Hồ Phú Bông – Một xã hội hung dữ
08/06/2010 | 12:00 chiều | 5 Comments
Category: Báo chí - Truyền thông, Chính trị - Xã hội, Khủng hoảng đạo đức
Thẻ: xã hội bạo lực
Theo dõi tình trạng xã hội tại Việt Nam hàng ngày, người ta dễ nhận thấy vô số điều khác lạ so với nhiều nơi khác trên thế giới.
Vụ mới đây là sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa, sau khi rủ người bạn gái cũ, đến nhà vắng của bạn gái mới để tâm tình, khi cô bạn gái mới về quê nhờ anh coi hộ. Anh đã dùng dao đâm người tình cũ từ phía sau lưng chỉ vì nghe cô ấy trả lời điện thoại “giọng có vẻ thân mật” với người bạn trai khác. Giết xong, anh cắt đầu và các ngón tay nạn nhân đem phi tang.
Giết người thì xã hội nào chẳng có, nhưng một người có học mà giết người kiểu như thế đó thì không còn là chuyện cá nhân, mà có thể là hệ lụy từ một xã hội, ở đó con người bị “hấp thụ” quá nhiều điều hung dữ, nên đến khi bùng phát vì một lý do nào đó cũng khó có thể tự kiềm chế. Cơn ghen đến bất chợt, anh Nguyễn Đức Nghĩa đã hành động gần như vô thức! Đúng hơn, lúc đó nhân tính đã thành thú tính!
Đoạn clip mấy em nữ sinh, tuổi 14, 15 ra một công viên ở Hà Nội trước sự chứng kiến của người khác, đấm đá, hành hạ nhau rất tự nhiên, đã gây bàng hoàng trong công luận. Sau đó còn vô số clip khác, cùng dạng, cũng tung lên mạng đã phản ảnh khá rõ về thực trạng giáo dục ở Việt Nam.
Em Hào Anh, một bé trai 14 tuổi, ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau, làm việc được khoảng 20 tháng cho chủ một trại nuôi tôm giống, nghĩa là khi em mới 12 tuổi đã lăn lộn vì sinh kế, bị ông bà chủ cỡ tuổi vừa trên 30 và đang có con mọn, hành hạ tệ hại hơn một con vật, để lại trên cơ thể em sờ sờ dấu vết kinh hoàng! Anh chị chủ nầy khi nâng niu con đẻ của mình có nghĩ gì đến những trẻ thơ khác? Hay giống như hổ, báo, chỉ biết tìm và xé xác những con vật bắt được để làm mồi cho con chúng?
Tệ nạn phá thai ở Việt Nam đang dẫn đầu thế giới là do nhà nước trực tiếp đứng ra tổ chức. Vì không có thống kê chính thức nên báo chí chỉ ước tính là khoảng 2 triệu thai nhi/năm. Mầm sống của con người bị rẻ rúng đến như vậy nên có mấy ai coi đó là chuyện “giết người”! Do đó việc thờ ơ với tội ác là điều khó tránh khỏi!
Qua vài chuyện nêu trên, dù gì cũng ảnh hưởng đến cái nhìn về xã hội Việt Nam hiện tại.
Báo chí trong nước thường đưa tin rất nhanh, đôi khi liên tục qua khá nhiều số báo, mô tả rất chi tiết những vụ án về hình sự và kết luận bao giờ cũng kèm theo lời ca ngợi sự “khám phá nhanh chóng, tài tình của các chiến sĩ công an”… Vụ “xác chết không đầu” còn được ông Bộ trưởng công an họp báo khen ngợi và hứa sẽ đem ra xét xử rất nhanh! Hoan hô ông!
Thế nhưng, những vụ án gây chết người ngay tại đồn công an thì hoàn toàn ngược lại. Rất hiếm khi báo chí loan tin, hoặc chỉ loan tin rất dè đặt khi đã bị công luận sôi nổi.
Ngay tại thủ đô Hà Nội chứ không phải ở đâu xa! Một thanh niên, chiều hôm trước đang khỏe mạnh bị bắt “tạm giam” tại đồn công an, hôm sau xác được giao lại cho gia đình. Đến nay, hơn 4 tháng đã trôi qua, vẫn chưa ai biết kết quả như thế nào, ngoại trừ 7 công an “có liên hệ” bị “tạm cho nghỉ việc” để điều tra! Trong đồn công an nhỏ nầy không biết có bao nhiêu công an nhưng cùng lúc có những 7 người “có liên hệ” đến vụ án đã nói lên tính cách tập thể của bộ phận thực thi pháp luật chứ không còn là chuyện cá nhân!
Hôm 25 tháng 5 năm 2010, em Lê Xuân Dũng, 12 tuổi, bị công an trực tiếp bắn chết tại chỗ, ông Lê Hữu Nam bị thương ở đầu, chết tại bệnh viện 4 ngày sau và bà Lê Thị Thanh bị thương nhẹ, khi họ xô xát với hàng trăm dân chúng phản đối việc giải tỏa đất để xây dựng nhà máy Nghi Sơn ở Thanh Hóa! Khi dư luận sôi nổi, không thể giấu nhẹm được thì báo chí cho biết là “một chiến sĩ công an” dùng súng lục bắn chỉ thiên, rồi bị “cướp cò” chứ không dám nêu tên và cấp bực chỉ huy của viên công an nầy! Sau đó nhờ các trang blogs dư luận mới biết tên họ, cấp bậc người gây ra thảm sát! Vụ việc nổ lớn như vậy mà không được giới chức có thẩm quyền mạnh mẽ đứng ra hứa hẹn điều gì giống như vụ “xác chết không đầu”!
Công an là thành phần bản vệ an ninh trật tự xã hội, lại trực tiếp gây ra án mạng trước đông người, mà giới hữu trách không dám công khai nhanh chóng thì câu hỏi đương nhiên phải có là, người được công an ưu tiên “bảo vệ”, họ là ai?
Một lần tôi bị công an quận Một ở Sài Gòn, văn phòng nằm ngay cửa Bắc chợ Bến Thành, giam chiếc xe đạp “cần câu cơm” lúc đó của tôi, đúng một tuần trong lúc dầu sôi lửa bỏng lo cơm gạo từng ngày trong trong 3 ngày Tết, chỉ vì tôi làm mất thẻ gửi xe ở ngay cổng vào công viên Tao Đàn, phía đường Hồng Thập Tự. Đây là khu vực giữ xe do công an phường Bến Nghé (?) “trúng thầu”! Lý do ông Thiếu úy họ Liêu, trưởng đồn, lấy cớ giam xe “là để chờ xác minh” chỉ vì tôi tranh luận sôi nổi trước việc xử lý vô lý thay vì hối lộ. Cũng xin lặp lại, đây là chiếc xe đạp cũ! Bây giờ ông sĩ quan công an nầy, có thể đã lên đến cấp Tá hoặc Tướng, với chức vụ mới đầy quyền lực thì sẽ hành xử ra sao?
Chuyện khác, anh tôi bị hai công an mặt còn búng ra sữa, say bí tỉ, chạy xe gắn máy tông vào tại ngã ba Lăng Cha Cả. Thay vì lo cho nạn nhân, là anh tôi, đang bị u đầu, chảy máu, xe đạp bị cong queo, họ lại bắt anh đưa về đồn công an phường Hai gần đó, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay bắt anh tôi đền, trong lúc họ vẫn còn say đến độ ngồi đứng không vững, câu kếu cà lăm! Cuối cùng nhờ nhiều người chứng kiến sự việc phản ứng kéo đến làm nhân chứng nên họ tha cho anh tôi với câu nói: “Anh rút kinh nghiệm!” Anh tôi “may mắn” được ra về với thương tích và chiếc xe hư!
Khi những nạn nhân bị côn đồ hành hạ thì được báo chí liên tục đưa tin, để ca ngợi chiến tích cho công an, nên nạn nhân cũng được hưởng lây tính “nhân bản” trong công luận. Ngược lại, khi giới chức đương quyền hành hạ một ai đó thì rất hiếm khi báo chí loan tin, hình như nạn nhân những vụ án nầy không hẳn là con người cần được bảo vệ nhân phẩm và được dư luận quan tâm!
(June 4, 2010)
Các links liên hệ:
– http://www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/Hinh-su/2010/05/3BA1C100/
– http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/376929/Hao-Anh-bi-thuong-tat-tren-60.html
– http://www.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/201001/Mot-phu-nu-bi-nguoi-nha-day-doa-giua-duong-888141/
– http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=159691
– http://vietnamnet.vn/xahoi/201005/Ha-Noi-Mau-thuan-gia-dinh-con-gai-dam-chet-cha-913389/
– http://nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110680
© 2010 Hồ Phú Bông
© 2010 talawas
Bình luận
5 Comments (bài “Hồ Phú Bông – Một xã hội hung dữ”)
[…] http://www.talawas.org/?p=21144 […]
Đốt Lò Hương Cũ.
Xin cho phép tôi thêm vài lời về chuyện Phim Thất Hiệp mà độc giả Khiêm vừa nói tới ở đây, ông nhăc tôi nhớ đến cái cảnh sau cùng của cuốn phim bất hủ ấy (The seven samurai,Kurosawa’s Film): cảnh thanh bình của ngôi làng ngày xưa khốn khổ vì cướp bóc và lời ngậm ngùi, trước khi bỏ đi của một hiệp sĩ sống sót “Chỉ có đám dân làng tưởng như khốn khổ, khờ khạo ấy là kẻ thắng thôi !.
Sở dĩ nhắc lại cảnh và lời âý là vì nhớ đến cái nông nỗi bi thảm của đất nước ta mà một thi-sĩ (Nguyễn Duy ?) đã phải nói một lời ngược lại :”Ai thắng thì người dân cũng thua thôi !” Hỡi ơi, “máu xương tơi bời” sau bao nhiêu năm và nay mai trên những tàn rụi của một “Trường Sơn bị đốt cháy”, giữa những nấm mồ vô tận rải rác cùng những bộ xương khô chưa thu nhặt hết, một con tầu cao tốc với một bảng nợ khổng lồ 55 tỷ Mỹ Kim oằn trên vai các thế hệ mai sau vun vút lướt qua,thì dân ta lại càng là một kẻ thua,bại thê thảm hơn nữa .
Như tác giả đã chỉ ra, từ lâu CA cùng với một bộ phận quân đội đã là một thứ “kiêu binh” trong xã hội. ĐCS là nhà chúa của đám này. Ân oán đã chồng chất nhiều lắm rồi. Do đó mới có được tấm hình chụp cái khẩu hiện đại khái là Đảng còn thì ta còn trước một trụ sở CA.
Khi mà một chế độ và các cá nhân mà không còn biết tới lý, tới luật, và lương tri nữa, thì hung dữ sẽ đơn thuần là một cách sống còn theo hướng dẫn của vô thức. Và cái chế độ và các cá nhân đó nhanh chóng nhận ra họ có một phương tiện vô cùng hiệu nghiệm để đàn áp các cá nhân đơn độc.
Viết đến đây, tự nhiên nhớ tới phim Thất Hiệp của Nhật. Quần chúng cần được tổ chức để đối phó và khắc chế cái Ác. Tương lai của chính trị Việt Nam sẽ tùy thuộc vô việc có hình thành được một tổ chức chính trị có khả năng tập hợp và tổ chức quần chúng để chống lại cái Ác, cái tồi dỡ hay không. Còn không, thì Việt Nam sẽ tiếp tục bị khống chế bởi ác ôn, ác trùm, và ác chúa và cứ lay lất như cái ngôi làng trong bộ phim đó.
Cảm ơn tác giả có một bài ngắn gọn thông qua nỗi bức xúc của mình mà nói lên một vấn đề lớn của VN hiện nay.
Nhưng xin thưa với tác giả là ở đâu đó người ta đã chụp được khẩu hiệu là “công an chỉ bảo vệ Đảng” thôi. Cho nên dân có gì thì chịu khó chịu đựng đi. Như cái dzụ ai đó đã thuê giang hồ đe dọa và tấn công hãng xe khách Đồng Phước ở bến xe An Sương mà báo NLD có đưa tin hôm 25/5. Nhưng mãi tới 6/6, khi tôi từ Tây Ninh về TP HCM thì vẫn thấy còn cảnh tượng đó xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt người đi đường, trước bến xe An Sương chừng 10 m về phía cầu vượt. Hai thanh niên dùng một xe máy và một thanh gỗ hay sắt gì đó chừng 1 m đứng chặn trước đầu một xe chở khách của hãng này vừa xuất bến và chỉ chỏ thẳng về chiếc xe đó.
Nhiều khi tôi tự hỏi phải chi lực lượng công an hùng hậu dùng để trấn áp nhà dân chủ Tạ Phong Tần hôm trước hay để đi rình luật sư Lê Trần Luật vào khách sạn bao nhiêu lần với ai, để đi điều tra và khởi tố những vụ hành xử kiểu xã hội đen như thế thì xã hội cũng sẽ bớt phần hung dữ.
Không khó để hiểu nguyên nhân chính dẫn đến ‘Một xã hội hung dữ’, nhưng với nhiều người điều quan trọng hơn là việc làm giàu. Theo tin của RFI, báo Le Monde dẫn lời nhà kinh tế Daniel Van Houtte, giảng dạy tại Đại học Hà Nội, cho biết sinh viên của ông chủ trương : “Quyền làm người đầu tiên của tôi là trở nên giàu có trong tương lai. Vậy, nếu Đảng tạo ra được môi trường thuận lợi để tôi đạt được mục tiêu này, thì tôi hoàn toàn tán thành Đảng!”
Tương tự ở Trung Quốc, bài của tờ Les Echos với tựa đề “100 triệu người giàu thần phục đảng Cộng sản và chỉ quan tâm cải thiện mức sống” kết luận rằng “100 triệu người thuộc tầng lớp khá giả tại Trung Quốc không có cùng gương mặt, cùng một lối sống. Họ có một điểm chung duy nhất là việc làm giàu của họ được đảng Cộng sản cổ vũ và tạo điều kiện”. Cũng theo bài này: “Đôi khi những người khá giả cũng xuống đường, nhưng không phải để đòi hỏi luật pháp được tuân thủ, báo chí tự do, hay chống lại việc bắt bớ bừa bãi những người bất đồng chính kiến, mà là để chống lại việc xây dựng các cơ sở hạ tầng khiến cho nhà đất họ sở hữu bị mất giá, hay các xí nghiệp làm ô nhiễm đến bầu không khí của con cái họ. Về những tiểu tiết này, chính quyền thường nhường bước.”
Liệu có an toàn để làm người giàu trong ‘Một xã hội hung dữ’ và một xã hội mà mọi người, nhất là người giàu, đều có thể đã phạm pháp, và trở thành tội phạm khi Đảng muốn.
Các links trích dẫn:
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100605-thinh-vuong-va-bat-binh-dang-tai-viet-nam
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100606-100-trieu-nguoi-giau-than-phuc-dang-cong-san-va-chi-quan-tam-cai-thien-muc-song