Bùi Văn Phú – Ngày xuân, rong chơi ở San Jose
04/04/2010 | 7:13 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở Bùi Văn Phú – Ngày xuân, rong chơi ở San Jose
Category: Đời sống
Thẻ: Người Việt tại Mỹ
Tết đã qua hơn một tháng, nhưng tuần rồi có bạn gọi điện hỏi tôi có xuống San Jose chơi cuối tuần và đi xem diễn hành xuân không. Tôi ngạc nhiên vì không biết ở thành phố hoa vàng sẽ có sinh hoạt đón xuân vào lúc không khí Tết đã bay đi mất từ lâu.
Hôm đi chơi Hội Tết Fairgrounds cách đây hơn tháng, tôi đã nghe nói năm nay không còn diễn hành xuân dưới downtown nữa. Thông tin qua những trang sinh hoạt cộng đồng trên các báo Việt Tribune, VTimes, Mõ San Francisco cũng không thấy thông báo hay đăng quảng cáo về sinh hoạt đón xuân trễ vào ngày Chủ nhật 28.03. Tôi hỏi bạn thêm tin tức và được biết diễn hành sẽ diễn ra tại địa điểm cũ, trên đường Market ngay trung tâm thành phố, chỉ khác là ban tổ chức không còn do ông Nguyễn Sơn đứng đầu mà có những người mới, nhưng bạn cũng không biết là ai. Hình như cộng đồng người Việt ở đây đang đi tìm những khuôn mặt mới, những người tổ chức mới. Hội Tết Fairgrounds tháng trước với ba người trong ban tổ chức, chỉ có ông Lại Đức Hùng là người cũ, còn lại hai nhân vật mới toanh.
Gia đình ông Nguyễn Sơn nổi tiếng trong vùng từ hai chục năm qua về thành công trên thương trường và hăng say việc cộng đồng, từ bà Nguyễn Lan Hải, vợ ông, đến cô con gái là Luật sư Linda Hàn Nguyễn. Ông bà Sơn đã tổ chức diễn hành xuân hơn mười năm qua. Bà Hải còn có thời làm chủ tịch một trong hai ban đại diện cộng đồng người Việt San Jose. Cô Linda tranh cử nghị viên năm 2005, nhưng thua cô Madison Nguyễn trong vòng chung kết.
Lí do nào khiến gia đình ông Sơn năm nay không còn đứng ra tổ chức nữa, tôi không biết. Nhìn lên khán đài thấy nhiều khuôn mặt phụ nữ mới trong ban tổ chức, có Luật sư Nguyễn Thu Hương là người tôi đã có dịp gặp mặt và vài người nữa. Các cô thướt tha áo dài phất phơ trong gió làm tăng thêm dáng đẹp của phụ nữ Việt. Tôi nhận ra cô Loan Nguyễn, người từng hăng hái tham dự nhiều sinh hoạt trong quá khứ, từ biểu tình chống lãnh đạo Việt Nam tới vùng vịnh San Francisco, tham gia ban đại diện cộng đồng, cho đến việc phản đối chính sách của thành phố San Jose muốn mở rộng sòng bài làm nhiều người Việt sa ngã vào con đường nghiện cờ bạc. Mấy năm rồi, hôm nay mới lại thấy cô trong sinh hoạt cộng đồng.
Có lẽ tổ chức vào thời gian không thích hợp vì đang lúc nhiều trường nghỉ giữa học kì nên năm nay thiếu vắng các đoàn sinh viên, học sinh, nhiều đội kèn đồng. Số xe hoa cũng ít đi do thiếu bảo trợ của các cơ sở thương mại, các hội đoàn tôn giáo hay ái hữu, như đài truyền hình NBC, các hội Gia Long, Trưng Vương, Thánh thất Cao Đài mà những năm trước đều có mặt. Gặp một bạn học cũ đi coi diễn hành để cổ vũ cho sinh viên thế hệ trẻ, nhưng anh cũng thất vọng vì không thấy xe hoa của sinh viên Berkeley.
Điểm qua đoàn diễn hành, có toán rước cờ vàng đi đầu, có xe hoa của New York Life, Việt võ đạo, Pháp luân công, Hoa hậu Áo dài Bắc California. Có đoàn quảng bá và kêu gọi tham gia kiểm tra dân số 2010, đoàn của Tổng hội Sinh viên Bắc California, chương trình phát thanh EM trên sóng AM-1430, có toán học sinh huấn luyện quân sự học đường, có những người đồng tính nam nữ v.v…
Những năm trước, sau diễn hành có hội chợ xuân trên đường Park và trong đại sảnh nằm sau Tech Museum, năm nay không có vì thế số người đi xem giảm nhiều. Thường nếu nắng đẹp như hôm nay, hai bên và phía trước khán đài thật khó mà chen chân. Hôm nay rất thưa. Đoán chừng có dăm nghìn người xem Diễn hành Xuân Canh Dần 2010, so với vài ba chục nghìn của những năm trước đây.
Trên khán đài có ông Chỉ huy trưởng Cảnh sát San Jose Rob Davis và Chỉ huy phó Phan Ngô, có Giám sát viên Dave Cortese, cựu Giám sát viên Pete McHugh, Nghị viên Kansen Chu cùng phu nhân trong y phục truyền thống Việt Nam, có bà Chánh biện lí quận hạt Delores Carr luôn mặc áo dài khi tham dự các lễ hội của cộng đồng Việt. Vắng mặt hai vị khách quan trọng là Thị trưởng Chuck Reed và Nghị viên Madison Nguyễn. Khác biệt trong việc đặt tên cho khu phố Việt do Nghị viên Madison đề nghị đã tạo căng thẳng giữa hai dân cử trên và nhiều cử tri gốc Việt từ ba năm qua.
Sau buổi diễn hành, tôi gặp ba người trong ban tổ chức là Luật sư Nguyễn Thu Hương, Chánh án Jacqueline Dương Mỹ Lệ và Luật sư Mai Phan. Cô Thu Hương nói lí do tổ chức trễ vì lo ngại thời tiết năm nay mưa nhiều vào đầu năm. Còn sự vắng mặt của những dân cử, cô cho biết có mời thị trưởng, nhưng vì bận việc nên ông không thể có mặt. Nghị viên Madison không được mời. “Ban tổ chức không mời Madison Nguyễn. Đó là sự thực.” Người nữ luật sư trẻ nói với tôi như thế. Trong khi đó trong đoàn diễn hành lại có mặt hai người đang muốn giành chức của cô Madison là các ứng viên Patrick Phú Lê và Minh Dương. Chuyện ủng hộ hay không tín nhiệm một ứng viên nào thì đến ngày 8 tháng 6 tới đây lá phiếu của đa số cử tri sẽ quyết định. Trong những ngày tới, không khí vận động tranh cử sẽ nóng hơn tiết trời dịu dàng và nắng đẹp của ngày hôm nay.
*
Rời khu vực diễn hành tôi rảo qua nhà thờ chính tòa St. Joseph. Hôm nay là Lễ Lá, bắt đầu tuần chịu nạn theo lịch Công giáo. Bên ngoài có mấy người bày bán lá dừa non đan thành hình Thánh Giá và có nhiều người mua đem vào nhà thờ. Một cảnh sinh hoạt rất Mễ. Đang giờ thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha, tôi ở lại dự. Ba địa phận Công giáo quanh vùng Vịnh với ba nhà thờ chính tòa thì thánh đường St. Joseph ở đây cổ kính nhất và đã được tu sửa nhiều lần trong hơn một trăm năm qua. Bên trong có nhiều ảnh tượng với nét hội họa tôn giáo như bên Ý, Pháp.
Trong số tín hữu tình cờ tôi nhận ra một đồng nghiệp gốc Mỹ La-tinh, đã nghỉ hưu cách đây vài năm. Chúng tôi vẫy tay chào nhau.
Sau thánh lễ, chúng tôi rủ nhau đi ăn. Vợ chồng người bạn Mễ từ Oakland xuống đây dự lễ, rồi đi xem văn nghệ ở Center for Performing Arts, là địa điểm quen thuộc của những sô ca nhạc Việt ở thành phố này. Hôm nay có đoàn văn nghệ từ Mexico qua biểu diễn nhân kỉ niệm 200 năm độc lập của Mexico. Người bạn nói đoàn ca vũ Ballet Folklórico de México de Amalia Hernández rất nổi tiếng và lâu lắm rồi mới trở lại vùng Vịnh trình diễn.
Dù không dự kiến đi xem, ăn xong tôi thả bộ cùng vợ chồng bạn qua công viên Cesar Chavez, qua tượng con rắn biểu trưng của văn hóa Mễ rồi đến nhà hát. Tôi muốn tìm hiểu xem người Mễ có mê văn nghệ cội nguồn của họ không.
Bên ngoài khá đông người, hầu hết là gốc Mễ, đang đổ về từ nhiều hướng. Tôi hỏi chương trình liệu có trễ. Bạn nói rất đúng giờ cho sô ca nhạc của đoàn quốc gia qua đây trình diễn, một sô lúc 3 giờ và một sô nữa vào 7 giờ tối nay, mỗi sô chỉ dài hai giờ. Người bạn nói những vui chơi, hội hè khác thì có trễ, nhưng chương trình như thế này thường đúng giờ.
Tôi đã có dịp thưởng thức trình diễn văn hóa Mễ trong dịp đi chơi Mexico City cách đây vài năm, ngay tại trung tâm văn hóa Palacio de Belles Artes ở thủ đô. Tôi thích nét reo vui trong điệu nhạc của người Mỹ La-tinh và thích tham quan những kim tự tháp xây từ nền văn minh Aztec-Maya rải rác nhiều nơi trên đất Mexico, di tích của một nền văn minh cao đã có cách đây từ nhiều thế kỉ. Dấu tích văn hóa Mễ nay còn hiển hiện nhiều nơi ở Hoa Kỳ, nhất là những bang miền nam và California. Theo lịch sử, từ nhiều thế kỉ trước những phần đất này còn thuộc về Mexico. Sau nhiều cuộc chiến tranh, Tây tiến và Nam tiến của người da trắng thì biên cương, lãnh thổ của Mexico thu hẹp lại và đất nước Hoa Kỳ mở rộng ra. Nhưng nhiều người Mễ vẫn coi Texas, New Mexico, Arizona như là một phần xứ sở của họ.
Người Mễ đã đóng góp nhiều vào đời sống sinh hoạt của Hoa Kỳ, nổi tiếng nhất có lãnh đạo nghiệp đoàn Cesar Chavez tranh đấu cho những người làm rau, hái trái cây được bảo vệ sức khỏe và quyền lợi. Ngày nay nhiều trường ở California có ngày sinh nhật của ông, 31.03, là ngày lễ nghỉ.
Ở San Jose có khu chợ trời Berryessa nổi tiếng lớn nhất thế giới, đông chủ sạp người Mễ. Không biết hơn 30 năm trước có người Việt nào vào đây buôn bán chưa, chứ bây giờ khá đông người Việt làm chủ sạp. Có dịp vào đây nhiều khi nghe bạn hàng Việt nói tiếng Mễ rổn rang mà thấy không khí giao lưu văn hóa như bừng lên.
Rời downtown tôi qua khu thương mại trên đường Capitol Expressway, sau tiệm Phở Bắc Số 1, là nơi nhà tôi mới khám phá ra một tiệm bán mít, trồng bên Mễ, rất thơm ngon. Một hộp mít bóc sẵn, 5 đô-la được 20 múi. Như thế tương đối rẻ. Ở đây tôi còn mua được hai trái sa-cu-chê, từ Florida. Đã mấy chục năm rồi, nay chúng tôi mới có cơ hội thưởng thức vị thơm ngon đặc biệt của loại trái cây Việt này.
*
Chiều về nhà, đọc mấy tờ báo Việt và xem qua quảng cáo sô ca nhạc sắp có ở San Jose trong những tháng tới, vài ba sô đã lên chương trình: Hát cho tuổi thơ, Phượng Liên: 50 năm sân khấu và quê hương. Đặc biệt là đại nhạc hội ca nhạc kịch Paris by Night “Tình mẹ” sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 5 tới đây tại Flint Center với nhiều ca sĩ hải ngoại và trong nước như Bằng Kiều, Quang Linh, Ngọc Hạ, Thế Sơn, Quỳnh Dung, Lam Anh, Hương Lan, Diễm Sương, Thu Phương, Thành An, Giang Tử, Chế Linh, Ngọc Anh, Duy Trường, Tóc Tiên v.v… và hai em-xi Nguyễn Văn Thịnh và Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Đọc kĩ tờ quảng cáo của Paris by Night thấy có ghi hàng chữ nhỏ: “We reserve the rights to make any changes without prior notice. Absolutely NO REFUND or EXCHANGE after Tickets are purchased.” – Chúng tôi dành mọi quyền thay đổi chương trình mà không báo trước. Tuyệt đối KHÔNG TRẢ LẠI TIỀN hay TRAO ĐỔI sau khi đã mua vé.
Ban tổ chức cẩn thận ghi như thế nhưng không biết khán giả có ai để ý đến. Làm ăn với trong nước, dù trong lĩnh vực nào cũng không có gì đảm bảo. Ca sĩ được ghi tên, nhưng không đến có lẽ cũng là chuyện thường. Ở Mỹ đi coi ca nhạc ít khi có chuyện này. Nếu không đúng chương trình, ban tổ chức trả lại tiền vé cho khán giả. Còn chuyện phải đọc những hàng chữ nhỏ – read the fine print – chỉ là điều mà luật sư thường khuyên thân chủ lưu ý trước khi kí bất cứ một giao ước, hợp đồng nào. Chứ không phải trong vui chơi như khi đi coi ca nhạc Việt.
(ảnh của Bùi Văn Phú)
© Buivanphu 03.2010
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Bùi Văn Phú – Ngày xuân, rong chơi ở San Jose”)