Đường về (1)
26/03/2009 | 5:20 sáng | 14 Comments
Category: Tổng hợp
Thẻ: Giao thông > Khẩu hiệu > Vietnam Airlines
Chiếc Boeing 777 của Vietnam Airlines nhẹ nhàng vút lên bầu trời sông Rhein. Tôi thầm cảm phục mấy anh phi công trẻ người Việt, mặt mũi sáng sủa, tác phong rất khiêm tốn. Các cô chiêu đãi viên xinh xắn, tươi cười trong bộ áo dài màu cánh sen làm cho tôi cảm thấy như mình đã về đến nhà. Từ khi Vietnam Airlines (VNAL) bay sang châu Âu, tôi luôn sử dụng hãng hàng không quốc gia này để đi về nước. Tôi biết rất rõ các tiêu cực trong nội bộ VNAL, cũng như rất xấu hổ về các vụ việc phi công, tiếp viên ta đi buôn bị bắt ở nước ngoài. Trước kia khi còn làm việc cho nhà nước, mỗi khi ra nước ngoài tôi cũng đã phải đi buôn như họ để nuôi gia đình. Tôi hiểu được sự khác biệt giữa các hành động tham nhũng hàng tỷ của đám quan tham và những toan tính vụn vặt của mấy anh phi công. Tôi luôn nói với vợ con tôi: “Lọt sàng xuống niêu. Cho dù đám quan lại có tham nhũng hết, thì việc chúng ăn nhậu, mua sắm, thuê người hầu hạ cũng sẽ tạo điều kiện cho nhiều bà con ta có cái ăn. Đằng nào thì mình cũng phải mua vé, vậy thì mua cho đồng bào mình có lợi hơn.” Tôi không biết vợ tôi có hiểu nổi cái thái độ yêu nước “dung tham nhũng” của tôi không, nhưng cổ vẫn đặt vé VNAL cho tôi.
Chuyến bay Frankfurt – Sài Gòn ngày 29 Tết Kỷ Sửu này khá vắng vẻ, vì là chuyến bay chót trước giao thừa. Một mình tôi nằm dài trên cả 3 ghế. Khác với chuyến về nước cách đây hai năm, lần này khách người Âu chiếm hơn 2/3. Nghe lỏm họ nói với nhau thì tôi biết họ rất ngạc nhiên về sự tiến bộ của VNAL. Nhất là khi máy bay đáp êm ru xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, hai người Đức ngồi ở hàng ghế bên cạnh tôi nhìn nhau gật đầu có vẻ khâm phục và giơ ngón tay cái lên. Cử chỉ này họ sẽ không cần phải làm khi bay Air France hay Quantas chẳng hạn. Rõ ràng là họ thường chỉ biết đến một Việt Nam nghèo đói, nhếch nhác, một Việt Nam chuyên buôn lậu thuốc lá, chứ họ đâu có ngờ là anh phi công người Việt với cái va li đầy hàng hóa bán lẻ kia, với bao nhiêu mưa toan làm giầu trong đầu, lại có thể điều khiển cả chiếc Boeing ngon lành như một phi công Đức lương 22 ngàn Euro/tháng. Tôi đã chứng kiến cảnh cả một phi hành đoàn của VNAL, từ cơ trưởng đến chiêu đãi viên phải xếp hàng chờ khám xét hành lý tại sân bay Frankfurt, hải quan Đức lật từng chiếc áo lót của chiêu đãi viên ra xem. Thường thì chẳng có gì để bắt cả, nhưng đã thành thói quen, họ rất chịu khó khám vali của người Việt. Tuy cầm hộ chiếu Đức mà nhiều lúc tôi giận cho cái thói khinh người của đám viên chức bản xứ, chỉ mong sẽ có lúc đám người có tư tưởng “Arier” kia phải kính nể giống nòi chúng ta như họ đã phải làm với người Nhật.
Tết năm nào, má tôi cũng mong có đứa con nào đó về ăn Tết với bà tại Sài Gòn. Sau khi ba tôi mất, năm 2004 má tôi bán nhà ở Hà Nội vào Sài Gòn sống. Bà ở một mình trong đó với thằng Toàn cháu tôi và cô Bảy giúp việc, cả hai đều là người làng Gò Bồi (Bình Định). Thường thì Tết, ai nấy đều về nhà nên mấy anh em chúng tôi luân phiên nhau về ăn Tết với má. Năm nay lại đến phiên tôi.
Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30 Tết khá vắng vẻ, do đó việc làm thủ tục nhập cảnh rất nhanh. Anh sĩ quan biên phòng trẻ tuổi không quên tặng tôi một tấm bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh với các chỉ dẫn du lịch tối thiểu. Người lái xe tắc xi đầu tiên tôi gặp cũng vui vẻ không kém, giúp tôi chất đồ lên tắc xi. Đường phố Sài Gòn sáng sớm 30 Tết ít xe cộ, nhưng đầy biểu ngữ. Biểu ngữ ngang, khẩu hiệu dọc, tất cả đều có nội dung giống nhau: “Mừng Xuân, Mừng Đảng”, “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm”, “Mừng Thành Phố Hồ Chí Minh Hội Nhập”… Toàn là khẩu hiệu sáo rỗng, tự sướng, né tránh các vấn đề nóng bỏng của đất nước, như nạn tham nhũng, như sự suy đồi giáo dục, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ… Đã sợ nói ra điều này thì chẳng thà im miệng cả điều kia, lấy tiền đó giúp đỡ hàng vạn công nhân thất nghiệp, hàng triệu nông dân thất thu đang đói khổ còn hơn. Tôi đem việc đó ra trao đổi với cậu tài tắc xi. Cậu ta cười khì, nói:
“Chú ơi, ở trển mấy ổng chỉ mới nêu chủ trương tuyên truyền là mấy ông ở dưới lên dự toán cái rộp, vượt chỉ tiêu luôn, càng nhiều biểu ngữ càng tốt, mà mấy ổng làm lẹ lắm, mới 23, 24 Tết là đỏ đường đỏ phố rồi. Thế là từ trung ương, thành phố, quận, xuống tới phường, ‘ông văn hóa’ nào cũng có tiền tiêu Tết rủng rỉnh. Rồi tới đây còn Ba tháng Hai, Tám tháng Ba, Ba mươi tháng Tư nữa, họ giàu vì khẩu hiệu đó chú!”
À, té ra bên cạnh nền “kinh tế Bác Hồ” của Nguyễn Quang Lập còn có nền “kinh tế khẩu hiệu” của anh tắc xi.
Xe chạy khoảng 30 phút, tôi đã về đến nhà má tôi ở quận 7. Nghe tiếng ô-tô, cô Bảy, người giúp việc của má chạy ra mở cửa và khi thấy tôi tặng anh chàng tắc xi một trăm ngàn đồng tiền lì xì, cô nói nhỏ vào tai tôi “anh Tư đừng cho nhiều tiền như vậy!”. Hóa ra tôi vẫn quen cái lối tiêu tiền Euro.
Má tôi mừng lắm, bà chạy ra ôm tôi, sờ lên má tôi và thốt ra câu nói như mọi lần: “Hình như con sút hơn lần trước!”. Đối với bà, tôi vẫn là thằng Tư bé nhỏ hồi nào đến giờ, tuy rằng tôi đã ngót nghét tuổi 60, đã đi vòng quanh thế giới, tự xây dựng cơ nghiệp của mình tại một xứ sở mà có các vàng, bà cũng không muốn đặt chân tới. Năm 2003 tôi đã mời bà lúc đó sắp 80 tuổi sang chơi với con cháu. Bà ở Đức ba tháng, rủ đi đâu cũng chẳng thích, ăn cái gì cũng chẳng khen ngon. Rüdiger, thằng bạn Đức thân thiết nhất của tôi, đạo diễn điện ảnh, hỏi cảm tưởng của bà về nước Đức. Bà quý thằng này lắm, vì những năm bao cấp đói khổ, hắn vẫn gửi tặng gia đình tôi, lúc thì quà cáp, lúc tiền bạc, mỗi khi có đoàn quay phim nào của Đức qua Việt Nam. Vậy mà bà buông một câu làm tôi hơi bị quê:
“Nói thật với chú, quê chú cái gì cũng đẹp, cũng đồ sộ, nhưng đối với tôi cái gì cũng khô, cũng lạnh cả. Tôi chỉ thích về Việt Nam sống thôi!”
Tôi dự tính lần này về Sài Gòn ở chơi với má khoảng hai tuần, sau sẽ ra Hà Nội một tuần rồi quay về Đức. Khác với mọi chuyến đi trước về Việt Nam, lần này tôi chỉ tính kết hợp một vụ làm ăn nhỏ. Dự định chính của tôi là đi thăm các “đồng hương mạng” mà tôi đã làm quen trong thời gian qua. Họ là những người đã thổ lộ quan điểm sống hay ý thức chính trị qua các blog, các diễn đàn như tôi, nên tôi tìm đến họ. Tuy không biết nhau, nhưng tôi chắc là sẽ dễ làm quen thôi. Vì đa số họ đều đã từng hoặc đang nằm trong tầm ngắm của an ninh nên tôi phải hết sức cẩn thận, không làm điều gì sai sót về mặt luật lệ. Việc đầu tiên là tôi nhờ cô Bảy mang hộ chiếu của tôi ra trình báo hộ khẩu tại công an phường. Nhưng cô Bảy nói tỉnh khô: “Ngày Tết làm gì có công an nào trực nữa hả anh! Để đó sau Tết em đi báo cho anh!”. Thấy má cũng ủng hộ cô Bảy nên tôi yên tâm. Cho tới tận ngày 8 Tết, khi mọi cơ quan đã đi làm trở lại, tôi mới mang hộ chiếu ra công an phường đăng ký tạm trú “tiền trảm hậu tấu”. Cô công an trực ban thậm chí còn chẳng thèm đọc, bỏ luôn tờ khai của tôi cùng bản copy hộ chiếu vào ngăn kéo và nói “Xong rồi anh ạ”. Thế mới biết là mình lo không phải lối.
Tết ở Sài Gòn trôi qua với tôi khá buồn tẻ. Trong ký ức của tôi chỉ nhớ lại những ngày Tết trước năm 1991 ở Hà Nội. Trời bao giờ cũng lạnh, trước Tết mấy ngày gia đình tôi luôn hối hả lo sắm Tết và đi mừng Tết mọi người. Đêm giao thừa thì có pháo, cả nhà thức để đón giao thừa. Sáng mồng Một ra đường, không khí thơm mùi pháo, giấy đỏ bay lả tả trên hè phố. Hàng xóm láng giềng sang chúc Tết nhau, trước đó bạn thân đã hẹn nhau ai xông nhà ai cho “hên”, v.v.
Tất cả những kỷ niệm đó không có ở Sài Gòn. Đêm giao thừa, phố nhà tôi vắng tanh, không tiếng động. Mấy nhà hàng xóm của má tôi đóng cửa đánh xe hơi đi Vũng Tầu, Đà Lạt ăn Tết hết cả. Trong khi cô Bảy làm cơm cúng giao thừa ngoài sân, tôi cầm máy ảnh leo lên gác thượng, hy vọng chụp mấy bức ảnh pháo hoa ở Bến Nhà Rồng. Nhưng lên đến nơi chỉ nghe lụp bụp tiếng nổ, chẳng thấy pháo hoa đâu, vì nhà cao tầng che hết cả. Tôi thầm nhủ, chắc trong số bốn trăm ngàn Việt kiều về nước ăn Tết năm nay, liệu có mấy ai về chỉ để xem pháo hoa, để hưởng hương vị Tết cổ truyền. Việt Nam 2009 đâu có còn là Việt Nam 1990.
Giao thông
Có thể nói giao thông đường bộ ở Việt Nam là một kỳ tích của nhân loại. Với khoảng tám trăm ngàn chiếc ô tô và hai chục triệu chiếc xe máy, nền giao thông nửa XHCN, nửa vô chính phủ này tạo ra một tần suất đi lại trên đường phố gấp 3-4 lần của 52 triệu chiếc xe hơi ở Đức. Còn cường độ âm thanh thì chắc phải gấp 10-15 lần. Vậy mà sự hỗn lọan giao thông vô biên “made in Vietnam” này hàng năm cũng chỉ gây ra số tai nạn chết người xấp xỉ như nền giao thông đẳng cấp nhất thế giới của Đức, khoảng 10 ngàn người! Kỳ tích là ở đó.
Ở các quốc gia công nghiệp, đa số người dân thành thị sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Xe hơi chỉ để dùng đi mua sắm hoặc đi chơi cuối tuần. Số ít đi làm bằng xe hơi thì khi đến hãng là vào làm việc từ sáng đến chiều lên xe về. Còn ở ta thì khác. Phần lớn người dân đi tìm sự cơ động bằng xe riêng, may mà đa số còn là xe máy. Hơn thế nữa dân ta ít có thói quen giải quyết công việc qua điện thoại, qua email hay công văn. Mọi việc cứ phải được bàn bạc ba mặt một lời, tại các quán nhậu thì mới gọi là yên tâm. Khi các quan chức đưa tôi card visit, ít khi tôi gọi được họ bằng số điện thoại bàn. Chủ yếu là phải gọi qua máy di động, những lúc đó, họ đều ở ngoài cơ quan cả. Như vậy một người lớn đi làm ở Việt Nam một ngày nổ máy không ít hơn 5-6 lần để đi lại ngang dọc trong cái thành phố sặc mùi khói xe. Với cách đi ở ta, tuổi thọ của mỗi chiếc xe sẽ bị giảm 30-40%, và tác động của chúng đến lá phổi người dân sẽ tăng tuơng ứng.
Ngày mùng hai Tết, tôi phải thay mặt má mang quà biếu sang chúc Tết ông bà thông gia. Má tôi gọi anh xe ôm quen ở gần nhà. Ngồi sau anh, tôi nhiều lúc sởn gai ốc vì cách đi của anh ta, lúc thì vượt đèn đỏ, lúc thì đi ngược chiều sát vỉa hè tay phải. Tôi nhắc thì ảnh cười trừ, “Ngày Tết mà anh, làm gì có công an!”
Thế là từ sau đó, tôi quyết định không “gửi trứng cho ác” nữa. Sáng 3 Tết, tôi lấy chiếc Dream của Toàn, cháu tôi, ra đi thử ở gần nhà. Toàn về Gò Bồi ăn Tết với má nó, không quên rửa xe, bơm lốp, và đổ xăng đầy bình để bác Tư về đi cho ngon.
Quen kiểu lái xe hơi châu Âu, tôi đi xe máy rất cẩn thận, chú ý đèn hiệu, không bấm còi. Khi dừng xe hay khởi động tôi luôn về số để mau chóng vọt qua ngã tư. Vậy mà cũng nhiều lúc tôi lao đao, thậm chí đã có lúc va quệt. Sau hai ngày tôi mới lại hoàn toàn hòa nhập vào cái cái nền giao thông mà tôi gọi là “XHCN vô chính phủ” (socialist anarchy) đó. XHCN vì ở đây ai cũng có quyền sử dụng lòng đường, từ người đi bộ, người bán hàng rong đến các loại phương tiện đi lại. Ở những đường cái lớn, người đi bộ khi qua đường còn ngó ngang ngó ngửa trước khi rẽ. Còn ở các phố nhỏ thì đi lại là quyền “tự do pháp định” của mọi người, xe máy liệu mà tránh hoặc phải bóp còi để họ biết mà khỏi tạt ngang tạt ngửa. Tai nạn mà tôi gây ra cũng từ đó mà ra:
Tôi đang đi xe chậm chậm trước khi rẽ vào phố nhà tôi. Trước mặt, bên phải có một cô gái mới lên xe Vespa ở mép đường. Bất thần cô vọt xe ra, tôi bị cái gương của cô đập vào bắp tay, làm cho xe tôi lạng vào xe cô và cô bị ngã. Tôi kịp phanh lại cách đó vài mét và chạy lại đỡ cô dậy. Cô gái chỉ bị xây xát nhỏ, nhưng chắc cũng đau nên cô ta cau mày nói, “Sao chú chạy nhanh vậy?”
“Tôi đâu có chạy nhanh, nếu không thì làm sao tôi phanh ngay ở đây được! Sao cô đang đứng đó bỗng nhiên quay ngang vậy?”
“Cháu đâu biết là chú từ sau đi tới, sao chú không bấm còi!”
May mà vụ đó, cả người và xe không sao. Tôi hú hồn, được một bài học nhớ đời về công dụng của cái còi xe máy.
Hệ thống giao thông “vô chính phủ” vì chẳng có bất cứ một quy định quy tắc nào được chấp hành cả. Ngay chính quyền cũng đành nhắm mắt để người dân “tùy nghi di tản”, mà điển hình là các loại bùng binh được tạo ra để xe tứ chiều tự lách qua nhau. Ngay cả hệ thống đèn hiệu hình như không phải để điều hòa giao thông mà là để tạo ra các mâu thuẫn giao thông. Ví dụ như khi bật đèn xanh theo chiều nào thì các loại đi thẳng và xe rẽ trái cùng nhau lao lên phía trước. Xe rẽ trái cứ ngang nhiên ngăn đường các loại xe đi thẳng. Tắc đường vào các giờ cao điểm một phần là do các luồng xe rẽ trái gây ra, vậy mà năm này qua năm khác hệ thống đèn hiệu này không thay đổi.
Một nguyên nhân khác gây tắc đường là đám người “đi rốn” và hội “ăn cơm trước kẻng”. Họ thường vượt qua đèn đỏ lúc đã hết đèn xanh tới một hai giây rồi, hoặc vọt qua ngã tư, lao thẳng vào dòng xe kia, khi đèn đỏ còn nháy hai giây nữa. Vậy mà tôi thấy cảnh sát cứ như không thấy gì, còn người đi đường cũng chẳng ai khó chịu với đám xé rào này. Có lẽ vì ai cũng đều đã và sẽ làm như vậy cả.
Đó là chỗ có đèn, có cảnh sát, còn chỗ không có đèn hiệu thì vui lắm. Khi anh Nguyễn Viện hỏi tôi về cảm giác đầu tiên ở Sài Gòn, tôi phải nói đùa là: “Cái khó nhất của tôi khi về đây là không hiểu đồng bào tôi nghĩ gì khi đến ngã tư”. Ở bất cứ đâu đó bên ngoài Việt Nam, kể cả ở bên Lào, nguyên tắc giao thông “nhường đường cho xe bên phải” được chấp hành tuyệt đối. Ở ta cũng có qui định này, nhưng có lẽ vì mải đọc cái khẩu hiệu “Sống, làm việc theo pháp luật” treo nhan nhản ở mọi nơi nên người ta quên béng đi mất cái nguyên tắc này và thế là từ 4 hướng cứ bấm còi lao thẳng vào ngã tư, rồi chẳng ai nhường ai, cứ lách đại qua nhau mà đi rồi cũng xong.
Một tay giám đốc ở Hà Nội vừa lái xe chở tôi nhích từng bước trên đường đê La Thành, con đường hay bị tắc nhất ở thủ đô, vừa than thở:
“Người mình thiếu cái văn hóa lái xe, không có khái niệm ‘nhường’, chỉ biết làm cách nào vượt lên, hơn được người khác, thế nên mới hay gây tắc đường một cách rất ngớ ngẩn. Anh xem kìa, họ leo cả lên vỉa hè để mong vượt qua cái đoạn tắc này. Thật không bằng đàn kiến.”
Cậu kỹ sư trẻ ngồi trên xe, chắc cũng là blogger, chêm vào một cách hóm hỉnh: “Giá như dân mình ai cũng hăm hở đi biểu tình chống Tàu như đang hăm hở lao vào cái ngã tư tắc tị kia thì chắc Tàu nó sợ mình hơn sợ cọp!”
Tuy tiền của đổ vào giao thông có đến cả chục tỷ đô la, nhưng ra khỏi Hà Nội vài chục cây là chẳng thấy tiền đâu hết cả. Khi ở Hà Nội, tôi lấy xe hơi của một ông bạn cũ để đi Tuyên Quang thăm bố vợ tôi. Đường khá tốt, chú Cường lái xe và tôi khởi hành ở Hà Nội lúc 6 giờ 45, chỉ hơn hai tiếng sau xe đã đến chân Đèo Gió, cách Tuyên Quang khoảng 25km. Thấy một đoàn xe tải đỗ bên đường, tưởng họ nghỉ nên chúng tôi vượt lên. Sau hơn 100 mét mới biết là tắc đường khoảng 2-3 cây số. Nghe đâu một chiếc xe tải bị gãy trục nằm ngang trên đỉnh đèo từ 23 giờ đêm hôm trước. Tôi lấy làm lạ là trước đó chẳng có biển báo tắc đường hoặc chỉ dẫn đi đường khác. Sau chúng tôi, hàng chục xe khác cứ tiếp tục lao vào chân đèo. Đám xe tải nặng nề đành chịu số phận nằm chờ cho đến lúc đường thông, còn các xe con đua nhau quay đầu tìm đường tắt đi vào thị xã, vừa đi vừa hỏi đường dân địa phương. Cuối cùng xe chúng tôi phải đi qua 20 km đường cấp phối đất đỏ, rải đá dăm qua Sơn Dương để vào thị xã. Đường vừa bụi vừa xóc, xe Toyota Lexus kín mít mà bụi vẫn lọt vào trong, lên đến Tuyên Quang rửa mặt mới thấy. Hai bên đường là những làng xóm nghèo xơ xác, cứ như là thời gian đã dừng lại nơi đây từ hơn 20 năm nay. Bụi đỏ bám kín cả cây cối, mái nhà, quán nước, bám cả vào mái tóc của mấy đứa trẻ thò lò mũi xanh đứng bên đường nhìn xe đi qua.
Đến chiều tối, tôi đón bố vợ tôi, đã 92 tuổi cùng quay về Hà Nội. Biết cụ già đi xe dễ mệt, tôi tìm mọi cách hỏi xem đoạn tắc đường đã thông chưa, để khỏi phải đưa cụ đi đường xóc. Nhưng cay nhất là ngay ở Tuyên Quang, bố vợ tôi hỏi đủ kiểu cũng chẳng ai biết tý gì về vụ này. Thế là đành phải lao đến gần chỗ tắc đường thì mới được xe ngược chiều cho biết là đèo vẫn chưa thông. Công cốc, lại phải cắn răng quay lại con đường đất đỏ đầy ổ gà, mua thêm mấy chục cây số đường. Vừa đi vừa thương ông bố vợ. Đúng hôm đó là thứ Sáu ngày 13 (tháng Hai)!
Cậu Cường hiểu sự bức xúc của tôi nên cậu ta nói: Tại chú cái gì cũng so sánh với bên ấy, ở đây nếu cháu cứ nghĩ như chú thì chắc cháu đã xanh cỏ lâu rồi! Đường tắc cả ngày không sửa xong, mà cũng chẳng thông báo cho dân thì có thấm vào đâu so với bao điều nhiễu nhương khác hả chú!
Thôi, tôi cũng phải học cậu Cường để khỏi chết sớm. Công bằng mà nói, so với hai năm trước đây, tôi đã nhìn thấy một số dấu hiệu đáng mừng trong ý thức tham gia giao thông của dân mình. Xe bus đã chạy nhiều tuyến hơn, tần suất dày hơn. Ở các bến bus đã có từng tốp sinh viên, công nhân đứng chờ xe, tay cầm báo hay sách đọc. Má tôi và cô Bảy cũng hay đi xe bus sang bệnh viện Nguyễn Trãi khám bệnh, giá chỉ vài ngàn đồng. Tôi nghĩ giá rẻ như vậy mà bus tư nhân vẫn chạy được chứng tỏ có đông người đi.
Dấu hiệu thứ hai đáng khích lệ là ngày càng có nhiều người đứng chờ đèn đỏ chuyển sang xanh rồi mới đi. Thông thường đèn đỏ mới đếm ngược (count down) xuống đến 02 giây là đã có kẻ rồ máy chạy. Mấy năm trước, bọn xé rào này thường kéo cả cộng đồng theo ra ngã tư còn đông nghịt xe của chiều kia. Những ai cố tình đứng chờ sẽ bị đám đông phái sau bấm còi phê phán là “hâm”. Nhưng nay thì đã có ít người chờ đến khi đèn xanh mới đi, mặc dù không có cảnh sát ở gần, mà cũng không bị kẻ đứng sau chê hâm nữa. Hy vọng số người như vậy năm sau sẽ đông dần lên.
Điểm thứ 3 tuy chẳng là dấu hiệu gì cả, nhưng là điều an ủi cho tôi. Đó là thái độ khá thân thiện của khách phương Tây đối với cái hệ thống giao thông thiên la địa võng này. Đám Tây ba lô trẻ thì đứng giữa rừng xe cộ, giơ máy ảnh chụp lia liạ, miêng lẩm bẩm “look very funny!” (hay dễ sợ!) cứ như cả đời chúng chưa đựơc chứng kiến hình ảnh này. Còn Tom Poederbach, một nhà báo già Hòa Lan, khi sang thăm Việt Nam năm 2003 với tôi thì nhận xét là: “Giao thông ở xứ mày có cái quy luật của sự hỗn loạn, nếu ai nắm được quy luật của nó thì tha hồ đi mà không bị tai nạn”. Chính Tom đã nêu cho tôi con số 10 ngàn người chết vì tai nạn xe hơi hàng năm cả ở Đức và Việt Nam để tôi đừng có than phiền nữa.
Nhưng có lẽ lão già Hòa Lan kia quên mất là, trong khi xe hơi ở Đức chạy trên xa lộ với tốc độ trung bình là 130km/giờ, thì ở Việt Nam xe chỉ bò với 1/3, 1/4 tốc độ đó. Thế mà cũng đòi so sánh! Ngược lại nhờ Tom mà tôi hiểu thêm từ bài học giao thông: Tại sao các nhà lãnh đạo nước ta vẫn chỉ cho đất nước tiến lên theo tốc độ con rùa, chưa muốn để phát triển theo tốc độ con rồng, con cọp: họ sợ tai nạn! Sợ cho ai?
(Còn tiếp)
Bình luận
14 Comments (bài “Đường về (1)”)
1.
Tôi sẽ rất cẩn thận với những lời phê bình như “nhạt nhẽo” hay “thiếu chiều sâu”. Cái trước, “nhạt nhẽo”, thuộc loại “rẻ”, cái sau tự nó có thể “thiếu chiều sâu”!
Với tôi, một số thông tin “giữa các dòng chữ”, như việc “nhiều người” dùng “blog”, rất đáng chú ý.
2.
Tôi chưa hiểu tại sao 13.000 nguời CHẾT vì tai nạn xe cộ mỗi năm, vị chi là 40 người chết mỗi ngày, vẫn chưa nhiều?
Tôi không định bàn về “chiều sâu” bài viết, chỉ lượm lặt mấy chữ trên bề mặt.
99% người Việt viết sai tên hãng hàng không Úc, nhưng tôi tin không đến 0,01% người Việt thốt ra mấy chữ “lọt sàng xuống niêu”. Kết quả google cho thấy điều nầy.
VNAL có lẽ cũng là phát minh của Nguyễn Việt cho cách viết tắt tiếng Anh của hãng hàng không Việt Nam. Từ giờ trở đi độc giả nên tập dần với những ký hiệu SGPAL (Singapore Airlines), QTAW (Qantas Airways) hay BTAW (British Airways) thay vì mấy chữ cụt-ngủn-thần-bí-thiếu-sáng-tạo SIA, BA, QA.
“Các-vi-dít” phong cách báo Nhân Dân nếu có gây dị ứng cho ai đó thì ít ra nó còn một lý do đáng biện hộ: dành cho số đông quý vị không rành ngoại ngữ. Trường hợp “card visit” lại hoàn toàn khác vì Tây (carte visite), Mỹ (name card/visit card), Việt (danh thiếp) đều không có nhu cầu du nhập thêm sáng chế 2009 vào kho từ vựng.
Chót cùng, “đếm ngược” liệu có là danh từ khoa học quan trọng đến mức [một Việt kiều ở Đức] phải chú thích bằng Anh ngữ trong ngoặc?!?
Ông Tâm Bảo chê bài viết này “nhạt nhẽo, thiếu chiều sâu” thấy cũng đúng, đây là bài viết của “Việt kiều về quê”,… ngược lại có bài viết của “Việt kiều xa quê” như phóng sự của ông Đinh Linh (chú thích Philadelphia) đăng “phơi ơ tông” đến gần chục kỳ (chính xác là đến kỳ thứ 7… và chưa có dấu hiệu dừng?) cũng chằng thấy “đậm đà hương sắc” gì hơn, tôi có cảm tưởng mình đang “lướt” flickr hay photobucket,… v.v. hơn là xem talawas,…và cũng không thấy có comment nào sau 7 kỳ (?)
Cũng như Nguyễn Việt, tôi về nước từng mượn xe cậu em để đi thăm vài người bạn ở Sài Gòn và thật may cho tôi là không việc gì, dù tôi đi gần hết nhiều quận trong thành phố. Tuy nhiên, phải điếc không sợ súng mới dám liều mình như vậy. Đi xong việc, tôi cũng rùng mình tự hỏi sao mình chơi dại thế nhỉ!
Thật ra, đa số dân ta cũng nhường đường lẫn nhau bằng cách nhìn vào ánh mắt của nhau xem có bị phản đối hay đồng ý, miễn là cứ tiến phăng về phía trước, còn do dự thì “rách việc”. Chỉ tội cho người dân phải hít bụi khói mù mịt, không khí cực kỳ ô nhiễm. Lẽ ra,chính quyền tự ban phép cai trị dân chúng thì họ phải có nhiệm vụ làm tốt công việc giao thông đi lại cho dân chúng hưởng nhưng họ chẳng làm bao nhiêu, thành thử rốt cuộc dân đen phải tự mình “bon chen” giành giật từng milimét đường vậy. Thế mà có quan lại bảo dân đen bây giờ…lười quá là lười, cứ chờ… trên về…(ban ơn mưa móc?!
Em chưa đồng ý với anh Nguyễn Tâm Bảo lần nào trong các góp ý của anh nhưng lần này ngoại lệ, em lại đồng ý với anh : bài này thiếu chiều sâu, chán thật.
Nhưng cũng góp ý với tác giả là những nhận xét dễ thương của tác giả về nhân sự của « Việt Lam E Nai » e là quá vội. Vài tháng nữa sẽ ra sao khi âm hưởng dư luận của các vụ ăn cắp, buôn lậu bên Nhật bên Đức lắng xuống ? Tôi không tin người Việt hoàn lương nhanh đến thế.
Cái cầu sập tại Mỹ, Anh, Pháp là do kỹ thuật hay 1 nguyên nhân nào đó . Còn tại VN, cũng do sai suất kỹ thuật nhưng là sự sai suất cố tình, do tham nhũng, ăn chận làm kém phẩm chất .
Ờ VN bây giờ nếu tìm ra được 1 ông quan nào không tham nhũng thì đúng là ông ấy mắc bệnh … tâm thần . Bây giờ tôi thấy xuất hiện 1 câu đối khá hay
Quan tham đi tham quan
Học đại bằng đại học
H
“Tôi rất chán những bài viết nhạt nhẽo thiếu chiều sâu như thế này…”, tôi có nhiều phần đồng ý với ông Nguyễn Tâm Bảo và muốn nói thêm:
một bài viết đã nhạt nhẽo, thì những phản hồi đa phần cũng khó mà “đậm đà” ý nghĩa được, ngay cả cái câu mở đầu của ông Bảo: “Trên đời có lẽ sướng nhất là các Việt kiều về quê…” cũng dzậy!
Cầu ở Mỹ sập. Ai cũng nói về vấn đề kỹ thuật, về năng lực quản lý của bộ GTVT (hay tương tự)
Lũ lụt và thảm họa hậu quả ở New Orlean(?). Ai cũng nói về trách nhiệm cá nhân của TT Bush.
Cháy rừng ở Úc. Ai cũng nói về thời tiết quá khô và có kẻ phá hoại.
Hỗn loạn giao thông ở Việt Nam. Tác giả lại nói về thể chế XHCN mà Việt Nam đang chọn.
Không thể hiểu được sự lý luận này!
Trên đời có lẽ sướng nhất là các Việt Kiều về quê: vừa được enjoy vừa được chê.
Tôi rất chán những bài viết nhạt nhẽo, thiếu chiều sâu như thế này. Tất nhiên không thể đòi ai cũng có thể viết du ký như … V.S. Naipaul viết về Ấn Độ. Nhưng nếu không có những quan sát sắc sảo, không có những suy tư chiêm nghiệm, thì thật làm mất công người đọc.
Có người Việt nào mà không biết những chuyện mà tác giả kể lể?
Một người sống ở một nước phát triển, mức sống cao, khi đi sang một nước nghèo đói lạc hậu, thì có việc gì dễ hơn là so sánh mức sống và cơ sở hạ tầng ở hai nơi? Có gì mới mẻ đâu?
Hi vọng ở phần tiếp theo của bài viết sẽ có những ý tưởng và chiêm nghiệm đáng đọc hơn.
Trong bài “Đường Về” của Nguyễn Việt có đọan “một phi công Đức lương 22 ngàn Euro/tháng …” Hiện nay cứ cho 1 Euro bằng 1.5 đô la Mỹ thì một tháng một phi công Đức có lương 33 ngàn US đô la, mồi năm gần 400 ngàn US đô la ?
Tôi không nghĩ như thế. Người hàng xóm của tôi là một phi công của Continental Airline, với 20 năm kinh nghiệm, mà lương của ông chỉ khoảng 175 ngàn US đô la mỗi năm. Không thể nào có sự chệnh lệch về lương bổng ở mức này trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay!
Tôi có về Saigon mấy tuần trước Tết Kỷ Sửu và tình trạng giao thông ở đây tệ hại hơn trước vì rất nhiều “lô cốt” trên các đường lớn trong thành phố đã làm cho nạn kẹt xe càng kinh khủng hơn. Nhiều con đường chỉ còn lại hai lối nhỏ hai bên, nơi tất cả các xe gắn máy dành nhau để vượt qua. Đó là chưa nói đến chất lượng các con đường mới làm gần đây như Nguyễn Hữu Cảnh và Cầu Văn Thánh mà vẫn phải cứ sửa đi, sửa lại. Trong vòng mấy năm tới đây xã hội lại phải bỏ tiền ra sửa chữa những con đường này.
Cảm ơn bạn Giangle về các góp ý: Con số 10.000 là của Tom đưa ra năm 2003, nay xem lại cơ quan thống kê liên bang Đức thì bạn có lý. http://www.destatis.de/jetspeed/portal/cms/Sites/destatis/Internet/DE/Navigation/Statistiken/Verkehr/Verkehrsunfaelle/Verkehrsunfaelle.psml
Năm cao nhất 1970-1973 con số tử vong giao thông ở Đức trên 20 ngàn/năm. Đầu thế kỷ 21 vẫn còn 8000. Khi đó ở VN đã báo động con số 10 ngàn. Có nguời nói với tôi, 2008 có thể lên đến 13 ngàn. Tôi có hỏi mấy nhà báo ở Hà Nội, nhưng họ nói chưa có con số chính xác, vả lại thống kê ở VN luôn là một vấn đề.
Tuy nhiên một người chết cũng đã là quá nhiều. Điều tôi không tưởng tượng được là: với sự hỗn loạn trên đường phố như vậy, với các loại xe cũ kỹ như vậy (rất hay mất thắng) mà cũng chỉ chục ngàn. Thật ra vì xe cộ xứ mình không chạy nhanh được, tai nạn va quệt là chuyện thường xuyên, nhưng ít thành tai nạn chết nguời. Thuơng vong chủ yếu xảy ra trên các quốc lộ.
Quantas: đúng là quen mồm như 99% đồng bào 🙂
Theo tài liệu này: http://www.irfnet.eu/en/2008-road-statistics/, Road Fatalities của Đức năm 2006 là 5091 người.
99% người Việt lần đầu viết tên hãng hàng không Úc đều viết sai thành Quantas 🙂 Đúng ra là Qantas.
Sau nhiều năm lưu thông ơ nước ngoài và cả ở Việt nam tôi thấy sự khác biệt về giao thông ở Việt nam và những nước tư bản có nhiều người Việt định cư có thể tóm tắt trong hai câu:
ở Việt Nam: “mạnh ai nấy đi” (người đi đường phải tránh không đụng người khác – kể cả người “khác” đi sai, cướp đường – người trước nhường người sau). Cái này là hậu quả của đường xá chật hẹp, nếu cứ “nhường” đường hoài thì đứng đó chờ … cả ngày.
ở nước ngoài: “đường ai nấy đi” (khi phần đường đã thuộc về ai, người ấy đi, người sau phải nhường người trước). Cái này phù hợp với đường xá rộng rãi có phân luồng đàng hoàng, đèn hiệu đầy đủ và ai cũng tôn trọng luật, tuy nhiên, nếu sơ xẩy cũng xảy ra tai nạn…