© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
11.5.2007
Trần Nghi Hoàng
Vũ Hạnh và Con đường thứ ba của Dương Nghiễm Mậu
 
Trước 1975, tôi tình cờ đọc được một truyện ngắn của Vũ Hạnh, mà tôi cho là hay. Tôi đã quên đề tựa truyện. Chỉ nhớ truyện kể về một cô gái người sắc tộc, bị một người Kinh hiếp trong một lùm cây. Sau khi tên dâm tặc bỏ đi, cô sơn nữ vừa khóc, vừa dùng cái rìu đi rừng của mình chặt chém tan nát lùm cây. Cô cho rằng, vì trong lùm cây có ma quỷ trú ngụ, nên đã xúi giục tên dâm tặc hiếp cô. Cô không tin trên đời có người xấu xa như vậy. Phải có ma quỷ nhúng tay vào, thúc đẩy một con người bình thường vốn "tính bổn thiện" có những hành xử như súc vật... Không một lời nói, một ý nghĩ thoáng qua về sự căm thù của cô đối với tên dâm tặc... tất cả tội ác đều là tại ma quỷ trong lùm cây...

Thời gian gần đây, Công ty văn hoá Phương Nam và Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM cho in lại 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu, và truyện dài Nguyệt Đồng Xoài của Lê Xuyên.

Có nhiều dư luận trong nước, sớm nhất là một cô giáo tên Lê Ánh Ðào, đã phản đối nhà xuất bản và Công ty Phương Nam. Cô giáo này cho rằng: "Ðọc sách Dương Nghiễm Mậu - Thú vật hóa con người và lưu manh hóa hình tượng văn học". Trình độ đọc sách của "giới giáo chức" trong nước thì tôi đã có biết qua! Thậm chí có giáo viên cho cái tên Nhất Linh có liên quan tới "cải lương" chi đó!

Nhưng đáng kể là, tôi lại cũng tình cờ đọc được bài viết “Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của Vũ Hạnh, một nhà văn có chút tên tuổi xưa ở miền Nam, "đấu tố" nhà xuất bản và Công ty Phương Nam và hai tác giả Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, đăng trên trang nhà Sài Gòn Giải phóng ngày 22 tháng 4 năm 2007.

Tôi dùng chữ "đấu tố", vì ngôn từ và cung cách viết bài này của Vũ Hạnh sặc mùi "đấu tranh giai cấp" và loảng xoảng sắt máu hận thù, không thua sút chút nào với những bài của các "văn công" đã "đấu tố" nhóm Nhân văn-Giai phẩm hơn năm mươi năm về trước. Nào là "tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc...", nào là "sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động thì sách của Lê Xuyên là tính đồi trụy..." Và Vũ Hạnh... ngậm ngùi thêm: "... và các tác giả - Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên - sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp bất cứ sự quấy phiền nào."

Tôi biết rất rõ; chúng tôi, những người Việt nói chung, những văn nghệ sĩ lưu vong đều biết rất rõ những văn nghệ sĩ miền Nam còn ở lại sau tháng Tư 1975 "vẫn" được đối xử bình đẳng và... "vẫn" không bị "sự quấy phiền" như thế nào... Thậm chí, Dương Nghiễm Mậu "sung sướng" quá phải bỏ viết, đi học nghề làm tranh sơn mài... Và Lê Xuyên thì "rất an vui" ngày ngày ngồi bán thuốc lá lẻ, quần áo vá chằng đụp sống ngậm tăm trên hè phố!

Bây giờ đã là năm thứ 7 của thế kỷ 21, Thế Kỷ Mới. Mọi thông tin hầu như không thể giấu giếm, bưng bít. Và thời đại này người ta từng giây phút kêu gọi con người tiến tới chữ "NHÂN". "Nhân quyền", "nhân sinh", "nhân từ", "nhân nghĩa", "nhân đức"... Vũ Hạnh chưa từng "nhảy núi" vào rừng, sao có lối mập mờ khỏa lấp nói đại nói càn, xem thường trí thông minh của nhân loại như thế?

Theo tôi biết, Dương Nghiễm Mậu là nhà văn tiên phong dùng những nhân vật lịch sử, hoặc hình tượng tiêu biểu trong văn học làm ẩn dụ để "viết lại" và đưa ra cái cảm quan đặc dị của riêng ông:

Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không chết đứng giữa trận tiền. Cao Bá Quát là người đi tìm "cái đẹp"...

Và Kinh Kha không bị giết trong cung điện của Tần Thủy Hoàng, mà đã cùng Tần Thủy Hoàng làm một cuộc mật đàm về cái thế an định và mang hạnh phúc cho thiên hạ. Nhưng sau đó, Kinh Kha bị Tần Thủy Hoàng phản bội những điều đã cam kết trong mật đàm. Kinh Kha trở về, tìm bạn là Tay Kiếm Vô Danh và Cao Tiệm Ly để vầy một cuộc đội đá vá trời khác: "Lại hành thích Tần Thủy Hoàng".

Câu chuyện này được kể lại bởi một trong hai người đang cùng nhau tìm đường vừa trốn Tây, vừa trốn Việt Minh. Người lớn tuổi cho biết có ông anh làm cách mạng lưu lạc qua Tàu, tình cờ đọc được một cuốn "ký sự lịch sử" có tựa Ba lần gặp Kinh Kha...

Hai người bạn đã dùng câu chuyện này để suy luận mà tìm một con đường cho chính mình.

Và phần kết luận, Dương Nghiễm Mậu viết:

Người trẻ tuổi nói: "... Bây giờ có nhiều đất Tần bất trắc, nhiều Tần Thủy Hoàng, nhiều sông Dịch phải vượt qua... Chiến sĩ một đi không trở lại, tôi không chấp nhận quan niệm ấy, lên đường là phải nghĩ đến ngày trở về...”

Còn người lớn tuổi, kẻ đã kể lại câu chuyện mới về Kinh Kha:

“Tôi từ chối lựa chọn cả hai con đường ấy. Ai buộc chúng ta phải chấp nhận con đường có sẵn?...” [1]

Người lớn tuổi muốn chọn con đường thứ ba. Một con đường mà chính tác giả Dương Nghiễm Mậu cũng chưa biết nó ra sao!

Ðó là thân phận trí thức trong đất nước Việt Nam cuối thế kỷ XX.

Vũ Hạnh thời trước tháng Tư 1975 sống ở miền Nam, được không ít những bạn bè trong lẫn ngoài văn giới là những người ở miền Nam bảo bọc. Những trí thức miền Nam yêu nước và có ý thức. Vũ Hạnh chơi với Trương Ðình Cử, dịch giả Tội ác và hình phạt, Con bạc... của Dostoievski; với họa sĩ Phạm Tư... trong hồ tắm Chi Lăng Gia Ðịnh. Tức Vũ Hạnh cùng trong nhóm Hòa bình Bánh vẽ. Vũ Hạnh làm tờ báo Tin văn chờ ngày 30 tháng Tư 1975 để vẽ cờ đỏ sao vàng tung hô Ðảng.

Cuối bài viết nói trên, Vũ Hạnh kết luận: "Ông Dương Nghiễm Mậu hành động vì cái gì, hành động theo hướng nào thì chúng ta đã rõ, ngoại trừ ông Phạm Xuân Nguyên và những người chủ trương đưa sách của ông Dương Nghiễm Mậu đến với đông đảo bạn đọc.”

Nhưng dường như Ðảng không biết Vũ Hạnh là ai, đã làm được những gì cho Ðảng! Ngoại trừ một lần được Đảng ban chút ân sủng cho đi Nga, sau đó, dường như Vũ Hạnh không được Đảng "cho" thêm ân huệ nào. Ðó là con đường thứ ba của Vũ Hạnh. Vậy tại sao Vũ Hạnh lại "tấn công, đấu tố" khi Phương Nam in lại sách của Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên? Vũ Hạnh có mục đích gì?

Và tôi nhớ tới truyện ngắn cô sơn nữ bị hiếp trong lùm cây của Vũ Hạnh. Có phải xã hội đó, vùng đất đó có "ma, quỷ", nên Vũ Hạnh bị ám và đặt bút viết lên những dòng chữ không nên, và chẳng thể viết từ một người có đầu óc suy nghĩ bình thường về những bạn đồng nghiệp của mình sau 32 năm chiến tranh đã chấm dứt trên đất nước?

Tôi lại đọc được một bài của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trả lời Vũ Hạnh, với tựa "Gửi Ông Vũ Hạnh", đăng trên trang nhà talawas ngày 24 tháng 4-2007. Trong bài trả lời này, Phạm Xuân Nguyên nhắc tới Trần Mạnh Hảo trong một câu chuyện rất nên biết, nhất là đối với những người Việt ở hải ngoại mấy lúc gần đây khi đọc những bài "phê bình Ðảng và Nhà nước" của Trần Mạnh Hảo, đã tung hô Trần Mạnh Hảo là... "anh hùng dân tộc". Xin trích:

"Riêng về thơ, tôi (PXN) đã nêu lại nhóm Sáng Tạo và vai trò của Thanh Tâm Tuyền trong sự vận động đổi mới thơ Việt sau 1945. Ðề xuất của tôi vấp phải những phản ứng quyết liệt, gay gắt của một số người mà tựu trung lý lẽ của họ cũng như ông (Vũ Hạnh) bây giờ: nhân thân tác giả là "ngụy", và nội dung tác phẩm là "phản động, đồi trụy". Ông Trần Mạnh Hảo đã có hơn một bài phê phán trực tiếp tôi về chuyện này, và liên quan đến thơ Thanh Tâm Tuyền ông ấy đã cho tôi là "giật lá cờ máu trong tay thơ ca kháng chiến trao về phía bên kia."

Trần Mạnh Hảo, dường như là một trường hợp rất hiếm trong giới nhà thơ... rất thích MÁU!

Nhưng cũng Trần Mạnh Hảo, trong bài "Lại bàn về thơ hiện đại" đăng báo Nhân dân Chủ nhật (số 45, ngày 6 tháng 11-1994) thì lại viết về vấn đề này như một vòng quay 180 độ:

"Trong dòng văn học chính thống của miền Nam Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền giữ một vị trí khá quan trọng. Về thơ, ông là ngọn cờ trong nhóm Sáng Tạo." (Trích Phạm Xuân Nguyên. "Biến cố thứ nhất của văn học thời hậu chiến: Thanh Tâm Tuyền", talawas ngày 23 tháng - 2006)

Tôi đã từng viết: Trần Mạnh Hảo "ly thân", rồi Trần Mạnh Hảo "tái hôn" là vậy.

Và trường hợp của Trần Mạnh Hảo cũng làm tôi nhớ tới truyện ngắn cô sơn nữ bị hiếp trong lùm cây của Vũ Hạnh.

Vũ Hạnh đã viết được một truyện ngắn "để đời". Cô sơn nữ bị hiếp và chỉ thù "lùm cây", nơi cô bị hiếp. Cô không có chút oán hờn tên dâm tặc đã hiếp cô! Truyện ngắn của "trường hợp thứ ba". Bởi con đường thứ ba là con đường mà những người như Vũ Hạnh và Trần Mạnh Hảo không đủ bản lãnh và khả năng để tìm đến. Nhưng "trường hợp thứ ba" lại là trường hợp của bi hài và khốn nạn.

Nước Mỹ trong những thời gian an bình nhất, thời kỳ Rag-Time và ngay cả vài thập niên cuối thế kỷ XX, trước triều đại Bush con, vẫn còn tương đối bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng, thì hai chữ "anh hùng" (hero) là những hình tượng, ấn tượng rất dễ chịu. Ðó là các cầu thủ football, basket-ball; đó là một ca sĩ nhạc Rock & Roll; hay một chú bé 14 tuổi vừa nhào xuống sông cứu được một cô bé 8 tuổi đang sắp bị chết chìm, v.v...

Bây giờ, "anh hùng" của nước Mỹ là "anh hùng Iraq". Tức là loại "anh hùng" vì nhờ đã đổ máu chính mình hoặc đã làm đổ máu kẻ khác. Loại anh hùng được vinh danh trên màu đỏ của MÁU! Có nghĩa là nước Mỹ đang trên đà... tuột dốc!

Vì vậy, "lá cờ máu" đó của Trần Mạnh Hảo, có muốn trao thì chưa chắc phía bên kia có người (dám) chịu nhận.

Vũ Hạnh, Trần Mạnh Hảo cứ tiếp tục làm "anh hùng" trong những cơn lên đồng của hai ông! Nhưng hãy "tha" cho những người khác và đất nước Việt Nam.

Tôi cầu mong đất nước Việt Nam thôi đừng có những... "anh hùng".

"ANH HÙNG", và "ANH KHÙNG", chỉ khác nhau có một chữ "K".

Bao giờ đất nước Việt Nam còn "cần" những Anh Hùng, "Anh Khùng Dân Tộc", ngày ấy dân tộc Việt Nam còn có người đổ máu và bị hàm oan, trấn lột, hiếp đáp, tù đày... Và quê hương Việt Nam còn lầm than chậm tiến.

VA May 6-2007

© 2007 talawas


[1]Dương Nghiễm Mậu, Nhan sắc, truyện Kinh Kha, Con dao chủy thủ và đất Tần bất trắc, tập truyện, Văn Nghệ tái bản tại Hoa Kỳ năm 2000, trang 162