© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
26.12.2002
Đặng Tiến
Tố Hữu
 
Từng là thi hào quốc gia số 1 trong ít nhất là ba thập kỷ, và cũng là đối tượng đả kích hàng đầu cho những ai không chia sẻ nền thi ca quốc gia ấy, nhà thơ và nhà hoạt động chính trị Tố Hữu vừa qua đời. Thời gian rồi sẽ làm phận sự của nó, sự nghiệp thơ Tố Hữu rồi sẽ ở vào chỗ vừa với mình. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết mới của nhà phê bình Đặng Tiến, cùng bài viết của nhà thơ Trần Dần năm 1955 và bài viết của dịch giả Ngân Xuyên năm 1996 về Tố Hữu.
talawas
Nhà thơ Tố Hữu, qua đời ngày 9 tháng 12 năm 2002, thọ 82 tuổi, là một tác gia chủ yếu trong nền văn học, thi ca Việt Nam thế kỷ XX.

Trước tác của ông cơ bản là thơ chính trị, đấu tranh cho độc lập, thống nhất đất nước, ngợi ca dân tộc, đề cao lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Như vậy, dĩ nhiên là nhiều người thích hoặc không thích.
Kẻ thích trong giai đoạn đấu tranh, một khi mục tiêu đã hoàn tất thì bớt thích. Người chuộng những bài thơ ngợi ca lý tưởng - dù có khác chính kiến - cũng dè dặt với những câu sắt máu hay quá khích. Loại thơ ngợi ca dân tộc và đất nước trước kia, bây giờ đọc lại thấy nhàm chán, dễ dãi. Người yêu chuộng thi ca một thời cho thơ Tố Hữu là mới mẻ thiết thực, bây giờ thấy cũ kỹ thiếu sáng tạo và hiện đại. Xưa kia Tố Hữu làm thơ cách mạng, bây giờ ông được xem như là tác giả bảo thủ, từ hình thức đến nội dung.

Phía khác chính kiến, dĩ nhiên lắm kẻ không ưa, thậm chí còn thù oán. Họ thường cố công trích dẫn mấy câu vần vè tuyên truyền quá khích để bêu riếu.

Ở đời, những cái thời thượng, quá đáng thường chóng qua, bên nào cũng vậy. Văn học lâu dài công bình hơn.

*

Vấn đề đầu tiên là thơ chính trị.
Nhiều người không ưa, và không nhất thiết vì bất đồng chính kiến. Mà vì họ quan niệm thơ là cái gì đó, mơ mộng và thoát tục. Thơ chính trị hay chính luận là tuyên truyền, giống như quảng cáo. Thậm chí còn tệ hơn quảng cáo: thuận tai thì độc hại, nghịch nhĩ thì khiêu khích, chính luận mà chỉ gây dửng dưng là thơ dở. Đây là giá rất đắt mà người làm thơ phải trả.

Sự thật, chính trị là thành phần cuộc sống, nhất là của dân tộc Việt Nam trong nửa thế kỷ - thời gian sáng tác của Tố Hữu - phải thường xuyên tranh đấu cho sự sống còn của đất nước. Thơ cũng là thành phần của cuộc sống đó. Một bộ phận của cơ thể không thể không lay chuyển theo các bộ phận khác. Chính trị ở đây, không phải là chính quyền, hay kỹ thuật quản lý một đoàn thể hay quốc gia, mà hiểu theo nghĩa rộng, là tương quan giữa con người và xã hội, là ý thức cá nhân trong cộng đồng, dân tộc và đất nước. Nó phải biết đau nỗi đau trời đất, buồn nỗi buồn thiêng của núi sông như lời thơ Vũ Hoàng Chương. Thơ gắn liền với số phận con người - mà con người lại gắn bó thân phận mình với dân tộc. Điều đó hiển nhiên. Giản dị hơn nữa, thơ hay không phải nhờ vào chính trị, và dở không phải bởi vì chính luận. Loại trừ chính luận ra khỏi văn thơ thì sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi sẽ teo lại không còn là bao, và kẻ hụt hẫng nhất sẽ là … Lý Thường Kiệt.

Tố Hữu, xuất thân từ phong trào Thơ Mới 1932-1945, đã có công tạo một nội dung mới cho phong trào này, đã đưa phong trào Thơ Mới vào sự nghiệp giải phóng dân tộc - dĩ nhiên là với nhiều tác giả khác - nhưng ông là mũi tiên phong. Với thơ Tố Hữu, những Mẹ Tơm, Mẹ Suốt đã đi vào rừng sâu, ngục tối, và dáng dấp Nàng Thơ đã thay xiêm đổi áo. Thơ đã thật sự đến với quần chúng, theo những bước chân, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, đã biết với nhân dân " cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu ". Các nhà thơ thường ảo tưởng về " thiên chức " của mình, tự phong làm những ngọn " hải đăng " cho nhân loại. Nhưng ai đọc các Ngài? Có người còn ảo tưởng: dân tộc Việt Nam yêu thơ. Nhưng yêu thơ gì, ngoài những vần vè ê a ấp úng trong các dịp hiếu hỉ, tửu hậu trà dư? Hai nguồn ảo tưởng ấy đã kết duyên, thành đôi thành lứa, nương tựa vào nhau mà sống. Một hạnh phúc vần vè trên ngộ nhận. Thơ Tố Hữu với những thành tựu và hạn chế, đã thật sự đi vào quần chúng thuộc nhiều giai tầng xã hội khác nhau, trong một thời gian dài, trong gian truân và khói lửa. Nói rằng thơ Tố Hữu đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước thì quá đáng, nhưng đã cụ thể tham dự vào đời sống gian lao của dân tộc.

Tố Hữu sử dụng thơ trong mục đích chính trị, cái đó đã rõ; nhưng đồng thời và vô hình trung, ông đã sử dụng chính trị làm đòn bẩy cho thi ca. Còn về sau, thơ hay hoặc dở, không còn tùy thuộc ông ấy, cho dù ông có phần trách nhiệm chỉ đạo.

Trong đặc tính của nó, thơ không có chức năng thông tin, mà phục vụ chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ. Đúng. Nhưng đã mấy người hiểu? Người nghe, đọc thơ, trước hết là đón nhận thông tin, về sau, về lâu về dài, mới ý thức được phẩm chất thẩm mỹ của ngôn ngữ Trăm năm trong cõi người ta là một câu thơ xoàng, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau là một thông tin lẩn thẩn, cuộc đời Thúy Kiều là chuyện vẩn vơ, nhưng tác phẩm Truyện Kiều đã làm giàu ngôn ngữ và tâm hồn Việt Nam; thơ cách mạng, thơ kháng chiến nhắm mục đích tuyên truyền và thực dụng, nhưng sau khi tuyên truyền, nó lưu lại một dư vị thẩm mỹ trong ngôn ngữ người dân - như vậy là đã đóng góp vào sự nghiệp thi ca nói chung. Hiểu theo tinh thần này, công bình mà nói thì thơ Tố Hữu - trong những hạn chế - đã có những đóng góp tích cực vào nền thi ca Việt Nam, trên ba mặt: củng cố, phổ biến và phát huy.
Thơ Tố Hữu không cách tân thi pháp, nhưng phát huy chức năng xã hội và đa hiệu khả năng truyền thông của thi ca. Nó không làm mới, mà có làm giàu.

*

Chữ tài, trong nghệ thuật, là một khái niệm phức tạp. Thành công, ít nhất về mặt xã hội, như Tố Hữu, thì nhất định là phải có tài. Ông đã khéo chọn và chọn đúng đường đi. Thơ ông phục vụ chính trị và lịch sử, và ngược lại lịch sử và chính trị cũng phục vụ lại thơ ông. Trong lịch sử, nếu không có những cuộc chiến tranh giải phóng thì vẫn có một Eluard hay Aragon tầm cỡ, và cũng sẽ có một Tố Hữu, nhưng một Tố Hữu tầm tầm. Trong Thi Nhân Việt Nam, viết 1941, xuất bản 1942, Hoài Thanh không một lần nhắc tên Tố Hữu, mà ông có biết, và đã bị phiền trách sau này. Nhưng là trách oan. Lối trách người này để nịnh người kia. Mãi về sau, Cách Mạng Tháng Tám 1945 mới tạo tư thế và nâng cao tầm cỡ cho thơ Tố Hữu.

Tố Hữu là người có tài và có ý thức về thi pháp, thậm chí có khả năng cách tân thơ. Tiếc là đã không làm. Trong bài Huế Tháng Tám, 1945, ông đã viết :

Cổ ta ré trăm trận cười trận khóc
…Ta hét huyên thiên ta chạy khắp nhà
…Ngực lép bốn nghìn năm. Trưa nay gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi …

Nhưng Hồ chí Minh, ngay sau đó, đã gay gắt phê phán. Và dĩ nhiên, ông Tố Hữu nhà thơ phải nhường chiếu cho ông Tố Hữu đảng viên cao cấp. Thỉnh thoảng, có lúc ông nhà thơ khẽ khàng:

Tôi ở Vĩnh Yên lên
Anh trên Sơn Cốt xuống
Gặp nhau lưng đèo Nhe
Bóng tre trùm mát rượi

Ta đánh giặc chạy re
Hai đứa cười ha hả

Chia nhau điếu thuốc lào
Nào anh hút tôi hút
(Cá Nước, 1947)

Giọng thơ hào sảng, hiện đại, Xuân Diệu cho là thơ mở đường. Tố Hữu mở đường, nhưng rồi sau đó không cho ai đi.

Bài Ta đi Tới, 1954, ngoài dụng tâm chính trị, có những câu hay :

Tháng Tám mùa Thu xanh thắm

Hay từ những âm vang. Hai nguyên âm a đầu câu mở rộng nền trời, nguyên âm u luyến láy giữa câu, nâng bầu trời lên cao, rồi hai âm a cuối câu đẩy tầm mắt ra xa, xa xa, xa tận chân mây. Trời thu Yên Đổ, một buổi trưa không biết tự thời nào (Huy Cận).

Đa số các nhà thơ khẳng định tài năng ngay từ tập thơ đầu, thậm chí có người suốt đời không vượt khỏi tác phẩm đầu tay. Tố Hữu tập làm thơ, tiến bộ từng bước một, mỗi ngày thơ mỗi nhuần nhuyễn, hiệu lực. Bài Xin gửi Miền Nam, làm mùa Xuân 1972, dưới bom đạn Mỹ, có đoạn bình an đánh dấu một đỉnh cao trong thi pháp :

Tôi lại làm thơ, như mỗi lần
Nghe ấm trời, lất phất mưa xuân
Con chim chích nhớ mùa táo chín
Rúc rích về ăn táo ngoài sân

Dịu dàng nhất là câu thơ thứ nhì. Đãi chất chính trị ra khỏi những câu thơ trên đây, nó vẫn hay. Và hay cách khác. Thoáng và bền hơn.

*

Những hạn chế trong thơ Tố Hữu thì Trần Dần đã viết bài phê phán từ 1957, thịnh thời của Tố Hữu. Bài viết can trường, sắc sảo và chính xác, từ 2001 đã được phổ biến rộng rãi ở ngoài nước. Tôi không cần thêm điều gì.

Tố Hữu nhà thơ, còn là nhà chính trị lãnh đạo văn nghệ, kinh tế. Nơi này hay nơi kia, khi này hay khi khác, ông đã có những sai lầm, mà tôi không nói ở đây, vì không phải lúc, lễ độ văn học không cho phép.
Nợ bút trước sau gì cũng dễ trả.
Chỉ có nợ tình mới canh cánh.

(Viết vào tháng chạp dương lịch, nhằm ngày giỗ Xuân Diệu 18, Toàn Quốc Kháng Chiến và tang lễ họa sĩ Bửu Chỉ 19, và kỷ niệm 20 năm Aragon ngày 23/12/2002.)

© Talawas 2002



Phụ lục 1

Trần Dần
Cách nhìn sự vật của nhà thơ Tố Hữu

Tôi muốn nói tới cách nhìn của nhà thơ Tố Hữu (trong tập Việt Bắc) đối với cuộc đời, đối với sự thực.

Ðiểm thứ nhất: thơ Tố Hữu không có cách nhìn mới nào rõ rệt.
Cách nhìn của Tố Hữu không có gì là đặc sắc cả. Người ta hay nói tới cá tính của một nhà thơ. Ðó là một điều rất hệ trọng. Vì rằng cá tính của nhà thơ rõ rệt hay mờ nhạt, đặc sắc hay tầm thường là nó chứng tỏ nhà thơ đó sống và viết có ý thức sâu sắc hay nông cạn về vị trí của mình, của nghề nghiệp mình trong mối liên quan chung xã hội. Nói cách khác, cá tính biểu hiện trình độ thức nhận của thi sĩ đối với cuộc sống. Người ta có thể nhận ra câu thơ này câu thơ khác là của Huy Cận, là giọng Hoàng Cầm hoặc giọng Xuân Diệu... Vẫn biết rằng còn phải xem cá tính ấy thế nào, nhưng ít nhất nhà thơ phải tới mức có cá tính. Ðằng này, người ta khó có thể nhận ra câu thơ nào gọi được là giọng Tố Hữu. Cá tính nhà thơ mờ nhạt quá. Tố Hữu có một số câu người đọc nhớ, những câu thơ hay ấy có thể ký Nguyễn Du, Tản Ðà, hay một loại ca dao nào đó. Ðây không phải là chuyện "dựa vào vốn cổ" - mà là một lối dựa kém phát triển, chưa tới mức dựa mà thoát ly khỏi nó, sáng tạo thành một cái mới hẳn hoi (như bài Voi ơi voi ơi thật là một kiểu bắt chước nhạt nhẽo). Những câu hay nhất của Tố Hữu mang cái không khí thơ xa. Tố Hữu nhìn cuộc sống mới, con mắt chưa xuyên qua được cái màng cổ cũ. Lê Ðạt nhận xét cô đúc rằng Tố Hữu nói tới những chuyện mới mà không hiện tại là như vậy. Tôi đồng ý với Lê Ðạt: Tố Hữu hay đẩy lùi hình ảnh mới vào quá khứ. "Trung ương, chính phủ luận bàn việc công ...", cái khí phách hội họp của trung ương, chính phủ không giống thế. Ðiều này làm ta suy nghĩ nhiều về phát triển vốn cũ. Nếu không tả được đúng dân tộc ta hôm nay, - nó vừa rất mới lại vừa rất kế thừa cái cũ -, thì không thể nói dân tộc tính được.
Còn nói chung, thơ Tố Hữu rất nhiều cái lười biếng. Ý, lời tầm thường. Tầm thường chứ không phải giản dị phong phú. Như là lời thì rất nhiều cái kiểu: "lòng ta xao xuyến, rung rinh", - "chúng bay chỉ một đường ra, một là tiêu diệt, hai là tù binh", - hoặc "đời vẫn ca vang núi đèo", hoặc "cụ Hồ sáng soi". Không phải là thiên lệch trích ra một số câu như vậy, hãy thử đọc lại tập Việt Bắc, ta thấy nhan nhản những lối lười, nhạt, cả lảm nhảm nữa. Cũng như lời, ý thơ Tố Hữu không đặc sắc. Tố Hữu nhìn vấn đề gì, chỉ thấy những công thức bề mặt của vấn đề ấy. Phá đường thì: Nhà neo việc bận vẫn đi - làm thì thi đua -, thi đua kết quả thì rồi mai địch chết. Ta đi tới: đủ cả Bắc Nam, Việt, Miên, Lào, Itsala, Itsarắc ... xem ra thì có vẻ đúng chính trị. Nhưng xét sâu xem? Tinh thần phá đường nó yếu quá (mặc dầu giai đoạn phòng ngự ...). Ta đi tới nó tản mát quá. Thơ Tố Hữu hay nói dàn ra cho đủ ý. Người chính trị giỏi không phải là người chạy quanh cho đủ mọi vấn đề, mà là người biết xoáy mạnh vào điểm chính để giải quyết. Thơ hiện thực cũng đòi hỏi nhà thơ - như nhà chính trị - giải quyết cái chủ chốt của vấn đề cho tâm hồn người đọc. Chứ không đòi hỏi làm như một anh cán bộ tuyên truyền xoàng xĩnh, nói dàn mỏng vấn đề ra, la liệt đủ các mặt như bày hàng xén. Tố Hữu chú trọng quá nhiều cho đúng cái chính trị bề mặt, cố nói cho đủ, mà thường thường cái chính trị bề sâu không đúng: - hơi thơ Tố Hữu yếu quá, khí thơ Tố Hữu thiếu cái tấn công mạnh mẽ của nhà chính tṛ biết dồn tâm sức, dốc khả năng vào điểm chính... Không phải như một số bạn bảo vì đây là loại " thơ trữ tình " nên nó mềm, nó nhẹ như vậy. Không! Con người mới rất khoẻ trong mọi vấn đề lớn, nhỏ, chung, riêng. Cả trong những chuyện đời tư thầm kín, chuyện vui, chuyện buồn. Cả khi " trữ tình ", con người mới vẫn có cái khí phách mạnh mẽ của nó (xem ca dao hay Mai-a-kốp-xki tả ái tình chẳng hạn...) Ðiểm này làm ta suy nghĩ rất nhiều về thế nào là đúng chính trị. Nếu khí phách thơ thiếu cái tấn công, cái tích cực mãnh liệt thì không thể nói đúng cái chính trị được.Về điểm này, tôi đồng ý với Hoàng Cầm: kiểu chính trị như của Tố Hữu không phải là chính trị thực. (Phải nắm cái tinh thần phê bình của Hoàng Cầm, không nên như bạn Ðông Hoài căn cứ vào cái chữ mà bẻ quẹo đi).

Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì lại là lắp lại Nguyễn Du, Tản Ðà, ca dao... Tố Hữu chưa đem tới một cách nhìn mới mẻ gì. Cách nhìn còn tầm thường. Ðó là cái đau khổ của những người làm thơ: hát lên bằng một giọng hát tầm thường.
Thơ hiện thực đòi hỏi người thi sĩ phải khổ công nghiên cứu tìm tòi trong cuộc sống. Gạt bỏ những công thức bề mặt, đi vào thực chất sự việc. Cũng như nhà chính trị, nhà thơ của công nông phải theo dõi từng hơi thở, từng cái giở mình của quần chúng, của thời đại, của dân tộc. Càng phải chú ý tới những cái đang sinh thành, hôm nay là gió nhẹ, ngày mai là bão táp. Phải tìm ra được những quy luật mới của khách quan. Không phải đòi hỏi thế là vì thích mới, ham chuộng lạ. Mà chính là vì cuộc sống luôn luôn đổi mới. Người thi sĩ - cũng như người chính trị - đứng dừng lại thỏa thuê với những cách nhìn đã tầm thường, đã công thức - là người sẽ bị cuộc sống vượt qua đầu, vứt bỏ lại. Pê-tô-fi bảo " hãy im đi " - và gọi tên là bọn " ca sĩ lạc hậu " những thi sĩ nào không đem tới một cách nhìn mới, - nói đúng hơn không khám phá được những cái mới sẵn có trong thực tế. Phải nói ngay rằng thơ ca quần chúng tuy nói chung còn lõm bõm bản năng tự nhiên, nhưng có những viên ngọc thật sáng tạo. Sự làm việc sáng tạo của họ làm cho cách nhìn và thơ ca của họ nhiều sáng tạo. Họ không biết lý luận hiện thực, nhưng chính chủ nghĩa hiện thực ở quần chúng , - cũng như xã hôi tương lai. Ðừng nên lo là họ sẽ rụt rè không dám làm thơ nữa. Bão to cũng không thể làm đổ trời, cuộc nghiên cứu này chỉ có khuyến khích chứ không ngăn nổi triệu triệu người tiếp tục làm thơ đâu. Có thể chỉ một số nhỏ đã hay sắp vào chuyên môn có thể rụt rè, sợ lý tưởng thơ cao quá. Tôi thường thấy con người ta kém cỏi, rụt rè chính là vì lý tưởng nó thấp. Hay không có lý tưởng. Chứ không phải vì lý tưởng nó cao. Thơ hiện thực là của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Nó cao thực, người thi sĩ phải mất máu trên một vần thơ như một chiến sĩ mất máu trên một lô cốt địch. Nhưng nó cũng dễ thôi, quần chúng vẫn làm, đã đạt được một số câu. Ai muốn dễ thì phải cố chịu khó làm như quần chúng: sống chết nhọc nhằn, mồ hôi máu đỏ. Những vần thơ hay nhất, mới nhất, là những vần thơ lăn lộn trong cái thực tế mưa bão ấy. Cá tính thơ Tố Hữu còn mờ. Sự thiếu sót thực tế làm cho Tố Hữu chưa thoát khỏi cái nhìn tầm thường và ảnh hưởng thơ xưa.

Ðiểm thứ hai là cách nhìn của Tố Hữu thật nhỏ bé quá. Nhìn vấn đề gì, vấn đề ấy thu hẹp lại. Yêu ai người ấy nhỏ đi.

Nhìn chiến sĩ: nhìn vào bề sâu lớn lao khí phách của chiến sĩ thì ít. Mà lại nặng nề về những tiếng kêu trừu tượng (anh Vệ quốc quân ơi, sao mà yêu anh thế?),- những hình dung từ rồn rập (người bạn đường anh dũng,- anh chiến sĩ hiền lành),- những cái nét hình thức (bóng anh nắng chiều v.v.) ... Hình ảnh chiến sĩ thu nhỏ lại.
Nhìn Hà Nội: yếu đuối, đợi chờ
Nhìn bà mẹ bộ đội: thương xót, chán nản
Nờin Việt Bắc: xa vắng heo hút. Người ở lại, người về xuôi đều nhỏ lại trong một khung cảnh hắt hiu.
Nhìn Triều Tiên: yếu ớt, ỷ lại. Không phải cái chính là vì Tố Hữu dùng hình ảnh em bé. Cái chính do cách nhìn em bé đó thế nào?.
Nhìn lãnh tụ: chỗ thì hình thức gượng gạo "chòm râu mát rượi hòa bình", chỗ thì tả thành một đạo sĩ tầm thường nhàn tản "ung dung yên ngựa bên đường suối reo" (có thể tả lãnh tụ đi chơi, nhưng phải tả khác ...). Nói chung thì nặng "công thức cha già". Không thấy lãnh tụ vừa là cha, vừa là con đẻ của quần chúng. Chỗ thì tả lãnh tụ mênh mông, - thi sĩ và quần chúng bé nhỏ đi dưới cây chì đỏ của lãnh tụ. Lãnh tụ như núi, quần chúng li ti như kiến con. Hình ảnh không cân xứng, định làm to - vô tình hóa ra làm nhỏ bé lãnh tụ đi, làm sai lệch sự liên quan giữa lãnh tụ và quần chúng. Không phải là phủ nhận một vài nét khá sáng tạo của Tố Hữu, như tả lãnh tụ "trẻ mãi không già", nêu lên được nét Hồ chủ tịch là người thanh niên số một. Nhưng nói chung bản chất người lãnh tụ kiểu mới: vừa phi thường vừa tầm thường, vừa độ lượng vừa nguyên tắc, vừa hành động vừa trí tuệ, vừa giản dị vừa phong phú, vừa đạo đức vừa không công thức gò bó, ... bản chất ấy bị thu nhỏ lại trong kính thơ Tố Hữu. Chính vì lòng yêu lãnh tụ, gắn liền với lòng yêu giai cấp, yêu dân tộc thúc dục ta nên mạnh dạn làm thơ về lãnh tụ, nhưng không thể khuyến khích ta thỏa thê ở mức ấy.

Nói thêm, Tố Hữu nhìn sự hy sinh của quần chúng thế nào? Như trong bài "Phá đường", cứ tạm cho chị nữ dân công đó là một quần chúng tốt, Tố Hữu tả chị ấy nhà neo, con bế con bồng, ngô sắn bề bộn. Vậy mà: "em cũng theo chồng đi phá đường quan". Sự hy sinh như thế mà buông nhẹ tênh trong một câu như vậy !
Người ta hay nói tới lòng yêu nước của thơ Tố Hữu. Người ta bảo đối vớI Tố Hữu, tổ quốc cụ thể ra là những bà mẹ, những người chiến sĩ, những công việc kháng chiến (phá đường, về Hà Nội, xa Việt Bắc, v.v...) Tôi cũng đồng ý vậy. Nhưng mà đối với những điểm cụ thể ấy, con mắt Tố Hữu đã thu bé nó cả lại. Không phải là đem cộng máy móc lại, nhưng vì những yếu tố tạo nên nó đã nhỏ yếu cả, hóa ra tình yêu nước của nó cũng bé bỏng đi. Lê Ðạt cũng đã nhận xét, cái căm thù rất yếu trong thơ Tố Hữu làm cho tình yêu nó mỏng mảnh. Yêu nước, căm thù, chúng ta đều muốn những vần thơ không nên "tí ti yêu nước, tí ti căm thù". Chúng ta muốn như Maia-kốp-xki nói:

Ðồ sộ yêu thưong
Ðồ sộ căm thù ....

Muốn thế, - vì đó là thực tế của dân ta, thời đại ta, thực tế cuộc chiến đấu võ trang hôm qua là hòa bình hôm nay. Mỗi nhà thơ một cách nhìn, một cách nói khác nhau, nhưng đều có cái căm thù, thương yêu đồ sộ ấy.

Có người bảo không thể đòi hỏi trong một tập thơ nhỏ mà tả chiến sĩ, người mẹ, phá đường, Việt Bắc, Hà Nội v.v... đều là hay cả. Không, không !... Người thi sĩ có một cách nhìn lớn thì không cần một tập thơ đâu. Mà bất cứ một bài, một câu, một ý, nói cái gì nó cũng thành lớn, vạch một nét nào cũng là nét lớn cả. Chuyện lớn bé không phải chuyện dài ngắn,- cũng không phải là chuyện đề tài. Mà là chuyện cách nhìn cỡ trình độ nhận thức sự vật.

Ðiểm thứ ba là cách nhìn Tố Hữu hay bao phủ lên vấn đề một cái buồn yếu đuối. Ðiểm này Hoàng Yến, Hoàng Cầm và nhiều bạn đã phân tích nhiều. Những người bênh vực thơ Việt Bắc nhất trước kia không nhận, bây giờ cũng đã nhận rằng cái buồn trong thơ Tố Hữu là một sự thực khách quan, không phải do bịa đặt của người phê bình. Mà đây không phải cái buồn xốc người ta lên hành động, không phải cái buồn tới căm thù của những hy sinh mất mát, đổ vỡ trong chiến tranh. Mà lại là một thứ buồn nó " ru ", yếu đuối và nhẹ . Ðiều đó bây giờ đã được công nhận nhiều rồi. Cuộc nghiên cứu thơ Tố Hữu hôm nay đã tiến được một bước ấy. Nhưng mà vấn đề căn bản vẫn chưa chuyển nhích: chất tiểu tư sản là chính của thơ Việt Bắc hay chỉ là cái rơi rớt phụ?
Tôi đồng ý với Hoàng Cầm, Lê Ðạt và nhiều bạn khác rằng: căn bản thơ Tố Hữu là kiểu thơ tiểu tư sản đi theo cách mạng. Cách nhìn tầm thường, nhỏ bé, buồn yếu đuối, lại còn rơi rớt cách nhìn thơ xưa. Một cái kính thơ như vậy, thu hẹp cuộc sống lại như một hòn non bộ xinh xắn, chưa phải là cái kính thơ vĩ đại của công nông. Tôi nói tiểu tư sản cách mạng, tức là nói cái ưu cũng ở đấy, cái khuyết cũng ở đấy. Tiểu tư sản rất nhiều, mỗi người còn ít nhiều chút tiểu tư sản, nên thơ Tố Hữu cũng có thể ngâm ngợi được. Nó có ích trong phạm vi ấy. Nhưng nếu nói nó đã là công nông, là dân tộc, là thời đại, là hiện thực thì quả là sai sự thực. Dân ta, công nông ta, thời đại ta không phải là tầm thường nhỏ bé, yếu đuối như thế. Nếu không nhận rõ điều đó, thì thật là tai hại cho tác giả, cho quần chúng, cho thơ hiện thực.
Rất rõ rệt là Tố Hữu có những thiện ý, có cố gắng. Cố phục vụ chính trị. Cố theo sát đề tài trước mắt. Cố quần chúng. Cố dân tộc. Cố điêu luyện thơ nữa. Nhưng chưa đủ mức thoát khỏi cách nhìn tầm thường, nhỏ bé, buồn, yếu ớt,- cho nên cái đạt được của Tố Hữu đi vào đường thơ hiện thực mới chỉ là hình thức. Không lấy làm làm lạ rằng thơ Tố Hữu có nhiều mâu thuẫn chưa thống nhất. Có vẻ chính trị mà chính chỉ là chính trị công thức. Có vẻ dân tộc, quần chúng mà thực chưa phải. Có vẻ phục vụ trước mắt mà thực lại không hiện tại. Có vẻ điêu luyện thơ mà thực còn rất nhiều cái dễ dàng, lười biếng.

Phê bình thế có phải là do tính khe khắt không? Có phải vì vị trí của Tố Hữu, vì Tố Hữu là một cây bút khá lâu năm nên ta cứ khắt khe không? Một nghìn lần không phải.

Người ta hay nói tới quần chúng, thời đại. Tôi rất đồng ý quần chúng, thời đại là người giám sát tối cao quyết định nghệ thuật. Thơ hiện thực là của quần chúng. Chính cuộc nghiên cứu thơ này tức là thời đại đang xét thơ Việt Bắc, mới là một lần đầu. Thời đại ta chưa có kết luận gì. Nhưng phải thấy rằng thời đại chúng ta vô cùng vô tư, khách quan, trọng sự thực. Và cũng rất vô cùng nâng đỡ nghệ sĩ. Không phải chỉ nâng đỡ ngòi bút mới, mà càng phải nâng đỡ ngòi bút cũ (tuy nhiên cách nâng đỡ khác nhau, vì khó khăn, điều kiện hai đằng khác nhau). Chúng ta nâng cao lá cờ thơ hiện thực, nên phải nhìn cho đúng thơ Tố Hữu đã cố gắng đi được tới mức nào,- con đường tiếp tục còn gian nan gấp mấy? Vậy ra chưa có thi sĩ nào hiện thực, chân chính của công nông ư? Tôi thấy quả như vậy. Không có gì mà sốt ruột, chuyện nghệ thuật phải tính hàng chục, hàng trăm năm. Chúng ta mới là lúc bình minh, ánh sáng còn non nhạt. Nhưng mà ta đã có hàng vạn vạn câu thơ còn tản mát do bàn tay quần chúng tạo nên, rất xứng gọi là công nông. Chỉ có cái, những người chuyên môn có chịu vất vả sống chết đấu tranh như quần chúng không? Nếu như vậy, ta sẽ đẩy được mặt trời lên đỉnh sáng. Ðối với Tố Hữu cũng như mọi nhà thơ, chúng ta chân thành đề nghị: lăn xả vào thực tế, mở rộng cách nhìn, sáng tác mạnh bạo tự do. Tổ quốc khó khăn hôm nay đang gọi tên chúng ta với những vần thơ vất vả, tìm tòi, mới mẻ hơn.

5-1955
(Trích: "Trần Dần- Ghi 1954-1960", td mémoire, 2001)


Phụ lục 2

Ngân Xuyên
Câu chuyện dịch thơ
(Trò chuyện cùng nhà thơ Tố Hữu)

Tôi bước vào nhà ông sáng 30-4-1996. Nắng rực rỡ phố phường Hà Nội cái ngày lịch sử đó. Khu nhà ông rộng rãi và vắng vẻ. Tự nhiên tôi có một cảm giác là lạ. Ông bước ra tiếp chúng tôi trong bộ quần áo mặc ở nhà, trông bình dị như mọi ông lão trên đời. Năm nay ông đã ở tuổi bảy mươi sáu! Ðây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc và trò chuyện với ông. Mà tôi cũng không đi một mình, vì lạ, vì ngại, phải nhờ nhà nghiên cứu văn học Ðào Thái Tôn, người đã có hơn một lần đến đây, hẹn trước với ông và đến cái ngày đó cùng đi với tôi tới nhà ông. Giản dị thôi, tôi muốn được hỏi chuyện nhà thơ - dịch giả Tố Hữu. Và không giấy tờ, không khách sáo, ông cởi mở trò chuyện với chúng tôi.

Từ bài thơ của Paul Verlaine ...
Câu chuyện tự nhiên bắt vào bài thơ của Paul Verlaine mà ông vừa cho đăng trên báo Văn nghệ. Dọc đường đi tôi có chia sẻ với anh Tôn cảm giác không "sướng" lắm khi đọc bản dịch này của Tố Hữu, hình như ông dịch nó không đúng "tạng" của mình. Anh Tôn vui chuyện không ngại nói ra nhận xét đó trước mặt nhà thơ. Ông như sững lại giây lát, sau đó tỏ ý buồn khi báo Văn nghệ đã in nhầm tên bài thơ, in sai mấy chỗ trong bản dịch. Rồi bằng một giọng trầm ấm, ông tâm sự những điều ông tâm đắc khi dịch bài thơ này. Paul Verlaine (1844-1896) là nhà thơ tượng trưng Pháp chủ trương đề cao hết mức âm nhạc trong thơ. Ông từng tuyên bố: De la musique avant toute chose. De la musique encore et toujours! Bài thơ Chanson d'automne thể hiện rất rõ tính nhạc của thơ Verlaine. Khi dịch, tôi muốn giữ lại và truyền đạt được nhạc điệu đó từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Các anh nghe tôi đọc nguyên bản nhé. Nhạc ghê không? Nghe mà cảm hết cái lạnh lùng, tê tái của mùa thu. Còn đây là bản dịch của tôi. Cũng đầy nhạc điệu đấy chứ.
Quả thật, nghe Tố Hữu đọc chúng tôi như bị mê đi trong nhạc điệu của bài thơ ở cả hai thứ tiếng. Ông đọc đi đọc lại mấy lần. Những câu thơ cứ ngân nga ngân nga.

Les sanglots longs
Des violons
Des l'automne
Blessent mon coeur
D'une languer
Monotone.

(Tiếng đàn ai
Nức nở hoài
Mùa thu
Ðau tim ta
Nỗi sầu
Tẻ ngắt)

(Tôi xin mở ngoặc ở đây một chút, xin lỗi nhà thơ và bạn đọc, là bản thân tôi khi đọc thơ Verlaine cũng đã rất mê bài này. Và tôi đã thử dịch bốn câu mở đầu trên đây: Cây đàn mùa thu/ Ðều đều nức nở/Làm trái tim ta/Nghẹn ngào tan vỡ. Nhưng tôi bỏ dở vì cảm thấy bất lực trước những câu thơ rất đẹp, rất Pháp đó...)
Dịch, nhất là dịch thơ, Tố Hữu nói tiếp theo mạch chuyện, không phải là việc chuyển ngữ mot à mot. Dịch phải biết sáng tạo trong những khả năng giới hạn. Như ở bài này tôi dùng chữ "đàn" để dịch chữ "violons" trong nguyên bản, chứ không lấy chữ "nhị hồ", "vĩ cầm". "Ðàn" là chỉ chung, có ý muôn đời, còn các chữ kia thì đã cũ, đã mòn. Hay như chữ "mauvais" trong câu "Au vent mauvais" tôi dịch là "phũ phàng". "Ta lại đi theo ngọn gió phũ phàng" thì đâu chỉ nói gió mà thôi. Ngay chữ "hoài" sau chữ "nức nở" cũng vậy, nếu cứ dịch "long" thành "dài" thì còn gì là thơ nữa. Thú thực đây là một bản dịch của tôi mà tôi thích.
Và ông đọc lại bài thơ một lần nữa. Giọng đọc tiếng Pháp tiếng Việt của ông như muốn truyền hết tiếng nức nở mùa thu của Paul Verlaine sang cho người nghe. Khi ông dứt lời, nhà nghiên cứu văn học bên tôi cũng phải thú nhận là được nghe đọc trực tiếp thế này anh mới cảm hết cái hay của nguyên tác và cái lý của bản dịch.

... đến bài "Ðợi anh về" của Simonov
Từ chữ "hoài" trong bản dịch Chanson d'automne, tôi nhớ đến một chữ "hoài" khác, cũng là của Tố Hữu, khi dịch bài Atttends-moi. Bài thơ Nga qua Pháp ngữ đã được ông chuyển sang tiếng Việt một cách nhuần nhị cả về cảm xúc lẫn ngôn từ. Nửa thế kỷ đã đi qua trên bản dịch này, và thời gian càng xa hơn càng tôn thêm giá trị của một sự đồng sáng tạo tuyệt vời của dịch giả ở đây. Thực chất, bản dịch Ðợi anh về (của Tố Hữu) đã như một bài thơ thứ hai bên cạnh nguyên tác của C. Simonov. Cái gì đã tạo nên giá trị đó? Ðáp lại câu hỏi của tôi, ông nói: dịch thơ, trước hết phải chọn được bài hay và bài hay đó phải hợp với mình, với "tạng" của mình. Phương châm dịch của tôi là: hiểu người - cảm thành của mình - diễn đạt cho người nước mình cảm được. Và khi đã dịch thì phải dịch cho đến nơi đến chốn. Dịch giả phải làm giàu thêm cho tác giả. Tôi nghĩ ở đây bài thơ Ðợi anh về tôi đã phần nào làm được điều này. Có một chi tiết này kể các anh nghe: ở câu "Tan giặc bước đường quê", hai chữ "Tan giặc" là tôi thêm vào, trong nguyên bản chỉ nói đợi trở về thôi, nhưng - nói đến đây nhà thơ cười hóm hỉnh - "về" nhưng đảo ngũ, chạy trốn thì sao, vậy nên tôi thêm hai chữ "tan giặc" là để nói cái ý trở về khi chiến thắng.
Ðợi nhà thơ dứt lời, anh Tôn hỏi ngay cái câu "Trông chết cười ngạo nghễ" có phải đúng trong nguyên bản vậy không. Ông không còn nhớ rõ câu tiếng Pháp nhưng khẳng định là đúng. Khi về nhà tôi giở lại bản tiếng Nga bài Ðợi anh về thấy câu đó không những được dịch đúng nghĩa mà còn giỏi. Và nói chung phần sáng tạo của Tố Hữu trong bản dịch này là rất lớn. Ông đã làm phong phú, đầy đặn thêm những ý tưởng cảm xúc của Simonov bằng những ý tình của mình. Tôi không có trong tay bản tiếng Pháp, nhưng bản tiếng Nga bài thơ của Simonov dài 36 câu, còn bản dịch tiếng Việt của Tố Hữu dài 38 câu. Những câu thêm vào là để nhấn mạnh thêm mức độ nhớ thương, mong đợi của đôi lứa tình nhân trong chiến tranh: Xin em hãy cứ bền lòng chờ đợi.

Dù bạn viếng mồ anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì em ơi mặc bạn
Ðợi anh hoài em nghe

đó là tâm tình của nhà thơ Nga. Nhưng tiếp thêm câu "Tin rằng anh sắp về "thì đã là tâm tình của nhà thơ Việt, đúng hơn ở đây đã có sự hoà hợp, cộng hưởng tâm tình của những con người cùng chung cảnh ngộ. Và như vậy bản dịch đạt đến hiệu quả cuối cùng là được người đọc chấp nhận và cảm thụ theo cùng tần số với tác giả và dịch giả. Ðấy cũng là một điều tâm niệm của Tố Hữu trong việc dịch thơ.

và bài "Ðảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" của nhà thơ Aragon
Có một bài thơ của Louis Argon được nhà thơ Tố Hữu chuyển dịch cũng từ những ngày ở chiến khu Việt Bắc và về sau được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát Ðảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Nguyên văn bài thơ tiếng Pháp là Du poète à son parti (Nhà thơ tặng đảng của mình). Khi nghe tôi hỏi chuyện này, nhà thơ rất hào hứng. Ông nói: Ở đây vẫn những điều tôi đã nói lúc nãy về việc dịch thơ. Dịch sao cho truyền cảm, cho nên thơ mà vẫn trung thành với nguyên bản, vẫn đúng ý tác giả. Ngay cái câu mở đầu bài này "Mon parti m'a rendu mes yeux et ma mémoire", dịch sát đúng là "Ðảng của tôi đã trả lại cho tôi đôi mắt và trí nhớ". Nhưng đúng thế thì lại chẳng thơ. Tôi rất vui khi dịch được câu đó thành "Ðảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng". Người Việt mình cũng hay nói thế mà. Bài thơ này Aragon làm tặng Ðảng cộng sản Pháp, nhưng đây cũng là tình cảm chung của mọi đảng viên đối với đảng của mình, rộng hơn nữa là tình cảm đối với non sông, đất nước mình. Vì vậy, khi dịch tôi có làm "nhòe" sắc thái địa lý cụ thể cho bài thơ mang ý nghĩa phổ biến hơn. Câu "Mon parti m'a rendu les couleurs de la France" thành là "Ðảng cho tôi màu sắc nước non nhà". Ðoạn hai khó dịch nhất vì ở đây Aragon nhắc đến lịch sử hào hùng của nước Pháp, người nào biết thì mới thấm hết những điều nhà thơ nói. Tôi chỉ giữ lại những tên riêng, còn vẫn dịch theo thần ý của của cả bài:

Mon parti m'a rendu le sens de l'épopée
Je vois Jeanne filer Roland sonner le cor
C'est le temps des héros qui renait au Vercors
Les plus simples des mots font le bruit des épées
Mon parti m'a rendu le sense de l'épopée
(Ðảng cho tôi huyết khí anh hùng xưa
Hiển hiện nàng Jan, Rôlăng còi thét
Rừng Vécco sống lại thời oanh liệt
Ðã nghe trong từng chữ tiếng gươm khua
Ðảng cho tôi huyết khí anh hùng xưa)

Có chuyện vui này: mấy chữ "tiếng gươm khua" (le bruit des épées) tôi dịch xong cũng quên khuấy đi mất. Ðến khi viết "Bài ca năm 1961" trong câu về Nguyễn Trãi "Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng", tôi nghe mấy chữ đó có vẻ quen quen, ngờ như đã đọc ở đâu rồi. Té ra là chữ của mình dùng dịch thơ Aragon. Như vậy là mình cũng phải biết ơn ông nhà thơ cộng sản Pháp này chứ!
Ông cười vui vẻ. Chúng tôi cũng vui vẻ cười. Quả đúng như ông nói: người dịch thơ nếu không phải là nhà thơ thì cũng phải rất hiểu thơ. Ông đọc lại tiếng Pháp bài thơ Du poète à son parti một lần nữa. Trí nhớ ở tuổi "xưa nay hiếm" của ông vẫn thật tuyệt. Trong tôi vẳng lên giai điệu nhạc "Ðảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng". Hẳn là khi làm nhạc cho bài thơ này, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được gợi hứng và thừa hưởng phần nào âm điệu nhịp nhàng, cân đối trong bản dịch của Tố Hữu.
Bóng trưa đã vào khu vườn nhà thơ. Cách hai mươi mốt năm trước, cái buổi trưa của ngày này đã reo lên trong thơ ông niềm vui chiến thắng vĩ đại "Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp. Bác Hồ ơi, toàn thắng về ta". Bây giờ gần trọn một buổi sáng ông đã trò chuyện thơ ca với chúng tôi, thân mật, ấm cúng trong tình thơ, dù có lúc những xao động cuộc đời vẫn len vào câu chuyện. Tôi hỏi ông cái câu hỏi rất "báo chí" là ông có suy nghĩ gì về tờ tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam vừa ra mắt. Ông nói: tôi thấy thế là cần thiết. Phải dịch dể làm giàu thêm cho văn học nước ta, dịch cho dân tộc mình hiểu thêm nhân loại. Không nên lấy nê "dịch là diệt" rồi cho là khó mà không dịch gì cả. Nhưng tờ tạp chí cũng như công việc dịch thuật nói chung phải vì mình, từ mình mà làm. Cho nên phải chọn lựa những cái ở ngoài có ích cho nhân dân, đất nước mình mà dịch. Tác giả, tác phẩm được dịch phải có tấm lòng với con người. Chẳng hạn, tôi không bao giờ chọn dịch thơ ông Mao, vì đó là thứ thơ hảo hán, luôn ở trên đầu quần chúng.
Anh Ðào Thái Tôn hưởng ứng nhận xét này của nhà thơ bằng cách đọc ngay một bài Từ của Mao Trạch Ðông qua một bản dịch từ những năm 1960. Nhà thơ nghe xong, nói tiếp ý nghĩ của mình là bên cạnh tờ Văn học nước ngoài dịch ngoài vào ta, thì Hội nhà văn cũng cần sớm có thêm tờ Văn học Việt Nam dịch ta ra ngoài. Việc đó cũng cần lắm đấy, ông nhắc di nhắc lại.

Chúng tôi chào ông ra về. Ông tiễn khách ra cửa. Chẳng hiểu sao trước đó một lát, khi còn ngồi bên bàn nước, có lẽ bị quyến rũ bởi nhạc điệu những bài thơ do ông đọc lên, tôi đã xin phép được đọc ông nghe một bài thơ ngắn của nhà thơ lớn Hy Lạp Yannis Ritsos làm vào những năm cuối đời mà tôi tạm dịch bằng thể lục bát:

Ðường đời phía trước không còn
Có chăng trở lại mảnh vườn ngày xưa
May còn chú sẻ ngây thơ
Vẫn còn đứng đấy để chờ đợi anh
(Il n'y a pas de route devant toi
Si tu pouvoir au moins
Revenir en arrière,
Peut-être un moineau
T'attendrait
à l'ancien jardin).

Nghe xong, ông chỉ cười.
Trước lúc chia tay, ông hỏi thăm song thân tôi. Khi biết bố tôi nếu còn sống năm nay đã lên lão tám mươi, ông bảo tôi: Anh gọi tôi là chú thôi, tôi kém ông cụ anh bốn tuổi cơ mà. Phút ấy nhìn ông, tôi như thấy lại anh thanh niên xứ Huế năm mười bảy tuổi đã dịch tiểu thuyết La Mère (Người mẹ) của M. Gorki cho nhà sách Hải Triều bên bờ sông Hương.
V.1996
Nguồn: Văn học nÆ°á»›c ngoài, số 3 năm 1996