Trần Văn Tích – Sinh học mác-xít và tân Bộ trưởng Y tế CHLB Đức
29/10/2009 | 1:07 sáng | 6 Comments
Category: Chính trị - Xã hội
Thẻ: Người Việt tại Đức > Philipp Rösler
Nếu muốn bịt miệng những tên chống cộng mút mùa, nếu muốn khoá mồm những kẻ phản động ngoan cố thì người cộng sản chỉ cần viện dẫn trường hợp bác sĩ Philipp Rösler, tân Bộ trưởng Y tế Cộng hoà Liên bang Đức, vì chính trị gia này là bằng cớ chứng minh hùng hồn học thuyết Mitchurin, Lysenko, Timiryazev.
Khác với các lý luận sinh học trước nó, những người sáng tạo ra học thuyết này, qua áp dụng một cách nhất quán và hoàn toàn tự giác tư tưởng Mác-Lê-nin tức chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc nghiên cứu và giải thích các qui luật phát triển của vật chất hữu cơ, đã thành công trong công cuộc phủ nhận học thuyết duy tâm của chủ nghĩa Weismann, Morgan. Nói thực ngắn gọn, học thuyết Mitchurin, Lysenko bác bỏ thuyết nhiễm sắc thể của phái Weismann, Morgan cùng những cái gen thần bí của thuyết này, bởi đó là một thứ học thuyết vô căn cứ.
Tính di truyền sẽ xuất hiện trở lại trong quá trình phát triển của một cá thể thuộc một giống vật nhất định nếu có những điều kiện bên ngoài thuận lợi. Bằng không thì cơ thể sẽ thay đổi và tính di truyền, về phương diện là đặc tính của sinh vật, cũng sẽ thay đổi nốt. Nếu có đủ những điều kiện cần thiết thì các sự thay đổi đó sẽ trở thành cố định và sẽ đi vào phát dục hệ thống. Vì vậy, trong khi xem xét các cơ thể trong sự thống nhất biện chứng giữa chúng và điều kiện sinh sống, học thuyết Mitchurin, Lysenko đã làm sáng tỏ những qui luật cơ bản của quá trình phát triển sự sống. Darwin không tìm những nguyên nhân của sự thay đổi cá thể của các cơ thể. Thế nhưng vấn đề này lại rất quan trọng, cần được lý giải thoả đáng nhằm biến sinh học không những thành một khoa học dùng để giải thích các hiện tượng mà còn thành một khoa học hành động, giúp các chuyên gia cải tạo giới tự nhiên theo ý muốn của mình. Chính Mitchurin và các nhà sinh học Xô-viết khác đã hoàn thành được nhiệm vụ cao quí đó. Timiryazev cho nhân tố chính của tiến hoá không phải là sự đấu tranh trong nội bộ mỗi giống, mà là hoàn cảnh bên ngoài thay đổi cơ thể, là tính di truyền củng cố các sự thay đổi đó và sự chọn lọc làm cho cơ thể thích ứng với điều kiện bên ngoài. Nhà khoa học này xem cơ thể và hoàn cảnh là một thể thống nhất không gì phá vỡ được, ông nhận định rằng tính biến đổi của các cơ thể là tùy thuộc vào tính thích ứng của cơ thể đối trước hoàn cảnh ngoại giới. Tổng kết các thành tựu nghiên cứu dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin bách chiến bách thắng trong tác phẩm kinh điển Nông nghiệp sinh (vật) học, Lysenko đã dẫn ra nhiều tài liệu thực nghiệm nhằm hoàn toàn bác bỏ chủ nghĩa Mendel và những định luật giả dối của Mendel trong di truyền học.
*
Philipp Rösler nguyên là một em bé mồ côi Việt Nam sinh ở Khánh Hoà ngày 24 tháng Hai năm 1973. Mới lên chín tháng, em bé đang sống trong một cô nhi viện Công giáo ở vùng Sài Gòn thì được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi và mang về bắc Đức. Chú bé lớn lên, sống trong môi trường văn hoá Đức, tiếp thu nền giáo dục đào tạo Đức, chủ động tham gia chính trường Đức để trở thành vị bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong tân nội các của nữ Thủ tướng Merkel. Là trẻ vô thừa nhận khi chào đời, chú bé mang dòng máu Việt Nam trong huyết quản nhưng mang dấu ấn văn hoá hoàn toàn của xã hội Đức. Chúng ta không biết gì về hai đấng sinh thành của chú bé, cho nên vai trò các gen coi như số không. Nhưng chính hoàn cảnh Nhật nhĩ man đã tác động và đúc nặn nên chính trị gia Bộ trưởng Philipp Rösler. Mitchurin, Lysenko, Timiryazev đã đúng.
Hãy tưởng tượng chú bé cô nhi không được cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi mà tiếp tục sống trong cô nhi viện cho đến hôm nay. Hãy tưởng tượng chú bé phấn đấu thành công, từng là cháu ngoan Bác Hồ, rồi đối tượng Đoàn, đối tượng Đảng. Tiếp thu ảnh hưởng của môi trường xã hội chủ nghĩa, chú sẽ mở miệng ra là đ.m., chú sẽ gian lận trong lớp học, chú sẽ chửi thề với bè bạn, chú sẽ văng tục cùng cô giáo, chú sẽ vân vân và vân vân. Có khá nhiều phần chắc là như thế.
Hai hoàn cảnh, một thực tế thuộc chủ nghĩa tư bản, một tưởng tượng thuộc chủ nghĩa xã hội.
Tiểu bang Niedersachsen có Thủ hiến là Christian Wulff, phụ tá Thủ hiến chính là Philipp Rösler. Ngày 13 tháng Mười vừa qua, Wulff lên tiếng đòi xây dựng một bảo tàng viện cộng sản nhằm thanh toán nợ nần với quá khứ Cộng hoà Dân chủ Đức vì chủ nghĩa cộng sản vẫn còn là mối nguy cơ đe doạ nền dân chủ Nhật nhĩ man. Còn bản thân Philipp Rösler thì đã tham gia buổi lễ khánh thành tượng đài kỷ niệm thuyền nhân Việt Nam tại Hamburg mặc dầu có lời yêu cầu của giới chức cộng sản Việt Nam chống lại sự tham gia đó.
*
Thực ra cái chủ nghĩa hay học thuyết Mitchurin, Lysenko chỉ là một món hàng giả. Ngày nay không ai nghi ngờ sự hiện hữu của nhiễm sắc thể cũng như vai trò của gen.
Ngay dưới chế độ cộng sản, những nhà khoa học Đông Đức cũng chống lại học thuyết đó và nhờ thế, nền nông nghiệp Cộng hoà Dân chủ Đức đã không bị ảnh hưởng tai hại một cách thảm khốc như nền nông nghiệp Xô-viết.
Trở lại với điểm xuất phát. Hoàn cảnh bên ngoài của xã hội Đức đã uốn nắn, đào tạo nên một con người biết sống có lý tưởng. Trong gia đình, Philipp đã theo gương thân phụ: sĩ quan quân y, đảng viên FDP, tín đồ Thiên chúa giáo. Đối với xã hội, Rösler cho rằng địa vị tương lai của mình là bằng chứng cho tính cởi mở và bao dung của dân tộc Đức.
Nhiệm vụ của tân Bộ trưởng Y tế Cộng hoà Liên bang Đức rất khó khăn. Nhưng nhiều người đặt niềm tin vào chú bé cô nhi gốc Việt. Otto Graf Lambsdorff, Chủ tịch danh dự FDP, sẵn sàng xem Philipp Rösler là người mang lại hy vọng cho đảng.
Bình luận
6 Comments (bài “Trần Văn Tích – Sinh học mác-xít và tân Bộ trưởng Y tế CHLB Đức”)
Nếu mà cô nhi Viện gì đó mà còn tồn tại thì chắc họ cũng rất lấy làm hãnh diện về ông tân Bộ trưởng Y tế của Đức lắm. Không chừng sắp tới sẽ có bài viết ”Thành tích của ông Philipp Rösler có liên quan gì đến Cô Nhi Viện gì đó hay không?”
Môi trường sống thật là quan trọng, và quan trọng hơn nữa phải là người trực tiếp nuôi dưỡng nên người. Ông Philipp Rösler đã được nuôi dưỡng bởi một người Đức mẫu mực để trở thành một bác sĩ và rồi là bộ trưởng trẻ tuổi cho quốc gia của họ. Bắt chước bác Tích tưởng tượng thêm chút nữa, rằng người Việt Nam cũng vừa có một ông bác sĩ trẻ tuổi lắm tài, Nguyễn Bảo Hoàng, được nuôi dưỡng bởi người Việt yêu nước, lấy được cả bằng tại trường đại học danh tiếng Hardvard xứ Hoa Kỳ, để rồi trở thành … con rể của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Việt Nam.
Bắt chước bác Tích tiếp phát nữa. Trở lại với điểm xuất phát. Hoàn cảnh bên ngoài của xã hội Mỹ đã uốn nắn, đào tạo nên một con người biết sống có lý tưởng. Trong gia đình, Hoàng đã theo gương thân phụ/mẫu: một lần vượt biển, đi say lý tưởng, phục vụ quê hương. Đối với xã hội, Hoàng cho rằng địa vị tương lai của mình là bằng chứng cho tính cởi mở và bao dung của chế độ cộng sản trong nước.
“Hỡi người em (xa) quê hương
Xa nhau vì lý tưởng
Đâu phải vì biên cương!”
Về Philipp Rösler , trên blog của Nguyễn Quang Lập có một bài rất thú vị:
(http://quechoablog.wordpress.com/2009/10/25/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-g%E1%BB%91c-vi%E1%BB%87t-d%E1%BA%A7u-tien-lam-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-y-t%E1%BA%BF-lien-bang-d%E1%BB%A9c/#more-2271.
Khổ quá, tôi viết bài để khen học thuyết Mitchourin-Lysenko (!) mà sao tam vị Lê Diễn Đức, Nhỏ Thanh và Trà Đoá lại cùng “chúng khẩu đồng từ” nhắc chuyện lưu manh và lưu manh hoá vậy? Phải chăng quí vị đang liên tưởng đến chữ “Lumpenproletariat” của chính Marx mà nguời cộng sản Việt Nam dịch thành “vô sản lưu manh”?
Viết tiếp thêm với anh Lê Diễn Đức:
Khoảng đầu thập niên 80, anh trai tôi đi chứng lý lịch để đi học đại học, ông chủ tịch đã chứng như sau:
“Cha là ác ôn, lại đốn mấy bụi tre của làng. Bản thân anh thì chưa có gì xấu, chưa làm gì cho địch và không làm gì cho ta.”
Nói chung, chủ nghĩa lý lịch chắc là việc ứng dụng triệt để cái lý thuyết sinh học XHCN của Mitchurin.
Ở Việt Nam hiện nay, tôi không dám nói hết, khi đã chấp nhận tham gia vào guồng của Đảng thì lưu manh là chắc chắn. Những kẻ bị “hất hủi” ra bên lề dù chật vật trong cuộc sống nhưng có khi lại may mắn hơn là tránh được ít nhiều việc trở thành một tay lưu manh.
Nói chung, ở Việt Nam hiện nay,làm lưu manh rất dễ, không làm lưu manh mới khó. Ngược dòng hồi nào cũng khổ.
Bác Lê Diễn Đức rất đúng. Khi nói về xã hội Việt Nam hiện nay có lẽ không có từ nào chính xác hơn là đã bị “lưu manh hóa” hoàn toàn như bác đã viết.
Trong năm những 70 tôi xem bộ phim bi kịch của Ấn độ “Một bông hoa và hai người làm vườn”. Khi tuyên án một phạm nhân, Chánh án nói: “Cha anh từng ăn cướp nên anh cũng là thằng ăn cướp. Đúng là giỏ nhà ai, quai nhà ấy”.
Ra tù, tay cướp bắt cóc đứa con trai mới sinh của Chánh án và đào tạo, nuôi dạy thành tên trộm cướp nhà nghề, nguy hiểm ngay từ lúc nhỏ. Cuối cùng chính người chánh án lại xử tội con mình.
Hoàn cảnh, môi trường giáo dục quyết định sự phát triển và tiến hóa của con người, như trường hợp vị Tân Bộ trưởng Y Tế Đức, và đúng như phân tích của anh Trần Văn Tích.
Đảng CS VN bị lưu manh hóa, nhà nước CS Việt Nam bị lưu manh hóa, cho nên con người sống trong một xã hội “thượng bất chính, hạ tắc loạn” – cũng bị lưu manh hóa. Đây là bi kịch nhất đối với người Việt trong nước kể từ năm 1975, sau khi Đảng CSVN cai trị toàn quốc.