Gyorgy Dragoman – Cội rễ toàn trị của bùn đỏ
20/10/2010 | 12:17 sáng | 4 Comments
Category: Kinh tế - Môi trường, Thế giới
Thẻ: Thảm họa bùn đỏ Hungary
Trần Quốc Việt dịch
BUDAPEST – Những dấu bánh xe màu đỏ in hằn trên các con đường dẫn lên núi lửa Somlo đã tắt, quê hương vùng sản xuất rượu nho nhỏ nhất của Hungary và chỉ cách nơi xảy ra thảm hoạ môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước này có vài dặm.
Gần hai tuần đã trôi qua kể từ khi đập xi măng ngăn hàng triệu gallon chất thải độc hại bị vỡ khiến chất thải chảy tràn ngập vào hai làng và làm thiệt mạng chín người. Những cánh đồng hiện vẫn còn đỏ, in hình một cách ma quái trong màu trắng tựa như phấn – thạch cao mà các nhóm cứu hộ dùng để trung hoà lớp bụi gây phỏng da.
Cha vợ tôi mới mua một vườn nho nhỏ trên Somlo. Mùa thu này là vụ thu hoạch đầu tiên của gia đình nên hai con tôi cứ háo hức chờ đến ngày được đi đạp nho. Do có vụ tràn bùn, chúng cũng biết thêm một điều khác.
Hai cháu hỏi tôi đây có phải là dung nham từ núi lửa phun ra không; chúng còn muốn biết liệu nó có giống như tai hoạ hạt nhân mà tôi có dịp bàn đến trong sách tôi viết. Tôi đáp: “Không, đây không phải là dung nham; đúng, nó gây phỏng; không, không có phóng xạ.”
Các con tôi không phải là những người duy nhất muốn biết nhiều hơn về “bùn đỏ”. Chất thải đến hàng chục triệu mét khối được trữ trong các hồ chứa trên khắp miền này của Hungary chính xác là chất gì?
Cha vợ tôi bảo, ông biết về cái đập đó; mọi người trong vùng đều biết. Nhưng tại vùng này của thế giới người ta lại có niềm tin kỳ lạ về sự tồn tại bất tử của bê tông nên người dân xây nhà chỉ cách đập vài trăm mét, trong khi đó MAL, công ty sở hữu đập, lại rất tự tin về sự bền vững của đập đến mức công ty không có những quy định an toàn phòng khi đập bị vỡ.
Giờ đây mọi thứ đều không rõ ràng. Những ngôi làng bị nạn nằm giữa phong cảnh đỏ như sao Hoả. Người dân cố gắng dọn sạch bằng xẻng xúc tuyết, dụng cụ thường không được lấy ra dùng trong vài tháng tới. Âm thanh đáng sợ của chất thải vỗ bì bõm quanh bề lưỡi xẻng cứ vọng hoài trong tai, và làm cho sự thiếu thông tin đáng tin cậy lúc ban đầu càng thêm đau đớn hơn.
Ngay sau vụ tràn chất thải, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary đã tuyên bố chất thải màu đỏ không độc. Tổng giám đốc MAL đã nói trên đài truyền hình rằng chất thải là chất hoàn toàn vô hại, chỉ cần dùng nước rửa sạch đi là xong.
Người ta đã nhanh chóng chứng minh rằng họ nói sai. Những nhân viên cấp cứu có mặt đầu tiên tại hiện trường đã bị phỏng nặng; rõ ràng không ai báo cho họ biết chất thải có nồng độ pH 13, gây phỏng như dung dịch kiềm.
Khoảng cách giữa những tuyên bố chính thức và hiện thực của nhân dân đang chết tưởng chừng khơi rộng ra đường nứt trên tường. Đối với nhiều người, sự kiện này gợi tưởng đến thời quá khứ tưởng chừng xa xăm, khi hầu như toàn bộ cuộc sống ở Hungary được định hình bởi bao tin đồn và dối trá, khi mọi sự chỉ là trò chơi giả dối và mộng tưởng.
Lần này chúng ta đã đối diện với một nguy cơ chưa từng biết, dù nguy cơ ấy sinh ra từ một chất chúng ta đã và đang tạo ra trong hàng chục năm trời – một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất để chuyển bauxite sang alumina, để dùng tạo ra nhôm. Sợ hãi hoá thành giận dữ, và nhân dân đòi biết sự thật.
Viện Hàn lâm vội vã lấy mẫu mới. Mười ngày sau khi chất thải bắt đầu chảy tràn ra họ mới cho chúng ta biết rằng chất thải quả là độc, có chứa lượng thạch tín cao; khi nó khô, nó sẽ biến thành bụi độc.
Tin này thật chẳng an lòng, nhưng ít ra bây giờ chúng ta biết bùn đỏ thật sự đe doạ như thế nào. Tuy các viên chức chưa nghĩ ra chính xác cách nào để ngăn chặn và dọn sạch vụ tràn chất thải này, một đập phòng hộ mới bao quanh các làng đã chuẩn bị xong, và họ bảo chúng ta rằng chẳng bao lâu nhiều người sẽ có thể về nhà.
Tuy nhiên, rõ ràng thảm hoạ này đã buộc Hungary phải đánh giá lại di sản môi trường, thực tiễn trữ những chất thải công nghiệp độc hại trên khắp cả nước suốt hàng chục năm nay của mình. Bước kế tiếp là phải tìm ra một cách chính xác chất thải nào đang được trữ lại, ở đâu và trong điều kiện như thế nào. Hơn nữa, chúng ta còn phải tìm ra cách tốt nhất để loại bỏ hay kiểm soát được những chất này.
Sự đánh giá lại này nhất định phải là cuộc thảo luận chính trị liên quan không chỉ đến các nhà khoa học. Cuộc thảo luận phải bàn về chuyện tại sao chúng ta lại từng chấp nhận những mối đe doạ như thế đối với nhân dân và đối với môi trường, như thế có nghĩa là phải bàn cãi về quá khứ của chúng ta – một chủ đề mà nhiều người đang cầm quyền rất cố muốn tránh.
Cha vợ tôi nói với tôi rằng những người bạn làm rượu nho của ông đã bắt đầu xoá sạch những dấu bánh xe trên những con đường quanh Somlo. Ông nói, ô nhiễm chưa bao giờ chạm đến nguồn cung cấp nước. Từ phương bắc, cách núi lửa rất xa, gió thổi về nên những người làm rượu nho tin có thể cứu được vụ thu hoạch nho. Nhưng đó chỉ là điều duy nhất họ chắc chắn.
Nguồn: Nguyên tác tiếng Anh “Seeing Red in Hungary”, New York Times số ra ngày 17 tháng Mười năm 2010. Tựa đề của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Bình luận
4 Comments (bài “Gyorgy Dragoman – Cội rễ toàn trị của bùn đỏ”)
[…] Nguồn: Talawas […]
“Sự đánh giá lại này nhất định phải là cuộc thảo luận chính trị liên quan không chỉ đến các nhà khoa học. Cuộc thảo luận phải bàn về chuyện tại sao chúng ta lại từng chấp nhận những mối đe doạ như thế đối với nhân dân và đối với môi trường, như thế có nghĩa là phải bàn cãi về quá khứ của chúng ta – một chủ đề mà nhiều người đang cầm quyền rất cố muốn tránh.”(Gyorgy Dragoman)
Tôi là “dân” Budapest, có thể nói là “kẻ ở ngay hiện trường”, nên đọc tin tức về “thảm họa bùn đỏ” hàng ngày và “sớm nhất” so với các bác độc giả ở nơi khác. Gyorgy Dragoman (Dragomán György) là một nhà văn Hungary nổi tiếng với tác phẩm Vua trắng(The White King) (được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới). Bài viết của nhà văn trẻ tuổi tài năng này nêu vấn đề của nguyên nhân (“cội rễ”?) “thảm họa bùn đỏ” là “quá khứ toàn trị” của Hungary rất sâu sắc, nhưng cho rằng, đây là một chủ đề mà nhiều người đang cầm quyền rất cố muốn tránh.”, thì tôi nghĩ, ông nhà văn này đánh giá chưa được khách quan cho lắm. Nếu cho rằng, “nhiều người đang cầm quyền”, ở đây, là nhà văn muốn ám chỉ những chế độ toàn trị hiện giờ như của Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên… thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu đây là “chính phủ hiện giờ” của Cộng hòa Hungary, thì D. György đã hơi nhầm lẫn trong nhận định tình hình. Mà, phải nói là thực tế cho chúng ta thấy điều ngược lại. Tức là, chính nhà cầm quyền hiện nay của Hungary, khối liên hiệp hai đảng, FIDESZ-MPSZ(Liên minh các nhà dân chủ trẻ-Liên minh công dân Hungary) và KDNP(Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo), bên cạnh việc tìm mọi cách khắc phục những thiệt hại do “bùn đỏ” gây ra, còn đang “ráo riết” tìm cho ra “thủ phạm”. Tức là, thủ tướng Orbán Viktor cùng ban bệ của chính phủ của ông, không “cố muốn tránh” việc “bàn cãi về quá khứ của chúng ta”. Riêng về ông Thủ tướng trẻ tuổi, trong giới phân tích và phê bình chính trị của Hungary, nhiều người phải công nhận rằng, O. Viktor đã xử sự như một nhà lãnh đạo đất nước đích thực: tự tin, trấn an tinh thần và đầy tính đồng cảm. Không những thế, O. Viktor còn là một “nỗi sợ hãi” của những người thuộc đảng MSZP(Đảng Xã hội Hungary), bởi vì ông Thủ tướng này đã tuyên bố là sẽ đưa ra ánh sáng mọi “mờ ám” trong giai đoạn 2002-2010, khi chính phủ của đảng MSZP
nắm quyền.
Nói tóm lại, nhiều khi chúng ta gặp phải những câu phát biểu của “người nước ngoài” cũng mang tính: “nói vậy mà không phải vậy”!
[…] GS Nguyễn Mạnh Hùng:Hiểm họa bùn đỏ – Phần 2 (VOA). – Gyorgy Dragoman – Cội rễ toàn trị của bùn đỏ (tựa do người dịch đặt- talawas). -Từ Chất lượng “Made in Vietnam” (1) […]
Tại sao bùn đỏ độc hại ?
Muốn biết bùn đỏ thải từ các nhà máy tinh luyện quặng Bauxite độc hại như thế nào, mời các bác và các anh chị vào Google search cụm từ NaOH (chất sút có độ kiềm cao nhất pH=14) thì sẽ rõ tác động ăn mòn da, làm bỏng da và đui mù mắt ra sao. Hơn mấy triệu tấn quặng Bauxite nằm rải rác trên cao nguyên Lâm Đồng từ cả ngàn năm qua không hề gây thiệt hại gì cho dân chúng, tuy đất đai mang màu đỏ (vì oxyde sắt).
Các bác nào ở hải ngoại ắt đã từng sử dụng hoá chất Draino (đạng bột hay chất lỏng) để thông ống cống (nhà bếp) khi bị nghẹt. Loại hoá chất này sẽ làm tan vữa tất cả mọi tạp chất hữu cơ, cần khoảng 15 phút thôi, thế thì con người, động vật, cây cỏ hoa mùa làm sao chịu đựng cho thấu. Trên bình đựng có in hình một bàn tay bị ăn mòn trơ xương để cảnh báo mọi nguy hiểm cho người dùng, chớ đụng chạm với hoá chất này.
Chất Sút NaOH này được sử dụng chính yếu trong công nghệ tinh luyện quặng Bauxite, vì nó hoà tan chất oxyde sắt và tách rời khỏi quặng Alumina. Sản phẩm Alumina màu trắng tinh nghiền nhỏ nhuyễn như bột gạo dùng để tinh luyện ra nhôm nguyên chất sau này. Như vậy cần phải xây dựng thêm một khu công nghiệp tinh chế
Nhôm chủ yếu chạy bằng điện quang, cực kỳ hao tốn điện năng, mà VN bảo đảm không thể đáp ứng nổi. Kỹ thuật cổ điển thô sơ của TQ chỉ mới tạo ra bột Alumina ở nồng độ thấp khoảng 90%, như vậy chẳng có công ty tư bản Âu Mỹ nào thèm ngó đến, vì họ sẽ phải tốn tiền để tinh luyện lại nâng cấp lên gần 99% sao ?
Kết luận là chỉ có TQ mới mua và họ sẽ tạo áp lực cưỡng ép giá thành khiến cho VN sẽ phải điêu đứng sau này, biến thành nô lệ kinh tế cho họ.
Sự kiện này đã được vạch rõ từ lúc BauxiteVietNam lên tiếng hồi tháng 4 năm 2009, đương nhiên chính quyền Hà Nội và Quốc Hội đều biết rõ, nhưng họ đã lệ thuộc quá nhiều vào viện trợ của TQ mà đành phải nhắm mắt đưa chân, “tay đã nhúng chàm” (bùn đỏ), giờ thì đã trễ rồi!