© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
27.4.2007
 
Đất mới tập I - Chuyện sinh viên
 1   2   3 
 
Lê Tự Gia
Một cơn mê

Anh tỉnh dậy bàng hoàng, mồ hôi ra như tắm! Ngồi lên đầu nặng mắt hoa, rã rời từng khớp xương thớ thịt.

Có ai phải cơn mệt đến thế này không?

Một cái mệt kỳ lạ!... Nó… vừa bải hoải… tê tê các đầu ngón tay, lại… vừa có cái choáng váng, ớn lại trong xương sống của người quá bị xúc cảm.

Anh muốn dậy, sao nghe thân mình quá nặng, lại nằm xuống, lưng mỏi như dần. Trong tai có con gì kêu ve ve mãi… Khó chịu quá! Muốn nói, miệng cứ ráo hoảnh, cổ ứ nghẹn tựa đàn bà lên cơn sản.

Anh muốn ngủ một giấc cho ổn định tâm thần nhưng tim cứ dóng đôi dóng ba không tài nào nhắm mắt được!

Đình màn chùng chùng sa dần xuống. Giờ ôi! Ai mang cả cái khăn liệm trắng nhờn nhợt trùm lên người thế này! Anh nhắm nghiền mắt lại cố xua đuổi mọi ám ảnh của ác mộng vừa qua. Cái gì chung quanh cũng đáng khiếp thật. Nó nhìn, nó theo, nở rình chờ anh sơ hở để chụp lấy. Anh nằm thườn thượt, trán vã mồ hôi mà không dám đưa tay lau. Sao bức thế này?

Không! Gió mùa thu ngoài kia tự đâu trong lòng trời xanh trong vắt vẫn nhẹ nhàng qua cửa sổ lay động lá màn buông uể oải giữa ban trưa. Gió dìu dịu qua màn, len vào chân tóc. Có tiếng ngáy đều đều đâu đây?

Anh nhớ rồi! Một sớm trời quang mây đãng… Đất trời âm vang những tiếng gì thiêng liêng rộn ràng, giục giã… Chim chóc hót chào… Cây lá vẫy đưa… Anh lên đường thênh thang, phấn khởi. Trước mặt lớp lớp người tiến lên và xa kia chân trời sáng rực.

Anh giục bước theo đoàn người. Một điệu nhạc trầm hùng theo nhịp bước vang lên:

“Ta bước lên đi! Ta bước lên đi!’’

“ Chân trời ta muôn vàn tươi sáng!’’

Nhưng càng đi nắng càng to, đèo cao dốc thẳm anh đâm ra hoang mang, thiếu tin tưởng ở mình nên cuối cùng đã tự gửi gắm vào một bạn đường theo anh cho là lịch lãm để phòng khi lên gềnh xuống thác.

Mọi người khuyên anh nên tự tin và độc lập. Tiếc thay anh cứ lừng khừng, xa rời bè bạn, trước mắt chỉ biết có một người.

Đến một lúc, anh hoá ra kẻ ươn hèn, mù quáng để mọi người phỉ nhổ. Những lời chê trách vuốt mặt. Anh thấy mình ngập trong một trận mưa nước bọt. Cặn bã nhầy nhụa ghê người.

Anh tỉnh dậy. Bên tai anh còn thoang thoảng tiếng gọi tên mình và một bàn tay mát rượi nắm đầu chân lắc lắc.

Thôi đúng rồi! Một trưa mùa thu thao thức, sau buổi đua nở trăm hoa. Cơm nuốt không trôi, anh nằm lao lung trăm mối.

Người bạn đường! Có một người bạn đường! Họ gặp nhau ở cửa trường.

Đang ở cơ quan giới thiệu sang; còn anh lớn lên son trẻ trên ghế nhà trường dù mười năm khói lửa.

Anh nể Đang hỏi Đang là người lớn, anh tin Đang vì Đang đã có công tác thực tế chắc hiểu biết việc đời. Vả lại từ khi về trường, trong người Đang hình như cũng mang theo dáp dấp của một cái gì làm cho mọi người kính nể.

Đang bận luôn. Sáng sớm, súc miệng rửa mặt xong đã phải họp: phân hội, chi hội và lắm cái hội nữa. Sau những thứ đó còn vô khối vấn đề giải quyết:

Anh báo chí xin ý kiến về cái tên báo.

Nhựa sống’’ à? Chưa có ý nghĩa thi đua. Phải đổi lại “Tiến lên’’. Cậu hiểu chưa?

Rồi anh bước đi. Chị sinh hoạt lại chạy theo: “Anh ạ, anh em bảo lạnh quá, ít tham gia thể thao buổi sáng’’.

“Không được! Nội quy đâu? Phải kiểm điểm."

Và lắm thứ nữa; anh A, chị B muốn tìm hiểu nhau. Anh C hay ra ngoài phố chơi… Nhất nhất Đang phải lo tới. Mặt Đang khi nào cũng đăm chiêu suy nghĩ. Giá ở địa vị khác thì phải gọi anh là "Biu-di-nét-men" [1] mới đúng.

Tuy thế, các cuộc sinh hoạt của anh em, Đang luôn luôn có mặt. Tiếc một nỗi, thường đến với anh em được chốc lát lại xin đi, quyển sổ tay ghi ghi chép chép. Anh bận lắm à!

Có khi như thế vài hôm liền anh em không gặp. Lúc về vui vẻ, cười cười, anh vào tổ này một tí:

“Sao, thường cả chứ?’’

Vào tổ kia cũng một tí:

“Thế nào, kế hoạch tổ cậu ra sao?"

Mới vào trường nhưng việc gì Đang cũng nắm rất vững. Cậu này trước thế nào, nay thế nào; cậu kia gia đình làm sao. Thông tỏ cả!

Gặp anh, Đang hỏi chuyện thân mật ngay. Đang bảo anh trẻ, có thiên tư, nhiều triển vọng. Nhưng phải cố gắng hơn năm vừa qua?! Đang nhắc đi nhắc lại: “Cái cần thiết hơn hết là lập trường’’. Gặp nhau, Đang thường đặt tay lên vai anh và nhìn với cặp mắt người trên, miệng cười cười:

“Thế nào? Cậu độ này thế nào?’’

hay "Cậu X., cậu T. trong tổ thế nào? Cậu là người cầu tiến. Mình muốn cậu cũng nên ‘theo dõi’’ giúp đỡ anh em khác. Có gì bảo mình, mình giúp ý kiến cho. Cậu hiểu chứ?"

Lúc đầu anh thấy khó chịu, anh thấy nó sao sao ấy. Nhưng sau lại cho rằng đó là tác phong sát quần chúng. Hơn nữa thiệt gì? Đang có trách nhiệm. Đang tin cậy mình. Có khi đi họp về Đang cho anh biết một vài vấn đề và dặn phải giữ kín. Có khi Đang lại dành riêng cho anh một vé câu lạc bộ, liên hoan…

Có lúc Đang thành thật: bọn mình mới trở lại nhà trường, các cậu phải giúp đỡ học tập sao để bọn mình cùng đi kịp phong trào, hay: cậu cho mình cái tài liệu của cậu, mình bận luôn không ghi chép gì được.

Không tin cậy mà Đang lại nói anh:

“Cậu rất có triển vọng ở lại nghiên cứu sinh hoạt.’’

Anh thấy mình quả phụ lòng Đang, dù đôi khi thấy Đang quá vồn vã với mình hơn các bạn, anh cũng nghĩ không khéo mình có thể bị lợi dụng.

Nhưng đi đông chen chúc, gánh quang biết ai vào được chợ sớm mà một mình lại ngại đường dài, lương ít, bóng vía thì non, anh liền chọn vội lấy một bạn đường có bùa có phép để khi đi trưa về sớm.

Anh lấy thế làm đắc sách, là tạo nên một nhân sinh hợp thời chung sống. Những nụ cười của Đang trước tiên như khả ố, bề trên nay trở nên thân ái và che chở.

Đang khuyên anh nên cố gắng đóng góp nhiều cho công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh. Anh, anh cũng chỉ mong có làm được như thế. Anh thấy mình phải xứng đáng là thế hệ trí thức mới ra đời, ồ ạt lớn nhanh như Thánh Gióng, một thế hệ sống giữa những năm kỳ diệu của lịch sử đấu tranh nẩy lửa huy hoàng của dân tộc.

Anh lại thấy cần có một ít hiểu biết kha khá để tự giải phóng tâm hồn và tư tưởng khỏi những gì tầm thường lạc lõng.

Trước, anh đã chăm tra tra khảo khảo, giờ lại càng miệt mài kim cổ đông tây. Cuộc sống của anh trải ra trên trang sách. Trừ Đang là người năng hỏi han, học tập ở anh. Còn lúc này ít ai tâm sự với anh như trước nữa.

Có những buổi chiều, sau khi tham khảo hàng mấy tác phẩm của nhiều tác giả về một vấn đề nhưng chưa thông suốt bởi nó không ăn ý với sách vở kinh điển, đầu óc bời bời, anh hé mớ tóc rối bù ra lan can mong thở lấy chút sinh khí bên ngoài.

Dưới sân kia ồn ào quá. Bóng rổ, bóng chuyền, tụm ba, tụm bẩy, bàn thời sự, thời trang, tiếu lâm, chuyện gẫu. Anh thấy họ khác mình. Những điều họ muốn chắc tầm thường lắm. Bóng Đang xa xa đi lại, nghiêng nghiêng nhìn vào sân bóng, quyển sổ tay ép kia trên ngực, bước lên thềm. Anh cũng về phòng nghỉ.

Cứ thế mà một năm qua. Họ sống với nhau như hoa với lộc bình.

Cửa trường đại học ngày hai buổi mở rộng đón từng đoàn người từ Bạch Mai xa tít đến, để rồi phố phường đã lên điện lại nhìn theo họ ba chân bốn cẳng rút đường về… mắt ngời sáng, hai tay ấp sát vào ngực những gì mới thu lượm được suốt trong mấy giờ liền làm việc căng thẳng.

Ngoại ô Bạch Mai động và rộn. Họ cùng lớp anh chị em nghèo: xích lô, hàng vặt, đổ xô về chen chúc. Và học xá kia kìa, bốn ngôi nhà sừng sững tứ bề không cây cối. Gió rít, dây điện run lên. Họ xuống hầm nhà ăn, bật đèn… nghiêng thùng cơm phân ra từng đĩa, vét chậu đếm từng miếng thịt chia cho đều… mỗi người một suất nuốt vội, khoắng qua bát đĩa, tợp một hợp nước, lên nhà đóng phòng lại. Học!

Mỗi tổ một phòng rộng hơn ba thước chiếu. Mười đến mười hai người quây quần quanh bàn dưới một ngọn điện. Trong cái khoảng đó, mùa đông nếu hàn thử biểu xuống dưới không độ cũng chẳng phải lo, còn mùa hè thì ra hết áo rồi, mồ hôi vẫn như xối. Họ xào bài, học các môn theo một kế hoạch của lớp đã định sẵn cho mỗi ngày. Ba giờ ì ạch lăn qua nhưng còn kiểm điểm nội quy nhận định phong trào này nọ rồi mới giải tán. Họ trèo lên giường - những chiếc giường hai tầng – lăn ra thở dốc.

Mười giờ không hơn không kém, đèn tắt ngấm. Họ đóng cửa một ngày trong tiếng nhạc vồ vập lạ tai chua như dấm.

Cứ thế mà ngày theo tháng, tháng theo năm nặng nề phật phưỡng đi qua như những buổi sớm khắc khoải đợi giờ cơm lên tiếng kẻng.

Ngọn gió tự do tư tưởng ở đâu một hôm thổi tới mát rười rượi. Toàn trường bàn tán xôn xao, tranh luận sôi nổi. Các cấp bộ cũng họp bàn, cửa phòng chèn kín mít.

Trước mắt anh bắt đầu vén lên những cái gì thông thường nhưng quả tình anh chưa bao giờ trông thấy hay trông mà không thấy được. Và trưa nay, một cuộc họp có đông đủ anh em, có chủ tịch đoàn, có ban thư ký đã được tổ chức. Ngọn gió tự do, hơi ấm của loài người ở Đại hội 20, đã thổi đến tận cửa trường đại học. Nhiều vấn đề được nêu lên, đặt lại, và yêu cầu giải quyết. Trong không khí trang nghiêm, chan hoà dân chủ, mọi người đứng lên trình bày những điều tai nghe mắt thấy, những ý nghĩ cảm tưởng của mình.

Bạn A. run lên trong căm phẫn của người bị theo dõi, bị quy kết là phá hoại, phản động.

Bạn N. nghẹn ngào nói rằng mấy lần bị phân biệt đối đãi và xem là lớp người bỏ đi.

Chị K. nước mắt ràn rụa kể lại cuộc tình duyên bị ngăn trở.

Bạn L. bực bội với khuôn khổ chật hẹp, chèn ép khả năng của chế độ sinh hoạt.

Anh H. mỉa mai nhắc lại những khuyết điểm thổi phồng bịa ra để tỏ là mình thành khẩn với tổ chức trong đợt chuyển đoàn thanh niên.

Các bạn nói nhiều, nói thẳng thắn như lời khuyến khích của Trung ương: “Người nói cứ nói, người nghe xoi tai ra mà nghe».

Họ nói đến những sai lầm Cải cách ruộng đất đã tác hại đến tư tưởng tình cảm của họ, sự vi phạm quyền tự do dân chủ trong khi giữ gìn trật tự an ninh. Họ nói hết, hồ hởi thoải mái.

Ai cũng nhận thấy đói ăn ba ngày không chết mà thiếu không khí ba phút đã đi đời. Những thiếu thốn vật chất như: đói, rét, đi xa, ở đây so với nhân dân lao động có thấm vào đâu? Nhìn vào đời sống chung họ thấy họ đã sung sướng nhiều. Nhưng sự chiết toả tinh thần mấy lâu nay thì còn biết so với ai để tự lòng an ủi?

Rồi họ tìm thấy trong nhà trường có những bóng đen ám ảnh. Lúc đầu anh nghe những lời phê phán đó với lỗ tai hàng ngày anh nghĩ: Ai chẳng sai lầm, nhất là khi bắt tay vào việc; hay, phải chăng đây là dịp để người ta hạ uy thế nhau?

Nhưng trong tiếng nói của các bạn có cái gì cởi mở chân thành, đôi khi nghẹn ngào đau xót. Mỗi lời của các bạn lại vén lên một sự thật làm anh vô cùng bỡ ngỡ. Anh thấy mình mấy lâu sống trong mờ ảo.

Mà một người như Đang sao lại cố tình chiếm đoạt cái áo len của chị Th. tặng một sinh viên nào nghèo trong trường?

Ai dám ngờ rằng cái tình đồng chí của Đang với chị M. lại có những sự “đụng chạm’’ “vô tình rất có ý thức’’ đi đôi với những lời ân huệ, vuốt ve: “em cố gắng sang năm anh để cho làm bí thư!’’

Thật không ngờ! Té ra ở đây hầu chỉ vì lợi ích cá nhân và sự giáo dục lẫn nhau chỉ toàn là lập trường suông, một chiều thiển cận… Anh thấy các bạn ai cũng nói đến Đang. Cái gì đem ra phê phán cũng có Đang nhiều ít.

Rồi khi mọi người đã đứng dậy anh cũng lâng lâng đứng lên. Anh nói tất cả những gì anh thấy ở Đang, anh nói với sự bồng bột của tình người. Tiếng anh run run, mặt hơi cúi. Các bạn nhìn chăm chú theo từng lời với cặp mắt chứa chan tình đồng chí. Anh nói ít mà được vỗ tay nhiều.

Nhưng khi cuộc họp đã tan, tiếng hoan hô chỉ còn lại âm hưởng thì hình ảnh người cán bộ có nụ cười che chở, bước chân chững chạc, con mắt nghiêng nghiêng không chớp với quyển sổ tay trên ngực lại hiện về trong trí anh.

Lòng anh như ngã ba đường gió đâu thổi lạnh về sau gáy. Anh thấy mình đã chót đâm lao. Theo hay buông? Theo biết đâu lại là buông, mà buông chắc gì đã là mất mát? Đang ở với mình như bát nước đầy lại nắm chắc sinh mệnh mình như đã nắm trong tay những tờ lý lịch! Nếp sống bình yên ràng chân lại.

Anh có cảm giác đánh mất một cái gì. Anh lẩm bẩm: trút nước phải chừa cặn?

Nước mắt đâu ứa ra… Anh giấu vội nó vào khăn, chuếnh choáng… đi tìm Đang.

Nhẩm lại đến đây, sao nghe người quá bứt rứt. Con đường đi, hai thứ bạn đường. Cơn ác mộng và cuộc đời đang biến chuyển.

Cổ cháy bỏng, khát quá. Sực nhớ cốc nước lấy về sau bữa cơm chưa kịp uống, anh vén màn ngồi lên với tay ra bưng nước.

… Có con gì như con cua to tướng, mai đỏ hoe, đang giương mắt nhìn anh chằm chặp. Hốt hoảng anh muốn hét lên. Tiếng ngáy chung quanh vẫn đều đều. Các bạn anh ngon lành giấc ngủ trưa.

Cố định thần nhìn con quái vật… thì ra đó chỉ là cái bàn quang dầu trên có hai lọ mực. Đúng rồi, phải rồi… cái bàn chủ toạ, bốn chân nhìn trên xuống cứ như xếp lại xòe ra… Anh thấy tinh thần quá suy nhược. Anh đưa vội cốc nước lên môi uống ừng ực. Đàn kiến vô tội bò trên miệng cốc trôi theo dòng nước. Nước mát rượi đi đến đâu biết đến đấy.

Anh đặt mạnh cốc xuống giường, đưa mắt nhìn các bạn nằm ngủ thoả mái, vô tư, lòng tràn ngập thẹn thùng hối hận.

Anh không dám nhìn lâu sợ người ta đoán được ý mình. Anh thèm một tâm hồn không quanh co với con người đứng thẳng.

Lần đầu tiên anh ngờ vực cái chất thực tiễn của kiến thức mình.

Goóc-ky mòn chân khắp thị thành đồng cỏ nước Nga để dựng cho mình một nền đại học. Tư Mã Thiên dù bị nhục hình vẫn sống ngoan cường để thực hiện hoài bão là hoàn thành bộ sử cốt để lại đời sau.

Thời khắc nghiệt ấy qua rồi nhưng ý chí người xưa vẫn sáng ngời mãi mãi. Anh lẩm bẩm: “Điều ta biết với việc ta làm xa cách nhau quá’’.

Nước mắt đâu lại trào ra, chảy từ từ trên gò má, xuống miệng. Nước mắt mằn mặn, anh rút khăn, những giọt nước mắt ban trưa trên khăn còn ướt đẫm.

Anh không lau. Anh muốn mặc yên để nếm mùi mặn lạt.

Anh muốn trộn lẫn giọt nước mắt rơi vì tự trọng của con người với những gì đớn hèn nhục nhã.

Nhạc báo thức vang lên, giục giã.

“Dậy đi! Dậy đi…i…i…’’

“Trời hửng rồi! Tò ti tè…’’ [2]

Nói, cười hát oang oang chuyển cả nhà. Anh đứng dậy, nhẩy xuống giường, vặn mình, các đốt xương kêu lên răng rắc.


*


Nguyễn Đức Tiếu
Nhắn ông Lê Văn Hải: Hiểu rồi hãy phê

Báo Văn nghệ số 142 có đăng bài ông Lê Văn Hải phê bình bài “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ” của ông Trương Tửu đăng trong Giai phẩm mùa Thu tập 2, tôi thấy cần xét lại tận gốc bài ông Lê Văn Hải vì ý kiến ông có nhiều mâu thuẫn, sai lầm, chứng tỏ ông không chịu hiểu bài của ông Trương Tửu.


I. Mâu thuẫn và sai lầm trong bài ông Lê Văn Hải

Trong mục “Sùng bái cá nhân” ông Lê Văn Hải có viết rằng: “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới văn nghệ, nếu có thì đến mức độ nào, phổ biến hay không phổ biến? Đó là vấn đề lớn không thể suy xét một cách giản đơn mà cần cùng nhau nghiên cứu, bàn bạc kỹ. Cho nên tôi chưa có ý kiến đối với nhận định về bệnh sùng bái cá nhân trong văn nghệ”.

Nhưng ông Hải đã tự mâu thuẫn với mình khi ông khẳng định rằng: “sùng bái cá nhân là thói quen của hàng triệu người… nó đã nằm vào tiềm thức người ta, nó thành một nếp nghĩ, một nếp sống”. Đã nói như thế, tại sao ông Hải còn nghi ngờ trong giới văn nghệ “có hay không” “thói quen” “nếp nghĩ” ấy?

Ông Lê Văn Hải lớn tiếng hoan nghênh ông Trương Tửu. “Trương Tửu viết bài ‘Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ’. Tôi tán thành và hoan nghênh việc làm đó”. Không hiểu Lê Văn Hải hoan nghênh những điểm nào, khi ông chủ trương một người không nên có ý kiến cá nhân về “vấn đề lớn” đó mà cần “cùng nhau bàn bạc” nhiều? Ông hoan nghênh ở thái độ? Ở ý kiến ông Trương Tửu? Cũng không nốt, vì ông đã phê bình quan niệm ông Trương Tửu về sùng bái cá nhân là “sai lầm”, ông đã phê bình thái độ ông Trương Tửu là “thiếu thận trọng”. Từ việc đặt vấn đề phê bình, thái độ phê bình đến nội dung phê bình đều bị đả kích, thế thì còn hoan nghênh cái gì nữa.

Ông Lê Văn Hải công nhận rằng: “Đảng và Hội Văn nghệ Việt Nam có nhiều khuyết điểm trong việc lãnh đạo văn nghệ, có một số cán bộ của Đảng lãnh đạo văn nghệ phạm nhiều sai lầm như: độc đoán, quan liêu v.v…” Tại sao ông lại nói “tôi chưa có ý kiến đối với nhận định về bệnh sùng bái cá nhân trong văn nghệ”?

Bàn về bệnh sùng bái cá nhân, Lê Văn Hải viết: “Trong những người mắc bệnh sùng bái cá nhân có thể có những người không tự trọng, và do sùng bái cá nhân mù quáng, có khi làm những việc xấu phạm đến tính tự tôn tự trọng của con người”; nhưng đoạn dưới ông Hải lại tiếp: “nó (bệnh sùng bái cá nhân) biểu hiện không phải với sự suy tính ‘có lợi’ hay ‘không có lợi’, ‘tự trọng’ hay ‘không tự trọng’; nó biểu hiện một cách không có suy tính.” Rõ ràng ông Lê Văn Hải đã tự mình phủ nhận mình.

Rồi nữa, ông Hải lại nói: “Không nên nhập cục bệnh sùng bái cá nhân với thói nịnh trên, chèn dưới, một việc làm có ý thứ của những kẻ đầu cơ trục lợi”. Tôi không hiểu một con bệnh sùng bái cá nhân có thể làm “những việc xấu phạm đến tính tự tôn tự trọng của con người” sẽ hành động như thế nào, nếu không phải nịnh trên, chèn dưới… đầu cơ trục lợi?

Ông Lê Văn Hải lại cho bệnh sùng bái cá nhân biểu hiện một cách tự nhiên không có suy tính. Theo tôi, ý kiến đó không đúng. Tư tưởng sùng bái cá nhân là thế nào? Đó là tư tưởng làm cho cấp trên thấy mình có uy quyền thần thánh, quần chúng phải nhất thiết phục tòng. Cấp dưới thấy cấp trên là bất khả xâm phạm, không bao giờ sai lầm, hay thấy sai lầm cũng không dám phê bình xây dựng. Tại sao thấy cấp trên sai lầm không dám phê bình? Tại vì tư tưởng tôn sùng cá nhân đã thầm bảo rằng: đừng phê bình mà chết đấy! Cấp trên cơ mà! Tại sao thấy cấp dưới lại chèn ép? Tại vì tư tưởng tôn sùng cá nhân cho hay rằng: có chèn ép chúng thì chúng mới sợ, mới thờ phụng mình. Địa vị mình do đó mới càng cao. Trong đa số trường hợp nó đều có suy tính, đều có ý thức.


II. Ông Lê Văn Hải hiểu sai ý kiến của ông Trương Tửu

Xuất phát từ những ý kiến chưa vững vàng, mâu thuẫn, sai lầm nên ông Hải không muốn hiểu hay cố tình không hiểu dụng ý của ông Tửu.


1. Một quy luật xã hội

Trong bài “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ”, ông Trương Tửu muốn trình bày một sự thực, một quy luật xã hội là: những lực lượng sáng tạo mới đang bị những phần tử xấu trong bộ máy lãnh đạo và quản trị xã hội làm ngăn trở bước tiến của nó. Ông Trương Tửu không có ý đi tìm nguồn gốc xã hội của bệnh sùng bái cá nhân, ông muốn vạch ra một mâu thuẫn trong xã hội, mâu thuẫn giữa sức sáng tạo của con người văn nghệ sĩ và lề lối lãnh đạo của giới lãnh đạo văn nghệ, cụ thể là bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ. Ở đây ông Tửu đặc biệt nêu hiện tượng chèn dưới nịnh trên, đầu cơ trục lợi, nằm trong những người không biết tự trọng mà ông thấy rõ trong giới lãnh đạo văn nghệ.

Ông Lê Văn Hải không hiểu được những điều này nên đã mất công tìm tòi nguồn gốc xã hội của bệnh sùng bái cá nhân, rồi ông sung sướng lớn tiếng trách ông Trương Tửu tại sao lại “đi tìm nguyên nhân cái tệ nạn xã hội ở một ý niệm trừu tượng” là tính tự trọng!

Tiếc thay ông Hải đi hơi xa vấn đề. Trở lại câu chuyện nghệ thuật, câu chuyện giữa những người văn nghệ sĩ chân chính và giới lãnh đạo văn nghệ, chắc ông cũng sẽ đồng ý rằng: Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù quáng, là nô lệ”… Như thế thì nhất thiết người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sùng bái cá nhân” chứ còn gì nữa!

Nói tới bệnh sùng bái cá nhân của giới lãnh đạo văn nghệ, ông Trương Tửu có dùng câu “Khuất nhất nhân thân vạn thặng”. Ông Lê Văn Hải vin vào đó để hỏi rằng: Thế cấp dưới, thường dân sẽ không có bệnh sùng bái cá nhân à? Ông hiểu lầm quá! Chính ông Trương Tửu đã nói rằng người nghệ sĩ chân chính không sùng bái cá nhân, nhưng cũng có một số “thiếu chất sống” mắc phải. Nói như thế tức là những người “thường dân” khi xu nịnh cấp trên đã là sùng bái cá nhân rồi.

Ông Trương Tửu có đưa ra một số dẫn chứng để nói rằng người văn nghệ sĩ chân chính không có thói tôn sùng cá nhân. Đó là tính chất sáng tạo, tính chất cách mạng, linh động của lực lượng sản xuất, nó luôn luôn đòi hỏi một quan hệ hợp lý để phát triển, để vươn tới.

Khi các văn nghệ sĩ đòi hỏi một chế độ công tác hợp lý hay tranh cãi với ý kiến lãnh tụ là họ muốn nghệ thuật được phát triển dễ dàng, muốn tìm ra chân lý của nghệ thuật, hơn là phục tùng ý kiến của cấp lãnh đạo, của lãnh tụ, nhưng người văn nghệ sĩ thấy trái với ý kiến mình thì nhất thiết họ tranh luận, họ muốn tìm ra lẽ phải chứ không vì lời nói của cấp trên mà họ vội vàng quy thuận. Đó là cốt cách của những văn nghệ sĩ chân chính, đại diện cho lực lượng sáng tạo văn nghệ, luôn luôn phát triển theo đà phát triển của cách mạng.

Theo ông Tửu, trong thời gian qua, có những người văn nghệ sĩ “yên lặng làm bổn phận” “cất kín cá tính nghệ thuật” của mình xuống đáy ba-lô. Điều đó là một sự thực. Khi quốc gia hữu sự, đòi hỏi ở người văn nghệ sĩ một cống hiến kịp thời… thì người văn nghệ sĩ yêu nước đã vui lòng đáp ứng nhu cầu đó. Trên đường sáng tác họ đã gặp nhiều trở ngại do sự thiếu sót của lãnh đạo, nhưng họ vẫn sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ. Những lúc ấy họ phải tuân theo một mệnh lệnh, một sự thôi thúc, sáng tác hối hả trong những nề nếp định sẵn. Vì thế một phần lớn cá tính, độc đáo của nghệ thuật chưa được khơi nguồn, đành phải “cất kín” đi! Nhìn lại sáng tác văn nghệ của ta từ trước đến nay, nói chung vẫn nghèo nàn, khô khan, một chiều… một phần cũng vì thế. “Làm theo bổn phận” và “cất kín cá tính”, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, đối với người văn nghệ sĩ, không có gì là mâu thuẫn, không có gì là “kỳ lạ” cả, nếu chúng ta nhận thấy rằng: “Một số cán bộ của Đảng lãnh đạo đã phạm nhiều sai lầm như độc đoán, quan liêu…” (Lê Văn Hải)


2. Cách giải quyết

Ông Trương Tửu đã cố gắng đề ra cách giải quyết những mâu thuẫn trên, trong đó ông không quên nói đến một chân lý: sự lãnh đạo của Đảng. Ông đã viết: “Đảng lãnh đạo là một tất yếu lịch sử…” (trang 9 Giai phẩm mùa Thu 2)

Tôi không thấy có ý nghĩ nào tha thiết, chân thành với Đảng hơn nữa. Đến nỗi chính ông Lê Văn Hải cũng không nghi ngờ ý này của ông Trương Tửu.

Đứng trên chân lý này, ông Trương Tửu đề ra cách giải quyết là: “Phải sa thải những ‘nhà lãnh đạo’ thiếu tư cách mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa đề quần chúng văn nghệ tự tay điều khiển công việc chuyên môn của mình một cách thực sự dân chủ”.

Cách giải quyết “sa thải” này có lẽ làm cho ông Lê Văn Hải giật mình nhưng dù sao ông cũng đồng ý, tuy có khác là lời nói của ông nhẹ nhàng vớt vát hơn: “Nếu cần thiết chúng ta có thể đề nghị thay đổi cán bộ lãnh đạo xứng đáng hơn”. Nhưng, điều ông Hải thắc mắc nhất là theo lối giả quyết ấy thì “có cần người tổ chức và lãnh đạo nữa hay không? Hay ai cũng là lãnh đạo và ai cũng là không lãnh đạo?”

Xin mời ông Hải đọc tiếp lời ông Tửu: “Họ muốn công việc lãnh đạo văn nghệ trả lại cho những người văn sĩ – bất kể trong Đảng hay ngoài Đảng – được quần chúng văn nghệ tự ý lựa chọn và tín nhiệm”… Nếu ông Hải hiểu cho ý nghĩa hai chữ “lựa chọn”“tín nhiệm” , ông sẽ thấy rằng sẽ có cuộc bầu cử, trong đó, một số đông người chọn lựa ra một số ít người được tín nhiệm vào trong một tổ chức để lãnh đạo mình. Tại sao ông Hải không hiểu như vậy?

Cách giải quyết trên đây của ông Tửu chứng tỏ rằng: văn nghệ luôn luôn cần có sự lãnh đạo của Đảng, cần có những chính sách, đường lối của Đảng hướng dẫn; văn nghệ cần một tổ chức lãnh đạo gồm những người có tài năng chuyên môn được quần chúng “tín nhiệm” “lựa chọn” bầu ra.

Cũng trong cách giải quyết này, ông Tửu mạnh dạn đề ra khẩu hiệu “trả lại” công tác lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ. Yêu cầu đó rất đúng. Nếu ai có cảm tưởng như ông Hải – cảm tưởng rằng trước đây chỉ có một số người không phải văn nghệ sĩ lãnh đạo văn nghệ - thì nên tìm tới các ngành văn nghệ và các cơ quan đơn vị trước đây thì sẽ rõ sự thực như thế nào. (Trần Thanh Tám vẽ bộ sách nông dân, cán bộ lãnh đạo sau khi phê phán, lấy mực – không phải thuốc vẽ - bôi vào. Trần Thanh Tám rất ngạc nhiên vì màu sắc bức tranh mất tính chất thống nhất). Vả lại, cũng cần nhắc lại rằng khi một người văn nghệ sĩ lên cấp lãnh đạo, nếu bị ràng buộc bởi tư tưởng sùng bái cá nhân, chèn dưới nịnh trên, không tôn trọng sự tự do sáng tạo không yêu nghệ thuật, không tôn trọng chân lý để chiều ý cấp trên, không hiểu quần chúng văn nghệ sĩ thì người ấy cũng đã tự tước bỏ cái chất văn nghệ sĩ của mình rồi. Khẩu hiệu “đòi” trả lại là đúng, vì nó có mục đích làm cho chuyên môn ngày càng phát triển, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị hơn…

Cuối cùng, tôi thấy bài phê bình của ông Tửu có một thái độ phê bình xây dựng thẳng thắn. Ông không chờ một cuộc “tổng kết kinh nghiệm công tác và lãnh đạo” mới phát biểu. Ông đã viết những gì ông biết để giúp cho cuộc tổng kết ấy. Trong công tác văn nghệ, chung đụng với giới lãnh đạo, ông Tửu đã có một cái nhìn tổng quát, và rút ra một nhận xét, một kết luận chung. Vì vậy ông Hải đã hiểu lầm và cho rằng đó là lối phê bình “vơ đũa cả nắm”.

Ông Lê Văn Hải trách ông Trương Tửu thiếu thận trọng trong phê bình, dẫn chứng thiếu sót, hoàn toàn không đầy đủ, để nói tới tính chất trục lợi, đàn áp của giới lãnh đạo văn nghệ, hành hạ, gạt bỏ những văn nghệ sĩ không chịu khuất phục…

Tôi tiếc rằng ông Hải không đủ tế nhị để hiểu vấn đề, ông cứ khư khư bắt ông Tửu phải nói thật nhiều câu chuyện mà có lẽ bản thân ông Tửu lấy làm đau xót, không muốn kể nhiều ra. Ông Lê Văn Hải không thông cảm nỗi khổ tâm của văn nghệ sĩ, muốn đem khả năng phục vụ cách mạng mà lại thiếu phương tiện sáng tác; ông không hiểu tại sao các cán bộ văn nghệ quân đội lại yêu cầu một chế độ sinh hoạt thích hợp với sáng tạo văn nghệ…, tại sao có cuộc học tập lý luận văn nghệ tháng Tám, tại sao có bản tham luận của ông Nguyễn Hữu Đang (bản tham luận này tố cáo giới lãnh đạo bằng nhiều dẫn chứng cụ thể, chua xót…), tại sao có cả một phong trào tự do tư tưởng trong giới văn nghệ? Để kết thúc, tôi có vài nhận xét về thái độ phê bình của ông Lê Văn Hải:





[1]Businessman: người làm bận bịu công việc
[2]Tiếng reo thắng lợi của quần chúng rung lên trong trời hửng (Vương Lục).
Nguồn: Đất má»›i, Tập I, Chuyện sinh viên, Minh Đức xuất bản. In tại nhà in Hiến Nam Hà Ná»™i – Minh Đức. In bìa số 420, số X. BKSĐ: 52. Hoàn thành 10–11–1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.