Đào Phương Liên – Đôi lời với họa sĩ Trần Duy
03/07/2010 | 7:00 sáng | 1 phản hồi
Category: Hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm
Thẻ: Lê Đạt > Trần Duy
talawas – Những năm gần đây, nhiều tác phẩm, tư liệu và công trình nghiên cứu về phong trào Nhân văn – Giai phẩm đã được công bố. Trong khả năng của mình, talawas đã góp phần khiêm tốn trong việc phổ biến những tài liệu đó và khuyến khích những trao đổi đa chiều về đề tài trước sau vẫn chiếm sự quan tâm đặc biệt của công luận này[1]. Một năm trước, chúng tôi đã giới thiệu bài viết “Một câu hỏi còn chưa được trả lời” của họa sĩ Trần Duy (phần 1 và phần 2), thư kí toà soạn của 5 số báo Nhân văn, một trong những người trực tiếp tham gia và trở thành nạn nhân của Vụ Nhân văn – Giai phẩm, vào tháng 7/2009, vài ngày sau khi nhận được, như với phần lớn các bài viết gửi đến tòa soạn. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bà Đào Phương Liên, con gái nhà thơ Lê Đạt, về bài viết nói trên của họa sĩ Trần Duy, mong độc giả được tiếp cận với đề tài này từ một góc nhìn khác.
_________________
Vào cuối năm 2007, trong một cuộc trò chuyện hào hứng về tình hình văn nghệ, tôi chợt hỏi bố sao không viết hồi ký?
Sau thoáng im lặng, bố tôi nói: “Đáng gì. Chuyện bố thì đáng gì. Bố không viết, sẽ có người khác viết. Còn với lịch sử, bố nghĩ bố đã làm tròn trách nhiệm.”
Vì thế, tôi nghĩ nếu bố còn sống, bố sẽ giữ được cái “bình thường tâm” như đã từng đối với nhà phê bình nổi tiếng Trần Mạnh Hảo, khi đọc những bài viết của họa sĩ Trần Duy. Nhưng có lẽ, như nhiều trường hợp khác bố sẽ ngỡ ngàng thốt kêu: “Làm người, ai lại thế?”
Tôi cũng như bố, không thấy giận hay phiền trách gì họa sĩ Trần Duy vì đó là cách nhìn, cách nghĩ của ông, nhưng thất vọng và thắc mắc sao ông không tung bài viết này trước khi những người trong nhóm Nhân Văn nằm xuống mà lại sau giỗ đầu bố tôi, người được coi là tỉnh táo cuối cùng của nhóm? (Tôi phải xin lỗi bác Hoàng Cầm bởi thời gian đó, 7/2009 bác đã quá yếu, không thể phản bác lại những lời của họa sĩ Trần Duy.)
Hay trang mạng talawas đã “chơi” họa sĩ Trần Duy khi chọn thời điểm nhạy cảm này? Cú “chơi” này – theo tất thảy chúng tôi, những người con của những ông bố Nhân Văn – đã hạ thấp nhân cách của họa sĩ, đã đẩy họa sĩ vào tình trạng nói xấu – chính xác là vu khống – những người không còn khả năng tự bảo vệ.
Đọc những bài của họa sĩ, chúng tôi thấy thiếu cái tâm, cái nhân hậu của người viết và nhiều phần cay cú, hằn học. Bao năm đã trôi qua với những thăng trầm của bản thân và của những người từng một thời là bạn, là thù của chính họa sĩ, mọi thứ đã thay đổi, “đối thụi” đã được thay thế bằng “đối thoại” chúng tôi bỗng thấy lại không khí đấu tố “bè lũ Nhân Văn” qua bài viết của họa sĩ Trần Duy.
Và chúng tôi trộm nghĩ, nếu bài viết này ra đời vào thời điểm đó, chắc chắn họa sĩ đã có được một sự bảo trợ, không rơi vào cảm giác chênh vênh của một người không được bất cứ bên nào chấp nhận – nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và ê kíp đối kháng – chứ không phải tâm trạng bất đắc chí của một người yêu nước nhưng không được trọng dụng, được thể hiện qua bài viết của ông. Vậy họa sĩ Trần Duy ở đâu trong trận đấu Nhân Văn Giai Phẩm?
Tôi nhớ lại một vài lần họa sĩ Trần Duy đến nhà hồi tôi còn bé. Bố tôi vẫn hồ hởi cười to, nói to như với những người bạn khác. Nhưng những cuộc nói chuyện thường mau chóng kết thúc.
Cho đến lần bố tôi được mời lên gặp ông Lê Đức Thọ vào khoảng cuối năm 1972.
Ông Lê Đức Thọ đón bố tôi ở Nguyễn Cảnh Trân, tuyên bố: “Vụ Nhân Văn coi như xong nhé. Tôi tuyên bố chấm dứt từ hôm nay. Giờ tôi mời anh làm thủ lĩnh lực lượng thứ ba…” Bố tôi có lẽ bất ngờ vì cái tin Nhân Văn nên không mấy để ý đến các thông tin khác. Thấy bố tôi không thay đổi sắc mặt. Ông Lê Đức Thọ lại nhắc lại. Bố tôi chậm rãi: “Anh để tôi suy nghĩ đã!” Và vì không nhận được câu trả lời cụ thể trong suốt cuộc gặp nên ông Lê Đức Thọ đã đi cùng bố tôi ra tận cửa, nấn ná cho đến khi bố tôi nói: “Anh lên gác đi. Tôi hứa sẽ suy nghĩ…”
Tin vui đến. Nhóm Nhân Văn vui vẻ họp mặt ở nhà tôi. Đúng lúc đó họa sĩ Trần Duy tới. Ông vừa dắt xe lên hè, bố tôi đã đứng dậy, đưa cao tay hồ hởi: “A, Trần Duy, vào đây.” Ngay lập tức, cả bác Dần, cả chú Quán đồng thời chỉ thẳng tay ra cửa, quát: “Cút! Chúng tao không ngồi với mày!” Bố tôi hơi khựng lại rồi vẫn ra cửa đón họa sĩ Trần Duy. Bố tôi mời nhưng họa sĩ không vào. Hai người trao đổi gì đó rồi họa sĩ ra về. Quay vào, bố tôi nghiêm mặt trách: “Các cậu tệ quá. Dầu gì cũng là Duy đến nhà tớ, là khách của tớ… Vả lại thế thời thế…” Bác Dần cao giọng: “Không chơi với thằng phòng nhì” trong tiếng phản đối quyết liệt của cả chú Quán, bác Hưng, bác Cầm.
Tôi lúc đó chỉ nghĩ là chuyện giận dỗi chơi bỏ giữa những người bạn. Cho đến tận 30 năm sau, một người bạn rủ tôi đến nhà họa sĩ, lúc này đang sống với một cô bồ nhí và khi biết đời tư của ông, tôi tự lý giải: “À, cách sống của bác Duy không giống bố nên hai người không thân được với nhau”.
Rồi năm 2007, cô bạn lại rủ tôi đến thăm họa sĩ ở một ngôi nhà mới, với một người tình mới ít tuổi hơn tôi rất nhiều. Khi tiễn chúng tôi, ông trách: “Bố Đạt và mọi người tệ quá. Ngày xưa, khi Nhân Văn bị đấu, bác ra sức bảo vệ. Bây giờ được phục hồi, được giải thưởng, chẳng ai nhắc đến bác một câu”. Tôi thầm nghĩ thế thì tệ thật và phiền trách bố. Bố tôi im lặng rồi như tự nói với mình: “Không nhắc đến là may. Ai chẳng biết lui, deuxième bureau” (Ông ấy, phòng nhì).
Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ kể chuyện này ra nếu không được đọc bài viết của họa sĩ Trần Duy. Với cái giọng cao đạo, trịnh thượng, ông kể về sự trong sạch của bản thân, cũng như sự vô can của mình trong việc khai nhận những cái gì từng biết, từng chứng kiến về những người trong nhóm Nhân Văn, không thêm bớt. Vậy mà ông lên án Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm làm chứng gian cho những bài viết của Phùng Cung dẫu những bài viết đó đã được bác Phùng Cung thừa nhận và đưa cho nhiều người xem. Họa sĩ Trần Duy còn nói đến khả năng tự bảo vệ cũng như cơ hội được làm người tử tế mà những người trong nhóm Nhân Văn, vì hèn nhát đã bỏ qua trong lớp Thái Hà ấp. Tôi cho rằng họa sĩ Trần Duy không được sống trong không khí ấy hoặc cố tình bôi đen sự thật. Không khí hừng hực đấu tranh ấy, nỗi ám ảnh ghê sợ đó đã đeo theo bác Dần vào tận những ngóc ngách riêng tư là những trang Nhật ký. Không những thế nó còn làm tan vỡ nhiều gia đình như chính gia đình họa sĩ. Nó làm những người vợ Nhân Văn vì lo nghĩ mà sinh tật bệnh đến suy nhược thần kinh như mẹ tôi.
Có điều chúng tôi biết chắc, bố tôi và những người bạn của ông chưa bao giờ than van bất hạnh trên con đường đã chọn như họa sĩ Trần Duy. Họ vẫn đứng bên nhau trong hành trình làm mới Thơ Việt, làm giầu tiếng Việt. Và chưa bao giờ xa rời tư tưởng Nhân Văn tuổi hai mươi của họ.
Hà Nội, 6/2010
© 2010 Đào Phương Liên
© 2010 talawas
[1] Công trình nghiên cứu của tác giả Heinz Schütte: “Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960” qua bản dịch của talawas đang tiếp tục được đăng tải.
Bình luận
1 phản hồi (bài “Đào Phương Liên – Đôi lời với họa sĩ Trần Duy”)
[…] Đôi lời với họa sĩ Trần Duy Posted on July 6, 2010 by linkiliketroi Đào Phương Liên – Đôi lời với họa sĩ Trần Duy […]