Nguyễn Ước trả lời phỏng vấn của talawas
31/10/2010 | 4:15 sáng | 4 Comments
Category: 9 năm talawas, Báo chí - Truyền thông, Chính trị - Xã hội
talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________
Nguyễn Ước
Sau gần 50 ngày sống ở Sài Gòn và Long Khánh, tôi trở về Toronto với thể xác ngầy ngật và tâm hồn nặng trĩu thì nhận được e-mail của Phạm Thị Hoài thông báo điều tôi thoạt trả lời là “hung tin” về talawas. Sau đó, cảm thấy nguôi ngoai vì e-mail tiếp theo, cô Hoài nói với tôi theo tinh thần tái ông thất mã rằng “chưa biết đó là tin lành hay tin dữ”. Xét thế nào thì mọi sự “rồi cũng qua đi” nhưng talawas theo đánh giá của riêng tôi, cho tới nay, có thể rút ra được ít nhất ba điều: (1) Trong sinh hoạt văn học và báo chí trên internet, talawas đã đi tiên phong và đặt được một “dấu nhấn” quan trọng về tính đa nguyên của các đề tài, nâng cấp ngôn ngữ và phong cách hàn lâm, có lẽ không kém các tạp chí in trên giấy trước đây như Gia Định báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Phong hóa, Ngày nay, Sáng tạo, Văn, Hợp Lưu, v.v… (2) Cá nhân tôi đã được “bồi dưỡng” và tiến bộ rất nhiều nhờ sự hợp tác trong thời gian qua với talawas, đặc biệt, công lao biên tập của talawas trong các bài viết của tôi; xin thành thật cám ơn Ban biên tập talawas. (3) Trong quá trình chiến đấu cam go nhằm phát triển toàn diện Việt Nam, có lẽ đã qua rồi giai đoạn làm một trang web theo kiểu diễn đàn mở, đã mất quá nhiều công sức lại tạo cơ hội cho thế lực phản động (vừa sợ hãi dân chủ tại quốc nội, vừa trục lợi sinh hoạt dân chủ tại quốc ngoại) có thể khai thác và đánh phá đủ mọi hình thức như thời gian vừa qua. Nay cần một phương thức mới, như thế nào thì tôi chưa thấy rõ, nhưng chắc chắn sẽ tìm ra.
Sau đây là phần trả lời phỏng vấn.
5 vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay
- Làm sinh động quốc hồn. Tôi tạm dùng định nghĩa về quốc hồn của Lê Ngọc Trụ và Lê Văn Đức trong Việt Nam Tự Điển (Nxb Khai Trí, Sàigòn 1970) như sau: “Hồn nước, tinh thần đặc biệt của nước. do lịch sử oai hùng của tổ tiên nhiều đời kết tinh lại: Tiếng gọi của quốc hồn“. Dĩ nhiên định nghĩa nào cũng không nói hết nội hàm của từ ngữ, nhưng chắc chắn chúng ta đều cảm nhận và thấm thía ý nghĩa của hai tiếng “quốc hồn”, nhất là vào lúc nó bị lay lắt vật vờ như hiện nay. Và nếu kéo dài tình trạng này, Việt Nam chắc chắn sẽ là một loại thuộc địa và làm phên dậu cho một nước Trung Hoa hàng ngàn năm nay vẫn ra sức bành trướng, nhất là trong giai đoạn không ngần ngại xâm lấn phương nam bằng tác phong sơn tặc và hải tặc như hiện nay.
- Chắt lọc và xiển dương quốc túy. Tôi cũng tạm dùng định nghĩa của hai nhà tự điển trên: “Vẻ đẹp tinh túy và thật xưa của nước nhà: Quốc hồn, quốc túy“. Nội dung của quốc túy tạo nên một số tranh luận, nhưng chúng ta vẫn có thể “thấy” nó ẩn hiện trong truyền thống, phong tục, tập quán, lễ nghĩa, văn học nghệ thuật, v.v… và cả trong lương tri của mỗi người, cho dù bạn là người Kinh hay người của một trong hơn 50 sắc tộc sống dọc chiều dài đất nước. Bảo tồn và sống với quốc túy tức là tạo được một môi trường sống ung dung cho bản thân, hòa thuận trong gia đình và cộng đoàn, hòa hợp dân tộc và giữ được bản sắc của con người Việt Nam, cả kinh lẫn sắc tộc, cả tiếng trống mõ lẫn tiếng cồng chiêng… trước sự bành trướng thô bạo mang tính bóc lột kinh tế và thôn tính văn hóa của giai đoạn man rợ hiện nay trong quá trình toàn cầu hóa tất yếu. Và dĩ nhiên không chút nào nên làm theo kiểu Ngàn năm Thăng Long vừa qua hay Festival Huế, hay các hội hè đình đám hiện nay, v.v…
- Tôn trọng hiến pháp và luật pháp đã và sẽ ban hành. Khái niệm dùng hiến pháp để bảo an nhà nước và luật pháp để trị dân đã bị vất vào sọt rác, nhất là kể từ lúc luật pháp mang khái niệm định chế hóa các chuẩn mực đạo đức, luân lý của xã hội và đồng thời ngăn chặn ác tính của kẻ cầm quyền. Tại Việt Nam, vì hiến pháp bị vi phạm thô bạo và luật pháp bị bất tuân trắng trợn, nên quả thật đang có một “chính quyền vô chính phủ”. Các quan chức từ chóp bu xuống dưới đều hoạt động trơ tráo, phi kỷ cương, vô chính sách, hoàn toàn vô trách nhiệm. Chính quyền làm tay sai cho các tập đoàn và là phương tiện để các quan chức các cấp vừa đục khoét vừa trấn áp hiểm độc và thô bạo, đồng thời để cho các nhóm lợi ích vệ tinh của đảng điều động trục lợi. Đất nước Việt Nam không có bạo loạn nhưng xã hội Việt Nam không có an ninh, trật tự, cả ngày lẫn đêm, cả trong thôn xóm lẫn trên đường sá đi lại, v.v… Thậm chí cửa sổ của mỗi tư gia ở thành phố hầu hết đều làm song sắt, gài thành ô bé hơn cuốn tập vở và còn hơn xà-lim nhà tù! Việc tôn trọng mọi điều khoản trong hiến pháp cùng tất cả luật pháp đã và sẽ ban hành có thể đưa tới thời điểm Đảng Cộng sản bị mất quyền lực nhưng chắc chắn nó sẽ tạo thành một quá trình chuyển đổi ôn hoà và bất bạo động, trong đó tiêu trừ dần sự mâu thuẫn gay gắt giữa nhân dân và chính quyền, và mọi thành phần của dân tộc sẽ ngày càng chấp nhận nhau, sống chung với nhau, tìm cách giải quyết mọi xung khắc trên căn bản ý thức hữu trách, biết quí trọng con người và tinh thần thượng tôn luật pháp. Bên cạnh đó, một chế độ pháp trị thành nếp còn góp phần bảo đảm một tương lai khá an toàn cho các đảng viên cộng sản và hậu duệ của họ. Vì nếu tình trạng chính quyền trấn áp phi pháp và xã hội mất trật tự hiện nay kéo dài, nồi áp suất của xã hội không tránh khỏi sẽ bùng vỡ, và lúc đó chắc chắn đất nước lâm vào tình trạng tan vỡ chính quyền mọi cấp (vì nó bị nhập một thể với chế độ) và loạn lạc kinh hồn, máu đổ ghê gớm, làm chết lây những người vô tội và tạo thêm oan nghiệt truyền kiếp. Ai dám bảo đảm lúc đó, những hành động hung hãn nhất, cướp phá tài sản và tính mạng của kẻ khác, sẽ không đến từ hàng trăm ngàn đảng viên cộng sản trở cờ lập công và các phần tử nay đang được sử dụng làm dân quân, dân phòng, tai mắt, cùng với những kẻ xã hội đen, đầu gấu, đang được chính quyền sử dụng làm nắm đấm.
- Hình thành xã hội dân sự. Chính quyền cần biết tới giá trị của xã hội dân sự, tôn trọng nó và để yên cho nó xuất hiện, trong đó đặc biệt vai trò văn hóa và xã hội của các tôn giáo, độc lập của báo chí, vai trò của các tổ chức phi chính phủ trên các lãnh vực từ thiện, văn học nghệ thuật, phát triển xã hội, v.v… Chính xã hội dân sự này mới đóng được vai trò chính trong việc làm sinh động quốc hồn, chắt lọc và xiển dương quốc túy, chấn hưng dân khí và đạo lý, làm lộ rõ những nhu cầu và nguyện vọng của dân chúng cũng như tự phát góp phần và thúc đẩy chính quyền hòa giải với dân chúng, v.v… Cụ thể, nên chấm dứt tình trạng “công báo” bưng bít và dối trá của báo chí; nên để cho báo chí chủ động làm tin (dù có bị kiểm duyệt đục bỏ ít nhiều đi nữa rồi sẽ có lúc không còn kiểm duyệt, và tự thân hành động kiểm duyệt công khai ấy cũng tạo nên phản kiểm duyệt).
- Chấm dứt việc quảng bá các chủ nghĩa độc tôn. Việc xem chủ nghĩa duy vật, kể cả chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin là độc tôn và quảng bá chúng trong trường học cũng như trên sách báo từ hơn 50 năm nay đã đem lại các hậu quả tai hại khôn lường khiến kiệt quệ tâm linh, suy đồi đạo lý, bại hoại chính trị và xung khắc xã hội. Có lẽ ngày nay, trên thực tế, Đảng và chính quyền chỉ còn sử dụng chủ nghĩa Lenin để độc quyền cai trị, trấn áp quần chúng, còn hai thứ chủ nghĩa kia chỉ là chiêu bài rêu rao, vì Đảng nay là kẻ làm thiệt hại nhất cho nông dân và công nhân, và các đảng viên “thành đạt” lại là kẻ mê tín nhất và phù hoa nhất. Quan trọng hơn cả, để tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội thì không thể chỉ sử dụng chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa Marx, lại càng không chỗ đứng cho chủ nghĩa Lenin. Thực tế, việc thụ động hoặc chủ động ngăn cản học sinh, sinh viên hay thanh niên tiếp nhận các trào lưu tư tưởng mới vừa bất khả thi, vừa vô tình tạo nên một tình trạng tiêm nhiễm què quặt, phi hệ thống, hiểu sai lạc tới độ “tẩu hỏa nhập ma” hay làm dáng trí thức rởm. Sự tích cực tiếp nhận với một thái độ minh bạch và chững chạc để các trào lưu tư tưởng khác được đưa vào giảng dạy một cách có hệ thống và hàn lâm trong học đường hay quảng bá trên các phương tiện truyền thông mới mang lại lợi ích hấp thu tối đa cho học viên và đại chúng.
Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ
Nếu như giả định này xảy ra cho một người hoạt động văn hóa, tôi sẽ tận dụng để có những quyết định thích đáng nhằm bắt đầu một quá trình thanh luyện dân tộc, đặc biệt bằng các chính sách về văn hóa, với hi vọng rằng qua sáng mai và về sau, nó được tiếp tục. Nếu dân tộc Việt Nam, cách riêng thanh niên Việt Nam, ngay từ lúc này không được khẩn trương thanh luyện về đạo đức để phục hồi nhân cách, có cuộc sống tâm linh và dũng cảm chiến đấu với sự sợ hãi, thờ ơ và thói hư tật xấu (nhất là thói ăn nhậu, bạo hành), sẽ đánh mất tất cả, kể cả cái cao quí nhất trong bản thân mỗi người, tình nghĩa vợ con và nghĩa vụ với cha mẹ anh em và quan hệ hữu trách với xã hội.
Năm vấn đề tôi trình bày ở Câu hỏi 1 thuộc phần quá trình thanh luyện này. Thanh luyện là nỗ lực bất bạo động nhằm khôi phục nhân phẩm, sống có nhân cách, phát huy bản lĩnh, để tích cực cải tạo môi trường trong đó mọi thành phần của dân tộc biết sống chung với nhau, cùng bắt tay nhau vươn lên khỏi vực sâu kinh khiếp hiện nay, tiến về một Việt Nam thật sự có độc lập, tự do và hạnh phúc. Tôi cố ý không dùng chữ thanh lọc hay thanh tẩy, vì theo tôi, hai từ ngữ này phi nhân, mang ý nghĩa phân biệt chủ nghĩa “bạn hay thù” và mang ý định chặt đứt lìa một chi thể nào đó của dân tộc; thanh lọc nhân dân hay thanh tẩy chủng tộc, làm ta liên tưởng tới Khmer Đỏ, Đức Quốc xã, Phát xít, Cộng sản, đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất, rèn cán chỉnh quân, Kosovo, các trại lao cải, tàn sát nhau của các bộ tộc ở châu Phi, v.v…
Tiên đoán về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030
Tôi không biết trả lời như thế nào vì mọi sự đều tùy thuộc phản ứng của người Việt đang sống hiện nay ở trong nước. Mọi tiên đoán chỉ là vấn đề sở hữu thông tin, nhận biết chuyển động của thực tại và hoàn toàn giả định. Nếu cứ để cái ác ngự trị khắp Việt Nam như thế này, nơi tôi có cảm tưởng người Việt Nam đối xử với nhau thô bạo và ác, còn xử sự với chính quyền thì nhịn nhục và hiền, sẽ tới lúc không còn gì đáng tiếc hoặc đáng ngậm ngùi.
Tôi chỉ là “Việt kiều”, kẻ hơn 20 năm nay rời khỏi “trần gian Việt Nam” sang sống ở “Tây phương cực lạc”, thỉnh thoảng có “đi về” đôi chút nơi mình từng sinh sống chỉ vì chốn ấy còn có cha mẹ anh em và bè bạn. Và thông thường, điều tốt nhất một “hồn ma” may ra có thể làm cho “trần gian” là “phù hộ” chút nào hay chút nấy.
Bình luận
4 Comments (bài “Nguyễn Ước trả lời phỏng vấn của talawas”)
Ý kiến của ông Nguyễn Ước đáng được mọi người suy ngẫm, nhất là giới lãnh đạo Việt Nam.
Có một sự thật mà theo tôi không hẳn mọi người Việt đều biết. Là một người sinh sống ở miền Nam trước 75, tôi có một nhận xét chung, và tôi nghĩ, những người ở miền Nam cũng có cùng nhận xét rằng: đời sống dân miền Nam trước 75 rất hiền hòa cho dù chiến tranh đang xảy ra khốc liệt. Miền Nam cũng theo tư bản như hiện tại, nhưng con người ăn ở tử tế, hiền hòa, thành thật, văn minh, dân trí cao, có văn hóa, lương tâm hơn bây giờ nhiều. Những nét này nhiều người Bắc sau 75 vào sống ở miền Nam chắc cũng nhận thấy.
Ngày nay trình độ con người xuống thấp quá. Cái lịch lãm con người Việt Nam còn mấy ai giữ được.
Cho nên cái gì mất thì nên đi tìm lại, cái gì yếu thì nê làm cho nó mạnh lại, cái gì tốt thì dùng, cái gì xấu phải bỏ đi. Phải thực tế. Cụ thể, muốn đất nước hưng, thịnh, phú, cường thì việc đầu tiên phải làm là phục hưng. Phục hưng con người theo văn hóa nó. Hãy tìm hiểu xem nhờ phương tiện gì mà dân miền Nam được như vậy, thì sẽ tìm ra lời giải.
Thay vì dùng chủ thuyết này, chủ thuyết nọ của Tây phương, hô hào khẩu hiệu, đạt chỉ tiêu đào tạo 10.000 tiến sĩ, xây đại học trình độ quốc tế, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, v.v, thì thử làm vài việc rất dễ như thế này: Đưa lại môn “Công dân Giáo dục” cũ của miền Nam vào nhà trường, cho học sinh học thật nhiều ca dao tục ngữ. Muốn đào tạo con người tốt hơn nữa, thì phát triển tối đa tôn giáo. Đến cả võ cũng có bài học quý như “Cách mạng Tâm thân” của VoViNam-Việt Võ Đạo. Nó vừa khoa học vừa nhân bản, phù hợp với văn hóa Việt Nam để rèn luyện con người khỏe mạnh, hướng thiện nói chung chứ không hẳn chỉ dành cho dân võ nghệ. Các thứ vừa nói rất hữu hiệu trong việc phục hưng con người. Có con người tốt thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn và đất nước sẽ lên rất nhanh.
Những ý kiến nhỏ của tôi muốn bày tỏ sự đồng ý với hướng suy nghĩ của ông Nguyễn Ước mà tôi cho rằng có lý trí. Xin cảm ơn tác giả.
[…] Nguyễn Ước trả lời phỏng vấn của talawas […]
Rất tâm phục từ “thanh luyện” của tác giả.
Trong thiên niên kỷ được thế giới đặt tên là “yêu thương”, các từ phân ly như thanh lọc, thanh tẩy cần được xem như đã lỗi thời vì chúng cũng có thể gây ra các mặc cảm, hiểu lầm và ngay cả thù hận không cần thiết làm ngăn trở tiến trình thông cảm các đương sự trong xã hội.
Kính chúc tác giả an lành và như ý.
Nguyễn Ước đóng góp từ góc nhìn văn hóa vốn là giềng mối cho sự bền vững êm đẹp của các thể chế chính trị.
Nét văn hóa bao trùm đóng góp của anh, mang cho nó một vượt trội so với các đóng góp khác, nhưng nó cũng là một cảnh giác về trọng lượng yếu kém của các nhà văn hóa trong đời sống Việt Nam hiện nay. Đây cũng là nhắc nhở về sự cần thiết của sự hiện diện của các nhà văn hóa trong một Thượng Hội Đồng Quốc Gia trong giai đoạn chuyển tiếp.
Trong vụ bô-xít, Nguyên Ngọc là người nhiều lần nhấn mạnh tới nét văn hóa Tây Nguyên, bản sắc Tây Nguyên. Nguyễn Ước cũng hội ngộ Nguyên Ngọc ở ý “tạo được một môi trường sống ung dung cho bản thân, hòa thuận trong gia đình và cộng đoàn, hòa hợp dân tộc và giữ được bản sắc của con người Việt Nam, cả kinh lẫn sắc tộc, cả tiếng trống mõ lẫn tiếng cồng chiêng…”.