© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
7.5.2007
Francis Fukuyama
Khi lịch sử cáo chung
Võ Tấn Phong dịch
 
Francis Fukuyama
Mười lăm năm trước, trong cuốn Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and the Last Man), tôi đã viết là, nếu một xã hội muốn hiện đại hóa, không có lựa chọn nào khác hơn là một nền kinh tế thị trường và một hệ thống chính trị dân chủ. Không phải ai cũng muốn được hiện đại, dĩ nhiên rồi, và không phải ai cũng có thể lập ra những thiết chế và chính sách cần thiết để nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản được thành công, nhưng không có hệ thống nào khác đem lại kết quả tốt hơn.

Trong khi cuốn Sư cáo chung của lịch sử vì thế về bản chất là một lý luận về hiện đại hóa, một số người lại gán ghép luận thuyết của tôi về sự cáo chung của lịch sử với chính sách đối ngoại của Tổng thống George W. Bush và quyền bá chủ có tính chiến lược của Mỹ. Nhưng nếu ai đó cho rằng những suy nghĩ của tôi là nền tảng lý luận cho những chính sách của chính phủ Bush thì người đó đã không để ý đến những gì tôi đã nói từ năm 1992 về dân chủ và phát triển.

Tổng thống Bush lúc đầu đã biện hộ cho việc can thiệp vào Iraq trên lý do là những chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Saddam, mối liên hệ giữa chính quyền Iraq và al-Qaida, cũng như sự vi phạm nhân quyền và thiếu dân chủ của Iraq. Khi hai lý do đầu tiên sụp đổ lúc mở màn cuộc xâm chiếm năm 2003, chính quyền Mỹ ngày càng nhấn mạnh vào sự quan trọng của dân chủ, cả ở Iraq và ở mức độ lớn hơn là vùng Trung Đông, như một yếu tố căn bản cho hành động của mình.

Bush nói rằng mong ước tự do và dân chủ là phổ quát và không phụ thuộc vào văn hóa, và rằng nước Mỹ sẽ tận lực hỗ trợ những phong trào dân chủ “với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt chính thể bạo ngược trên thế giới.” Những người ủng hộ chiến tranh thấy quan điểm của họ được củng cố ở những ngón tay đen màu mực của những cử tri Iraq xếp hàng đi bầu trong những cuộc bầu cử giữa tháng 1 và tháng 12 năm 2005, trong cuộc Cách mạng Tuyết Tùng ở Lebanon [1] , và trong những cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Afghanistan.

Dầu những sự kiện này có phấn khởi và hy vọng đến mấy, con đường đến nền dân chủ tự do ở Trung Đông có lẽ cực kỳ gây thất vọng trong tương lai gần, và những cố gắng của chính phủ Bush nhằm xây dựng một chính sách vùng quanh nó đang thất bại thê thảm.

Chắc chắn là niềm mong mỏi được sống trong một xã hội hiện đại và được thoát khỏi chính thể bạo ngược phổ quát, hoặc cũng gần như phổ quát. Nó được minh chứng bằng cố gắng của hàng triệu người mỗi năm di cư từ những nước đang phát triển sang các nước phát triển, ở nơi mà họ hy vọng tìm thấy ổn định chính trị, cơ hội việc làm, y tế, và giáo dục, vốn không có ở quê nhà họ.

Nhưng chuyện này khác với nói rằng có một mong muốn phổ quát được sống trong một xã hội tự do – nghĩa là, một trật tư chính trị được quy định bằng những quyền cá nhân và và hệ thống luật pháp. Mong ước được sống trong một nền dân chủ tự do, thực vậy, là cái đạt được dần theo thời gian, thường là một phụ sản của quá trình hiện đại hóa thành công.

Hơn nữa, mong ước được sống trong một xã hội dân chủ tự do không nhất thiết phải chuyển thành hành động thực tế. Chính phủ Bush dường như trong chính sách hậu-Saddam cho rằng cả nền dân chủ và một nền kinh tế thị trường là những điều đương nhiên xảy ra trong xã hội một khi chính quyền bạo ngược được xóa bỏ, chứ không phải là một loạt những thiết chế phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau cần phải được cẩn thận bồi đắp dần dần.

Rất lâu trước khi có một nền dân chủ tự do, cần phải có một nhà nước vận hành tốt (cái không hề bị biến mất ở Đức hay Nhật sau khi bị thua trận ở Thế Chiến II). Đây là cái chúng ta không thể coi là điều đương nhiên ở những quốc gia như Iraq.

Sự cáo chung của lịch sử không hề nói đến một mô hình xã hội hay tổ chức chính trị đặc trưng kiểu Mỹ nào cả. Kế tục Alexandre Kojève [2] , triết gia Pháp gốc Nga, người đã gây hứng cho lập luận ban đầu của tôi, tôi tin rằng Liên hiệp châu Âu (European Union) phản ánh chính xác thế giới sẽ ra sao vào lúc lịch sử cáo chung hơn là Liên bang Hoa Kỳ. Cố gắng của Liên hiệp châu Âu nhằm vượt qua nền chính trị chủ quyền và quyền lực truyền thống bằng cách thiết lập một hệ thống luật pháp xuyên quốc gia, là gần gũi với một thế giới “hậu-lịch sử” hơn là niềm hằng tin vào Chúa, vào chủ quyền quốc gia, và vào quân sự của người Mỹ.

Cuối cùng, tôi không hề liên hệ sự phát triển dân chủ toàn cầu với hành động của Mỹ, và đặc biệt không liên hệ với việc sử dụng sức mạnh quân sự Mỹ. Những chuyển tiếp sang dân chủ cần phải được thúc đẩy bởi những xã hội muốn dân chủ, và bởi vì xã hội muốn dân chủ thì cần có những thiết chế, nó thường là một quá trình khá lâu dài và khó nhọc.

Những cường quốc bên ngoài như Mỹ thường có thể thúc đẩy quá trình này bằng cách làm gương tốt như những xã hội chính trị và kinh tế thành công. Họ cũng có thể cung cấp tài chính, cố vấn, trợ giúp kỹ thuật, và đúng vậy, đôi khi dùng quân sự để thúc đẩy quá trình đó. Nhưng cưỡng bức thay đổi chế độ không bao giờ là lời giải đáp cho sự chuyển tiếp dân chủ cả.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Nguyên văn “Cedar Revolution in Lebanon”: một loạt các cuộc biểu tình của dân chúng Lebanon (nhất là thủ đô Beirut) tiếp sau sự ám sát cựu thủ tướng Rafik Hariri vào 14 tháng 2 năm 2005, dẫn đến sự triệt thoái của quân đội Syria khỏi Lebanon, và chính quyền dân chủ được bầu nên. Cedar (cây tuyết tùng, là biểu tượng trên quốc kỳ Lebanon).
[2]Alexandre Kojève (1902-1968): nhà triết học Pháp gốc Nga có ảnh hưởng lớn đến nền triết học Pháp thế kỷ 20.

Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/fukuyama3