Bao cao su và Giáo Hoàng Benedict XVI
02/04/2009 | 12:06 sáng | 3 Comments
Category: Báo chí - Truyền thông
Thẻ: Báo chí - Truyền thông > Giáo Hoàng Benedict XVI > Thêm thẻ mới
Đưa ra công luận về hiện tượng tiêu cực nào đó của Giáo Hội hoặc đụng chạm đến đề tài tôn giáo nói chung là điều nhạy cảm, thường được toan tính thận trọng và dè dặt ở mỗi quốc gia.
Huống chi, tôi sống tại Ba Lan, nơi có đến hơn 90% dân số công giáo ngoan đạo, còn các ngày lễ của Nhà Thờ cũng là ngày lễ chính thức của nhà nước.
Vậy mà câu chuyện về Giáo Hoàng Benedict XVI và bao cao su, vật cản mà có người hài hước ví von rằng, nó bắt đàn ông phải liếm đường qua túi nylon, vẫn đang nóng!
Từ sau giữa tháng 3/2009 đến nay báo chí thế giới đưa tin không ít về chuyện này và cộng đồng mạng tung hứng sôi động.
Nhưng không chỉ có cộng đồng mạng!
Ở Ba Lan, có lẽ vì bối cảnh tế nhị đã nêu, các cơ quan truyền thông, kể cả hãng thông tấn quốc gia PAP đều loan tin liên hệ, nhưng hầu hết dẫn nguồn từ nước ngoài như CNN, New York Times, Daily Telegraph, La Republica, …
Sự việc xuất phát từ chuyến công du Lục địa Đen của Giáo Hoàng Benedict XVI, khởi hành từ Vatican, Roma vào ngày 17 tháng 3 vừa rồi.
Trên khoang máy bay, Giáo Hoàng nói với các nhà báo như sau về dịch bệnh AIDS: “Đây là bi kịch mà bạn không thể ngăn chặn chỉ bằng tiền bạc, bằng việc phân phát bao cao su, bởi vì chúng chỉ làm tăng thêm các vấn đề”. [1]
New York Times (NYT) ngay lập tức lên tiếng phê phán Giáo Hoàng. NYT nhắc lại kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, bao cao su ngăn ngừa truyền nhiễm AIDS với hiệu quả 80%.
“Giáo hoàng có toàn quyền nói lên sự chống đối sử dụng bao cao su dựa trên nền tảng đạo đức theo quan điểm của Giáo hội công giáo. Nhưng không thể dùng đức tin khi bóp méo sự việc về giá trị của chúng trong việc ngăn chặn dịch bệnh AIDS”.
“Giáo Hoàng đã sai lầm. Chưa hề có chứng minh nào nói sử dụng bao cao su làm tăng mức độ dịch bệnh, ngược lại có không ít chứng minh rằng, bao cao su, dù không là thuốc bách bệnh, có hiệu quả trong rất nhiều hoàn cảnh”. [2]
Phát biểu của Giáo Hoàng đã gây nên sự phản đối mạnh mẽ trong giới chính khách cấp tiến và cánh tả tại nhiều nước Tây Âu. Dưới áp lực của đảng Xanh, các đảng viên cấp tiến và xã hội, quốc hội Bỉ sẽ có buổi tranh luận để ra nghị quyết kêu gọi chính phủ có thái độ trước lời nói của Giáo Hoàng.
Trong khi đó, cộng đồng mạng trên Facebook tiến hành chiến dịch xuyên quốc gia mang tên “Condom cho Giáo Hoàng Benedict XVI”, dự tính sẽ mua và gửi đến Giáo Hoàng hàng triệu bao cao su. Nguồn tin gần gũi với Giáo Hoàng tại Ý cho biết có khoảng 60 ngàn người nhập cuộc và họ hy vọng chiến dịch sẽ tràn qua các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh. Hiện đã có hàng ngàn người ở Pháp, Anh, Đức, Áo và Bulgaria tham gia. Một thành viên của cộng đồng mạng Facebook viết mình “kinh ngạc” khi thấy một người cống hiến cả cuộc đời để truyền bá các nguyên tắc đạo đức “mà sao lạc hậu và trong vấn đề này lại có thể hạn chế, mù quáng và thiếu trách nhiệm như vậy”. Người khác viết rằng, “những người chăn dắt tinh thần nói chung không làm tình, vậy sao họ có thể nói người khác phải làm thế nào?”. [3]
Giới chuyên môn cũng không tiết kiệm những lời phê phán. Tạp chí y học uy tín “The Lancet” với bài “Sự cứu rỗi dành cho Giáo Hoàng” cáo buộc Giáo Hoàng Benedict XVI “đã tráo đổi các xác định khoa học trước công luận nhằm quảng bá học thuyết công giáo” và đòi Giáo Hoàng phải rút lại những phát biểu của mình.
Người bình luận của nhật báo Ý La Republica gọi những câu nói của Giáo Hoàng Benedict là “ngớ ngẩn” và nhấn mạnh rằng nó sẽ tiếp tục là chuyện ngớ ngẩn kể cả người nói ra là Giáo Hoàng.
Vài lời bàn
Với việc giảm sút dân số, cùng với chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ xâm nhập sâu vào cách sống hàng ngày tại các nước phương Tây, chuyến công du của Giáo Hoàng Benedict XVI tới Phi châu không nằm ngoài mục đích quan trọng nhất là phát triển cộng đồng công giáo tại nơi mà người ta ước tính sau 15 năm nữa, cứ 6 người theo đạo công giáo trên thế giới sẽ có 1 người của Lục địa Đen.
Phát biểu của Giáo Hoàng có lẽ muốn để phù hợp với quan điểm của Nhà Thờ châu Phi trong chuyến xuất ngoại này, bởi vì tại đây việc phê phán sử dụng các phương tiện ngừa thai trở thành phổ cập, cho dù dịch bệnh AIDS đang phát triển nhất hành tinh.
Ít nhiều chúng ta đã nghe trong vài năm gần đây về các vụ xì-căng-đan lạm dục tình dục trẻ em trong giới giáo sĩ và tu sĩ. Tại Hoa Kỳ, trước áp lực của công lý Giáo hội Hoa Kỳ đã phải trả tiền bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục lên tới hàng trăm triệu đôla.
Vào dịp tranh giải Oscar cuối tháng 2/2009 vừa qua, màn ảnh thế giới đã giới thiệu với khán giả bộ phim “Doubt” của John Patrick Shanley, trong đó có các tài tử Hollywood lừng danh như Meryll Streep và Hoffman Phillip Seymour thủ vai.
Câu chuyện trong “Doubt” chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ các xì-căng-đan lạm dụng tình dục của giới tu sĩ. Xem xong, tôi có cảm tưởng bộ phim đã tạo nên một lớp sương mờ trên các giá trị đạo đức. Đọng lại trong tâm cảm con người là nỗi hoài nghi, bứt rứt, sợ hãi, nếu không nói là đang có hiện tượng khủng hoảng lòng tin.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh không dễ dàng hiện nay đối với Nhà Thờ, một nhà trí thức nổi tiếng với hiểu biết cao rộng và uyên bác như Giáo Hoàng Benedict XVI đáng ra phải hành xử khéo léo hơn để tránh phản ứng bất lợi. Báo chí tự do ở các nước dân chủ chẳng buông tha một ai. Có lúc nào mà mấy tay nhà báo lại không rình rập sự sơ hở của các yếu nhân.
Kể ra, khi giải thích cho luận điểm của mình rằng, việc Nhà Thờ giáo dục, khuyên kiêng khem (abstinence) quan hệ tình dục, khuyến khích quan hệ tình dục lành mạnh giữa nam và nữ hay gìn giữ chung thuỷ vợ chồng, cũng mang lại hiệu quả tốt để ngăn ngừa AIDS – nếu Ngài dừng ở đây là đủ. Đằng này, Ngài khẳng định thêm: “sự giáo dục của Nhà Thờ là phương tiện đạo đức duy nhất”. [4]
Ngay Hồng y Godfiierd Danneels (Bỉ) cũng đánh giá Giáo Hoàng “không phải là nhà ngoại giao” và:
“… Giáo Hoàng không nên nói về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, bao cao su đôi khi là phương pháp duy nhất để cứu mạng sống. Tôi không nghĩ Giáo Hoàng có ý nói không bao giờ nên sử dụng. Ngài nói đơn giản: không phải bằng phương pháp này dạy dỗ mọi người nắm lấy số phận trong tay mình”. [5]
Thế nhưng, Giáo Hoàng cũng chỉ là con người. Có ai trên đời này không bị ít nhất một lần sơ suất trong lời ăn, tiếng nói?
Chỉ những kẻ ngớ ngẩn hay cuồng tín đến mê hoặc mới nghĩ rằng người đại diện cho tư tưởng của mình lúc nào cũng thánh thiện, chủ trương đường lối của “Cấp Trên”/của đảng và nhà nước bao giờ cũng hoàn toàn đúng nhưng do cấp dưới thực hiện sai, hay là đồng chí Stalin chẳng bao giờ sai cả!
———————-
Chú thích:
[1]: Nhật báo Ba Lan Dziennik 17/03/2009 – dẫn nguồn của NYT, Daily Telegraph.
[2]: Hãng Thông tấn Ba Lan PAP 18/03/2009 dẫn nguồn của NYT
[3]: Portal Ba Lan Onet.pl 28/03/2009 dẫn nguồn của CNN và Daily Telegraf
[4]: Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza 17/03/2009
[5]: Portal Ba Lan: Wiadomosci.wp.pl 26/03/2009
Bình luận
3 Comments (bài “Bao cao su và Giáo Hoàng Benedict XVI”)
Nếu đúng Đức Giáo Hoàng khuyến cáo:“Đây là bi kịch mà bạn không thể ngăn chặn CHỈ BẰNG tiền bạc, bằng việc phân phát bao cao su, bởi vì chúng chỉ làm tăng thêm các vấn đề” thì không thể hiểu vì sao tryền thông lại đua nhau ồn ào một cách thái quá. Chỉ thiếu nước họ đề nghị Ngài vô UBKHHGĐ nữa mà thôi.
Vai trò người đứng đầu Giáo hội Công Giáo, thậm chí ngay cả khi quan hệ tình dục bừa bãi vẫn không bị bệnh tật gì về thể lý thì Đức Giáo Hoàng vẫn kêu gọi một đời sống thủy chung trong đạo vợ chồng. Có thể hiểu ý của Ngài là: phương tiện tiền bạc, bao cao su không thể thay thế được đạo đức, là giá trị mà ở thời nào cũng vậy, cần nỗ lực bản thân mới đạt được.
Giả sử có ai đó gạt bỏ ngay từ đầu lời kêu gọi về đời sống hôn nhân một vợ một chồng, sắp sửa làm việc “trao xương gửi thịt” ngoài đạo vợ chồng, gọi điện hỏi Đức Giáo Hoàng có nên dùng bao cao su không. Ngài chắc chắn năn nỉ họ cứ dùng đi cho thiên hạ nhờ.
muốn thành một giáo hội tốt và ít gây tranh cãi, tốt nhất là tập trung vào việc riêng của môn giáo đó. Việc Bennedict hết lần này đến lần kia chạm vào những điều tranh cãi, cho thấy có nên thay ông ta hay không.
Phật giáo không hề quảng bá kiểu quảng cáo đại trà như đạo Chúa nói chung và tự thân Phật giáo cũng chỉ chuyên tâm tu đạo, mới thấy rằng cái khác biệt rõ rệt giữa Phật, Thiên Chúa và Hồi Giáo (có lẽ hồi giáo hơi khó để so sánh cùng PG và TCG các ACE nhỉ)
Vào năm 2006, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tuyên bố với lời lẽ đụng chạm đến Giáo Chủ Mohammad của Hồi Giáo làm tín đồ tôn giáo này bất bình. Sau đó Ngài đã xin lỗi họ.
Phát biểu của Ngài về việc dùng bao cao su là không hợp lý. Ai cũng biết bao cao su không hoàn toàn ngăn chận được các bệnh lây qua đường tình dục 100% nhưng ít nhất nó cũng có hiệu quả đáng kể.
Đồng ý với tác giả LDĐ, Đức Giáo Hoàng chỉ là một con người nhưng ở địa vị một lãnh tụ tinh thần của một tôn giáo có số tín đồ đông nhất thế giới, có lẽ Ngài càng phải thận trọng, tế nhị nhất là khi đề cập đến các tôn giáo khác hay các vấn đề đạo đức mà chính tôn giáo mình đã từng phạm phải.
Ngoài ra quan điểm của Giáo Hội về vũ trụ thì hoàn toàn hạn hẹp cả về không gian lẫn thời gian. Và tuy rằng tôn giáo của Ngài khó chung sống với CS nhưng vẫn có một điểm tương đồng với CS, đó là các chiến dịch quảng bá nhắm vào những người nhẹ dạ, cả tin.