Herta Müller – Tôi hiện hoàn toàn bình thản
14/10/2009 | 7:41 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở Herta Müller – Tôi hiện hoàn toàn bình thản
Category: Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: Giải thưởng Nobel Văn học > Herta Müller
Mạnh Cường Vũ dịch
Lời người dịch: Bài phỏng vấn này nhan đề “Ich bin jetzt ganz stoisch” của báo Süddeutsche Zeitung ngày 9/10/2009. Đây là một trong số những phỏng vấn hiếm hoi bà Herta Müller đồng ý thực hiện sau khi được tin về Giải thưởng Nobel Văn học 2009.
_____________
Bà có ngạc nhiên về giải thưởng không?
Herta Müller: Vâng, rất ngạc nhiên. Tôi luôn nghĩ người ta phải đợi cả đời. Tôi đã loại trừ khả năng rằng mình được chọn lựa [sớm] như thế này. Nhưng mà không phải tôi đã được chọn, mà là những cuốn sách.
Trong CD truyện kể mới phát hành gần đây về thời thơ ấu của bà ở Banat (Rumani) có một từ liên tục vang lên: Bị đánh mất.

Nhà văn Đức Herta Müller
Herta Müller: Vâng, tôi thường cảm thấy như thế khi còn là một đứa trẻ, đêm đêm hy vọng rằng ngày mai không phải ra đồng. Và tôi gần như không biết tôi ra sao. Ban ngày khi cùng đàn bò ở ngoài thung lũng tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ bị xé xác đến nơi. Cả phong cảnh nữa, tôi luôn có cảm tưởng rằng nó quật ngã người ta. Điều này liên quan đến những cánh đồng hợp tác xã rộng lớn không bờ, nơi người ta ở cả ngày ngoài đó. Nhiều ngày liền người ta có thể cứ bẻ bắp hay đốn ngô liên tục mãi. Tôi luôn không thể hiểu nổi, cho dù tôi không biết điều gì khác, tại sao người ta lại hiến dâng một cách vô điều kiện trong cái phong cảnh ấy. Cũng đúng thôi, họ có thể làm gì khác đâu. Mẹ tôi luôn làm trên đồng. Tôi tin là mẹ tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Đêm nào tôi cũng cầu nguyện trời mưa. Để người ta đỡ phải ra khỏi nhà.
Hội đồng xét Giải Nobel đã tôn vinh bà như một nhà văn “vẽ phong cảnh của sự tha hương”. Bà có cảm thấy mình được hiểu đúng không?
Herta Müller: Vâng, tôi tin rằng không có chốn nào đương nhiên cho ta cảm giác thuộc về nơi đó cả. Đồng hương đã loại trừ tôi, ngay sau cuốn Niederungen (Đất trũng) vào đầu những năm 80, sau đó là cả quá trình rắc rối với mật vụ và độc tài. Rồi tôi đến Đức, nơi tất nhiên không phải là một quê hương. Tôi sống ở đây, nhưng nơi đây không phải là nơi tôi có thể cảm thấy là nhà, bởi tôi không xuất thân từ đây, tôi không thuộc về nơi đây. Semprun đã nói rằng: “Không phải ngôn ngữ mà điều được nói ra mới là quê hương.” Và như thế, với những gì được nói về tôi ở nơi lẽ ra có thể gọi là quê hương, cho thấy rõ ràng nhất rằng nơi đó không phải. Và điều này càng đau xót hơn khi người ta lẽ ra thuộc về nơi đó nhưng lại không thể.
Bà muốn nói rằng mình đã hoàn toàn mất quê hương rồi?
Herta Müller: Tôi không biết. Điều này cũng chưa từng bao giờ làm tôi phải suy nghĩ cả. Nó tự nhiên là như thế. Tất nhiên tôi đã vui sướng từng ngày sau khi rời khỏi Rumani. Bởi tôi biết rằng, khi đến Đức, là tôi đã đạt nguyện vọng rồi. Tôi thoát ra khỏi cái tình trạng đó, cái chế độ độc tài đó. Sau này tôi đã không màng đến chuyện này nhiều nữa, không suy nghĩ mang nặng tình cảm, tôi biết rằng, tại sao tôi lại ra đi. Tất cả đều có lý do của nó và về sau này tôi cũng không cho rằng, ngay cả diễn giải với riêng tôi thôi, dường như đó là một bất hạnh. Tôi ra đi được là một may mắn. Tôi đã ra đi quá muộn, bởi vì tôi đã bị bầm dập quá lâu. Điều đó mới là vấn đề, chứ không phải chuyện tôi ra đi. Ơn trời là còn có một nước khác, nơi người ta có thể đến và tôi có thể hòa được cùng ngôn ngữ. May mắn này không phải người ra đi nào cũng có được.
Cuốn sách mới nhất của bà [Atemschaukel – Xích đu hơi thở] cũng kể về một câu chuyện nhiều tuổi đời hơn bà và bắt đầu trước khi bà sinh ra. Nó cũng nói về người bạn của bà, ông Oskar Pastior.
Herta Müller: Giá như Oskar bây giờ biết được điều này. Trong bất cứ chuyện gì tôi làm lúc này, mỗi khi tôi cùng cuốn sách đến đâu đó, là tôi lại có ý nghĩ: giá như ông ấy còn được sống lúc này.
Bà có nghĩ rằng Giải Nobel có thể thay đổi vị trí của bà ở Rumani hay liên quan đến mức độ ảnh hưởng của bà ở Rumani hay không?
Herta Müller: Tôi không chắc, nhưng tôi không được ưa lắm ở Rumani, may ra những cuốn sách thôi, vì tôi vẫn nói một số điều người ta phải nói ra về Rumani.
Ví dụ như?
Herta Müller: Rằng không hề có dân chủ và rằng tham nhũng tràn lan, rằng lực lượng mật vụ mới chỉ kế thừa lực lượng cũ hay chỉ có một phần nhỏ là mới, vì họ tự nhận là có 40% nhân viên cũ chuyển sang, rằng tham nhũng ở khắp nơi, bởi bộ máy chính quyền hồi xưa giờ đã chia nhau đất và bây giờ tất cả trở thành của tư. Họ quen nhau và phục vụ lẫn nhau. Thông qua đó tất cả lại trở nên bền vững đến mức tôi không thể tưởng tượng làm sao điều này có thể thay đổi được.
Bây giờ nó đã ổn định lại rồi và thành một tình trạng bền chặt. Người Rumani không thích nghe điều này. Và rằng đó chẳng phải cuộc cách mạng gì cả, người ta cũng không muốn nghe ở Rumani. Rồi còn luôn có những nhắn gửi là tôi giờ chẳng còn hiểu gì thế sự nữa và tôi nên câm miệng thì hơn. Người ta không nên làm xấu đi hình ảnh đất nước và tôi dường như đang làm chính điều đó. Ở đây tại Đức những người hiểu biết, những trí thức có một định nghĩa khác về quê hương so với tại Rumani.
Ở đây [tại Đức] quê hương cũng luôn là thứ mà người ta không thể chịu đựng được và là thứ không buông tha người ta. Nhưng ở Rumani người ta chỉ muốn một thứ thôi. Người Đức thiểu số thì luôn thế, họ muốn văn học quê hương, ngay cả khi họ sống ở đây [tại Đức]. Càng sống lâu ở đây, cái cơ chế cũ lại càng quan trọng, cái đã trải qua lại càng được tán dương. Tất cả những gì đã diễn ra đều đẹp cả. Từ một khoảng cách thì tất cả mọi thứ được tô màu hồng.
Bà có một thần tượng văn học nào không?
Herta Müller: Không. Tôi đánh giá cao nhiều tác giả. Những tác giả tôi quan tâm tất nhiên luôn là những người đã và đang không thoát khỏi đề tài của họ, những người không tự chọn cho mình một đề tài. Tôi cũng ở trong một tình huống tương tự. Tất nhiên xuất phát điểm sẽ khác nhau nếu người ta suy tư rằng mình có thể viết về cái gì bây giờ hay người ta mang theo những đau thương và chúng là lý do duy nhất tại sao người ta lại viết. Nếu người ta suy tư, nếu những niềm đau này không hề có, tôi đã chẳng phải làm gì, tôi đã chẳng phải viết. Tất nhiên tôi tôn trọng những tác giả như thế, nhà văn lớn Alexandar Tisma là một ví dụ, hay Thomas Bernhard, người với thẩm mỹ không khoan nhượng đã luôn là một tấm gương cho tôi, cho dù tôi viết hoàn toàn khác, câu không dài.
Bà có những dự án văn học mới nào chưa?
Herta Müller: Điều này hiện tôi còn chưa biết. Tôi vẫn chưa thực sự cảm nhận được điều gì đang xảy ra. Tôi như bị tắt đèn. Dường như có một chiếc la bàn trong đầu, một mũi kim đang chặn lại cái gì đó. Tôi dù biết, nhưng nó im lặng. Theo cảm nhận thì nó chưa nói gì. Nếu tình trạng này tiếp tục cũng có thể làm choáng váng người ta. Tôi không muốn bị choáng. Tôi hiện hoàn toàn bình thản, có phải là tôi đâu, mà là những cuốn sách. Người ta phải sắp xếp lại mọi thứ. Nhưng tôi tin rằng, sẽ ổn thôi.
Mặc dù thế chúng tôi vẫn chúc mừng bà.
Herta Müller: Cảm ơn.
Nguyên bản tiếng Đức: “Ich bin jetzt ganz stoisch“, Süddeutsche Zeitung 9/10/2009
Bản tiếng Việt © 2009 Mạnh Cường Vũ
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Herta Müller – Tôi hiện hoàn toàn bình thản”)