Heinz Schütte – Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 (1)
10/03/2010 | 11:00 sáng | 2 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm, Lịch sử
Thẻ: Georges Boudarel > Nhân Văn Giai Phẩm
Bản dịch của talawas
talawas – Tác phẩm Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 (Fünfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954-1960) của nhà nghiên cứu Heinz Schütte do Khoa Đông Nam Á, Đại học Hamburg xuất bản ở dạng tạp chí nghiên cứu (Hamburger Südostasienstudien, Band 3) năm 2009, ngày 15/3/2010 này sẽ được nhà xuất bản Regiospectra ở Berlin tái bản. Bản dịch tiếng Việt được thực hiện với sự cộng tác nhiệt tình của tác giả. Chúng tôi trân trọng cảm ơn tác giả đã dành cho talawas bản quyền tiếng Việt của tác phẩm này.
Nhà sử học Heinz Schütte hiện sống tại Paris. Tác phẩm đã xuất bản: Giữa hai chiến tuyến: Những người lính Đức và Áo chạy sang phía Việt Minh (Zwischen den Fronten: Deutsche und österreichische Überläufer zum Vietminh), Logos Verlag, Berlin 2006. Bài đã đăng trên talawas: “Vài lời về Brecht, nhìn từ Việt Nam” (Thuyết trình tại Viện Goethe Hà Nội ngày 6/12/2006).
_____________________
Để tưởng nhớ Lê Đạt (1930 – 2008)
“Về phần mình tôi chấp nhận tất cả những gì tôi chứng kiến. Tôi sống nhỏ bé và cố gắng làm theo các bậc hiền giả, những người luôn tránh can thiệp làm thay đổi thế giới bằng ý chí hàm hồ của mình.”
Erwin Strittmatter, Der Laden, trang 291
Mục lục
1. Dẫn nhập
2. Giới trí thức. Cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 và ảnh hưởng của Trung Quốc
3. Ẩn số Nguyễn Sơn
4. Văn nghệ sĩ kháng chiến
5. Nguyễn Chí Thanh, Trần Dần và Dự thảo đề nghị 32 điểm
6. Những mâu thuẫn cơ bản của năm 1956
7. Giai phẩm
8. Nhân văn
9. Xét lại, tờ-rốt-kít, gián điệp
10. Bản án
11. Lời kết
Phụ lục 1: Trích lời ghi cuộc trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang
Phụ lục 2: Bài trên báo Nhân dân ngày 19.01.1960
1. Dẫn nhập [1]
Ngay khi các binh đoàn bách chiến bách thắng của Quân đội Nhân dân trở về Thủ đô Hà Nội, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hình thành sau cuộc kháng chiến tám năm chống thực dân Pháp và Hiệp định Genève 1954, đã sớm phải đón nhận hai cuộc khủng khoảng nội chính nặng nề: một ở nông thôn và một ở thành thị, mà cuộc khủng hoảng ở thành thị phần nào là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở nông thôn. Cuộc khủng hoảng ở nông thôn là hệ quả của những sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất được tiến hành hối hả từ năm 1953. Nó dẫn tới sự khiếp hãi toàn diện, sự bất bình và các cuộc nổi loạn của nông dân ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, những cuộc nổi loạn đã bị quân đội dập tắt [2] Cuộc khủng hoảng ở thành thị là do phản kháng của giới trí thức. Biểu hiện rõ ràng nhất của sự phản khán này là phong trào Trăm hoa đua nở, hay phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Giai đoạn bừng nở ngắn ngủi và đầy sáng tạo này sẽ được trình bày trên những nét cơ bản và đặt trong bối cảnh lịch sử-chính trị của nó. Cuốn sách này là để chống lại sự lãng quên tập thể do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành và chống lại cách diễn giải lịch sử theo quan điểm phục tùng ý thức hệ [3]. Đấy là điều mà tôi thấy mình phải đảm nhận trách nhiệm với người bạn quá cố: Georges Boudarel.
Cuốn sách miêu tả đầy đủ nhất về sự kiện này là cuốn Cent Fluers écloses dans la nuit du Vietnam (Trăm hoa đua nở ở Việt Nam) [4] của Georges Boudarel xuất bản năm 1991, vốn không được biết đến ngoài một giới nghiên cứu hẹp. Những bài viết nhỏ hơn xuất bản cuối những năm 1950 và những năm 1960 [5], cũng như công trình Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí [6] xuất bản năm 1959 ở Sài Gòn, vào thời điểm chúng xuất hiện, có lẽ đã được độc giả hồi đó đọc như những tài liệu tâm lý chiến trong không khí Chiến tranh Lạnh (cũng có vài bài được viết cho mục đích ấy thật). Dưới những điều kiện đòi hỏi người ta phải tỏ rõ quan điểm trắng đen rạch ròi, “người ta” đơn giản là không tin vào những bài viết đó – người ta sống trong một cái credibility gap (sự khủng hoảng về tín nhiệm). Năm 1987, trong Choroniques Vietnamiennes có đăng một công trình với nhan đề “La Révolte des Itellectuels Communistes au Viet-Nam en 1956” (Cuộc nổi dậy của trí thức cộng sản Việt Nam năm 1956) [7]. Trong một nghiên cứu gần đây về chính sách văn hóa của miền Bắc Việt Nam, tác giả Kim N. B. Ninh đã dành một phần dài đề cập tới phong trào Nhân văn–Giai phẩm [8].
Tôi biết đến phong trào Trăm hoa đua nở lần đầu khi đọc cuốn sách của Boudarel năm 1997 và bắt đầu tiến hành những cuộc thăm dò ý kiến những trí thức thời Pháp thuộc ở Hà Nội trong khuôn khổ một nghiên cứu về đề tài lai tạp văn hóa [9]. Trong chuyến thăm Việt Nam tiếp theo, tôi đã cho copy cuốn sách làm 25 bản để đưa cho những người tôi phỏng vấn, và như vậy tôi đã đặt chân vào cái vùng chính trị nhạy cảm cho đến nay vẫn bị giới sử học chính thống Việt Nam sợ hãi che đậy và việc thảo luận về nó trước sau vẫn bị các nhà quản lý tư tưởng và cơ quan an ninh Việt Nam luôn sốt sắng và huy động nhiều công sức để trấn áp. Những bản copy của tôi được truyền tay đọc, được nhân tiếp ra làm nhiều bản, tạo ra một cuộc tranh luận và cho phép tôi tiếp cận được với giới trí thức phản kháng vốn khép kín với tôi trước đó, nhất là sau khi, qua một người trung gian, tôi được giới thiệu gặp nhà thơ Hoàng Cầm. Thế là tôi đã có thể tìm đến những người ly khai hiện còn sống và thu thập những hồi ức của họ trong những cuộc nói chuyện dài. Có thể nói rằng trong hoàn cảnh như thế, cái máy photocopy đã đóng vai trò như một công cụ khai sáng vậy (10).
Nguồn tư liệu tiếp theo là những kho lưu trữ của Cộng hòa Dân chủ Đức, đặc biệt kho lưu trữ của Ủy ban Trung ương Đảng Xã hội Thống nhất Đức (SED) và Bộ Ngoại giao CHDC Đức, nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu về Việt Nam và các sự kiện tôi quan tâm. Việc phát hiện kho lưu trữ của CHDC Đức là điều hồi hộp và may mắn, bởi nó tái hiện và xác nhận lại những câu chuyện về Nhân văn – Giai phẩm mà tôi được nghe kể ở Hà Nội. Như vậy, các kho lưu trữ ở Berlin đã xác nhận một sự kiện có thật đến nay vẫn bị chính thức chối bỏ ở Việt Nam. Thế là tôi đã có thể bắt đầu với việc tái dựng lại sự kiện này, và qua đó thể hiện lòng kính trọng sâu sắc của tôi với những nhân vật chính của nó. Những con người này đã phải trả giá cay đắng cho những gì mà chúng ta, giới chính trị cánh tả phương Tây những năm 1960, đã đòi hỏi (được) một cách dễ dàng, quá trớn và ồn ã. Một phần cuộc đời họ là hiện thân cho phần lịch sử chính thống của Việt Nam – lịch sử của chủ nghĩa yêu nước, của cuộc kháng chiến dũng cảm giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng nửa kia là phần lịch sử mà tất cả chúng ta đều biết, nhưng chỉ rất ít người dám nói về nó (11).
(Còn tiếp)
Chú thích
[1] Tác giả xin cảm ơn Hannelore Windsor và Cao Quang Nghiệp đã giúp hiệu đính bản thảo.
[2] Công văn của Đại sứ CHDC Đức Pfürtzner từ Hà Nội ngày 27 và 29.11.1956 và ngày 08.1.1957 cũng như các báo cáo gửi Bộ Ngoại giao CHDC Đức tại Berlin kèm theo các công văn này. Trong đó nêu rõ, các vụ nổi loạn diễn ra tại những vùng Công giáo và do các phần tử phản động chịu ảnh hưởng của các linh mục Công giáo khiêu khích. – Lưu trữ chính trị của Bộ Ngoại giao, Berlin (PolA, AA), Bộ Ngoại giao (MfAA), 8699, thẻ 3, trang 000231-000245.
[3] Các diễn giải lịch sử này thực ra là tiếp nối của truyền thống viết sử tập quyền và kiểm duyệt của nhà nước Khổng giáo.
[4] Boudarel 1991a và 1991b
[5] Fall 1957; Honey 1957; Honey 1959; Như Phong 1962
[6] Hoàng Văn Chí 1964. Hoa Mai (Sài Gòn 1958) gồm một số bản dịch các bài đăng trên Nhân văn.
[7] Hoàng Giang 1987. Xem thêm Boudarel 1997, tr. 131-140; Schütte 2002 và 2003.
[8] Ninh 2002, đặc biệt trang 121-163
[9] Schütte 1999a, 1999b, xem thêm Schütte 2001
______________
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Bình luận
2 Comments (bài “Heinz Schütte – Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 (1)”)
[…] […]
TRĂM HOA ĐUA NỞ [1]
==================
Thơ của Nguyễn Đình Nam (1921 – 2009) [2]
Trăm hoa đua nở
Mọi người cởi mở
Phát biểu tự do
Chẳng còn phải lo
Nói đúng chính sách!
Vậy tôi xin mách
Lãnh đạo điều này:
Đã hai năm nay
Mọi người đều bực
Tác phong hình thức
Hội họp quá nhiều
Làm mất bao nhiêu
Thời giờ quý báu.
Mọi người đều cáu
Khi hết giờ ra
Bác Huy nhà ta
Vỗ tay phổ biến
Rằng còn phải đến
Chỗ nọ chỗ kia.
Cả Bách hai ria
Cũng được mời mọc
Tuy rằng hắn cóc
Ở trong công đoàn.
Thế là hoàn toàn
Mất ngày Chủ nhật.
Cái gì cũng thật
Quan trọng gớm ghê
Nhưng khi ra về
Thì thấy vô bổ!
Lại còn cái khổ
Nghe đít-cua dài,
Nghe nói lai nhai
Hàng giờ không hết.
Đến khi người mệt
Tưởng được ra về
Lại còn phải nghe
Phát biểu ý kiến.
Khi ngày hè đến
Tưởng được rong chơi,
Đọc sách nghỉ ngơi
Ai ngờ phải học!
Mỗi ngày lóc cóc
Hai buổi đến trường
Ngồi ở giảng đường
Nghe nói ba hoa.
Thật là
Sầm sơn,
Tam đảo,
Sa pa,
Khi xưa nghỉ mát là ba nơi này,
Giờ sao cầu mát lạ thay!
Nhưng may
Đến đầu năm nay
Bác Thi phổ biến
Rằng không phải đến
Hội họp quá nhiều,
Mỗi tháng một chiều
Chuyên môn ta tới.
Tôi thấy phấn khởi
Muốn hét thật to:
“Hoan hô! Hoan hô!”
Nhưng vẫn nơm nớp
Vì còn thăm lớp,
Họp tổ chuyên môn
Nên chưa hoàn hồn
Đợi xem sao đã
Vì chưa được hả
Nhỡ tránh vỏ dưa
Lại gặp vỏ dừa
Thì càng thêm khổ.
Nhưng tôi tin ở
Hội nghị Hai Mươi [3]
Nên thấy vui tươi
Đầu niên học mới.
Những cái tôi nói
Cảm tưởng riêng tôi,
Nếu có lỡ lời
Các bác bỏ quá!
(Đầu niên học 1956 – 1957) [3]
—————————————————-
[1] Bài này được công bố lần đầu tiên trên bích báo trường Chu Văn An đầu niên học 1956-1957.
[2] Xem một phần của tuyển tập thơ “Tình và hận của tôi” của Nguyễn Đình Nam tại
http://ribf.riken.go.jp/~dang/NDNam/tho.htm
[3] Hội nghị XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại đây Khrushchev đã đọc báo cáo phê phán đường lối của Stalin.