Từ Hữu Ngư -Tại sao cần trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba?
10/10/2010 | 7:31 chiều | 3 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Thế giới
Thẻ: Giải Nobel Hoà bình > Linh Bát Hiến chương > Lưu Hiểu Ba
Việc trao Giải Nobel hoà bình cho người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ nổi bật nhất ở Trung Quốc chính là tái khẳng định những giá trị cao quí nhất của nhân loại, Từ Hữu Ngư (Xu Youyu), một nhà triết học, giáo sư Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, giải thưởng Olof Palme Chair, Thuỵ Điển, năm 2001-2002, đã viết như thế. Dưới đây là bức thư của ông.
___________
Thư gửi toàn thể nhân dân châu Âu:
Tôi viết thư này để thúc giục các bạn ủng hộ việc trao Giải Nobel Hoà bình năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba, người chấp bút Linh Bát Hiến chương của Trung Quốc.
Mặc dù Lưu Hiểu Ba có rất nhiều bạn bè và người ủng hộ, nhưng gần đây tôi mới biết ông và chúng tôi mới gặp nhau cách đây mấy năm mà thôi. Giữa những năm 1980, khi Lưu Hiểu Ba đã trở thành người nổi tiếng trong giới văn chương, trong dịp ghé thăm một người bạn làm công tác nghiên cứu ở Oxford, qua sách báo bằng tiếng Trung Quốc xuất bản ở hải ngoại, tôi mới được làm quen với tư tưởng của ông.
Trái ngược với quan điểm của nhiều người, lúc đó Lưu Hiểu Ba được nhiều người chú ý không phải chỉ vì những bài viết gay gắt và những lời phê bình sắc bén của ông mà còn, so với những người trí thức Trung Quốc khác, tư tưởng của ông triệt để hơn và ảnh hưởng của những lời phê phán của ông đối với hệ tư tưởng và giáo điều chính thống cũng lớn hơn.
Tôi có điều kiện theo dõi Lưu Hiểu Ba trong suốt cuộc vận động dân chủ của sinh viên hồi năm 1989. Lúc đó ông đang giảng dạy ở nước ngoài, nhưng ngay khi dấu hiệu của cuộc đàn áp vừa xuất hiện và những người khác tìm cách chạy ra nước ngoài thì Lưu Hiểu Ba lại đưa ra lựa chọn là tạm bỏ công việc nghiên cứu ông và trở về Bắc Kinh để trực tiếp tham gia vào công cuộc đấu tranh cho dân chủ.
Đêm ngày 3 và 4 tháng 6, tôi đã có mặt trên Quảng trường Thiên An Môn, tôi đứng không xa tượng Anh hùng Nhân dân là mấy. Lưu Hiểu Ba cùng với ba nhà trí thức khác đã tham gia vào cuộc tuyệt thực cùng với sinh viên; chính họ, ngay sáng sớm ngày 4 tháng 6 đã thuyết phục sinh viên rời bỏ quảng trường một cách ôn hoà và bắt đầu thương lượng với binh lính đến đàn áp, nhằm điều đình một cuộc rút lui có trật tự.
Tôi vẫn nhớ rõ sự giày vò và đau khổ của Lưu Hiểu Ba và những người bạn chiến đấu của ông khi họ phải đưa ra quyết định như thế, một quyết định đã cứu sống hàng trăm sinh viên mà chỉ sau này người ta mới hiểu.
Việc Lưu Hiểu Ba tham gia vào phong trào dân chủ năm 1989 chứng tỏ rằng ông đã chuyển từ người phê bình nổi bật về mặt văn hoá thành người trí thức quan tâm đến những vấn đề chính trị và nhà hoạt động nhân quyền.
Những hoạt động của ông trong năm 1989 có thể được nhìn nhận như là khởi đầu cho những trước tác và những hoạt động tiếp theo của ông, những hoạt động thể hiện lòng dũng cảm kiên cường và không bao giờ lùi bước dù có bị đàn áp, nhằm đòi hỏi và bảo vệ quyền con người, bảo vệ chủ nghĩa nhân văn và những giá trị phổ quát khác, và cuối cùng là, bao giờ ông cũng tôn trọng những cuộc thảo luận dựa trên lẽ phải, thoả hiệp và bất bạo động.
Trong suốt nhiều năm qua, Lưu Hiểu Ba là người đại diện nổi bật nhất và người tổ chức lỗi lạc nhất của phong trào đấu tranh vì dân quyền và dân chủ ở Hoa lục. Ông bao giờ cũng đi đầu trong những vụ phản đối, nhằm ủng hộ các nhà văn và các nhà trí thức bị tù đày vì các tác phẩm của họ, đi đầu trong phong trào ủng hộ những nông dân và thị dân bị thu hồi nhà cửa và đất đai, bảo vệ quyền trong lĩnh vực văn hoá và tôn giáo của những người thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương và thúc đẩy việc đối thoại trên tinh thần xây dựng nhằm tìm cách sống chung một cách hoà bình giữa người Hán và tất cả các dân thiểu số.
Trong một loạt cuộc phản đối nhằm ủng hộ những quyền căn bản của tất cả các công dân Trung Quớc, Lưu Hiểu Ba thường xuyên nhấn mạnh sự kiện là các quyền và quyền tự do của các công dân Trung Quốc được bảo vệ bởi hiến pháp và pháp luật Trung Quốc cũng như bởi một loạt các tuyên bố và hiệp ước của Liên Hiệp Quốc và quốc tế, trong lĩnh vực bảo vệ quyến con người và quyền công dân, đã được chính phủ Trung Quốc kí kết.
Lưu Hiểu Ba đặc biệt quan tâm đến việc buộc chính phủ Trung Quốc phải thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm được hiến pháp và pháp luật cũng như những hiệp ước và cam kết quốc tế mà cả chính phủ Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đều phải tôn trọng.
Bằng việc kí và đưa ra Linh Bát Hiến chương vào năm 2008, Lưu Hiểu Ba muốn tái khẳng định với chỉnh phủ Trung Quốc, tức là chính phủ đã kí bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, rằng đấy là những tiêu chuẩn trong quan hệ giữa nhân dân và chính phủ Trung Quốc: để được coi là thành viên đủ tư cách và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì chính phủ Trung Quốc phải thừa nhận những giá trị phổ quát đã được thể hiện trong những văn bản này.
Vì thế mà Lưu Hiểu Ba đã bị bỏ tù, đây là lần thứ ba ông bị bắt vì cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Trung Quốc. Đúng ngày Giáng sinh năm 2009, Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù. Trong lời tuyên bố cuối cùng tại phiên toà, Lưu Hiểu Ba nói rằng ông không có kẻ thù và cũng chẳng ghét ai, ông không thù oán những người đã theo dõi và bắt giam ông, không thù oán những người công an đã hỏi cung ông, không thù oán các công tố viên đã kết án ông và những quan toà đã bỏ tù ông. Thông điệp của Lưu Hiểu Ba cực kì quan trọng vì nó cho người ta thấy rằng dù những người đó có vai trò quan trọng trong việc bỏ tù ông, nhưng ông không coi họ là kẻ thù của mình.
Như một người nghiên cứu chính trị và một trí thức quan tâm đến những vấn đề chính trị và xã hội và bảo vệ quyền con người, cũng là người đã kí Linh Bát Hiến chương, tôi cảm thấy đặc biệt có trách nhiệm trong việc chỉ ra rằng chứng cớ trong bản án đọc tại toà nhằm chứng minh tội lỗi của Lưu Hiểu Ba có dẫn việc ông tham gia soạn thảo Linh Bát Hiến chương, thu thập chữ kí cho Hiến chương và nội dung của Hiến chương – là sự khiêu khích trắng trợn những giá trị phổ quát của nhân loại, khiêu khích những tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là khiêu khích chính nhân dân Trung Quốc.
Tôi cho rằng Giải Nobel Hoà bình là hiện thân và đại diện cho những giá trị căn bản nhất của xã hội văn minh: tôn trọng cuộc sống và niềm tin, tôn trọng quyền bất khả xâm phạm và quyền được tự thể hiện của mỗi cá nhân. Sự kiện Lưu Hiểu Ba và nhiều người kí Linh Bát Hiến chương khác đang bị ngược đãi và đàn áp chính là sự tái khẳng định những giá trị đó và những thách thức mà họ phải chịu đựng đòi hỏi thế giới văn minh phải lên tiếng.
Trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba là tiếng nói mạnh mẽ nhất.
Đấy sẽ là lời khẳng định rõ ràng và không úp mở những giá trị thiết tha nhất của loài người, sẽ là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ của một tỉ ba trăm triệu người Trung Quốc, và sẽ là một bước quan trọng trong việc bảo vệ hoà bình thế giới.
Chính phủ Trung Quốc có thể phá bỏ hiến pháp và cố tình chà đạp lên pháp luật, vì vậy mà chúng tôi cần những tiếng nói từ bên ngoài, tiếng nói của cộng đồng quốc tế, buộc chính phủ Trung Quốc phải lắng nghe.
Trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba cũng là sự phản đối gián tiếp tình hình hiện nay, đồng thời đấy cũng là một tín hiệu đầy quyền lực và hiệu quả.
Theo tôi, tư tưởng và hành động của Lưu Hiểu Ba hoàn toàn phù hợp với tư tưởng và hành động của Đức Dalai Lama, của Tổng Giám mục Emeritus Desmond Tutu và bà Aung San Suu Kyi; tất cả các vị đó đều áp dụng sách lược bất bạo động nhằm tạo ra những thay đổi từng bước một, thuyết phục và thoả hiệp nhằm bảo vệ quyền con người và chuyển hoá xã hội một cách hoà bình.
Phong trảo phản kháng đang lan tràn trên toàn cõi Trung Quốc, lan vào mỗi cộng đồng và ở mọi cấp độ, chúng tôi phải thận trọng nhằm ngăn chặn những xu hướng bạo động. Trao cho Lưu Hiểu Ba Giải Nobel Hoà bình có tác dụng đúng như thế: những người đấu tranh cho quyền con người ở Trung Quốc và trên toàn thế giới sẽ tìm thấy hi vọng và sức mạnh trong cuộc phản kháng dựa trên lẽ phải, bất bạo động và một lần nữa, họ sẽ nhận ra rằng khả năng sử dụng bạo lực và sự cai trị độc đoán đã thuộc về quá khứ và tất cả chúng ta đều coi là không xứng đáng.
Thân ái,
Từ Hữu Ngư
Nguồn: Why the Nobel Peace Prize should go to Liu Xiaobo: A Letter to the European People, 29/9/2010
Bản tiếng Việt © 2010 Nguyên Trường
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Bình luận
3 Comments (bài “Từ Hữu Ngư -Tại sao cần trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba?”)
Bà Lưu Hiểu Ba bị quản thúc
VOA
Bà vợ của ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến bị cầm tù vừa đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010, đã cho cả thế giới biết bà đang bị quản thúc tại gia.
Qua trang mạng Twitter hôm Chủ nhật, bà Lưu Hà nói rằng bà không được phép rời căn hộ của bà ở Bắc Kinh kể từ khi nhà chức trách cho bà thăm nuôi chồng trước đó trong ngày.
Bà cũng cho biết điện thoại của bà đã bị cắt.
Tổ chức Freedom Now có trụ sở ở Mỹ cho hay hôm thứ Sáu ông Lưu Hiểu Ba đã khóc khi nghe vợ báo tin ông đoạt giải Nobel Hòa Bình, và nói rằng ông dành tặng giải thưởng này cho những người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp đẫm máu những người biểu tình cổ súy dân chủ hồi năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/nobel-peace-prize-china-10-10-2010.html
“Tôi cho rằng Giải Nobel Hoà bình là hiện thân và đại diện cho những giá trị căn bản nhất của xã hội văn minh: tôn trọng cuộc sống và niềm tin, tôn trọng quyền bất khả xâm phạm và quyền được tự thể hiện của mỗi cá nhân. Sự kiện Lưu Hiểu Ba và nhiều người kí Linh Bát Hiến chương khác đang bị ngược đãi và đàn áp chính là sự tái khẳng định những giá trị đó và những thách thức mà họ phải chịu đựng đòi hỏi thế giới văn minh phải lên tiếng. Trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba là tiếng nói mạnh mẽ nhất. Đấy sẽ là lời khẳng định rõ ràng và không úp mở những giá trị thiết tha nhất của loài người, sẽ là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ của một tỉ ba trăm triệu người Trung Quốc, và sẽ là một bước quan trọng trong việc bảo vệ hoà bình thế giới.”(Từ Hữu Ngư)
Tôi mới phát hiện ra là bây giờ talawas đã tăng “dung lượng PH” lên gấp đôi. Xin chân thành cám ơn Ban quản lý talawas! Thế là cái cảm giác “gò bó” luôn xuất hiện mỗi khi viết PH trên talawas này đã không còn nữa, “gò bó” ơi, chào mi!
Có mấy lời “(cởi) mở màn” với các bác như vậy. Bây giờ, tôi xin được “đi vào vấn đề” như thế này:
Sau cuộc gặp gỡ sáng nay với anh bạn người TQ, tôi được anh ấy trao đổi vài cảm nghĩ của anh ấy nhân sự kiện “Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel hòa bình”. Có ba ý chính mà tôi thấy anh bạn người TQ này nói “khá lí thú”, có vẻ “lạ”. Đó là:
– Đối với nhà cầm quyền TQ, việc giải Nobel hòa bình năm nay được trao cho Lưu Hiểu Ba, rồi cũng “chẳng mảy may tác động”, như hồi năm 1989, ông Tendzin Gyaco, Đức Dalai Lama thứ 14, cũng được trao giải Nobel hòa bình. Mọi việc rồi “đâu lại hoàn đó”, cũng như sau 20 năm rồi, “Tibet vẫn là thuộc Trung Quốc”.
– Việc nhà cầm quyền TQ lần này có vẻ “lớn tiếng đe dọa” phương Tây hơn lần trước, chẳng qua cũng chỉ là sự biểu hiện rõ hơn “cơn tức tối với chính mình” của ĐCSTQ. ĐCSTQ “tức tối với chính mình” bởi vì thấy rằng, qua việc trao giải Nobel hòa bình cho một công dân TQ, cụ thể là ông Lưu Hiểu Ba, phương Tây đã “giựt” khỏi tay mình một “con bài chính trị”, và bằng hành động này, dường như, phương Tây “không sợ oai TQ” như ĐCSTQ hằng nghĩ.
– Trong tầng lớp trí thức “tân tiến” của TQ, những người có tư tưởng như ông Lưu Hiểu Ba, thì có rất nhiều. Và, những nhân vật như là Giang Trạch Dân, hay như hiện giờ là Hồ Cầm Đào, lại “được tuyển chọn và đào tạo” cũng chính từ “những nhà trí thức tân tiến” này. Sau “vụ Thiên An Môn”, nhiều trí thức bất đồng chính kiến như Lưu Hiểu Ba đã bị/được “bắt giữ” (mà thực chất là “tuyển chọn”). Trong số họ, qua một thời gian “đào tạo”, hoặc thành “những người cầm lái tiếp nối Mao Chủ Sể”, hoặc thành “những kẻ phạm tội lật đổ chính quyền nhân dân” như trường hợp Lưu Hiểu Ba.
Trên đây là những cảm nghĩ của anh bạn người TQ của tôi. Còn bây giờ, tôi xin được chia sẻ với các bác những suy nghĩ “vẩn vơ” của mình như thế này:
1. Có vẻ như nhà cầm quyền TQ, mà cụ thể là ĐCSTQ, bao giờ cũng “đi trước một bước” trên “ván bài chính trị” với thế giới phương Tây. Việc chế độ độc tài toàn trị vẫn “cường thịnh” và “trường thọ” như hiện nay ở TQ, chứng tỏ ĐCSTQ “biết” một “bí quyết” nào đó, mà các “đồng chí cộng sản khác” của Đông Âu XHCN cũ, không “biết”. Phải chăng, cái gọi là “sự “đào tạo” nên “những người cầm lái tiếp nối Mao Chủ Sể”” đã được ĐCSTQ coi trọng là “nhiệm vụ hàng đầu”? Là “công việc cốt tử” của Đảng?
2. Tôi nhớ đến một đoạn văn trong bài “Di sản hằn sâu của châu Âu” của Kertész Imre, trên talawas bộ cũ. Đoạn văn ấy là: “Một hiện thực thật rõ ràng, ít nhất hai châu Âu đã xuất hiện, với ít nhất hai kiểu phản ánh lịch sử, và kinh nghiệm chung của châu Âu. Theo đánh giá thông thường, dân chủ là một hệ thống chính trị, nhưng nếu suy nghĩ kỹ, dân chủ thực chất là văn hóa – tôi muốn hiểu trong ý nghĩa trồng trọt của khái niệm văn hóa. Tại Tây Âu, các nền dân chủ xuất hiện một cách có tổ chức; dân chủ như một hệ thống chính trị, nảy sinh từ mảnh đất văn hóa xã hội, là các nhu cầu cần thiết về kinh tế, chính trị và tư duy, bằng thắng lợi của các cuộc cách mạng hoặc của những thỏa thuận xã hội lớn. Còn tại Trung – và Đông Âu, trước tiên người ta lập ra – với mức độ có thể – một hệ thống chính trị, rồi xã hội, bằng những công việc chậm rãi, mệt mỏi, đôi khi đầy đau đớn, từ từ đồng nhất với hệ thống chính trị đó. Cái gọi là chủ nghĩa xã hội không phải như vậy sao? Tại nhiều nơi, hệ thống này xây dựng trên nền tảng một xã hội phong kiến, và sự méo mó đặc thù của nó tạo điều kiện cho hệ tư tưởng được nâng lên thành tôn giáo nhà nước, hoàn toàn mâu thuẫn với quá trình thực hành một sự vận hành. Cái mâu thuẫn tàn bạo này chỉ có thể làm cân bằng lại bằng các công cụ khủng bố, và tất nhiên, tự bản thân nó lãnh đủ mọi hậu quả.”
3. Tức là, cái công việc “lập ra – với mức độ có thể – một hệ thống chính trị, rồi xã hội, bằng những công việc chậm rãi, mệt mỏi, đôi khi đầy đau đớn, từ từ đồng nhất với hệ thống chính trị đó.” của ĐCSTQ, dường như “có hiệu quả” hơn “lũ anh em XHCN Đông Âu cũ”. Thậm chí, ĐCSTQ (và kéo theo là ĐCSVN) đã “xây dựng” nên thành công một “lớp người “từ nhân dân mà ra” đồng nhất với hệ thống chính trị độc tài-toàn trị”: những người cộng sản “nắm trong tay quyền cai trị đất nước” ở TQ (và VN). Bởi vì, ta chỉ có thể duy trì một cách tốt nhất, “vững chắc” nhất một thứ gì đấy, khi thứ đấy là của ta, và “tốt hơn hết”, là ta! Chế độ độc tài-toàn trị ở các nước TQ, VN, Bắc TT, Cu Ba,… vẫn “cường thịnh”, bởi vì nó đã được “đồng nhất” với bản thân những người cộng sản đang nắm quyền lực trong tay, những kẻ đã “thấm nhuần” rằng, “Đảng là tao đây này!”, “Nhà nước là tao đây này!”, “Luật pháp là tao đây này!”, “Mày sống hay chết, cũng là do tao đây này!”,… Và như thế, “những người cộng sản kiên cường” này, khi thấy có một ai đó “hoạt động dân chủ”, hay nói như tác giả Đinh Bá Anh là “vận động hòa bình để xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên, cho phép người dân có quyền tự do ngôn luận và tự do lựa chọn thực sự”, thì sẵn sàng kết án bỏ tù người đó ngay với tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân”, bởi vì họ quá “rõ”: “chính quyền nhân dân” ở đây, chính là họ – bản thân những kẻ cầm quyền. Và, “trớ trêu” thay cho chúng ta, bên cạnh “việc đồng nhất”, những người cộng sản TQ(và VN) còn “làm rất tốt” cái công việc cũng “không kém phần quan trọng đối với họ” , là “đàn áp phong trào đấu tranh giành tự do, nhân quyền, dân chủ” của những nhà bất đồng chính kiến với họ nữa.
4. Giờ đây, càng ngẫm nghĩ, tôi càng cảm phục cái nghĩa khí “không chịu để cho ĐCSVN “đồng nhất”” của nhà thơ Trần Dần khi ông nói “Nắm, nắm cái con cặc!”. Cái nghĩa khí ấy, đã không có được ở những con người khác, như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Hữu Thỉnh,…, rất nhiều! Nhưng bàn về “đề tài” này, tôi e rằng mình sẽ “lạc đề” mất! Xin để “dịp” khác vậy! Trân trọng.
[…] Tại sao cần trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba? […]