Lê Quốc Trinh – Theo đóm ăn tàn
01/08/2010 | 1:00 sáng | 10 Comments
Category: Kinh tế - Môi trường, Quan hệ Việt - Mỹ, Quan hệ Việt-Trung
Thẻ: Vedan
Sự kiện công ty Vedan thải chất độc ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường kéo dài từ hơn hai năm nay, báo chí trong nước ỳ sèo, hai bên (Nhà nước và tập đoàn lãnh đạo Vedan) giằng co suốt mấy tháng trời, tưởng chừng không có giải pháp khả thi nào để hỗ trợ dân nghèo bị thiệt hại. Mới tháng trước đây, hàng trăm hộ dân nghèo đã muốn tỏ ý rút lui, bãi bỏ khiếu kiện, chỉ vì án phí Nhà nước quá cao, và chẳng thấy ma nào lên tiếng ủng hộ họ, chỉ còn một ông nông dân còn bám trụ (ông Nguyễn Lam Sơn) và hình như chỉ có một vị luật sư quả cảm dám đứng ra hỗ trợ cho ông này!
Thế nhưng, khi Hoa Kỳ tuyên bố nhảy vào vòng chiến trên Biển Đông, siêu hàng không mẫu hạm USS G. Washington vừa mới tham gia tập trận trên vùng Hoàng Hải được mấy hôm, bà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa đọc diễn văn hùng hồn ở thủ đô Hà Nội xong thì… đột nhiên ngọn gió tâm lý đã đổi hướng 180 độ ngay. Trong khi Trung Quốc hung hăng thực hành tiếp cuộc tập trận lần thứ hai trên biển Hoàng Hải, thì tại Việt Nam, công ty Vedan bắt đầu xuống giọng và đề nghị tăng tiền bồi thường lên gấp đôi (từ 56 tỷ lên đến 130 tỷ đồng), và … Ôi chao! Cả chục luật sư ào ào xông ra đòi biện hộ cho các gia đình nông dân. Ngoạn mục hơn nữa là chính ông Bộ trưởng Tài nguyên Phạm Khôi Nguyên cũng “nóng máu” làm ngay một buổi họp báo, tuyên bố dứt điểm với Vedan vì nắm chắc phần thắng “trăm phần trăm”. Ra là thế đấy, Vedan chịu tăng tiền bồi thường lên gấp đôi, cả trăm tỷ đồng, đâu có ít, cho nên người ta phải lợi dụng thời cơ nhảy vào “đớp hít” chứ, cơ cấu Xã Hội Chủ Nghĩa chạy theo mô hình kinh tế thị trường mà lỵ!
Tuy nhiên, không ai chịu khó nhìn xa hơn một chút, để thấy rằng Vedan cũng chỉ là một hình ảnh điển hình cho “hình thức đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam”. Đất nước Việt Nam nghèo, mới thoát xong chiến tranh điêu tàn, rất cần đến đầu tư tiền bạc và kỹ thuật của ngoại quốc vào để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội. Nhà Nuớc Việt Nam nên biết rằng các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam để tìm lợi nhuận, họ đem nhà máy, thiết bị sang đây để sản xuất, đương nhiên sẽ gây vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng họ đâu thể bỏ hết vốn liếng ra để lo toàn bộ vấn đề ô nhiễm, vì như thế họ sẽ lỗ chỏng gọng, không có lý do gì hiện hữu nữa. Một khi họ quyết định đóng cửa toàn bộ nhà máy thì cả ngàn nhân công, kỹ sư, cán sự Việt Nam sẽ lâm tình trạng thất nghiệp dài dài, có tốt đẹp gì cho kinh tế Việt Nam đâu. Nếu các ông ty ngoại quốc khác nhìn thấy cách cư xử “cạn tàu ráo máng” của Nhà nước Việt Nam thì họ sẽ nghĩ sao? Đừng trách tại sao Việt Nam đã bị thế giới hạ thấp điểm trong vấn đề tín dụng thương mại!
Theo kinh nghiệm ở những nước tư bản như Canada, chính phủ họ đã khéo léo hỗ trợ các công ty này bằng cách gửi kỹ sư, cán sự vào học nghề, đi vào nhà máy để cùng nhau tìm phương án giải quyết vấn nạn môi trường. Vừa làm, vừa học, vừa trau dồi kinh nghiệm để sau này, hết hạn BOT (Xây dựng – Khai thác – Chuyển giao), thì chính các kỹ sư Việt Nam này sẽ đảm nhiệm toàn bộ sản xuất, thay thế người ngoại quốc. Đó là hình thức học và làm để duy trì cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm. Thế nhưng sự kiện Vedan đã chứng tỏ Nhà nước không nhìn ra được vấn đề thâm sâu cho thế hệ tương lai. Khi cần mời mọc các công ty ngoài vào Việt Nam, các ông cán bộ Nhà nước một mực khúm núm, thiếu điều lạy lục, sẵn sàng đặt bút ký văn bản, chịu nhiều điều kiện vô lý của người ngoài, cốt sao bản thân các ông kiếm được một chút “cơm thừa, canh cặn” trong các dự án này là đủ để tận hưởng giàu sang phú quý. Đến khi tình trạng ô nhiễm môi trường quá sức trầm trọng, các ông cũng chỉ biết dương mắt ếch ngồi nhìn, người dân nghèo có bị thiệt hại mùa màng, tài sản thì các ông cũng chỉ biết “ậm ờ” cho qua, không có lấy một giải pháp kỹ thuật hay kinh tế nào dám đưa ra. Các ông sợ bể nồi cơm, nhất là công ty Vedan lại trực thuộc tập đoàn Đài Loan. Nói cho rõ rằng các ông sợ bóng vía thiên triều Trung Quốc mà đành ngậm miệng. Trung Quốc càng diệu võ dương oai ngoài biển Đông thì các ông càng co rúm người lại, chưa nói là có kẻ trong hàng ngũ các ông lại nuơng nhờ “bóng mây đen” mà sẵn sàng dâng đất, hiến tài nguyên cho “kẻ địch”.
Đến khi Hoa Kỳ chính thức nhập cuộc trong màn tranh chấp Biển Đông, thì chính các ông lại “trở cờ theo gió”, lợi dụng thế lực Mỹ để bắt chẹt Vedan và xúm xít nhảy và tranh giành “xôi thịt”. Nếu các ông thật sự nghĩ cho nước non, thì sự kiện đã được giải quyết từ lâu rồi, chẳng phải chờ đợi đến ngày nay. Ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã giải quyết xong vấn đề Bauxite Tây Nguyên đâu? Ông đã tìm được phương án tối ưu cho vấn nạn bùn đỏ độc hại chưa? Hàng ngàn công nhân Trung Quốc lao động phổ thông (nghề tạp dịch) vẫn còn đóng quân trên “nóc nhà Đông Dương” đấy, Nhà nước đâu dám hó hé? Còn bà Bộ trưởng Thương binh Lao động, bà lặn đi đâu rồi? Luật pháp Việt Nam đâu có cho phép lao động phổ thông (tạp dịch) nước ngoài vào cướp đoạt “miếng cơm manh áo” người dân Việt Nam trong nước, hở bà?
Kết luận: Đúng là “cháy nhà mới ra mặt chuột”, theo dõi sát tình hình mới thấy khả năng tư duy của các vị cán bộ Nhà nước quá sức thấp kém, tất cả không khác gì một bè lũ chỉ biết chạy “theo đóm ăn tàn” mà thôi.
Buồn thay cho vận mệnh nước nhà!
Tài liệu dẫn chứng: Vào Tuổi trẻ online, gõ hai chữ Vedan thì sẽ đọc được toàn bộ hồ sơ “pháp lý”, kỳ kèo giá cả giữa hai bên.
Canada 30-07-2010
© 2010 Lê Quốc Trinh
© 2010 talawas
Bình luận
10 Comments (bài “Lê Quốc Trinh – Theo đóm ăn tàn”)
[…] Ngày 1 tháng 8 năm 2010 vừa qua, trên diễn đàn talawas, vừa có bài viết (“Theo đóm ăn tàn”) của tác giả Lê Quốc Trinh cập nhật nhiều sự kiện liên quan đến […]
[…] 1 tháng 8 năm 2010 vừa qua, trên diễn đàn talawas, vừa có bài viết (“Theo đóm ăn tàn”) của tác giả Lê Quốc Trinh cập nhật nhiều sự kiện liên quan đến […]
[…] Ngày 1 tháng 8 năm 2010 vừa qua, trên diễn đàn talawas, vừa có bài viết (“Theo đóm ăn tàn”) của tác giả Lê Quốc Trinh cập nhật nhiều sự kiện liên quan đến […]
Thân chào bác Tri Ngộ,
Thành thật cám ơn những lời cổ vũ của bác. Tôi không dám nhận hai chữ “Tài và Đức” bác nói, trong lòng chỉ nghĩ đến lương tâm chức vụ người trí thức mà thôi.
Chỉ trong hai tuần đọc tin tên báo Mạng VN tôi cảm thấy thật bất nhẫn và cay đắng trước vài sự kiện nổi bật trong nước:
– Sự kiện hai em nữ sinh vị thành niên ở Hà Giang bị cưỡng ép bán dâm cho nhiều quan chức lớn, mặc dù ông chủ tịch UBND tỉnh (Nguyễn Trường Tô) đã bị cách chức, thế mà hai em vẫn còn bị giam cầm trong tù, mặc cho luật sư phản kháng, mặc cho dân tình kêu ca kiến nghị (đọc Mẹ Nấm gần đây). Các hội đoàn nhân quyền trên thế giới biết được chuyện này thì VN ê mặt, nhục nhã biết bao ?
– Sự kiện anh sinh viên trẻ tuổi Phan Minh Mẫn vì bảo vệ mẹ và em gái mà đành phải xuống tay hành thích người cha hung tàn, say sưa, nay phải đối đầu với một bản án tử hình khắc nghiệt mặc cho dư luận lên tiếng ngăn cản (đọc Tuổi Trẻ có hơn 432 ý kiến độc giả trong vài ngày xin tha tội chết cho em). Thế mà chưa thấy vị luật sư nào lên tiếng bào chữa hộ em ?
– Sự kiện hàng ngàn hộ dân nghèo bị thiệt hại nặng nề trong vụ Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải, suốt hơn hai năm nay, gần như khánh kiệt, thế mà chưa hề nghe luật sư đoàn hay chính phủ lên tiếng giúp đỡ. Đến nỗi họ tuyệt vọng gần như bỏ cuộc, đành nghĩ đến bãi nại, chỉ vì án phí toà án quá cao. Đột nhiên Vedan xuống nước tăng tiền bồi thường lên gấp đôi (hơn 130 tỷ đồng) thì cả 40 văn phòng luật sư (hơn 140 vị) đổ xô đến đòi biện hộ ngay. Ví thử Vedan cứ cù nhây với giá biểu bồi thường như cũ, thì có vị luật sư nào sẵn lòng đứng ra cãi miễn phí cho người dân nghèo chăng ? Và ông bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Phạm Khôi Nguyên có vung tay tuyên bố ầm ỹ nữa không ?
Tôi xin phép hỏi bác Phùng Tương Vân, từng là thẩm phán dưới thời VNCH, rằng trong lịch sử tư pháp VN có vụ án nào cần đến hơn 140 luật sư đứng ra tranh cãi cho hàng ngàn hộ dân nghèo không ? Chẳng lẽ 140 vị thay phiên tranh cãi trước toà, kéo dài lê thê hơn mấy tháng trời, thì tiền án phí, tiền chi phí thù lao cho quý vị sẽ cao ngất ngưởng đến mức độ nào ? 130 tỷ đồng (khoảng 7 triệu đô la) chắc vừa đủ đế trả thù lao cho 140 luật sư tranh cãi trong ba tháng, rốt cuộc người dân nghèo sẽ được gì ? Và nếu trước khí thế ăn thua đủ của chính quyền VN như thế, Vedan sẽ tuyên bố phá sản, đóng cửa nhà máy và rút lui ra khỏi VN, thì người dân VN được gì ? Chẳng lẽ rước cái xác nhà máy tan hoang, tiêu điều để mở quán bia ôm chắc ?
Đất nước VN chúng ta đang lún dần vào vũng bùn XHCN nhơ nhớp, luật pháp bày ra cốt để làm tấm bình phong che đậy những xấu xa tệ hại của chế độ. Một tập đoàn lãnh đạo Nhà Nước không hề do dân bầu lên thì có lý do gì họ phải hy sinh tận tụy làm việc cho dân nhỉ?
Mến chào bác,
Cám ơn bác Trương Đức rất nhiều. Tôi viết nhanh và vội cho nên quên không chỉnh lại lỗi chính tả. Nhờ bác mà tôi ôn lại được những gì đã quên sau mấy mươi năm xa nhà.
LQ Trinh
TB: Tôi cũng mới phát hiện một lỗi đánh máy trong câu cuối cùng (phần tư liệu dẫn chứng). Đề nghị BBT Talawas sửa lại chữ “giái cả” thành “giá cả”.
@bác Lê Quốc Trinh thân mến,
Trước kia có anh Hưng Quốc là người thường “bắt” lỗi chính tả trên talawas này, nhưng thời gian gần đây không thấy anh ấy xuất hiện. Tôi cũng hay “nhắc khéo” vài bác về lỗi chính tả, nhưng từ khi “hứa” là:
Lần sau có viết phản hồi
Những lỗi chính tả thì thôi đừng… “sờ”!
Nên tôi cũng đã rất “dè dặt” trong chuyện này!
Hôm nay đọc bài viết này của bác, tôi thấy bác “vận dụng” một loạt thành ngữ, tục ngữ “nhuần nhuyễn” quá mà “phát ghen” lên! Thế cho nên, tôi cũng “theo đóm ăn tàn”, xin “nhắc khéo” bác vài lỗi chính tả như thế này:
1. “Ì xèo”, chứ không phải “ỳ sèo”.
2. “Giương mắt ếch”, chứ không phải “dương mắt ếch”.
3. “Cháy nhà ra mặt chuột”, chứ không phải “cháy nhà mới ra mặt chuột”, từ “mới” ở đây là thừa.
4. Cũng như thế, bác viết: “tất cả không khác gì một bè lũ chỉ biết chạy “theo đóm ăn tàn” mà thôi.”, thì từ “chạy” là thừa, bởi vì nó làm cho câu văn có một nghĩa khác hẳn.
Xin được hoan hô bài viết của ông Lê Quốc Trinh.
Muốn cho vận mệnh nước nhà khá hơn và tương lai người dân sáng sủa hơn, chúng ta cần nhiều người ở VN có một trình độ tốt về kỹ thuật và khoa học trên mọi lãnh vực (TÀI) và những người này cũng phải có một trình độ luân lý đạo đức thích ứng (ĐỨC). Theo như việc xảy ra với công ty Vedan và cách hành xử của nhà nước, mình có thể kết luận vội vàng là các vị lãnh đạo VN hiện nay thiếu cả tài lẫn đức và điều này theo như ông LQT nói thì đáng buồn thật.
Trên khắp thế giới hiện nay, chúng ta có hơn 300 ngàn người Việt hải ngoại có học vấn cao về mọi ngành (còn được gọi là những người trí thức). Chỉ cần một nửa số người này về giúp quê hương là tình thế quê nhà sẽ được chuyển đổi nhanh chóng.
Muốn được như thế, các ông bà lãnh đạo VN hiện nay phải thay đổi hiến pháp và cải tổ guồng máy cai trị nước. Nói thì dễ mà làm rất khó vì cái bánh xe quản trị của nhà nước hiện nay có một trọng lượng và đà lăn (inertia and momentum) lớn lắm. Theo đúng phương trình của ông Newton F = ma thì chúng ta cần một sức mạnh lớn mới phá vỡ hay chận lại cái đà lăn hiện tại.
Sức mạnh lớn này có thể có được nếu có : 1. sự vùng dậy của quân đội nhân dân VN, 2. sự vùng dậy của dân chúng. Một cuộc cách mạng thật sự. Máu có thể đổ, đầu có thể rơi. Chúng ta không ai muốn điều đó. Nhưng hình như không có giải pháp nào khác. Chỉ có một cuộc vùng dậy do chính người dân trong nước mới thay đổi được vận mệnh nước VN.
[…] http://www.talawas.org/?p=22954 […]
“Các ông sợ bể nồi cơm, nhất là công ty Vedan lại trực thuộc tập đoàn Đài Loan. Nói cho rõ rằng các ông sợ bóng vía thiên triều Trung Quốc mà đành ngậm miệng.”
Tôi biết Đài Loan và Trung Quốc là cùng người Tàu nhưng Đài Loan và Trung Quốc nay lại có cùng một bóng vía?
[…] THEO ĐÓM ĂN TÀN (VỤ VEDAN) Bởi ngoclinhvugia Theo đóm ăn tàn […]