© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
20.1.2003
Nguyễn Đăng Thường
Ðáng thương cho Cái Ngu Si, tội nghiệp Cây Liễu Siêu Hình
 
Ne me stressez pas! Titeuf
 
1. Lãnh tụ vĩ đại trẻ mãi không già
Người ta đã nghĩ là “Thật uổng phí khi tranh luận về thơ, bất luận là Thơ Tự Do hay Tân Hình Thức với [tôi]” để rồi lại “Xin mở rộng tranh luận với ông”. Tranh luận hay là để khen tôi “hỗn độn, ngoan cố, sơ đẳng, thâm thù, khiêu khích, trừng trợn, hằn học, khinh bỉ, khinh nhờn, cực đoan, càu nhàu, báng bổ, chủ quan, sơ hở, rối rắm, lấp liếm, chửi rủa, mạt sát, cuồng điên, vu khoát, bê-tông, hận thù, phủ nhận, thù hằn, lắt léo, quản đốc, bông phèng, nhạo báng, thiếu tự trọng, thiếu nhân cách, hưởng thụ, hành lạc...”? Jesus! Toàn là đức tính của lãnh tụ vĩ đại trẻ mãi không già. Tám trang lời nồng ý nàn. Uổng phí mà đã vậy, nếu không sẽ thế nào? Tất cả do bởi một bài viết 3, 4 trang của tôi trên talawas để đối đáp một bài chê bai Tân hình thức của Phan Nhiên Hạo. Người ta tự phong cho mình là “những nhà thơ trẻ bản lĩnh, tự tin” .
 
2. Thúy Vân và đàn con sẻ
Hạnh phúc cho tôi. Chỉ tội cho cây liễu, số phận hẩm hiu hơn Thúy... Vân. Cô Vân bị định mệnh bỏ rơi nên muốn làm đĩ mà không đặng. Cô đành lấy tôi, đẻ được trăm trứng. Năm chục trứng sẻ theo mẹ lên xe. Năm chục trứng gà theo cha về nhà. Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu. Từ đấy tôi không được gặp lại hiền thê và đàn con sẻ. Trứng gà thì tôi đã ốp la hết rồi, nhưng tình tôi đối với Vân vẫn nặng nên tôi chưa tái nạm. Ðó là chuyện riêng giữa nàng và tôi, hai tâm hồn trăm năm cô đơn trong một thế kỷ đã phai tàn. Nhưng cây liễu thì không vậy. Vì là liễu ngõ nên tới nay vẫn còn người trèo. Vừa được khóa sổ cổ điển lãng mạn, liễu đã phải lãnh thêm tấm thẻ siêu hình vô duyên. Chém cha cái số liễu đào, gỡ ra rồi lại cột vào như không! Hay là phải nói ngược lại: may thay cho cây liễu? Từ thế thụ động nằm ngửa, nó bỗng được đổi sang thế chủ động nằm sấp, mặc dù ẩn dụ này chỉ thích hợp với ta mà không thích hợp với tây, vì khi yêu đương say đắm mà chi, anh tây chị đầm thường chọn thế Upsidedownism nữ thượng nam hạ. Cưỡi ngựa xem hoa như vậy mới đã. Nếu nói khác đi thì nó [liễu] đã được đổi sex. Một số phận liễu yếu đã được người làm thơ giải phẫu, đổi giống, gắn cho cái mũi tên, trở thành hùng mạnh, rất thích hợp với những nhà thơ trẻ bản lĩnh.
 
 3. Dương vật tôi là mũi tên
Tôi có viết thêm mấy trang nữa về ẩn dụ cây liễu, cây liễu rủ bên hồ, và cây bạch dương hình tháp bút peuplier (tiếng Pháp), poplar (tiếng Anh), populus (tiếng La-tinh) nhưng vất bỏ. Nhiêu đó đã quá thừa. Thôi, không nên quan trọng hóa vấn đề, hãy vất nó vào sọt rác, còn khối chuyện thú vị hơn để làm trong năm mới. Thật ra chuyện tranh luận ai đúng ai sai không mảy may quan trọng đối với tôi, và tôi không cần đối đáp, nếu người ta đã không sử dụng những lời lẽ quá thanh tao. Thôi cũng là cơ hội ngàn vàng để rút tỉa bài học dân chủ. Muốn “an toàn trên xa lộ” thì nên tránh những lỗ bò tự do, những lỗ trâu hiện ẩu. Muốn chơi với chó thì phải khớp mỏ trước. Tôi chỉ giữ lại một đoạn thơ của tôi, nhại lại lời hay ý đẹp, cho độc giả xem thử coi nó có siêu nước, siêu thuốc gì không:
 
Thân thể tôi là cây cung,
                              dương vật tôi là mũi tên
Sự hoang bạo của dục tình làm mũi tên run lên
Như chuẫn bị bắn vào nỗi khát vọng chưa rõ mặt
Khởi nguồn dự cảm dâm ô
 
Và xin có thơ rằng:
 
Dưng không cây liễu hóa siêu hình
Gốc cam, gốc bưởi thế mà xinh
Người, hay cây cỏ đang gàn dở
Ðể trúc bơ vơ đứng đầu đình?
 
4. Cái mũ tí teo
Khi so sánh “mùa màng nhân loại” của Nguyễn Hữu Hồng Minh với “hy vọng xây ngày mới” của Tố Hữu, tôi không lắt léo (chữ dùng của tác giả bài Từ cây liễu lãng mạn tới cây liễu siêu hình) để chụp mũ. Sở dĩ tôi so sánh như vậy vì trong thơ cổ điển và thơ mới không có những giấc mơ tương tợ. Nếu tôi không lầm thì giấc mộng lớn của Tản Ðà không “nhân loại”? Chính người đặt ra câu hỏi đã lươn lẹo chụp mũ tôi, mặc dù đó chỉ là cái mũ tí teo không vừa đầu ngón út bàn chân Cậu bé Tí hon. Nếu muốn điểm mặt chỉ danh thằng tai to mặt nhỏ nào là chuột đồng chuột cống tôi không cần ném đá dấu tay. Ðừng lo cho tôi không ngửi nổi mùi cộng sản. Mùi gì tôi cũng ngửi được trừ mùi rởm. Xin lỗi, tôi không nợ nần cờ gian bạc lận với ai nên không cần “sòng phẳng”.
 
5. Ðứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ
Tôi không báng bổ, chửi Tiền nhân, rủa Nguyễn Du, hay bất cứ một ai. Tôi thử đọc lại thơ cổ và Truyện Kiều với một cái nhìn mới. Tôi nghĩ là ta cần đọc lại những tác phẩm nổi tiếng. Ðọc lại thơ tình Huy Cận, Xuân Diệu qua ý thức về sự đồng tính của hai nhà thơ này, chẳng hạn. Ðoạn cuối bài Học sinh như sau: “Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn / Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ / Một hôm trận gió tình yêu lại / Ðứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.” Trận gió tình yêu chỉ đến năm hai mươi là hơi... thỏ đấy nhé. Nếu Huy Cận cũng đồng tính như Xuân Diệu thì ta phải hiểu đoạn thơ kia thế nào? Ðọc lại bài “Áo lụa Hà Ðông”, chẳng hạn, và đặt ra những câu hỏi về sự thiệt hư của một chiếc áo lụa Hà Ðông, có mặt tại Sài Gòn vào những năm cuối thập niên 50 đầu 60, khi giới phụ nữ trung lưu thị thành chỉ mặc toàn hàng nhập. Về một “mùa thu dài lắm ở chung quanh”, chẳng hạn, trong một thành phố chỉ có hai mùa mưa, nắng.
 
6. Rõ thông minh
Tôi viết: “Ðại khái chúng tôi [Tân hình thức] không vũ trụ, không siêu hình, không ẩn dụ, không ngôn ngữ”, và được khen là “tung chưởng một cách khó hiểu”, là “nhại lại ý ‘Giữa chúng ta không nghệ thuật, không đồng hiện, không cấu trúc, không khúc xạ’ trong bài thơ Giữa Chúng Ta của Nguyễn Hữu Hồng Minh”. Tôi không nhại lại ý của ai hết. Vì bài Ê, muốn vào phải mua vé tôi viết trước khi bài Kho báu trong sân nhà mình xuất hiện, trong đó có trích dẫn đoạn thơ đã kể. Mà nếu tôi có nhại lại đi chăng nữa, thì tại sao câu văn của tôi khó hiểu hơn câu thơ? Ðã tung chưởng thì ai dại gì tung chưởng lép, mặc dù tôi không tung chưởng, và chưởng tôi không khó hiểu. Quan niệm chung về thơ của nhóm Tân hình thức thế nào, tôi trình bày lại thế ấy. Tất nhiên cũng phải có những cá biệt. Người ta đã ngạc nhiên: “Tôi có cảm giác bằng mọi cách ông cỗ vũ cho loại thơ này [Tân hình thức]. Rõ thông minh. Chẳng nhẽ ông tè, ông ị để cỗ vũ cho thơ lục bát à?
 
7. Các nhà làm khoa học thực sự và tôi
Ðể chứng minh rằng con người vẫn cần đến tôn giáo vì lý này hay lẽ nọ, người ta viết: “Có bao nhiêu nhà làm khoa học thực sự (may thay! NÐT) chứ không phải tay mơ thơ thẩn như ông và chúng tôi nhưng vẫn phải đến nhà thờ vào cuối tuần”. Lọa, các nhà làm khoa học thực sự (hay giả đò) vẫn phải đến nhà thờ vào cuối tuần là chuyện riêng của họ, chẳng ăn nhập gì tới tôi. Các nhà làm khoa học thực sự (hay giả dối) có thể có kiến thức về khoa học rộng hơn tôi, nhưng điều đó không khiến tôi là một tay mơ thơ thẩn như các ông bản lĩnh, tự tin đâu nhé, đừng có vơ đũa cả nắm. Các nhà làm khoa học thực sự (hay giả trá) cũng có thể là những kẻ có những tật xấu, thử hỏi các ông bản lĩnh, tự tin có bắt chước những thói xấu đó không? Riêng các ông bản lĩnh, tự tin, cuối tuần các ông có phải đến nhà thờ hay không? Mà cũng không thiếu những nhà làm khoa học chẳng bao giờ bước vô nhà thờ. Tôi chỉ nhặt ra một thí dụ trong nhiều ví dụ khác về cách tổng luận luôn luôn sai bậy.
 
8. Vẫn còn đầu óc nô lệ
Bởi đó chỉ là lập luận xưa cũ, khệ nệ khuân vác danh nhân kim cổ ra làm hậu thuẫn, khoe khoang, dọa nạt. Rõ như ban ngày, đó là lập luận Khổng Tử nói, Lê-nin dạy, Einstein bảo, Camus viết. Diễn từ của ông Nobel này, tuyên bố của bà Nobel kia. Các nhà làm khoa học đã thế đấy, các nhà làm văn nghệ đang thế này, phản ảnh thái độ khúm núm, choáng ngợp, không phải của những “não trạng đã chết” (chữ dùng để mạt sát tôi của một ông “đường hoàng và mạnh”) mà của những đầu óc nô lệ, cúi mọp. Người ta bảo tôi: “Xin ông đọc lại cho «Văn chương là gì?» của J. P. Sartre (Bản dịch trước giải phóng của Lê Thanh Hoàng Dân, bản dịch sau này của nhà văn Nguyên Ngọc cũng tuyệt hảo không kém.”
 
9. Một cái “broche” cho người yêu
Tôi ở hải ngoại thì làm sao mà đọc một bản dịch sau giải phóng, mặc dù tôi không cần đọc lại. Nhưng có nhắc tới mới nhớ Lê Thanh Hoàng Dân, dịch giả cuốn tiểu luận của Sartre (1948), và năm triết ở Jean-Jacques Rousseau. Hoàng Dân cao lớn, đẹp trai, một cây be bop. Và Nguyễn Bội Hoàn, nhỏ người hơn, hiền lành ít nói, đã chép cho tôi ca lời bài Que sera, sera, sau là bác sĩ quân y có mở thêm phòng mạch tư ở Long Xuyên, năm tôi xuống đó chấm thi và ăn canh chua đầu cá lóc. Xong trung học, tôi được gặp lại Nguyễn Bội Hoàn một lần cuối, trên công trường Lam Sơn gần quán Grivral, trong một chiều nắng đẹp, lúc tôi đã ra trường và anh còn học y khoa. Hôm đó anh đi tìm mua một cái “broche” cho người yêu và có nhờ tôi giúp ý kiến. Tôi đưa anh vào một tiệm bán mỹ phẩm và hàng thời trang và tất nhiên đã chọn dùm anh một món nữ trang Thái Lan, hợp với gu tôi lúc ấy, nhưng có thể không hợp gu người anh yêu, điều này khiến tôi còn áy náy đến ngày nay khi nghĩ lại, vì mặc cảm tội lỗi. Tôi nhớ Nguyễn Bội Hoàn vì tên anh (NBH) luôn luôn đứng trước tên tôi (NÐT) trên danh sách theo thứ tự abc. Mừng cho bạn hiền đã nên danh nên phận. Hoàng Dân thì cũng bán cháo phổi như tôi. Thôi hãy trở lại với cái chuyện uổng phí nhưng xin mở rộng.
 
10. Thiến chữ
Tôi đã thử phân tích hiện tượng sử dụng ẩn dụ nhưng được người ta khen “suy diễn rất chụp mũ kì quặc”. Tại sao? Tôi nghĩ cách viết của mình rất vô tư. Tiểu luận (essai / essay) nếu hiểu theo nghĩa đen thì là “viết thử”. Do vậy tôi ít khẳng định và hay sử dụng dấu chấm hỏi. Nhưng người ta đã biến những nghi vấn của tôi thành khẳng định. Tôi viết: “Gặt hái mùa màng nhân loại là không mới, đã từng là giấc mơ của các nhà thơ cộng sản như Tố Hữu”, một nhận xét tôi nghĩ là đúng. Và tôi có dẫn chứng thơ Tố Hữu. Nhưng vui thay, người thiến chữ đã đổi “mùa màng nhân loại” thành “mùa màng mới cho riêng mình”, rồi bảo là tôi “khiêu khích (không rõ với động cơ gì?): “Tại sao cứ phải là nhà thơ cộng sản? Một người làm nghệ thuật đích thực thì có quyền mơ gặt những mùa màng mới cho riêng mình, hay theo ông chỉ có nhà văn cộng sản mới mơ gặt những mùa màng văn chương còn tất cả các nhà văn, nhà thơ thuộc các trường phái, trào lưu, các hệ tư tưởng khác không có ước mơ và khao khát chính đáng này? Hoặc ngay chính bản thân ông, nhà thơ Nguyễn Ðăng Thường, chẳng một lần mơ điều đó? Vậy thì ông làm thơ, làm nghệ thuật, hay bây giờ tranh luận về Tân Hình Thức hay Thơ Tự Do để làm gì? Hay (xin lỗi, vì tôi buộc phải trích lại những ý của ông) chỉ lỗ đít, cương cứng, bài tiết, ị, chơi gái, làm tình.” Wow!
 
11. Mở ra một cái cửa
Ðã vấn thì phải đáp. Ðúng đấy: tôi (thật ra là ông già Buk chịu chơi ở Los Angeles) chỉ lỗ đít, cương cứng, bài tiết, ị, chơi gái. Mỗi ngày nếu tôi không ỉa vài cục là có “vấn đề” ngay lập tức, cần phải mở “cái cửa đó” (chữ dùng của Antonio Porcha do NHHM trích dẫn) ngay tức khắc. Siêu hình, Kinh Dịch, Kinh Phật, Kinh Thánh, Sát na, Triết học duy vật Samklaga của Chà Và, Le Moi et Non Moi thì có thể chờ tới mấy cái Tết Công Gô cũng đặng. Ðối với tôi món cà ri ngầu hơn món triết lí.
 
12. Ðích thực và mông giả
Chẳng có nghệ thuật nào là đích thực. Nó có thể đích thực với anh này nhưng là mông giả với cậu kia. Nghệ thuật đích thực của Cộng sản là Hiện thực xã hội Chủ nghĩa xã hội. Với các ông Taliban thì không có văn chương, nghệ thuật nào đích thực trừ cuốn kinh Kuran. Vì vậy, nghệ thuật và ước mơ khao khát của lũ heo này sẽ không đích thực và chính đáng với lũ chó kia. Do vậy mới sinh ra những trường phái mới, những chủ nghĩa mới. Nói cách khác, đích thực và chính đáng chỉ là do bởi cái nhìn chủ quan. Ngoài ra, không phải cứ đích thực chính đáng nhặng cả lên là những cái gì mình đẻ ra sẽ đi vào giảng đường và viện bảo tàng. Giả dụ nếu văn nghệ cộng hòa ở Sài Gòn trước 75 là đích thực, thì trong cái đích thực đó cũng không thiếu những cái mông giả, là những tác phẩm vô giá trị. Và ngược lại, ví dụ văn nghệ cộng sản ở Hà Nội trước và sau 75 là mông giả, thì trong cái mông giả đó cũng có nhiều cái đích thực, là những tác phẩm có giá trị. Nhưng sự phân chia giữa có và vô giá trị thỉnh thoảng cũng cần được duyệt lại. Cứ làm văn nghệ đi. Trong im lặng và tự tin. Siêu hình, đích thực, chính đáng hay không thì cứ từ từ để cho người đời và lịch sử phê phán cũng chẳng muộn.
 
13. Năm phút giải lao với Người Bỉ ồn ào
Ồn ào, bằng tác phẩm (400 truyện và ký) và tuyên bố (10.000 phụ nữ ). Người Bỉ ồn ào là Georges Simenon (1903-1989), nhà văn người Pháp gốc Bỉ viết truyện trinh thám, mà năm nay là năm kỷ niệm 100 năm năm sinh, được đánh giá lại là một nhà văn lớn của thế kỷ 20. Thời gian đã chửa được chứng cận thị của các ông phê phán? Công lý đã được thi hành nghiêm chỉnh? Tiếc thay ông cò Maigret ngậm ống vố biết nói đủ các thứ tiếng trừ tiếng ta.
 
14. Nhàvăn “tiểu thuyết xám”
Nhà viết tiểu luận Jean-Baptiste Baronian gọi Georges Simenon là nhà văn “tiểu thuyết xám” để đối chiếu với các nhà văn “tiểu thuyết đen” của Mỹ. Những ngõ ngách của Paris, tình yêu, rượu vang, thơ nhạc và những cái... xác chết. Tâm hồn, nhịp tim đam mê và rũ rượi của người Paris, ga Lyon đèn vàng, chiều mưa quán nhỏ thuốc lá cà phê, buồn này ai có mua và những cái... xác chết. Sự ngột ngạt của những nếp sống ngăn nắp, một hôm chợt thức tỉnh muốn bỏ đi thật xa, thật xa, và những cái... xác chết. Những đại lộ thênh thang, hay con đường dốc nhỏ dẫn lên ngôi nhà thờ cổ phai sắc như tranh Utrillo. Những mái nhà xám, bầu trời bị cấu cào không một gợn mây, hàng cây mùa đông trụi lá bên dòng Seine, những cao ốc vắng lặng thẳng đứng những nét đen đậm như tranh Buffet. Một Paris bưu ảnh đen hay màu, đầy chất thơ bày hàng chợ, như đôi mắt Elsa “trăm lần bắt gặp trăm lần đánh mất”, trên gương mặt lém lĩnh thôi miên của một tên “voyou” mũ kết mà tôi thủa nào, như Francois Villon thủa xưa, hay Genet thủa ấy, đã liều lĩnh nối gót vào một ngõ cụt im vắng dang tay thánh giá trong bóng đêm lãnh nhận nhát dao ngọt lịm, để hoài cảm trong đáy tim và không bao giờ gửi cho bạn bè? Ðọc Balzac và yêu Paris hiện thực. Ðọc Proust và yêu Paris quý phái. Ðọc Simenon và yêu Paris sang trọng. Tôi đã tóm lược những văn nghiệp mênh mông bằng những khẩu hiệu quảng cáo nghèo nàn.
 
15. Những ngày mai không ca hát
Tôi không mơ gặt một mùa màng nhân loại hay cho riêng mình. Một, vì tôi không thích mơ mộng lăng nhăng. Hai, vì các mùa màng nhân loại đã có các bác Stalin, Mao, Hồ, Hitler, Pol Pot... các thế hệ cha anh, mơ và gặt dùm tôi rồi. Tôi không cần ai mơ và gặt dùm tôi nữa. Thiển nghĩ, người Hà Nội có thể thích thịt chó nhưng xin chớ biến nó thành mùa màng nhân loại. Ẩn dụ “gieo/gặt” thuộc về thời đại nông nghiệp, văn chương cộng sản đã lạm dụng nên trở thành sáo ngữ, chẳng còn ai tin tưởng vào những ngày mai ca hát. Ngay cả giấc mơ lớn khá thực tế là toàn cầu hóa cũng đã bị chửi chê không ít. Tôi làm thơ, làm nghệ thuật chưa ai mua, nên chẳng để làm gì cả. Hay chỉ để mua vui. Nhưng vui ít buồn nhiều. Như khi viết bài này.
 
16. Những con khỉ mắc phong siêu hình
Ðúng đấy, những người làm thơ tân hình thức nam nữ hải ngoại và quốc nội đều “toàn là những tay như thế” (chữ dùng của người ta), một lũ “Lạc Ðường”, “Lạc Chợ”, “Lạc Nhách” (chữ dùng của Nguyễn Quốc Chánh), nên họ không còn biết sử dụng hình ảnh/ẩn dụ văn hóa làng xã “chiếu thơ Tân Hình Thức”. Họ đều là những con khỉ bất hạnh đáng thương chưa được mắc phong siêu hình, và họ đã quên sự nghiêm chỉnh trịnh trọng truyền thống khăn đóng áo mượn trên “chiếu văn chương”. Diễm Châu với tôi là bạn thân từ mấy chục năm nay. Bài “Tưởng niệm” mà người ta trích dẫn để dạy khôn tôi, đã do chính tôi chọn cùng với “Bài ca trên đồi”, để gửi cho tờ Việt, nhân dịp nhà thơ Diễm Châu nhận Giải thưởng Quốc tế Lucian Blaga về Dịch thuật năm 2000. Không tin thì cứ hỏi chủ bút Nguyễn Hưng Quốc. Tôi kể chuyện trích dẫn bài thơ ấy cho Diễm Châu nghe. Diễm Châu lại dại mồm dại miệng cười xòa: Nó mang bố nó ra đập. Người ta viết: “Tân Hình Thức không khéo chỉ là một cái xưởng chế tạo mông mác thơ mà ông [Nguyễn Ðăng Thường] làm quản đốc ăn lương tháng”. Ngon lành. Tân hình thức như là cái Factory ở New York và tôi là Andy Warhol của Tân hình thức. Hình ảnh khuôn sáo, ẩn dụ tào lao. Thực tế: mỗi năm anh em chung tiền in được hai số Tạp chí Thơ là đã hộc xì dầu rồi.
 
17. Cadavre exquis
Người ta lại viết: “Thơ không phải muốn làm hay không muốn làm (xin lỗi đó chỉ là bọn đục đẽo, hàn gò, chấp vá thơ...) Thơ còn là một điều bí mật. Nói như Nguyễn Hữu Hồng Minh: “Giải đáp thấu triệt về thơ chỉ là một khát vọng siêu hình”. Tôi quáng gà nên đọc thơ bí mật chỉ thấy bí gan bí ruột. Lại phải mở thêm “một cái cửa”. Vì “Người ta mở cho tôi một cái cửa, tôi bước vào và thấy mình ở trước một trăm cái cửa đóng” (Antonio Porcha do NHHM trích dẫn). Tôi cứ ngỡ quan niệm vần vè, đục đẽo, chấp vá là thơ dở, đã được các nhóm Dada, Siêu thực cho hui nhị tì lâu rồi, lâu lắm rồi, với trò ghép chữ “cadavre exquis” (tử thi tuyệt diệu/tuyệt ngon). Thiển nghĩ, có thơ nào mà không đục đẽo, hàn gò, chấp vá cả chục cả trăm lần đâu? Trừ ứng khẩu thành thi “Xuân xanh nay độ trăng tròn xế / Chồng đà chưa có có trăm bê”. Hình ảnh thợ/xưởng “tầm thường” là di tích của thế kỷ 19, khi nền công nghiệp còn phôi thai. Ngày nay computer biết sáng tác thơ, nhạc, tranh. Máy móc điện tử có cơ nguy sẽ lấn át con người. Phim Mỹ thắng thế nhờ có “special effects” tuyệt vời do computer sáng tạo. Các “games” cho trẻ con và người lớn ngày càng nhiều, có thể trở thành một thứ nghệ thuật thứ tám chăng? (dù có nhiều games rất hung bạo). Có thể khoa học với kỷ thuật “đổ khuôn/đúc người” (cloning) sẽ khiến con người thành bất tử chăng?
 
18. Chiều Phong Dinh bóng chữ động siêu hình
Ðối với các trí thức/nhà văn Pháp, Camus chỉ là trình độ triết trung học. Người ta dạy khôn cho tôi: “Ngay như trong “Sổ Ghi” của Albert Camus (nhật kí xuất bản sau khi ông mất) điều bận tâm của nhà văn trong những ngày tháng đó chính là Nỗi Sợ Hãi. Thậm chí ông còn viết khá siêu hình “Vâng tôi sẽ chết ngay lập tức nếu tôi không tin rằng ở bên kia có nỗi khủng khiếp đang chờ tôi”. Câu thơ “Ta nhặt những từ lang thang trong vô biên / ánh sáng của nó, tất nhiên / sẽ dựng nên bài thơ mù lòa” của Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng siêu hình như vậy”. Láo. Lý luận dựa hơi. Câu ghi chú và câu thơ chẳng ăn nhập gì nhau. Câu ghi chú có thể siêu hình đối với những kẻ thích siêu bóng. Với tôi nó chỉ là ngụy ngôn. Camus sợ chết, chấm hết. Hễ thấy có “ở bên kia”, “lang thang”, “vô biên” thì mừng húm như bắt được vàng, cho là chiều Phong Dinh (Hồng Minh) bóng chữ động siêu hình tưới xượi. Phê bình không phải là cứ lải nhải két vẹt ý kiến, tư tưởng của người khác, nhất là những tư tưởng đã cằn cỗi. Không phải là suy bụng ta ra bụng người, chữ ông nọ lắp bút ông kia, chửi mắng sỉ vả thậm tệ không tiếc lời nếu có người không đồng ý với mình.
 
19. Hỗn độn, rối rắm, lấp liếm, sơ hở, bê-tông
Khi viết bài Ê, muốn vào phải mua vé tôi không tranh luận với tư tưởng Heraclite, Descartes, Mallarmé, Einstein, Sartre, Camus. Có thể tôi không biết các ông này là ai. Có thể tôi có đọc nhưng không còn nhớ. Thật ra tôi không tranh luận với ai cả, chỉ trả lời Phan Nhiên Hạo. Vì Tân hình thức được khen tặng ồ ạt. Khế Iêm: “Chúng tôi không khai chiến với ai, dĩ nhiên (Nước thanh bình ba trăm năm cũ)”. Xin chớ quên rằng chúng tôi được bốc thơm trước, không dè sẻn, bằng những lời hoa mỹ. Chúng tôi bội bạc vô ơn, ăn cháo đập bát, chó cắn tay người đút xương. Bây giờ chúng tôi lại dở trò lỗ mãng, dùng ngôn ngữ đá cá lăn dưa gọi người khác là anh Hai này nọ. Vậy là có ngôn ngữ bất đồng rồi đó. Ðúng quá: “Thật là uổng phí khi tranh luận với tôi.”  Uổng phí nhưng cớ chi lại xin mở rộng? Tôi tự mâu thuẫn với chính tôi, rồi tôi chê chửi người khác là hỗn độn, rối rắm, lấp liếm, sơ hở, bê-tông là thế nào?
 
20. Einstein và đóa hồng
Ðộc giả được nghe bình thơ và chú thích thế này: “Tôi đâu phải người câm (CAÂM: Không nói được) sao nói như người điếc (ÐIẾC: Không nghe được)” Tôi được chất vấn thế này: “Thưa ông Thường, ông nghĩ sao về câu này của Einstein: “Nhìn bông hoa mà không thấy sự huyền bí của bông hoa”. Tôi không huyền nhưng , phải i meo nhờ cụ Apollinaire trong Père-Lachaise trả lời dùm: “Hơ hơ! Thưa em Ba, anh Hai nhìn vào bông hồng không thấy mít te (mystère) chỉ thấy một con bọ sè sè, hơ hơ.” (“Et tu observes au lieu d’écrire ton conte en prose / La cétoine qui dort dans le coeur de la rose”, Zone). Tại sao ông Einstein không nhìn một bông hoa nào khác để suy tưởng? Trong cục cứt chó hay trong cái lỗ đít trâu cũng có sự huyền bí. Nghiêm chỉnh mà nói, thì chắc ông Einstein đã nhìn vào một bông hồng có nhiều cánh, tuyệt đẹp (“một giấc ngủ say dưới những làn mi khép kín”, nói như Rilke, trích dẫn theo trí nhớ không thật chính xác), nên dễ nhìn thấy sự huyền bí hay bàn tay đấng Tạo hóa. Nhưng trên thực tế thì bông hồng đó đã do con người sáng tạo bằng cách pha giống từ nhiều đóa hồng dại chỉ có năm cánh. Chúng là hoa của những bụi cây gai bên Tàu và miền Cận Ðông. Các bông hồng tuyệt đẹp mà ngày nay ta có được là hầu hết do người Anh pha giống, và ông Einstein chắc đã nhìn thấy sự huyền bí trong những đóa hồng này.
 
21. Một cái fatwa?
Ðể kết thúc một bài viết mà người ta có vẻ khá tâm đắc vì người ta khiêu khích “nếu không còn viết được gì xin ông cứ mèo đen, mèo đỏ cho dvui dvẻ”, người ta nghiêm mặt nhắc nhở/hâm dọa tôi: “Và một lần nữa, tôi muốn nhắc chừng ông rằng từ nay về sau hãy đừng mang nỗi đau hay sự thù hằn của ông mà trút bỏ cho các nhà thơ trẻ. Mỗi nhà thơ có một số phận và một thời đại của mình. Các nhà thơ trẻ VN có thừa cách nghĩ và dự định sáng tạo trong cảm thức thời đại của họ. Cách chửi bới thâm thù như ông là xưa cũ lắm rồi. Tôi đành hát lại một câu của ông, “em ơi có hoa nào không tàn, có tình nào không phai...”
 
22. Những thùng rác siêu hình
Cải lương (xin lỗi cải lương) buồn cười hết chỗ nói nhưng tôi nén cười. Xin hét, tôi chỉ là một Chiếc Thùng Rỗng không còn cảm xúc mạnh. Nếu có được Nỗi Ðau hay Sự Thù Hằn thì tôi sẽ tưng tiu chứ không dại gì đem trút bỏ vào CÁC THÙNG RÁC. Các nhà thơ trẻ VN đã suy bụng ta ra bụng người rồi đó. Chưa gặp thì làm sao mà thâm? Thiển nghĩ, chỉ sáng tạo trong cảm thức thời đại thì quá tầm thường, nếu không muốn nói là chậm trễ. Các tác gia lớn thường tiên phong đi trước thời đại của họ. Ô kìa, sao đành hát lại một câu của tôi? Các nhà thơ trẻ VN có thừa cách nghĩ mà không tìm được một câu đối đáp nào hay ho hơn thế à? Xin thưa, hoa tàn tình tan là của ông Tà ánh xao, phòng trà ca nhạc Sài Gòn thập niên 60, đã xưa cũ lắm lắm rồi. Tôi già nua nên đi tìm thời gian đã mất. Các nhà thơ trẻ VN thì phải đi nhặt tương lai chứ.
 
23. Những người tình búp bê xinh
Bây giờ là đang thế kỷ hăm mốt, có nhiều loài hoa đực hoa cái bất tử. Ðó là những mỹ nam mỹ nữ life-like male female sex love blow up dolls, những người tình búp bê thổi phồng bày hàng chợ trời i tờ nết ai muốn ái yêu hay hiếp dâm cũng đặng. Cậu nào cũng xinh, cô nào cũng xắn với tủ áo thời trang, sexy lingerie. Các nàng Jill with realistic breasts and tight vagina and sucking mouth $149; Christy with sucking mouth and removable vagina $169; Nina with molded face, vibrating breasts, soft jelly vagina and anus with nubs $169, vân vân. Các chàng Gladiator with supersoft tongue that vibrates and penis $169; Jason with open mouth, 7 inch dong that vibrates, 2 love passages $179; Julian with rotating tongue and cock muscular body and tight ass $199, vân vân. Tình thì bất biến, vẫn mênh mông, vẫn tràn đầy, vẫn quanh đây, yêu mãi ngàn năm giọng tóc em buồn không cạn nhờ có Viagra, Ecstasy, Dildo, vân vân. Các nhà thơ trẻ VN có cảm thức nổi các thứ đó hay không, dù là văn hóa AÂu Mỹ, tuy họ vẫn thích kể lể các tác giả Tây phương?
 
24. Ðồ đĩ chó, cho mày chết tiệt
Eminem, hiện là ca sĩ rap số 1 của nước Mỹ, tên tuổi đang phồng như bánh phồng, nhờ các CD bán chạy nhất trong hai năm qua, và cuốn phim 8 Mile đang trình chiếu khắp nơi. Phim này kể lại cuộc đời một thiếu niên Mỹ trắng, nghèo, trong khu phố ghetto da đen ở Detroit, đã trở thành một ca sĩ rap, dựa trên tiểu sử của anh. Eminem trong một buổi diễn lộ thiên đã mang lên sân khấu một Sex Doll. Anh vừa cầm dao đâm con búp bê vừa rap “Bleed, bitch, bleed” (tạm dịch: cho mày chết tiệt, đồ đỉ chó, cho mày chết tiệt). Không phải để được “giết người trong mộng trả thù duyên kiếp phảng phù”, như một nhà thơ VN hình như cũng đã được gọi là siêu thực, siêu hình, mà để tru di tam tộc bằng biểu tượng cô vợ trẻ tên Kim của anh, trong một bài rap cùng tên. Ô hay! Mỗi nhà thơ chỉ có một số phận và một thời đại thôi à? Thích nhỉ? Tôi thì chí ít đã có tới ba thời: thuộc địa, cộng hòa, hải ngoại. Số phận thì chưa đếm, nhưng có voi có chó đủ cả, trừ bồn cầu thơm tho.
 
25. Câu chuyện một dòng sông
Không uyên thâm như người ta nên tôi chưa được biết các câu danh ngôn “Tôi tư duy là tôi tồn tại” (Descartes), “Con người là một cây sậy nhưng là cây sậy biết suy tưởng” (Pascal), “Sáng tạo là một hiệu ứng từ bên trong, sáng tạo là nhớ lại” (Réminiscence?). Nhưng tôi thường được nghe các câu ranh ngôn này: “Con  người  là  một  cây gậy nhưng  là  cây  gậy  không làm mưa mà hay  dối vợ  đi  đ... bậy” (Georges Simenon?), “Tôi mua sắm là tôi tồn tại” (Imelda Marcos?), “Tôi khủng bố là tôi hiện hữu” (bin Laden?), “Sáng tạo là một hành động từ bên ngoài, sáng tạo là ăn cắp” (Camilo José Cela?). Tôi được tặng “một câu nói nổi tiếng của Heraclit trong ý nghĩa cao rộng và đẹp đẽ của nó: Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Tôi cũng có một câu nói nổi tiếng, chẳng biết của ai. Vì đã khét tiếng, nghĩa là mọi người đều biết, nên khỏi cần biếu tặng: “Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng nước nhưng tôi có thể ị cả trăm lần trên một dòng sông.” Vâng. Vài câu ranh ngôn mốc meo. Mấy cái tên tuổi cũ mèm. Kiến thức tôi chỉ bấy nhiêu thôi. Nói tóm lại, sự dốt nát đáng thương hơn đáng chê cười, nên tôi sẵn lòng bỏ qua tha thứ cho tôi. Trong lỗ đen vũ trụ lóe lên một câu thơ xập xòe trửng giỡn vần vè.
Je chie, donc je suis.
 
© 2003 talawas