Chương X – Vùng núi An Tai hay là yếu tố Mông Cổ trong Việt ngữ
Khi sách nầy chưa in xong, chúng tôi có dùng Chương I để làm một cuộc thuyết trình, sau buổi nói chuyện thân mật, có chừa thì giờ cho quý vị thính giả nêu thắc mắc.
Một vị giáo sư có khuyên chúng tôi, khi ám chỉ đến quyển
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (chớ không phải đến buổi thuyết trình) rằng nên cẩn thận khi chủ trương rằng Nhựt ngữ chứa đựng 65% tiếng Tàu và 35% tiếng Mã Lai.
Theo vị giáo sư thì Nhựt ngữ có chứa đựng dân tộc Mã Lai là khám phá của chính một nhà ngữ học Nhựt. Nhưng các nhà ngữ học Âu Mỹ kiểm soát lại thì thấy rằng dân tộc Mã Lai trong Nhựt ngữ rất ít và thuyết của nhà ngữ học Nhựt bị bỏ quên luôn.
Tưởng đây là một vấn đề hay, chúng tôi trình bày lại thật rõ chủ trương của chúng tôi để tự bào chữa và để tự cho thấy rằng các ông Nhựt ông Tây đều không đúng.
Khi thuyết của nhà bác học Nhựt ra đời thì chúng tôi cũng hay biết, nhưng có một điều mà nhà bác học đó không hay biết, mà cho tới nay các ông Tây cũng chưa biết là có hai thứ Mã Lai: Austroasiatiques và Anstronésiens, mà Tàu gọi là Lạc bộ Mã và Lạc bộ Trãi, hai thứ đó chỉ giống nhau về ngôn ngữ có 40% mà thôi, vì khi dời Himalaya, định cư ở các địa bàn khác thì họ sáng tác khác hết.
Phân biệt họ là các nhà tiền sử học mà công trình không được các nhà ngữ học biết. Và các nhà ngữ học chỉ tiếp tục biết có một thứ Mã Lai độc nhứt là Mã Lai Nam Dương vì dân đó đang tự xưng là Mã Lai.
Trong quyển sử, chúng tôi trình bày rõ là Nhựt Bổn là Mã Lai hỗn hợp y hệt như Việt Nam. Nhưng các nhà ngữ học cứ chỉ biết độc có một thứ Mã Lai thì họ bác nhà bác học Nhựt hơi oan. Với lại chính nhà bác học Nhựt đó cũng chỉ biết có một thứ Mã Lai độc nhứt.
Thế thì trong số vốn Mã Lai mà Nhựt còn giữ được là 35%, chính nhà bác học Nhựt và các nhà ngữ học thế giới cũng chỉ thấy có 7% danh từ Mã Lai, còn văn phạm thì không có Mã Lai gì hết.
Tại sao là Mã Lai hỗn hợp, thì đáng lý phải có 2/3 = 17,5% danh từ Nam Dương, thế mà lại chỉ có 7%? Vì người Nhựt biến nát danh từ Nam Dương hết, không chuyên môn không thể nhận ra.
Chúng tôi xin trình ra một thí dụ: ”Hiện nay và BÂY GIỜ” người Nam Dương nói là MASA INI.
INI là trạng từ chung của chủng tộc mà ta còn giữ được dưới hình thức NI, NẦY, v.v. Nhựt cũng giữ được hồi cổ thời. Nhưng họ bị hậu duệ của Phù Tô tràn ngập hồi cuối nhà Tần, thành thử họ bị truyền nhiễm cú pháp HIỆN ĐẠI. Thế nên họ dời INI, để trước MASA, nó hóa ra là INI MASA = HIỆN ĐẠI. Ini masa được dùng mãi cho đến thời canh tân thì họ lại viết dính các danh từ của họ lại, vì bắt chước Tây (tức cách đây không lâu).
Trong cuộc viết dính đó, NI bị nuốt và SA bị nuốt, nên nay chỉ còn IMA. Khi so MASA INI với IMA, không còn nhà bác học nào mà biết hai tiếng đó cùng gốc mà ra hết.
Thế nên sự thật có 17% tiếng Nam Dương, nhưng các ông chỉ biết có 7%, rồi các ông chê rằng thuyết đó sai. Nhà bác học Nhựt cãi không được cũng đành chịu thua. Vả lại vào năm mà nhà bác học Nhựt đó khám phá ra sự kiện nói trên thì khoa tiền sử học làm việc chưa xong. Khoa học chưa thấy dấu vết di cư của chủng Mã Lai từ Đại Hàn xuống Đông Nam Á. Như thế, ngôn ngữ của hai đàng phải giống nhau 100% họ mới nhìn nhận, phương chi lại giống nhau có 7% nhưng cũng đã nát hết như MASÉ biến thành MAĐÁ, MATI biến thành NAKI.
17% danh từ Lạc bộ Trãi thì không bao giờ được ai biết cả. Nhà bác học Nhựt đó đã khám phá một sự kiện lớn lao, cũng không biết có bọn Trãi trên đời nầy. Các ông Tây lại càng không biết hơn, vì các nhà bác học Âu Mỹ làm việc ở Đông Bắc Á không có làm việc ở Đông Nam Á và ngược lại. Không có ai ở Đông Bắc Á mà biết tiếng Việt Nam và tiếng Thượng Việt cả.
Danh từ của bọn Lạc bộ Trãi là bọn thua trận bị phe Thiên Hoàng là Lạc bộ Mã lãnh đạo, tuy ít bị biến sai như danh từ Nam Dương, nhưng không ai biết tiếng Việt Nam và tiếng Thượng Hải thì làm sao đây?
Thí dụ, con sán (xơ mít) của ta thì Nhựt gọi là SANA. Sana đâu phải là tiếng Nam Dương, nhưng các ông chỉ biết có tiếng Nam Dương, thế mới chết. Cái SỪNG của ta, Nhựt gọi là TSUNO, cũng đâu phải là tiếng Nam Dương, thế nhưng các ông chỉ biết tiếng Nam Dương thì làm thế nào?
Vậy các ông bèn kết luận rằng Hàn ngữ và Nhựt ngữ thuộc dòng An Tai ngữ.
Văn phạm của Nhựt như thế nầy:
Ở đây chi có con chó là có hay không?
Ta nói:
Ở đây có con chó hay không?
CHI, người Nhựt nói là NÔ, nhưng đó cũng là sự truyền nhiễm của 127 huyện của Phủ Tô, chớ Mã Lai không bao giờ có cú pháp đó. Tuy nhiên họ vẫn khác Mã Lai ở điểm động từ CÓ bị dời ra đàng cuối câu.
Nhưng không vì thế mà phủ nhận họ là Mã Lai được. Về vấn đề văn phạm bị biến, chúng tôi đã nói nhiều trong quyển sử. Chính danh từ mới trường tồn, còn văn phạm thì rất dễ bị mất, ngược hẳn với tin tưởng của mọi người.
Vậy ông Nhựt và ông Tây không nhận diện được 8% tiếng Nam Dương trong Nhựt ngữ và tuyệt đối không biết 17% danh từ của Lạc bộ Trãi tức của Đại Hàn, Việt Nam và Thượng Việt. Đại Hàn gọi con chó là con KAI (con cầy) khiến các ông Tây điếc tai, cho đó là tiếng Mông Cổ! Họ gọi TRĂNG là TAL, các ông Nhựt cũng điếc tai luôn, vì Nhựt đã quên danh từ Trăng của chủng tộc vay mượn của Tàu hàng trăm năm rồi: Nguyệt ( yụyt ( Tsuk (i).
Đó là danh từ của Lạc bộ Trãi mà Đại Hàn là Lạc bộ Trãi thuần túy 100%, không dùng lấy một danh từ Nam Dương nào hết như Nhựt và ta đã dùng.
Chúng tôi cảm tạ vị giáo sư tử tế đó, đã lưu ý chúng tôi đến một điểm có thể sai lầm to mà uổng công học hỏi. Nhưng chúng tôi sẵn sàng đối thoại với các nhà bác học Âu Mỹ, nếu họ thèm đếm xỉa đến chúng tôi.
Và chúng tôi đã có bồ rồi. Theo tiết lộ của giáo sư Nghiêm Thẩm thì Nhựt cũng đã chợt biết trên đời nầy có bọn Trãi mà chính ta và Thượng Việt là Trãi. Họ có đến Sài Gòn để nghiên cứu có ghé thăm giáo sư để tâm sự, nhưng không biết họ đã hay biết rằng:
Sana = Sán (xơ mít)
| (Việt Nam)
|
Tsuno = Sừng
| (Việt Nam)
|
Mau = Múa
| (Việt Nam)
|
Mai = May
| (Việt Nam)
|
Arau = Rửa
| (Khả Tu)
|
Inú = Anuk
| (Khả Tu)
|
Hay chưa? Đó là danh từ của Trãi mà Nhựt và ta với Thượng Việt đều giống hệt nhau, người Nam Dương không có trừ Kơmarau = Rửa
Kamu = Cắn
Kamiau = Cắn nhau
Rõ như ban ngày.
Ấy đó, cái 35% tiếng Mã Lai trong Nhựt ngữ, thành phần nó như thế đó, nhưng lại có 17% danh từ Trãi mà không nhà bác học nào biết hết, còn lại 17,5% danh từ Nam Dương thì các ông chỉ nhận diện được có 7% hóa ra không đáng kể và khám phá của nhà bác học trên bị bỏ trôi là vì thế và buồn lắm là chính người khám phá cũng đánh chịu Forfait khi mà người ta cho thấy rõ là chỉ có 7,5% thì không thể nói rằng là chỉ có 7,5% thì không thể nói rằng tiếng người có gốc Mã Lai được.
Khi mà KIRI của Chàm và của Nam Dương có nghĩa là Bên trái, bị nông dân miền Trung Việt biến thành RÌ để điều khiển trâu cày, thì thiên hạ nhận diện còn được, chớ Nhựt biến thành HAĐIRI thì chỉ có trời mà biết rằng KIRI và HAĐIRI đồng gốc Mã Lai.
Bây giờ chúng tôi xét qua chủ trương Âu Mỹ cho rằng Hán ngữ và Nhựt ngữ thuộc gia đình An Tai ngữ, xem nó có đúng hay không, chúng tôi đã bác bỏ chủ trương ấy trong cuốn sổ của chúng tôi.
Trong quyển
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chúng tôi đã cực lực bác bỏ chủ trương của sách Âu Mỹ cho rằng Hàn ngữ và Nhựt ngữ gốc là ngôn ngữ của vùng núi Altai (tây bắc nước Tàu) và cho rằng hai ngôn ngữ đó chỉ là đó chỉ là Mã Lai ngữ.
Các ông Tây đã học rồi nên mới dám viết như vậy, nhưng chúng tôi lại cả gan bài xích các ông, không phải là cãi bướng mà vì các ông ăn nói không minh bạch, khiến cả thế giới đều hiểu lầm.
Cho hay, khoa học không thể nói mù mờ như người thường mà phải chính xác, nên chúng tôi phải bác bỏ, vì mặc dầu các ông nói đúng, nhưng thiên hạ lại hiểu sai.
Vùng núi Altai hồi cổ thời chia thành hai khu vực rõ rệt. Ở tây nam, người dân là Nhục Chi, nói tiếng Ấn Âu, tức tiếng Tây. Đó là xứ Thổ Lỗ Phồn. Khu tây bắc là địa bàn Mông Cổ, mà về sau Mông Cổ đặt Kinh đô Quaraqo- roum của họ ở đó.
Khi vùng đại danh vùng núi Altai thì ai muốn hiểu sao cũng đúng cả, nhưng thiên hạ lại hiểu là vùng Tây Nam, tức vùng Nhục Chi và Hàn ngữ và Nhựt ngữ là tiếng Tây.
Chúng tôi cũng đã dịch Altai là Tây Vức trong quyển sử của chúng tôi, không phải vì chúng tôi không biết rằng các ông Tây nói đúng, họ chỉ nói không minh bạch mà thôi nhưng chúng tôi có mục đích bác bỏ ngay vì giấy sắp lên giá khi in quyển đó, chúng tôi phải lọc bớt trang thì không thể nói dài dòng được mà hễ nói tắt là phải bác bỏ.
Vậy đại danh mơ hồ vùng núi Altai của sách Âu Mỹ chỉ có nghĩa là Mông Cổ. Nhưng nếu chúng tôi dịch đúng thì phải giải thích dài dòng, mà các ông Tây cũng không nói đúng hơn gơ-ram nào cả.
Ba dân tộc : Đại Hàn, 2/3 Nhựt Bổn và 2/3 Việt Nam đều là Mã Lai Hoa Bắc nước Tàu, chớ không làm sao mà họ lại nói tiếng Mông Cổ như các ông Tây đã lầm.
Nhưng các ông Tây đã lầm vì quả trong Hàn ngữ và Nhựt ngữ có yếu tố Mông Cổ. Việt ngữ cũng mang chút ít yếu tố Mông Cổ nhưng các ông Tây không biết nên không nói đến Việt Nam.
Tại sao ba ngôn ngữ đó lại mang yếu tố Mông Cổ? Vì Lạc bộ Mã có lai giống với Mông Cổ trên một tỉ lệ 1/15 như sọ ở hang làng Cườm đã cho thấy. Riêng Đại Hàn và Nhựt, vì ở quá gần đó nên yếu tố Mông Cổ về sau, tức sau cuộc hợp chủng lần đầu, lại tăng thêm, nhiều nhứt là Đại Hàn. Nhưng các yếu tố Lạc bộ Trãi thì các ông Tây mù tịt, nên không bao giờ nói đến, mặc dầu đó là yếu tố căn bản, ít lắm cũng trong Việt ngữ và Nhựt ngữ, còn trong Hàn ngữ thì quá ít, nhưng vẫn có. Đại Hàn mất gần hết danh từ của Lạc bộ Trãi, nhưng cứ còn.
Các ông không biết hai điều:
I - Không biết có Mã Lai đợt I tức Lạc bộ Trãi,
II - Không biết là Lạc bộ Trãi có lai giống với Mông Cổ tại Hoa Bắc.
Nhưng cái sọ ở hang làng Cườm đã gạt gẫm các ông Tây ở Hà nội và các ông cho là lai Tàu, mà lai tại cổ Việt, tức Tàu đã tới xứ ta từ 5000 năm rồi.
Nhựt có tĩnh từ XIUUA, mà các ông kí hiệu theo Anh là SEWA, mà riêng Nhựt đã dùng để chỉ tới hai văn thể của họ là SETSEWA và SEWA MONO.
Các ông Tây có biết tiếng Mông Cổ, và thấy trong Hàn ngữ và Nhựt ngữ có một số danh từ Mông Cổ, nhưng không hề có SEWA và MÔNÔ chỉ có MÓN của Lạc bộ Trãi.
Ở Nhựt SETSEWA = TÍCH XƯA = LÉGENDE
Còn MONOSEWA = một thể kịch diễn tuồng Phong tục, vì xưa cũng có nghĩa Phong Tục, trong Sơ Đăng ngữ.
Vậy trong cả ba quốc gia Đại Hàn, Nhựt Bổn, Việt Nam đều có một số danh từ Mông Cổ mà không ai dè, không dè nhứt là ở Việt Nam.
Danh từ KẺ là danh từ của Mông Cổ, có nghĩa là người dưới hình thức sau đây KÉ. KẺ CHỢ có phải chăng là người ở chợ?
Mông Cổ: Ké
Cao Miên: Kê
Việt Nam: Kẻ
NGƯỜI chỉ là một danh từ do một ngữ nguyên khác tạo ra.
KẺ đẻ ra CON.
Nhưng CON và NGƯỜI ra đời rồi mà KẺ vẫn còn được thịnh dụng, qua câu ca dao tương đối mới, biết rằng nó mới vì trong đó có danh từ TIỀN và CAU. Hồi cổ thời ta đâu có nói Cau mà nói là NANG, y hệt như Chàm và Mã Lai.
Đồn rằng Kẻ Trọng lắm cau
Kẻ Cát lắm lúa, kẻ Mau lắm tiền
Nhưng KẺ không đẻ ngay ra KON đâu, mà có hai ba thế hệ giữa dòng đời của bọn ấy. Kẻ đẻ ra KO của dân Làc (ở Đà Lạt), KO đẻ ra CÂU của dân Mạ (ở Lâm Đồng) rồi KO và CÂU mới đẻ ra CÔ AI của Bru và NCỐ của Pacóh, rồi mới đến KON của Thái và CON của Việt Nam hồi cổ thời.
Đây là xâu chuỗi biến dạng.
Hệ thứ nhứt
Mông Cổ:
| KÉ
|
Cao Miên:
| KÊ
|
Việt Nam:
| KẺ
|
Làc:
| KO
|
Bru:
| CÔAI
|
Pacóh:
| NCÔH
|
Mạ:
| CÂU
|
Thái:
| KON
|
Cổ Việt Nam:
| CON
|
CON thì hiện Thái còn dùng đẩ chỉ NGƯỜI.
Nhưng có bằng chứng nào để dám khẳng định rằng trong Việt ngữ có một thời nào đó, CON có nghĩa là NGƯỜI hay không? Có. Bằng chứng rất vững và rất lâu đời, cổ ít lắm cũng bốn ngàn năm.
Ta có danh từ kép BÀ CON. Bà con phải chăng là người phía bên Bà? Không thể nào mà Bà con lại là BÀ và CON CHÁU, bởi còn anh, chị, chị em, chú, bác, cô, dì, đủ thứ hết, tại sao lại chỉ trỏ có BÀ và CON CHÁU thì quá vô lý.
Vậy CON chỉ có thể là NGƯỜI.
Nhưng tại sao lại là người phía bên bà? Tại chế độ mẫu hệ cổ thời. Con theo họ mẹ. Nhưng người bên bà, bên mẹ là người đồng tộc, còn kẻ bên ông là người ngoại tộc, không là bà con (theo chế độ mẫu hệ).
Vậy bà con là người đồng tộc nhưng mà là tộc bà.
Ta lại có từ ngữ to con hay TO người. Rõ ràng:
Con = Người
Cũng nên biết hai điều nầy:
I - TO CON chỉ được nói ở miền Nam, còn ở miền Bắc thì không, hoặc rất ít được nói. Thế thì dùng từ ngữ miền Nam để nói chuyện cổ thời là sai chăng?
II - Không sai. Chúng tôi đã chứng minh trong quyển sử rằng miền Bắc mất ngôn ngữ rất nhiều, thời vua Lê Chúa Trịnh, nhưng lưu dân đi Trung, đi Nam thì giữ được bởi nguyên nhơn mất ngôn ngữ chỉ xảy ra tại đất Bắc mà thôi. Lưu dân ăn nói theo Bắc cổ thời.
Ngay ở Chương II của sách này cũng đã có chứng tích như thế. Người miền Bắc không hiểu ca dao tục ngữ miền Bắc mà người miền Nam thì hiểu.
III) Chữ TO trong từ ngữ trên đây chứng minh được gốc gác miền Bắc của từ ngữ vì người miền Nam chỉ nói LỚN và BỰ mà không nói TO trừ trường hợp độc nhứt là từ ngữ TO CON mang từ miền Bắc vào.
Vậy thuở xưa, chính miền Bắc đã nói TO CON chớ không nói TO NGƯỜI và đó là chứng tích dở, mặc dầu miền Nam chỉ mới được khai sanh hơn ba trăm năm.
Nhưng đến hình thức KON thì có biến. Kon mọc đuôi rất dài, biến thành KONANG tức thêm ANG. Mã Lai như đã bắt đầu đa âm rồi. Tiếp vĩ ngữ ANG trong KONANG có nghĩa là MẠNH. Quả thật người Nam Dương có danh từ LANANG là
Đàn ông lực lưỡng.
(KON) ANG có thể ban đầu là người mạnh. Người mạnh là người đàn ông, khác với người đàn bà là người yếu nên chủng Mã Lai mới tạo ra LANANG = Lan + ang để chỉ đàn ông và tạo PƠRTINA, WAHINA để chỉ đàn bà là kẻ yếu, và giữ KONANG để chỉ NGƯỜI tổng quát.
Mã Lai sáng tác lanang trước khi di cư đi Nam Dương và cho Kon mọc đuôi thành konang cũng trước khi đi Nam Dương. Đến nơi một thời gian họ mới biến ra konang để rồi rụng đầu, hóa ra ngày nay người của họ là ORANG.
Tại sao không để nguyên KONANG mà biến thành KORANG? Là tại ảnh hưởng Ấn Độ. Cứ nghe một ông Ấn Độ ở Sài Gòn nói tiếng V. N. là đủ hiểu cả: ”Côrơ ơirơ, tôirơ, yêurơ, côrơ, lắmrơ.”
KONANG đã có trước khi Lạc bộ Mã di cư đi Nam Dương, vì bọn ở lại bên Tàu có nhiều nhóm bị Hoa hóa sâu đậm lắm rồi thế mà về tiếng người họ không dùng tiếng Tàu, mà nói Nang, Náng, Nàng.
Nang (Phúc Kiến)
Náng (Triều Châu)
Nàng (Hải Nam)
Trong quyển sử, chúng tôi đã lầm mà nói rằng bọn ở lại, đã chịu ảnh hưởng Trung Hoa nên mất âm R, KO-RANG biến thành KONANG rồi lại chịu ảnh hưởng độc âm của Trung Hoa thêm một cú nữa thì KONANG bị co rút thành NANG.
Nhưng chúng tôi học lại thì thấy khác. KONANG đã có trước KORANG. Tại Trung Hoa nó chỉ mất đầu KO mà thôi. Tại Nam Dương thì N biến thành R vì thói lạm phát R của Ấn Độ. Ở Chàm cũng có ảnh hưởng Ấn Độ, nên nó biến thành urang (mất đầu K).
Ta cũng có một thời nói KONANG, tuy không còn dấu vết trong ca dao, nhưng đồng bào Thượng có thì ta phải có. Mãi cho đến ngày nay mà người Sơ Đăng còn nói KO- NỐU = Người.
Tóm lại dấu vết KO, KON, KONANG đều còn đủ mặt trong lãnh thổ Việt Nam, chỉ có riêng xã hội Việt Nam thì thiếu KONANG nhưng người Sơ Đăng còn giữ được.
Hình thức Ko thì còn giữ được đầy rẫy ở cao nguyên Lâm Đồng, và KO = Người trong ngôn ngữ của riêng dân Núp, Kâyông Việt. Việt… CO LÀC là NGƯỜI DÂN LÀC.
Trong ngôn ngữ Bru COÂi là NGƯỜI. CÔAI BRU là NGƯỜI DÂN BRU. Trong ngôn ngữ Mạ thì CÂU là NGƯỜI. CÂU MẠ là NGƯỜI DÂN MẠ.
Lại có đại biến, riêng tại lưu vực Hồng Hà. Đó là cuộc xâm lăng của Mã Viện và Mã Lai ngữ ở đó bị độc âm hóa. Konang bị ép như mía của các chị bán nước mía. Và hóa thành O, đã mất đuôi, lại đứt đầu.
Nhưng cấm nói vô bằng chứng. Bằng chứng là đây. Ta có hai ba câu ca dao khá cổ mà trong đó O = NGƯỜI:
O mi coi dáng nhu mì
Cứt dê bỏ bị mà đi khắp làng.
O mi là CON NGƯỜI CỦA MI rõ ràng.
Tự điển K. T. T. Đ định nghĩa O là CÔ. Đành thế, nhưng O phải có nghĩa gì nữa thì câu ca dao này mới là có nghĩa, chớ nếu O chỉ là CÔ thì là gì? Xin thay thế chữ O bằng chữ CÔ ở câu trên để xem sao.
Cô mi coi dáng nhu mì
Cứt dê bỏ bị mà đi khắp làng.
Không có nghĩa gì hết. Tại sao lại chê “cô” của một kẻ nào đó. Cô của hắn phải đã già rồi, không cần được người đời nói đến nữa. Người ta có khen chê thì chỉ khen chê em gái của kẻ đó, hoặc chị của kẻ đó thôi: Không, O trong câu nầy, không thế nào mà có nghĩa là CÔ được, mà đúng là Người: Người của mi coi dáng nhu mì.
Chữ O với nghĩa là CÔ, chỉ hữu lý trong câu ca dao sau mà thôi:
O bà cũng nọ mần chi
Hễ ông thương đặng thì dì cũng hơn
Đấy, O là Cô đấy, nhưng người chép ca dao, ông Nguyễn Văn Ngọc, cũng đã chép sai một tiếng. Đó là NỎ chớ không phải NỌ. NỎ cũng cứ là tiếng Mã Lai và có nghĩa CHẲNG. Xin chuyển ra danh từ đời nay:
Cô bà cũng chẳng làm chi
Hễ ông thương được thì dì cũng hơn
Chữ O với cái nghĩa là CÔ là danh từ Chàm (Lạc bộ Mã) mà ta vay mượn và quả câu ca dao thứ nhì là ca dao miền Trung bằng vào nhưng tiếng mà miền Bắc không có dùng, thí dụ MẦN thay cho LÀM, ĐẶNG thay cho ĐƯỢC.
Chữ O trong câu ca dao thứ nhứt là danh từ của Lạc bộ Trãi, tức đó là sự co rút tới mức triệt để của Konang.
Đó là hình thức sau Mã Viện, chớ trước Mã Viện, ta đa âm thì phải dài hơn, nhưng không biết nó ra sao, vì không tìm được dấu vết, có thể là KONANG, mà cũng có thể là KONỐU như nơi người Sơ Đăng.
Câu ca dao trên đây, chắc chắn là bắt gốc tại Đàng Trong vì có những tiếng mà chỉ có Đàng Trong mới dùng, vì vay mượn của Chàm: MẦN, ĐẶNG (thay vì ĐƯỢC) và chính người Chàm xưa gọi CÔ là O.
Thế thì O gốc Chàm trong câu sau phải khác với O Bắc Việt trong câu trước. O sau là của Lạc bộ Mã có nghĩa là CÔ, O trước của Lạc bộ Trãi có nghĩa là CON.
Đây là xâu chuỗi được hồi phục:
Thế hệ thứ nhứt
Mông Cổ:
| KÉ
|
Cao Miên:
| KÊ
|
Việt Nam:
| KỂ
|
Làc:
| KO
|
Mạ:
| KÂU
|
Bru:
| CÔAI
|
Pacóh:
| NGÔH
|
Thái:
| CON
|
Việt Nam:
| CON (trước Mã Viện)
|
Việt Nam:
| O (sau Mã Viện)
|
Sơ Đăng:
| KONỐU
|
Việt Nam:
| KONANG (Không có chứng tích)
|
Lạc bộ Mã:
| KONANG (Chưa di cư)
|
Lạc bộ Mã:
| NANG (Bọn ở lại thành Tàu)
|
Lạc bộ Mã:
| KORANG (Bọn di cư đi Nam Dương)
|
Lạc bộ Mã:
| ORANG (Rụng đầu K)
|
Dân Sơ Đăng, bằng chứng vào ngôn ngữ, là Lạc bộ Trãi, thế nên mặc dầu không tìm thấy dấu vết KONANG trong ngôn ngữ ta, trong biểu đối chiếu trên đây, chúng tôi để Việt Nam có Konang vì Sơ Đăng có thì ta phải có.
Danh từ KONỐU quan trọng hơn hết vì nó là cái khoen biến chuyển từ KON ra KONANG. Trong xâu chuỗi nầy, ta thiếu mất một dân tộc nói KONANG, nhưng KONỐU đã cứu vãn được xâu chuỗi. Quí vị sẽ biết rõ người Sơ Đăng ở những Chương sắp tới, họ gần gũi ta lắm, trong các nhóm Thượng, nhiều danh từ Việt, không nhóm nào có cả, trừ Sơ Đăng.
Thế ta vừa khám phá ra danh từ cổ Việt nó giúp cho cái xâu chuỗi danh từ thành hình rõ rệt, nhưng không phải là giả thuyết chút nào cả. Đó là hai danh từ O và CON.
XIN ĐẶC BIỆT CHÚ Ý: Chúng tôi nói rằng trong Việt ngữ cổ thời O và CON đều có nghĩa là NGƯỜI và chúng tôi đưa ra chứng tích là ca dao tục ngữ, từ ngữ.
Nhưng chúng tôi xin trình ra chứng tích mạnh hơn, thấy được trong ngôn ngữ của dân tộc khác.
Trong ngôn ngữ Sơ Đăng, BÀ CON họ nói là NHONG O.
NHONG là BÀ, O là CON, y hệt như ta, và vào thời cổ, dân ta đã nói BÀ O thay vì BÀ CON y hệt như người Sơ Đăng hiện kim.
Khi ta thấy KƠPÔ của Nam Dương biến thành TRÂU của Việt Nam qua một xâu chuỗi biến dạng thì cái gì cũng có thể biến thành cái gì cả.
Nam Dương:
| KƠPÔ
|
Xi Tiêng:
| KƠRPU
|
Sơ Đăng:
| KÔPOU
|
Chàm:
| KAPAO
|
Ra Đê:
| KBAO
|
Giarai:
| KBAO
|
Cao Miên:
| KÀPÂY
|
Rôplai:
| CÙVAU
|
Khả Tu:
| KAPIU
|
Jêh:
| KAPÌU
|
Các phụ chi Mạ:
| GAPU
|
Mạ:
| R PU
|
Duan:
| R PU
|
Khả Lá Vàng:
| SALU
|
Việt Nam trung cổ:
| T LU
|
Bắc Việt nông thôn:
| TRU
|
Việt Nam:
| TRÂU
|
Úm ba la Kơpô = Trâu
Nếu chúng tôi nói TƠLO của Nam Dương = TRỨNG của Việt Nam, chắc không ai tin cả. Nhưng nếu biết rằng sách của các cố đạo hồi thế kỉ 17 không viết là TRỨNG mà viết là TLỨNG thì quý vị sẽ hơi hơi tin.
Nhưng Mã Lai Nam Dương lại có một danh từ nữa để chỉ Trứng, đó là TƠRONG, biến dạng của TƠLO. Quí vị chắc đã tin rồi.
Nguyên TRÁI CÀ, Mã Lai gọi hệt như Ăng Lê là TRỨNG CÂY (Egg plant). Và TRỨNG CÂY không còn là TƠLO nữa mà tiến đến TƠRONG.
Tơlo = Tlứng
Tơrong = Trứng
(Nghĩa Sơ Đăng còn tiến xa hơn Nam Dương nữa, vì họ nói là TRÓNG, cái dấu sắc đó, đưa họ xít lại gần ta hơn)
(Cũng nên biết rằng có một loại cà tên là CÀ TRỨNG mà người Bắc hình như gọi là CÀ PHÁO vì nó giống cái trứng chim. Việt Nam đã đánh mất TRỨNG CÂY trong thời bị đô hộ và CÀ chỉ là tiếng Tàu, đọc theo Quan Thoại, nhưng người Thượng thì còn, như danh từ Sơ Đăng cho thấy).
Thế hệ thứ nhì
Hệ người thứ nhì, theo linh cảm của chúng tôi, có thể là thế hệ thứ I, danh từ thật sự của chủng Mã Lai hồi thuở còn ở Himalaya, chớ không phải là của người Mông Cổ.
Vì đó là danh từ quá cổ, cổ đến tám ngàn năm là ít, nên dấu vết chỉ còn thấy được trong hai dân tộc: Việt Nam và Sơ Đăng:
Việt Nam: Gã
Sơ Đăng: Gá
GÃ và GÁ đều mang hai nghĩa: HẮN và NGƯỜI trong Việt ngữ và Sơ Đăng ngữ. Hệ này biến dạng như sau:
Việt Nam: Gã
Sơ Đăng: Gá
Sơ Đăng: N’gê (Mọc đầu N)
Tới hình thức N’GÊ thì Sơ Đăng cho nó cái nghĩa hẳn là NGƯỜI, không còn mang hai nghĩa như GÁ nữa. Và xâu chuỗi cứ tiếp tục:
Sơ Đăng:
| GÁ
|
V.N:
| GÃ
|
Sơ Đăng:
| N’GÊ
|
Giarai:
| NGAAI (đổi đuôi)
|
Bà Na:
| BNGAAI
|
Jêh:
| MANGAAY
|
Mường:
| M’WAI
|
Phi Luật Tân:
| M’NUI (đổi đuôi)
|
Cao Miên:
| M’NƯ
|
Khả Bolonens:
| P’NUI
|
Khả Lá Vàng:
| R’NUI
|
Khả Tu:
| MANƯIH
|
Việt Nam:
| NGƯƠI
|
Nhưng NGƯƠI của ta thành hình thiếu dấu huyền. Nó là NGƯƠI và được dùng với nghĩa là MẦY. Không phải là NGƯỜI của ta thành hình sau các dân tộc khác, mà đó là hình thức kế chót của riêng ta, còn xưa hơn, có lẽ ta cũng nói là NGÊ y như Sơ Đăng hay một cái gì na ná như thế. Ta đã lập quốc còn người Sơ Đăng thì không chắc đã có nước thì ngôn ngữ của ta phải tiến nhiều hơn ngôn ngữ của họ. Biết điều đó rồi, ta cần hiểu rằng NGƯỜI là hình thức sau của ta, chớ không phải là nó có sau các dân tộc khác.
Sự gạt gẫm của các xâu chuỗi biến dạng, chúng tôi đã lưu ý quý vị rồi ở biểu đối chiếu đại danh từ Tôi, là không phải gặp Chàm tại Quảng Bình, ta mới mượn CAU của họ để biến thành TAU.
Ngươi ra đời thiếu dấu huyền. Điều đó không có gì lạ. Lạ là ta chưa cho nó cái nghĩa là NGƯỜI. Nhưng không. Dĩ nhiên là con đẻ của NGÊ, nó phải có nghĩa là NGƯỜI. Nhưng ta đã có KON nên ta gán cho NGƯƠI một nghĩa khác là MẦY.
Thời nầy cũng còn để dấu vết, trong câu ca dao sau đây:
Còn đời ngươi ấy ngươi ơi,
Nào ngươi đã bảy tám mươi mà già
Sơ Đăng đi thẳng từ KÊ đến NGÊ, còn ta thì lại ngừng lại ở Ngươi và cho nó nghĩa khác. Tại sao? Chương trước đã cho quý vị thấy rằng là vua Hùng Vương đã vay mượn TA của Lạc bộ Mã, và hồi cổ thời thì chỉ có Mầy với Ta mới đáng kể, vì gia đình nguyên thỉ chỉ có hai nhân vật đó. Thói quen ấy kéo dài đến thời vua Hùng Vương.
Ngươi thành hình nhưng bị gán cho cái nghĩa là MẦY, tức cũng cứ là NGƯỜI, nhưng NGƯỜI KHÁC, không phải là TA, tức TA KHÁC.
Trong giai đoạn nầy, ta lại dùng ngươi để chỉ một bộ phận của con mắt.
Việt Nam: Con ngươi
Sơ Đăng: Kongê
Tại sao lại có cái nghĩa đó? Là vì CON NGƯƠI là nơi mà MẦY thấy bóng hình của mầy trong đó.
Rồi thì NGƯƠI đội dấu huyền và thành CON tức các MẦY bởi vì CÁC MẦY khác cũng thấy bóng hình của họ trong đó. Vậy CON NGƯƠI của ta là tất cả mọi người, tức là CON vậy. NGƯỜI TA là kẻ có hình bóng trong CON NGƯƠI của TA, tức là CON vậy.
NGƯỜI TA ra đời, cạnh tranh với CON và cả thắng vì nó có ngữ nguyên gốc tổ là GÁ, GÃ, còn CON do ngữ nguyên ngoại chủng là KÉ của Mông Cổ.
Một cái luật trong Việt ngữ mà chúng tôi đã xướng ra trong quyển sử, được xác nhận lại ở đây một lần nữa “Khi một danh từ của ta, gốc ngoài, thì luôn luôn nó bị ta cho nó một nghĩa kém cỏi. KẺ là NGƯỜI mà ta không trọng.
HAY là trạng từ của Lạc bộ Chuy. Vậy khi một cậu con trai tán gái không khéo, cô ấy kêu lên “Ô hay, cái ông nầy!” Cô ấy chê đấy, chớ không phải là khen đâu!
Vương Quan nói với Thúy Kiều:
Vương rằng chị nói HAY sao?
Cậu em đó cũng đã chê chị chớ không phải khen bằng trạng từ HAY đâu. Trạng từ của Lạc Bộ Trãi là giỏi.
Việt Nam:
| Giỏi
|
Thượng Việt:
| Rơgởi
|
Nhựt Bổn:
| Zyoozu
|
Thượng Việt và Nhựt tuyệt đối, không biết HAY.
Thế thì hồi thái cổ ai cũng nói giống nhau hết, trong đại khối Mã Lai nhưng lai giống với Mông Cổ rồi, mới có KẺ và KẺ mới đẻ ra đủ thứ như ngày nay.
Nhưng cái danh từ GÁ thái cổ, chắc chỉ còn tồn tại quanh núi Himalaya. Người Népal ở gần núi đó nhứt. Hiện họ có di cư đến Sài Gòn, chúng tôi có tiếp xúc với họ và quả họ không nói là KÈ, KẺ gì hết bởi họ không có lai với Mông Cổ. Nhưng họ chỉ xuất hiện ở vỉa hè Lê Lợi về đêm, và bận buôn bán, nên chúng tôi không học hỏi với họ được bao nhiêu, vả lại họ cũng nói tiếng Anh ba trợn, chỉ biết: Mắt, Rẻ, Bao nhiêu, v.v. mà thôi.
Nên biết hai điều nầy:
I) Lạc bộ Mã không hề lai giống với Mông Cổ hoặc với Tàu như tiền sử học đã cho thấy. Nhưng một nhóm Lạc bộ Trãi là bọn Bộc Việt đã vượt Hoàng Hà để xuống Hoa Nam với Lạc bộ Mã, thành thử Lạc bộ Mã mới có KORANG con đẻ của KÉ Mông Cổ được.
Người Chàm (Mã) đã đánh mất hệ thống GÁ của Lạc bộ Trãi, nhưng người Giarai (Mã) lại còn giữ được với danh từ NGAAI mà Chàm không có.
HỌ cũng là tiếng Mông Cổ. Trong Mông ngữ HÔYIN là một bộ lạc trong đó tất cả mọi người, đông hàng vạn đều đồng tông. Ta đã biến HO = HỌ và YIN = DÒNG.
Về sau bộ lạc tan rã, nhưng Họ và Dòng thì còn. Nhưng dưới thời vua Hùng Vương còn bộ lạc thì các bộ lạc ấy chắc được gọi là Hoyin (nếu chưa biến dạng) hoặc Họ, Dòng nếu đã biến dạng rồi.
ÔNG cũng là tiếng Mông Cổ. Vua, họ gọi là KHAN, Tàu phiên âm là HẢN. Ông vua = Ong khan (không có dấu mũ)
Các ông ưa bắt ta làm bà con với Tàu, cứ quả quyết rằng ta học Ông với Tàu mà không dè rằng các dân tộc đều cùng học một thầy, thầy Mông Cổ.
ÔNG bị Lạc bộ Trãi ở Cao Nguyên biến thành:
Kong (người Sơ Đăng)
Un (các phụ chi của dân Mạ)
Nhưng UN của Mạ lại là BÀ chớ không là Ông như Kong của Sơ Đăng, vì trải qua năm tháng, có sự thay đổi chế độ mẫu hệ, phụ hệ, chế độ thì biến, nhưng danh từ thì còn.
Nhưng người Chàm có ÔNG là vì họ chịu ảnh hưởng của Việt chớ Lạc bộ Mã không hề có lai giống với Mông Cổ.
Người Sơ Đăng chưa hề thấy mặt Tàu lần nào cũng không có học của ta. Vậy khi nào mà một danh từ mà Việt, Hoa, Sơ Đăng đều có, là danh từ Mông Cổ chớ không phải của Tàu đi vào ngôn ngữ Sơ Đăng do trung gian Việt Nam, trừ danh từ ĐỒNG, và CHANH, THÙNG thì quả họ đã học của ta.
Điều trên đây, có thể biến thành một luật văn phạm mới: “Những danh từ mà ta ngỡ là Hán Việt, không là Hán Việt, nếu người Sơ Đăng có. Đó là danh từ Mông Cổ mà chính Tàu cũng đã học. Ta và Sơ Đăng học trước Tàu vì đã có bằng chứng là ta làm chủ Hoa Bắc trước Trung Hoa (trừ Đồng, Chanh và Thùng mà Sơ Đăng học của ta).
Có một điều nầy, có thể nói là kinh dị, mà không nói quá lố chút xíu nào hết. Là người Sơ Đăng, đọc những danh từ mà ai cũng ngỡ là Hán Việt đó, bằng giọng Quan Thoại. Ấy người Tàu di cư đến Việt Nam chỉ là Quảng Đông, Phúc Kiến, v.v tức Tàu Hoa Nam, không có dùng giọng Quan Thoại. Nếu rủi có một người Tàu lọt được vào cộng đồng Sơ Đăng thì cũng không vì thế mà người Sơ Đăng biết giọng Quan Thoại (Nhưng không hề có người Tàu lọt được vào đó).
Đây là bằng chứng. Cái danh từ mà ta học theo Hán Việt là danh từ HẦU (cuống họng) Quan Thoại đọc là HÓ mà người Sơ Đăng cũng đọc là HÓ.
Tại sao vậy? Vì danh từ đó không phải của Tàu mà là danh từ Mông Cổ và dân Tàu và dân Sơ Đăng đều bắt chước Mông Cổ.
Còn ta, chắc thuở xưa ta cũng đọc là HÓ y hệt như Sơ Đăng, nhưng sau vì lẽ nầy hay lẽ nọ, ta đọc sai đi, còn người Sơ Đăng thì cứ giữ được mãi cái giọng Mông Cổ đã học từ 5000 năm rồi.
Những danh từ Mông Cổ mà Tàu có, ta đều có, nhưng ta học thẳng với Mông Cổ từ Hoa Bắc chớ không học của Tàu. Thí dụ: Con SÓI, Tàu nói là SÀI, Mông Cổ nói là SHAKAL. QA của Mông Cổ là LỚN thì:
Mông Cổ:
| QA
|
Thái:
| TO
|
Việt Nam:
| TO
|
Sơ Đăng:
| TOX (I)
|
Bru:
| TÒA
|
Quan Thoại:
| TA (Đại)
|
Nhựt Bổn nói O, nhưng không chắc lắm rằng đó là biến thể của Qa Mông Cổ, nhưng rất có thể, vì họ lai với Mông Cổ mãi về sau Tây lịch nữa, chớ không phải chỉ lai cách đây 5000 năm như Thượng Việt và Việt Nam.
Quý vị đã thấy chúng tôi trình bày về xứ của người Sơ Đăng mà chúng tôi muốn tới, nhưng thất bại cả hai lần. (Chương I)
Thế mà người Sơ Đăng lại có tiếng Hán Việt, và họ lại đọc rất đúng giọng Quan Thoại, chớ không phải đọc sai như các nhà nho Việt Nam.
Chưa hề có nhà ngữ học Âu Mỹ nào thấy được điều đó cả, mặc dầu chúng tôi học ngôn ngữ của người Sơ Đăng qua sách Pháp và sách Mỹ.
Quý vị có biết tại sao người KUY gọi con cá là QAKA hay không? Nếu họ cho mọc đầu K thì cứ cho, đâu có gì lạ. Là vì người KUY là Lạc bộ Trãi vốn đã lai với Mông Cổ mà âm Q tức đọc như K nhưng chìm trong cái HÓ. QAKA không phải là KAKA mà là KAKA CHÌM, KAKA ĐIẾC. Thế nên Mông Cổ mới đặt tên kinh đô của họ là QARAKOUROUM.
Cũng nên biết rằng Quan Thoại cổ thời cũng không có âm K mà dùng toàn âm Q. Quan Thoại TÂN ÂM, tức Quan Thoại vừa được đổi mới, tức trở về Quan Thoại đúng của cổ thời, cũng dùng toàn âm Q, thay cho K và cho tôi, thí dụ TẦN (Thỉ Hoàng) được viết là QIN, CA CA là anh, được viết là QAQA khi nào họ cần La Mã hóa văn tự cho người ngoại quốc đọc.
Một động từ mà ai cũng tưởng là của Tàu, nhưng nó là của Mông Cổ. Đó là động từ Khát (nước).
Quan Thoại:
| KHUA
|
Sơ Đăng:
| KHÚA
|
Hán Việt:
| KHÁT
|
Việt Nam:
| KHÁT
|
Nhựt Bổn:
| KATSU
|
Sơ Đăng đọc đúng Quan Thoại nhứt mà cái Quan Thoại đó chỉ là Mông Cổ.
GÈER là cái lều bằng da thú của Mông Cổ, nào ai dè đã đẻ ra NHÀ của Việt Nam. Nhưng xin xem các biến dạng dưới đây:
Mông Cổ:
| GÈER
|
Sơ Đăng:
| (HN)GÊI
|
Rơngao:
| (HN)YÊ
|
Sơ Đăng Konpring:
| (HN)HÂY
|
Khả:
| HNJƠM
|
Jêh:
| NIƠ
|
Mạ:
| NHI
|
Xi Trên:
| NHI
|
Kơyong:
| NYIA
|
Lamet:
| NA
|
Trung Việt nông thôn:
| YÀ
|
Mường:
| NHA
|
Việt Nam:
| NHÀ
|
Danh từ NGƯỜI của Nhựt là HITÔ, của Đại Hàn là SA-RAM, xem ra chẳng ăn nhằm gì với các danh từ của Lạc bộ Trãi cả, và đó mới là yếu tố An Tai thật sự, nhưng một loại An Tai khác hơn vì chủng Bắc Mông gô lích gồm hàng trăm nhóm khác nhau, bọn Trãi đi Việt Nam đã hợp chủng với một nhóm khác hơn là bọn Trãi đi Đại Hàn và Nhựt, thế nên danh từ NGƯỜI của ba quốc gia này mới anh đi đường anh tôi đường tôi, Hàn và Nhựt đánh mất GÁ của Mã Lai, lại không có mượn KÉ của nhóm lai với bọn ở hang làng Cườm.
Nhưng cũng xin nhắc lại rằng yếu tố Mông Cổ rất yếu trong Nhựt ngữ, chớ không phải là căn bản như các ông Tây đã nói. Trong Hàn ngữ, nó tương đối mạnh hơn, nhưng căn bản cứ là Tàu và Lạc bộ Trãi. Trong Việt ngữ thì các ông Tây không hề biết là có, nhưng tuy có mà lại còn yếu hơn ở Nhựt ngữ nữa.
Việt = Mã Lai + Mông Cổ
Nên ta có dùng danh từ Mông Cổ là chuyện dĩ nhiên. Còn Tàu là:
Tàu = Nhục Chi + Mông Cổ
Thì họ có dùng danh từ Mông Cổ hay không? Có. Tiếng ÔNG đã cho thấy như vậy. Tuy nhiên căn bản của tiếng Tàu là tiếng Tây vì Nhục Chi là Tây. Họ chỉ chịu ảnh hưởng Mông Cổ ở điểm độc âm mà thôi, còn thì danh từ nguyên thỉ của họ phần lớn là tiếng Tây hết thảy.
Đây là một tiết lộ làm kinh ngạc cả những nhà bác học Âu Mỹ. Tiếng Tàu là tiếng Tây hồi nào hở trời. Nhưng sự thật là thế.
Cái món mà Tàu thấy trước nhất và nhiều nhứt là CÁT vì nơi họ lai giống Nhục Chi + Mông Cổ là vùng Altai. Đó là một vùng sa mạc.
Mông Cổ gọi cát là Gô (bi). Tàu không có gọi như vậy. Quan Thoại gọi là SÁ mà ngữ căn Ấn Âu là Sabulum, Pháp biến thành SABLE, Anh biến thành SAND.
Nếu chỉ giống có một vài danh từ thì chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng lại giống hết thảy:
Quan thoại
| Ngữ căn Ấn Âu
|
|
|
TI-I (Đất)
| TERA (La Tinh)
|
WỈ (Dạ dày)
| VISCERA (La Tinh)
|
WÍ (Nhỏ lắm)
| MIKROS (Hy Lạp)
|
PI (Mũi)
| RHINO (?)
|
ƠL (Tai)
| OTO (?) TAR (Nhật Nhỉ Mạn)
|
XẸ (Máu)
| SERUM (La Tinh)
|
PHÍ (Phổi)
| PTY, PTUALON (Hy Lạp)
|
XƠN (Thân thể)
| SƠLƠRA (Phạn)
|
PỈ (Da)
| PELLIS (La Tinh)
|
DÃ (Răng)
| PADA (Phạn)
|
YÊL (Mắt)
| EYE (Nhựt Nhĩ Mạn)
|
FỎ (Lửa)
| FOCUS (La Tinh)
|
MIL, MÉL (Lúa mì)
| MILIUM ( La Tinh)
|
SÀI (Củi)
| SALE, CALE (Calorie)
|
PHÁL (Bột)
| FARINA (La Tinh)
|
Một danh từ khá lâu đời, nhưng có sau những danh từ trên đây:
Quan Thoại
| Phạn
|
|
|
Tsơ (Tơ lụa)
| Satơra
|
Vậy Ấn hay Hoa đã phát minh ra Tơ? Truyền thuyết của hai dân tộc đó đều cho rằng họ phát minh ra Tơ. Đố ai biết ai nói láo. Chữ Tơ của cả hai đến đồng gốc Ấn Âu. Theo chúng tôi thì chính bà Tây Vương mẫu đã phát minh ra Tơ. Bà ta là nữ vương của rợ Nhục Chi đấy và đã ảnh hưởng đến cả Ấn lẫn Hoa. Đó là vua của Nhục Chi mẫu hệ và bị đồng hóa với bà Luy Tổ của Tàu trong truyền thuyết Trung Hoa, đến những đời Hán, Đường mà Tàu còn mượn nhạc Nhục Chi thì đã biết “Rợ” đó có rợ hay không.
Ta cần chú ý đến sự kiện tối quan trọng sau đây là người Sơ Đăng luôn luôn là cái khoen thứ nhì trong các xâu chuỗi. Từ X… đến GÁ cũng cứ người Sơ Đăng đứng hạng nhì, từ GÈER đến (Hn) GÊI cũng lại là người Sơ Đăng đứng đầu các nhóm Lạc bộ Trãi. Trong quyển sử, ta đã biết quốc gia Đạo Minh của người Khả Lá Vàng. Sơ Đăng phải chăng là quý tộc của quốc gia đó, cái quốc gia Lạc bộ Trãi song đôi với Văn Lang?
Dĩ nhiên Lạc bộ Mã không có lai với Mông Cổ nên nói khác về Nhà:
Miền Dưới:
| RUMẢ
|
Chàm:
| THANG
|
Rađê:
| SANG
|
Giarai:
| THANG
|
Churu:
| SÀNG
|
Việt Nam:
| NHÀ SÀN
|
Họ đồng hóa cái THANG và NHÀ vì muốn lên nhà sàn, phải leo thang.
THANG là danh từ của Lạc bộ Mã, Nam Dương nói là TANGA, Nhựt Bổn biến thành Tana và cho nó cái nghĩa là cái kệ có nhiều tầng, tức cũng cứ là cái THANG. Thang của Lạc bộ Trãi, còn thấy được:
Khả Lá Vàng:
| MƠN
|
Mạ:
| GƠNG
|
Sơ Đăng:
| KƠNG
|
Việt Nam:
| MÓNG
|
Ta có câu tục ngữ: ”Móng đàng đông, cầu vòng đàng tây.) Cái MÓNG, cũng được người ta gọi là cái Thang để lên trời.
Danh từ dưới đây, chỉ mới có vào đời Chu, thì chắc không là đồng gốc mà là vay mượn của nhau nhưng không biết ai vay của ai.
Tàu: SÁCH (sách)
| SASTƠRA (Phạn)
|
Dĩ nhiên là các món về sau, ông Tàu sáng tác khác ông Tây Nhục Chi hết thảy, nhưng những món mà ông Tàu sơ khai thấy và có, đều là danh từ của ông Tây Nhục Chi, ông ấy nói tiếng Tây vì ông ấy thuộc chủng Irano – Indo – Européen.
Ta thấy nhiều sách đời Chu phải được chú giải thì người Tàu mới hiểu, là vì có những danh từ gốc Nhục Chi trong đó mà đến cuối đời Chu, Tàu sáng tác khác, chỉ khi có những nhà bác học như Khổng Tử mới hiểu được mà thôi.
Trong một bài thơ của Kinh Thi có ba câu sau đây:
Lân chi lốc (Lốc viết là giác)
Chân chân công tộc
Hu ta lân hề
Các nhà nho ta thường giải thích rằng chữ GIÁC là cái sừng, phải đọc là LỐC cho nó hợp vận với TỘC. Nhưng ông thi nhân tác giả của bài thơ đó, vào thuở ấy, ông ta có phương tiện loan báo cho dân biết rằng chữ GIÁC phải đọc là LỐC hay không? Và nếu có, dân có bằng lòng nghe hay không.
Ngay như ngày nay mà ta dồi dào phương tiện, ta cũng không làm sao mà bắt độc giả chấp nhận một câu ca dao như sau:
Trăng rằm mười sáu trăng treo,
Chị em ta túng kéo chỉ bán bông.
Nếu là chữ TÚNG ở chỗ chữ NGHÈO rồi bắt họ đọc là NGHÈO cho nó ăn với vận TREO, họ sẽ gởi ta đi Biên Hòa mất.
Làm thơ, có đâu muốn gieo vần thế nào thì gieo rồi bắt thiên hạ đọc những vận sai ấy cho hợp với vận trên hay vận dưới. Nguyễn Đình Chiểu phải viết “Dưới đèn xem truyện Tây Minh” chớ không thể viết: “Dưới đèn xem truyện Tây Tống” rồi bắt ta phải đọc Tống là Tinh cho hợp với NHƠN TÌNH ở dưới.
Cái sừng, Phạn ngữ nói là CH, LA thì anh Tây Nhục Chi cũng nói na ná như thế là CH, LÔ, thế nên thi nhân đó làm thơ bằng một vận cổ Hoa gốc Nhục Chi là LỐC.
Về sau, ai đó (Khổng Tử hoặc ông nào khác) sửa sang lại và chợt thấy dân đã sáng tác GIÁC từ lâu mà quên LỐC nên ông chép là GIÁC, nhưng chú rằng Giác phải đọc là LỐC, LỐC có thật sự, dưới đời Hạ Thương chẳng hạn, bị các ông san định tự ý sửa lại là GIÁC rồi chua rằng phải đọc GIÁC là LỐC.
Thành thử chúng tôi rất khâm phục ông Nguyễn Văn Ngọc, vì nhiều danh từ cổ mà ông quên nghĩa, ông cứ để nguyên, không san định gì hết. Nhờ thế mà ta mới khám phá được nhiều sự thật về cổ thời.
THI SÁCH là ông Thi CƯỚI VỢ. Nhưng không phải chỉ có man di Giao Chỉ là không hiểu, ngỡ ông lấy họ Thi tên Sách mà cả các nhà bác học Trung Hoa cũng không hiểu, phải đọc chú thích mới biết rằng SÁCH là động từ cổ có nghĩa là CƯỚI VỢ, và ông ấy chỉ là ông Thi cưới con gái của Lạc tướng Mê Linh.
Nhưng nếu ai cũng đọc kỹ câu sử của THỦY KINH CHÚ đều thấy một điều kì dị nầy là câu văn đó thiếu mất một động từ “con trai của Lạc tướng Châu Diên tên là Thi Sách, con gái Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ” v.v Rõ ràng là thiếu động từ “CƯỚI”. Nhưng vì không ai biết tiếng Nhục Chi nữa mà chỉ biết SÁCH là danh từ mà Tàu sáng tác về sau và có nghĩa khác, nên cứ nhắm mắt cho phép câu văn đó thiếu động từ, và xem SÁCH là tên của ông ấy y hệt như ta không hiểu tại sao mo cau mà gọi là mo nang, vì thuở xưa tổ tiên ta là Mã Lai, mà trong ngôn ngữ Mã Lai, Nang là Cau. (Đã có giải thích rồi về vụ mo nang này và tên nước Văn Lang, ở đầu sách).
Danh từ Phạn BANGSA là GIỐNG NÒI, còn BÀNG HỆ của Trung Hoa là
Nhánh bà con không thẳng dòng.
Mặc dầu không thẳng dòng, nhưng cũng cứ là một giống nòi. Nhưng mà tại sao lại không thẳng dòng? Vì dân lai căn tự thấy mình mới là chánh tông, và chánh tông Ấn Âu thì lại bị coi là không thẳng dòng.
Không phải BANG SA biến dạng thành BÀNG mà thôi. Hệ được thêm sau, và Hệ đồng gốc Mông Cổ với ta, gốc HOYIN, ta biến thành HỌ DÒNG, nhưng Tàu biến thành HỆ.
Thành thử trong BÀNG HỆ, vừa có danh từ Ấn Âu, vừa có danh từ Mông Cổ, đúng là danh từ lai căn của dân Tây lai Mông Cổ.
Nhưng Tàu không đổi mới hết, nên ta mới thấy được hàng trăm danh từ gốc Ấn Âu rõ ràng còn sót lại trong Hoa ngữ.
Ta cứ tưởng tượng rằng CON TẰM do TÀM của Tàu. Thật ra thì dưới thời nhà Chu, Tàu gọi con Tầm là CHƯƠNG. Nhưng họ bỏ danh từ CHƯƠNG để lấy danh từ TÀM mà đó là danh từ của Thất Mân tức của Lạc bộ Mã, tức của ta phần nào.
Tại sao họ lại bỏ CHƯƠNG? Vì đó là danh từ quá cổ và gốc Nhục Chi mà họ không thích cũng như trong vòng vài năm nay báo chí văn nghệ quyết định bỏ tiếng ĐẠI VĂN SĨ mà dùng tiếng NHÀ VĂN LỚN. CHƯƠNG là danh từ của bà Tây Vương Mẫu.
Truyền thuyết Tàu cho rằng họ phát minh tơ lụa trước nhứt. Truyền thuyết Ấn Âu cũng nói như thế và cả hai đều có danh từ y như nhau. Nhưng có hai sự kiện trên đây cần được ta suy gẫm:
1) Tơ lụa ở Cachemire có một loại may áo xong, có thể vò áo lại rồi bỏ trọn trong một cái chén uống trà nhỏ. Đó là sự thật vào thời Trung Cổ Âu châu.
2) Sự thật ngày nay là tơ lụa Nhựt tốt hơn tơ lụa Tàu và bán chạy hơn, trên thị trường quốc tế. Mà Nhựt là Trãi + Mã, kẻ có danh từ TÀM.
Trong quyển sử chúng tôi có viết rằng dân Nhục Chi đã biết lửa, dân Mông Cổ cũng thế, nhưng dân lai căn là Tàu thì lại kể truyền thuyết Phục Hy dạy họ làm lửa, trong đất Tàu.
Truyền thuyết đã lầm lẫn địa bàn. Phục Hy là một nhân vật Nhục Chi đã dạy Nhục Chi lửa, với danh từ FOCA, FOCUM, FOCUS gì đó, chớ không phải là nhân vật Tàu, dạy dân Tàu, tại đất Tàu. Thế nên lửa của Tàu mới là FỎ.
Ta lại phải trở về với ông Mông Cổ giả là ông Nhựt. Thật ra thì ông ta đâu có trá hình làm Mông Cổ, tại các ông Tây bắt ông ta phải làm Mông Cổ đó thôi.
Ông đó có nói là KẺ là CON gì hay không? Tuyệt đối không. Ông ta nói là HITÔ. Chúng tôi rất nghi rằng ông ta biến dạng tiếng HẮN của Lạc bộ Trãi, và quả thật, HITÔ cũng có nghĩa là HẮN.
Hitô = Người
Hitô = Hắn
Lạc bộ Mã chỉ nói ĐIA mà Trung và Nam Việt biến thành DÀ, DẢ, DA. Bắc Việt đã biến sai NYA của Lạc bộ Mã ra là NÓ, vì NYA có nghĩa là CỦA HẮN chớ không phải HẮN.
Trung và Nam cũng có biến NYA thành NỐ, nhưng dùng rất đúng vì NYA của Chàm đời xưa vừa có nghĩa là CỦA HẮN vừa có nghĩa là CÁI NGỮ ĐÓ. NỐ của Trung và Nam cũng có nghĩa là CÁI NGỮ ĐÓ, CÁI THỨ ĐÓ.
Vậy ông Nhựt không hề là ông Mông Cổ như ông Tây đã nói mò, mà chỉ là ông Mã Lai hỗn hợp y như Việt Nam, tức vừa dùng danh từ của Lạc bộ Trãi như XƯA, MÓN vừa dùng danh từ của Lạc bộ Mã, như KUDA của Nam Dương là con NGỰA bị họ biến thành KURIGE.
Danh từ CON là con của ta đẻ ra và Trẻ con của bọn Trãi thì Đại Hàn đã đánh mất. Họ nói A-DUL và A-I mà chúng tôi tìm không được ngữ nguyên, có lẽ đó là danh từ Mãn Châu.
Nhưng Nhựt còn giữ được dưới hình thức:
Ko = Con (đẻ)
Komodo = Trẻ con
Đó rồi thì nó đẻ ra Con, Kon, Kuan, Coan hàng trăm thứ, trong khối Trãi, khá giống Con là Người về hình dáng nhưng ngữ nguyên và nghĩa thì khác.
Danh từ Con (đẻ) và Trẻ con của Lạc bộ Mã là Anak mà dân ta biến thành Con nít, tức Con trong Con nít chẳng dính líu gì đến Trẻ con, bởi Con nít gốc Mã, Trẻ con gốc Trãi, Chàm, Giarai, Rađê, Rôglai, Churu biến ra lu bù là Inứ, Ina, Ana v.v.
Chỉ có dân tộc Việt Nam mới phân biệt Con (đẻ) và Trẻ con bằng cách thêm Trẻ vào đó, và dân tộc Nhựt Bổn bằng cách thêm Đômô vào con, các dân tộc khác thì chỉ dùng độc một danh từ để chỉ Con (đẻ) và Trẻ con.
Các nhà ngữ học Mỹ, chỉ làm việc ở Cao Nguyên có 5 năm, nhưng kết quả lại bằng 10 công trình của Pháp trong vòng một trăm năm. Nhưng xem ra các ông chưa biết Austroasiatiques là gì, bằng chứng là các ông gọi Nam Dương ngữ, Chàm Ngữ là Austroasiatiques.
Và bỏ chung Trãi và Mã với nhau. Ngôn ngữ Thượng đồng gốc với Việt ngữ, nhưng các ông cứ can đảm viết rằng đó là phụ ngữ của Miên ngữ.
Chàm ngữ là ngôn ngữ Lạc bộ Mã, tức Austronèsien, thế mà các ông cũng cứ cho đó là ngôn ngữ Autroasiatiques.
Chắc còn lâu, vấn đề ngôn ngữ ở Đông Nam Á mới được biết đúng, vì cái hội ngữ học ở Mỹ là hội lớn, có đầy đủ phương tiện, và ngoài họ ra, chắc không ai làm việc bằng họ, thế mà họ đã sai lầm về căn bản rồi thì sự sai lầm đó trở thành sự thật cổ điển, được thế giới nhìn nhận thì phải lâu lắm, khi may ra chúng tôi có chút ít tên tuổi nào về mặt quốc tế, thì chủ trương của chúng tôi mới được thiên hạ chú ý tới và chừng ấy cái thành trì sai lầm nói trên sẽ bị phá vỡ. Nhưng còn lâu.