© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
11.12.2002
Nguyễn Quốc Chánh
Ngôn ngữ và ẩn dụ, ẩn dụ và thơ, thơ và đọc
 
Ngôn ngữ là một bầy ký hiệu. Ký hiệu này nắm đuôi ký hiệu kia tạo ra chuỗi nghĩa. Nghĩa
này cưỡi lên nghĩa nọ xọ vào nghĩa đó chồng chéo, lộn lèo các nghĩa lên nhau như một đám xiếc hỗn hợp giữa người và thú sinh ra ẩn dụ.

Ẩn dụ là một trong những đặc trưng có thể là tối thiểu hoặc tối đa của thơ. Có ẩn dụ câu, ẩn dụ đoạn, ẩn dụ bài. Có ẩn dụ cổ điển, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, hiện thực. Có ẩn dụ ngợi ca, khẳng định, phủ định, chế giễu, hoan hô. Ít nhất là có 36 kiểu. Có người nói là đến 64 rồi.

Ẩn dụ bà Hồ khác ẩn dụ bà Huyện. Ẩn dụ ông Cao khác ẩn dụ ông Trứ. Ẩn dụ ông Tố kỵ ẩn dụ ông Tuyền. Trong xã hội phong kiến, chuyên quyền, nghèo đói, không dân chủ, mất tự do không thể không chơi trò ẩn dụ. Những kẻ thất thế, bên lề, đối đầu, quay đít, tuyệt vọng không thể không chơi trò ẩn dụ. Những kẻ lợi thế, hợm quyền, tràn ly hy vọng cũng không chê ẩn dụ. Có điều, mỗi thằng ẩn một kiểu, dụ một cách.

Trong xã hội no đủ, dân chủ, tự do ẩn dụ vẫn xài lai rai. Thơ mà bày đặt khước từ ngôn ngữ và ẩn dụ chẳng khác thằng hâm ham sống bày đặt khước từ ăn, ngủ, đu, ia. Khước từ đu, ia nghĩa là sắp lìa đời; khước từ ngôn ngữ và ẩn dụ nghĩa là sắp toi thơ. Ðang thơ, đang sống mà nóng lên khước từ nó thì đó là cái trò ngợp thở vì ham sống ham thơ. Ham quá đâm ra sợ. Sợ quá sinh ra khờ hoặc liều. Khờ và liều đều đi tiêu. Vì biết là sắp tiêu nên mới liều và khờ. Vì khờ và liều nên mới làm thơ. Làm thơ tức là nợ. Chơi hay thiệt đều là nợ. Nợ ai? Ngôn ngữ và ẩn dụ.

Con Mèo Ðen của Khế Iêm, tôi thấy hay. Nhưng không phải hay bởi cái vẻ tân hình thức. Bởi cái ẩn dụ là Ðen. Tại sao không là Chim Ðen, Qụa Ðen? Tại sao không là mèo trắng, mèo mướp, mèo mun, mèo...? Vì Con Mèo Ðen nó nằm trong hệ thống ẩn dụ của con Chim Ðen, con Qụa Ðen. Ẩn dụ của nó là Ðen. Là ám, là dửng dưng, là đe dọa. Ẩn dụ đó đã quen và cũ. Nhưng khi Con mèo đen có linh hồn và chiếc xương sườn của tôi, thì Con Mèo Ðen biến thành con mèo ẩn dụ theo kiểu siêu thực. Mặt mèo, thân người, và biết làm thơ. Cái ẩn dụ theo kiểu siêu thực đó là động lực để đẩy bài thơ đi. Ði đâu? Ði lên đi xuống. Nghĩa là chả tới đâu cả. Nghĩa là đang bị ám, dửng dưng, đe dọa. Nó hay là ở chỗ đó, chứ không phải cứ tám âm xuống hàng là hay. Cái hay đó nếu có chỉ nên xảy ra một lần. Còn lặp lại hoài thì giống con nít đùa dai. Thế nào cũng bị mắng: Ði chỗ khác chơi!

Lửa Thiêng của Huy Cận là ẩn dụ lãng mạn siêu hình. Mặt trời chân lý chói qua tim của Tố Hữu là ẩn dụ lãng mạn cách mạng. Giũ bùn đứng dậy sáng loà của Nguyễn Ðình Thi là ẩn dụ lãng mạn chiến thắng. Cột đèn trong công viên của Thanh Tâm Tuyền là ẩn dụ hiện sinh nội chiến. Bến lạ của Ðặng Ðình Hưng là ẩn dụ giấc mơ đường cùng. Bóng chữ của Lê Ðạt là ẩn dụ chạy trốn. Con mèo đen của Khế Iêm là ẩn dụ của Việt kiều không yêu nước. Con gấu nhe răng cười trong cuống họng của rừng hay Sài Gòn gãy cặc của Nguyễn Quốc Chánh là ẩn dụ của Việt gian yêu nước nham nhở.

Ẩn dụ là tùy vào khí chất, môi trường, xu hướng của kẻ dùng nó mà sắc mặt, bộ vó hoàn toàn khác nhau. Lưa thưa hay rậm rạp, lớt phớt hay dồi dào, từ đó mới phân biệt giữa mày và tao. Cũng như trong truyện Tầu, Tào Tháo và Khổng Minh.

Trừ quan thơ, làm thơ theo mùa và theo thời tiết chính trị, thơ mang lại cho họ chức quyền lắt léo, tăm tiếng lều bều, và sau cùng là tiền trao cháo múc. Còn một số tên làm thơ, tự in, tự bán mà không ai mua, tặng không ai thèm lấy, mà vẫn làm, mới là khùng lừng lẫy. Rõ ràng, lũ này không khùng nát báy thì ngu bầy nhầy. Ở VN thất nghiệp ngất ngây làm thơ đã đành. Ở Mỹ, Anh có nhiều việc túi bụi mà vẫn dấm dúi làm thơ mới là kỳ, mới là chí lí. Nhưng cởi hết cái kỳ này ra thì lòi cái lý. Cái lý khùng và ngu. Vì nếu nó không làm thơ thì sẽ có khả năng là ngu và khùng thật. Nhưng làm được mắt nó sáng, mặt nó đỏ, đố ai dám nghĩ nó khùng và ngu. Mặc dù thơ không ra tiền không ra tiếng như Rap, như Hollywood, như TV. Nhưng những người làm thơ chăm chỉ vào độc giả sao không chịu đổi nghề. Nếu không đổi nghề thì nên quên đi cái hão huyền độc giả. Độc giả chứ không phải đọc dạ. Hão huyền độc giả cũng giống hão huyền gạ gẫm con Thơ với thằng nhạc Rap

Dù có nghề để đổi và có khả năng đổi nghề, những tên này vẫn lì không chịu đổi. Vẫn cứ thơ. Vậy thơ là cái gì? Cần sa hay bùa mê thuốc lú? Và kẻ làm thơ là ai? Con nghiện, bị lừa, tật nguyền, tuyệt vọng? Và cuối cùng ai là người đọc thơ, tìm họ ở đâu, cách nào?

Những điều đó đối với tôi còn mù mịt hơn cả sự tuyệt vọng. Chỉ có điều, khi viết ra là đã ngầm muốn có người đọc, và khi in ra, là công khai muốn có người đọc, và khi đem tặng, là lộ liễu, hồ đồ muốn có người đọc. Muốn là muốn trong cái muốn, và chỉ muốn, muốn một cách thoải mái, khơi khơi, không cầu cạnh, tìm kiếm, than vãn. Vì để biết người đọc muốn cái gì, và để người viết liệu mà chiều họ, là một ước muốn mất tự do lò dò và ngu xuẩn rị mọ. Nhạc, tiểu thuyết, phim, kèn, tò te...còn có thể. Nhưng thơ thì ê chề không. Vì bản thân của sự làm thơ đã là một hành động long bong không bình thường và rất chướng. Nếu bình thường thì làm việc khác có lương, chồng vợ mến thương, ý nghĩa và thiết thực đôi đường.

Người đọc là ai mà sướng vậy? Lại đòi kẻ bất thường, bất lương, tuyệt vọng chiều chuộng. Hay những người làm thơ định giở trò ma giáo mị dân, bày đặt kêu ca không có người đọc để gợi lòng thương xót, thương vây. Ðây cũng thuộc bầy hậu duệ của Du: 300 năm sau ai là người khóc ta chăng. Nghe xong là muốn đạp cho một cái.

Nói mình nhỏ bé, tầm thường cũng là cách giả vờ kiên trì khiêm tốn. Cho mình lớn lao, độc đáo cũng là cách giả vờ hổ hởi kiêu căng. Kiêu căng hay khiêm tốn lăng nhăng đều là đạo đức giả hoặc đạo đức thiệt phổ thông trong làng trong xóm. Trong thơ tối om thì cóc cần điều đó, vì nó chả có soi tỏ điều gì. Nó không có ăn nhập gì với thơ, và nếu có ăn nhập thì cũng không giấu được, bịn đít thì lòi cu. Cái chính là người viết ra thơ thế nào, người đọc muốn đọc cũng phải nhọc như lúc nó được/bị ọc ra bầy hầy như vậy. Cũng giống như làm tình, cả hai cùng chuyển dịch (cộng lực truy hoan). Còn một bên lim dim, một bên cơm bưng nước rót thì bò tót cũng biến thành thỏ con. Ðộc giả là người cộng lực truy hoan lăng loàn với thơ chứ không phải là bà Thái Hậu Từ Hy uy nghi trắc nết.

Khi làm xong một bài thơ ưng ý và hứng chí đem trưng nó ra trên giấy trên lưới, là một thái độ ngậm ngùi trân trọng người đọc rồi. Khi người đọc đọc thơ là chủ quyền của bài thơ tùy vào người đọc. Tỉ dụ chữ Ăn. Một người đang đói nghe Ăn là phát thèm. Một người đang no nghe Ăn thì thờ ơ. Một người vừa ói nghe Ăn thì phát ớn. Vậy, động từ Ăn có muốn trung tính cũng không trung tính nổi, có muốn khách quan cũng lạng quạng té vào chủ quan. Huống chi một bài thơ. Nghĩa là kẻ làm thơ mà manh tâm tìm người đọc thơ đông dzui chẳng khác xúi thằng cùi mơ tình nhân là người mẫu hay sớ rớ quanh áo dài hoa hậu. Ðó là chuyện cổ tích mà người lớn hay con nít xưa nay đều thích. Tôi cứ tưởng bọn làm thơ đầu đường xó chợ đã thờ ơ ai ngờ không phải.

Tôi thích nói xong là biến ngay. Và nếu có ai đuổi theo là lập tức bỏ chạy. Bởi không có gì cực bằng cố bảo vệ cho những điều đã nói trây. Thà để nó bị giết lây (oan hay tâm phục khẩu phục) rồi nghĩ ra cái khác trám vào sướng hơn. Cái sướng thò lò của tự do là ở chỗ đó. Cái hôm qua ngủ lì bì, hôm nay khì khì thức dậy. Nếu mọi thứ cứ chình ình thì chỗ đâu mà độn, thổ đâu mà chôn.

Nguyễn Ðăng Thường bắn trúng địch cũng nhiều, nhưng chơi vào gốc cây cũng không phải ít. Bài này là cái đích mắc dịch vừa hiện ra cạnh gốc cây đây. Bắn trúng và trật đều hay, nhưng bắn bậy... chắc là cũng vậy.

Hôm nay trời nhẹ lên cao, nhìn xuống thằng nào thấy cũng nát báy.

© Talawas 2002