Trương Thái Du – Từ Phạm – Đặng đến Ngô Bảo Châu
22/08/2010 | 11:00 sáng | 11 Comments
Category: Báo chí - Truyền thông
Thẻ: Đặng Thái Sơn > Ngô Bảo Châu > Phạm Tuân
Cách đây đúng 30 năm, sự kiện Phạm Tuân bay vào vũ trụ và Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi dương cầm mang tên Chopin đã nối tiếp nhau tạo thành cơn địa chấn thông tin tại Việt Nam. Báo in, truyền hình và đài phát thanh ầm ầm chạy hết công suất nhằm vinh danh hai người anh hùng. Mọi ngóc ngách trong đời sống riêng tư của họ đều được soi chiếu ở góc độ đẹp đẽ nhất. Chẳng hạn Phạm Tuân hồi còn đi chăn trâu ở Thái Bình có sức khỏe như thánh Gióng, Đặng Thái Sơn phải dùng dầu cù là Sao Vàng diệu kỳ để trị mấy khớp ngón tay bất trị trong mùa đông Mạc Tư Khoa. Họ hàng nội ngoại, bè bạn xa gần của hai nhà Phạm – Đặng được một phen hớn hở tươi cười trên báo chí và vô tuyến. Người cậu ruột của Đặng Thái Sơn, liệt sĩ cộng sản Thái Văn Lung chắc cũng ngậm cười nơi chín suối. Ảnh em gái ông và đứa cháu “áo gấm về làng” thắp hương trước mộ ông được cả nước biết.
“Quan nhớn” Tố Hữu lên màn ảnh nhỏ đọc một bài thơ rất dài, có mấy câu tương phản rất độc đáo và rất dễ nhớ:
“…Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ
Đời vui thế khi ta làm chủ
Anh em ơi, đồng chí mình ơi…”.
Sau đó ít lâu, tổng kết “cơn địa chấn” ấy, một vị chức sắc trong Thông Tấn Xã Việt Nam đã nhận xét riêng tư và bán chính thức là truyền thông hơi quá đà, thiếu biện chứng giữa thành quả cách mạng chung và đỉnh cao riêng tư. Riêng trong lớp tiểu học của tôi, một cậu “bắc kỳ rón” đã xuýt đánh nhau với tên tiểu tư sản Nam kỳ dám “chọc quê” nhà nước XHCN bằng một truyện cười dân gian: “Rời khỏi khoang đổ bộ tàu vũ trụ, Phạm Tuân lập tức được kiểm tra sức khỏe. Mọi thứ của anh đều hoàn hảo, trừ đôi tay không hiểu vì sao lại đỏ tấy và sưng vù lên. Sau một hồi được làm công tác tư tưởng, họ Phạm đành thú thật: Công việc theo dõi bèo hoa dâu phải nói là nhàn, tính táy máy cố hữu của anh lại không thể kìm nén vì tàu vũ trụ rất nhiều đồng hồ chỉ thị và nút bấm. Cứ mỗi lần Phạm Tuân ngứa tay sờ bậy đều bị Gorbatco cảnh cáo bằng một chiếc thước kẻ giáo viên. Bảy ngày đằng đẵng mới ra nông nỗi như vậy”.
***
Ba mươi năm đã qua, các phương tiện truyền thông đã phát triển rất đa dạng và tiến bộ vượt bậc, một lần nữa xã hội Việt Nam lại “vỡ òa cảm xúc” với sự kiện Ngô Bảo Châu đoạt huy chương toán học mang tên Fields. Nó nhấn chìm mọi thứ, từ những cô hoa hậu hở hang ngoài bãi biển đến nỗi lo thường nhật của từng người đọc, của mỗi công dân mạng. Sự xúc động dâng trào đến nỗi ai đó chẳng chịu dò thử tự điển mở wikipedia, vội vàng chấp bút cho Thủ tướng chính phủ[1]: “Giải thưởng Toán học cao quý nhất của thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai của châu Á có nhà toán học được nhận giải thưởng vinh dự này”[2].
Điều đáng quí nhất ở Ngô Bảo Châu mà tôi thấy là sự mãn nguyện, bình tâm và thanh thản, sau khi kết thúc hoàn hảo một công việc. Họ Ngô đã trở thành bất tử, ít nhất là trong lịch sử toán học Việt Nam. Xin nợ lại GS Ngô Bảo Châu một lời chúc mừng mà anh đã có thừa. Thiển nghĩ, điều bổ ích hơn tôi nên làm lúc này là nghiêm túc so sánh hai sự kiện truyền thông cách nhau 30 năm.
1. Phạm Tuân có thể chất tuyệt vời. Đặng Thái Sơn ẩn chứa một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm và sâu sắc[3]. Ngô Bảo Châu thì rõ ràng nổi trội về trí tuệ. Làm sao để những đỉnh cao ấy không còn lạc lõng tại xứ sở đã sinh thành ra mình?
2. Ba mươi năm tức là một thế hệ, niềm vui lớn lao như thế mới tái hiện. Đáng ngậm ngùi hay không? Nhìn về tương lai còn thê thảm hơn, một trong những ông thầy “nội địa” uyên bác của Ngô Bảo Châu, GS Lê Tuấn Hoa trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 22.08.2010 như sau: “Nhiều người dự đoán ‘hiện tượng Ngô Bảo Châu’ phải ít nhất 20 đến 30 năm nữa mới lập lại nhưng tôi thấy thế vẫn là quá lạc quan, phải ít nhất 50 năm sau chúng ta may ra mới lại có một nhà toán học như Châu…”
3. Bỏ qua danh hiệu phù phiếm “phi hành gia Á châu đầu tiên” của Phạm Tuân, sự nghiệp sau giải thưởng của Đặng Thái Sơn chứng tỏ ông rất xứng đáng là người châu Á giành niềm vinh quang “đầu tiên” với âm nhạc của Chopin. Đến Ngô Bảo Châu thì anh chỉ còn là người Đông Nam Á đầu tiên. Không ai có thể phủ nhận thành tích cá nhân của họ Ngô, nhưng người Việt Nam nên chừa chỗ trăn trở với sự thụt lùi giá trị của mình ở tầm nhân loại, hơn là mù quáng đeo bám niềm hãnh tiến vô độ với huy chương Fields.
***
Ba mươi năm vật đổi sao dời, vậy mà khí thế “lãng mạn cách mạng” hừng hực trên mặt trận truyền thông Việt Nam chưa hề suy suyển. Tuy nhiên, “quan nhớn” hôm nay có vẻ ít thanh tao mặc khách hơn, ngài tặng bút và “sờ đùi” chứ không làm thơ. Nhộn hơn cả vị đại gia gợi ý tặng biệt thự, thế giới mạng ầm ầm bút chiến lôi kéo nhân vật chính về “lề” của mình. Họ cố gắng chứng tỏ IQ quần chúng cao hơn cả nhân tài toán học, bằng cách ra chiều dạy dỗ, vuốt ve và chỉ trỏ Ngô Bảo Châu nên thế này, phải thế kia, đừng thế nọ…
Ngô Bảo Châu đã tỏ ra rất có khiếu hài hước nhưng thiếu toán pháp, anh viết: “Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết, lần này cứ thắc mắc về chuyện Ngô Bảo Châu là lề trái hay lề phải. Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do[4]”.
Thật ra loài cừu được nuôi nhốt theo kiểu bầy đàn, rất chi là hỗn độn, chả công thức toán học nào có thể xác định quỹ đạo hoặc “lề” di chuyển của chúng. May ra thuyết hỗn mang giải quyết được, song rất tiếc đấy mới chỉ là thuyết. Hy vọng vài chục năm nữa, sẽ có một chuyên gia toán học đầu tiên của Bán đảo Đông Dương là người Việt Nam chứng minh được bổ đề “lề trái và lề phải”, góp phần làm sáng tỏ thuyết hỗn mang và giành huy chương Fields. Khi ấy, nếu trời cho tuổi và chưa già yếu cũng như lẩm cẩm, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục làm vài hàng so sánh hầu chuyện bạn đọc.
8.2010
© 2010 Trương Thái Du
© 2010 talawas
[1] http://www.vietnamplus.vn/Home/Thu-tuong-gui-thu-chuc-mung-giao-su-Ngo-Bao-Chau/20108/57183.vnplus
[2] Trước Ngô Bảo Châu, Nhật có 3 nhà toán học đoạt huy chương Fields vào các năm 1954, 1970 và 1990. Nếu cho rằng Đào Triết Hiên (Terence Tao, Fields 2006) sinh ra tại Úc, là công dân Úc gốc Hoa; châu Á vẫn còn Khâu Thành Đồng sinh tại Sán Đầu, Quảng Đông. Ông trưởng thành và học hai năm đầu đại học ở Hồng Kông. Sau khi vang danh tại Hoa Kỳ, năm 1979 ông trở về Hoa Lục tận lực cống hiến cho quê hương đến nay. Khâu Thành Đồng đã được trao huy chương Fields từ năm 1982.
[3]Tham khảo clip Đặng Thái Sơn dự thi năm 1980, có người cho rằng phong cách biểu diễn lúc ấy của anh hơi “quê kệch” nhưng ban giám khảo bị thuyết phục bởi vẻ đẹp bên trong của người nghệ sĩ: http://www.youtube.com/watch?v=BseUi3Qs5p8
[4] http://thichhoctoan.wordpress.com/2010/08/20/tam-s%E1%BB%B1-va-gi%E1%BA%A3i-dap-th%E1%BA%AFc-m%E1%BA%AFc/
Bình luận
11 Comments (bài “Trương Thái Du – Từ Phạm – Đặng đến Ngô Bảo Châu”)
Hà Minh nói:
22/08/2010 lúc 11:36 sáng
Trương Thái Du không biết rằng loài cừu tuy ngu nhưng rất kỷ luật theo lề của những con chó chăn cừu hung ác, loài chó ấy ở Úc có tên là Kelpie, họ Trương nên lên wiki tra xem Kelpie là gì
http://en.wikipedia.org/wiki/Kelpie_(dog)
những con chó chăn cừu sẵn sàng cắn xé bầy cừu nếu không chịu đi theo lề, và cũng chỉ có loài cừu mới chịu phục tùng vô điều kiện, vì vậy Ngô giáo sư đã có một ví von hết sức chính xác.
Mình tối dạ thật, đọc đi đọc lại mà vẫn chưa hiểu ý ông / bà Hà Minh nói gì….
Vai trò của Phạm Tuân trên tàu vũ trụ có gì là xuất sắc để có thể đặt ngang hàng với các thiên tài âm nhạc và toán học. Cùng lắm thì ông PT cũng chỉ làm được việc như Laika mà thôi.
Xem ra, ông Trương Thái Du là người có vẻ nắm vững toán pháp hơn người sau khi ông Du có một “phát-hiện-đắt-giá” trong chuyện phê bình câu nói “lề và cừu” của ông Ngô Bảo Châu.
Hồi trước, nếu nhà nước VN phát hiện ông Du sơm sớm và đưa qua Mỹ học thì biết đâu cái giải Fields thuộc về ông Du không chừng.
Ôi, con người ta có số có má cả chứ chẳng chơi.
Đem ông Phạm Tuân đặt ngang hàng với hai ông Đặng Thái Sơn và Ngô Bảo Châu ở bất kỳ lĩnh vực nào, phương diện nào cũng là gượng ép và khập khễnh.
“1. Phạm Tuân có thể chất tuyệt vời. Đặng Thái Sơn ẩn chứa một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm và sâu sắc[3]. Ngô Bảo Châu thì rõ ràng nổi trội về trí tuệ. Làm sao để những đỉnh cao ấy không còn lạc lõng tại xứ sở đã sinh thành ra mình?”
Tôi tâm đắc ý này của tác giả Trương Thái Du. Thế giới chắc chắn đã, đang và sẽ có rất nhiều “Ngô Bảo Châu” hay “Đặng Thái Sơn”, còn Việt Nam ta thì quá hiếm hoi.
Nhiều ý kiến trên các diễn đàn online cứ muốn các bậc tài danh như Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn tách rời khỏi (đừng dính dáng gì đến) Việt Nam (trong nước). Tôi thì mong ngược lại. Tài năng và danh tiếng của họ nếu cống hiến nhiều hơn cho dân tộc VN thì hay biết bao. Người tài giỏi sẽ có cách thích nghi, tồn tại và vươn lên trong môi trường sống dù khắc nghiệt đến đâu.
Nhiều bác mong Việt Nam mình văn minh, tiến bộ nhưng lại tỏ ra “khó chịu” khi nhiều người tài về VN giúp nước. Tôi nghĩ, dù thế nào đi nữa, khi nhiều người tài về giúp nước, VN sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn (kể cả tự do, dân chủ, đa nguyên,…).
Đã có đề xuất tặng huy chuơng Hồ Chí Minh cho Ngô Bảo Châu, và hình như đề xuất này đã được nhất trí (+ nhất chí) tốt.
Sau phát ngôn về “lề phải của con cừu” của NBC chắc các vị hớn hở, hồ hởi đang … xón, lỡ NBC tung ra vài tuyệt chiêu nữa thì chả lẽ rụt hay tụt huy chương lại?
Thưa ông Tôn Văn,
Chuyện Phạm Tuân bị đánh sưng tay như ông Trương Thái Du kể tôi cũng có nghe. Chuyện tếu mà, đâu phải chuyện thật; vì thế đánh bằng thước kẻ trong khoảng chân không là rất…hợp (nhân/vật) lý.
“Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do” (Ngô Bảo Châu”
Câu này của GS Ngô Bảo Châu hay lắm, nhưng Du giả vờ hót theo câu này thì nghe chán lắm.
Bởi khi Du đưa ra cái “quần quyền” ba xạo để phủ định giá trị của Nhân Quyền, thì Du đã không làm cái việc của Con Người Tự Do, mà đúng ra Du đã làm cái việc của con cừu, là cùng xếp hàng với ông tướng NV Hưởng để bám theo cái lề gì thì ai cũng biết rõ cả rồi.
http://www.talawas.org/?p=22616
[…] TỪ PHẠM TUÂN, ĐẶNG THÁI SƠN ĐẾN NGÔ BẢO CHÂU Bởi ngoclinhvugia Từ Phạm – Đặng đến Ngô Bảo Châu […]
GÓP DZUI!
Về Đặng Thái Sơn có một chuyện truyền miệng đại ý: Mỗi thế hệ có một cơ may và những công việc có ý nghĩa riêng.
*
Thường nghe „tao nhân mặc khách“ (người tao nhã, khách văn chương); „Thanh tao mặc khách“ chắc là „BỬA [phương ngữ, tương đương „BỔ“] ĐỀ“ của tác giả Trương Thái Du?!
*
Việc mang thước kẻ học trò và dùng nó trong môi trường chân không có hợp (nhân/vật) lý không?
*
„Lý thuyết hỗn mang“ được đưa vào đây một cách rất … HỖN (và) ĐỘN. Vấn đề „lề trái / lề phải“ rất rõ ràng và chúng ta chỉ chờ thời gian để xã hội bước qua!
Thân mến và vui vẻ!
Trương Thái Du không biết rằng loài cừu tuy ngu nhưng rất kỷ luật theo lề của những con chó chăn cừu hung ác, loài chó ấy ở Úc có tên là Kelpie, họ Trương nên lên wiki tra xem Kelpie là gì
http://en.wikipedia.org/wiki/Kelpie_(dog)
những con chó chăn cừu sẵn sàng cắn xé bầy cừu nếu không chịu đi theo lề, và cũng chỉ có loài cừu mới chịu phục tùng vô điều kiện, vì vậy Ngô giáo sư đã có một ví von hết sức chính xác.