talawas blog

Chuyên mục:

Lâm Hoàng Mạnh – Quà quê hương

26/11/2009 | 3:30 sáng | 3 Comments

Tác giả: Lâm Hoàng Mạnh

Category: Đời sống, Tạp văn
Thẻ: >

Thân ái tặng T.N.T.

Phở

Tôi chưa một lần được đến Cali, chưa được đến Tiểu Sài Gòn với các cửa hàng buôn bán sầm uất, nơi chẳng cần tiếng Anh, chỉ cần tiếng Em người Việt mình vẫn kiếm ra tiền, nuôi gia đình và nuôi cả người còn kẹt lại Việt Nam, nơi mà ẩm thực còn đậm tình quê hương, nơi mà món quà quê thơm nức mũi nếu ai ghé qua nhà hàng Việt. Quà quê hương có nhiều món thật ngon, kể sao thấu. Ba miền đều có những món cứ nghĩ đến thôi, chân răng đã tứa nước miếng.

Đối với tôi, phở là món quà buổi sáng mà tôi ưa nhất. Có lẽ chả cứ gì tôi, đã là dân Bắc Việt đều nghiền món phở. Sáng sớm, trời thu se se lạnh hay sau buổi xem phim muộn, đi qua hàng phở gánh, mùi phở thơm lừng phả vào hai lỗ mũi, đố ai có thể bước qua nếu như trong túi còn tiền.

Nguồn gốc phở có từ tỉnh nào có lẽ còn phải tốn nhiều giấy mực. Người bảo phở xuất xứ từ Nam Định, quê cụ Tú Xương; người bảo đó là món quà thanh lịch của đất Tràng An. Ai đúng ai sai, tôi xin nhường bậc cao niên môn ẩm thực phán xét.

Ai về Hà Nội, nếu là dân nghiền phở đều tìm đến phở Giơi, phở Thìn, phở Sướng… Chả phải ninh con giơi lấy nước, chả phải cứ giờ Thìn ăn phở mới ngon, cũng chả phải cứ ăn là người ta sướng rên lên, chẳng qua đó là tên chủ quán. Mấy tháng trước, trên VietNamNet giới thiệu phở chửi, chủ quán vừa bán vừa chửi khách. Phở này không thuộc diện phở Cải lương mà theo tôi nên gọi là Phở Cộng sản hay Phở Nông Đức Mạnh, vì chỉ dưới sự lãnh đạo của ông này dân hàng phở mới dám chửi khách, mà khách ngu mới vừa mất tiền vừa ăn vừa nghe ca cải lương chửi mình. Ở Hà Nội có đến 4 quán phở Thìn, ai cũng tự nhận mình là chính gốc Thìn dân Nam Định, còn anh kia là Thìn Hà Nam, Hà Đông, Hà… hơi. Phở Sướng ngay đầu Đinh Liệt, cửa hàng chật chội bẩn thỉu, giấy lau đũa vất đầy nền trắng xóa như nhà cầu công cộng Bờ Hồ, ghê người, hết muốn ăn. Ấy thế dân nghiền vẫn kéo đến đông nghịt, chật cả lối, vừa đứng vừa xì xụp. Phải chăng, chủ quán mấy chục năm qua chỉ bán phở Cổ Điển.

Năm 2004, vợ chồng tôi về Việt Nam và làm chuyến du lịch từ Bắc đến Nam, rẽ qua Tây Nguyên sang Đà Lạt, đi đâu cũng cố thưởng thức món phở của Tam Kỳ. Phở mỗi “kỳ” thật khác nhau. Có nơi bánh phở bằng dong giềng, có nơi thịt bò viên, có nơi cho dầu vừng (dầu mè), có nơi cho cả móng heo… Nhưng tất cả đều treo biển quảng cáo là Phở Bắc. Ngay Hà Nội, có hàng phở đưa ra đĩa quẩy, có nơi đập thêm trứng gà, người ăn tự cho mình là sành điệu.

London ngày nay có rất nhiều cửa hàng bán món ăn Việt, tất nhiên không thể thiếu phở. Tôi cũng đã đến nhiều cửa hàng thưởng thức món phở, nhưng phải thú thật, phở của họ là Phở Cải lương.

Theo các cụ Thạch Lam và Nguyễn Tuân, đặc trưng phở là món nước dùng (nước lèo) phải trong, thơm mùi gừng nướng, hành nướng, thảo quả, quế hồi và phải ngọt của chất xương đã ninh kỹ, sôi sung sục, bánh phở dẻo nhưng không nát, thịt mỡ gàu dòn chứ không dai. Phở cổ điển là phở bò, bò tái, bò chín, gàu nạm. Sau này người ta biến tướng có phở gà, phở lợn, phở xào… các cụ gọi, Phở Cải lương. Vừa rồi trên VTV4 còn có cả phở cầm tay, theo tôi phải gọi là Phở Cải cách. Nhưng trong các loại phở cải lương, cải cách, không có phở nào kỳ lạ bằng Phở Không Người Lái.

Những năm 1966 trở đi, Mỹ thường cho máy bay không người lái do thám bầu trời Bắc Việt. Cũng từ những năm ấy, kinh tế miền Bắc rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu trầm trọng, cái gì cũng thiếu, từ hạt gạo, miếng thịt, đến tập giấy chiếc bút. Các cửa hàng ăn nhà nước chả nhẽ đóng cửa, vì thế nhân viên bán hàng sáng chế những món quà sáng thật độc đáo: Bánh bao nhân bột (mỳ), phở, mỳ không người lái. Có nghĩa là bát phở, bát mỳ sợi chỉ có nước, không có thịt, kể cả những lát thịt mỏng hơn giấy, gió có thể thổi bay.

Bún chả

Thời thập niên 1950, có những đầu sách kêu như chuông: Cô hàng nước, Cô hàng bún chả Chợ Đồng Xuân… Đó là những thiên diễm tình rẻ tiền, ấy thế mà đắt hơn tôm tươi. Hà Nội có nhiều chợ: Cửa Nam, Hàng Bè, Bắc Qua, Hôm, Mơ… nhưng nổi tiếng vẫn là Đồng Xuân. Đi dọc từ Hàng Đào, xuống Hàng Ngang, xuống tiếp khoảng hơn cây số nữa sẽ tới chợ Đồng Xuân. Nếu ai cắc cớ hỏi tại sao không phải Nhất Xuân, Tam Xuân, Nhị Xuân mà là Đồng Xuân, thì tôi xin chịu, không biết trả lời thế nào.

Ngoài những quầy hàng bán đủ thứ, trong chợ Đồng Xuân còn có các quầy bán quà quê như bún ốc, bún thang, bún ngan, bún chả. Trong các món bún, bún chả hấp dẫn nhất. Từ xa, khói thịt nướng phả vào mũi thơm lừng, bụng tự nhiên cồn cào dù vùa mới tống dăm bát cơm vào ruột, nước miếng tiết ra, đàn ông còn muốn sa vào huống chi các bà các chị từng khoác áo chuyên viên ăn quà vặt.

Từng lá bún tròn nhỏ, trong vắt, đĩa thịt nướng còn đang xèo xèo mỡ chảy, thơm ngát mũi, bát nước chấm có cà rốt, xu hào tỉa hoa, bằng ngón tay út, chua chua, ngòn ngọt, cay cay, mằn mặn kèm theo đĩa rau sống, ngò, húng, kinh giới, rau muống tỉa nhỏ ngâm nuớc uốn tròn như mái tóc… cứ mỗi miếng chả cuốn thêm lá bún, chan nước chấm,  rau sà-lách thập cẩm, nhai thật chậm. Tất cả hương vị thịt rau, cay chua mặn ngọt làm tế bào vị giác của lưỡi giãn ra sung sướng. Món bún chả chợ Đồng Xuân là thế đấy.

Món bún này không thể có Bún Không Người Lái được, bởi vì thiếu người lái thì làm sao gọi là bún chả.

Canh bánh đa

Có người khẳng định món canh bánh đa là đặc sản của Hải Phòng. Họ bảo chỉ Hải Phòng mới có cua rạm béo và đầy gạch. Bánh đa làm bằng gạo đỏ, ngọt chất đất của đồng bằng sông Hồng, có thể cắt theo hình vuông, sợi dài to bản. Canh bánh đa không thể thiếu vị cua đồng và rau dút. Rau dút thuộc loài lá xấu hổ, trồng trên bè nổi của ao hồ, mùi thơm thật đặc trưng. Món canh bánh đa không có rau dút thì vứt.

Tôi nghiền món canh bánh đa, không biết có phải trong huyết quản tôi đậm máu dân Hải Phòng, hay vì hồi xưa mỗi lần nghỉ về thăm cô bạn dược sĩ hàng xóm:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau có bức tường vôi vàng vàng

đạp xe mười mấy cây số sang tận Xí nghiệp Dược phẩm 3 Hải Phòng sơ tán bên Đá Bạc, Thủy Nguyên, bao giờ cũng được nàng đãi món canh bánh đa.

Ở London dân Hải Phòng thuộc diện hơi (bị) đông, ấy thế mà chả thấy cửa hàng nào bán canh bánh đa, dù ở cửa hàng cá chợ East Street, Camberwell Green có bán cua con (rạm), giá cua cũng phải chăng, nếu nấu canh bánh đa thật hết ý. Bà nhà tôi, sư tử Hà Đông thứ thiệt, thỉnh thoảng đi chợ East Street mua đãi món khoái khẩu cho chồng con, nấu xong bao giờ cũng thêm “ớt bột”: Có ngon hơn cô dược sĩ hàng xóm không?

Món cua (rạm) này làm bún riêu cua cũng hết ý. Cua là loài ăn tạp, chén cả vật thối rữa, vì thế không nên mua cua chết. Khi làm cua nhớ bỏ dạ dày, yếm, miệng, phổi… những thứ đó làm nồi canh mất hương vị. Gạch cua khi lấy riêng nên vắt chút chanh cho đỡ tanh, chưng hành mỡ, để riêng, đổ lên bát bún hay canh bánh đa cho có màu.

Bánh cuốn Thanh Trì

Hễ nói đến bánh cuốn, người ta nhắc đến bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội. Theo cụ Thạch Lam, bánh cuốn Thanh Trì ngon vì bột dẻo, chất gạo thơm. Ngoài bánh cuốn có nhân, còn có bánh không nhân, bánh tráng mỏng, cuốn lại, bánh chay, tôi gọi Bánh Cuốn Không Người Lái, dân buôn đem về cho thêm nhân, treo biển Bánh Cuốn Gia Truyền, lừa khách.

Bánh cuốn Thanh Trì mỏng, độ dai vừa phải, bánh mềm, trong, gắp từng miếng chấm nước mắm chanh ớt, có chút dầu cà-cuống, bỏ vào miệng, mùi thơm của cà cuống, vị chua chua chanh, vị cay của ớt hòa lẫn với chất mềm và dẻo của bánh làm ta ăn một muốn ăn hai.

Hè 1961, tôi lên Lạng Sơn thăm ông chú họ. Sớm hôm sau, vợ ông hỏi, anh ăn bánh dẻo hay bánh hòm để thím mua. Mới bảnh mắt ai ăn bánh dẻo, còn bánh hòm là bánh gì, tôi đớ mặt, chưa hiểu, ông chú bảo, bánh dẻo là bánh cuốn, bánh hòm là bánh mỳ (bánh tây). Bánh cuốn gọi bánh dẻo, dễ hiểu, ở trong Nam còn gọi, bánh ướt. Tại sao bánh mỳ lại gọi là bánh hòm? Xin thưa, bánh mỳ ở Phủ Lạng Thương hai đầu vuông như quan tài, chứ không nhòn nhọn như ở xuôi. Thợ làm bánh vê cục bột tròn và dài, cắt từng khúc theo chiều thẳng đứng, cứ thế cho thẳng vào lò chẳng vê bột lại. Cho nên bánh mỳ xứ Lạng trông kỳ cục, như quan tài, mới có tên Bánh Hòm, hình chẳng giống ai. Hà Nội có phố Hàng Hòm, nghe sờ sợ, ghê ghê mặc dù phố này không bán áo quan.

Bệnh viện Việt Đức có canteen bán phở, bánh cuốn, xôi, bánh mỳ, ngay sát cổng phố Tràng Thi, trước khoa Răng Hàm Mặt. Sáng sáng giáo sư Tùng và bà Hồ, phu nhân giáo sư, xuống xe ô-tô mác Mốt-cô-vích, Nga Xô sản xuất, (xe cấp thứ trưởng), màu xanh lam nhạt, giáo sư vào, ngồi xuống ghế. Bác bán hàng vừa mới chào, chưa kịp hỏi, giáo sư nói ngay, “Như thường lệ”. Có nghĩa, hai đĩa, một đĩa bánh cuốn Thanh Trì, một đĩa giò lụa, mỗi đĩa 1 đồng. Còn bà Hồ, vợ ông, có thể ăn phở, xôi… không có “như thường lệ”. Đó là món ăn sáng mà giáo sư rất thích. Còn sinh viên chúng tôi chỉ có 1 hào, cũng “như thường lệ” mua chiếc bánh mỳ nhân bột.

Một hôm, giáo sư vừa xuống xe, tôi và thằng bạn, chìa 1 hào đưa cho bà bán bánh mỳ, nói, “như thường lệ”, giáo sư lừ mắt, hỗn, chúng tôi ù té chạy, lẩn vào đám đông sinh viên đang lũ lượt đi vào.

Những năm đầu định cư ở Scotland nhiều món quà quê hương thèm lắm, trong đó có bánh cuốn. Tráng tại gia, lần nào cũng thất bại, bánh không vỡ thì dính, nát bét như bánh đa gặp trời mưa. Sau này, từ 1990, Chinese Supermarket có bán, bánh tráng dày, nhân tôm khô nhưng giả dối chỉ bôi lá bánh ngoài, còn bên trong chẳng có gì. Gần đây, nhiều tiểu siêu thị người Việt có bán bánh cuốn đóng hộp của người mình làm chui gửi, nhà hàng cũng có món bánh cuốn. Có hàng bánh quá dai, có hàng bánh còn dày. Tất nhiên chẳng thể nào ngon bằng bánh cuốn Thanh Trì ngày xưa, mà giá hơi bị mắc, 3 bảng 1 hộp, một người ăn còn thòm thèm.

Tráng bánh cuốn không khó, khó là cách pha bột, bánh không dẻo quá, dòn quá, sau nhiều lần thất bại, nhóm nội trợ của bà nhà tôi tìm được “công thức pha” bột như sau:

1. Một gói ½ gói bột gạo tẻ Thái (681 gr).

2. Bốn oz (117 gr) bột khoai tây. Cho nhiều, bánh dai, ít, bánh gẫy.

3. Tám bát (ăn cơm) nước.

Nhân bánh tùy ý các bà các chị định liệu. Theo cụ Thạch Lam, nhân bánh như sau mới ngon: Thịt vai nửa nạc nửa mỡ, loại ngon (500 gr), vài nấm hương khô (nấm đông cô), ít mộc nhĩ, tôm tươi bóc vỏ (200gr.), thái miếng, thêm chút hành hoa, nước mắm ngon, hồ tiêu, tất cả xào chín tới.

Kèm theo đĩa giò lụa cắt dày, cắn ngập chân răng, chấm với nước mắm ngon, chanh, ớt và chút hương vị cà cuống. Theo như bác T. thêm chút cay cay, lai rai, đã miệng, lại tưởng như đang ở Thanh Trì, Hà-Lội, vừa ăn vừa co chân lên ghế, nếu gặp ngày mưa.

Xin lưu ý, vải khuôn nên dùng vải cũ (vải mới, đem giặt qua cho hết hồ), khi tráng, bánh không dính khuôn. Khuôn vải, chọc thủng 1 lỗ nhỏ 0,5 cm ở sát bên miệng nồi, hơi bốc nhiều, bánh chóng chín.

Lượng bột pha này, số bánh cuốn đủ “cung cấp từ 8 đến 10 bao tử rỗng” từ đêm trước. Bánh tự tráng, ngon, nóng hôi hổi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có hàn the.

Bánh tôm Hồ Tây

Có người nói, ăn bánh tôm ở Hồ Tây ngon vì tôm bắt ở Hồ Tây thịt ngọt đậm, béo ngậy, chỉ có tôm hồ này làm bánh mới ngon, hơn đứt tôm nơi khác và cũng vì có gió Hồ Tây thổi, hương vị tăng lên nhiều lần, như mời mọc, như khiêu gợi khách đi dạo trên đường Cổ Ngư. Cũng bánh tôm, ăn ở quán hay nhà hàng không ngon bằng quầy bán rong ở Hồ Tây.

Cuối thu hay đầu đông, trời se lạnh, chiều Chủ Nhật đạp xe dạo trên đường Cổ Ngư, Hồ Tây lộng gió phả cái rét ngọt vào mặt, tuy phía lưng ấm hơi của mái tóc, má hồng người đẹp đang ép sát, vẫn chưa đủ hơi ấm. Xa xa thấy quầy hàng bánh tôm, lửa cháy bập bùng, tới gần, chảo mỡ đang xèo xèo, mùi mỡ, mùi bánh thơm nức, theo không khí vào lỗ mũi, tự nhiên tay lái run run, phải dừng xe, không đủ sức đạp tiếp, nếu như không làm một đĩa…

Bánh tôm cũng dễ làm, bột mỳ tự nở (self-raising) loại tốt, pha nước âm ấm, không đặc quánh, để nơi ấm từ 20 đến 30 phút cho bột nở, khoai lang, gọt vỏ, xắt sợi dài, mỏng, trộn với bột, cho chút muối. Một muôi bột cho 1 hoặc 2 con tôm lên trên, thả vào chảo dầu đang sôi, bánh vàng ươm hai bên là đưọc, ăn thật nóng mới ngon. Pha nước chấm, mắm ngon, chanh, ớt, tỏi bằm nhuyễn, chút đường, nước chấm nhàn nhạt, chua chua, ngòn ngọt, càng cay càng ngon, ăn kèm với rau sa-lách, ngò. Kèm theo chai Cognac, chắc lọt tai đấng mày râu.

Bánh tôm Hồ Tây Hà Nội bây giờ chắc ế, Hồ Tây nhiễm bẩn, gió Hồ Tây thối quá chừng. Du khách Vịt cừu chẳng ai dại gì mất tiền chui về “Hà-Lội” ngửi gió thối từ Bờ Hồ, qua Hồ Tây chạy xộc vào phổi. Và du khách cũng chẳng dại gì mang mạng mình đánh cược với tử thần Tai nạn Giao thông. Lúc nào cũng giơ lưỡi hái trên khắp ngả đường quốc lộ.

Tại sao phu nhân các dân nhậu không làm món Bánh Tôm Hải Ngoại, hương vị Hồ Tây tại gia, giữ chân các ông “thích đùa dai” nhỉ?

Tuy thiếu gió và chẳng có tôm Hồ Tây, sao không thay bằng tôm Thái, quạt điện, mở nấc số 2, để xa xa tạo gió Hồ Tây, các bà các chị làm món này đãi, chắc ông nhà không dám “đi ăn phở chui” đâu.

Người ta bảo “Đường vào trái tim và giữ tim đàn ông theo con đường dạ dày là nhanh, chắc, bền nhất”. Thật đúng không sai.

© 2009 Lâm Hoàng Mạnh

© 2009 talawas blog

Bình luận

3 Comments (bài “Lâm Hoàng Mạnh – Quà quê hương”)

  1. noileo viết:

    “Mì quảng ơi, thôi vĩnh biệt!” (Tưởng Năng Tiến)

    Thiệt không vậy bác Tiến? Chứ cái mì Quảng ở hẻm Catinat, Sài gòn nhỏ ấy, lần nào vô cũng phải ghi tên trưóc, đợi, một hồi mới có chỗ, không phải là mì Quảng sao?
    Cái mì Quảng Catinat này cũng tương đuong hoặc có phần hơn, so với mì Quảng chợ Trương Minh Giảng xưa mờ? Hay là mì Quảng chợ TMG xưa vẫn không phải là mì Quảng của bác Tiến?
    Tôi không phải dân Quảng nên không biết mì Quảng thực sự (ở xứ Quảng) ra sao, tuy nhiên ăn mì Quảng ở Sài gòn lớn xưa, ở Sài gòn nhỏ nay, đều thấy rất ngon. Thỉnh thoảng mấy cô em trong nhà cũng bày ra nấu mì Quảng, nhưng chưa thấy ngon bằng ngoài tiệm, trong khi “phở” thì có thể dễ dàng hơn.

  2. Tưởng Năng Tiến viết:

    Mì Quảng

    Kính gửi anh L.H.M.

    Rồi ngày California ngắn lại. Nắng dịu vàng và sáng hẳn ra. Vào lúc ngày đi dần vào tối, gió chiều đã bắt đầu có pha lẫn một chút hơi lạnh làm se se da thịt. Sáng có hôm dậy muộn vẫn chưa thấy nắng, bầu trời thoáng vẻ âm u, và thành phố lãng đãng sương mù.

    Thế là mùa Thu đến. Mùa Hè bỏ đi bất chợt, vội vã như một người tình hối hả vượt biên. Mùa Thu xuất hiện bất ngờ như một mối tình muộn màng, vào lúc mà người ta đã tưởng chuyện tình là chuyện không còn… cách nào xảy ra được nữa.

    Từ đó mặt trời bắt đầu dậy muộn. Chiều mỗi lúc một ngắn thêm. Lá phong vàng – vàng nhạt, vàng thẫm, rồi hóa đỏ au – rơi lao xao trên những thảm cỏ xanh, chưa kịp đổi màu. Cảnh vật hóa hơi buồn nhưng đẹp.

    Sáng trời mưa. Mưa mà loay hoay với món điểm tâm quen thuộc như mì gói hay bánh mì với trứng thì cuộc đời quả là không đáng sống. Sao bỗng dưng mà thấy nhớ một tô mì quảng đến muốn đến muốn rơi nước mắt. Mì quảng, Trời ơi, biết tìm nó ở đâu bây giờ?

    Trưa, trời vẫn cứ mưa, vội vã, co ro chạy từ lớp học đến phòng ăn đứng xếp hàng để chờ mua một cái… “cheese sandwich”! Bất chợt bắt gặp một khuôn mặt quen quen, một “gã” đồng hương. Bèn gật đầu chào thật nhẹ với một nụ cười mím chi dè dặt.

    – Chào cô.
    – Dạ, chào anh.
    – Năm nay mưa sớm.
    – Dạ, hơi quá sớm.
    – Trời như thế này được nằm nhà thì thích hơn.
    – Dạ.

    Cũng “dạ” (đại) cho nó xong chuyện, chớ trời nào mà nằm nhà không thích hơn – cha nội!

    – Cô thích mưa?
    – Cũng không thích lắm.
    – Tôi cũng vậy. Đúng ra thì có thích nhưng hơi sợ. Mưa dịu dàng hơn là nắng nhưng sao thấy nhớ nhà…

    “Ý trời, có nhớ nhà nữa sao. Tình cảm dữ há”? Sau một giây im lặng ngắn ngủi bỗng người ta cảm thấy bị thôi thúc bởi nhu cầu tâm sự. Cái tâm sự mãi từ sáng tới giờ chưa trút được cho ai vì chưa gặp ai cùng là người Việt.

    – Vâng, vừa nhớ nhà vừa thèm ăn mì quảng.
    – Cô nói sao?
    – Tôi nói mì quảng.
    – Xin lỗi cô, tôi nghe chưa rõ.
    – Mì quảng, loại mì sợi vàng…

    Người đối thoại bỗng im lặng, đăm chiêu như thể vừa nghe đề cập đến một món ăn lạ lùng và đặc biệt của… thổ dân Samoa! Còn mình thì nín thở hồi hộp chờ đợi tha nhân lục lọi trí nhớ.

    Ô, cô thích ăn mì hả? Mì thì người Tàu ở San Francisco nấu ăn cũng được. Cô có bao giờ thử mì ở tiệm Golden Restaurant chưa?

    Cố lắm mới nén được một tiếng thở dài, với cái tâm cảm chua xót đắng cay của một thiếu nữ chợt biết mình đã… trao duyên lầm tướng cướp! Câu chuyện chấm dứt vĩnh viễn ở đó nhưng sự tấm tức, ấm ức thì kéo dài suốt cả ngày.

    Chèng ơi, sao lại có một người đàn ông Việt Nam không biết đến mì quảng? Đã vậy, thằng chả còn lầm lẫn giữa mì quảng và mì hoành thánh nữa chớ? Điều bất công khó chịu là từ lâu rồi mì quảng vẫn bị chịu thiệt thòi. Nó chưa bao giờ được chào đón nhìn nhận cho đúng với giá trị của mình.

    Tệ hơn nữa là nơi nó xuất xứ – Quảng Nam, Việt Nam – người dân địa phương vốn được coi là thích chuyện tranh luận và họ có thể tranh cãi về hàng trăm thứ chuyện bà rằn (không cần thiết) nhưng riêng với sự bất công mà mì quảng phải chịu đựng thì dường như chưa thấy ai lên tiếng?

    Phở, chẳng hạn, có gì là xuất sắc đâu mà luôn luôn được đề cập đến một cách ồn ào quá đáng. Sợi phở trắng nhách trông thấy ghê. Nước phở trong veo coi thấy chán. Thịt để ăn với phở thì đòi hỏi điệu hạnh đủ thứ như nạm, gân, sách… mà chỉ cần vụng tay một chút là cả tô phở coi như là bỏ!

    Bún bò Huế thì (Trời ơi) cay muốn khóc luôn. Nó cay như thể là trên đời này không còn có một thức ăn nào cay hơn được nữa. Mà đã là bún bò sao còn có giò heo. Bò và heo không mấy khi đi chung với nhau một cách ổn thỏa. Đã thế, miếng giò heo vẫn thường làm cho tô bún bò bớt phần thanh nhã và khiến cho người đang nhai (nhồm nhoàm) mất đi rất nhiều cái “phong thái tỵ nạn chính trị” của mình.

    Tô bún riêu thì coi đỡ thấy ghét hơn một chút. Điều phiền là nó giản dị quá, giản dị tới mức… gần như là đạm bạc. Một chút cà chua và riêu cua thôi thì làm sao tô bún trông không lõng bõng cho được? Hơn nữa, ăn bún riêu vào một buổi sáng trời mưa thì đến trưa chắc chết (chết chắc) vì đói.

    Hủ tíu, mì sợi hoành thánh, sủi cảo… thì kể như là hết thuốc! Vậy chứ những thứ thức ăn “ngoại nhập” và vô duyên đến như thế vẫn được chấp nhận dễ dàng và phổ biến ở khắp nơi. Chỉ có mì quảng là mãi mãi bị bỏ quên hoặc chưa bao giờ được đón chào đúng mức.

    Mà mì quảng ngon tuyệt vời nha. Sợi mì làm bằng bột gạo rồi đem nhuộm vàng. Không phải cái màu vàng “đồng bóng” của nghệ, hay màu vàng thổ nhà quê đâu. Sợi mì quảng thường vàng tươi và chỉ đủ vàng để dung hợp với màu xanh của rau đi kèm với nó.

    Rau sống ăn với mì quảng không bị đặt nằm một cách chơ vơ như một dĩa giá hay xa lách để chung với phở. Nó cũng không bị thu vén một cách bần tiện trong những cái đĩa con con như rau để ăn chung với bún riêu hoặc bún bò. Tất cả những loại rau thơm để ăn chung với mì quảng, kể cả rau xà lách, đều được thái nhỏ mịn màng và bỏ chung gọn gàng trong tô mì.

    Nước mì quảng không lênh láng như nước phở, không thừa thãi như nước bún bò, không nhạt nhẽo như nước mì hay hủ tíu. Nó hơi sền sệt với thịt heo sắt vụn, với tôm khô giã nhuyễn nấu nhừ, và luôn luôn chỉ được chan vào tô ở mức hơi săm sắp.

    Mà đừng tưởng như vậy sẽ khiến cho tô mì không đủ nóng nha. Nghĩ như vậy là lầm à. Độ nóng của tô mì quảng không hoàn toàn do nước mà còn tùy thuộc phần nào vào số lượng ớt bằm mà thực khách múc bỏ vào tô. Nhiều ớt quá tô mì hóa cay chát. Hỏng. Mà ít ớt thì nó sẽ thiếu cái độ nóng và độ cay cần thiết. Hư.

    Mà nhớ là phải ớt bằm à nha. Mì quảng dứt khoát và quyết liệt không dung thứ những loại ớt khác như ớt xanh, ớt sắt, ớt khô, ớt ngâm dấm… hay bất cứ một loại ớt nào khác trên cuộc đời này.

    Mô tả như vậy ngộ nhận rằng mì quảng là một món ăn cầu kỳ, trưởng giả. Nghĩ như vậy là kể như trật thêm một lần nữa. Ráng chịu. Mì quảng không kiểu cách, lộn xộn rườm rà như bún mọc. Mì quảng giản dị mà đậm đà và vô cùng đằm thắm.

    Và mì quảng cứ ở miệt Quảng Nam. Nó không di cư ồ ạt rộn ràng như phở, không chen chân nơi những đô thị xa lạ như bún bò, không bạ góc chợ nào cũng hạ mình xuống (đại) như bún riêu, không tỏ thái độ vô tình bạc bẽo theo kiểu “một đi không trở lại” như mì sợi hay hủ tíu.

    Thản hoặc, người ta mới bắt gặp một tô mì quảng mon men đến một vài thành phố phụ cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Bình… Nơi xa xôi nhất mà mì quảng trôi dạt đến những vẫn còn nguyên được bản sắc của mình có lẽ là Đà Lạt.

    Nơi đây mì quảng vẫn còn nguyên cái dáng vẻ trầm lặng và khép kín của mình. Mì quảng không trưng bảng hiệu, không ưa phố xá ồn ào. Nó thích hợp với không khí gia đình hơn bất cứ một thức ăn nào khác. Có quá lắm thì mì quảng cũng chỉ hiện diện (với đôi chút ngỡ ngàng tội nghiệp) nơi một quán ăn nhỏ hẹp, nghèo nàn.

    Nơi bán mì quảng ở Đà Lạt không nhiều và thường nằm ẩn trong một con hẻm nhỏ. Thực khách, nếu không phải là khách quen, còn lâu mới tìm ra nhà. Cái nhà không phải là cái quán. Chủ nhà không phải là chủ quán. Đó thường là một bà mẹ Quảng Nam hay Đà Nẵng. Chủ khách chào hỏi tương kính trang trọng.

    Không ai đề giá hay hỏi một tô mì quảng. Nó vô giá mà. Cũng không ai phân chia mì quảng thành tô lớn, tô nhỏ, tô đặc biệt… Mọi tô mì quảng đều đặc biệt. Cũng rất ít người chỉ ăn một tô mì quảng. Thường người ta gọi một “tô ăn thêm”. Phải ăn thêm, dù no, cho khỏi phụ lòng người nấu và cho đáng công mình lặn lội đi ăn vào một buổi chiều mưa.

    Nhân loại có thể đổ đi ba tỉ tô phở, hai tỉ tô bún, và một trăm tỉ tô mì hay hủ tíu nhưng không ai có thể bỏ dở một “tô mì quảng ăn thêm.” Mì quảng không làm ai ngán. Ăn nhiều thì nó bớt ngon một chút (xíu) thôi hà.

    Ăn xong người ta tráng miệng bằng nước trà. Trong lúc khách nhỏ nhẹ kín đáo xỉa răng thì chủ thế nào cũng tìm dịp thỏ thẻ:

    – Mì bữa nay nấu được không cô?
    – Dạ… ngon.

    Trả lời như vậy là không được. “Ngon” là một hình dung từ mơ hồ, nếu không muốn nói là hàm hồ, không thể nào diễn tả được cái đặc sắc tuyệt vời của một tô mì quảng. Có vụng về lắm thì người ta cũng phải đưa ra được vài ba nhận xét (buâng quơ) như sau:

    – Dạ thưa bác mì ngon lắm. Tôm giã vừa nhỏ và nấu vừa nhừ. Rau chuối tươi mà không chát. Nước đậm đà vừa miệng.
    Sau đó mới đến màn cảm ơn và từ tạ…

    Coi, một thứ thức ăn nặng tình gia đình và văn hóa dân tộc như mì quảng mà bị bỏ vô “cửa hàng ăn uống quốc doanh” thì chịu đời sao thấu. Cỡ khoai mì, khoai lang mà đụng chuyện với người Cộng Sản còn te tua và bầm dập thấy mẹ luôn mà.

    Càng khó chịu hơn nữa khi người ta gặp lại mì quảng trên bước đường lưu lạc. “Tha hương ngộ cố tri” không thiếu cảnh bẽ bàng. Nhưng đụng đầu mì quảng trong tiệm ăn ở thành phố San Francisco, Hoa Kỳ thì quả là một chuyện bẽ bàng chết được.

    Dù biết rằng tô mì quảng không thể nào được đặt trên bàn ăn trải khăn trắng, dưới ánh đèn màu, và bên cạnh một bình hoa daisy; mì quảng lại càng trông khổ sở ngượng nghịu trên tay người bồi bàn mặc áo “chemise” trắng, cổ thắt nơ đen… nhưng vẫn náo nức trông đợi, vẫn muốn thử coi sao chứ?

    Đến khi nhìn thấy mì quảng được đặt trong tô sứ, đĩa hoa, và đi chung với đũa nhựa thì người ta lại bắt gặp nơi mình một cảm giác đau đớn và chua xót khác – cái tâm cảm của một người bất chợt nhìn thấy “cố nhân” lái Mercsdes với một vợ và tám đứa con.

    Người ta xêu nhẹ vài sợi mì, gắp thêm một chút rau, ấn nhẹ muỗng xuống tô để lấy thêm chút nước… rồi e ngại, rụt rè đưa vào mồm. Và rồi sẽ hiểu (ngay) thế nào là nỗi thất vọng đắng cay của kẻ “yêu lại một người yêu thất tiết!”

    Mì quảng ơi, thôi vĩnh biệt!

    Tưởng Năng Tiến

  3. Bắc Phong viết:

    Nhặt ý bác Mạnh nhớ quà quê hương

    Phở không người lái

    thiếu đủ thứ năm máy bay Mỹ
    bay do thám Bắc Việt mỗi ngày
    ai chế tô phở không người lái
    thịt mỏng không chừng gió thổi bay

    Canh bánh đa

    mấy bận về thăm cô hàng xóm
    cô hay đãi mình canh bánh đa
    nhớ vị cua đồng và rau dút
    tình ý trong canh nuốt đậm đà

    Bánh tôm Hồ Tây

    hồ tây đi chén bánh tôm
    đèo em xe đạp tay ôm eo mình
    rét mặt nhưng thấy ấm tình
    xa quê mùi bánh vẫn hình đâu đây

    Bún chả

    mùi thịt nướng xông lên thơm phức
    lưỡi giãn nuốt nước miếng cái ực
    bún trộn rau ngò nước mắm pha
    nhai thật chậm vào trong ký ức

    Bánh cuốn Thanh Trì

    nhân thịt bánh mỏng mềm trong
    ở đâu bánh cuốn cũng không ngon bằng
    anh làm gìò lụa được chăng
    cho mình cắn ngập chân răng của mình

  • talawas - Lời tạm biệt

  • Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam… đọc tiếp >>>

  • Phản hồi mới nhất của độc giả

    talawas blog: Cảm ơn tất cả! Tạm biệt và mong ngày ...
    Trung Thứ: Trích: „Ngoài ra, việc duy trì nhóm khởi...
    Hà Sĩ Phu: LỜI TẠM BIỆT: Buông lơi “một...
    Phùng Tường Vân: Dục Biệt Nhung Dục (Trung Đường) có ...
    Hoài Phi: Chỉ còn vài phút thôi là talawas chính th...
    Hà Sĩ Phu: @ixij Bạn ixij đã gõ đúng chỗ tôi c...
    P: Kính gửi hai bác Lê Anh Dũng và Trung Thứ...
    Hoangnguyen: Không biết những dòng chữ này còn kịp ...
    Trần Quốc Việt: Dear Talawas, Thank you! You're gone now but I ...
    Nguyễn Ước: Xin lỗi. Tôi hơi bị nhớ lầm vài chữ t...
    Trung Thứ: Thưa bác Lê Anh Dũng, Thời giờ cũng đ...
    Trần Quốc Việt: Hành trang rời Talawas: Live Not By Lies ...
    Hoà Nguyễn: Qua bức thư hết sức nhã nhặn, lịch s...
    Trần Việt: Ôi, nếu được như bác Hữu Tình hình du...
    ixij: Không được tham gia trả lời 3 câu hỏi ...
    Lâm Hoàng Mạnh: Đốt Lò Hương Cũ. Mượn thơ của Th...
    P: Cũng xin góp thêm một bài mới biết :D ...
    Lê Tuấn Huy: Xin gửi anh VQU, TV và những người quan t...
    Khiêm: Cảm ơn nhà văn Võ Thị Hảo đã thực hi...
    Phùng Công Tử: Bị bắt cũng đáng! Vào blog của CoigaiDoL...
    Phùng Công Tử: Nô lệ của văn hóa Trung Quốc: Đi hỏ...
    classicalmood: Bài viết có một số điểm tích cực nh...
    Thanh Nguyễn: Đọc những con số thống kê trong bài vi...
    Phùng Tường Vân: Vĩ Thanh tiễn chị Hoài Thế sự mang ...
    Tiêu Kiến Xương: ĐBA mượn lời ông bác nông dân: "Nói gì...
    dodung: "Sóng lớp phế hưng coi đã rộn......
    Camillia Ngo: Chín năm, một quãng đường dài, Bóng ng...
    Camillia Ngo: Một dân tộc u mê, hèn kém tột độ mớ...
    Thai Huu Tinh: Thưa các bác Trần Việt, Quốc Uy, Tuấn H...
    Phùng Tường Vân: " Thứ nhất, nói mọi thứ đều thối ná...
    Nguyễn Ước: Tôi không vào được Phản hồi bên bài C...
    Tôn Văn: Tiếp theo „Lời tạm biệt“ Câu hỏi...
    Trần Việt: Công bằng mà nói một cách ngắn gọn, Gs...
    Phùng Công Tử: Và gần đây tôi cảm thấy hơi phiền hơ...
    Bùi Xuân Bách: Việc talawas ngừng hoạt động tuy có là ...
    Nguyễn Chính: Gửi chị Phạm Thị Hoài và Ban Biên tập...
    Lê Tuấn Huy: Việc cảnh giác, tôi đã nói đến. Tôi t...
    vuquocuy: - Tác giả Lê Tuấn Huy đã phát hiện rấ...
    Hạnh Đào: Hơn tuần nay, tôi ngần ngại không muốn ...
    classicalmood: Talawas đột ngột chia tay khiến không ít ...
    Lê Anh Dũng: Bravo ý tưởng tuyệt vời của Arthur, ...
    Thanh Nguyễn: Chào chị Hoài, Cảm ơn tâm huyết và nh...
    Thanh Nguyễn: Cảm ơn ý kiến của anh Hoàng Ngọc Tuấn...
    Hà Minh: Cuộc vui nào cũng phải đến lúc tàn, (al...
    P: Xin có lời cảm ơn gửi đến những ngư...
    Nguyễn Đình Đăng: Tôi lợi dụng chính phản hồi của mình ...
    Arthur: Có nên đề nghi BBT Talawas chơi/hát lại b...
    Phùng Tường Vân: Tôi xin kể thêm truyện này, nghe cũng lâu...
    Hà Sĩ Phu: @ Nam Dao Đây là bài “bình thơ chơi” v...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trung Thứ, Cám ơn bác về nhã...
    Trần Việt: Đồng ý với ông Lê Tuấn Huy. Tuy chỉ c...
    Trầm Kha: CÓ THẾ CHỨ! THẾ MỚI 'TIỀN VỆ' CHỨ!...
    Phùng Tường Vân: Hết xảy ! (http://www.talawas.org/?p=26665#co...
    Hoàng Ngọc-Tuấn: Xin thông báo cùng quý vị: Để tiếp n...
    Dương Danh Huy: Cảm ơn bác Phùng Tường Vân và Lâm Hòan...
    Phùng Tường Vân: Đôi lời thưa thêm với bác D.D.Huy, Xin...
    chuha: Mỗi người có một "gu" ăn phở. Riêng t...
    Trương Đức: "Chị Hoài ơi, chị Hoài ơi Niết Bàn nà...
    Phùng Tường Vân: Thưa Bác Dương Danh Huy Xin vội vã trìn...
    Dương Danh Huy: À, có điều tôi muốn nhắc các bác: K...
    hlevan: “Le coeur a ses raisons que la raison ignore” ...
    Dương Danh Huy: Bác Phùng Tường Vân, Lâm Hòang Mạnh &...
    Phùng Tường Vân: CẨN BẠCH Nhận biết được giới hạ...
    Le Van Hung: Thử lướt qua các trang web Việt Nam, chún...
    Đinh Minh Đạo: Tin TALAWS sẽ ngừng hoạt động làm tôi n...
    Lê Quốc Trinh: Cám ơn tác giả Phạm Hồng Sơn, Nếu c...
    Le Van Hung: "Giáo dục, giáo dục và giáo dục (có l...
    classicalmood: Vậy thì quyết định đóng cửa Talawas, n...
    VanLang: "Merda d’artista" vẫn đang được trưng b...
    Khiêm: Bác Phùng, Một người quen cho biết xếp...
    Nguyễn Đăng Thường: Đập phá & xây dựng “Đạp đổ t...
    Tonnguyen147: Bác Phùng Tường Vân, Người ta không ...
    Hoà Nguyễn: Hôm nay có tin đại biểu Quốc hội Việt...
    Hoà Nguyễn: Báo Người Việt hôm nay đăng toàn văn l...
    Trung Nu Hoang: @ Tạm Biệt talawas. Với lòng quý mến ...
    Tonnguyen147: Bác Trung Thứ và các bác ơi, Chủ Nh...
    VanLang: Đầu thập niên 90 Việt Nam lạm phát phi ...
    Nam Dao: Trình với cả làng Thể ý Trưng Nữ Ho...
    Lâm Hoàng Mạnh: Nâng cốc, cụng ly ... hết váng đầu Nh...
    Hoà Nguyễn: Cứ tưởng nếu khách ngồi bàn chuyện ho...
    Nam Dao: Anh thân mến Quí trọng những việc an...
    Thanh Nguyễn: Talawas trước giờ lâm chung mà vẫn đau ...
    Phùng Tường Vân: Chiếc Cân Thủy Ngân ..."Cứ xét theo ...
    Trung Nu Hoang: Nếu nhà văn Phạm Thị Hoài và BBT Talawas...
    Bắc Phong: bác bị váng đầu thèm uống rượu cứ ...
    Lê Thị Thấm Vân: Ngân trong "là con người", một trích đo...
    classicalmood: Talawas đột ngột chia tay khiến không ít ...
    Trung Thứ: Thưa bác Lê Anh Dũng, Tôi xin chia sẻ thê...
    Canuck: Bác Nguyễn Phong, Tui thấy đây là vấn...
    Nguyễn Đình Đăng: Bravo! Như một minh hoạ cho bài này mờ...
    Dương Danh Huy: Bác Phùng Tường Vân, Tôi đã set up hai...
    Phùng Tường Vân: @Nguyên Phong (http://www.talawas.org/?p=26665#c...
    Nguyễn Phong: Tôi thấy các bác hơi lạc quan và ảo tư...
    Thuận: Chỉ còn ít giờ nữa, Talawas sẽ đóng c...
    Trương Đức: "Nửa ấy… “nói chung là”: nửa dưới...
    Trầm Kha: talawas ơi! oan ức quá! Oan ức quá! Em ...
    Canuck: Tui cám ơn Ban Chủ Nhiệm, Ban Biên Tập Ta...
    Trầm Kha: bác vạch lẹ quá! em há hốc hà lá nho ...
    Trầm Kha: thường thì bác Thường siết... hết bế...
    pham duc le: Tôi đồng ý với bạn Nguyễn Phong, nhưng...
    booksreader: Au plaisir de vous revoir, "một mô hình hoạt...
    Bach Phat Gia: Tôi là độc giả của talawas đã mấy nă...
    Lề Trái: Trong việc tẩm bổ chỉ xin Gia Cát Dự đ...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trầm Kha, bác Đào Nguyên, Xin ...
    Lê Thượng: Nói rằng "So với thảm họa môi trường ...
    Anh Dũng: @1mitee: 1. Muốn SỐNG tới mức "cụ" nh...
    Đào Nguyên: @ Anh Dũng "...phải nghe lời cái dạ dày,...
    Trầm Kha: “Khi cầm cuốn Kinh thánh, tôi đọc với...
    Đào Nguyên: @ bác Nguyễn Phong Tôi đồng thanh tương ...
    Hoà Nguyễn: Sau chuỗi cười khá thoải mái do ông Gia ...
    1mitee: @Anh Dũng "Cả ông Marx, ông Hồ Chí Minh,...
    Bùi Văn Phú: Bạn Trung Nu Hoang ơi, Bạn có khả năng...
    Thái Hữu Tình: Bài vừa mới ra lò, mấy anh (cả mấy ch...
    Canuck: Trong đời tui, có 3 lần / hoàn cảnh xảy...
    Phùng Tường Vân: Lời đề nghị khẩn khoản của tôi Nh...
    Thái Hữu Tình: 1/ Bài nghiên cứu này của ông MTL càng ch...
    Nguyễn Phong: Thực ra ở hải ngoại hiện nay thì có m...
    Anh Dũng: @Đào Nguyên: 1. Cái bạc triệu (VNĐ) c...
    Dương Danh Huy: Bác Hòa Trước hết tôi cảm ơn về l...
    Louis: Trong phút giây chia tay người tình ảo, b...
    Đào Nguyên: Từ lâu ngưỡng mộ bác, biết bác thích ...
    Trầm Kha: Ha ha ha! Bác Trương Đức ơi, Bác "đả t...
    Lê Quốc Trinh: LÊ QUỐC TRINH - LỜI GIÃ BIỆT Thân m...
    vantruong: Thôi thì trước khi giải tán tụ tập tal...
    Đào Nguyên: @Anh Dũng "... - Không có đủ sản phẩm ...
    VietSoul:21: Tôi không nghĩ tài chánh là vấn đề (ch...
    Hoàng Trường Sa: Talawas ơi Ta giã biệt em Như giã từ cu...
    Hoàng Trường Sa: Bauxite Việt Nam: hãy cứu ngay chữ tín! (...
    Anh Dũng: @Đào Nguyên: Thực ra Marx có nói, nói n...
    Lâm Hoàng Mạnh: Chỉ còn vài 28 giờ, Ta Là... Gì sẽ ngh...
    Le Van Hung: Kính thưa các Anh Chị, Từ trước đế...
    Phùng Tường Vân: Bi giờ sắp đến giờ lâm biệt Xin Gia T...
    Hoàng Trường Sa: EM ĐI RỒI Em đã đi rồi thế cũng xong...
    Nguyễn Đăng Thường: Chia tay phút này ai không thấy buồn? Nh...
    Trung Nu Hoang: Tôi cũng có nghe kể chuyện một "học gi...
    peihoh: Tôi không được hỏi ba câu hỏi của tal...
    peihoh: Anh Lại Văn Sâm ơi! Dịch giùm câu này: "...
    Đào Nguyên: @ Anh Dũng Mác nói nhiều về lợi nhuận,...
    Hoà Nguyễn: Ông Huy viết : Điều tôi nói hoàn toàn kh...
    Trương Đức: Đọc cái câu này: "2030: định mệnh đã ...
    Đào Nguyên: Tôi cũng có đọc những câu chuyện với ...
    Camillia Ngo: Nguyễn Khoa Thái-Anh nói "Vũ Huy Quang là m...
    Dương Danh Huy: Bác Hoà Tôi cũng thấy thú vị khi đọ...
    Thanh Nguyễn: Giữa cái lúc "dầu sôi lửa bỏng" thế n...
    Thanh Nguyễn: Nếu vì lý do tài chính mà talawas đóng c...
    Thanh Nguyễn: Oh, Thank you Trầm Hương! We all have our h...
    Hà Minh: Một truyện ngắn quá hay, cảm ơn tác gi...
    Nguyễn Việt Thanh: Trên Talawas bộ cũ, có lần nhà văn Phạm...
    Anh Dũng: Ông Đào Nguyên nói đến "duy lợi". Nhưng...
    Hoàng Trường Sa: BRING ME HAPPINESS Đừng đi Đừng đi Đ...
    Lê Anh Dũng: (tiếp) Nhưng chính nhờ Tin Lành VN như...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trung Thứ, Trong cảnh talawas ch...
    Đào Nguyên: Lời ông Vũ Huy Quang làm tôi nhớ tới l...
    Đào Nguyên: @ Nguyễn Khoa Thái Anh Trước khi chiéc thu...
    Trương Nhân Tuấn: Trích : « Người Việt hải ngoại vẫn th...
    Hoàng Trường Sa: Bô xít Việt Nam : Truyền thông Mỹ sắp n...
    khonglaai: Không ngờ anh Bách còn giỏi cả tiến...
    khonglaai: Nếu có giải thưởng talacu thì tôi ti...
    Phùng Tường Vân: Chúc nhau chân cứng đá mềm Chúc nhau an ...
    khonglaai: “Khi nói chuyện với mình họ chỉ nhìn ...