thật rộng rãi cho tư tưởng và sức tưởng tượng phóng khoáng, cho nội dung và hình thức” – để văn nghệ sĩ của Đảng vẫn có điều kiện đầy đủ phát hiện sự thực toàn diện, góp phần vào sự tiến hành sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

  2. Đối với những văn nghệ sĩ ngoài Đảng có những lập trường tư tưởng phức tạp, quá độ, phải khéo léo và kiên nhẫn đặt những quan hệ tốt, giúp đỡ họ một cách thân ái và tạo đầy đủ điều kiện tốt để họ tự nguyện tự giác tiến dần đến lập trường ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa. Lấy phê bình hữu nghị tiến trên quá trình gay go ấy.

  3. Tán thành sự thi đua tự do giữa các nhóm văn nghệ và các xu hướng văn nghệ không trao độc quyền cho bất kỳ một tổ chức nào trong công việc văn nghệ và xuất bản – dù là một tổ chức có lập trường tư tưởng vô sản nhất. Đồng thời ủng hộ về mọi mặt các nhà văn công nông để họ trưởng thành và sáng tạo một nền văn nghệ hợp với yêu cầu lịch sử của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đó là một đường lối chính sách văn nghệ triệt để khoa học, triệt để cách mạng, căn cứ vững chắc vào thực tế khách quan cụ thể và mở lối phát triển biện chứng cho những nhân tố tiến bộ nằm trong thực tế ấy, hợp với đặc tính loại biệt của sáng tạo nghệ thuật. Nó tôn trọng và bảo vệ tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ. Nó kích thích sự nảy nở đa dạng của các hình thức biểu hiện cuộc sống. Nó hướng dẫn, một cách hợp tình hợp lý, văn nghệ sĩ đi vào con đường sáng tác lợi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, lợi cho nghệ thuật. Nó tập hợp dưới lá cờ của Đảng Cộng sản tất cả những văn nghệ sĩ chân chính tự nguyện tự giác đứng vào hàng ngũ giai cấp vô sản cách mạng tiến đến một tương lai thực sự hạnh phúc, tự do, bình đẳng.

Người văn nghệ sĩ nhân đạo chủ nghĩa thoải mái và phấn khởi dấn bước theo ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Lê-nin chủ nghĩa, vững tâm như dấn bước vào thế giới bản chất của nghệ thuật, của tự do tư tưởng, của sáng tạo. Bên mình họ, Đảng hiện ra như sứ giả của chân lý, của quy luật lịch sử, của sự thực toàn diện. Và họ cũng nỗ lực sáng tác để giúp Đảng ngày một gần chân lý hơn nữa, ngày càng nắm vững sự thực chắc chắn hơn nữa. Gorki, Maiakovski, Ostrovski, Cholokov, Lỗ Tấn v.v... đã chứng minh hùng hồn rắng văn nghệ sĩ có thể làm tròn được thiên chức khó khăn ấy.

Ý nghĩa lịch sử và tinh thần nội dung bài "Tổ chức Đảng và văn học Đảng" của Lê-nin là như vậy. Đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản Lê-nin chủ nghĩa là như vậy.

Chủ trương như ông Hoàng Xuân Nhị: Văn nghệ sĩ đã thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng lẽ tất nhiên phải chịu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng; suy luận như ông Hoàng Xuân Nhị: “Bài của Lê-nin được viết ra cuối năm 1905, thời mà Đảng chưa lên nắm chính quyền. Đến lúc Đảng đã nắm chính quyền rồi thì lẽ cố nhiên nguyên tắc Đảng lãnh đạo và tổ chức lãnh đạo văn nghệ lại càng sáng tỏ và chặt chẽ hơn nữa”; khẳng định như ông Hoàng Xuân Nhị: Công nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, công nhận chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta thì phải công nhận sự lãnh đạo của Đảng, của tổ chức Đảng là một nguyên tắc gang thép”; lên lớp như ông Hoàng Xuân Nhị: “Anh em ca ngợi tự do tư tưởng thế là tốt. Nhưng một số anh em quên rằng đây là tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng trong toàn thể bộ máy của tổ chức Đảng...” ... chủ trương như thế, là phản bội lại chủ nghĩa Mác-Lênin, phản lại Đảng Cộng sản, phản lại Gorki, phản lại văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Là gây chia rẽ giữa Đảng và Văn nghệ, làm hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng của giai cấp vô sản và của toàn thể nhân dân lao động.



[1]Editions Socialé, 1956
[2]Ở đoạn trên, tác giả cho biết bài "Tổ chức Đảng và văn học Đảng" đăng trên tờ Đời mới số 12, tháng 11.1905, như vậy thời gian 7 tháng tính từ tháng 7 đến tháng 11.1905 trong đoạn này có thể là nhầm lẫn (talawas).
[3]Lê-nin toàn tập – Tập III
[4]Boris Meilakh: Sách đã dẫn, trang 156, 158…
[5]Boris Meilakh, sách đã dẫn. Trang 151
[6]Alexandre Dementiev dẫn trong bài “Thảo luận về văn học Xô-viết ở Ba Lan”, Tạp chí Văn học Xô-viết số 9 – Moscou 1956.
[7]Stalin trả lời Bill-Bélotserkovski.
[8]Tạp chí Người cộng sản – Bài “Vấn đề điển hình trong văn học và nghệ thuật”
[9]Alexandre Dementiev. Bài “Tranh luận về văn học Xô-viết ở Ba Lan” – Tạp chí Văn học Xô-viết số tháng 9-1956 – Moscou
[10]Nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản kỳ thứ 12 (1-7-1925). Điều thứ 14
[11]Nghị quyết của Đại hội thứ 12. Điều thứ 10
Nguồn: Giai phẩm mùa Đông Tập I, in tại nhà in Sông Lô, 18, Trường Thi, Hà Ná»™i xong ngày 28-11-56 – do nhà Minh Đức xuất bản. Bìa sách do nhà Quảng Nghi và Minh Đức in, họa sÄ© SÄ© Ngọc trình bầy và do hai ông Nguyá»…n Viết Thưởng và Ngô Quang Thịnh trông nom – Bản khắc của Trần Tiến Mỹ. Số sách in 3100 cuốn – khổ 16×24 – 72 trang. Số xuất bản 53, số in 414 ná»™p lÆ°u chiểu tháng 12-56. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện, vá»›i sá»± giúp đỡ của NTT.