© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
26.4.2007
 
Đất mới tập I - Chuyện sinh viên
 1   2   3 
 
Bùi Quang Đoài
Lịch sử một câu chuyện tình

Em hãy đếm những vì sao trên trời được bao nhiêu thì anh yêu em còn hơn thế nữa

Nếu có thế và chỉ có thế thôi.

Đường trăng mà không sáng! Bóng mây đã che mờ hẳn trăng đêm. Ánh đèn trong những gian phòng khu học xá chiếu hắt ra như những vì sao thứ tự. Tân bước vội lên thềm. Một anh bạn sinh viên ngồi đó nhìn theo dáng anh mệt nhọc.

Kém 15 phút nửa là đúng 10 giờ đêm. Bây giờ phải họp tổ hội tự kiểm thảo. Mà kiểm thảo cái gì, đêm nào cũng một luận điệu “Tôi thấy trong ngày hôm nay...’’

Qua phòng họp lớn, Tân lấy tay kéo xệch chiếc ghế dựa đi một quãng. Tiếng ồn làm mấy người bạn đang chúi mũi học bài nhìn lên. Có cái nhìn của Bằng qua đôi kính trắng gọng nạm vàng. Mắt Tân bắt gặp mắt Bằng trong thoảng chốc. Và Tân càng thấy bực mình thêm vì cứ bị mãi đôi mắt kính vô lý kia ám ảnh. Một thằng người hay một... thế thôi! Cần gì nói hết ý nghĩ của mình trong khoảnh chốc. Tân lấy đàn violon ra kéo chơi một bài cho lòng khuây khoả. Âm thanh của bản đàn “Thais’’ réo rắt và dồn dập làm rối bời thêm tâm trí anh.

“Ê, Tân đi họp tổ chứ ‘ôm’ đàn mãi à!”

Tân cười nhẹ và ngoan ngoãn như em bé bỏ cây đàn vào hộp. Bước đi vẫn nặng nề, do dự. Tiếng đàn còn vẳng bên tai anh. Họp! Có gì? - Phê bình và kiểm thảo, kiểm thảo và phê bình. Mười phút qua và tối mai đúng 10 giờ kém 15 lại cứ thế. Tân lên dây đồng hồ cho tiếng máy chạy đều sỗng đến 10 giờ đêm mai. Không biết con người có như vậy không, nhưng cứ kéo dài như vậy thì quả thật là mệt mỏi quá rồi! Bao giờ sẽ được lau dầu?

Một hồi kẻng vang lên. Mười giờ đúng. Ánh điện đồng loạt ở các gian phòng khu học xá tắt phụt. Có vài cái trễ nải cố sống thêm vài phút. Mười giờ và đi ngủ. Nội quy của khu học xá là như vậy và không một ai có thể thức lâu, trừ "trường hợp" đặc biệt nào đó. Tân mân mê hộp đàn violon trong đêm tối. Anh muốn kéo thêm một bản đàn và thực tình anh cũng chưa buồn ngủ. Nhưng đêm tối của toàn gian phòng bắt anh phải tôn trọng một giấc ngủ chung của tập thể. Tiếng đàn như ĩân còn vẳng lên kéo anh về một kỷ niệm. Anh nghĩ đến một người ở năm thứ nhất ban Sử:

Trang sách mở rồi
Một tờ thư nho nhỏ
Thương anh muôn vạn thuở
Gửi chùm hoa lý phần anh...

Tự nhiên anh nhớ lại mấy câu thơ đó của người bạn và mong cho nỗi lòng mình có một sự cảm thông. Câu chuyện gặp gỡ anh không thể quên được...

Đôi mắt của An và thân hình của An. Màu áo tím hoa cà trong nắng vàng của buổi chiều hè làm Tân có cái cảm tưởng Tân đang bước trên một đài mây. Gió thoảng bay về vờn qua nếp lụa mỏng. Một cái gì lôi cuốn cả tâm hồn Tân, anh trìu mến nhìn người bạn gái sinh viên chưa quen thuộc đó. An đang vui cười trò chuyện với mấy người bạn gái khác, không chú ý đến một chàng trai si tình của năm thứ ba văn khoa. Ai lại yêu quá vội vàng như thể nhỉ! Nhưng nói sao được tuổi thanh niên và nói sao được cái rung động buổi đầu trước một người đẹp. Tân nhìn An trong nắng vàng của chiều hè, nhịp máu chảy vươn lên. Tự nhiên An cũng nhìn hướng về phía Tân. Và An nhìn hướng như vậy luôn mấy lần. Đôi mắt Tân và đôi mắt An đã gặp nhau trong một cuộc hẹn hò không ước hẹn.

Yêu! Tân thấy cuộc đời như rộn hẳn lên và cái gì cũng hoa là hoa, ánh sáng là ánh sáng. Yêu đời đẹp quá đi thôi và đưa người thanh niên đến một lạc quan say đắm: “Em ơi! Em hãy đếm những vì sao trên trời được bao nhiêu thì anh yêu em còn hơn thế nữa...’’

Chiều đó Tân đã gặp lại An. Lần này anh không dám nhìn thẳng vào mắt An nữa. Anh muốn nói một câu mở đầu nhưng lòng anh bối rối. Anh đang lúng túng tìm một ý nghĩ gì thật là văn hoa để mong diễn đạt nỗi lòng thầm kín của mình một cách xa xôi bóng bẩy thì Hạnh đến. Hạnh là người bạn gái khá tốt và tế nhị trong vấn đề tình cảm. Hơn nữa Hạnh là người đã đứng tuổi, có con rồi. Tân đã có lần tâm sự với Hạnh về cảm tình của mình đối với An, nên bây giờ trong một sự tình cờ hai người đứng gần nhau trước hiên nhà, Hạnh đã nắm được sự bối rối của Tân. Hạnh nói như sực nhớ một điều gì:

’’À, anh Tân đây rồi! Chị An mượn tôi cuốn Số đỏ của Vũ Trọng Phụng nhưng anh lại mượn mất rồi. Thôi hai người điều đình với nhau vậy. Tân hơi ngạc nhiên vì anh không định mượn cuốn Số đỏ của Hạnh bao giờ. Nhưng thoáng cái, anh hiểu ngay ý nghĩa câu nói, anh nhìn thẳng vào mắt An hỏi:

“Chị An bên Sử mà cũng thích đọc sách bên Văn cơ à? Thế mà tôi cứ tưởng…’’

"Tưởng gì nào ?’’

Hạnh cười ngắt ngang câu nói làm Tân hơi lúng túng.

An cũng vậy, nàng đã bắt gặp rất nhiều lần Tân nhìn nàng, nên hôm nay nàng cũng không giữ được vẻ tự nhiên thường ngày. Nàng hỏi lại: “Thế anh tưởng bên Sử thì không thể và không dám hiểu một ý sâu của câu văn hay sao? Anh quên rằng các anh bên Văn là rất cần Sử để có thể phân tách tình trạng xã hội qua tác phẩm văn học đó nhé!’’

Hạnh cười:

“Vâng rất cần Sử…’’

Câu chuyện đang vui thì Bằng đến. Bằng nhìn Tân rồi nhìn An qua đôi kính trắng gọng nạm vàng nói như cố ý pha trò nhưng quá nước ốc:

“Chứ cái chi chi đây mà tụ họp vui quá nhỉ.’’

Tân muốn bỏ đi ngay. Anh nói hất hàm:

’’À, một chuyện đời!’’

Bằng lại giữ đúng thái độ “Đào kép mới’’ của Nguyễn Công Hoan, cười lố bịch :

"Chà, chứ quan trọng vậy ư? Nhưng chuyện đời gì mà chỉ có ba người, tôi tham gia có được không?"

An vô tình nói với Bằng:

“Sao lại chuyện đời? Em hỏi mượn chị Hạnh cuốn Số đỏ đó thôi.’’ Tân nhún vai:

“Thì Số đỏ cũng là chuyện đời, chuyện đời của thằng Xuân biết lừa đời, sống trong một hình thức giả tạo để mà lên đến ghế gọi là ‘anh hùng’!’’

Tân nói xong cười tinh nghịch nhìn vào đôi mắt kính của Bằng. Anh thấy Bằng đã đến, tất nhiên nước có thể đục. Mà anh, cuộc đời trước mắt anh đang cần những cái gì trong mát, tươi thắm hơn, nên anh trở về phòng.

Lát sau anh đưa cuốn Số đỏ cho An. Hai người cùng nói chuyện với nhau nhiều hơn trong cuộc đời sinh viên, giữa người ở vùng tự do, kháng chiến trở về thủ đô và người thủ đô cũ. Tân kể lại những ngày vất vả ở cầu Kè, Thanh Hoá, đêm ngồi nghe giáo sư giảng bài bên ngọn đèn dầu lù mờ và cả cuộc đời gò bó, khuôn khổ. Ngoài thì tàu bay của giặc thường đi khủng bố, trong thì cả một sự hạn chế... Anh không muốn nói hết những tình cảm và tư tưởng của mình trong những ngày đã qua. Anh muốn tìm hiểu hơn ở người bạn gái Hà Nội có mái tóc quăn này. Anh đã hỏi An là sao An đã vào Sư phạm mà chịu ở ký túc xá. Qua những câu nói của An, anh hiểu tâm trạng của một người thanh niên học sinh Hà Nội hơn, những phút sống lao đao của họ trong bàn tay địch và cuộc đời như không có tương lai. Tất cả xung quanh đều là những bước đường có thể sa ngã, bàn tay của truỵ lạc, của đen tối luôn tìm lôi kéo mọi người thanh niên mới lớn lên. Cho nên trên cái bơ vơ đó của cuộc đời, phải chăng người thanh niên của thủ đô Hà Nội cũ đã hướng về vùng tự do kháng chiến. An cũng đã sống trong cái tâm trạng đó nên lúc hoà bình được lập lại, nàng như thấy rõ cuộc đời mình đang bắt đầu đi vào con đường giải phóng mới rộng rãi và tươi sáng hơn. Trên ý nghĩ đó, An thấy mình chưa phục vụ cho nhân dân, cho đất nước được một cái gì rõ rệt, hơn nữa trong nhu cầu cần thiết của nhân dân, nàng quả quyết theo ngành sư phạm. Mặc dầu Trâm, bạn nàng, hôm thi đỗ được vào trường Đại học Sư phạm Văn khoa đã nói đùa: “Thế này thật là mới vững lập trường!’’, nhưng An không khe khắt với bạn. Nàng cho ý nghĩ ấy cũng có thể được chứ có sao đâu: lập trường của mình là dứt khoát đứng về phía nhân dân lao động và phục vụ cho nhân dân lao động cơ mà! Học sư phạm ra đi dạy là ý nghĩa cụ thể nhất của một người thanh niên.

An đã nói với Tân là An mến những chị bạn ở vùng tự do kháng chiến mới về. An muốn gần họ và mong hiểu được nhiều hơn cuộc sống của con người kháng chiến mà nàng không là một con số trong đó. Tân hỏi đùa An:

“Nhưng sao người ở Hà Nội mới được giải phóng lại cứ hay gọi vùng tự do kháng chiến là 'hậu phương’?’’

An không trả lời. Qua câu chuyện của Tân, nàng thấy Tân là một thanh niên rất thành thật. Nàng mến Tân hơn và có thể tin ở người bạn trai có một tâm hồn nghệ sĩ nàỵ An nhớ lại những bản đàn mà Tân thường chơi vào lúc 10 giờ đêm trước giờ kiểm thảo. Tiếng đàn những lúc đó bao giờ cũng vội vàng, hấp tấp. Tân kéo bản đàn này qua bản đàn khác như người đang cố tìm hưởng lấy một phút sống vui trước giờ hấp hối (và không biết 10 giờ nội quy đi ngủ của khu học xá có phải cũng đúng là giờ hấp hối hay không). Tiếng đàn buổi sáng bao giờ An cũng thấy thoải mái, thánh thoát hơn. Tiếng đàn lắng sâu vào tâm sự con người trong buổi bình minh rực rỡ, đọng trên mí mắt người ta như châu ngọc, ban cho tuổi thanh niên một hứa hẹn của ngày mai. An rất thích nghe tiếng đàn bình minh của Tân. Một sáng đầy nắng mới, Tân lại đi kéo bài "Khúc ca ban chiều", "Sérénata" - làm An và các bạn khác, vẫn thích nghe đàn của Tân, bật cười:

“Ông tướng quên cả ngày rồi!”

Nếu chỉ thế thôi!

Tân đã ghi vào trang đầu của cuốn nhật ký: “Em ơi ! Em hãy đếm những vì sao trên trời được bao nhiêu thì anh yêu em còn hơn thế nữa’’.

Tình yêu đã bắt đầu chớm nở giữa hai người. Tiếng đàn của Tân vui hơn, nhộn nhịp hơn. Anh không ăn bận bình thường như trước nữa. Anh chải hắt mớ tóc lên theo làn sóng uốn và thỉnh thoảng anh lại thắt cả “cravate”. Mọi người đều thấy ở Tân có một sự thay đổi và ai cũng biết câu chuyện giữa Tân và An.

Bước đầu đang được tìm hiểu xây dựng thì một hôm người ta thấy Bằng đang bàn chuyện trong buồng riêng với hai nữ sinh viên, Chi và Phụng. Nét mặt của Bằng rất quan trọng và qua đôi kính trắng gọng nạm vàng của Bằng người ta lại càng có thể đoán cái quan trọng của câu truyện hơn. Không ai hiểu chuyện gì đã hay đang xẩy ra. Người ta - nghĩa là anh em sinh viên - đều biết Bằng là bí thư chi bộ Đảng của tổ chức sinh viên. Một lát Chi ở phòng riêng ra, còn Phụng ở lại với Bằng. Cửa đóng kín mít trong gian phòng của hai người, một trai và một gái. Người ta không có quyền tò mò vì đó là Bằng “đảng viên” đang giải quyết" công việc.

Đến chiều An vội từ trên gác xuống tìm đến phòng riêng nơi Bằng làm việc. Mặt nàng hơi tái. Bằng hỏi nàng:

“Chắc Chi và Phụng đã nói chuyện với chị rồi phải không? Chị có cảm tình với Tân? À, cái ấy chị có quyền tự do luyến ái...”

An thấy thái độ của Bằng quá trắng trợn, toan “thắc mắc” nhưng nàng vội nhớ ngay đến địa vị và chức vụ của Bằng. Nàng lo sợ ngồi yên lặng cúi đầu xuống, tay cuộn tròn mẩu giấy nhỏ. Tự nhiên nàng thấy mình như đang phạm vào một tội gì đó trong "nội quy" tình yêu ở khu học xá. Nàng đang phân vân thì Bằng lại nói:

“Chị đã tìm hiểu gì nhiều về anh Tân chưa? Cứ nói thật thì anh chị em người ta giúp ý kiến cho chứ ngại gì mà vụng trộm. Ở đây chúng ta có đủ mọi quyền, trong đó có quyền yêu cơ mà.”

Rồi Băng cười độ lượng tiếp:

“Cái khuyết điểm của chị là sao lại không hỏi ý kiến tôi hay tập thể. Tất cả sinh viên của ta ở đây có một việc gì, dù là việc tâm tình kín đáo mấy mà lại không hỏi qua ý kiến tôi. Nhưng may là có mấy chị ấy báo cáo cho tôi rõ, nên tôi mới gọi chị đến đây để giúp đỡ thêm ý kiến về hạnh phúc lứa đôi. Chắc chị cũng biết những tiêu chuẩn luyến ái quan chứ gì? Tôi không nhắc lại hết, chỉ nêu lại với chị một điểm của tiêu chuẩn luyến ái là vấn đề tư tưởng. Vâng, vấn đề tư tưởng là chính yếu: giá trị của con người ta là qua vấn đề tư tưởng đó. Mà Tân thì chắc chị đã hiểu, Tân chưa phải là thanh niên Cứu quốc, riêng chị là cảm tình của Đoàn.”

Sự việc xảy ra quay cuồng trước mắt An. Chiều hôm đó nàng bỏ không ăn cơm, cáo ốm xin nghĩ học tối. Trước kia nàng là một người hồn nhiên, nhìn mộng đẹp của đời như bông hoa buổi sáng mở cánh đón ánh nắng bình minh. Nàng rất tin ở chế độ Dân chủ Cộng hoà và con đường tiến lên của nó. Nàng rất tin con người trong chế độ đó và chưa một lần hoài nghi. Người ta có thể hoài nghi với cuộc đời, với cả tình yêu. Nhưng riêng An nàng nghĩ người đời cũng có thể có những tình cảm như mình. Nay trang giấy trắng của tuổi lòng đang bắt đầu lật qua một mặt khác, nàng đã yêu Tân. Tình yêu của nàng đang vừa độ chớm nở. Nàng có thể tha thứ cho Tân những điều mà Tân đã lầm lỗi trong tình cảm trước kia. Đó là một chuyện rất có thể mà thôi, tuy chưa thú thực nỗi lòng của mình với Tân, nhưng nàng có thể tin Tân.

Đôi mắt của Bằng qua đôi kính trắng gọng nạm vàng như đã nhìn rất sâu vào tâm tư An. Nàng không thể quên được những cái tiêu chuẩn - không biết có vô lý không - mà Bằng đã nêu ra: vấn đề tư tưởng. Mà tư tưởng tức là lập trường chính trị rồi. Thế nhưng anh Tân đã chiến đấu ở bộ đội về, đã ở kháng chiến cơ mà! An lại càng phân vân. Cuộc đời quả thật là vô cùng phức tạp. Tại sao Tân không phải là Thanh niên Cứu quốc? Tại sao Tân đã chiến đấu cho Cách mạng nhiều như vậy, 6, 7 năm ở bộ đội - mà lại không là một đảng viên cộng sản? Tại sao? Nếu quả ý nghĩa câu nói của Bằng thì có thể là Tân thiếu lập trường cách mạng, tư tưởng kém. Do đó suy rộng ra không biết có nên chụp mũ không - là tư cách đạo đức kém. Mà nếu là quần chúng thì đó là một sự dĩ nhiên. Ý nghĩ dồn dập trong tâm trí An. Nàng thấy ở trường học cũng có cơ quan đoàn thể của chính phủ, những người lãnh đạo đều là đảng viên cộng sản cả. An rút ra một kết luận đơn giản: đảng viên cộng sản người nào cũng tốt hết vì họ có lập trường tư tưởng vững, còn quần chúng mặc dù anh ở thành phần nào, năng lực công tác cao đến đâu nếu anh chưa là đảng viên cộng sản thì ý thức lập trường của anh đều kém. Như vậy, nếu đưa vấn đề tự do luyến ái ra trong đó có tiêu chuẩn tư tưởng - sao lại tiêu chuẩn? - qua ý của Bằng là con gái nên lấy chồng đảng viên cộng sản vì họ có lập trường tư tưởng. Thật là rủi ro cho ai lấy phải những người chồng quần chúng như Tân hay sao? Nhưng hiện nay một số đảng viên cộng sản đã phủ nhận vai trò của quần chúng, không tin ở quần chúng (cơ quan tổ chức nào họ cũng nắm toàn quyền lãnh đạo và đảng bộ quyết định tuyệt đối), họ khinh thường quần chúng. Vì vậy An đã nghi ngờ ngay cả khả năng của bản thân mình.

An càng thấy băn khoăn hơn trong ý nghĩ, mấy ngày luôn nàng tránh không muốn gặp Tân, nàng sợ cái nhìn của Tân, sợ cả tiếng đàn của Tân. Tiếng đàn trước kia quen thuộc, thân ái như lời tâm sự, bây giờ đối với nàng như tiếng than não ruột.

Chính nó đã xé cã lòng nàng. Nàng thấy như tiếng đàn cũng mất lập trường, thiếu căn bản tư tưởng. Ừ, giá cũng bản đàn đó, nếu là một người đảng viên cộng sản kéo thì có phải vững lập trường biết bao. An cho mình nghĩ như vậy là máy móc, nhưng chính lòng nàng qua buổi nói chuyện với Bằng, nàng không biết cái gì là đúng, cái gì là sai nữa. Nàng đang đứng trước một ngã ba đường mà chân lý đối với nàng còn quá mơ hồ. Người bí thư chi bộ cộng sản ở trường đã đưa nàng vào con đường sương mù của một buổi sáng Luân Đôn.

Không yêu có được không? An để tay lên tim mình nghe rõ tiếng đáp dồn dập. Nàng yêu Tân, yêu nhưng chưa qua một lần hứa hẹn. Như thế cũng hay? Chi bằng ta gấp cuộc đời lại, ta chờ đợi một cái rủi may. Mấy lần An đến gặp Bằng, nói rõ nỗi khổ của lòng mình. Bằng đã thương hại nàng, lấy tư cách là một người anh, tư cách một người cán bộ lãnh đạo đi sát quần chúng, an ủi nàng. Nàng rất cảm động vì lòng tốt của Bằng. Có lần Bằng đã để tay lên vai nàng, vuốt nhẹ tóc nàng, khuyên nàng không nên đau khổ. Thời gian sẽ trôi qua và kỷ niệm kia cũng sẽ dần dần nhạt phaị Nàng thấy Bằng luôn săn sóc đến nàng cũng như các người bạn gái khác của nàng. Trong toàn trường sư phạm văn khoa, không một người nào thắc mắc cái gì là không phải qua tay Bằng giảI quyết. Bằng đã giúp đỡ cho nhiều chị nhìn rõ đời tư của người bạn trai si tình nào đó và như vậy chị mới có thể dứt khoát cắt đứt dây tình cảm đang định giăng buộc hai người. May có Bằng, nếu không thì biết bao nhiêu là chị sẽ vô tình yêu lầm phải những chàng sinh viên quần chúng thiếu tiêu chuẩn tư tưởng trong vấn đề luyến ái quan.

Thật tình An đã cám ơn Bằng, người cán bộ trung kiên đã giúp cho nàng một con đường thoát. Nàng thấy Bằng thật quả xứng đáng là một sinh viên gương mẫu của trường đại học, gương mẫu cả trong cách thức giảI quyết tình cảm.

Từ đó An nhìn Tân bằng con mắt khác, cố tránh xa Tân. Tuy nhiên, nhiều khi ngồi suy nghĩ một mình, An tự hỏi lòng mình đã dứt khoát hẳn với câu chuyện của đời mình hay chưa. Cái kỷ niệm trong mối tình đầu tiên chưa hợp đã tan kia, làm sao nàng có thể quên được.

Có vài mẩu chuyện tung ra trong dư luận sinh viên năm thứ ba làm An ngạc nhiên. An đã biết thời gian vừa qua Tân rất đau khổ. Tiếng đàn bình minh thường lệ càng như tha thiết hơn, lo lắng hơn. An rất khó chịu về tiếng thì thầm cho rằng Tân hay diện: “Trong lúc An là người Hà Nội muốn trút bỏ cái áo Hà Nội để đi xuống thì Tân lại tìm khoác cái áo ấy vào’’. Tại sao người ta lại quá nghiêm khắc với ngay cả cách thức ăn mặc? Thế chiến đấu để làm gì, cứ sống thật với lòng mình có hơn không?

Một hôm An được Bằng gọi xuống có chuyện riêng. Thoáng thấy bóng Tân ở phòng Bằng ra, nàng đã đoán được phần nào câu chuyện. Cái làm nàng ngạc nhiên nhất là Tân lại đi cầu cạnh Bằng mong giúp đỡ trong vấn đề tình cảm. Nàng chắc Tân không bao giờ có thể làm một việc cầu cạnh như thế. Nhưng biết đâu, trong đau khổ của con tim, người ta có thể đi thử một nước cờ. Nhưng nước cờ đó của Tân, chính Bằng là người dàn quân tính nước và An cũng đã chỉ là một quân cờ. Nước cờ của Tân qua tiêu chuẩn tư tưởng trong vấn đề luyến ái của Bằng đã thất bại. An từ chối Tân.

Và nếu cũng chỉ có thế thôi!

Câu chuyện chưa phải là bỏ dở. Ngày qua rất chóng. An không đọc lại những trang nhật ký đã ghi; An cũng không tìm trở lại một kỷ niệm. Nàng sống hồn nhiên như một ngày nào...

Có lần đi sau Chi và Phụng, hai người đang bàn về tình yêu, An đã thoáng nghe: ... “Nữ-sinh Hà Nội dễ chinh phục như chơi...’’ Anh ấy quan niệm rằng người ta có thể yêu một lần bốn cô..." An lao đao cả tâm hồn. Anh ấy là ai? Chắc hẳn phải là một anh cán bộ nào đó gần gũi với mấy cô nữ sinh viên. Nhưng tại sao người ta lại có một quan niệm lạ đời như vậy? Họ khinh thường người con gái Hà Nội quá đi: họ đã quan niệm nữ sinh Hà Nội như một người đàn bà dễ dãi trong tình yêu. Và một lần bốn cô. Rõ ràng đó là ý nghĩ của một tư tưởng bệnh hoạn, lưu manh.

An nghĩ đến Tân, so sánh giữa Tân với một số cán bộ sinh viên lãnh đạo. Tân sống với tình cảm của mình quá nhiều, nhưng Tân chưa bao giờ lừa dối ai. Phải sống thật với lòng, sống thật với con người chân chính... Trong đời còn bao nhiêu là rơm rác, bao nhiêu là sâu bọ, làm sao mà biết được cái chân chính của một con người. Bằng đã giải thích và xây dựng cho nàng rất nhiều trong cuộc sống chung đụng giữa sinh viên. Những cô bạn của nàng cũng đã có cái hân hạnh đó và tất cả coi Bằng như một người anh. Bằng có đủ mọi quyền, kể cả quyền về tình cảm. Nhưng với quyền hành, Bằng có xứng đáng với lòng tin của quần chúng không? Qua câu chuyện giữa Chi và Phụng, An bắt đầu đặt một câu hỏi. Nàng biết Phụng rất được Bằng chú ý và thường hay bàn bạc riêng với nhau. Có hôm Bằng và Phụng ở trong buồng riêng thì thầm đến quá nửa đêm, mà nộI quy nhà trường thì 10 giờ đúng là đi ngủ. Đó là một “trường hợp” đặc biệt và không ai có thể tò mò về Bằng trong khi anh ta đang “giải quyết vấn đề” gì đó cần thiết cho một cô sinh viên. Bằng gần Phụng nhiều cũng đúng, vì chính Phụng đang thắc mắc nhiều về chồng con. Bằng vuốt tóc Phụng, xoa dịu lên vai Phụng cũng là đúng vậy thôi. Phụng cần được an ủi và Bằng là một người anh, đồng thời là cán bộ lãnh đạo. Có hôm chính mắt An đã thấy Bằng đùa nghịch với Phụng trước mấy người bạn gái khác. Bằng đã tha thiết muốn xin cái huy hiệu Tiệp Khắc trên ngực Phụng. Phụng không cho và như thế là có cuộc giằng co "vui vẻ" cái huy hiệu trên ngực Phụng. An thấy khó chịu vì ngực của một người con gái, dù là bạn trai thân đến đâu cũng không nên đùa quá trớn như vậy. Nhưng Bằng là cán bộ lãnh đạo thì hành động ấy phải chăng Bằng có thẩm quyền? Cũng như Bằng đã thắc mắc trước mọi người là Duyên có mang. Lúc ấy Duyên đang yêu Thái. Thế là do thắc mắc của Bằng phát sinh ra một dư luận. Người ta nhìn Duyên bằng con mắt hay hay, chờ đợi một cái gì sẽ đổi ở con người. Thế nhưng mấy tháng qua và năm học hết, Duyên vẫn thấy là Duyên lành mạnh, không “to” như ý nghĩ thắc mắc của Đảng.

An càng nghĩ sâu về sự săn sóc của Bằng nàng càng thấy khó chịu. Bằng dễ dãi và quá thân mật, với chị em. Thường ngày Bằng chỉ gần nữxa nam. Hành động như trên đối với Phụng và Duyên, An không hoàn toàn đồng ý. Hơn nữa như câu chuyện giữa cô Chung và anh Bảo. Hai người đã yêu nhau bốn năm gần cưới, bỗng dưng Chung tuyên bố cắt đứt với Bảo. Chung bảo Chung không yêu Bảo nhưng Chung lại mới yêu Duy là một người học cùng lớp, ngồi chung bàn. Đây cũng không thể trình bày qua vấn đề tình cảm mà cũng chỉ là trong tiêu chuẩn lập trường: Duy là đảng viên và Bảo chỉ là quần chúng. Chung có một sinh mệnh chính trị làm bậc thang cho đời mình nên tìm yêu Duy. Bằng đã giải quyết cho hai người cắt đứt nhau, đồng thời có kiểm thảo Duy. Việc xảy ra, An cho là vô lý. Cách giải quyết của Bằng, dung thứ cho Duy phá tình yêu của bạn, thừa nhận sự phản bội tình cảm của Chung và quy kết khuyết điểm về Bảo, cho Bảo là không biết duy trì tình yêu. Bảo đã đau khổ, Chung thì tự đắc về sai lầm mù quáng của mình như một kẻ thắng thế, còn Duy thì lại tỏ thái độ dửng dưng: “Chuyện tôi với Chung sở dĩ xẩy ra vì tôi sống gần một người đàn bà. Tôi lại chưa có vợ... À đàn bà!’’. Đó là quan niệm luyến ái của một cán bộ lãnh đạo hay sao?

Hình ảnh Bằng với đôi kính trắng gọng nạm vàng và hình ảnh Duy với một mắt to, mắt nhỏ luôn ám ảnh An. Đó là hai người trong những người lãnh đạo. Tại sao những sự việc xẩy ra vô lý như vậy mà hai người lại quan niệm một cách quá giản dị, cái chân chính của con người là thế hay sao? Nàng nhớ lại câu nói của Tân đã trả lời Bằng về cuốn Số đỏ: « Thì Số đỏ cũng là một chuyện đời, chuyện đời của một thằng Xuân biết lựa đời sống trong một hình thức giả tạo để mà lên đến ghế gọi là anh hùng ».

Thì đây ngoài cái giả tạo đó, còn có cái giả tạo lừa lọc, phá hoại trắng trợn tình cảm của con người ta nữa.

An đau khổ từ trong tận cùng tâm hồn. Nàng nghĩ đến Tân, Tân không thể có những cái tình cảm bệnh hoạn như vậy. Tân không che giấu tình cảm của mình và qua tiếng đàn của Tân người ta cũng có thể thấu rõ tiếng nói của con tim Tân. Tiêu chuẩn tư tưởng hay tiêu chuẩn tình cảm trong tình yêu? Cuộc sống như bị đóng khung, uốn theo cái nhìn của một số người lãnh đạo. Họ - như hạng Bằng - không còn có trái tim biết xúc cảm nữa. Họ sống theo một hình thức giả tạo, một đạo đức lừa dối, trong đó họ có thể đề cao địa vị đảng viên của họ lên, đồng thời là đề cao cá nhân họ. Họ muốn quần chúng tôn sùng họ; họ là một ông thần nhỏ trong phạm vi hoạt động. Trong số những người đảng viên ít ỏi giữa quần chúng đông đảo, ai là người chân chính, ai là người đau xót cho da thịt của mình có những phần rữa nát?

Không! An vẫn tin, lòng tin vô cùng mãnh liệt ở sự lãnh đạo của Đảng Lao động, Đảng đã đưa nàng đến ánh sáng, với cuộc sống ý nghĩa - với con người. Nhưng An không thể chịu được một số đi sai lệch, sống tìm dựa vào một quyền uy. Mọi sự giải quyết tình cảm, phá hoại sức sống tuổi trẻ và bao việc đen tối, mập mờ khác của Bằng làm An thêm khó chịu. Nếu quần chúng mà sai lầm như vậy thì không biết sẽ được kiểm thảo, được thành kiến, được quy kết tội lỗi đến một thời vực nào…

An bị giày vò trong ý nghĩ. Nàng chưa thể nhìn thấy chân lý của một vấn đề khi lực lượng xã hội đang ngày càng phát triển trong sức sống mới của dân tộc. Ngày qua, nàng mệt mỏi, choáng váng đầu óc như một người bị bệnh thần kinh. Nàng tự đấu tranh giữa lẽ phải và sai lầm. Nàng nghĩ hiện nay trong rất nhiều cơ quan hạng người như Bằng không phải là ít. Trong một giấc mơ, nàng thấy một người chiến sĩ tay cầm ngọn cờ hồng, mình đẫm máu, nét mặt vô cùng đau khổ, nhưng cương quyết đang dìu bước nàng đi. Đàng sau là đêm tối, và đàng trước là ánh sáng bình minh rực rỡ. Người chiến sĩ đó đã nhìn An âu yếm:

“Đàng kia là bình minh của ngày mai. Em tiến tới đi, can đảm mà tiến tới!”

Nàng cảm động gục vào tay người anh hùng đó của dân tộc và khóc nấc lên…

Trong thoảng chốc, nàng có ý nghĩ là không thể có một hạng người như Bằng tồn tại trong cuộc sống của con người. Phải tẩy rửa đi, thanh toán đi. Tuổi trẻ và tình yêu không muốn và không thích có những bóng đen của lãnh đạo, quan liêu, bè phái, hẹp hòi bao trùm lên trên tình cảm của mình, làm cho người ta hiểu lầm nhau, chia rẽ nhau.

Tuổi trẻ và tình yêu không muốn và không thích có những hạng “Lý Thông”, có những hạng cây tầm gởi sống bám vào cuộc sống đầy hoa mộng của mình.

An muốn sống thật với lòng mình, sống với nhịp sống của con tim, với chân lý cuộc đời và trái tim của con người chân chính.

An mong đuợc gặp Tân nói với Tân rằng: “Em đã đếm những vì sao và em đã đếm mãi; đếm mãi qua tận cùng của vũ trụ nhưng có một lần em đã không tìm thấy anh!”


An đi dài trên đường cỏ rộng, tìm nhớ lại kỷ niệm thoáng qua. Nhưng... An bỗng lùi bước lại. Một bóng đen lù lù đi tới choán rộng cả không gian. Ai? An bàng hoàng như cơn mê loạn, không nhận rõ được bóng đen đó. Nàng chỉ thoáng thấy qua ánh đèn chiếu hắt ra vội vã, đôi mắt kính và gọng nạm vàng. Toàn thân nàng run lên lo lắng. Ý nghĩ trở về với Tân chỉ còn mong manh như sợi tơ trời. Không! Đừng động mạnh bàn tay, hãy giữ cho sợi tơ kia bền chắc, hãy quấn nó, trộn nó với dòng máu của con tim.

An lảo đảo đi trong đêm tối. Nàng không dám giữ lại hình ảnh Tân vì bóng đen kia vẫn sừng sững. Nàng cố tìm cách xua đuổi nó đi…

An gục xuống một bên đường cỏ rộng, vẫn cái bóng đen với đôi kính gọng nạm vàng choán rộng cả không gian, choán rộng cả tâm hồn nàng.

Mây đen vẫn che mờ cả trăng đêm; và đường trăng mà không sáng…

Một cơn gió thổi về, xua tan những đám mây mờ ám. Ánh sáng xanh mát của trăng đêm lan dần trên cảnh vật mênh mông. Ánh sáng đó toả nhẹ trên da thịt An, thấm tận tâm hồn An, như đưa lại cho nàng sức sống. An vùng đứng lên hít mạnh khí trời ấm áp. Nàng nhìn theo ánh sáng của con đường nàng đi tới. Cuộc sống phải chăng vừa qua một cơn ác mộng, câu chuyện xẩy ra đã là quá khứ?
An hát một bài ca của tuổi trẻ, tiếng hát hoà theo nhịp đập của con tim. Có tiếng cười nghịch phá của mấy cô bạn đang đùa tới:

“À, An đây rồi! Thế mà tìm mãi.’’ Mấy người xúm lại quanh An, ríu rít trong từng câu nói. Cuộc đời... nếu không có những bóng đen!

10-56


*


Thúc Hà
Vai mới tuồng xưa

Hãy giết tươi cái Cũ đi
sọ đầu lâu làm cái gạt tàn
(Maiakovsky)

Có cần đâu
ép thân vào tủ kính
Phủi bụi thời gian
giương đôi mục kỉnh
Dán mắt lên vạn cuốn sách dày.
Cứ giữ nguyên manh áo xắn tay
Đôi dép cao su, xuống cầu thang gác.
Khoan! Gượm đã!
Vội gì ngơ ngác!
Kiểm tra xem mảnh giấy túi quần
Chứng nhận mắt mình nguyên vẹn đủ mười phân.
Nói thế thôi
Dù mắt cá hai châu
Ngó ngó nghiêng nghiêng
đôi lần cũng đủ
Có những tên hề
đóng lại tấn tuồng xưa. Cũ
Mai–a từng đặt máy phim quay:
Những rác rơm đê tiện chất đầy
Trên mặt đất
quanh chúng tôi bốn phía
Bọn chúng nó
thật không đếm xuể.
Không họ không tên…’’ [1]
Tuồng phải diễn vào ban đêm
Ai lại tráo trâng, ban ngày ban mặt!
Trát phấn bôi son
tô dài đuôi mắt.
Chuột hai chân
áo rộng thùng thình.
Quàng cổ ba vòng tấm thẻ trắng tinh
Con dấu tròn xoe đỏ chói.
Ai có nghiêng đầu cúi hỏi:
"Thưa ông… Ông ở đâu về?"
Hẳn ưỡn mình như tài tử xi–nê
Vỗ ngực nhìn mây
Trỏ vào tấm thẻ.
Hắn dang chân quẳng mình trên ghế
Việc đầu tiên kiếm ít “chư hầu”
Tiêu chuẩn sẵn rồi
Chẳng phí công lâu:
"Ai trông được mặt đế giầy rõ nhất?"
Trước mọi người uốn lưỡi dài tận mắt
Phun hàng mẹt lớn danh từ
Dăm kẻ ngồi dài cổ ngỗng say sưa
Gù gật mãi theo tiếng thầy gõ mõ.
Hắn lặc lè gánh hàng thúng mũ
Khản hơi rao bán lấy hoa hồng
Nhãn hiệu
anh hùng
lãng mạn
cá nhân
Vô kỷ luật
cầu an
tự phụ
Đã là con nhà địa chủ
Thế nào cũng phải tham ô
Đã về Hà Nội Thủ đô
Thế nào cũng theo đòi… tư sản hoá’’

Tối tối đi nằm
Bắt tập thể cầu kinh hối cải
Tiếng hắn vang lớn nhất trong phòng
Điện tắt rồi, đêm lặng tối om
Còn nghe hắn thì thầm xuỵt soạt.
Khi gân đỏ đã hằn lên mắt
Mình nên ngó xuống thắt lưng…
Thấy vài người hợp tính chơi thân:
Chúng cấu kết….
coi chừng
có vấn đề…
… hội báo…’’
Nếu tôi là nhà giải phẫu
Hắn có phút băn khoăn
Nằm vắt tay nghĩ đến hắn, mày nhăn:
Giống động vật hai Chân thành,
Có loại nào không xương sống?
Bảo là sên
sên còn vỏ cứng
Bảo là giun
giun có lúc quằn!
Hắn
toàn thân
có thể cuốn khoanh
Đem gáy chọc cũng không hề co giãn
Có chút gì gọi là răn rắn:
Chỉ là đôi bút máy giắt quần
Có gì tươi hơn sắc mặt tím bầm:
Màu con dấu cặp kè bên nách
Anh là nhà địa chất?
Bảo: “đôi nơi, lớp đất phẳng bằng’’.
Hắn trợn mắt trương gân:
Cãi: “tao thấy, toàn chiều thang dốc ngược’’
Mỗi lần hắn bước
Tốc độ: vắt rừng bắn vút lên cây.
Chủ hắn chống tay
Là:
Cổ
họng
mắt
tai
kẻ khác
Hắn lấm la nhìn sau liếc trước
Tưởng quanh mình toàn hổ đói rừng sâu
Trưa chiều múa đũa
Chẳng kịp so đầu
Thì thụt nhỏ to:
Mật… báo cáo… coi chừng…
- vâng
- dạ!
Trở lại đời
Hắn vò tai: Sao bình lặng quá!
…… mép râu: Chết! sắp già rồi
Bỗng giật mình
có tiếng gì?...
sổ mũi
hắt hơi
“Thằng ấy dạo này làm sao khang khác
Nó làm thơ?
Sao chẳng lục bát,
Đầu người ngay
Sao đầu nó hơi nghiêng?
Nó đả kích mình (!)
ganh ghét
hiềm riêng
bất mãn
kiêu căng
kéo bè
vô chính phủ!’’
Những duyên tình dang dở
Đêm ngồi than thở cùng trăng
Những vần thơ lịm ngất
Buốt lạnh tay, nằm
Trông nắng mai lên
cựa mình, rũ tóc
Việc gì anh vội khóc?
Đứa con vừa ghẻ lở sài kinh
Môn thuốc hay vẫn ở cánh tay mình…

Nước chúng ta
Cộng hoà Dân chủ
Trăm bánh quay tròn vượt gió
Nắm tương lai, thách với mặt trời
Ta bắt tay cuộc đời
Của chân trời Cộng sản
Không có đêm, toàn sáng
Con Người chỉ có Tình yêu
Óc múa
Tay cười
Tim cũng ca theo
Người hát ngay trong giấc ngủ,
Xe chúng ta đi có gì xát cọ?
Bùn hôi vướng một lớp dày.
Đổ thêm dầu
chưa đủ!
góp thêm tay
Gội nước
chùi lau
cạo từng đinh ốc
Xe chúng ta vượt dốc
Nặng những câu cười,
Còn lạc đôi lời
Của bầy “Xuân tóc đỏ”
Mặt cau mày có
Nước dãi làm mưa.
Chế độ chúng ta
Cao lớn một toà nhà
Mỗi chúng ta cầm ngay cán chổi,
Dọn vệ sinh từng buồng gan rữa thối
Khoét mủ
thay da
vá lại tế bào
Bút tay mình sẽ mọc cánh bay cao
Chắp thêm mãi
những đốt dài
xương sống.

20–9-1956


*


Văn Tâm
Những người ấy muốn gì?

Chân lý đã hiện lên chói rực như mặt trời.

Chân lý mồm còn ứ đầy chất đắng cay, một tay vuốt mồ hôi và nước mắt, một tay xé áo buộc vết thương đang rỉ máu!

Xưa nay, Chân lý về với con người không hề bao giờ được ước đi trên đường cát mịn. Chân lý phải vượt qua núi cao vực thẳm, vào sinh ra tử, nhiều khi còn phải bỏ xác ở dọc đường.

Chân lý đến với nhân loại bằng máu của Socrate, của Bruno, của Dostoievski… bằng chuỗi ngày lạnh ngắt nghẹt thở giữa bốn bức tường của Pouchkine, Tolstoi, Gorki…

Chân lý đã đến với chúng ta, nét mặt nghiêm khắc và đau xót.

Nhiều đồng chí bất hạnh rất gần hoặc rất xa chúng ta, những người làm việc cùng cơ quan hay tận Lỗ, Bảo, Tiệp, Liên Xô đã gom góp biết bao nước mắt đáng tiếc và có khi cả sinh mệnh của họ đã để dẫn đường cho Chân lý về đây.

Những đám mây đen dần dần được xua bạt về chân trời vĩnh viễn. Bầu không khí xanh thẳm của chúng ta trong sáng hơn lúc nào hết.

Nhưng trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, góc đất này còn đôi đám mây đen đương vần vụ.

Bão táp chỉ đổ bộ ở chỗ khác chăng? Bão táp đã đổi chiều, không thể nào còn có thể tới đây, để xua mảng bóng tối này đi chăng?

Không! Lĩnh lấy sứ mệnh cao trọng của một phong trào của một phong trào có tính chất lịch sử, chúng ta đã dũng cảm tiến lên góp gió thành bão tiêu diệt nốt những u uất nặng nề này.

Chúng ta là những ai? Các người bạn đau khổ!

Có phải từ lâu lắm, các bạn đã nhiều lần lặng đi trong suy tưởng, nước mắt đã ứa ra qua nhiều ngày tháng. Các bạn tìm Sống. Sống có nghĩa lý. Sống cho ra sống. Sống thành Người!

Các bạn đã lấy dao tự đâm sâu vào giữa tâm hồn, cho chết đi nhanh hơn, cho sống lại nhanh hơn, sống cho kịp và cho xứng “mùa xuân của nhân loại”.

Chúng ta đã thức trắng trọn bao đêm? Khốn khổ! Sao ta vẫn từ trần chậm quá, sao ta vẫn hồi sinh chậm quá.

Đau đớn đã nhiều. Mặc người đứa nào đó đã đào ngũ, coi đồng xu to hơn mặt trời, cốc rượu nặng hơn liêm sỉ, chúng ta vẫn không khi nào tỏ ra yếu ớt. Chúng ta được đời dạy cho:

một bài học lớn
Đau thương
Kiên quyết
Làm người! [2]

Kiên quyết làm người, chúng ta đã phải hy sinh rất nhiều để đủ sức nhấn đầu giặc xuống bùn đen.

Giờ phút này vẫn với dũng khí ấy, chúng ta đã không sợ hãi khi mở hé ra những vết thương của cách mạng, nghiến răng cùng nhau tận tụy băng bó – vết thương ấy là vết thương của chính bản thân ta.

Nào những ai không cả tin như con lừa của La Fontaine, những ai có óc hoài nghi khoa học của con sói muốn lật pho tượng xem nó đặc hay rỗng: các bạn hãy cố gắng tìm cho ra một “phản ứng giai cấp” trong phong trào phát triển tự do dân chủ hiện tại.

“Phản ứng giai cấp”?

Chúng ta có thể điềm đạm trả lời:

“Chính đó là phản ứng giai cấp! Phản ứng của những giai cấp cách mạng chống đối tất cả các tàn tích lạc hậu thoái hoá của tầng lớp thống trị còn tồn tại trong hàng ngũ nhân dân, đương ngăn bước tiến của xã hội.”

Hãy kiểm điểm lại một số ý kiến đã góp cho vấn đề này. Chúng ta hãy cố gắng lắng sâu suy nghĩ nhìn vào giữa các dòng chữ giấy trắng mực đen để thấy cho được biết bao đau xót. Cái đau xót tất yếu của Chân lý phải trả cho mỗi bước nhích lên của lịch sử.

Đành rằng trong lúc sóng lớn cuộn nổi, tránh làm sao cho khỏi một đám bùn đen ở dưới vẩn lên. Nhưng hẳn không người nào có công tâm, có đôi chút lương tri, biết suy nghĩ, mà có thể chỉ thấy ở ngọn trào do những tiếng rên u uất, tiếng hát nghêu ngao của một bọn “anh hùng ẩm hận” đang lâm vào tình trạng rối loạn thần kinh.

Vậy mà đã có những người cố bịt tai nhắm mắt uốn lưỡi quay quắt, hoặc thò ra bàn tay xương xẩu giá lạnh tranh lấy việc bắt mạch xã hội để lên dọng phệnh phạo đoán bệnh quần chúng theo kiểu một lão lang băm, hòng bịt miệng một trái núi lửa đã bắt đầu nổi những cơn sấm đất.

Những người ấy muốn gì?

Từ ông Nguyễn Chương lập luận đã đầy rối rắm mâu thuẫn, cho tới gần đây ông Hoàng Xuân Nhị lại lên tiếng phụ hoạ. Các ông ấy muốn gì?

Đọc những bài báo của hai ông viết, tôi cũng rõ hai ông không có dụng ý làm chế độ ta bị tổn thất nhiều hơn, các ông muốn dàn xếp cho mau được việc, các ông cũng muốn “trị bệnh cứu người”. Nhưng phương pháp và thái độ của hai ông đã dắt ba bài báo đó đi khỏi mục đích rất xa.

Đọc bài của các ông, không thể ngồi yên, tôi thấy nhất định cần phải có đôi lời – cốt dùng một danh từ cũ trong một vấn đề cũ – “chiêu tuyết” cho một số khá đông người, già cũng như trẻ, đầy lương tri và khí phách, đầy nhiệt tình cách mạng, đã can đảm vững chân đứng mũi chịu sào.

Về ý kiến của ông Nguyễn Chương thì đã có nhiều người phát biểu, tôi khỏi phải nhắc lại. Ở đây, tôi chỉ điểm qua mấy mục trong bài ông Hoàng Xuân Nhị cho thấy được lối xoa đầu trẻ con, một tác phong phủ dụ khệnh khạng theo kiểu “gia trưởng” đã lỗi thời, ít bổ ích trong công cuộc tìm hiểu chân lý.

Qua sáu cột báo dài dòng mập mờ trừu tượng nặng trĩu điển cố, cuối cùng ông Hoàng Xuân Nhị đã tự tóm tắt tư tưởng chủ đạo của mình trong một câu: “Báo Giai phẩmNhân văn… Tư tưởng nổi bật là tư tưởng gieo rắc bi quan, tư tưởng bất mãn và đả kích; khách quan nhìn vào, chúng ta số đông đều thấy vậy”.

Ông Hoàng Xuân Nhị có lẽ cũng nhận thấy tất cả sự hồ đồ vô nghĩa của điều nhận xét đó, nên ông đã vội vàng dán ngay cho nó một nhãn hiệu “số đông đều thấy vậy”.

“Số đông đều thấy vậy”?

Tôi không hiểu ông Hoàng xuân Nhị đã kiếm ở đâu ra được một bản thống kê về ý kiến quần chúng đối với hai tờ Nhân vănGiai phẩm mà ông dám khẳng định như vậy?

Ông Hoàng Xuân Nhị công tác trong trường đại học. Để cho tiện, tôi cũng muốn ông làm thử một bản điều tra ngay trong các giáo sư và sinh viên.

Hẳn ông Hoàng Xuân Nhị cũng thừa rõ những giáo sư có tên tuổi nào của trường đại học đã viết bài cho Nhân văn và Giai phẩm; những giáo sư nào – hay chỉ có mình ông đơn thương độc mã – đã công kích hai tờ báo ấy.

Và hẳn ông Hoàng Xuân Nhị cũng không lạ gì hai cuộc phê bình lãnh đạo trong nhà trường kéo dài hàng chục ngày của anh chị em sinh viên trong trường Đại học Văn khoa. Bao nhiêu người đã đứng lên vạch trần bộ mặt xấu xa bỉ ổi ngoài sức tưởng tượng của hàng chục cán bộ lãnh đạo; những cán bộ ấy hai ba năm nay đã dựa vào quyền uy vạn năng của tổ chức để tác oai tác quái trong anh chị em, đã phủ lên cuộc sống tươi trẻ của thanh niên biết bao bóng tối, đã tiêm vào tinh thần anh chị em biết bao liều độc dược khiến tâm hồn những tầng lớp người chan chứa sức sống nhất cũng ngày càng úa héo.

Tiếng nói của anh chị em sinh viên trong các cuộc phê bình gay gắt ấy, cũng chỉ đồng nhất với tiếng nói trong Nhân văn, Giai phẩm. Tìm xem lại 50, 60 trang biên bản của mấy buổi phê bình ấy, ông Hoàng Xuân Nhị sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn, dè dặt nhiều hơn, mà không dám khinh xuất hạ bút như ông đã có can đảm làm.

Giả dĩ, nếu ông Hoàng Xuân Nhị may mắn có được một bản thống kê chính xác trong tay về ý kiến quần chúng đối với hai tờ Nhân vănGiai phẩm, trong đó tiếng hô đả đảo to hơn tiếng vỗ tay; thì tôi cũng dám trịnh trọng mà nhắc lại cho ông Hoàng Xuân Nhị nhớ rằng: phương pháp “cả vú lấp miệng em” đã làm trọn sứ mạng lịch sử của nó, từ lâu, hiện tại không phải là thời kỳ đắc thế của những kẻ trong bất cứ vấn đề gì cũng luôn luôn muốn đem sức nặng của đa số đè bẹp gí thiểu số.

Ông Hoàng Xuân Nhị đã phí công khi dán cái nhãn hiệu “đa số” lên trên ý kiến của ông. Muốn phủ nhận hoàn toàn những điều “đáng tiếc” của hai tờ Nhân vănGiai phẩm, ông Hoàng Xuân Nhị nên dùng một lập luận mới mẻ hơn, món vũ khí lỗi thời ấy, ngón đả đảo ấy, quần chúng đã tìm được phép phá từ lâu…

Trở lại mấy danh từ chủ yếu ông Hoàng Xuân Nhị đã dùng.

Đọc Nhân vănGiai phẩm, ông Hoàng Xuân Nhị thấy rằng “tư tưởng nổi bật” của nó là “gieo rắc bi quan… bất mãn và đả kích”.

“Bất mãn và đả kích”?

Có lẽ ông Hoàng Xuân Nhị sẽ sửng sốt và bằng lòng khi tôi nói tôi đồng ý với ông mà công nhận hai tờ Nhân vănGiai phẩm nhuộm thẫm màu bất mãn và đả kích.

Bất mãn và đả kích là những tính chất đặc biệt của Nhân vănGiai phẩm khiến nó phân biệt hẳn với các tờ báo nhẵn nhụi khác.

Nhưng tôi cũng vội vàng nói ngay với ông Hoàng Xuân Nhị rằng tôi chỉ gặp gỡ ông trên danh từ, nội dung chân chính của hai chữ đó, tôi với ông hoàn toàn mâu thuẫn. Đã đến lúc cần thảo luận cho “chính danh”, cho mỗi người không thể lợi dụng nổi sự mập mờ thiếu sót của ngôn ngữ.

Theo tôi, điều cốt yếu khi đọc Nhân vănGiai phẩm không phải là coi hai tờ báo đó có bất mãn và đả kích hay không; mà vấn đề chính là tìm hiểu xem tờ báo đó bất mãn với cái gì, nó đả kích, nó chĩa mũi dùi vào đối tượng nào?

Tất cả những bài trong Nhân vănGiai phẩm có phải là những bất mãn với cách mạng, với chế độ Dân chủ Cộng hoà không? Có phải… nó đả kích những người con ưu tú của dân tộc không? Hay những bài báo đó chỉ bộc lộ một tư tưởng bất mãn với những cái thối nát của chế độ cũ được bọc giấy bóng đỏ còn nằm ngang phè giữa đường đi của chế độ ta, những bài báo đó chỉ đả kích kịch liệt những thói xấu ròi bọ của giai cấp bóc lột còn tồn tại trong một số người đương có quyền lãnh đạo và chỉ huy quần chúng cách mạng?

Tất cả vấn đề là ở chỗ đó!

Bất mãn và đả kích là xấu hay tốt, đáng khen hay “đáng tiếc” cũng là ở chỗ đó.

Cũng bởi chỉ liếc qua hình thức của sự kiện mà ông Hoàng Xuân Nhị cũng như một số người khác vô tình hay cố ý đã lẫn lộn vàng thau để phủ nhận giá trị chân chính của phong trào phát triển tự do dân chủ hiện thời.

Hai chữ “bất mãn và đả kích” đưa ra thiếu suy xét, danh từ “bi quan” ông Hoàng Xuân Nhị dùng càng nông nổi hồ đồ hơn.

Thế nào là bi quan? Bi quan ở chỗ nào?

Có thế nào chỉ chọn trong mấy chục bài báo một bài như “Tiếng sáo truyền kiếp’’ đau xót của Trần Duy để chụp ngay mấy tá mũ quá khổ lên trên đầu tất cả những người cộng tác với báo Nhân vănGiai phẩm? Nếu chỉ căn cứ vào đôi danh từ dùng hơi quá của ông Phan Khôi mà phủ nhận toàn bộ ý kiến trong bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ’’, mà trách ông Phan Khôi chỉ “so sánh hiện tượng với hiện tượng không so sánh bản chất với bản chất’’ thì tôi tưởng ông Hoàng Xuân Nhị đã quá khắt khe với người và quá dễ dãi với mình. Khi nói rằng Nhân vănGiai phẩmđáng tiếc’’ vì “tư tưởng nổi bật là gieo rắc bi quan’’ thì chính ông Hoàng Xuân Nhị đã lầm lẫn một vài hiện tượng với bản chất, đã chỉ trông thấy cây mà không nhìn thấy rừng.

Phải thẳng thắn mà thừa nhận với nhau rằng phong trào phát triển tự do dân chủ hiện tại ở miền Bắc Việt Nam là một phong trào có tính chất quốc tế, nó là một thời kỳ tất yếu trong lịch sử tiến hoá của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Phong trào ấy thúc đẩy cách mạng tiến lên, do đó nói chung nó sáng chói màu sắc lạc quan cách mạng, nó chan chứa sức sống và yêu đời.

Không yêu đời – không yêu chế độ Dân chủ Cộng hoà tốt đẹp của chúng ta, không thể có đủ nghị lực đứng dậy can đảm xông thẳng vào bóng tối của tư tưởng thù địch, xông thẳng vào khoảng trận địa mà tuy địch đã bỏ chạy từ lâu nhưng chúng vẫn còn gài lại biết bao bom mìn tự động.

Cuộc đấu tranh thắng lợi của những cụ già khí phách, những người trí thức chân chính, những văn nghệ sĩ đầy nhiệt huyết - tất cả những người đi tiên phong đứng mũi chịu sào này - nhất định phải mua bằng mồ hôi và nước mắt, có thể phải trả giá đắt hơn nữa; nhưng chúng ta nhất định không chịu lùi. Sống thành người, chúng ta vây quanh lá cờ cách mạng, đấu tranh cho tới thắng lợi cuối cùng. Những lời vu khống phỉ báng vô nghĩa sẽ bị lịch sử lên án, sẽ bị rụng xuống dưới chân cho nhân dân vĩ đại tiến lên.

Vì phạm vi bài báo, tôi không thể theo ông Hoàng Xuân Nhị để tranh cãi với ông từng mục “quan điểm’’ mặc dù những mục ấy cũng đầy rẫy những điều ngộ nhận sách vở. Phương chí, thảo luận những điều đó cũng không bổ ích gì, tất cả đều kềnh càng dài dòng và nhất là không liên lạc gì tới nhận định chủ yếu của ông. Nhận định chủ yếu của ông, những nhận định nông cạn và duy tâm như một kẻ đứng giữa cơn bão táp mà nhắm mắt bịt tai lắc đầu quầy quậy phủ nhận tất cả.

Cuối cùng tôi cũng mong ông Hoàng Xuân Nhị xét sâu thêm vấn đề cương vị xã hội và phương pháp nghiên cứu của một người trí thức trong chế độ chúng ta. Không thể nào ông Hoàng Xuân Nhị cứ bo bo giữ mãi không chịu chữa cái bệnh táo bón của óc, cứ thấy trong cuộc sống nẩy ra một tư tưởng nào trái với sách vở cũ là vội vàng lắc đầu xua tay không công nhận: “Như vậy ta tự ý mình đề xướng lên một nguyên tắc mới đấy’’.

Chao ôi! Chân lý không thể đến với nhân loại bằng vẻ mặt một thiếu niên chăng? Chân lý chỉ là chân lý khi nó được phủ đầy bụi thời gian và mặt mũi nhăn nheo như một ông Bành tổ chăng?

Chân lý nào phải đâu là rượu vang, là đồ cổ, mà nhất định bảo càng để lâu càng tốt, càng quý.

Một nguyên tắc nào mới được đề xướng lên có thể là sai lầm. Nhưng muốn biết nó có sai lầm hay không, chỉ nên thận trọng phân tích khách quan đâu có phải cứ thấy nó không rập theo “thiên kinh địa nghĩa’’, không cổ, mà nhất quyết phủ nhận.

Thực hành thiếu lý luận thường mù quáng: có “ôn cố’’ mới “tri tân’’ . Nhưng cuộc sống mới không cần những ông già chỉ giỏi chúi mục kỉnh vào các ‘’tờ a, tờ b’’. Cuộc sống mới cần hành động và sáng tạo.



[1]Maiakovsky: Bài nói chuyện với Lê-nin
[2]Thơ Lê Đạt
Nguồn: Đất má»›i, Tập I, Chuyện sinh viên, Minh Đức xuất bản. In tại nhà in Hiến Nam Hà Ná»™i – Minh Đức. In bìa số 420, số X. BKSĐ: 52. Hoàn thành 10–11–1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.