Vài ý kiến nhân đọc bài của GS Ngô Đức Thọ
23/03/2009 | 7:32 chiều | Chức năng bình luận bị tắt ở Vài ý kiến nhân đọc bài của GS Ngô Đức Thọ
Category: Chưa phân loại, Quan hệ Việt – Trung, Vấn đề Biển Đông
Thẻ: An Nam đồ chí > Hoàng Sa-Trường Sa > Lịch sử
1. Ngay ở đầu bài viết của mình, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã nói rất rõ ràng: “Trên cơ sở bài viết của tác giả Xuân Thi đăng trên Sài Gòn tiếp thị ngày 18-3-2009, chúng tôi thấy có nhiều điểm sai trật cần phải góp ý, vấn đề liên quan đến tường thuật và trích ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện“. Và sau đó, ông Quân đưa ra một số điểm mà ông cho là “sai trật”, là:
– Sai về nhân danh, địa danh
– Xác định sai ngành học/địa hạt nghiên cứu
– Sai về trục thời gian
– Sai về tọa độ địa lý
Cuối cùng, ông Quân đưa ra “Vài gợi ý”
Nói đúng hơn, ông Quân ngụ ý nhắc nhở “5 điều sai lầm trong một đoạn văn khoảng 150 chữ nhằm diễn tả một cái nhìn phiến diện qua việc kê cứu cẩu thả và kết luận vội vàng, tác giả bài báo và tiến sĩ Diện nên chia nhau đính chính“, và cảnh báo: “Một lần nữa, chúng tôi lưu ý các vị rằng, việc thừa nhận giá trị bức An Nam đồ hoặc các bức đồng dạng và sử dụng chúng như một phần chứng lý chủ quyền lịch sử Hoàng Sa – Trường Sa sẽ di họa khôn lường vì đã đi vào đúng hướng lý luận của học giới Trung Quốc“.
2. Như thế, để trả lời ông Phạm Hoàng Quân, GS Ngô Đức Thọ có thể làm một điều rất đơn giản:
– Đưa ra ý kiến của mình về những điều mà ông Quân cho là “sai trật”, trong đoạn văn 150 chữ của ký giả Xuân Thi trên báo Sài Gòn tiếp thị, qua việc tường thuật và trích dẫn một số ý kiến của TS Nguyễn Xuân Diện.
– Đưa ra quan điểm của mình về những điểm ông Quân quan ngại (một cách đúng đắn và đáng suy ngẫm).
3. Tuy nhiên, thay vì thế, GS Thọ đã:
– Để một phần rất đáng kể của bài viết nhằm giới thiệu công trình của ông, mà ông cho rằng ông Quân chưa đọc (?) Đây là điều có thể gọi là “đánh tráo đối tượng”, vì ông Quân – trong bài của mình – không hề nhắc gì đến bài của GS Thọ, cũng như, không có gì cho thấy ông Quân đã đọc bài của GS Thọ hay chưa (vì điều đó không có liên quan đến bài viết của ông Quân).
– Vì viết bài trên cái nhìn như thế, nên sau khi trình bày dài dòng kết quả của mình, GS Thọ đã “giải quyết” rất qua loa những điểm mà ông Quân cho là “sai trật” (“ông Phạm Hoàng Quân căn cứ theo bài lược thuật có vài sơ suất chính tả của Xuân Thi trên báo Sài Gòn tiếp thị, trong đó, do vội vàng, phóng viên đã có sai sót khi nói về ý kiến phát biểu của Nguyễn Xuân Diện“), để rồi ra kết luận: “Cho nên [ông Quân] đã có một bài viết góp ý, phê phán rất gay gắt trên talawas. Bài viết đó không những phê phán PV báo trong việc tường thuật mà còn phê phán phát biểu của Nguyễn Xuân Diện rồi nhằm chính vào việc phê phán kết quả khảo sát nghiên cứu của tôi“.)
Kết luận ấy, cho thấy GS Thọ có thể đã vội vã, “nhầm đối tượng” khi tranh biện.
4. Phần kết của bài viết, khá dài, được GS Thọ dùng để đả phá ông Quân: “không có thái độ khách quan cần có của một người nghiên cứu khi góp ý về một vấn đề học thuật quan trọng“, “chưa đọc bài của chúng tôi mà đã lớn giọng rao dạy những là “hồ đồ”, và lưu ý mọi người không mắc bẫy của học giới Trung Quốc“, “lập luận sỗ sàng, lớn tiếng át giọng để ly gián, không cho người khác tiếp cận kết quả nghiên cứu của chúng tôi“.
Để rồi ông kết luận: “Như vậy, rõ ràng ý kiến của ông Phạm Hoàng Quân là thiếu nghiêm chỉnh và không thể chấp nhận được!”
Dưới con mắt một độc giả bình thường như tôi, không chuyên sâu vào vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa cũng như Hán – Nôm, mà chỉ căn cứ trên phương diện luận lý (logic) của vấn đề, những quy kết của GS Thọ với cá nhân ông Quân và bài viết rất hữu ích của ông Quân, lẽ ra không nên có chỗ đúng trong một cuộc tranh luận mang tính học thuật.
Bởi lẽ:
– nó lạc đề, không nhằm vào những điểm cần trao đổi,
– nó chứa những quy chụp, trong đó có cả một quy chụp nặng nề mang dấu ấn thuở xa xưa (“vu” cho ông Quân là “ly gián”),
– nó mang tính kích động, tạo cho những ai không theo dõi kỹ càng vấn đề, có thể hiểu sai là ông Quân có “hậu ý” gì khi đưa vấn đề ra thảo luận.
Thái độ này, ở một GS thuộc hàng “Top” trong giới học thuật ở Việt Nam, chỉ khiến tôi thêm cảm giác giới nghiên cứu ở nước ra còn rất thiếu văn hóa tiếp nhận phê bình và thái độ “phục thiện” trong những trao đổi học thuật. Điều này sẽ chỉ khiến chúng ta thêm nhiều khó khăn, khi muốn đấu tranh trên phương diện học thuật với những học giả ngoại quốc, trong những vấn đề đại sự, liên quan đến cương vực quốc gia.
© 2009 Tuấn Hoàng
© 2009 talawas blog
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Vài ý kiến nhân đọc bài của GS Ngô Đức Thọ”)