Julio Cortázar – Lưu vong, con đường tích cực
19/10/2010 | 2:14 sáng | 5 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: Nhà văn lưu vong
talawas – Họ là hai gương mặt sáng chói nhất của văn học Argentina thế kỉ 20. Họ đều đặt dấu ấn kỳ ảo đặc trưng cho văn học Nam Mỹ nửa sau thế kỉ 20 vào văn học thế giới. Nhưng họ không thể khác nhau hơn: Julio Florencio Cortázar (1914-1984) và người đồng nghiệp nổi tiếng hơn ông 15 tuổi, từng ảnh hưởng mạnh đến ông, Jorge Luis Borges (1899-1986).
Borges, lừng danh là một nhà văn đặc tuyển uyên bác, gần như trọn đời sống tại Argentina, giữ chức Giám đốc Thư viện Quốc gia và giảng dạy tại Đại học Buenos Aires nhiều thập niên, nhận nhiều giải thưởng văn chương quốc gia và quốc tế, dự nhiều lễ tiệc với các chính khách Nam Mỹ, trong đó có cả những nhà độc tài khét tiếng như Videla và Pinochet, và không giấu thái độ thù ghét chủ nghĩa cộng sản của mình.
Cortázar rời bỏ Argentina dưới thời Perón từ năm 1951, sống lưu vong tại Pháp cho đến cuối đời và không ngần ngại dấn thân cho những hoạt động chính trị xã hội khuynh tả tại Nam Mỹ, trong đó có việc ủng hộ Cách mạng Cuba hay giúp đỡ những nạn nhân của Videla và Pinochet.
Chúng tôi xin giới thiệu sau đây một tiểu luận của Cortázar về nhà văn lưu vong, từ kinh nghiệm của bản thân, qua bản dịch của Trần Vũ và một truyện ngắn của ông qua bản dịch của Trầm Hương.
_________________
Trần Vũ dịch
Vượt lên những tiêu cực trong đời sống lưu vong, đối với kẻ trí thức, không chỉ là việc có thể làm được mà là việc bắt buộc phải làm. Chấp nhận luật chơi do đối phương áp đặt là cho họ chiến thắng gấp đôi: Loại trừ được sự hiện diện thể xác và tiêu diệt luôn cả đời sống tinh thần của kẻ đối lập qua những công trình nghệ thuật, khoa học, văn chương.
Và nếu kẻ lưu vong quyết định nhìn sự lưu vong của mình một cách tích cực? Tuy biết mình đang trượt trên con dốc nguy hiểm của nghịch lý, tôi tin chọn lựa này tương đương với sự chấp nhận thực tế tuyệt đối có giá trị. Vì vậy tôi gióng lời kêu gọi cách nhìn thích đáng này, dựa trên tính khôi hài, cùng tính khôi hài mà dọc theo chiều dài lịch sử đã cho phép vận hành những tư tưởng và cứu cánh mà, nếu thiếu, có vẻ rồ rại hay sằng bậy.
Tôi dựa một lần nữa vào kinh nghiệm cá nhân: Sự lưu đầy vì lý do văn hoá vừa qua, tuy đã chặt đứt chiếc cầu nối tôi với đồng bào trong tư cách người đọc và phê bình, đã không gây tổn thất gì cho cá nhân tôi. Nếu những kẻ cấm tôi về nước tự cho đã hoàn thành việc lưu đày một nhà văn, họ hoàn toàn nhầm lẫn.
Thực ra, họ đã cấp cho tôi một học bổng toàn phần, để tôi hiến dâng hơn bao giờ hết cho trước tác, vì sự đánh trả của tôi vào nền độc tài văn hóa này, tôi đang và sẽ nhân lên gấp bội những nỗ lực của mình bên cạnh tất cả những ai tranh đấu cho công cuộc giải thoát nước tôi. Lưu vong, đúng. Và dứt khoát.
Nhà văn lưu vong, chắc chắn, nhưng đặt dấu nhấn trên “nhà văn”.
Những nền độc tài Nam Mỹ không có nhà văn, chỉ có phường thư lại: chúng ta đừng trở thành những phường thư lại đầy cay đắng, oán giận và buồn bã này.
Thay vì tự thương hại, tốt nhất là hãy khẳng định ― dù nghe có vẻ điên rồ ― rằng những kẻ lưu vong đích thực chính là những chế độ độc tài trên lục địa của chúng ta, lưu vong vì cách ly khỏi hiện trạng xác thực của đất nước, của công bằng xã hội, khỏi niềm vui và hoà bình.
Về sự điên rồ: cũng như sự khôi hài, nó tượng trưng một cách phá vỡ những khuôn sáo và mở ra một con đường tích cực, con đường này không hiện ra nếu chúng ta tiếp tục gập mình dưới những quy luật phải đạo và lãnh cảm của kẻ thù.
Đừng quên rằng kẻ “rồ” Hamlet cuối cùng đã thắng hệ thống chuyên chính kềm hãm xứ Đan Mạch.
Loại tấn công bằng trí tuệ này đòi hỏi phải có trí tưởng tượng, sáng kiến, óc hài hước, thậm chí cả một chút rồ dại nữa, nhưng công hiệu gấp đôi: nếu công trình trí tuệ của những người lưu vong mở ra một con đường trên quê hương (việc này có thể làm được, dù chỉ đến với một số nhỏ, qua những lối riêng), nó còn có tác động trong quốc gia tiếp cư và góp phần gia phát sự tương trợ của dân bản xứ với công cuộc tranh đấu của chúng ta.
Nhưng để thực hiện trận tấn công này, chúng ta phải dứt bỏ những gì quen thuộc liên hệ đến chữ lưu vong và trở về với chính mình, mỗi người tự nhận dạng lại mình, nhìn mình là một người mới. Sự chấp nhận thực tế mà tôi vừa đề cập chỉ có thể xảy ra thông qua sự tự phê để xé toạc những bức màn che khiến chúng ta mù quáng.
Tất cả những nhà văn thành thật đều thừa nhận là việc bị trục xuất ra khỏi xứ sở dẫn đến tiến trình tự duyệt. Sự tự duyệt xét bắt buộc và tàn nhẫn này có cùng những tác dụng giống như “Chuyến du lịch Âu châu” nổi tiếng của cha ông chúng ta.
Đương nhiên, chọn lựa này đã là tự nguyện và thú vị — chính vì ảo ảnh của Âu châu như một chất xúc tác cho những sức mạnh ngầm và tài năng vẫn còn phôi thai. Chuyến du hành đưa một nhà văn Chí Lợi hay Á Căn Đình sang Ba Lê, La Mã, hay Luân Đôn đã khai sáng, rồi từ đó chúng ta mới được phong tước hiệp sĩ, được uống chén ngọc của tri thức Tây phương.
May mắn thay, chúng ta càng lúc càng vượt qua thái độ tinh thần của những nhà văn cựu thuộc địa, thái độ này có thể hợp lý ở những thời buổi khác, nhưng trở nên lỗi thời với tính phổ biến văn hóa được cung cấp bởi các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các phương tiện thông tin chuyên sâu.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một sự tương đồng giữa chuyến du hành văn hóa kỳ thú thuở xưa với tình trạng hằn ghi vì bị trục xuất của lưu vong: Khả năng của chính sự tự duyệt xét từ vị thế một nhà văn bị bứng ra khỏi môi trường của hắn.
Vấn đề không còn là học hỏi từ Âu châu, mà là tự nghiêng mình xuống chính chúng ta ở vị trí của những cá nhân thuộc về một sắc tộc Mỹ Latin và tìm giải đáp vì sao chúng ta đã thất bại, vì sao chúng ta phải lưu vong, vì sao chúng ta sinh sống tàn tệ trong xứ chúng ta, vì sao chúng ta không biết, không biết cách cai trị, cũng như không biết cách lật đổ những chính phủ tồi tệ, vì sao chúng ta có khuynh hướng tự đề cao khả năng thích ứng nhằm che giấu những bất lực của chúng ta.
Bổn phận đầu tiên của một trí thức lưu vong là phải đứng trần truồng trước tấm gương đau buồn của sự cô đơn trong một khách sạn ở ngoại quốc và ở đó, dù thiếu bối cảnh địa phương quen thuộc và ngôn từ so sánh, thử nhận dạng vóc dáng thật của mình.
Nguồn: Cortázar parle de l’exil
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Vũ
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Bình luận
5 Comments (bài “Julio Cortázar – Lưu vong, con đường tích cực”)
Cám ơn anh Trần Vũ đã khéo léo chọn dịch bài này. Tôi thích nhất là câu : « Những nền độc tài Nam Mỹ không có nhà văn, chỉ có phường thư lại: chúng ta đừng trở thành những phường thư lại đầy cay đắng, oán giận và buồn bã này. » Tưởng tượng thế chữ « Những nền độc tài Nam Mỹ » bằng chữ « Việt Nam » thì thấy thấm thía biết mấy !
Cũng xin phép được góp vài ý kiến trong vấn đề dịch thuật, phần mà anh Nguyễn Đình Đăng đang góp ý. Dẫn lại từ phản hồi của anh Đăng như sau :
Trích :
2) ”… cet humour qui, tout au long de l’histoire, a permis de véhiculer des idées et une praxis qui, à défaut, paraîtraient folie ou délire.”
là
“… tính hài hước, dọc theo chiều dài lịch sử, đã giúp truyền tải những ý tưởng và áp dụng thực tiễn, mà nếu thiếu nó, các ý tưởng và hoạt động thực tiễn này sẽ có thể trở nên điên rồ hay hoang tưởng.”
Praxis là “quá trình hiện thực hoá các ý tưởng” (chứ không phải là cứu cánh).
Véhiculer des idées ở đây là “truyền tải (không phải là vận hành) các ý tưởng”.
Hết trích.
Về ý nghĩa chữ « praxis », theo tôi, nếu xét toàn nội dung bài viết, từ « praxis » ở đây có lẽ thuộc phạm trù « Mác học », (nhất là tác giả là một nhà văn thiên tả, ủng hộ cách mạng Cuba). Theo tập « Grand Larousse Universel » thì « praxis » có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, nguyên văn : « Chez Marx, ensemble des activités visant à transformé le monde », tạm dịch : « ở Marx, (praxis là) tập hợp những hoạt động nhằm thay đổi thế giới ». Còn ý nghĩa khác nữa (thuộc phạm trù triết học) nhưng không ghi ra đây.
Tôi không biết dịch ra sao cho gọn, nhưng ý của nó có thể hiểu như là « sự nghiệp cách mạng ».
Chữ « permettre » có nghĩa là « cho phép » chứ không là « giúp – aider ».
Chữ « paraitre » có nghĩa « hiện ra, ló ra », không có nghĩa là « trở nên – devenir ».
Câu dẫn trên, tôi xin tạm dịch lại là :
« cái hài hước này, suốt chiều dài lịch sử, cho phép chuyển tải những tư tưởng và « sự nghiệp cách mạng », mà giá như không có nó, các việc này như có vẻ điên rồ hoặc hoang tưởng. »
Dĩ nhiên « dịch thuật » cũng là một « nghệ thuật », xem vậy mà không đơn giản chút nào. Hy vọng có người chỉ giáo thêm.
Cảm ơn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đã góp ý cho bản dịch. Anh Đăng thật tinh mắt nhận ra ngay những chỗ khó khăn chưa mỹ mãn. Đúng là các từ Praxis gốc Hy Lạp, truyền thuyết Saint Graal và alibi facile du localisme đã gây khó khăn. Anh Đăng dịch « thực tiễn », « nhập môn », « bằng chứng ngoại phạm » thật hay. Một lần nữa, xin cảm ơn anh Đăng.
Bản tiếng Pháp của bài này là “Cortázar parle de l’exil” (nhan đề do Cristina Castello đặt), nhưng thật ra đây chỉ là một đoạn trích (khoảng 800 chữ) từ một bài tham luận có nhan đề là “Amérique Latine: exil et littérature” (dài hơn 3000 chữ) của Julio Cortázar. Ông đã trình bày bài này trong hội nghị “Littérature latinoaméricaine d’aujourd’hui” tại Centre Culturel International de Cérisy-la-Salle, năm 1978. Sau đó, các tham luận của hội nghị đã được in thành sách Littérature latinoaméricaine d’aujourd’hui, do Jacques Leenhardt biên tập (Union Générale d’Editions, Collection 10/18, numéro 1376, Paris, 1980). Gần đây, nguyên bản tiếng Tây-ban-nha của Julio Cortázar dưới nhan đề “América Latina: exilio y literatura” đã được đem vào bộ sách Obra Crítica của ông, do Saúl Yurkiévich biên tập (Editorial Alfaguara, Madrid, 1994), trong cuốn 3, ở trang 161-180.
So với bản tiếng Tây-ban-nha, tôi phát hiện bản tiếng Pháp thiếu một số câu văn và một số chi tiết thú vị. Julio Cortázar đã đọc bản tiếng Pháp tại hội nghị. Vì thế, tôi đoán có lẽ ông đã lược bớt để thích nghi với thì giờ ở hội nghị.
Trân trọng cảm ơn dịch giả Trần Vũ đã giới thiệu một bản dịch tiếng Việt giản dị và trong sáng của một tác phẩm sâu sắc, nêu một quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ về văn nghệ sĩ lưu vong.
Tôi chỉ mạn phép làm rõ nghĩa thêm ở một vài chỗ.
1) révision: sự xét lại (chứ không phải là duyệt xét)
révision de soi-même: xét lại bản thân mình
révisionisme: chủ nghĩa xét lại
2) “… cet humour qui, tout au long de l’histoire, a permis de véhiculer des idées et une praxis qui, à défaut, paraîtraient folie ou délire.”
là
“… tính hài hước, dọc theo chiều dài lịch sử, đã giúp truyền tải những ý tưởng và áp dụng thực tiễn, mà nếu thiếu nó, các ý tưởng và hoạt động thực tiễn này sẽ có thể trở nên điên rồ hay hoang tưởng.”
Praxis là “quá trình hiện thực hoá các ý tưởng” (chứ không phải là cứu cánh).
Véhiculer des idées ở đây là “truyền tải (không phải là vận hành) các ý tưởng”.
3) “Le voyage qui menait un Chilien ou un Argentin à Paris, à Rome ou à Londres était initiatique, on était dès lors sacré chevalier, on accédait au Saint-Graal du savoir de l’Occident.”
là:
“Chuyến du hành đưa một người Chile hoặc Argentina tới Paris, Rome hay London là một cuộc nhập môn, để từ đó anh ta được phong hiệp sĩ, rồi đạt tới ‘Chén Thánh’ của tri thức phương Tây (*).”
hoặc, giản dị hơn, là:
“Chuyến du hành đưa một người Chile hoặc Argentina tới Paris, Roma hay London là một cuộc nhập môn, để sau đó anh ta được công nhận, rồi đạt tới tinh túy của tri thức phương Tây.”
(*) Đoạn này tác giả đã dùng một cách ví von dựa trên sự tích về các hiệp sĩ Bàn Tròn của vua Arthur ở nước Anh thời Trung Cổ.
Vua Arthur đã nghĩ ra chiếc bàn tròn bình đẳng để giải hoà các vị nam tước của mình, vì không ai chịu ngồi ở chỗ thấp hơn người khác. Từ đó sinh ra tước hiệu Hiệp sĩ Bàn tròn (the Knights of the Round Table) của triều đình vua Arthur. Vào thế kỷ XII truyền thuyết này được phát triển thêm rằng chiếc bàn tròn có 12 chỗ ngồi, và một ghế trống để đánh dấu vị trí của Judas – tông đồ đã phản Chúa Jesus. Ghế đó phải để trống cho đến khi xuất hiện một hiệp sĩ, người sẽ mang về chiếc Chén Thánh. Cuối cùng hiệp sĩ Percival đã ngồi vào chỗ đó và khởi xướng cuộc đi tìm Chén Thánh.
Tương truyền Percival sinh ra trong gia đình quyền quý. Sau khi cha qua đời, Percival được mẹ nuôi nấng trong vùng rừng Wales đến năm 15 tuổi. Tình cờ một đoàn hiệp sĩ đi qua khu rừng này. Sự hùng dũng của họ đã khiến Percival kinh ngạc. Mong muốn trở thành hiệp sĩ, cậu đã lên đường đi tới kinh đô ra mắt chiều đình vua Arthur. Sau khi chứng tỏ võ nghệ cao cường của mình, giết chết một hiệp sĩ từng đe doạ nhà vua, Percival được phong hiệp sĩ và được mời vào hội các Hiệp sĩ Bàn Tròn của vua Arthur.
Có giả thuyết cho rằng Chén Thánh chính là chiếc chén chúa Jesus đã dùng để mời các tông đồ uống vang đỏ trong Bữa Ăn tối Cuối cùng, khi ngài nói: “Đây là máu của ta”. Giả thuyết khác cho rằng chiếc chén đó đã được dùng để hứng máu Chúa Jesus trước khi người ta đặt xác ngài vào hầm mộ. Sau này Vua Chài lưới (Fisher King) là người giữ Chén Thánh, chiếc chén có nước thần đã cứu sống vua cha của Vua Chài lưới bị thương. Trong một lần dự tiệc tại lâu đài Vua Chài lưới, Percival được nhìn thấy Chén Thánh. Sau khi Percival được triệu về cung vua Arthur, một mụ phù thủy đã tới quở trách rằng chàng đã quên đặt câu hỏi có thể giúp chữa lành vết thương của vua cha. Percival bèn lên đường quay lại lâu đài của Vua Chài lưới tìm Chén Thánh.
Ở đây tác giả đã ví nhà văn hay nghệ sĩ lưu vong như một người xuất thân từ một xứ sở hoang dã (ví như Percival đã được mẹ dạy dỗ trong vùng rừng Wales), đã từ bỏ quê hương mình để sang phương Tây, và sau khi chứng tỏ tài năng của mình, đã được xã hội văn minh phương Tây công nhận (ví như Percival được phong hiệp sĩ và được gia nhập hội Hiệp sĩ Bàn tròn của vua Arthur), và phấn đấu để đạt tới đỉnh cao của tri thức phương Tây (ví như Percival đi tìm Chén Thánh).
6) “l’attitude de colonisés mentaux” = “thái độ của những người bị thuộc địa hoá về tinh thần” (chứ không phải là: thái độ tinh thần của những nhà văn cựu thuộc địa)
7) “l’expulsion implacable de l’exil” = “Sự trục xuất nghiệt ngã của lưu vong” (chứ không phải là: tình trạng hằn ghi vì bị trục xuất của lưu vong)
8) “sans l’alibi facile du localisme” = “không vin vào bằng chứng ngoại phạm cục bộ tầm thường” (chứ không phải là: thiếu bối cảnh địa phương quen thuộc)
“Vấn đề không còn là học hỏi từ Âu châu, mà là tự nghiêng mình xuống chính chúng ta ở vị trí của những cá nhân thuộc về một sắc tộc Mỹ Latin và tìm giải đáp vì sao chúng ta đã thất bại, vì sao chúng ta phải lưu vong, vì sao chúng ta sinh sống tàn tệ trong xứ chúng ta, vì sao chúng ta không biết, không biết cách cai trị, cũng như không biết cách lật đổ những chính phủ tồi tệ, vì sao chúng ta có khuynh hướng tự đề cao khả năng thích ứng nhằm che giấu những bất lực của chúng ta.” (Julio Cortázar – Trích)
Những tự vấn này cũng có thể đặt ra không chỉ cho nhà văn, trí thức lưu vong Việt Nam, mà có thể là những suy niệm cho trí thức Việt Nam nói chung.
Cảm ơn ông Trần Vũ về bài dịch này.