talawas blog

Chuyên mục:

Nguyễn Hữu Liêm – Nơi giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an

27/11/2009 | 6:02 chiều | 71 Comments

Tác giả: Nguyễn Hữu Liêm

Category: Chính trị - Xã hội
Thẻ: >

The State is the march of God on earth (Hegel)

Hà Nội – Như rứa mà đã qua ba mươi lăm năm, ngày tôi rời Việt Nam. Trưa ngày 30 tháng 4, 1975, đeo đu đưa trên chân đáp của chiếc trực thăng cuối cùng rời phi trường Cần Thơ, trên vai vẫn đeo súng, và vai kia mang túi xách, tôi đã thoát đi trong tiếng la hét hoảng sợ và cuồng nộ, bắn giết của đoàn quân đang tan vỡ. Trong hai mươi năm qua, tôi đã bao nhiêu lần về lại Việt Nam. Lần nào bước vào phi trường Tân Sơn Nhất, tôi cũng vẫn luôn mang một nỗi sợ hãi thầm kín. Không biết là lần này mình có bị trục xuất hay không? Những ngày còn ở trong nước thì vẫn nghĩ đến chuyện công an “mời lên làm việc”. Tôi đã như là một đứa con ghẻ trên chính quê hương mình. Nhưng lần này, tôi về lại quê nhà với một tâm trạng khác. Tôi được chính thức mời trở lại Việt Nam.

Tôi vẫn phân vân suốt cả tháng trời là có nên đi dự “Đại hội người Việt ở nước ngoài” hay “Đại hội Việt kiều” (Đại hội). Với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ, tôi có nhiều lý do để tham dự.  Cùng về với tôi trên các đường bay khác là một phái đoàn gồm những thương gia và chuyên gia. Trên chuyến tàu từ San Francisco về đến phi trường Nội Bài ngày thứ Sáu 20 tháng 11, tôi chỉ đi một mình.  Tôi để ý đến các cô tiếp viên Việt Nam cố gắng cười trên môi trong nỗi bực mình thể hiện qua lông mày vì những yêu cầu của khách hàng đi từ Đài Loan.

Vừa bước tới quầy thủ tục nhập cảnh ở Nội Bài, tôi đã được hướng dẫn vào lối đi dành cho đại biểu kiều bào về tham dự Đại hội. Một sĩ quan cấp tá đón tiếp tôi thân mật, vui vẻ. Viên sĩ quan đóng dấu ngay lập tức vào tờ khai nhập cảnh và chào tôi nghiêm chỉnh với nụ cười. Tôi được hướng dẫn bởi hai nhân viên khác đến một quầy tiếp đón. Xong rồi tôi ra xe đang chờ về khách sạn cùng với một số đại biểu từ châu Âu. Đến khách sạn chúng tôi cũng được chào đón thân mật. Ở đâu, ở trên khuôn mặt nào, tôi cũng chỉ thấy những nụ cười, những lời chào hỏi trân trọng. Phòng trọ của tôi ở khách sạn Thắng Lợi, xây dựng bởi kỹ sư Cuba, nằm ngay trên mặt nước Hồ Tây. Tôi bước ra ban công, nhìn ra xa bên kia bờ là đường Thanh Niên và phố Thuỵ Khuê. Tôi chợt nhận ra một Hà Nội mà chưa bao giờ mình biết đến – dù rằng tôi đã đến xứ Thăng Long này biết bao lần.

Sau khi tắm rửa, thay quần áo, tôi đi xuống phòng ăn. Được gặp nhiều anh chị em, có người tôi từng quen biết, có người không. Những khuôn mặt tươi vui, bắt tay nhau, như cùng hát vang bài của chàng Sơn thuở nọ, “Mặt đất bao la, anh em ta về, gặp nhau, mừng như bão táp quay cuồng. Trời rộng. Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam.” Ở trong khung cảnh này, tôi đọc được những tâm trạng không cô đơn của những con người nặng lòng với đất nước.

Tôi cảm ra rằng mình vui lên như đứa trẻ thơ – dù rằng trong ý thức tôi muốn chăm nhìn chính mình và các đại biểu Việt kiều từ một góc độ khác. Tôi muốn bắt chước Edmund Husserl đi soi tìm một tinh hoa, về cái thực chất của tình yêu nước, trên cơ sở của hiện tượng học, một thể dạng tình cảm quê hương thuần chất trong con người Việt Nam – cái dân tộc tính đặc thù, sau khi đã loại trừ đi những yếu tố kinh nghiệm cá nhân và lịch sử. Ở trong và kinh qua tất cả những vọng động từ sử tính, trong khổ đau, qua thể chế, với đầy cực đoan và ngu muội, thì cái thực chất tinh thần yêu nước của con người Việt Nam, như là một thực tại thuần trừu tượng của khái niệm, qua biện chứng cuộc đời, có được nâng cao lên tới một thời quán tiến hóa mới? Hay là những người “phía tả” như chúng tôi vẫn là những đứa con trẻ đang lớn lên của thời tiền cách mạng khao khát một nguyên cớ lịch sử để hy sinh chính mình nhằm tìm ra chính mình?

Chuyến đi Đại hội này – tôi an ủi và tự đánh lừa chính mình – như là một dự án về biện chứng sử tính trong hiện tượng luận của Husserl. Triết học ở đây như là một chiếc áo còn quá rộng cho một chàng quê vừa lên tỉnh, hăm hở lý thuyết như con trâu đói ngấu nghiến nhai đám cỏ vàng úa giữa đồng hoang.

Tôi tìm đến Husserl trong đoạn văn này. “Cuộc đời của con người, trên cơ bản tinh hoa phổ quát của nhân loại và văn hóa bản địa, nhất thiết phải mang yếu tính lịch sử. Nhưng đối với một con người khoa học, cuộc đời như là cuộc sống của khoa học, trên chân trời của cộng đồng những khoa học gia, thì nó đã đánh dấu một sử tính mới. Nó đòi hỏi một cuộc cách mạng cơ bản về ý thức sử tính. Đó là cuộc cách mạng về trái tim lịch sử trong ý thức sử tính của con người.”

Husserl, theo ngôn ngữ phiên giải của Derrida, viết tiếp, “Thứ nhất, đó là một sử tính tổng quan trong sinh mệnh con người khi nhân loại hiện thân và sống trong bối cảnh tinh thần và văn hóa của truyền thống. Cái tiếp theo và cao hơn là sự thức dậy từ tính kích động của văn hóa châu Âu, để tìm đến một dự án lý thuyết và triết học. Cuối cùng là sự chuyển hóa từ triết học đến hiện tượng học. Từ đó, mỗi chặng đường chuyển hóa, được đánh dấu bởi một cuộc cách mạng nhằm phá bỏ dự án cũ, thực ra chỉ là một tổng dự án, qua khả thể vô hạn hóa sử kiện, sử dụng giác quan để điều tra đến tận cùng cái chủ ý ẩn giấu của tập thể dưới tất cả những chuyển động lịch sử.” À ha!

Đây chính đã là dự án của Lý Đông A cho con người Việt Nam. Tôi xin mượn Đại hội Việt kiều, qua tinh thần Lý Đông A và phương pháp luận của Husserl, để suy tìm cho chính tôi, một nhận thức mới về “trái tim sử tính” của dân tộc Việt từ một trăm năm nay – từ khi truyền thống sử tính dân tộc Việt Nam bị kích động thức dậy bởi văn minh lý thuyết Tây Âu. Cái tôi muốn bước tới là cái mà Trần Đức Thảo, từ năm 1955, khi tôi vừa mới ra đời, đã về từ Paris đến Hà Nội cố gắng khơi mào một cách tế nhị và gián tiếp: Một cuộc chuyển hóa về sử tính từ ý thức ôm chặt bởi văn hóa truyền thống và bản địa hạn hẹp sang đến cõi sống thuần tinh hoa lý thuyết và triết học phổ quan.  Ảo tưởng trí thức – dĩ nhiên. Nhưng đây là niềm vui tự tách rời của tôi. Nhưng tôi phải tự hỏi như Lý Đông A đã từng hỏi cả gần thế kỷ trước: Tất cả những khổ đau – và nỗi nực cười bi đát –  mà cả dân tộc Việt Nam kinh qua đã phải cho một mục đích – tức là chủ ý tinh thần và tinh hoa cho sử tính Việt. Nó là gì?

Nó có phải là tinh thần dân tộc độc lập – một tinh thần tự do tập thể cổ điển – đang được chuyển hóa sang ý thức tự do – một tinh thần giải phóng cá nhân? Hay rằng: Nó vẫn chỉ là một tinh thần thuần phản ứng, trên cơ sở dân tộc chủ nghĩa, được vẽ vời thêm bằng giáo điều vọng tưởng, cộng thêm một võng lưới vướng mắc từ quyền lực và quyền lợi, mà Đảng Cộng sản là hiện thân, đối với tính hiện đại từ Tây Âu đem đến?

Tôi muốn dựa vào phép biện chứng quốc thể (state), tức là các hình thái tổ chức, mà Đại hội Việt kiều này là một, và chính tôi, cùng các đại biểu Việt kiều, những người mang tinh thần dân tộc trong lưu vong, tương tác – như là một tiến trình đối ứng và thông hiểu, để chuyển hóa lẫn nhau – từ các nội dung đầy kịch tính chính trị đến những nỗi hồn nhiên mang nặng tính bi hài trong những con người đại biểu như chúng tôi. Tôi biết rằng không một ai đã bước vào lịch sử mà không làm một thánh tử đạo sẽ là – và khi chết không phải làm một tên hài kịch đã là.

Sáng sớm ngày hôm sau, thứ Bảy, 21 tháng 11, phái đoàn chúng tôi lên xe buýt – có xe cảnh sát hú còi mở đường – đi về Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Hà Nội, khi đi ra khỏi khu Ba Đình, là cả một công trường xây dựng. Các cao ốc thi nhau vươn lên. Có một cái gì đó mang ít nhiều tính bất cập, bất tương xứng giữa những con người và chế độ chính trị, và cả con người tôi thấy trên đường phố, đối với các cao ốc hiện đại đang được dựng cao. Tôi hình dung ra một tập thể nông dân thích ngắm tập tranh vẽ mây nước của Tàu đang tham dự một cuộc triển lãm hội họa đương đại. Ngôn ngữ khẩu hiệu cũng nhẹ nhàng đi. “Người Việt ở nước ngoài” thay cho “Việt kiều”. Chữ “Đảng” cũng thấy và được nghe rất ít.  Những anh công an chính trị cũng luôn nở nụ cười, bắt tay. Cái biện chứng tương tác của ý chí thể thức đang lôi kéo các tâm hồn thượng cổ, làng mạc ra với không gian mới của thời đại – như các cô chiêu đãi viên hàng không Việt Nam vẫn cố cười dù rất là không muốn.

Hay quá! Chủ nghĩa “chủ quan duy ý chí” của một đế chế chính trị khắt khe và nhiều sai lầm – như là ý chí lịch sử Việt Nam – đang đòi hỏi các con người mang sử tính liên hệ phải thay đổi. Hôm nay, cái bụng dạ thuần phản ứng phải uốn nắn theo thể thái ngôn ngữ và khuôn mặt chính mình theo “kinh tế thị trường”. Cái đang là của thực tế cuộc đời đang uốn nắn bởi cái phải là của thời thế. Tôi nhìn rõ được một dạng thức tương tác giữa ý chí và ý thức đầy mâu thuẫn này vốn đang đưa con người Việt Nam đi đúng đường, đúng hướng.

Qua đến ngày thứ hai của Đại hội. Trong các khóa hội thảo chuyên ngành, tôi tham dự phiên “Trí thức và chuyên gia”. Có một giáo sư kiến trúc, về từ Pháp, tôi chỉ nhớ tên là Trường, khoảng 65 – 70 tuổi, đã tâm sự chuyện về Việt Nam giảng dạy suốt nhiều năm qua. Không lương bổng, và không được trả bất cứ chi phí nào, giáo sư Trường đã kèm dạy nhiều lớp sinh viên trong ngành xây dựng và kiến trúc, cũng như khiêm tốn làm việc với các ban ngành của chính phủ về các vấn đề xây dựng và quy hoạch thành phố.  Tôi tự hỏi mình có làm được như thế không? Có làm như vậy mới xứng đáng với vai trò trí thức của mình. Tôi thầm vui mừng – và hãnh diện – vì trong hàng lớp nhà giáo gốc Việt ở hải ngoại đang có nhiều anh chị em về Việt Nam âm thầm làm việc, đóng góp như vậy. Không có chức năng lịch sử nào trọng yếu và tích cực hơn là vai trò khai sáng và chuyển giao ý thức. Dĩ nhiên, ý thức – mà tất cả chỉ là ý thức tự do – phải nằm trên cơ sở khoa học thực nghiệm, như Trần Đức Thảo đã dầy công phân tích.

Ngày thứ ba của Đại hội, ở cuối phần bế mạc, tôi cùng đứng dậy chào cờ. Bài “Tiến quân ca” được vang cao trong cả hội trường. Lạ thật. Tôi chưa hề từng nghe Quốc ca Việt Nam (này) trong khung cảnh thể thức như thế. Từ ấu thơ đến bây giờ, tôi từng hát Quốc ca của miền Nam, trước năm 1963 thì cùng với bài hát buồn cười Suy tôn Ngô Tổng thống.” Ba mươi bốn năm qua là Quốc ca Hoa Kỳ xa lạ, Star Spangled Banner. Nay thì tôi lại nghe và chào Quốc ca Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng. Con người là con vật của biểu tượng. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Tôi cảm nhận được một dòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu như là khoảnh khắc thức dậy và chuyển mình của năng lực Kundalini. Tôi nhìn lên phía trước, khi vừa hết bài Quốc ca, mấy chục cô và bà đại biểu từ Pháp đang chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết – kể cả những người mà tôi không ngờ – đang vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Cả hội trường, và tôi, cùng hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước.

Trong không khí vang ầm của lời ca, tôi lại lắng nghe từ Paul Ricoeur, “Đây là ý chí hồn nhiên thứ hai, khi con người đã bước ra khỏi hồn nhiên thứ nhất, trở về lại để tìm ra nó như là một niềm hạnh phúc nguyên sơ.” Tôi thầm cảm thấy mình thật sự bình an khi đất nước này đã mở rộng vòng tay đón tôi trở về – dù tôi đã ý thức rõ ràng về sự khác biệt nhiều tương phản giữa quê hương và thể chế chính trị. Tôi biết và cảm thông được nỗi buồn vô hạn của những người trí thức đã từng bị trục xuất khỏi quê nhà khi về đến sân bay. Ôi tổ quốc ơi! Sao mà ngươi khó khăn và khắc nghiệt thế? Cho dù tôi có cố gắng khách quan hóa ý thức đầy sử tính của mình, cái tinh chất thuần ý thức mà hiện tượng luận muốn đi tìm vẫn chỉ còn là một ẩn số lớn.

Ngày hôm sau, thứ Ba, 24 tháng 11, trên suốt chuyến bay để “đi” California – không phải là “về” như bao lần – tôi thấy chính mình đang mang tiếp được một nỗi bình an ngày hôm trước. Quê nhà đã đón mừng và nhận lại mình. Tôi không còn sợ tổ quốc, sợ chế độ, sợ công an, sợ cộng sản. Bạn thấy không? Con người tôi vẫn là của thời quán thứ nhất – một anh nông dân trong làng chưa bước qua được giai thoại của một thứ dân tộc chủ nghĩa thô sơ và đầy uẩn khúc. Tôi chưa phải là con người tự do.

Xin chân thành cảm ơn tất cả. Ôi hỡi quê hương Việt Nam. Lần này, tôi đã thực sự trở về!

© 2009 Nguyễn Hữu Liêm

© 2009 talawas blog

Bình luận

71 Comments (bài “Nguyễn Hữu Liêm – Nơi giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an”)

  1. Nguyễn Ước viết:

    Hai bác Phùng Tường Vân và Trần Văn Tích hiểu sai ý của bạn Trương Thái Du rồi.

    Số là ngày 28.10.09, danchimviet.com đăng bài “Từ văn sang võ: Giã từ internet” của Nguyễn Hữu Liêm, trong đó tác giả khuyên các bạn trẻ rằng: “Đối với cái thế giới ảo, e-mail, Twitter, My Space, You-Tube, ba cái websites Đàn Chim Việt, talawas, Damau, Tienve, X-Cafe, VnExpress, Take2tango, Giaodiem, Vietcatholic… bàn chuyện thế gian, chuyện con người, chuyện chính trị, chuyện Việt Nam, bạn từ từ hãy rời xa chúng dần đi… Người nhà quê có nói rằng, ‘Không có mợ chợ cũng đông,’ hơi đâu mà quan tâm quá về những chuyện xưa, chuyện đã qua, chuyện tào lao thế sự… Hãy để cho những kẻ đã chết tự chôn lấy chính họ… Đừng vướng vào làm gì cho nó khổ thân và khổ gia đình, chồng vợ, con cái. Cũng đừng có ‘bức xúc’ về những chuyện mình không làm gì được. Đừng có ham muốn tên tuổi của mình xuất hiện trên các trang nhà đó – để mà viết văn, làm dáng, chứng tỏ kiến thức, trổ tài tranh luận bắt bẻ nầy nọ mần chi.”
    http://danchimviet.com/articles/1623/1/T-vn-sang-vo-Gia-t-internet/Page1.html

    Thời điểm đó cũng là lúc có rất nhiều bài trên các trang web “dàn chào” hội nghị “đại biểu” VK sắp diễn ra tại Hà Nội.

    Mới chưa đầy một tháng, có lẽ sau khi theo chân “người nhà quê ấy” về VN, vào Ba Ðình cổ mộ, được dạy sơ cấp võ công “Hắc bạch miêu” của môn phái Việt kiều yêu nước, nên Nguyễn Hữu Liêm bèn “đổi tấn, chuyển bộ”, tìm tới talawas, và thậm chí cả trên danchimviet.com, để lập chiến công bằng bài này.

  2. Thai Nguyen viết:

    Một cô lễ tân chứng kiến đoạn chót buổi họp giữa ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Việt kiều Nguyễn Hữu Liêm tại phòng penthouse trên đỉnh khách sạn Daewoo kể lại như sau:

    Ông Việt kiều đỏ mặt phừng phừng sau khi hết làm nửa chai Napoleon, đập bàn quát to: “Đừng mang danh lợi ra làm mồi nhử để tôi viết bài nâng bi. Triết gia Karl Marx có nói ‘Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng nghiệp… à đồng bào… à quên… đồng loại.’” Ông Nguyễn Tấn Dũng quay lưng nói nhỏ với chú cận vệ vài điều gì đó.

    Tối hôm đó, các ông bà Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, v.v… đều được các anh công an quản giáo đầy khả ái mời ăn các cao lương còn lại từ nhà hàng Daewoo. Thành ủy Hà Nội cũng được chỉ thị ngưng xử lý các cá nhân thiếu tinh thần xây dựng của viện IDS. Riêng bà Trần Khải Thanh Thủy được chính Đại tá công an Vũ Công Long mang hoa hồng đến tận nhà tặng trong dịp Lễ Tạ Ơn vừa qua thay vì sai người ném phân vào như mọi lần.

    Nghe kể ông Liêm đã viết lại toàn bộ buổi họp với ông Dũng và sẽ công bố cũng trên kịch trường Talawas khi vị Thủ tướng này qua đời, như ông đã từng làm với trường hợp cố Thủ tướng Kiệt.

  3. bacle viết:

    FYI: Thấy nhiều người không rõ sự khác nhau giữa JD & PhD, nên xin trích từ wiki (mục Juris Doctor: Evidence that the Juris Doctor is not a doctoral level degree).

    – In reference to professional doctorates, including the Juris Doctor, the United States Department of Education states, “Several of these degrees use the term “doctor” in the title, but these degrees do not contain an independent research component or require a dissertation (thesis) and should not be confused with PhD degrees or other research doctorates.”

    . . . . . .

    – The European Research Council states that, “First-professional degrees will not be considered…PhD-equivalent, even if recipients carry the title ‘Doctor’.”

    Do đó, phải có PhD thì gọi là Tiến Sĩ mới đúng.

  4. bakaout viết:

    Cám ơn tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm đã ‘chiêu đãi’ người đọc một bữa thịnh soạn có thể sánh với thứ mà bị can Duck vừa ‘chiêu đãi’ nhân dân Cam Bốt khi yêu cầu Tòa Án Xử Tội Diệt Chủng thả mình ra (http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5841.asp)
    Lâu lắm mới thấy nhiều ý kiến phản hồi ‘đi’ một chiều như vầy, sự một chiều minh bạch.

  5. Trần Văn Tích viết:

    Ôông/Mụ hailang nhắc tới Triệu Phong khi viết về tiến sĩ/luật sư/triết gia/doanh nhân/Việt kiều họ Nguyễn mần tui thấy ôốc dôộc quá, ôông/mụ ơi! Tui cũng dân Triệu Phong miềng đây!

    Còn ông Trương Thái Du sao lại nỡ lòng đánh giá talawas quá thấp thế?

  6. Nam Phan viết:

    Cơ khổ, trách gì cái đèn kéo quân, hễ có lửa là có xoay, tít mù nó lại vòng quanh! Khẩu Phật, tâm Phật, nên không dám ví von như ông Hoàng Ngọc Tuấn mặc dù đồng ý 100% với ông.

    Đây lại thêm một dạng những người thích ăn “phở chửi”.

  7. Lê Anh Dũng viết:

    Tôi hoàn toàn không hiểu bài viết của ông Liêm.

    Là một độc gỉa nghiêm túc, tôi yêu cầu ông Liêm trình bày rõ ràng, cụ thể như một luật sư, một giáo chức cho những Việt kiều như tôi về những sự kiện, đãi ngộ, chính sách hướng tới toàn thể Việt kiều nói chung (mà không dành riêng cho ông Liêm) ĐÃ ĐƯỢC TRÌNH BÀY CHO MỌI NGƯỜI NGHE ở đại hội Việt kiều, để một Việt kiều có được sự bình an của ông.

    Ngoài những “hạnh phúc nguyên sơ”, “cảm nhận được một dòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu”, “chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca”, “vỗ tay hào hứng la to” thì những Việt kiều không biết hát, hay không thích hát đồng ca có thể lên tiếng về những vấn đề trọng đại của đất nước (tự do phát biểu, bauxite, quan hệ Việt-Trung, nhà máy điện nguyên tử, quan hệ bất bình đẳng trước pháp luật giữa đảng viên và dân thường …) như thế nào? Làm sao Việt kiều có thể trao đổi, bàn thảo với người Việt trong nước về những vấn đề này?

  8. nguoiyeunuoc viết:

    Ôi quê hương! Tôi cảm thấy yên tâm và tự hào khi còn có những người công dân như Lê Diễn Đức, Phung Nghi, những người sẽ giữ được hồn thiêng sông núi và sẽ không bị tiền tài, vật chất, danh vọng, quyền lực cám dỗ.

    “Người tướng xông pha trăm trận không buồn vì da ngựa bọc thây mà buồn vì giang sơn không ai gánh vác”. Cá nhân tôi không là gì cả, thế gian này không là gì cả, mất hay còn không là gì cả. Cái đọng lại của cuộc đời phải là “Chánh nghĩa luôn thắng gian tà”.

    Việt Nam tự do luôn ở trong tim tôi.

  9. Hà Minh viết:

    Một bài viết hào nhoáng mà rỗng ruột vẫn thường thấy của thầy triết NHL, nhưng nó lại có tác dụng như một “miễn thị thực” hay chí ít cũng đảm bảo tác giả bài viết không bị chặn tại cửa khẩu như ông Nguyễn Hưng Quốc,…

  10. Hoà Nguyễn viết:

    Ông Nguyễn Hữu Liêm viết: “Quê nhà đã đón mừng và nhận lại mình. Tôi không còn sợ tổ quốc, sợ chế độ, sợ công an, sợ cộng sản. Bạn thấy không”.

    Chỉ vì được đón tiếp long trọng một lần, có cà ăn và ở miễn phí trong ba ngày, mà ông NHL trở thành người không còn biết sợ gì nữa, lạ thật. Thế tại sao trước lần “về” này, ông lại sợ tổ quốc, sợ công an, sợ cộng sản, như câu viết trên của ông là lời tự thú như thế: “(nay) không còn sợ” ? Trên talawas, ông NHL từng kể chuyện ông về Sài Gòn gặp lại bạn cũ, bây giờ là cán bộ CS giữ chức vụ khá cao trong ngành công an, nhưng dù vậy lần đó ông vẫn còn sợ công an, sợ cộng sản sao ? Những lý do ông đưa ra khiền ông bây giờ hết còn sợ, là một thay đổi lớn trong vài năm, rõ là có tính cách lừa dối hay ngụy biện, vì không thể chỉ nhờ một lần đón tiếp mà ông mất đi nỗi lo sợ kéo dài ít ra trong 34 năm (là thời gian theo lời ông nói). Nhưng lại có thể vì lý do rất tầm thường: vì được “free food” trong vài ngày mà ông Liêm thấy mình được cho hưởng đủ thứ tự do trước kia không hề có. Ông Liêm thử nhìn lại xem những nguyên cớ trước đây đã làm ông phải sợ hãi, tức sợ cộng sản, hay sợ tổ quốc khi ông đồng nhất tổ quốc với cộng sản, kể từ ngày ông đi khỏi nước cho tới ngày về dự đại hội VK, nay đã thực sự thay đổi hay biến mất chưa. Ông hãy nhìn vào trường hợp những người làm cùng nghề với ông, như các luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Lê Trần Luật, họ có vui mừng, hạnh phúc như ông vì được hưởng nhiều thứ tự do như ông không. Sự khác biệt giữa ông Liêm và những luât sư đó phải nhận do ông Liêm là Việt kiều còn họ là người Việt trong nước, chứ không phải vì cộng sản hay công an ở VN bây giờ hết đáng sợ. Thật xấu hổ khi ông Liêm cũng không dám nhắc đến tên những luật sư đó ở đây hay khi còn ở trong nước, nên thấy được là vì ông Liêm còn quá sợ đó thôi. Vì ông hỏi “bạn thấy không”, nên tôi trả lời thật thà là tôi thấy ông Liêm vẫn chưa hết sợ, nên ngoài chuyện không nhắc đến những nạn nhân được nói nhiều nhất của chế độ, ông còn ráng viết bài này dươờng như cốt lấy lòng người tiếp đãi ông để lần sau khi về nữa ông không phải lo sợ gì . Nhiều người từ VN qua Mỹ khi trờ về không thấy ai nói lên tình cảm (đối với nước Mỹ) giống như ông (đối với VN). Chỉ vì trước kia họ không sợ Mỹ như ông sợ VN, và bây giờ họ vẫn không sợ Mỹ nên không cần phải viết để lấy lòng gì Mỹ với mục đích lần sau còn được qua Mỹ.

    Nhân nhắc đến Lý Đông A, ông Liêm có thể không biết Lý Đông A mất tích với nghi ngờ lớn là do cộng sản thủ tiêu năm 1946. Còn nhà Marxit học Trần Đức Thảo trở về VN để vào chiến khu chống Pháp là điều rất đáng ca ngợi, vì lòng yêu nước và không ngại nguy hiểm, gian khổ. Nhưng tại sao ông Thảo trở lại Pháp, và theo chuyện kể nếu ông không quen thân với TT Phạm Văn Đồng thì khó được ra khỏi nước; sau cùng vào cuối đời khi sống và chết âm thầm, cô độc ở Pháp, có bao giờ ông Trần Đức Thảo tỏ ra hối tiếc đã phải bỏ nước ra đi không ?

  11. Hailang viết:

    Ông nói :Tôi không còn sợ tổ quốc, sợ chế độ, sợ công an, sợ cộng sản.
    Ông được thư mời thì sợ cái nổi gì.Vả lại trong đầu ông có cả khối đá triết lý kia mà.Chỉ có người dân đánh cá miền Trung mới sợ ra biển bị tàu “lạ” đục thuyền ,cướp bóc ,với lại bắt làm con tin đòi tiền chuộc.Chỉ có hàng ngàn trẻ em mười ba mười bốn tuổi mới sợ bắt cóc đưa qua Cam Bốt làm đĩ non.Chỉ có những người trẻ nam có nữ có được cha mẹ bán hết gia tài để đưa đường dây buôn người qua Nga rồi tới Pháp đang ở trong rừng mới sợ lạnh sợ chết sợ không leo lên xe tải trốn qua Anh được .Rồi sợ cả gia đình bà con quê nhà lăn đùng ra mà chết vì đói.
    Chỉ có hàng hàng lớp lớp người mất nhà mất đất vác đơn đi kiện củ khoai mới sợ nằm chết giữa bụi giữa bờ .Chỉ có những người khóc Hoàng sa,Trường Sa ,ngậm ngùi Bản Giốc mới sợ điều luật 88 khóa tay nhốt vô tù .Chỉ có những người trí thức nghiên cứu trong lòng quê hương của mình mới sợ cái Quyết định 97 mới tự giải thể để khỏi bị chặt đầu cắt tay.
    Còn ông theo tôi nghĩ nên về Triệu Phong Quảng Trị soi mặt trong gương để biết thế nào là sợ ánh sáng. Ông cứ quanh quẩn trong đêm dài nằm mộng thì gà hóa ra cuốc mà thôi.Có ai lại nằm ngũ mà sợ bóng đêm bao giờ?
    Hailang

  12. Nguyễn Việt Thanh viết:

    Độc giả Talawas phải cảm ơn triết gia Nguyễn Hữu Liêm đã “khai sáng” cho “con đường đau khổ” từ Hiện Tượng Học Husserl đến “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”!

    Có lẽ Husserl cũng không ngờ nổi những tư tưởng của ông hơn trăm năm sau được vận dụng một cách tài tình và sáng tạo đến thế!

  13. Dong viết:

    Đi xe có còi hụ thì viết như còi hụ. Có chi mà bàn dữ rứa hè ?

  14. Phùng Tường Vân viết:

    “HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN”

    “Trương Thái Du nói:

    Thật bất ngờ khi bài viết này được talawas đăng tải. Hy vọng TS Nguyễn Hữu Liêm còn viết dài dài,..”

    Có gì mà bất ngờ, những bài viết “du kích” dài dài của họ Trương vẫn thường xuất hiện đều chi trên talawas huống hồ cái anh phản phúc suốt đời “làm ra thông thái, nói nhái thiên hạ” này.
    Hỡi ơi, nương theo bao nhiêu chết chóc tang tóc của đồng bào, đồng đội để anh có cớ bám mà đi theo sang xứ người, học hành nên thân mà muối mặt uốn lưng xưng tụng thịnh trị cái chế độ “sát thủ” của dân tộc.
    Bẩn thật!
    “Quyết Đông Hải chi thuỷ bất túc dĩ trạc kỳ ô.”

  15. Phung Nghi viết:

    CON DÂN MỘT NƯỚC LÀM SAO ‘SỢ TỔ QUỐC’ MÌNH ĐƯỢC?

    Từ ngay sau ngày miền Nam sụp đổ 30-4-1975, cá nhân tôi đã phải nhận lãnh những phân biệt đối xử vì lí lịch gia đình như cha bị bắt đi cải tạo, căn nhà gia đình bị tịch thu, cả nhà bị đày đi vùng kinh tế mới mà thực chất là trại lao đông tập trung (labor camp). Cả gia đình và bản thân phải chịu đựng vô vàn gian nguy và bất công nhưng tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình là “con ghẻ trên chính quê hương mình”.

    Quê hương mình đối với tôi từ ngày mà ở đó mình bị đọa đày cho đến tận hôm nay đang lưu lạc xứ người mãi mãi là dãi đất hình cong chữ S quay mặt nhìn ra Thái Bình Dương hiền hòa với dân tộc Việt thân thương, nơi tôi được sinh ra từ tinh huyết của mẹ cha và lớn lên thành người bằng khí trời, vật thực, và hồn thiêng sông núi mà mảnh đất quê mẹ có thể hiến dâng nuôi nấng. Quê hương mình chưa bao giờ ruồng rẫy, bạc đãi tôi. Trái lại Quê Hương Mình không phút giây nào không ở trong tôi, trong tâm hồn, trong suy tư trăn trở của tôi. Quê Hương Mình và Tổ Quốc Mình là chính cội đất tôi được sinh ra trên cõi đời này. Khí thiêng và tinh hoa văn hóa của Quê Hương Mình tạo nên linh hồn của tôi. Nếu Quê Hương Mình không còn ở trong tôi thì tôi như đã chết tôi chỉ là một cái xác không hồn vô tổ quốc, một con người không căn cước. Món nợ tôi mang với Quê Hương Mình trọn kiếp này và mãi mãi tôi không thể nào trả xong!

    Tôi bị ngược đãi, bị biến thành ngoại nhân đọa đày ngay chính trên Quê Hương Mình là do CHÍNH QUYỀN CỘNG SẢN MAN RỢ với những CHÍNH SÁCH PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ vô nhân đạo của nó. Tôi nguyền rủa cái CHÍNH QUYỀN CỘNG SẢN đó chứ tôi không thể nào là CON GHẺ NGAY CHÍNH TRÊN QUÊ HƯƠNG MÌNH và TỔ QUỐC tôi vẫn mãi mãi là tình yêu thiêng liêng nhất của tôi chứ không phải là nỗi sợ hãi của tôi. Một tiến sỹ tự nhận mình là trí thức như ông Nguyễn Hữu Liêm mà từng tự coi mình là “CON GHẺ NGAY CHÍNH TRÊN QUÊ HƯƠNG MÌNH” và từng “SỢ TỔ QUỐC” thì tôi xin hỏi thứ trí thức này là thứ trí thức gì? Một trí thức mà không phân biệt được sự khác biệt giữa quê hương mình, tổ quốc mình với chính quyền cai trị ở đó thì rất đáng ngờ cái phẩm chất trí thức của cá nhân đó.

    Tôi trân trọng tình cảm riêng tư của trí thức tiến sỹ Nguyễn Hửu Liêm khi cảm thấy “NƠI GIỮA ĐẠI HỘI VIỆT KIỀU: MỘT NƠI BÌNH AN,” hay cảm thấy “THỰC SỰ TRỞ VỀ” mà tôi dám chắc là về với CHÍNH QUYỀN CỘNG SẢN từ lúc được mời và dự đại hội Việt kiều do chính quyền đó tổ chức. Theo ngu ý của tôi: GIỮA TRÍ THỨC và TỔ QUỐC không có chuyện ĐI hay VỀ. Trí thức là thường trực tỉnh giác trong trọng trách đối với vận mệnh thịnh suy của tổ quốc. Chuyện đương sự thực hiện như thế nào và được bao nhiêu trong trách đó đối với Tổ Quốc là bi kịch hay diễm phúc của chính y.
    Xin trích lại ở đây ý kiến của bác Lê Diễn Đức vì đó cũng là cảm nhận của tôi sau khi đọc bài này của tiến sỹ Nguyễn Hửu Liêm: “Tôi buồn nôn vì tởm lợm! Chính vì những con cừu ngu xuẩn vì hiệu ứng Pavlov, những con “vẹt kèo” cơ hội, vụ lợi và lưu manh mà đất nước, dân tộc còn bất hạnh dài dài!”
    Xét ra cái bã ‘xôi thừa phở cặn’ mà chính quyền Cộng Sản của CHXHCHVN xì ra để câu mồi không đến nỗi uổng phí: Ít nhất cũng câu được một trí thức như trí thức tiến sỹ Nguyễn Hửu Liêm như chính đương sự tự bộc lộ qua bài viết của mình.

1 2 3 4 5
  • talawas - Lời tạm biệt

  • Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam… đọc tiếp >>>

  • Phản hồi mới nhất của độc giả

    talawas blog: Cảm ơn tất cả! Tạm biệt và mong ngày ...
    Trung Thứ: Trích: „Ngoài ra, việc duy trì nhóm khởi...
    Hà Sĩ Phu: LỜI TẠM BIỆT: Buông lơi “một...
    Phùng Tường Vân: Dục Biệt Nhung Dục (Trung Đường) có ...
    Hoài Phi: Chỉ còn vài phút thôi là talawas chính th...
    Hà Sĩ Phu: @ixij Bạn ixij đã gõ đúng chỗ tôi c...
    P: Kính gửi hai bác Lê Anh Dũng và Trung Thứ...
    Hoangnguyen: Không biết những dòng chữ này còn kịp ...
    Trần Quốc Việt: Dear Talawas, Thank you! You're gone now but I ...
    Nguyễn Ước: Xin lỗi. Tôi hơi bị nhớ lầm vài chữ t...
    Trung Thứ: Thưa bác Lê Anh Dũng, Thời giờ cũng đ...
    Trần Quốc Việt: Hành trang rời Talawas: Live Not By Lies ...
    Hoà Nguyễn: Qua bức thư hết sức nhã nhặn, lịch s...
    Trần Việt: Ôi, nếu được như bác Hữu Tình hình du...
    ixij: Không được tham gia trả lời 3 câu hỏi ...
    Lâm Hoàng Mạnh: Đốt Lò Hương Cũ. Mượn thơ của Th...
    P: Cũng xin góp thêm một bài mới biết :D ...
    Lê Tuấn Huy: Xin gửi anh VQU, TV và những người quan t...
    Khiêm: Cảm ơn nhà văn Võ Thị Hảo đã thực hi...
    Phùng Công Tử: Bị bắt cũng đáng! Vào blog của CoigaiDoL...
    Phùng Công Tử: Nô lệ của văn hóa Trung Quốc: Đi hỏ...
    classicalmood: Bài viết có một số điểm tích cực nh...
    Thanh Nguyễn: Đọc những con số thống kê trong bài vi...
    Phùng Tường Vân: Vĩ Thanh tiễn chị Hoài Thế sự mang ...
    Tiêu Kiến Xương: ĐBA mượn lời ông bác nông dân: "Nói gì...
    dodung: "Sóng lớp phế hưng coi đã rộn......
    Camillia Ngo: Chín năm, một quãng đường dài, Bóng ng...
    Camillia Ngo: Một dân tộc u mê, hèn kém tột độ mớ...
    Thai Huu Tinh: Thưa các bác Trần Việt, Quốc Uy, Tuấn H...
    Phùng Tường Vân: " Thứ nhất, nói mọi thứ đều thối ná...
    Nguyễn Ước: Tôi không vào được Phản hồi bên bài C...
    Tôn Văn: Tiếp theo „Lời tạm biệt“ Câu hỏi...
    Trần Việt: Công bằng mà nói một cách ngắn gọn, Gs...
    Phùng Công Tử: Và gần đây tôi cảm thấy hơi phiền hơ...
    Bùi Xuân Bách: Việc talawas ngừng hoạt động tuy có là ...
    Nguyễn Chính: Gửi chị Phạm Thị Hoài và Ban Biên tập...
    Lê Tuấn Huy: Việc cảnh giác, tôi đã nói đến. Tôi t...
    vuquocuy: - Tác giả Lê Tuấn Huy đã phát hiện rấ...
    Hạnh Đào: Hơn tuần nay, tôi ngần ngại không muốn ...
    classicalmood: Talawas đột ngột chia tay khiến không ít ...
    Lê Anh Dũng: Bravo ý tưởng tuyệt vời của Arthur, ...
    Thanh Nguyễn: Chào chị Hoài, Cảm ơn tâm huyết và nh...
    Thanh Nguyễn: Cảm ơn ý kiến của anh Hoàng Ngọc Tuấn...
    Hà Minh: Cuộc vui nào cũng phải đến lúc tàn, (al...
    P: Xin có lời cảm ơn gửi đến những ngư...
    Nguyễn Đình Đăng: Tôi lợi dụng chính phản hồi của mình ...
    Arthur: Có nên đề nghi BBT Talawas chơi/hát lại b...
    Phùng Tường Vân: Tôi xin kể thêm truyện này, nghe cũng lâu...
    Hà Sĩ Phu: @ Nam Dao Đây là bài “bình thơ chơi” v...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trung Thứ, Cám ơn bác về nhã...
    Trần Việt: Đồng ý với ông Lê Tuấn Huy. Tuy chỉ c...
    Trầm Kha: CÓ THẾ CHỨ! THẾ MỚI 'TIỀN VỆ' CHỨ!...
    Phùng Tường Vân: Hết xảy ! (http://www.talawas.org/?p=26665#co...
    Hoàng Ngọc-Tuấn: Xin thông báo cùng quý vị: Để tiếp n...
    Dương Danh Huy: Cảm ơn bác Phùng Tường Vân và Lâm Hòan...
    Phùng Tường Vân: Đôi lời thưa thêm với bác D.D.Huy, Xin...
    chuha: Mỗi người có một "gu" ăn phở. Riêng t...
    Trương Đức: "Chị Hoài ơi, chị Hoài ơi Niết Bàn nà...
    Phùng Tường Vân: Thưa Bác Dương Danh Huy Xin vội vã trìn...
    Dương Danh Huy: À, có điều tôi muốn nhắc các bác: K...
    hlevan: “Le coeur a ses raisons que la raison ignore” ...
    Dương Danh Huy: Bác Phùng Tường Vân, Lâm Hòang Mạnh &...
    Phùng Tường Vân: CẨN BẠCH Nhận biết được giới hạ...
    Le Van Hung: Thử lướt qua các trang web Việt Nam, chún...
    Đinh Minh Đạo: Tin TALAWS sẽ ngừng hoạt động làm tôi n...
    Lê Quốc Trinh: Cám ơn tác giả Phạm Hồng Sơn, Nếu c...
    Le Van Hung: "Giáo dục, giáo dục và giáo dục (có l...
    classicalmood: Vậy thì quyết định đóng cửa Talawas, n...
    VanLang: "Merda d’artista" vẫn đang được trưng b...
    Khiêm: Bác Phùng, Một người quen cho biết xếp...
    Nguyễn Đăng Thường: Đập phá & xây dựng “Đạp đổ t...
    Tonnguyen147: Bác Phùng Tường Vân, Người ta không ...
    Hoà Nguyễn: Hôm nay có tin đại biểu Quốc hội Việt...
    Hoà Nguyễn: Báo Người Việt hôm nay đăng toàn văn l...
    Trung Nu Hoang: @ Tạm Biệt talawas. Với lòng quý mến ...
    Tonnguyen147: Bác Trung Thứ và các bác ơi, Chủ Nh...
    VanLang: Đầu thập niên 90 Việt Nam lạm phát phi ...
    Nam Dao: Trình với cả làng Thể ý Trưng Nữ Ho...
    Lâm Hoàng Mạnh: Nâng cốc, cụng ly ... hết váng đầu Nh...
    Hoà Nguyễn: Cứ tưởng nếu khách ngồi bàn chuyện ho...
    Nam Dao: Anh thân mến Quí trọng những việc an...
    Thanh Nguyễn: Talawas trước giờ lâm chung mà vẫn đau ...
    Phùng Tường Vân: Chiếc Cân Thủy Ngân ..."Cứ xét theo ...
    Trung Nu Hoang: Nếu nhà văn Phạm Thị Hoài và BBT Talawas...
    Bắc Phong: bác bị váng đầu thèm uống rượu cứ ...
    Lê Thị Thấm Vân: Ngân trong "là con người", một trích đo...
    classicalmood: Talawas đột ngột chia tay khiến không ít ...
    Trung Thứ: Thưa bác Lê Anh Dũng, Tôi xin chia sẻ thê...
    Canuck: Bác Nguyễn Phong, Tui thấy đây là vấn...
    Nguyễn Đình Đăng: Bravo! Như một minh hoạ cho bài này mờ...
    Dương Danh Huy: Bác Phùng Tường Vân, Tôi đã set up hai...
    Phùng Tường Vân: @Nguyên Phong (http://www.talawas.org/?p=26665#c...
    Nguyễn Phong: Tôi thấy các bác hơi lạc quan và ảo tư...
    Thuận: Chỉ còn ít giờ nữa, Talawas sẽ đóng c...
    Trương Đức: "Nửa ấy… “nói chung là”: nửa dưới...
    Trầm Kha: talawas ơi! oan ức quá! Oan ức quá! Em ...
    Canuck: Tui cám ơn Ban Chủ Nhiệm, Ban Biên Tập Ta...
    Trầm Kha: bác vạch lẹ quá! em há hốc hà lá nho ...
    Trầm Kha: thường thì bác Thường siết... hết bế...
    pham duc le: Tôi đồng ý với bạn Nguyễn Phong, nhưng...
    booksreader: Au plaisir de vous revoir, "một mô hình hoạt...
    Bach Phat Gia: Tôi là độc giả của talawas đã mấy nă...
    Lề Trái: Trong việc tẩm bổ chỉ xin Gia Cát Dự đ...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trầm Kha, bác Đào Nguyên, Xin ...
    Lê Thượng: Nói rằng "So với thảm họa môi trường ...
    Anh Dũng: @1mitee: 1. Muốn SỐNG tới mức "cụ" nh...
    Đào Nguyên: @ Anh Dũng "...phải nghe lời cái dạ dày,...
    Trầm Kha: “Khi cầm cuốn Kinh thánh, tôi đọc với...
    Đào Nguyên: @ bác Nguyễn Phong Tôi đồng thanh tương ...
    Hoà Nguyễn: Sau chuỗi cười khá thoải mái do ông Gia ...
    1mitee: @Anh Dũng "Cả ông Marx, ông Hồ Chí Minh,...
    Bùi Văn Phú: Bạn Trung Nu Hoang ơi, Bạn có khả năng...
    Thái Hữu Tình: Bài vừa mới ra lò, mấy anh (cả mấy ch...
    Canuck: Trong đời tui, có 3 lần / hoàn cảnh xảy...
    Phùng Tường Vân: Lời đề nghị khẩn khoản của tôi Nh...
    Thái Hữu Tình: 1/ Bài nghiên cứu này của ông MTL càng ch...
    Nguyễn Phong: Thực ra ở hải ngoại hiện nay thì có m...
    Anh Dũng: @Đào Nguyên: 1. Cái bạc triệu (VNĐ) c...
    Dương Danh Huy: Bác Hòa Trước hết tôi cảm ơn về l...
    Louis: Trong phút giây chia tay người tình ảo, b...
    Đào Nguyên: Từ lâu ngưỡng mộ bác, biết bác thích ...
    Trầm Kha: Ha ha ha! Bác Trương Đức ơi, Bác "đả t...
    Lê Quốc Trinh: LÊ QUỐC TRINH - LỜI GIÃ BIỆT Thân m...
    vantruong: Thôi thì trước khi giải tán tụ tập tal...
    Đào Nguyên: @Anh Dũng "... - Không có đủ sản phẩm ...
    VietSoul:21: Tôi không nghĩ tài chánh là vấn đề (ch...
    Hoàng Trường Sa: Talawas ơi Ta giã biệt em Như giã từ cu...
    Hoàng Trường Sa: Bauxite Việt Nam: hãy cứu ngay chữ tín! (...
    Anh Dũng: @Đào Nguyên: Thực ra Marx có nói, nói n...
    Lâm Hoàng Mạnh: Chỉ còn vài 28 giờ, Ta Là... Gì sẽ ngh...
    Le Van Hung: Kính thưa các Anh Chị, Từ trước đế...
    Phùng Tường Vân: Bi giờ sắp đến giờ lâm biệt Xin Gia T...
    Hoàng Trường Sa: EM ĐI RỒI Em đã đi rồi thế cũng xong...
    Nguyễn Đăng Thường: Chia tay phút này ai không thấy buồn? Nh...
    Trung Nu Hoang: Tôi cũng có nghe kể chuyện một "học gi...
    peihoh: Tôi không được hỏi ba câu hỏi của tal...
    peihoh: Anh Lại Văn Sâm ơi! Dịch giùm câu này: "...
    Đào Nguyên: @ Anh Dũng Mác nói nhiều về lợi nhuận,...
    Hoà Nguyễn: Ông Huy viết : Điều tôi nói hoàn toàn kh...
    Trương Đức: Đọc cái câu này: "2030: định mệnh đã ...
    Đào Nguyên: Tôi cũng có đọc những câu chuyện với ...
    Camillia Ngo: Nguyễn Khoa Thái-Anh nói "Vũ Huy Quang là m...
    Dương Danh Huy: Bác Hoà Tôi cũng thấy thú vị khi đọ...
    Thanh Nguyễn: Giữa cái lúc "dầu sôi lửa bỏng" thế n...
    Thanh Nguyễn: Nếu vì lý do tài chính mà talawas đóng c...
    Thanh Nguyễn: Oh, Thank you Trầm Hương! We all have our h...
    Hà Minh: Một truyện ngắn quá hay, cảm ơn tác gi...
    Nguyễn Việt Thanh: Trên Talawas bộ cũ, có lần nhà văn Phạm...
    Anh Dũng: Ông Đào Nguyên nói đến "duy lợi". Nhưng...
    Hoàng Trường Sa: BRING ME HAPPINESS Đừng đi Đừng đi Đ...
    Lê Anh Dũng: (tiếp) Nhưng chính nhờ Tin Lành VN như...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trung Thứ, Trong cảnh talawas ch...
    Đào Nguyên: Lời ông Vũ Huy Quang làm tôi nhớ tới l...
    Đào Nguyên: @ Nguyễn Khoa Thái Anh Trước khi chiéc thu...
    Trương Nhân Tuấn: Trích : « Người Việt hải ngoại vẫn th...
    Hoàng Trường Sa: Bô xít Việt Nam : Truyền thông Mỹ sắp n...
    khonglaai: Không ngờ anh Bách còn giỏi cả tiến...
    khonglaai: Nếu có giải thưởng talacu thì tôi ti...
    Phùng Tường Vân: Chúc nhau chân cứng đá mềm Chúc nhau an ...
    khonglaai: “Khi nói chuyện với mình họ chỉ nhìn ...