Bùi Văn Phú – Bi kịch hoà bình Việt Nam: Tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
18/05/2010 | 1:00 sáng | 4 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: Hồ Chí Minh > Tổng tấn công 1968 > Trịnh Công Sơn > Võ Nguyên Giáp
Trong số những người Việt được thế giới biết đến nhiều nhất, sau ông Hồ Chí Minh có lẽ là tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mỗi người một nhân cách, có một chỗ đứng riêng trong lịch sử Việt Nam và thế giới.
Cuộc đời của ông Hồ còn nhiều bí mật, nhưng ông đã mất vào lúc chiến tranh tại Việt Nam đang ở cao điểm nên lịch sử sẽ còn rất nhiều tranh cãi về ông. Còn tướng Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sau khi đất nước hoà bình thống nhất mà cuộc đời của hai thiên tài Việt Nam có những điều làm tôi suy nghĩ.
*
Tại một hội nghị về Việt Nam tổ chức ở Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1990 tôi có gặp một giáo sư đại học từ trong nước qua tham dự. Trong lúc trao đổi với nhau về những chuyện chung quanh vụ Tổng tấn công Tết 1968, ông kể rằng vào đầu năm 1998 nhân dịp kỉ niệm 30 năm trận Mậu Thân, một hội thảo đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và có sự tham dự của tướng Võ Nguyên Giáp. Sau hội thảo, tướng Giáp đưa nhận xét: “Chỉ có hội mà không có thảo”. Tôi hỏi vì sao, giáo sư cho biết tại hội nghị các bài viết về chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân chỉ được đọc, nhưng không ai được hỏi hay thảo luận, phân tích. Giáo sư cũng chia sẻ với tôi quan điểm của ông là tướng Giáp không phải là người phát động cuộc Tổng công kích, cũng như ông Hồ Chí Minh không phải là người chủ xướng vì lúc đó sức khoẻ yếu và ông Hồ đã phải đi chữa bệnh ở Trung Quốc, không còn thực sự nắm quyền. Chính phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ chủ trương dùng quân sự để tấn công, mong dân chúng tổng nổi dậy cướp chính quyền.
Luận điểm này có thể là cách để chạy lỗi cho ông Hồ Chí Minh và tướng Giáp về thất bại Mậu Thân vì thiệt hại nhân mạng của du kích Việt Cộng và bộ đội rất cao trong khi nhân dân không nổi dậy mà lại bỏ chạy. Dù tấn công vào hầu hết các tỉnh thành, kể cả vào Dinh Độc lập, Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Sài Gòn nhưng bộ đội cộng sản không chiếm giữ được nơi nào lâu, trừ Huế bị chiếm hơn 3 tuần rồi sau đó cũng bị đánh bật ra và khi rút lui đã để lại vụ thảm sát nhiều nghìn thường dân.
Đã có những nghiên cứu cho thấy tướng Giáp không phải là người chủ trương dùng chiến tranh qui ước với các cuộc tổng tấn công. Ông chỉ muốn dùng lối đánh du kích. Ngoài ra, còn có giả thuyết cho rằng ông chủ trương hoà hoãn sau những thất bại trong các cuộc tổng tấn công quân sự của Bắc Việt, như Tổng tấn công Mậu Thân 1968 khi đang có sự tham chiến của cả nửa triệu lính Mỹ, và mùa hè năm 1972 khi lính Mỹ đã rút đi gần hết.
Tôi còn được nghe nói rằng sau khi kí kết Hiệp định Ba Lê để vãn hồi hoà bình cho Việt Nam, lính Mỹ rút hết, tướng Giáp không chủ trương chiếm miền Nam bằng giải pháp quân sự mà ông muốn được Hoa Kỳ viện trợ tái thiết miền Bắc như Tổng thống Nixon đã hứa trong thư gửi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cùng lúc Nixon hứa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Có phải trong Bộ Chính trị lúc đó đã chia làm hai phe: thân Liên Xô thì hoà hoãn với Mỹ, thân Trung Quốc thì quyết tâm đánh đuổi Mỹ ra khỏi Đông Dương?
Có phải vì hậu quả của những trận bom B-52 ở Hà Nội cuối năm 1972 khiến ông có chủ trương như thế?
Có phải vì thế mà tướng Giáp đã bị mất chức Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân chỉ vài tháng sau khi bản hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 1973?
Có phải chủ trương của phe Lê Đức Thọ – người được trao giải Nobel Hoà bình 1973 cùng với Henry Kissinger – là quyết tâm đánh chiếm miền Nam ngay từ khi đặt bút kí vào bản hiệp định nên Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng này?
Cho đến nay những bàn thảo trong Bộ Chính trị vẫn còn được bảo mật tuyệt đối. Tuy nhiên, căn cứ vào sự xuống chức của tướng Giáp trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, từ anh hùng Điện Biên, Tổng Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng, xuống các chức vụ văn hoá, giáo dục, kế hoạch gia đình, cùng với chính sách thù nghịch đối với Hoa Kỳ sau khi Việt Nam được thống nhất bằng giải pháp quân sự, có thể suy luận tướng Giáp đã có quan điểm muốn hoà hoãn, làm thân với Hoa Kỳ hơn là đối đầu.
Quan điểm và chủ trương của tướng Giáp trong quá khứ là điều khiến ông bị kiểm soát rất chặt chẽ cho đến nay. Khách nước ngoài muốn gặp ông đều phải thông qua Bộ Chính trị. Gần hai chục năm qua, nhất là sau khi chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Robert McNamara thừa nhận: “Cuộc chiến ở Việt Nam là một sai lầm kinh khủng”, người Mỹ đã muốn có những thảo luận, trao đổi với giới làm chính sách thời chiến tranh để rút ra những bài học, nhưng phía Việt Nam tỏ vẻ lạnh lùng và vẫn cho rằng kẻ chiến thắng không có điều gì cần rút ra từ cuộc chiến đó, chỉ có kẻ bại trận như Hoa Kỳ mới cần tìm ra những bài học. Tướng Giáp đã nhiều lần được các học viện quân sự, các trường đại học mời qua dự hội nghị nhưng ông không được phép đi. Tôi có dịp hỏi một quan chức người Việt về chuyện này và được trả lời: “Bộ Chính trị sợ tướng Giáp khi ra nước ngoài sẽ có những phát biểu linh tinh”.
Con gái đầu lòng của tướng Giáp với người vợ đầu là tiến sĩ Võ Hồng Anh đã có dịp qua Mỹ nghiên cứu khoa học. Bà qua đời năm ngoái. Với người vợ thứ hai là bà Đặng Bích Hà, tướng Giáp có bốn người con: hai người con gái đầu được ông bà đặt tên Hoà Bình và Hạnh Phúc, hai con trai là Điện Biên và Hoài Nam.
Nếu được gặp tướng Giáp hay bà Đặng Bích Hà, tôi muốn hỏi về những suy nghĩ mà ông bà đã có khi chọn đặt tên cho con là Hoà Bình.
*
Nhắc tới hoà bình, không ai yêu nó bằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông đã viết rất nhiều lời hát với niềm mong ước cho quê hương thôi hết chiến tranh.
“Đêm nay hoà bình”
“Đồng dao hoà bình”
“Chờ hoà bình đến”
“Nắng hoà bình dọi sáng”
“Khi đất nước tôi thanh bình”
Nhưng khi hoà bình đến, chẳng bao lâu ông lại tiếp tục thấy chiến tranh qua những người con gái Việt: “Em ở nông trường, em ra biên giới”.
Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, các hãng tin quốc tế đưa tin với một chi tiết là quan tài của ông được đặt trên chiếc xe Dodge của Mỹ trên đường đến nghĩa trang. Tôi không hiểu người viết tin đó muốn nói gì qua chi tiết này: Trịnh Công Sơn một trí thức chống Mỹ để cuối cuộc đời khi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng lại là một sản phẩm của Mỹ?
Nhưng điều tôi vẫn muốn đi tìm câu trả lời là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhiều lần có cơ hội đến Mỹ, nhưng ông từ chối. Ngay cả vào những phút cuối đời có những người muốn đưa ông sang Hoa Kỳ để chữa bệnh, ông cũng từ chối. Tại sao người nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam đã có sự chọn lựa như thế?
Một tướng lừng danh muốn đến Mỹ thì không được đi. Một nhạc sĩ thiên tài dù có nhiều cơ hội nhưng lại không muốn đi.
Đó là những bi kịch kéo dài của hoà bình Việt Nam.
© Buivanphu 05.2010
Bình luận
4 Comments (bài “Bùi Văn Phú – Bi kịch hoà bình Việt Nam: Tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”)
[…] Bùi Văn Phú – Bi kịch hoà bình Việt Nam: Tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Tr… […]
Ông Bùi Văn Phú viết : “Trong số những người Việt được thế giới biết đến nhiều nhất, sau ông Hồ Chí Minh có lẽ là tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mỗi người một nhân cách, có một chỗ đứng riêng trong lịch sử Việt Nam và thế giới.”.
Tôi không biết chắc, vì không có tài liệu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người VN nổi tiếng trên thế giới chỉ sau chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng tôi nghĩ (trừ khi nghe ông Nguyễn Đình Đăng nói khác) tài năng về nhạc của họ Trịnh không sánh nổi Chopin hay Beethoven. Vậy cái gì làm TCS được thế giới biết tới tên nhiều đến vậy ? Tôi nghĩ chỉ vì cuộc chiến tàn khốc ở Việt Nam trước đây.
Cuộc chiến đó thật rất “phản cảm” với nhiều người, và họ bày tỏ thái độ phản chiến bằng rất nhiều cách trên khắp thế giới, mà thực chất là phản đối vai trò và hành động của Mỹ (với số bom đạn Mỹ dùng) trong chiến tranh khốc liệt lúc đó. Mỹ gây thiệt mạng thường dân và phía bên kia nhiều quá, lên tới hàng triệu người (đổi lại Mỹ chỉ chết có 60 ngàn lính). Có gì đó là không công bằng (?), để đi đến cho như thế là quá tàn bạo.
Nhiều dân tộc, như người Nhật sau thế chiến 2, có thể chỉ vì lòng nhân bản mà phản đối chuyện giết chóc, gây ra chiến tranh dù với danh nghĩa gì, và trong cái thấy của họ Mỹ là kẻ gây chiến. Cũng có thể họ nghĩ đơn giản: nếu để người Việt đánh nhau vì chuyện thống nhất đất nước, hay vì không muốn sống dưới chế độ CS, thì do hai bên không có vũ khí tối tân số người chết sẽ ít hơn nhiều (họ quên là ở châu Phi, người ta đánh nhau chỉ bằng giáo mác, vũ khí thô sơ mà giết nhau cũng hàng triệu). Nhưng họ cũng biết tiếng nói phản chiến của họ là từ bên ngoài, và giả dụ khi họ chống chiến tranh mà riêng người VN lại thích chiến tranh thì tiếng nói đó rất yếu. Vì vậy họ hết sức cần được người VN lên tiếng là chính người Việt không thích chiến tranh dù nhân danh gì, nhất là tiếng noí từ người Việt ở miền Nam nơi Mỹ đến cho là để giúp họ (tiếp tục cuộc chiến ). Tóm lại, đối với những người phản chiến trên thế giới lúc đó (và sau đó), tiếng nói chống chiến tranh của người VN rất đáng hoan nghênh. Họ đã mở rộng vóng tay đón tiếp Thượng Toạ Nhất Hạnh, giúp phổ biến những bài thơ, lời kêu gọi hoà bình của ông, và những bài hát với ý tưởng tương tợ của Trịnh Công Sơn. Khi làm thế họ cũng đã giúp phổ biến tên tuổi hai tác giả đó ra rộng khắp thế giới. Tôi còn nhớ có một nhóm phản chiến Mỹ đến phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, cầm theo những tấm bảng lớn ghi “giết người rồi ta sống với ai” (thơ NH, Phạm Duy có phổ nhạc). Người Nhật đã mời Khánh Ly, ca sĩ nồi tiếng nhờ hát nhạc tình và phản chiến của TCS, đến Nhật trình diễn nhạc Trịnh (có cả lời Nhật), thu âm và bán được hàng triệu đĩa ( theo http://www.khanhly.com/ ). Dù không biết thật tâm TCS nghĩ thế nào, nhiều người trong nước và trên thế giới nhìn nhạc sĩ này với lòng ngưỡng mộ như hình ảnh phản chiến nổi bật.
Sau chiến tranh, có lẽ đúng nhất là sau 1990, nhạc Trịnh Công Sơn rất được ưa chuộng trong nước, nhưng tôi nghĩ ở hai miền Nam Bắc bây giờ nếu người ta thích nghe nhạc TCS thì cũng với lý do không giống nhau. Ngoài này, nhiều người vẫn còn nghe nhạc Trịnh, nhưng không phải là những bàì hát phản đối chiến tranh, khát vọng hoà bình trước đây nhiều sinh viên Sài Gòn nhiệt tình đón nhận , phổ biến, mà theo tôi thấy đó là những bản nhạc với lời ca buồn (như Diễm Xưa, Ru ta ngậm ngùi, Cỏ xót xa đưa…), nằm chung trong dòng nhạc tình (sầu mộng) được giới trẻ miền Nam thời xưa ưa chuộng, cùng với Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng.
Người Việt ở Mỹ đa số di tản hay vượt biên từ miền Nam, chắc chắn cũng từng mơ ước hoà bình, và có thể cũng yêu thơ Nhất Hạnh hay nhạc TCS, nhưng họ nay nhận ra đó chỉ là những lời kêu gọi đừng bắn giết nhau nữa, buông súng xuống đi, để đi tới cái hoà bình mà sau cùng họ thấy không ưng ý.
Trịnh Công Sơn đã đi Canada , và theo tin báo chí Khánh Ly qua đó gặp lại người bạn văn nghệ cũ, có một thời hai người như bóng với hình. TCS cũng có thể đã đi Pháp, nhưng nếu tránh đi Mỷ thì tôi nghĩ có lý do: những người Việt ở Mỹ đồng tình với TCS trong cách nhìn về chiến tranh trước kia chỉ là thiểu số, tuy có thể đa số bây giờ còn nghe nhạc Trịnh. Đến Mỹ TCS biết trước có thể nhận từ nhiều thính giả trước đây cái nhìn trách móc hơn là cái tình muốn choàng cho ông vòng hoa thân ái.
Từ trước đến nay tôi vẫn có thiện cảm với tướng Giáp. Cái tâm của ông nó thể hiện qua việc làm, phát ngôn là thật sự lo cho dân. Xin chân thành cám ơn tác giả đã trao tặng độc giả bài viết này.
[…] Nguồn: Talawas […]