Liêu Thái – Những câu chuyện về dạy và học (2)
18/06/2010 | 12:00 chiều | Chức năng bình luận bị tắt ở Liêu Thái – Những câu chuyện về dạy và học (2)
Category: Tổng hợp, Văn hoá – Giáo dục
Thẻ: Học và dạy môn Sử
Chuyện 1: Buổi trưa ở huyện Đại Lộc và người đàn ông đau khổ
Trong chuyến đi này, tôi đi nhiều tỉnh, nhiều huyện và nhiều mục tiêu khác nhau cho chuỗi phóng sự mà tôi sắp giới thiệu với quí độc giả. Mỗi câu chuyện như một mảnh rời của một chuỗi dài mối liên hệ nhân quả có liên quan trực tiếp từ vấn đề giáo dục, lịch sử và ý thức hệ. Trong những phóng sự này, tôi chỉ đưa ra những sự việc có thật mà tôi đã nắm bắt, đã “chớp” trên đường mình đi qua.
Chuyện 2 – Chuyện của La
Trong lúc tôi đang đọc bài báo “Cha châm lửa đốt con” của Thái Bá Dũng trên trang 5 báo Tuổi trẻ – thứ Bảy ngày 12 tháng Sáu năm 2010 kể về chuyện cậu bé Hồ Công Kha 12 tuổi ở tổ 13, phường Khánh Xuân, Tp. Buôn Ma Thuộc – Đắk Lắk bị cha đánh đập, châm lửa đốt, bị bỏng cấp độ I và II vì tội thường xuyên nói dối và ăn cắp tiền của ông bà và đã từng nhiều lần bị cha đánh nặng như vậy… thì ông Võ Văn Thành, cha của em Võ Văn Khánh gọi điện báo cho tôi biết là hôm tôi gặp ông xong, khi ra về có vài người lạ đi cùng thanh niên trong xóm chặn ông lại hỏi về tôi. Ông chỉ khai rằng tôi là cháu của người bạn quen biết thời đi làm thuê, tên Hùng, từ nơi khác đến thăm ông và tặng ông một ít tiền, ngoài ra ông không biết gì nữa khi họ hỏi thêm tôi làm nghề gì, ở đâu, bao nhiêu tuổi, lên thăm ông với ý đồ gì, thuộc tổ chức nào. Tôi khuyên ông cứ bình tĩnh, không có việc gì đâu, vì tôi không phải là nhà chính trị, nhà hoạt động chống đối nhà nước hay gì gì đó đâu mà ông lo. Ông cám ơn tôi rồi cúp máy. Chưa đầy vài phút sau thì La, giáo viên dạy sử ở một trường trung học phổ thông mà tôi đã gặp trước đây một tuần trước khi đi Huế để gặp một nhóm sinh viên, giáo viên ở đó lại gọi điện thoại hỏi tôi đã viết bài về hoàn cảnh của anh chưa, đăng ở đâu, cho anh biết để vào đọc.
Tôi nói với La rằng từ hôm gặp La ở Bình Thuận đến giờ, tôi vẫn chưa viết được gì vì bận cho việc đi nhiều quá, tôi hỏi anh đã xin được việc chưa, La buồn rầu trả lời: “Chờ thôi anh ơi! Chán bỏ mẹ rồi đây, bắt mình tụng như cái máy để giờ lại bắt mình chạy chọt lung tung. Chán thật!”. Tôi hỏi La sao không quay lại trường cũ, lương ít một chút nhưng dù sao cũng ổn định hơn là phải đi đi lại lại vừa tốn kém vừa mệt mỏi như vậy. La bảo: “Hôm làm lễ tổng kết cuối năm, thầy hiệu trưởng nói với toàn hội đồng giáo viên là Có lẽ sau mùa hè này sẽ vắng một số gương mặt ở đây, có lẽ ngày hôm nay là ngày gặp nhau cuối cùng giữa tôi và các giáo viên biên chế và một số giáo viên hợp đồng xanh có cơ may vào biên chế với các giáo viên dạy thỉnh giảng! Buồn thì buồn thật nhưng đó là qui luật lịch sử… Mà qui luật cái khỉ quái gì lạ như vậy chứ? Bọn em cày như con chó, cuối cùng để như thế này đây!”. Tôi khuyên La hãy bình tĩnh và bớt nóng vì nóng như vậy thì không tốt cho gan và càng không tốt cho cái bụng đang thiếu ăn, cái tư duy đang đòi lương tâm lương tri lương thực, nóng như vậy sẽ suy nghĩ lệch lạc với tri thức mình đã được “thụ nhận” nơi giảng đường, đến khi vào dạy không khéo lại dạy những bài có nguy cơ cho bản thân…
La, sinh năm 1982, quê Thanh Hóa, vốn là cựu sinh viên khoa Sử của Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tốt nghiệp được bốn năm nay nhưng chưa có việc chính thức, suốt bốn năm anh chỉ đi dạy hợp đồng được chăng hay chớ khắp nơi từ Nghệ An, Thanh Hóa vào Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam rồi lại chuẩn bị vào Bình Thuận hay Ninh Thuận để hợp đồng dạy tiếp. Với mức lương từ 15 đến 25 ngàn đồng trên mỗi tiết dạy 45 phút, trung bình mỗi tuần dạy chừng 10 đến 15 tiết, số tiền lương anh kiếm được mỗi tháng dao động từ 1 triệu đồng cho đến cao nhất là 2,5 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà mỗi tháng 300 ngàn đồng, tiền ăn mỗi tháng 750 ngàn đồng, tiền xăng cộ, cà phê với bạn bè vào thứ bảy, chủ nhật, anh còn dư chừng 500 ngàn đồng mỗi tháng phòng khi đau ốm có tiền mà chữa bệnh và phòng khi dạy ít tiết có cái để mà ăn qua ngày vì giáo viên hợp đồng thính giảng như La không có các chế độ bảo hiểm xã hội hay bất kì quyền lợi nào khác như lương hè, lương cho những ngày đau ốm… Tình trạng đi dạy học như anh không khác mấy với người lao động phổ thông, có làm có ăn, không làm treo miệng.
Tôi hỏi La sao không làm thêm việc khác như viết cộng tác cho một vài tờ báo, hoặc dạy thêm, dạy kèm cho các cậu ấm chẳng hạn. La trả lời rằng anh không thể làm gì được ngoài việc đi dạy các bài giảng về lịch sử mà anh đã tụng thuộc lòng trong thời sinh viên mà trong đó mọi chi tiết, mọi câu chữ đều phân biệt rõ ràng như phe Cộng hòa là ngụy, là bán nước, Đảng Cộng sản là tập hợp giai cấp công nhân có công giải phóng thống nhất đất nước, mở mang dân tộc, khai hóa trí tuệ nhân dân. Nếu không có Đảng thì nhân dân cứ âm u suốt mấy ngàn năm nô lệ, nếu không có Đảng thì cũng chẳng có ta… Và chẳng mấy học sinh nào thích thú chấp nhận để cha mẹ mướn anh về dạy chúng môn lịch sử, hơn nữa môn này tự tụng thuộc lòng, chẳng cần tư duy hoặc người hướng dẫn khai mở tư duy. Điều La nói gợi nhắc câu chuyện đã diễn ra với chính tôi trước đây gần sáu tháng tại báo Quảng Nam. Hôm đó tôi đến tòa soạn để nhận nhuận bút số Tết cho một bài viết về âm nhạc và lễ hội. Tôi ngồi tại văn phòng báo Quảng Nam đọc một số bài trong số Tết trong lúc chờ người ta trả nhuận bút thì anh phó tổng biên tập ra ngồi cùng, bắt tay và dò hỏi tôi xem đọc số Tết năm nay thấy ra sao. Tôi trả lời rằng kể từ lúc anh và anh tổng biên tập mới về làm việc, báo có tiến bộ ra đôi chút vì ít thấy cờ đỏ búa liềm dung dăng dung dẻ trên mặt báo. Như vậy dễ xem, dễ đọc và đỡ chói mắt hơn, vì cái biểu tượng kia vốn dĩ đầy đường, đi năm ba mét đã gặp, khi người ta mua báo là để đọc, để thu thập tin tức, kiến thức, bổ sung và giải trí chứ ai lại bắt người ta phải nhận sự tuyên truyền ngay trong thứ người ta phải bỏ tiền ra mua, làm như vậy không sòng phẳng, coi thường độc giả và thậm chí là lừa mị họ. Họ cần phải được mua những thứ thuần giá trị mà họ muốn nắm bắt chứ không phải bỏ tiền ra để bị ép uổng nắm bắt cho đến khi trở thành thói quen… Anh phó tổng biên tập gật gù tỏ vẻ thích thú nghe tôi. Nhưng tôi nói chưa hết câu thì xuất hiện một ông trẻ chừng 30 tuổi sà vào bàn ngồi cạnh tôi và lên giọng: “Không có Đảng Cộng sản thì làm sao có ông? Không có Đảng Cộng sản thì đất nước suốt bốn ngàn năm nô lệ, nhân dân sống trong cõi u tối…”. Tôi quay sang nhận dạng ông trẻ thật kĩ và hỏi: “Anh nói xong chưa?”. Ông trẻ đắc ý vắt chân chữ ngũ, xoay đế giày về phía tôi đang ngồi ngoáy ngoáy bàn chân, hất hàm trả lời: “Xong!”. Tôi nói: “Nếu nói xong thì đề nghị anh cút ra khỏi bàn và về nhà nghiên cứu thêm văn hóa và phép lịch sự nhé! Nơi người ta đang ngồi nói chuyện với nhau, anh chen ngang vào câu chuyện mà không xin phép, hơn nữa giữa tôi và anh cũng chẳng quen biết gì, nếu anh không cút khỏi bàn ngay thì có chuyện lớn đó!”. Ông trẻ nhìn tôi từ ngạc nhiên sang tái mặt, nói lí nhí: “Tôi… ngồi chỗ cơ quan chớ có ngồi gì nhà anh?”. Anh phó tổng biên tập nháy mắt với ông trẻ ra hiệu ông trẻ hãy vào bên trong. Ông trẻ hậm hực đứng dậy. Hôm đó tôi bực đến sôi cả máu trong người vì gặp phải một ông trẻ như vậy. Đương nhiên là bài của tôi viết sau này sẽ là “bài có vấn đề” và chẳng bao giờ đăng ở báo này, có người khuyên tôi lấy một bút danh khác nhưng tôi cũng chẳng muốn gửi bài cho một tờ báo có loại phóng viên như ông trẻ nữa.
Cái tinh thần yêu Đảng, mê Đảng, mê Bác ấy dường như không nhiễm riêng gì vào ông trẻ của báo Quảng Nam, càng không riêng gì La giáo viên dạy sử mà dường như nó bàng bạc, nhờn nhợt khắp nơi như một thứ vi khuẩn không nhìn thấy được, tựa như một loại dịch cúm trong không khí. Và những ai đã nhiễm rồi thì đố mà thoát ra. Chính vì vậy mà La không làm gì được ngoài việc lên đứng trên lớp, đọc rau ráu những bài học thời sinh viên cho các em học trò, bắt chúng lắng nghe và ghi chép đầy đủ, về nhà tụng thuộc lòng, hôm sau lên lớp, thầy gọi tên từng đứa lên dò bài, lại đứng trước bảng đen, trước toàn thể học bạn bè trong lớp đọc rõ to bài học cũ… Và đứa nào không thuộc thì bị điểm zero, nhiều lần bị xếp hạnh kiểm yếu, bị khống chế thi học kì, bị ở lại lớp. Con nhà khá giả không nói gì, con nhà nghèo chỉ chờ đồng tiền bán lúa bán đậu của cha mẹ mà nộp học thì chuyện ở lại lớp là nỗi kinh hoàng. Chính vì vậy mà bằng mọi giá phải thuộc nằm lòng. Và thầy giáo cũng được đào tạo theo cách ghi dấu, khảm dấu vào não bộ những bài học như vậy để truyền đạt. Những giáo viên khi ra trường hình như mất hẳn khả năng phản biện, tư duy phản biện đã mất, bị tẩy trong lúc học đại học, họ là những cái loa.
Theo như lời La nói thì lẽ ra anh cũng có khả năng đọc thêm, nghiên cứu thêm trong thời sinh viên, nhưng vì anh theo nhóm dạy học, trong khoa sử của anh học có hai nhóm, nhóm lý thuyết chuyên nghiên cứu lịch sử dưới ánh sáng Mác – Lê và nhóm thực hành chỉ cần học thuộc những giáo trình để lại tiếp tục truyền đạt cho các thế hệ sau… Và không riêng gì La rơi vào hoàn cảnh như đã nói mà có rất nhiều sinh viên cùng lớp, cùng trường hoặc cùng thế hệ của anh nhưng học ở các trường khác trong đất nước Việt Nam đều rơi vào hoàn cảnh như anh. Muốn làm gì khác thì phải bỏ thêm hàng khối thời gian để học hỏi, nghiên cứu. Mà thời La đi học thì cũng giống như mọi sinh viên khác con nhà khó khăn, chủ yếu là phải tụng để thi, để có điểm, để ra trường và đi dạy, có chén cơm, có cái áo… Vậy thôi, không có gì khác, nên chi La chẳng dại gì mà đọc những cuốn sách khác để bị phân tâm, để làm loãng kiến thức học đường, nguy hiểm cho tương lai. Mà đằng nào thì La cũng đã phải đi phụ hồ ba tháng hè để kiếm thêm thu nhập kể từ thời sinh viên rồi. Mùa hè mỗi năm, La phải đi phụ hồ kiếm tiền, lúc đầu, anh được trả mức tiền công rất thấp vì không làm nổi việc nặng, nhưng rồi đến mùa hè năm sau, anh được trả khá hơn, tương đương với mức lương những người lao động khác. Anh rất mừng vì điều này. Như anh nói thì dù có nhận mức lương thấp hơn những người khác vẫn khá hơn so vơi việc đi dạy ở trường. Và hơn hết là chẳng phải lo sợ nơm nớp khi có ông hiệu phó hay hiệu trưởng đi qua nghe lắng, lỡ mình dạy sơ suất đụng đến quan điểm chính trị hay đụng đến chuyện nào đó nhạy cảm mà mình không ý thức được là xem như xong!
Hôm tôi gặp La là lúc anh đang buồn bã ngồi trong một quán cà phê ở Bình Thuận để đợi người bạn đến nói cho anh biết kết quả chuyện xin việc ở một trường cấp ba trong tỉnh này. Hình như là không có kết quả gì tốt cho anh nên gần tuần sau thì anh quay về Đà Nẵng, sống tạm trong căn phòng rộng chừng mười bốn mét vuông cùng cô em gái làm công nhân khu chế xuất Hòa Khánh – Đà Nẵng. Cũng may anh còn có cô em gái làm công nhân, không phải nghỉ hè, không mất lương hè để mà nhờ vả, bấu víu qua những ngày thất nghiệp, không tiền, không nhà nơi xa quê như vậy. Nhưng ở lâu cũng ngại, La lại tính kế hoạch tiếp tục đi phụ hồ trong mùa hè, và nếu vào niên khoa tới, anh không được gọi kí tiếp hợp đồng dạy thính giảng ở trường cũ thì anh sẽ phụ hồ tiếp cho có cái bỏ vào bụng đã rồi tính tiếp… Tôi hỏi khéo La có thấy buồn và lo gì không trước một năm học sắp tới với dự án hết sức mơ hồ của anh. Anh cười tỉnh bơ và trả lời giọng vừa chua chát vừa giễu cợt: “Buồn gì anh! Có khối đứa giống mình chứ đâu riêng gì em đâu mà buồn. Không chừng năm nay giáo viên dạy hợp đồng thính giảng bị mất việc lại vào các công trình phỏng vấn, thử năng lực trước khi làm việc chính thức ấy chứ giỡn chơi gì! Buồn làm chi sinh nở dưới mặt trời… Ha ha..!”.
Tôi tạm biệt La, trở về chuẩn bị cho chuyến đi khác, trong lòng nghe nằng nặng, khó hiểu. Nhưng tôi cũng phải tiếp tục đi để gặp các sinh viên và giáo viên khác như đã hẹn với họ.
© 2010 Liêu Thái
© 2010 talawas
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Liêu Thái – Những câu chuyện về dạy và học (2)”)