Bùi Văn Phú – Bầu cử California: sôi nổi từ Quận Cam đến Thung lũng Hoa vàng
10/10/2010 | 2:37 sáng | 12 Comments
Category: Chính trị - Xã hội
Thẻ: Bầu cử tại Mỹ > Người Việt tại Mỹ
Chỉ còn ba tuần nữa là đến ngày bầu cử giữa nhiệm kì Tổng thống ở Hoa Kỳ. Thứ Ba 02.11 cử tri toàn nước Mỹ sẽ bầu chọn người đại diện trong chính quyền như Thống đốc, dân biểu Quốc hội, nghị viên thành phố và nhiều chức vụ khác. Cấp liên bang cử tri sẽ bầu chọn tất cả 435 ghế trong Hạ viện.
Đây là lúc để cử tri gián tiếp bày tỏ quan điểm tán đồng hay không với những chính sách Tổng thống Barack Obama đưa ra trong hai năm qua. Con số dân biểu của Đảng Dân chủ hay Cộng hoà trong Quốc hội sau ngày bầu cử 02.11 sẽ nói lên ý nguyện cử tri có muốn hành pháp tiếp tục con đường đang đi hay không. Nếu Dân chủ vẫn nắm đa số, đó là dấu chỉ chính sách của chính quyền Obama được dân ủng hộ. Ngược lại, ông cần điều chỉnh đường hướng cho hợp với ý dân hơn.
Tâm lí cử tri qua thăm dò mới nhất của hệ thống truyền thông CBS cho thấy 50% không tán đồng chính sách của Tổng thống Barack Obama về kinh tế tài chánh vì đã không kích thích phát triển và giải quyết được mức thất nghiệp còn cao gần 10%. Trong khi chỉ có 38% ủng hộ. Cũng theo CBS, nếu có bầu cử ngay lúc này 45% cử tri sẽ chọn ứng viên dân biểu Cộng hoà và 37% chọn Dân chủ. Gió mùa chính trị nay đang ngả theo Cộng hoà và có thể sẽ thành cơn giông như đã quét qua nước Mỹ năm 1994 khi Tổng thống Bill Clinton, người của Đảng Dân chủ, mới làm việc được hai năm thì Quốc hội đổi qua tay Cộng hoà khiến ông đã phải điều chỉnh lại viễn kiến chính trị nội bộ cho Hoa Kỳ.
1. Từ Quận Cam, thủ đô của người tị nạn Việt Nam
Một trong những khu vực bầu cử mà Đảng Cộng hoà đang hi vọng có sự chuyển ngựa là Điạ hạt 47 ở Quận Cam, nơi có đông người Việt sinh sống.
Cuộc tranh cử giữa Dân biểu Tiểu bang Văn Trần, tức luật sư Trần Thái Văn, thuộc Đảng Cộng hoà và dân biểu đương nhiệm Loretta Sanchez thuộc Đảng Dân chủ đang nóng lên hừng hực. Ba tháng trước, bà Sanchez ra vẻ khinh thường đối thủ vì với 14 năm trong Quốc hội, đại diện cho một khu vực có đông người gốc Mỹ-Latinh và bà cũng thường xuyên quan tâm đến những vấn đề của cử tri gốc Việt, nhất là chính sách đàn áp của Hà Nội, nên bà vững tin khó có thể bị đánh bại.
Nhưng trong vài tuần qua tâm lí cử tri có nhiều thay đổi. Trước đây bà Sanchez dẫn ông Văn gần 10%, nay chỉ còn 3%, khiến ban vận động của bà phải quan ngại. Đã nhiều lần từ chối, nay bà đã đồng ý có hai lần tranh luận truyền hình với ứng viên Trần Thái Văn. Tuần tới cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ đến Quận Cam vận động cho bà. Không khí tranh cử đang rất nóng, nhất là sau những lời tuyên bố đụng chạm đến sắc dân của dân biểu Sanchez trên truyền hình tiếng Tây Ban Nha Univision, khi bà nói: “Những người Việt và người theo Đảng Cộng hoà đang cố gắng giành lấy ghế của tôi”.
Phát biểu của bà có thể chỉ đúng một nửa. Đó là Đảng Cộng hoà muốn giành ghế vì dân biểu Sanchez là người của Đảng Dân chủ. Còn cho rằng người Việt muốn đẩy bà ra khỏi Quốc hội để đưa đối thủ là luật sư Trần Thái Văn, một người gốc Việt, vào thay thế thì cũng chỉ đúng một nửa, vì không phải mọi cử tri gốc Việt trong Điạ hạt 47 đều ủng hộ người đồng chủng.
Phát biểu của dân biểu Sanchez gây xôn xao dư luận. Bị nhiều người lên tiếng chỉ trích là mang đầu óc kì thị chủng tộc và bà đã xin lỗi. Nhưng có thể bà muốn dùng diễn đàn truyền hình tiếng Mễ để đánh thức trách nhiệm công dân của khối cử tri cùng nguồn gốc nhưng không tích cực tham gia bầu cử bằng người Việt.
Địa hạt này có 65% cư dân gốc Mỹ-Latinh, 18% da trắng và 14% châu Á. Trong khi số cử tri gốc Mỹ-Latinh là 44%, gốc Việt 18%. Khuynh hướng chính trị với 47% theo Đảng Dân chủ mà truyền thống được đa số người gốc Mỹ-Latinh ủng hộ và 31% theo Đảng Cộng hoà với một số lớn là cử tri gốc Việt.
Dân biểu Sanchez từ 14 năm qua nổi tiếng gây khó chịu cho Hà Nội vì thường xuyên nêu lên vấn đề dân chủ, nhân quyền tại diễn đàn Quốc hội. Có dịp đến Việt Nam, bà luôn tìm cách gặp những lãnh đạo tôn giáo đang bị quản chế, những nhà hoạt động dân chủ, những người đối kháng với chính quyền. Việc làm của bà khiến chính quyền Việt Nam sau đó từ chối cấp vi-sa nhiều lần, dù bà có tên trong những phái đoàn cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ đến Hà Nội thảo luận quan hệ song phương.
Quan điểm của dân biểu Loretta Sanchez về những đàn áp tại Việt Nam cũng là một cái gai cho Hà Nội như quan điểm của cựu dân biểu Cộng hoà Bob Dornan, người tiền nhiệm đã bị bà đánh bại khít khao trong kì bầu cử năm 1996. Với những phát biểu ủng hộ nhân quyền, tranh đấu cho dân chủ và việc Hà Nội ngăn cản bà đến Việt Nam nên dân biểu Sanchez đã được nhiều cử tri gốc Việt ủng hộ trong nhiều năm qua.
Về mặt công khai phản đối Hà Nội, tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam thì đối thủ của dân biểu Sanchez là dân biểu Tiểu bang Trần Thái Văn cũng có một bề dầy thành tích qua những việc làm như vinh danh Cờ Vàng, đề xuất chính sách ngăn cản cán bộ cộng sản đến khu vực Little Saigon từ ngày ông còn là Nghị viên Hội đồng Thành phố Garden Grove. Ông cũng thường xuyên lên tiếng tố giác những vi phạm nhân quyền của Hà Nội và bênh vực cho những nhà hoạt động dân chủ.
Vì thuộc về hai đảng đối lập nhau, quan điểm của dân biểu Sanchez và của luật sư Trần Thái Văn cũng đối chọi trong những lãnh vực như hôn nhân đồng tính, phá thai và chính sách di dân.
Đối với cộng đồng Mỹ-Latinh chính sách di dân là điều họ quan tâm nhất và Đảng Cộng hoà không được họ ủng hộ trong việc này. Chính vì thế mà luật sư Trần Thái Văn khi bị tấn công là ứng viên có quan điểm chống di dân cũng né tránh không trả lời rõ ràng về vị trí của ông khi được phỏng vấn trên truyền hình tiếng Mễ Univision.
Cuộc tranh cử ở Điạ hạt 47 đang gây chú ý dư luận Mỹ vì là nơi có hai khối cử tri gốc thiểu số với những quan điểm chính trị tương phản nhau. Trong những lần bầu chọn trước, dân biểu Sanchez luôn thắng đối thủ Cộng hoà với hơn 60% số phiếu. Năm 2006 một ứng viên gốc Việt là Tân Nguyễn, tuy không có thành tích hoạt động và không chính thức được Đảng Cộng hoà tiến cử ra đối đầu với bà Sanchez nhưng ông cũng được 38% số phiếu. Hai năm trước bà Sanchez tái đắc cử với số phiếu áp đảo 70%.
Những con số thống kê toàn quốc cho thấy cử tri gốc Hispanic đa số bầu cho ứng viên Dân chủ, thường là trên 60%. Nhưng nếu đúng như lo lắng của ông Peter D. Hart, một chuyên viên thăm dò dư luận cho Đảng Dân chủ được ghi lại trên tuần báo Newsweek ngày 20.09.2010, thì Đảng Cộng hoà có nhiều hy vọng nắm đa số tại Hạ viện vào ngày 02.11 tới đây. Ông Hart phát biểu: “Chúng tôi đều biết đang có bão đổ lên những ứng viên Dân chủ. Chúng tôi chỉ không biết sẽ là bão cấp 4 hay cấp 5.”
Với không khí gió mùa chính trị đang đổi, lần này trong Điạ hạt 47 dân biểu Tiểu bang Trần Thái Văn là một ứng viên sáng giá được Đảng Cộng hoà tiến cử và ra sức ủng hộ, ông có cơ hội tốt để trở thành dân biểu gốc Việt thứ hai, sau ông Joseph Cao Quang Ánh, trong Quốc hội liên bang Hoa Kỳ.
Hiện tại cử tri gốc Việt đang phải phân vân lựa chọn. Kết quả bầu cử ở Điạ hạt 47 sẽ cho thấy sức mạnh của khối cử tri gốc Việt cùng khả năng vận động ra ngoài cộng đồng của ứng viên gốc Việt.
*
2. Đến Thung lũng Hoa vàng San Jose
Tại Thành phố San Jose đang có cuộc vận động gay go giữa hai ứng viên gốc Việt để giành chức đại diện Khu vực 7 trong hội đồng thành phố.
Nghị viên đương nhiệm Madison Nguyễn trong kì bầu cử vòng nhất vào tháng Sáu vừa qua đã không được quá bán số phiếu nên cô phải vào vòng nhì vào ngày 02.11 tới đây. Hệ lụy của việc đặt tên cho khu phố Việt khởi đầu từ ba năm trước với những đề nghị, quyết định đã khiến nhiều người Việt hết còn tin tưởng vào cô. Không như các đồng viện đương nhiệm khác đều thắng vẻ vang trong vòng đầu với trên 50% phiếu bầu, Nghị viên Madison Nguyễn đang phải vất vả vận động để giữ chiếc ghế của mình.
Trong vòng đầu Nghị viên Madison chỉ được 41% số phiếu. Hai ứng viên về nhì và ba cũng là gốc Việt và có quan điểm đối nghịch với cô Madison trong vụ việc đặt tên Little Saigon. Minh Dương được 24%, Patrick Phú Lê 17%. Người về thứ tư là một ứng viên gốc Mỹ-Latinh Rudy Rodriguez được 14% và sau cùng là Vietnam Nguyễn 3%.
Tuy chỉ là chức nghị viên thành phố nhưng đây là cuộc tranh cử gay go và đã được truyền thông chú ý. Ngay cả báo New York Times mới đây cũng đã có bài viết về cuộc vận động của hai ứng viên Madison Nguyễn và Minh Dương.
Hai ứng viên đang vận động hết khả năng để có được từng lá phiếu của cử tri. Nghị viên Madison Nguyễn được sự ủng hộ của Thị trưởng San Jose, các nghị viên trong hội đồng thành phố và nhiều dân cử khác trong vùng. Cô cũng được nghiệp đoàn lao động yểm trợ. Trong danh sách ủng hộ viên phổ biến công khai chỉ có tên một người Việt Nam là Ủy viên Giáo dục Bửu Thái. Các buổi gây quỹ tranh cử của cô Madison có sự hiện diện của những thương gia, những chủ cơ sở thương mại như ông David Dương, Tăng Lập, của bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi.
Ứng viên Minh Dương được Phó Thống đốc bang California là Abel Maldonado, Giám sát viên Dave Cortese nguyên phó thị truởng San Jose và bà Pat Dando là Chủ tịch Phòng Thương mại San Jose ủng hộ. Rất nhiều hội đoàn người Việt như các hội ái hữu Không quân, Hải quân, Biệt Động quân, Cảnh sát Quốc gia có trong sách ủng hộ Minh Dương. Nhiều sinh hoạt gây quỹ cho ông đã thu hút ba, bốn trăm người mỗi buổi với sự có mặt của nhiều nhân vật cộng đồng như cựu Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, Đại úy Trần Văn Loan, ông Phạm Hữu Sơn, Lê Lộc, nha sĩ Cao Song Dũng, bà Cao Thị Tình.
Đối với nhiều cử tri gốc Việt trong Khu vực 7, qua vụ việc Little Saigon sự tín nhiệm dành cho Nghị viên Madison Nguyễn nay không còn nữa vì những quyết định của cô đã đi ngược lại ước muốn của nhiều người Việt. Họ đã tìm cách đưa cô ra khỏi nghị trường bằng một cuộc bầu cử đặc biệt vào tháng 3.2009 nhưng không thành công khi cô vẫn được 55% phiếu tín nhiệm.
Sang kì bầu chọn vào tháng Sáu vừa qua cô chỉ còn được 41% số phiếu. Nếu cộng tất cả những phiếu không chọn Nghị viên Madison trong kì bầu sơ bộ thì cô khó thắng trong tháng 11 tới.
Nhưng những người không đồng ý với việc làm của Nghị viên Madison Nguyễn cũng không hẳn đồng nhất trong một mục tiêu là đưa cô ra khỏi chính trường. Từ khi có kết quả bỏ phiếu vòng đầu, ứng viên về thứ ba là Patrick Phú Lê, với 17% số phiếu, đến nay vẫn im lặng và không đưa ra quyết định ủng hộ ai trong hai người dẫn đầu. Trong khi ứng viên Mỹ-Latinh Rudy Rodriguez đã tuyên bố ủng hộ và vận động cho Minh Dương từ nhiều tháng qua.
Như thế số phiếu cử tri đã dành cho Patrick Phú Lê là một ẩn số quan trọng. Những ủng hộ viên của ứng viên Minh Dương đang chờ một sự “Ngạc nhiên tháng Mười”. Nếu không họ chỉ còn trông vào nỗ lực của ông Rudy Rodriguez trong việc đánh thức khối cử tri gốc Mỹ-Latinh hãy tích cực tham gia bầu cử và vận động lá phiếu của họ dành cho ứng viên Minh Dương.
© 2010 Bùi Văn Phú
© 2010 talawas
Bình luận
12 Comments (bài “Bùi Văn Phú – Bầu cử California: sôi nổi từ Quận Cam đến Thung lũng Hoa vàng”)
Thưa ông, bà Thanh Nguyễn,
Tôi không thuộc vào điạ hạt của ông Cao Quang Ánh, nhưng cũng bâng khuâng cân nhắc nếu phải quyết định bầu cho ông hay không. Ông Ánh vấp một cú chết người trong vụ đi VN và bị thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tặng một nụ hôn của tử thần bằng cách choàng vai, bá cổ ông Ánh để chụp hình. Ông Sơn thừa biết tác dụng hủy diệt của cú choàng vai này lên ông Ánh đối với cử tri Mỹ gốc Việt đa số là HO và tị nạn Cộng Sản. Ông Sơn đã tìm cách huỷ diệt ông Ánh.
Cử tri Mỹ gốc Việt không bầu cho ông Ánh vì tấm hình này là mắc lỡm ông Sơn.
Những người ở Mỹ lâu lâu đều biết là người Mỹ có một không gian riêng tư xung quanh họ và không muốn người khác xâm phạm vào, họ không thích nói thật gần, quàng vai bá cổ. Ông Ánh lớn lên ở Mỹ và đây là một phản ứng tự nhiên của ông. Thế nhưng tội nghiệp cho ông Ánh là ông qúa thánh thiện và ngây thơ, không muốn mích lòng ông Sơn qua lời phân trần với cử tri “chả lẽ tôi hất ông ấy ra”.
Ông Ánh làm chính trị, ông cần cả con tim và cái đầu.
Con tim của tôi bầu cho ông Ánh, nhưng cái đầu của tôi nói là có lẽ định mệnh đã an bài. Chúc ông Ánh tái đắc cử.
Tôi ủng hộ thái độ chống Cộng (chữ Cộng ở đây nên được hiểu tương đối, vì các ông “Cộng Sản” VN giờ có hàng chục triệu đô la, con cái du học ở Mỹ, Thụy Sĩ là chuyện thường, như ái nữ của thủ tướng Dũng) của cả hai ứng cử viên Loretta Sanchez và Trần Thái Văn, đây là đối trọng cần thiết, là tiếng nói thay cho cử tri Việt gốc Mỹ đối với những hành xử vô độ của chính quyền VN. Chính quyền này yêu chuộng sức mạnh, yêu đàn áp và cần được nói chuyện bằng ngôn ngữ cứng rắn. Tôi chỉ phản đối những cú chụp mũ Cộng Sản của nhóm Trần Thái Văn, mà theo tôi làm nhảm nhí hoá chiêu bài chống Cộng.
Với tôi bà Loretta có thành tích chống Cộng, bà theo dõi thành phần đối lập VN khá kỹ, bà đã gặp tướng Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Đan Quế, vợ của các nhà đối lập như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn (khi qúi vị này đang ở tù) …, bà đã là niềm động viên, khích lệ với những người đối lập VN rằng sự tù đày hay sự hiện diện của họ được ghi nhận bởi một hạ nghị sĩ Hoa Kỳ, rằng họ không cô đơn, ở trong tù tên họ vẫn được nhắc lên ở diễn đàn hạ viện Hoa Kỳ; bà đã nhiều lần lên tiếng trước quốc hội liên bang Hoa Kỳ về những vi phạm nhân quyền, đàn áp của chính quyền VN, bà là đối trọng để chính quyền VN không tự tung, tự tác. Và tôi không thay một con ngựa đã có thành tích.
Tôi sẽ bầu cho bà Loretta Sanchez và đây là một nhận định không cảm tính, dựa trên những thành tích rõ ràng.
@Lê Anh Dũng:
Chuyện ông Trần Thái Văn xấu đến mức nào thì cộng đồng người Việt biết quá rõ và nói ra nói vô cũng nhiều. Chẳng có gì lạ. Nhưng chuyện bà Loretta Sanchez xấu ra sao thì chắc chắn là người Việt không biết một tẹo nào. Và thật là quá lạ luôn nếu ông LAD biết, hay bác nào biết và đưa ra cho mọi người tỏ tường để cho nó công bằng trong thời điểm của mùa tranh cử.
Sử dụng thủ đoạn trong chính trị, đặc biệt là tìm cách hạ gục đối thủ trong tranh cử là chuyện lẽ thường. Ông Văn và nhóm dân cử, nghị viên các thành phố- của ông, thừa sức biết vận dụng điều gì có lợi cho họ, và điều gì chỉ có tác dụng ngắn hạn trong khi vận động tranh cử. Cụ thể, họ có thể mất lá phiếu của ông LAD (hoặc của nhiều người khác) trong kỳ này. Nhưng việc ông LAD đưa sự chán ngán, hoặc thất vọng vào đây, trong cương vị của một cử tri, liệu lá phiếu đó có đúng ý nghĩa là lá phiếu đi tìm đúng người đại diện làm việc cho mình trong hệ thống công quyền(?!)
Lá phiếu trong hệ thống dân chủ là là phiếu sáng suốt, biết nhận định và hoàn toàn không cảm tính.
Một dân biểu Hạ viện liên bang, ngồi vào ghế Quốc hội chỉ để “ngáng đường Hà Nội” thì thật là uổng phí. Hơn nữa, theo bác 1mitee thì bà Sanchez thực sự không chứng tỏ được khả năng gì trong cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ. Quốc hội Hoa Kỳ cần một người biết làm việc. Việc sử dụng lá bùa chống Cộng để kiếm phiếu từ nay đã không còn linh nghiệm nhiều. Thậm chí gây nhàm chán và có tác dụng ngược (bị xem là “thiếu trí tuệ”, nhưng ông Văn và bà Sanchez vẫn còn xài).
Tôi hy vọng ông Trần Thái Văn kỳ này sẽ thắng cử và chứng tỏ mình là một người Việt Nam có khả năng trong lãnh vực pháp luật, tạo được tiếng nói trọng lượng trong Quốc hội Hoa Kỳ (như Dân biểu Cao Quang Ánh đã từng làm).
Vào thời điểm này, lợi thế cho ông Trần Thái Văn rất nhiều. Đảng CH của ông Văn nếu vận dụng chiến thuật tranh cử đúng đắn, riêng ông Văn biết cách dùng từ CHANGE một cách hiệu quả, và thông minh – như Tổng thống Obama đã từng làm – để tác động vào cử tri, thì chiếc ghế của bà Sanchez sẽ bị thay thế.
phan phan nói:
Bà Ninh nói hành động cuả bà Sanchez chẳng qua là mỵ dân (cử tri), là chỉ để hài lòng thành phần chống cộng ở Mỹ để kiếm phiếu. Bà Ninh nói rất đúng. Đường lối hành động cuả dân biểu/nghị sĩ các nước dân chủ là phục vụ cho ý muốn cử tri đã bầu cho họ, dù với 1 số người ý muốn đó là thiếu trí tuệ, thiếu tư cách đến đâu nưã.
Xin góp một ý rất vụn vặt: nếu “rất đúng” là “mỵ dân (cử tri)”, bà Sanchez cũng như các “dân biểu/nghị sĩ các nước dân chủ” chỉ giả vờ “phục vụ cho ý muốn cử tri” sẽ “bầu cho họ” thôi chứ nhỉ!?
Đốt Lò Hương Cũ
“Thân sinh của Luật sư Trần Thái Văn là Giáo sư Anh Văn Trần văn Điền…”
À thì ra thế, ai chứ ông Điền là một nguời dậy Anh Văn khá quen thuộc của Sàigon ngay từ những năm 60, tiếp tục cái giai đọan “Anglais vivant” (édition bleue, édition beige…)khởi đi từ các ông Lê Bá Kông, Lê Bá Khanh; tên ông Trần Văn Điền thường cặp kè với tên ông Bùi Đình Mạc. Cũng lò dạy Anh Văn (tư) còn cặp ông, bà Nguyễn Ngọc Linh, cặp ông Bình ông Bằng của tư thục Hàn Thuyên. Bên Chu Văn An thì có ông Đỗ Khánh Hoan, nhưng ông này sau lên dạy trên Văn Khoa, tôi còn nhớ một vị dạy Anh Văn của Sàigòn vào thuở ấy là ông Hoàng Gia Lịnh, nhưng đã lâu lắm không nghe tin của ông nữa. Vị giáo sư Anh Văn đầu tiên của tôi là ông Bùi Ý ở trường Quang Trung, thị trấn Đống Năm, tỉnh Thái Bình vào những năm đầu tản cư.
Những trận gió lớn thổi qua trên đất nước ta không biết đã đưa những vị ấy đến những bến bờ nào xa lắc, tôi xin được mượn khung PH này gửi đến quý vị đa số là biết mà không quen ấy lời chúc bình an trân trọng.
Thân sinh của Luật sư Trần Thái Văn là Giáo sư Anh Văn Trần văn Điền tác giả của cuốn sách Thành ngữ Anh Văn , chứ không phải là Trần Đoàn , mẹ của ông là Nha sĩ.
Theo phản hồi của một số qúi vị, tôi đã nặng lời khi dùng những chữ như thiếu tư cách, thiếu trí tuệ. Làm chính trị chuyên nghiệp thì cần liên kết thành khối hay nhóm để hậu thuẫn cho nhau. Nhóm Trần Thái Văn, Nguyễn Quốc Lân, Nguyễn Quang Trung, Andy Quách hiểu rõ nguyên lý cần thiết này và đã trở thành một khối. Vì là một khối nên việc chia xẻ những vinh quang cũng như tiếng xấu gây ra bởi những thành viên của nhóm là chuyện công bình vì thành viên của những nhóm này hội họp, bàn bạc và hành động theo chương trình thỏa thuận với nhau.
Theo tôi, tranh cử mà chụp mũ Cộng sản lên nhau là yếu, là trò ma bùn thiếu tư cách. Nó làm mất đi ý nghĩa cao thượng của hoạt động chính trị. Chiến thuật thiếu tư cách này tới từ việc đánh giá sai lầm suy nghĩ của cử tri. Có lẽ nhóm ứng cử viên tác giả của việc chụp mũ Cộng sản lên nhau đánh giá cử tri là những người kém óc phán đoán; cứ dán nhãn CS lên nhau là cử tri sẽ húc vào đó như những con bò húc vào tấm vải đỏ muá lên bởi những matador. Kết quả diễn biến ngược lại là câu trả lời của cử tri với lời chụp mũ. Đánh giá quá sai cử tri này dựa trên việc coi thường cử tri. Nhận định sai, rồi việc chụp mũ Cộng sản được biến thành một con át chủ bài của chiến dịch tranh cử là thiếu trí tuệ.
Kết qủa các cuộc bầu cử điạ phương, tiểu bang, cũng như liên bang ở Mỹ cho thấy việc thắng thua nhiều khi được quyết định chỉ bởi sự chênh lệch của vài chục phiếu. Do đó lá phiếu của từng cử tri gốc Việt là quan trọng với từng ứng cử viên, lá phiếu này là quan trọng cho thế giá của cộng đồng Việt Nam của Mỹ. Do đó, tôi cổ võ việc cử tri Việt Nam tích cực tìm hiểu, tích cực tham gia bầu cử tất cả các cấp tại Mỹ.
@Hòa Nguyễn
Ứng cử viên Trần Thái Văn, không phải Vân, là con của GS Anh văn Trần Đòan, tác giả quyển Tự Điển Anh Ngữ Bỏ Túi rất phổ thông thời 1960-1970.
Nữ Dân Biểu Loretta Sanchez trước đây được phiếu của cộng đồng Hispanic cùng chủng tộc với bà, thêm vào đó là phiếu của cộng đồng Người Mỹ Gốc Việt trong Khu vực 47 nên đã được tái cử hơn mười năm nay. Nhưng vừa rồi vụ bà Sanchez dùng lời lẽ chia rẽ chủng tộc trong một buổi phỏng vấn trên TV khiến bà bị báo chí, truyền thông chỉ trích khá nặng nề và TTV chỉ còn thua bà 2, 3% là trong vòng sai số của thăm dò nên đây là một cuộc bầu sít sao, rất đáng theo dõi.
Việc cử tri gốc Việt lần này bỏ phiếu cho ứng cử viên CH Trần Thái Văn cũng dễ hiểu như trong năm 2008 đại đa số cử tri gốc da den đã bỏ phiếu cho Ông Obama vậy thôi.
Nhưng trong thành phần lãnh đạo các ủy ban của Hạ Viện, bà Sanchez không chứng tỏ một khả năng lãnh đạo vượt trội nào dù Đảng Dân Chủ hiện nắm đa số. Bà đã không đưa ra được một đạo luật nào trong suốt thời gian phục vụ đến nay. Do đó khi tình hình có vẻ nguy ngập, bà phải nhờ cựu TT Clinton đến vận động giúp bà. Việc TT Obama không đến nói lên tình trạng Đảng Dân Chủ không được lòng cử tri lúc này. Giới phân tích thời cuộc cho rằng Hạ Viện sẽ do Đảng Cộng Hòa nắm sau bầu cử; thượng viện thì chưa rõ lắm vì ứng viên Đảng Cộng Hoà ở Connecticutt lúc này thua điểm ứng cử viên Dân Chủ xa. Đảng CH cần thắng thêm 9 ghế TNS rồi mời lại TNS độc lập Joe Lieberman cùng dự họp (caucus) với Đảng CH là có đủ đa số để nắm quyền trong thuợng viện.
Dẫu vậy nếu hạ viện sang tay CH thì các chương trình dự tính của TT Obama sẽ rất khó để được chuẩn chi vì hạ viện phải là nơi xuất phát các đạo luật về thuế má và chi tiêu, nghĩa là giữ túi tiền. Thượng viện thì có ưu thế hơn về ngoại giao.
Chuyện tố nhau là thân cộng hay làm lợi cho cộng giữa ông DB (Tiểu bang) Trần Thái Vân và bà GSV Janet Nguyễn nay được xí xóa, và họ đang giảng hoà. Theo báo Người Việt hôm nay ” GSV Janet Nguyễn tuyên bố chính thức ủng hộ DB Trần Thái Văn trong cuộc đua giành chức dân biểu liên bang Ðịa Hạt 47 qua một cuộc họp báo tại văn phòng vận động của đảng Cộng Hòa Orange County ở Garden Grove sáng Thứ Bảy”.
Dù đây là do dàn xếp nội bộ của đảng Cộng Hòa (hai ông bà này đều là CH), nếu con người dễ quên hơn có lẽ giúp cuộc sống chung nhẹ nhàng hơn, nhất là giữa cộng đồng người Việt vẫn là nhóm thiểu số ở quận Cam.
Vấn đề còn lại là cuộc tranh cử giữa ông Trần Thái Vân và bà Loretta Sanchez thuộc Đảng Dân chủ. Uy thế và thành tích chính trị của bà Sanchez ở Mỹ tôi nghĩ vượt xa ông Vân, và theo ông Bùi Văn Phú ghi lại tại điạ hạt 47 số cử tri gốc Mỹ-Latinh là 44%, gốc Việt là 18%, và “tuần tới cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ đến Quận Cam vận động cho bà (Sanchez)”. Nhưng nhiều người ghi nhận đảng Cộng hòa đang trong thề đi lên, và ông Phú cũng cho biết theo “thăm dò dư luận ghi lại trên tuần báo Newsweek ngày 20.09.2010, thì Đảng Cộng hoà có nhiều hy vọng nắm đa số tại Hạ viện vào ngày 02.11 tới đây”.
Cà hai ứng viên dân biểu đều rất ủng hộ công cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở VN, và ông Vân có thể nhiều nhiệt tình hơn, còn bà Sanchez nhiều kinh nghiện hơn. Bà Sanchez đang bị Hà Nội coi như là phần tử xấu (không được “welcome”), và bà cũng xuất hiện trong CĐNV ở rất nhiều dịp. Khi ông Lê Anh Dũng cho ông Trần Thái Vân là “thiếu tư cách, thiếu trí tuệ, …thủ đoạn ngớ ngẩn.” thì tôi hiểu được người nhận định như thế là thế nào, và có thể có vai trò trong cuộc tranh cử này (tôi muốn noí đơn giản là ủng hộ và vận động cho một ứng viên, như là cái quyền mọi người được làm, kể cả ông Bill Clinton). Sự đắc cử của một người nào đó sẽ có lợi hay có hại nhiều hơn đối với chính quyền Hà Nội thì thật khó nói. Nhưng có thề Hà Nội đã phận tích, đánh giá và tìm cách ủng hộ ngầm một trong hai ứng viên.
Nếu là một cử tri Việt trung bình, việc đánh giá, và chọn lựa không phải dễ, như ông Phú viết : “Hiện tại cử tri gốc Việt đang phải phân vân”. Tôi nghĩ họ phân vân giữa bên nghĩa và bên tình. Với bà Sanchez, cái nghĩa đã có từ lâu với CĐNV, còn với ông Vân cái tình đồng hương là tự nhiên ở một số người (không nói ở tất cả). Tôi không dự bầu, nhưng thật sự (hồi hộp) theo dõi kết quả cuộc giằng co giữa chuyện tình và nghĩa này.
Người Việt mình hình như không có trí nhớ dai. Bà Janet Nguyễn từng cặp kè đi lại với ông Eric Lê trong những buổi họp cộng đồng. Con đường chính trị cho ông Eric Lê đang mở rộng thênh thang, bỗng dưng tại Vnn Express đăng tin 2 BS “trẻ” ở quận Cam mang nhau ra tòa là Bs trị đau nhức Trần Hùng Phong và Eric Lê vì buôn bán làm ăn lừa gạt nhau sao đó. Kết quả của vụ buôn bán lường gạt nhau chẳng ai biết như thế nào , nhưng những tin vô cùng hấp dẫn được biết đến sau đó, bs Eric Lê chưa bao giờ là BS bên Mỹ, người đứng tổ chức buổi tiệc đón tiếp Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết với cộng đồng NVHN tại San Clemente, Nam Cali trong khi người bạn hay cặp kè với ông là bà Janet Nguyễn đang cầm cờ vàng biểu tình ông Triết phía ngoài khách sạn. Sau đó không còn thấy bs Eric Lê đi chung với bà Janet từ đó.
Gần đây vụ tổ chức 30 tháng 4, hai hội đoàn: Janet và cộng đồng Nam Cali, tranh nhau đòi đứng ra cai thầu cùng tại khu tượng đài chiến sĩ. Phe bà Janet dành được buổi sáng, cho ăn hotdog thả cửa. Phe cộng đồng giành được buổi chiều. Kết quả buổi sáng vài trăm người đến dự, buổi chiều hàng ngàn người. Sau đó là việc ra đi không lời từ giả của LS Andrew Đỗ, cố vấn thứ nhất của bà Janet, người giựt chiếc ghế Giám Sát từ tay LS Trung Nguyễn cho bà.
Chuyện dài cộng đồng Nam Cali, chúng ta chờ xem.
Ở xứ Mỹ, đúng như Ông L.A.D. nói, tấn công nhau trong tranh cử là điều cần thiết. Nếu chỉ gán cho đối thủ là làm lợi cho CS (ông Văn chưa bao giờ dùng chữ tay sai CS, 2 ý niệm khác nhau, và tôi cũng nhớ là cô Janet Nguyễn cũng từng tố cáo phiá ông Văn là… làm lợi cho CS) thì chỉ là chuyện nhỏ, không gì đến nỗi ông L.A.D. phải dùng những lời nặng nề là thiếu tư cách, thiếu trí tuệ. Là 1 luật sư tốt nghiệp ở Mỹ, có đủ trí tuệ, hẳn ông Văn phải có bằng cớ khi tố cáo người khác. Ở xứ này ngay cả tổng thống cũng bị báo chí dùng những lời lẽ thật nặng nề. Ông Bush cũng chỉ cười trừ. Tôi nhớ cách đây vài năm, trên truyền thông ở VN, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã đả kích kịch liệt bà Loretta Sanchez về thái độ chống cộng cuả bà này. Bà Ninh nói hành động cuả bà Sanchez chẳng qua là mỵ dân (cử tri), là chỉ để hài lòng thành phần chống cộng ở Mỹ để kiếm phiếu. Bà Ninh nói rất đúng. Đường lối hành động cuả dân biểu/nghị sĩ các nước dân chủ là phục vụ cho ý muốn cử tri đã bầu cho họ, dù với 1 số người ý muốn đó là thiếu trí tuệ, thiếu tư cách đến đâu nưã.
Tấn công nhau trong các chiến dịch tranh cử là chuyện bình thường, có thể gọi là cần thiết, vì cử tri cần biết những dư luận đa chiều trước khi chọn mặt gửi vàng trong sinh hoạt dân chủ, và không có ứng cử viên nào tự vạch áo cho người xem lưng.
Thế nhưng, trong những cuộc tranh cử trước đây giữa nhóm của ông Trần Thái Văn, Nguyễn Quốc Lân, Nguyễn Quang Trung, qúi vị này hay chụp mũ đối thủ là tay sai Cộng Sản Việt Nam hay làm lợi cho Cộng Sản bằng những lý lẽ rất là con nít, chắc qúi vị này nghĩ đa số cử tri là HO hay tị nạn Cộng Sản sẽ là những người bị phản xạ Pac-lốp, những lời này được phát đi, phát lại trên các chương trình phát thanh mà tôi nghe được tại Nam Cali. Janet Nguyễn, đối thủ và là đối tượng của sự chụp mũ này đã đắc cử vẻ vang vào chức vụ Giám Sát Viên quận Cam
http://en.wikipedia.org/wiki/Janet_Nguyen .
Tôi rất chán những lời chụp mũ Cộng Sản lên nhau một cách bừa bãi của một số người Việt Nam tại Mỹ. Tôi lại càng thất vọng hơn khi thế hệ thanh niên Việt Nam học hành, lớn lên tại Mỹ như qúi ông Văn, Lân, Trung … đi vào vết xe đổ này, nó thiếu tư cách, thiếu trí tuệ, nó coi thường sự phán đoán của cử tri.
Do những đòn đánh dưới thắt lưng của nhóm Trần Thái Văn, tôi không bỏ phiếu cho ông ta, vì dân biểu của tôi phải là một người có tư cách, và không dùng những thủ đoạn ngớ ngẩn.
Cập nhật:
Theo tin từ Vietland, Tiến sĩ Lê Hữu Phú đã qua đời đột ngột vì bệnh tim:
http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php?1352-Tiến-sĩ-Lê-Hữu-Phú-nhà-hoạt-động-cộng-đồng-thâm-niên-tại-San-Jose-vừa-qua-đời