© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.5.2007
Bình Nguyên Lộc
Lột trần Việt ngữ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Chương XVIII - Việt = Rìu

Xin nhắc rằng trong lúc đang in quyển sử của chúng tôi thì có tin giấy sắp lên giá, nên hai biện pháp được thi hành ngay:

I) Xén bớt, để in cho xong trước khi giá giấy nhảy vọt.

II) In sách quá dày sẽ bán không được, phải làm cho nó mỏng lại.

Thành thử về chủ trương Việt = Rìu, chúng tôi chỉ chừa lại có hai cái hình, chữ Việt đời Thương, đối chiếu với cái rìu Quốc Oai.

Sách nầy là sách ngôn ngữ thì chứng tích ngôn ngữ bị loại ra khỏi quyển sử, được cho nằm vào đây thật là phải chỗ.

Có thể nói là hầu hết đồng bào Thượng đều gọi cái rìu là cái Việt. Còn tại sao riêng Việt Nam lại sáng tác ra tiếng Rìu thì chúng ta sẽ thử giải thích.

Xin nhắc rằng trong quyển sử, chúng tôi chủ trương rằng danh xưng Việt không phải là danh tự xưng. Ta tự xưng là Lai, bị Tàu phiên âm sai là Lạc.

Việt chỉ là danh xưng mà Tàu đặt ra để gọi ta vì ta có một loại vũ khí rất độc đáo. Đó là cái rìu mà ta gọi là cái việt.

Bạn Nguyễn Mạnh Côn phê bình chúng tôi, cho rằng chúng tôi chỉ suy luận mà không có chứng minh gì hết.

Có chứ. Sao lại không có chứng minh. Và riêng về trường hợp Việt = Rìu chúng tôi đã đưa ra hai cái hình, chữ việt nguyên thỉ và cái rìu Quốc Oai. Tuy ít, nhưng vẫn có. Nhưng ở các điểm sử lớn, như về tiền sử học và đối chiếu sọ thì có nhiều.

Và đây là chứng minh bằng ngôn ngữ:

Khách trọ, nhơn chứng là người Mường, gọi ta là dân



YIT: Mường
Cái rìu
=
YÊIK: Núp, Kâyông
Cái rìu
=
VÊIK: XI Tiêng
Cái rìu
=
YƠS: Mạ
Cái rìu
=
VOK: Mạ (phụ chi)
Cái rìu
=
VOK: Sơ Đăng
Quan Thoại gọi ta là
=
YUE

Thế thì vào đời nhà Thương, danh từ VIỆT của chủng ta là một cái gì hơi giống giống với bảy danh từ trên đây, không còn nghi ngờ gì nữa cả, nên đời Thương mới viết chữ Việt giống hệt lưỡi rìu Quốc Oai.

Về sau, lâu lắm, nhiều ngàn năm sau, sau cả thời Đông Sơn, chủng Việt mới phát minh ra một món khác có công dụng y hệt như cái việt, nhưng hình dáng lại khác. Công dụng đó là làm vũ khí và dụng cụ.

Cái món đó, hiện nay người Cao Miên và đồng bào Thượng còn giữ nguyên, còn Chàm và Việt đã biến khác, nhưng Việt biến khác mà cũng đặt tên khác, còn Chàm thì giữ tên cũ.

Hình dáng của món ấy, nếu ai không có đi Cao Nguyên, thì thấy được ở Cao Miên:

Việt Nam:
Rào
Chàm:
Mra
Mạ:
Jal
Cao Miên:
Chà (gạc)

Danh từ Rào của Việt Nam, hiện chỉ còn dấu vết trong ca dao tục ngữ xưa:

Thợ rào có cái đe, ông Nghè có bút

Câu trên phải ra đời từ đời nhà Lý về sau, chớ không thể trước đời nhà Lý, vì trước đời nhà Lý chưa có ông Nghè.

Thợ rào tức là thợ chế tạo món Rào và Rào sẽ đẻ ra RÌU, chỉ cái Việt thời cổ, và đẻ ra RÈN chỉ cái việc chế tạo dụng cụ bằng sắt, thép.

RÀO lại đẻ ra RỰA, vì sau đó ta sửa đổi hình dáng cái rào, nó khác cái rào cũ chút xíu, và đó là cái rựa ngày nay. Nhưng rựa chỉ còn là dụng cụ chớ hết là vũ khí như Rào.

Người Chàm cũng làm y hệt như ta, về hình dáng của món đồ nhưng cứ giữ danh từ MRA cổ.

Thế thì cho tới đời Lý mà chủng Mã Lai, riêng trong lãnh thổ Việt Nam, vẫn cứ còn giống nhau, vào thời đó, và giống nhau đến ngày nay nữa, trừ ta ra vì ta đã biến RÀO thành RỰA.


Chương XIX - Nghi vấn về tiếng roi

Hồi tiền chiến, miền Nam có một bài tân nhạc rất thịnh hành, trong đó có một câu ca như thế nầy:

Muôn năm xưa còn roi dấu

Đã bảo miền Bắc mất ngôn ngữ rất nhiều nên dĩ nhiên là tự điển miền Bắc không có chữ ROI đó.

Không rõ tác giả lời ca hiểu thế nào còn dân chúng thì hiểu là “để” dấu.

Tự vị Huỳnh Tịnh Của định nghĩa ROI là NOI (dấu)

Nhưng ngôn ngữ Khả Lá Vàng tiết lộ rằng nó là Việt ngữ cổ thời. ROI có nghĩa là KỂ CHUYỆN XƯA.

Có lẽ chính Huỳnh Tịnh Của đã quên ROI và cũng chỉ đoán mà định nghĩa thôi. Cả miền Bắc đều quên thì Huỳnh Tịnh Của được quyền quên.

Nhưng ta có cảm giác là Khả Lá Vàng đúng.

Khi nghiên cứu danh từ MONOGATARI của Nhựt Bổn, chúng tôi cũng gặp sự bối rối của tự điển Nhựt y hệt như khi họ định nghĩa về KIMONO.

MONO cũng được dịch là VẬT, tức rõ ràng là MÓN.

GATA được dịch là Ngữ, tức đó là KATA của Nam Dương bị biến dạng, và Nhựt còn nhớ nghĩa nên mới dịch đúng là NGỮ.

Nhưng RI thì không được định nghĩa, làm như đó là một cái đuôi mọc chơi vậy thôi.

Toàn khối MONOGATARI lại được định nghĩa là Câu chuyện, Sự kể chuyện, Tiểu thuyết.

MÓN LỜI không sao mà mang ba nghĩa trên được và chính RI mới mang ít lắm là hai nghĩa trên, và Ri đó có nghĩa giống hệt ROI của Khả Lá Vàng.

Nhựt cũng đã quên Roi, y như ta.

Chúng tôi cho rằng trong bọn Lạc Địch di cư đến cổ Việt thì bộ lạc Adôuk đa số. Đó là bộ lạc của vua Hùng.

Còn bọn Lạc Địch ở Nhựt Bổn thì có thể có hai bộ lạc đa số vì ngôn ngữ Nhựt quá giống ngôn ngữ Khả lá vàng và ngôn ngữ Khả Tu:

Khả Lá Vàng
Nhựt Bổn


Ki = Cây
Ki = Cây
Kita = Hướng bắc
Kita = Hướng bắc


Khả Tu
Nhựt Bổn


KU = Tôi
(Wat) Aku (Shi) = Tôi
Akan = Mẹ
Okaa = Mẹ
INÚ = Con chó
Anuk = Con chó
Kap = Cắn
Kamu = Cắn
NI = Tại
Ni = Tại
Kap = Cập
Kappuru = Cập
Ri = Vàng
Ki = Vàng
Anô = Chị
Ane = Chị


Dĩ nhiên là Nhựt có những danh từ giống hệt Việt Nam, Sơ Đăng, Pacóh, Bru, y hệt như ta, nhưng danh từ Khả nhiều nhứt trong ngôn ngữ của họ.

MONOGATARI là một danh từ ghép mà hai tiếng Lạc bộ Trãi , MONO và ROI kẹp một tiếng Lạc bộ Mã như cái xăng uých, tức danh từ đã xuất hiện lối 2000 năm, từ ngày bọn Mã đến Nhựt.

Nhựt mắc họa vì đã viết dính mọi danh từ ghép lại mà không theo luật nào cả, thành thử họ chẳng còn biết đầu đuôi ra sao nữa.

Nhưng ta không làm thế, ta cũng đã quên mất ROI mà Khả Lá Vàng còn nhớ.

Một danh từ đã chết, rất khó làm sống lại. Nhưng bài hát nói trên lại được hoan nghinh thì tưởng cũng nên áp dụng hô hấp nhân tạo để cứu nó.Tác giả bài hát ấy mà có hiểu sai, câu hát đó vẫn còn nghĩa, nếu ta hiểu ROI đúng theo Khả Lá Vàng:

Muôn năm xưa còn roi dấu.

có nghĩa là “dĩ vãng, lịch sử muôn đời còn kể thành tích oanh liệt của tổ tiên ta”

Tất cả các dân tộc sống quanh đèo Mụ Già, tức quanh địa bàn của Khả Lá Vàng đều có động từ ROI đó và đều hiểu y như Khả Lá Vàng.

Quốc gia Đạo Minh là nước của các dân Khả Lá Vàng, Hê lang và Sơ Đăng thật sự chớ chẳng phải chơi, và đó là nước Văn Lang thứ nhì mà người dân ăn nói y hệt như thần dân của vua Hùng Vương.

Chúng tôi cho rằng khi nhập chung danh từ của Hê lang, Sơ Đăng và Khả Lá Vàng lại thì có được một bộ ngữ vựng của Việt ngữ cổ thời là không phải nói bướng.


Chữ roi thứ nhì

ROI thứ nhì, miền Bắc cũng không có, nhưng không phải là miền Bắc quên ngôn ngữ mà đó là tĩnh từ của Phù Nam mà miền Nam đã vay mượn riêng sau năm 1623.

Về tĩnh từ ROI thì không có nghi vấn nào cả, nhưng chúng tôi cũng tiện tay đặt nó vào chương nầy.

Tĩnh từ nầy thì Nam Dương nói là RUAI, còn Phù Nam nói thật đúng ra sao, chỉ có trời mà biết, nhưng người Việt miền Nam vay mượn rồi thì biến thành ROI và để chỉ người có vóc vạc nhỏ, nhưng không yếu đuối.

Văn của Trương Vĩnh Ký chứa rất nhiều tĩnh từ ROI nầy và hiện nay, ở nông thôn miền Nam, người Việt cũng còn dùng mạnh tĩnh từ ROI, nhưng với hình thức kép: “Anh ấy có tướng roi roi”, không bao giờ dưới hình thức tĩnh từ đơn, khác hẳn Nam Dương.

Trương Vĩnh Ký lại còn dùng một tĩnh từ nữa, có nghĩa là NHỎ, nhưng để chỉ thú vật, nhất là heo, lợn và cọp. Đó là tĩnh từ GẮM (dấu Ă) mà hiện nay nông dân miền Nam cũng còn dùng mạnh, các tự điển ở miền Trung có ghi tĩnh từ nầy, nhưng không rõ do đâu mà ra vì người Chàm cũng không có tĩnh từ Gắm = NhỎ.

Trương Vĩnh Ký thường nói đến những con cọp GẮM, bị người ta sao lại là GẤM, hóa ra Cọp nhỏ trở thành Cọp có da như gấm.


Chương XX - T ừ vựng bỏ túi

Vào đầu thế kỉ 17, ta di cư vào Nam thì ta học thêm danh từ của bảy dân tộc sau đây: Cao Miên, Nam Dương, Phù Nam, lưu vong nhà Minh, Mạ, Pháp, Ấn Độ.

Vì vay mượn của Phù Nam quá nhiều, nên chúng tôi chỉ nói qua trong một chương. Vay mượn của sáu dân tộc khác thì quá ít, nên chúng tôi biên hết cả ra đây để giúp các người tìm giữ nguyên.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn loại danh từ của Pháp ra, không phải vì họ đã mất chủ quyền, cũng không phải vì đó là những danh từ ít dùng mà vì hiện nay đang có hiện tượng sau đây: người ta loại bỏ lần lần nhưng danh từ không cần thiết, và mượn những danh từ khoa học.

Thí dụ trước 1954, người miền Nam nói THƯỚC, CÂY SỐ. Nhưng ta thu hồi độc lập rồi thì bộ Giáo dục của ta lại chính thức hóa hai danh từ MÉT và KÍLÔMÉT, hóa ra là mượn thêm. Trong khi đó thì dân chúng đang loại bỏ: XỐP PHƠ, PHANH XE, ÔTÔ, v.v.

Như vậy cái vốn có, chưa ổn cố, nên không nên ghi ra đây, mà chỉ ghi những gì đã vững hơn mà thôi. Về tiếng Pháp thì chúng tôi chỉ ghi đặc biệt một danh từ độc nhứt là danh từ Bình tô, vì danh từ đó đã chót nằm trong ca dao miền Nam.

BÌNH TÔ: Do paletot mà ra, đó là một thứ áo vết thời xưa của Pháp.


Với lưu vong nhà Minh

Chúng tôi viết sử rằng Quảng Đông, Quảng Tây là nước cổ Tây Âu,và cổ dân của quốc gia đó là người Thái. Chúng tôi lại viết rằng các quốc gia Sở, Ngô, U Việt, Mân Việt là Mã Lai đợt II, tức nói giống hệt Nam Dương. Nhưng điều ấy, không ai tin cả, kể cả nhưng người đã thích quyển sử đó.

Nhưng khi chúng tôi trình bày ra ở đây, những tiếng Tàu mà miền Nam đã vay mượn của lưu vong nhà Minh thì quí vị sẽ thấy lu bù tiếng Thái và tiếng Mã Lai Nam Dương do người Tàu ở BÊN TÀU đưa sang xứ ta vì họ là quan và lính của nhà Minh chớ không phải là thương gia Trung Hoa từ Nam Dương tới.

Người dân Việt lưu vong nhà Minh gồm hai nhóm, Phúc Kiến và Triều Châu, nói tiếng Tàu khác nhau như Nam Việt và Bắc Việt, tức chỉ khác giọng. Nhưng lối hai trăm danh từ Mã Lai Nam Dương thì họ nói giống y hệt như nhau, vì cái lẽ dĩ nhiên là danh từ của tổ tiên chung của cả hai nhóm.

Sở dĩ ngày nay họ mang tên khác vì một đàng sống trong tỉnh Phúc Kiến, còn một đàng thì sống riêng ở mấy phủ của tỉnh Quảng Đông. Khi trực trị được hai nước Tây Âu và Mân Việt rồi thì Trung Hoa không kể đến biên giới của hai nước đó nữa lúc họ chia vùng dưới thành tỉnh. Thế nên mới có một nhóm lọt vào tỉnh Quảng Đông.

Vậy, bị đặt tên khác, họ cứ là một, cựu công dân của quốc gia Mân Việt đời xưa.

LỐ: Một chục thường, nhưng cũng dùng để chỉ một chục 12, tương đương với danh từ tá ở Bắc Việt, do người Triều Châu nhà Minh đưa tới, nhưng đó là tiếng Mã Lai Nam Dương chớ không phải tiếng Tàu. Hiện người Mã Lai Nam Dương nói là PULỐ. Xin đừng lầm với PU LÔ mà ta biến thành CÙ LAO.

LẨU: Đây là một danh từ ngộ nghĩnh nhứt vì sự phiêu lưu của nó và vì sự ngộ nhận của người miền Nam. Cũng cứ do người Triều Châu, lưu vong nhà Minh đưa vào miền Nam. Theo ta hiểu, thì lẩu là một món canh của Triều Châu, đựng trong một thứ bát đặc biệt bằng LAITON.

Nhưng không phải thế. Người Triều Châu gọi món đó là CANH ĐỰNG TRONG BÁT CÓ LẨU. Vậy lẩu chỉ là phụ tùng của món đựng, chớ không phải canh. Khi nghe một câu rất dài mà ta không hiểu, ta chỉ nhớ danh từ cuối cùng là Lẩu.

Ấy, LẨU cũng là tiếng Mã Lai Nam Dương mà chúng tôi mới ám chỉ trên đây. Người Nam Dương nói là PULÔ và dân ta biến thành Cù Lao, nhưng dân Mân Việt đọc theo cổ thời là LẨU.

Cái món đựng ấy như thế nầy. Nó giống hệt một cái bát lớn minh mông, bằng Laiton, nhưng giữa bát, có trồng một cái ống tròn cũng bằng Laiton. Canh đựng trong bát và được hâm nóng luôn luôn bằng nhờ hồng chất trong cái ống trồng giữa bát. Cái ống đó trông rất giống một hòn đảo, vì thế mà người Mân Việt mới gọi là canh đựng, nghĩa trong bát có lẩu, tức có PULO, tức có Cù Lao, tức có đảo ở giữa bát.

Đó là dụng cụ của các nước Sở, Ngô, U Việt, Mân Việt đời xưa chứ không phải của Trung Hoa.

Vậy người Hoa Nam còn nói tiếng Mã Lai hay không? Và dưới đời nhà Nguyên, người Hoa Bắc gọi Hoa Nam là Mandi, tuy không đúng về mặt xã hội, nhưng rất đúng về mặt ngôn ngữ, vì dưới trào Nguyên hẳn là họ còn nói tiếng Nam Dương nguyên bộ, chớ không phải chỉ giữ được hai trăm danh từ như ngày nay.

Chưa ai tin chúng tôi cả, trừ các nhà khoa học. Nhưng ngôn ngữ đã cho thấy như thế đó. Thế nên ngay ở Chương đầu, chúng tôi đã nói đến chim ất, chim phù của Việt và Sở rồi.

Người Mân Việt đã lai Tàu từ 2100 năm rồi, tức từ 100 thế hệ rồi mà còn như thế đó, thì biết sức sống của ngôn ngữ nó mãnh liệt đến đâu.

Nhưng người Sở, Ngô và U Việt không có di cư đến Sài Gòn, chúng tôi không thể biết họ ăn nói ra sao, nhưng chắc là họ giữ ngôn ngữ ít hơn Mân Việt vì họ bị lai giống và đồng hóa nhiều trăm nước trước Mân Việt.

Kẻ bị lai giống trước nhứt là Sở, kế đó là Ngô, kế nữa là U Việt. Chắc người Triết Giang còn giữ được khá nhiều và chúng tôi có nghe một người Trung Hoa ở đây, có biết Triết Giang, và ông ấy cho biết rằng hiện nay, người Triết Giang còn viết chữ VÔ thay cho chữ VƯƠNG, còn đọc thì tự nhiên họ đọc gần như người Việt Nam cổ thời, Việt Nam cổ thời đọc là bua thì họ đọc là BÔ.

Nhưng đó là danh từ mà vua Hùng Vương vay mượn của bọn Tản cư Giang Nam, chớ vua Hùng Vương là Lạc bộ Trãi, hẳn phải có danh từ khác hơn, bởi VUA, là ý niệm về sau của chủng tộc, không thể giống nhau được như Mắt, Mũi, Cây, Lá.

CÁI RĂNG của người Trung Hoa nói là YA. Nhưng tại sao Phúc Kiến cũng là Trung Hoa mà lại nói là Ghê? Có thể nào mà cùng chung một quốc gia, một dân tộc mà họ biến YA thành GHÊ hay không?

Ta, người Việt Nam, ta đã đọc sai tiếng Tàu quá nhiều, nhưng ta cũng chỉ đọc YA là NHA mà thôi, thì sao người Tàu Phúc Kiến lại đọc là GHÊ?

Vì họ là Mã Lai Nam Dương mà Mã Lai Nam Dương gọi cái răng là GHI.

Còn tại sao ông Nhựt Bổn gọi Ngà voi là DZÔ GHÊ (zoge)? Trong từ điển Nhựt, ổng viết ra chữ là Tượng Nha. Thế rồi các nhà bác học Nhựt lục lạo tìm tòi, cũng không làm sao mà biết Dzô Ghê do đâu mà ra, bởi có đọc sai Tượng Nha bao nhiêu, nó cũng không thành Dzô Ghê được.

Là tại ổng là Trãi + Mã, y hệt như Việt Nam nên ông lấy một danh từ Trãi là YÔ mà hiện nay đồng bào Thượng đang dùng (còn ta thì biến YÔ thành VOI) rồi ổng ghép với danh từ GHI của Mã mà ổng đọc là GHÊ (ge). Hiện nay, ổng đã biết nguồn gốc của Ghê rồi, nhưng còn Dzô thì ổng đang tìm trối chết.

Tại sao cái trán, người Tàu nói là NGỚ, ta đọc sai là NGẠCH thì còn cho qua, nhưng ông Phúc Kiến lại nói là HÍA.

Là tại ổng giống hệt Câu Tiễn, vốn là Mã Lai thì hiện đang gọi cái trán là ĐAHIA.

Có ai tin nổi là Tây Thi, Phạm Lãi, Phù Sai, Câu Tiễn, Hạp Lư đều là Mã Lai hay không? Ấy thế mà họ là Mã Lai Nam Dương 100%, khác với ta một chút xíu vì ta là Mã Lai Bách Bộc, ta nói CHƠN, họ nói CẲNG.

Sách đời Chu thường ca ngợi loại gươm Mạc Da của bọn Ngô Việt Xuân Thu. Nhưng họ chép rằng gươm đó do gia đình Mạc Da luyện. Có lẽ là họ chép sai, chớ các tự điển Nam Dương ghi rằng hiện họ còn rèn và sử dụng loại kiếm đào được ở Đông Sơn, cổ trên hai ngàn năm và họ gọi loại kiếm đó là LA DA.

Người Trung Hoa không bao giờ đặt tên là Da, vì Da của họ, nghĩa không đẹp. Da chỉ là trợ từ và là đại danh từ dưới đời Chu. Vậy Mạc Da tên người, chỉ là tiếng phiên âm.

Người Phúc Kiến do đuôi nhập vào miền Nam danh từ CHỆK mà dân ta không hiểu, biến nó thành danh xưng để chỉ toàn thể người Trung Hoa, mà chỉ một cách khinh bỉ. Nhưng thật ra thì trong Mân ngữ CHỆK chỉ có nghĩa tốt đẹp là CHÚ.

Người Việt có học, cho rằng, người Phúc Kiến đọc sai chữ THÚC của Tàu ra như thế đó. Nhưng không, họ nói tiếng Mã Lai Nam Dương 100% đấy.

Mã Lai ngữ ở Nam Dương gọi chú là CHIK, cháu là CHU. Chệk chỉ khác CHÍK có một âm Ê mà thôi.

Ta tự hỏi CHÚ của Việt Nam có quả thật do THÚC của Tàu mà ra hay không? Không có gì làm bằng chứng hết. âm TH của Hán quả có biến thành Âm Ch của Việt thật nhưng âm C cuối không bao giờ mất.

Trúc = Trúc
Thúc = Thúc
Tục = Thục

Thế thì theo luật nào mà Thúc = Chú?

Nhưng Chík = Chú thì đúng luật vì ÍK và Ú gần đồng Phonème với nhau.

Chík = Chú

Có lý nào mà ta lại gọi Cháu theo Nam Dương là CHU rồi lại gọi CHÚ theo Tàu là Thúc hay chăng. Cũng có thể. Nhưng nếu ta làm thế thì quả ta điên. Trong một cặp Chú, Cháu, ta chỉ mượn của Tàu có một danh từ, và giữ một danh từ Mã Lai.

Trong một quyển sách Tàu, chúng tôi thấy họ vẽ cây KÍCH, một món khí giới đời xưa của họ mà chúng tôi chỉ thấy tên trong sách mà không thấy tả.

Bức họa trình ra một thứ giáo ngắn mà lưỡi giáo uốn quăn như một con rắn đang bò tới. Rõ ràng đó là cây KRISH rất nổi danh khắp thế giới mà người ta gọi là KRISH CỦA CHỦNG MÃ LAI (Krish Malais).

Vậy Mã Lai có ăn cắp của Tàu món vũ khí đó, lẫn cái tên Kích chăng? Có. Đó là sự ăn cắp theo lối ăn cắp cái NỎ mà chúng tôi đã trình bày trong quyển sử, tức kẻ cắp không phải là Mã Lai, kể cả danh từ NỎ cũng là danh từ Mã Lai.

Hễ cái gì của Mã Lai trùng với Tàu thì cứ bị cho rằng Tàu là chủ nhơn, là thầy, Mã Lai là ăn cắp, là tớ.

Sử Tàu chép rằng họ rất sợ Khuyển Nhung vì Khuyển Nhung có giáo cán dài. Giáo cán dài, về sau, Tàu cũng có, vì phải chế tạo để đương cự với Khuyển Nhung, và họ đặt tên là MÂU. Nhưng chưa chắc Mâu không phải là tên phiên âm, vì chữ TỬ mọc ra một cái đuôi rất giống đuôi chó ( Khuyển Nhung = Rợ Chó). Giáo là khí giới của Rợ Chó.

TÍA: Chính các chú rể Triều Châu, lưu vong nhà Minh đã đưa ra danh từ TÍA vào Nam, và bị ta hiểu là Cha.

Nhưng thật ra, thì chỉ là CHA VỢ. Và đó cũng cứ là tiếng Việt nghen bà con, vì Triều Châu là Lạc bộ Mã và Nam Dương gọi cha vợ là TƯA.

Thật ra thì Triều Châu ở Nam Kỳ đọc là TIA không có dấu sắc.

Nhưng chính danh từ Cha khá cổ ở Bắc Việt cũng do Triều Châu đưa tới, có lẽ là Triều Châu đời Tam quốc, vì vào thời đó thì người Tàu bắt đầu di cư sang nước ta, mà là người Tàu vùng dưới, nên mới bị ta gọi là người Ngô. Thứ người Tàu đó là Lạc bộ Mã mà mãi cho đến đời Nguyên vẫn chưa được Hoa hóa xong.

Dưới trào Ngô đó, dân Triều Châu dĩ nhiên vẫn đọc là Tia, nhưng đọc khác thời Dương Ngạn Địch. Khi TIA đọc nhanh quá thì nó hóa ra là CHIA, y như trong ngôn ngữ của Pháp rồi Chia biến thành CHA.

Danh từ CHIA đã được chúng tôi tìm ngữ nguyên thật kỹ, mà không thấy Lạc bộ Trãi nói như thế bao giờ vào thời nào cả, và bất kì ở địa bàn nào, thì chắc chắn do TIA của các ông Triều Châu đời Ngô.

TÍA của Nam Kỳ thì ngày nay đã hết được dùng rồi, vì đã hết các chú rể gọi bố vợ là TIA, chớ cách đây 50 năm, vẫn còn được dùng lai rai.

XƯNG XA: Có một thứ quà ăn chơi mà miền Nam gọi tên như thế.

Người Tàu cho rằng đó là danh từ của họ, nhưng yêu cầu họ viết ra chữ thì chẳng có gì là XƯNG XA cả. Họ nói bướng, chớ XƯNG XA là tiếng Việt, chúng tôi để danh từ nầy vào Chương vay mượn của Tàu, vì chữ XƯNG bí mật trong đó. Người Tàu viết chữ thì ta đọc là THẠCH HOA THÁI. Thái là RAU. Nhưng ở đây thì Rau lại là Rau của hoa đá, tức là Rong biển vậy, mà miền Nam gọi là RAU CÂU, tức Rau lấy từ dưới nước như là CÂU CÁ.

Tự điển K.T.T.Đ cho biết là danh từ Việt là XOA XOA. Thật ra thì người miền Bắc không có nói xoa xoa, mà nói THẠCH XOA, tức ghép một tiếng Tàu và một tiếng Việt.

Thấy rõ là XA Nam Kỳ và XOA miền Bắc đồng gốc, nhưng gốc nào?

Đó là gốc Lạc bộ Mã. Nam Dương gọi món đó là Aga Aga. Âu châu cho vay mượn, nhưng vay của Nam Dương, còn ta thì vay của khách trọ hồi năm 500 trước Tây Lịch, tức vay của tổ tiên người Mường.

Nhưng ta biến thế nào mà âm G hóa thành âm X, bởi đáng lý gì ta phải gọi món đó là Ga Ga, chớ không là XOA cũng không là XA.

XƯNG XÁO: Giống thạch xoa nhưng đen, không biết chữ nghĩa là gì, nhưng được người Quảng Đông gọi là XƯNG XÁO. Yêu cầu họ viết ra chữ thì họ viết bậy bạ là LƯƠNG (Mát). Nhưng nếu LƯƠNG là XƯNG còn XÁO là gì thì họ cũng chẳng biết.

Ấy, ta biến XOA thành XƯNG XA có lẽ vì nó giống XƯNG XÁO phần nào. Và XƯNG thì là ngữ nguyên bí, bởi người Tàu bán Xưng Xáo lại không bảo đảm rằng Xưng = Lương, cũng không hề biết Xáo là gì.

Theo chúng tôi đoán thì XÁO cũng cứ là Thái = Rau, đọc theo giọng Phúc Kiến, và XƯNG quả thật là Lương. Xưng Xáo = Lương Thái. Người Tàu mà chúng tôi yêu cầu viết ra chữ là người Quảng Đông, y không biết giọng đọc của Mân Việt nên y mới bí.

Vậy ta ghép Xưng vào Xa là ghép 1 tiếng Tàu với 2 tiếng Lạc bộ Mã: Lương + Aga.

KHỔ TAI: Một món ăn khác mà dân miền Nam rất ưa và họ gọi là KHỔ TAI. Cái tai nạn nào làm cho họ khổ? Không, đó là tiếng Tàu (tiếng Tàu chớ không phải chữ Nho) do người Triều Châu đưa vào xứ ta, họ đọc tiếng Tàu sai giọng vì họ là Lạc bộ Mã và KHỔ TAI = HẢI TẢO, một thứ rong biển mà họ nấu với đường để bán cho dân miền Nam ăn. Người Triều Châu đọc là HỔ TAI, ta thêm chữ K vào là loạn xà gần hết.

XÍ MỤI: Thật đúng là XÍU MỤI chữ Nho là TIÊU MAI, do Quảng Đông đưa vào.

ĐẬU HỦ: Món nầy ở đất Bắc gọi là ÓC ĐẬU. Cũng do Quảng Đông đưa vào.

XÁ XẨU: Y phục ngắn của bình dân Trung Hoa, không biết chữ nghĩa ra sao, và nhóm nào đưa vào.

CÔNG XI: CÔNG TY, do Quảng Đông đưa vào.

HỦ TIẾU: Không biết chữ ra sao, nhưng do Quảng Đông đưa vào, họ nói là Phải, không hiểu sao ta lại biến thành Hủ Tiếu.

XÍU MẠI: Không biết chữ nghĩa ra sao, nhưng cứ là Quảng Đông. Đa số các món ăn đều do Quảng Đông đưa vào.

TÀI CÔNG: Tài do TẢI là CHỞ. Tài công là thuyền trưởng thương thuyền. Không biết nhóm nào đưa vào vì nhóm nào cũng đọc TẢI khá giống nhau.

HÊN: Do HƯNG. Triều Châu đưa vào và họ đọc là HINH thì đáng lý ta phải viết là HÊNH.

XUI: Tiếng nầy đất Bắc có nhưng vay mượn lâu đời hơn và nói là XÚI QUẨY. Do chữ SUY mà ra, đọc theo Triều Châu, Hên Xui = MAY RỦI.

XÍNH XÁI: Bán rẻ. Không biết chữ nghĩa ra sao, nhưng do Triều Châu đưa vào, nhưng nhóm nào cũng nói Xính Xái. Miền Bắc đã vay mượn hàng ngàn năm trước, hiểu theo nghĩa khác và đọc là xí xóa.

NHẨM XÀ: Buốc boa. Nhưng ta chỉ nói đùa đôi khi, không vào ngôn ngữ như lì xì.

CHẠP PHÔ: Chỉ là Tạp hóa, do người Quảng Đông đưa vào. Nhưng chính người Quảng Đông lại cho nó cái nghĩa hạn chế là thực phẩm: trứng vịt, tôm khô, cá khô,v.v. còn các cửa hàng bán các thứ khác cũng tạp nhạp lại không được gọi là chạp phô.

GIÒ CHÁ QUẢY: Cũng cứ do người Quảng Đông. Thật đúng là Dầu chá quảy tức con quỷ nướng trong dầu, chỉ loại bánh bột mì chiên mỡ.

LY: Cốc bằng pha lê, do người Quảng Đông đưa vào, họ gọi là PÓ LÝ PÚI, tức PHA LÊ BÔI, ta nuốt hết, chỉ chừa lại LÝ và đọc là LY.

XÌ THẨU: Chữ Nho là SỰ ĐẦU = Chef de service, do Quảng Đông đưa vào, nhưng bị ta hiểu là ÔNG CHỦ. Có vài báo Tàu gọi cái chức TỔNG THƯ KÍ TÒA SOẠN là SỰ ĐẦU.

TÀU KÊ: Đại gia, đúng thật là TOA KẾ, do Phúc Kiến đưa vào để chỉ người nhân vật quan trọng. Bị ta dùng để chỉ TÚ BÀ. Điều nầy rất hay là Nam Dương và Nhựt Bổn đều có mượn chữ GIA và đều đọc là Kê, vì cả bốn: Nam Kỳ, Phúc Kiến, Nam Dương, Nhựt Bổn đều là Lạc tuốt hết chớ Âu tức Thái, tức Quảng Đông, đọc là KÁ.

TÀO CÁO: Nhân viên quan thuế đi bắt rượu lậu. Người Triều Châu làm nông nghiệp và nấu rượu lậu rất nhiều. Họ gọi nhân viên đó là ĐẠI CẨU tức CHÓ LỚN mà họ đọc là TOA CÁO, bị ta biến thành TÀO CÁO.

HUI NHỊ TÌ: Từ ngữ dùng để đùa, có nghĩa là Chết. Do Quảng Đông đưa vào. Quảng Đông là Thái, và động từ ĐI của Trung Hoa bị họ thay bằng động từ Thái là HUN mà họ đọc theo cổ thời là HUI. HUN là lên đường. Nhị tì là nghĩa địa.

Thế có phải nước Tây Âu là nước của người Thái hay không?

NẢ: Một thứ giỏ mây hơi giống cái quả nhưng có quai xách, người Tàu dùng để đựng quà đi biếu xén bà con. Không biết do ngôn ngữ của ai, nhưng do Triều Châu đưa vào Nam.

Ô: ÂU, cái VỊM nhỏ bằng Thau mà Triều Châu đưa vào Nam, ta dùng đựng trầu cau, thay cho cái cơi đất Bắc. Ô Trầu = Cơi Trầu.

XIÊM LO: Xiêm lo là một thứ canh nấu toàn bằng rau đậu v.v. không có thịt cá gì hết, và Cao Miên nói là SO LOM. Nhưng Triều Châu nói là XIÂM LỐ.

Đó là danh từ của lính tráng của vua Tàu của nước Xiêm la là Trịnh Chiếu, đã đến đánh Hà Tiên của Mạc Cửu. Thường thì họ thắng, nhưng cũng có khi thua, bị bắt làm tù binh rồi sau được phóng thích cho làm thường dân. Khi họ nói ra tên của món canh đó, thì họ có để tiếng CANH ở trước. Canh Xiêm lố, là canh nấu theo dân Xiêm La. Ta và Cao Miên ngộ nhận, bỏ tiếng Canh và ngỡ XIÊM LO, SOM LÔ là danh từ, và có nghĩa là canh rau đậu.

Loại canh nầy, hình như đất Bắc gọi là canh suông, có G, và xin đừng lầm với món SUÔN, không có G là một thứ canh gần như là một xa xỉ phẩm, không ăn với cơm, mà để ăn chơi với bún.

Triều Châu và Phúc Kiến đưa tiếng Tàu vào miền Nam rất nhiều, nhưng xét kĩ ra thì chỉ có bốn danh từ còn bao nhiêu đều là danh từ Mã Lai hết. Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam là ba nhóm Trung Hoa còn giữ được nhiều danh từ Mã Lai nhứt, và chúng tôi đếm được trên 300. Những tiếng không len vào Việt ngữ, nhưng ta biết, cũng là tiếng Mã Lai. Thí dụ ĐẠI TIỆN, họ nói là BẮNG XÁI, Nam Dương nói là BUANG BƠSA.

Nhưng không vì thế mà có Mân ngữ đâu, bởi một vài trăm danh từ không tạo ra một ngôn ngữ được. Họ nói tiếng Tàu sai giọng, chỉ có thế thôi.


Ngữ nguyên bí

Miền Nam có ba danh từ mà chúng tôi tìm mãi không ra nguồn gốc.

VỚ = Bít tất.

TÔ, TỘ = Bát lớn. Không có dân tộc nào ở Đ.N.A nói như vậy hết. Tất cả đồng bào Thượng đều có danh từ riêng để chỉ tên chén bát, tức họ không có học của Tàu như ta. Nhưng họ vẫn không có TÔ và TỘ.

XÀ LỎN = Quần đùi. Cách đây 50 năm phụ nữ ta chưa mượn danh từ XI LÍP thì các cô gọi xì líp là QUẦN LỒNG, còn đàn ông gọi quần đùi là XÀ LỎN. Thấy rõ là đồng gốc, mặc dầu hai món đó hơi khác nhau, chỉ hơi khác vì thuở xưa quần lồng khá giống quần đùi chớ không quá hẹp.

Chúng tôi thấy người Tàu viết chữ là SA LÔNG (Cát rồng) là biết họ phiên âm, nhưng đó là họ phiên âm danh từ Sarong của Mã Lai, chớ không phải Xà Lỏn của ta, bởi hai thứ khác nhau một trời một vực.


Mã Lai

Oái oăm thay, từ khi dân ta di cư vào Nam, tức từ đầu thế kỉ 17, thì ta chỉ học của Mã Lai có năm danh từ, không kể hàng ngàn danh từ khác mà chúng tôi cho là của Phù Nam.

MÃ TÀ: Do Mata Mata của Phi Luật Tân, đã giải thích ở nơi khác.

BẮT KẾ: Thắng xe do Kêrơta của bọn Mata Mata được giải ngũ và ở lại Sài Gòn.

XÀ ÍT: Danh từ nầy đã bị bỏ từ 50 năm nay, nên không giải thích.

SARÔNG: Tấm vải quấn quanh thân dưới thay cho quần, Nam Kỳ cũng gọi là CHĂN, Nguyễn Siêu, trong P.Đ.D.Đ.C viết là VĂN vì sách đó là sách chữ Nho, viết chữ chăn không được.

SẦU RIÊNG: Do Durion, Durian, Surian.


Ấn Độ

Ấn chỉ đưa vào miền Nam có bốn danh từ.

CÀ RY: Món ăn, Pháp viết là CARY, Anh viết là CURRY.

NỊ: Một loại mỡ đặc biệt của họ.

ĐĨ: Đây là danh từ Tamoul Nam Ấn, tức cũng của chủng Mã Lai, họ đọc là CHANĐI.

XÉT TY: Do CHETTY. Ta ngỡ CHETTY là kẻ cho vay, nhưng tên của những ông Chetty luôn luôn có CHETHIAR trong đó. Thế nên là tên của giai cấp, chớ không phải là tên người, cũng không phải là danh từ chỉ nghề nghiệp.

Cả bốn tiếng vay mượn đều mang âm I cuối.


Cao Miên

THAO LAO: Cây bằng lăng của ta, được Đ.N.N. của Tàu viết ra chữ là BÀN LÂN. Cao Miên gọi là SRÔLAU.

SẦU ĐÂU: Cây soan. Đã giải rõ nguồn gốc ly kỳ của Cây Soan ở Chương khác.

BỒ NÂU: Do PÔNÂU, một loại trái để nhuộm.

MẶC NƯA: Do KRONOT

KÈ: Do CHRE

MĂNG CỤT: Ai cũng tưởng đây là tiếng Mã Lai, nhưng sự thật thì Nam Dương gọi khác. Chỉ có Thái Lan và Cao Miên với ta gọi là Măng Cụt. Nhưng nước Thái Lan là quốc gia sơ sanh, nên chúng tôi cho là do gốc Cao Miên.

MO: Ván cong lại vì quá mỏng và quá khô. Đúng là BÔÔ.

CHÙM BAO: Tên cây mà trái dùng trị bịnh hủi. Đúng là ĐOM BAU AU. Rất đỏ. Ta nói ĐỎ AU tức đỏ lắm. Đúng là CHXOAU, nhưng CHXO dính với AU chớ không phải là ĐỎ.

PHÁT ÁCH: Bịnh đầy bụng (Incligestion pour avoir trop manger). Đúng là PHO ẾCH.

BƯNG: Đầm lầy. Cách đây 20 năm, ta lại tân tạo BƯNG BIỀN.

VÀM: Cửa sông. Do PIAM.

RẠCH: Phụ lưa. Do PREK.

CÀ TĂNG: Một loại phên thấp bằng mây, cuốn tròn lại thì thành một thứ bồ lúa nhỏ.

CÀ RÀNG: Một loại bếp mang đi được, cả bếp lẫn ba ông táo, chỉ nhỏ bằng cái nón, đặt trên bếp ẩm ướt, đặt trên thuyền đều tiện.

CÀ RÒN: Một loại bao đan bằng lát.

CHÀ GẠC: Một thứ rựa ta biết, nhưng không có dùng.

CÀ VOM: Một loại ghe thuyền.

SẠ: Động từ do lúa sạ mà ra và có nghĩa là gieo cẩu thả.

LÚA SẠ: Do SRAU chỉ có nghĩa là lúa. Nhưng đó là lúa đặc biệt, nước lụt cao lên tới đâu, nó lên theo tới đó mà không chết. Hầu hết tên các loại thóc đều là danh từ Cao Miên, nhưng quá nhiều, không thể chép ra được. Thí dụ: LÚA ỪNG CO hoặc NÀNG CO, lúa SA MO, vân vân.

Ta biết rất nhiều danh từ Cao Miên vì sống gần nhau, nhưng không kể vào đây, vì những danh từ ấy không vào Việt ngữ. Cũng không kể hàng ngàn danh từ chung của chủng Mã Lai, và không kể luôn hàng trăm danh từ vay mượn qua lại hồi cổ thời.


Mạ

Ta học của Mạ nhiều bằng của Cao Miên. Điều nầy chứng tỏ rằng thuở ta di cư vào Nam, dân số đông đảo vào hàng thứ nhì là người Mạ, người Cao Miên chỉ đông vào hàng thứ tư thôi, ít hơn cả người Tàu nữa. Người Mạ kém cỏi hơn người Cao Miên nhiều bực thế mà ta học với họ nhiều bằng với Cao Miên thì chỉ có một lối hiểu: Họ đa số hơn người Cao Miên.

SÉT: Han rỉ. Do SET.

CẨM LAI: Một thứ gỗ quý. Do LAI

CHIM SẮC: Do SIM RẮC.

CÁ LÒNG TONG: Do Ka Rangtong.

CÁ SÀ LẸP: Do Ka Salet.

ĐAU XÓC: Đau lói. Do Sốt.

CHẾT GIẤC: Ngất đi. Do CHƯT LAWÂT. Người Khả Tu ở Quảng Ngãi nói là CHET RANGAT tức CHẾT NGẤT của miền Bắc. Mạ và Khả Tu thường trùng danh từ với nhau và với ta.

CÀ NANH: Trạng từ nầy không có mặt trong tự điển Nhựt Bổn nên chúng tôi cho là gốc Mạ: CANĂNH.

NGẦY NGÀ: Cũng không có trong tự điển miền Bắc, mà cũng không nghe người miền Bắc nói. Do NGAY NGA = Hay rầy mắng.

RỊ: Cũng không thấy miền Bắc có. Do DRI = Kéo mạnh sợi dây.

TRĂNG: Động từ TRANG của người Mạ chỉ có nghĩa là bỏ tù. Ta biến thành danh từ để chỉ GÔNG, CÙM của miền Bắc, và dùng với động từ ĐÓNG. Đóng trăng = Đóng gông.

Thuở còn sanh tiền ông Nhất Linh thường hỏi chúng tôi nghĩa của những danh từ miền Nam mà ông cho là kì dị: Đóng trăng, Thét rồi, Nhè v.v.

Thát: Mãi rồi. Do Thet.

NHÈ: Đúng vào nơi không phải chỗ. Do TAHE.

CỐT: Đốn cây. Do CÔL. Toàn thể đồng bào Thượng đều có động từ nầy. Người Chàm cũng có nên các ông Tây cho rằng ta và Thượng học của Chàm. Sự thật thì đó là động từ của Lạc bộ Trãi mà Lạc bộ Mã không có, mà Chàm là Lạc bộ Mã. Hễ đồng bào Thượng có cái gì đều bị các ông Tây cho là học của Cao Miên và của Chàm tuốt hết.

XÀ NIÊNG: Một loại quỷ rừng do NUÔN của Mạ và do Chak Niêng của các phụ chi Mạ như Cil, Kâyông, v.v.

LUNG: Nhiều lắm. Do LUNG. Hồ Biểu Chánh luôn luôn dùng trạng từ nầy, thay cho nhiều.

BẬU: Ta dùng để gọi vợ, như EM ngày nay. Nhưng BAU của Mạ còn có thêm nghĩa là CƯỚI.

QUA: Ta còn dùng để tự xưng với vợ hoặc người yêu, hoặc em út, như ANH. Do một phụ chi của Mạ. Đại danh từ nầy vốn là TƯA, do ta hiểu lầm, nó chỉ có nghĩa là TÔI mà thôi.

DẦU LONG: Một loại cây dầu tên là KLONG.

Cũng nên biết rằng dân Mạ cũng có danh từ Đồng hàng trăm năm rồi dưới hình thức ĐANG và ĐỜNG. Ta di cư tới thì đặt tên con sông Đồng Nai bằng cách thêm tiếng NAI vào là đủ. Hiện nay họ chỉ còn chiếm đất ở ngọn Đồng Nai và vẫn tiếp tục gọi sông đó là sông Đờng, mặc dầu ở địa bàn của họ không còn đồng bằng nào nữa hết.

(Chúng tôi không kể hàng ngàn danh từ chung của chủng tộc vào đây, vì Mạ là Lạc bộ Trãi, vốn là thần dân của Lạc bộ Mã là người Phù Nam.)

Tên của ngọn sông Đồng Nai bị các nhà địa lý và các nhà vẽ dư đồ làm cho sai đi. Ngày nay có nhiều cậu học sinh, đọc là ĐÁ DỰNG. Nguyên người Mạ gọi sông Đồng Nai là ĐẠ ĐỜNG = SÔNG ĐỒNG. ĐẠ là hình thức đầu tiên của danh từ nước, cũng có nghĩa là sông.

Nhưng các ông Tây đã kí hiệu là DA DUNG. Các ông không biết chữ Đ của ta, các ông lại ghi cái âm Ờ của Mạ thành chữ U với hai cái chấm ở trên. Tây đi rồi, các ông Việt biến thành Đa Dung. Nhưng học trò thấy rằng ĐA DUNG cứ còn vô nghĩa bèn đọc là ĐÁ DỰNG.

RỌNG: Do Rong, tức nhốt trong Kurong, tức trong lồng chim. Nhưng ta biến thành Rọng để chỉ việc nhốt cá trong VỊM. Nhưng ta học của Phù Nam hơn là của Mạ, bởi Mạ không bắt cá nhiều như Phù Nam.

LUÔN: Đất Bắc chỉ có một trạng từ LUÔN có nghĩa là không bao giờ nghỉ ngơi. Làm luôn tay. Ở Nam có một trạng từ LUÔN thứ nhì, mà thường thì người Nam lẫn lộn hai tiếng, còn người Bắc thì hiểu lầm. LUÔN của miền Nam có nghĩa thật rõ là: Tiện tay làm thêm một công việc, chỉ một thôi, vì cả hai công việc có thể chỉ tốn 4 phút đồng hồ, tức không hề mang ý nghĩa không nghỉ ngơi của miền Bắc. Thí dụ: “Mầy quét nhà rồi quét sân luôn nghen”.

Trạng từ LUÔN thứ nhì của miền Nam là biến dạng của từ LUUÂN của người Mạ, và người MẠ cũng dùng với ý nghĩa đó, tức miền Nam có biến dạng khi vay mượn nhưng không có biến nghĩa.

NHÓT: Do NHÓT, chỉ tánh cách teo lại của gỗ vì quá khô.

CÁ CHẠCH LẤU: Do KA LAUUA, một loại trạch (lươn) nhiều màu rực rỡ, chuyên sống ở đáy đầm, được dân miền Nam nuôi trong bồn cá vàng, vừa để trang trí, vừa dùng nó làm kẻ hốt rác vì nó chuyên ăn phân của các loại cá khác.

BE: Cây đã đốn nhưng chưa cưa ra. Sau khi sống lẫn lộn với ta hàng trăm năm từ lối Mỹ Tho đổ lên Biên Hòa, người Mạ rút khỏi Biên Hòa, vào rừng, nhưng có nhóm còn hợp tác với ta bằng cách làm tiều phu cho các nhà khai thác lâm sản ở Biên Hòa.

Những danh từ về nghề lâm sản, phần lớn là của họ, nhưng quý vị đã thấy nãy giờ.


Anh

Tiếng Anh đi vào Việt ngữ không nhiều, và đều do người Pháp đưa vào cả, chỉ có một danh từ độc nhứt là tiếng CỐC mà chính người Anh đã trực tiếp đưa vào. CỐC do CUP. Thời Lê-Trịnh người Anh đã thử đặt chơn ở xứ ta và có liên lạc với cả Chúa Trịnh, lẫn Chúa Nguyễn, có tặng quà qua lại, và trong các món quà có chén uống rượu bằng pha lê mà họ gọi là CUP ta biến thành CỐC. Đó là món quà miền Nam gọi là LY do ngữ nguyên khác.

Trò chơi Oẳn tù tì được nói tên bằng tiếng Anh, nhưng có lẽ do người nước khác đưa vào, vì người Anh không đặt chơn được ở xứ ta.
Nguồn: Bình Nguyên Lá»™c. Lá»™t trần Việt ngữ. Nguồn XÆ°a xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.