Phạm Đình Trọng – Thời điểm quyết định số phận dân tộc Việt Nam
29/10/2010 | 12:47 chiều | 11 Comments
Category: 9 năm talawas, Chính trị - Xã hội
talawas đưa ra câu hỏi: Tiên đoán Việt Nam năm 2010. 2020. 2030. Tôi chỉ bàn về hai mốc 2010 và 2020 thôi. Số phận và tương lai Việt Nam gắn liền với việc dứt bỏ tai ương cộng sản. Cộng sản là ngoại lai, là bạo lực, là đấu tranh giai cấp khốc liệt! Ngoại lai đối lập với dân tộc! Bạo lực đối lập với văn hóa, nhân văn! Đấu tranh giai cấp phá tan rã khối đoàn kết dân tộc! Tư tưởng ngoại lai dùng bạo lực chuyên chính vô sản triệt tiêu tinh hoa dân tộc! Dứt bỏ được tai ương cộng sản lúc nào, tinh hoa và khí phách dân tộc Việt Nam sẽ được hội tụ và thăng hoa lúc đó, Việt Nam sẽ nhẹ nhõm cất cánh bay vào quĩ đạo phát triển, hòa nhập vào kỉ nguyên văn minh của xã hội loài người lúc đó!
Hơn nửa thế kỉ thực hiện chuyên chính vô sản trong chính sách cán bộ, trong đối xử, sử dụng con người, nhà nước chuyên chính vô sản đã vô hiệu, loại bỏ triệt để, hoàn toàn tầng lớp trí thức tài năng do lịch sử để lại, sau đó lại gạt bỏ những trí thức ở thế hệ mới có tài năng, có năng lực sáng tạo nhưng trung thực khảng khái, dám bộc lộ chính kiến riêng, dám nói sự thật và lẽ phải. Trong không khí ấy, nhiều tài năng trung thực khác phải ngậm ngùi rời bỏ đất nước ra đi! Một đội ngũ công chức công nông có bằng cấp, học hàm, học vị cao ngất nhưng nghèo trí tuệ, nghèo sáng tạo được đào tạo và trọng dụng đang nắm giữ những vị trí lãnh đạo của bộ máy quản lí và điều hành nhà nước từ trung ương tới địa phương. Những nguy khốn của đất nước, những cơ cực của người dân hôm nay chính là hậu quả của bộ máy công chức đã vắng bóng tài năng và sáng tạo, vắng bóng cả cái đức của bộ máy công bộc, lại thiếu vắng cả khí phách và ý thức dân tộc. Năm 2010 là năm bộc lộ đầy đủ nhất, rõ nhất hậu quả này!
Tê liệt ý thức dân tộc, thấp kém bản lĩnh chính trị nên đã nhanh nhảu kí kết cho Trung Quốc vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên, hủy diệt tận gốc rễ một mảng văn hóa dân tộc quí hiếm, đặc sắc! Đưa đội quân nước ngoài hùng hậu vào khai thác bô xít, đội quân ấy cũng chiếm giữ địa thế hiểm yếu khống chế cả bán đảo Đông Dương! Nhắm mắt chấm cho Trung Quốc thắng thầu hàng loạt công trình xây dựng trọng yếu để những công trình đó trở thành con tin của Trung Quốc, trở thành nhượng địa của Trung Quốc để họ xuất khẩu lao động, xuất khẩu nguyên vật liệu, xuất khẩu máy móc, xuất khẩu cả tư tưởng đại Hán, xuất khẩu cả ý chí thôn tính, nô dịch lân bang! Công trình xây dựng dây dưa kéo dài trở thành gánh nặng, trở thành sức ỳ của cả nền kinh tế! Cho nước ngoài thuê với giá rẻ mạt như cho không để nước ngoài làm chủ suốt nửa thế kỉ cả dải rừng rộng lớn, nơi phên giậu quốc gia trong thế trận giữ nước, nơi bất khả xâm phạm đối với tấm thảm xanh thiên nhiên để hóa giải những trận lũ dữ từ núi cao đổ xuống đồng bằng! Chỉ một tập đoàn thuộc thành phần chủ đạo nền kinh tế đất nước đã vỡ nợ gần một trăm ngàn tỉ đồng, mỗi người dân nghèo phải gánh cho tập đoàn nhà nước vỡ nợ đó hơn một triệu đồng tiền nợ thì làm sao đất nước có thể phát triển, thì làm sao cuộc sống người dân không khốn đốn! Rừng mất đằng rừng! Đất đai biên ải mất đằng đất đai biên ải! Biển mất đằng biển! Người dân chài Việt Nam ra khơi đánh cá ở vùng biển của tổ tiên để lại từ ngàn xưa vẫn bình yên nay bị tàu chiến nước ngoài bắn giết, bắt giữ, cướp bóc! Người nông dân Việt Nam một sương hai nắng làm ra hạt gạo nuôi cả thế giới mà quanh năm nghèo đói còn mấy ông chủ doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thóc gạo ngồi trong phòng máy lạnh quyết định giá hạt gạo, quyết định thời điểm và số lượng thóc gạo mua cho người nông dân thì hưởng lãi lớn! Nghèo khổ, những thiếu nữ hơ hớ tuổi xuân ở hai vựa lúa lớn của đất nước phải tìm đến những dịch vụ hôn nhân bán duyên bán phận cho những ông già nước ngoài tật nguyền để tự cứu bản thân và cứu gia đình! Đó là sự thật đau lòng về một đất nước nghèo khổ, là bằng chứng xác thực về năng lực trống vắng và trái tim vô cảm của những người quản lí điều hành đất nước!
Chủ nghĩa Cộng sản của học thuyết Mác là ngoại lai. Theo đuổi chủ nghĩa Cộng sản là phải hướng ngoại, quay lưng lại dân tộc! Thực hiện chuyên chính vô sản cực đoan, bạo liệt của học thuyết Mác phải triệt tiêu triệt để tinh hoa và khí phách dân tộc! Thực tế tám mươi năm chủ nghĩa Cộng sản tồn tại ở Việt Nam đã chứng minh rất rõ điều đó! Những tai họa khủng khiếp giáng xuống dân tộc Việt Nam tám mươi năm qua đã chứng minh rõ điều đó! Người lãnh đạo tê liệt ý thức dân tộc thì dân tộc trở nên hèn kém, tủi nhục! Còn gì tủi nhục hơn người dân Việt Nam tập hợp lại để nói với kẻ đã chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam liền bị chính công an Việt Nam bắt bớ, tra hỏi! Còn gì tủi nhục hơn Hoàng Sa, Trường Sa là dấu chân mở đất của tổ tiên ta, là xương máu của ông cha ta mà lớp thanh niên yêu nước ngày nay phải lén lút canh chừng công an mới dám viết chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!
Tai ương cộng sản quàng vào dân tộc Việt Nam suốt tám mươi năm nay phải dứt bỏ, tinh hoa và khí phách dân tộc Việt Nam mới được khơi dậy để giữ gìn trọn vẹn giang sơn gấm vóc, để xây dựng đất nước huy hoàng, văn minh, để những trí tuệ, tài năng Việt Nam không phải ngậm ngùi tìm đến xứ người mới được thể hiện hết mình, để những cô gái Việt Nam không phải gạt nước mắt mang thân sang xứ người đánh đổi thân con gái lấy cơm áo cho gia đình! 2010 – 2020 là giai đoạn chuyển động đau đớn, quyết liệt để đến 2020 dân tộc Việt Nam sẽ hoàn toàn, vĩnh viễn thoát khỏi tai ương cộng sản! Đến 2020 Việt Nam vẫn chưa dứt bỏ được chủ nghĩa cộng sản bạo liệt thì dân tộc Việt Nam thật đáng thương vì đã sinh ra một đội ngũ trí thức thật đáng trách!
© 2010 Phạm Đình Trọng
© 2010 talawas
Bình luận
11 Comments (bài “Phạm Đình Trọng – Thời điểm quyết định số phận dân tộc Việt Nam”)
Không ngờ rằng cho tới nay, bài trả lời của ông Phạm Đình Trọng là một trong mấy trả lời hay nhất cùng với các bài trả lời của Trần Trung Đạo, Đinh Từ Thức, Nguyên Trường.
Trả lời những câu hỏi “Nan Đề” của cả quốc gia hiện tại, ít nhất phải nói lên thực trạng và giải pháp cho vấn đề trọng đại đó, với cả tâm tư, nhiệt huyết trung thực, một ít tủi hờn, nhiều hàng nước mắt, chớ có đâu như nhiều người nói cứ như trẻ con đang chơi game, dân chúng lầm than, đất mẹ oằn mình rên siết vì bị tàn phá từng giờ, mà còn dám giỡn, lấy ba câu hỏi kia làm phông mà bước lên diễn những trò rối!
Cám ơn ông Phạm Đình Trọng!
[…] Theo talawas Chưa có Phê Bình nào var addthis_pub="izwan00"; […]
[…] Nhà văn Phạm Đình Trọng – Thời điểm quyết định số phận dân tộc Việt Nam […]
[…] Nhà văn Phạm Đình Trọng – Thời điểm quyết định số phận dân tộc Việt Nam — […]
Tôi từng nghe anh tôi kể lại, một vị giáo sư Triết – lâu ngày, xin lỗi đã quên tên – của ĐH Sorbonne rất nổi tiếng của Pháp có nói với các “học trò” của ông trong một bài giảng về Triết, đại ý :… “” Muốn hiểu sâu sắc một triết thuyết nào thì trước hết phải nhập “VÔ” với nó và cuối cùng là phải rút chân “RA” khỏi nó…””
Thật là một lời dạy đầy “minh triết”.
Nhà văn Phạm Đình Trọng nếu tôi không lầm, là cựu đảng viên CSVN mấy mươi năm. Ở trong hệ thống đảng, hẳn ông đã cống hiến cả thời thanh xuân đầy nhiệt huyết và sức sống, sức sáng tạo cho đảng này. Nhưng ông đã thấy rõ mặt trái của chủ nghĩa “ngoai lai” viễn mơ mà rất bất nhân và vô đạo này (dựa trên nền tảng chuyên chính vô sản, dùng bạo lực xây dựng và củng cố chính quyền toàn trị) chính là đầu mối của mọi oan khiên, khổ lụy cho dân tộc suốt mấy mươi năm qua và ông đã trả lại thẻ đảng.
Hiện nay, Tổ quốc đang bước vào thời kỳ xây dựng kinh tế thì chính quyền với lý thuyết Marx – Lenin tỏ ra không còn hợp thời thế, thiếu khả năng đóng vai trò đưa nước nhà theo kịp các nước láng diềng. Họ luống cuống với những chính sách mang tính cơ hội, chắp vá, thiếu hẳn chủ thuyết, khởi đi từ chế độ kinh tế chỉ huy bao cấp 1975-1986 đến nay thì thay đổi nhãn hiệu, đưa ra thể chế thị trường định hướng XHCN, như một người bán nam, bán nữ mà thế gian thường cho là người “lại cái”!! Nhà văn PĐT thực sự đã thấy rõ những bất cập của cái CNXH “ma quái” và đã thẳng thắn, dũng cảm viết bài Phản Hồi súc tích nêu lên khá rõ nét bức tranh sẫm màu đầy những “tệ đoan, tiêu cực” của xã hội ở trong nước hiện nay. Tôi nghĩ, rất nhiều người dân ở trong nước dù có là đảng viên CS hay không, nhiều người thấy rõ vấn đề như nhà văn PĐT đã thấy chứ chẳng phải không. Tuy nhiên mấy ai có được dũng khí nói thẳng, rõ ràng và mạnh mẽ, dứt khoát như PH này??
[…] Phạm Đình Trọng – Thời điểm quyết định số phận dân tộc Việt Nam (talawas.org) […]
Tôi thiển nghĩ cuộc tranh luận về chủ nghĩa cộng sản đã kết thúc lâu rồi, ít ra là trên thế giới và trên talawas này.
Điểm mà tôi muốn nhấn mạnh là người Việt chúng ta quá hay dán mác (chụp mũ) cho mọi thứ theo kiểu trắng-đen, trong khi bất cứ con người nào hay (sự) vật gì cũng đều đa diện, tốt xấu đan xen và còn tùy thuộc thời điểm, hoàn cảnh.
Bây giờ không còn là những năm 1930s hay thậm chí 1970s, ai ở Việt Nam hay trên thế giới còn tin là chế độ cộng sản Việt Nam (nếu chế độ này còn được gọi là công sản) phục vụ vô sản quốc tế? Những người hưởng lợi nhất từ chế độ này nếu không là người Kinh thì cũng là người dân tộc thiểu số, cũng là người Việt Nam cả! Vậy đủ để dán mác dân tộc cho nó chưa? Quý vị có thể nói nó chỉ làm lợi cho một nhóm người, nhưng xin thưa là không phải quốc gia dân chủ nào cũng công bằng được như Na-uy hay Thụy Điển. Ngay tại Mỹ chênh lệch giàu nghèo là khá lớn, còn nếu muốn lấy ví dụ để (hù) dọa cho nhân dân tránh xa chế độ dân chủ thì có Ấn Độ, quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, vài tỷ phú đô-la, còn hơn cả cựu mẫu quốc, trong khi hàng trăm triệu người sống dưới $1 mỗi ngày.
Có dỡ bỏ được “ách tai ương” thì “khơi dậy tinh hoa và khí phách dân tộc” để “xây dựng đất nước huy hoàng” cũng không dễ đâu. Còn cần nhiều tranh luận, thử nghiệm, thất bại… trên còn đường dài (dằng dặc) đó lắm. Muốn vậy, văn hóa Việt ta phải đổi như lời cụ Phan Châu (Chu) Trinh “vĩ đại đã từng dạy” (xin lỗi cụ con đùa chút thôi).
Ông Phạm Đình Trọng : ” Cộng sản là ngoại lai, là bạo lực, là đấu tranh giai cấp khốc liệt! Ngoại lai đối lập với dân tộc! “.
Ông Hoàng Trường Sa: “ Ở đây, theo tôi hiểu, ông Phạm Đình Trọng muốn nói Chủ nghĩa Cộng sản là có tính QUỐC TẾ, có mục đích phục vụ giai cấp vô sản quốc tế, đối lập với tính DÂN TỘC “.
Tôi nghĩ ông Hoàng Trường Sa giải thích ý ông Phạm Đình Trọng như trên là rất đúng, nhưng cũng xin góp vài lời với hy vọng có thể làm sáng tỏ thêm được chút nào.
Về chủ nghĩa dân tộc thì người Việt đã có từ thời Hồng Bàng hoặc sau đó không lâu, chậm nhất có thể kể từ khi hai bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán. Vì thế tiếp theo trong thời bị Trung quốc đô hộ, chúng ta mới có những khởi nghĩa giành độc lập dân tộc của bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng dẫn tới Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ và sau cùng Ngô Quyền, để phục hồi lại nền độc lập tự chủ cho Việt Nam, sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Cái tình tự dân tộc này, trải qua một thời gian dài như vậy cùng chịu đựng bao thủ đoạn đàn áp, mưu đồ đồng hóa của người Hán, mà vẫn âm ỉ sống, vẫn tồn tại để chờ cơ hội phục sinh. Trong khi chủ nghĩa quốc tế nằm ở đâu trong lòng dân tộc, có lẽ trước đây chỉ thấy trong thuyết “thiên hạ đại đồng” của Khổng giáo mà thật sự họ chỉ muốn rêu rao với cái nghĩa là văn minh, văn hóa của người Hán sẽ dùng khai hóa được các giống “rợ” sống chung quanh Trung Quốc, để sau cùng phổ cập ra khắp thế giới: một tinh thần đại Đại Hán.
Trong khi đó, dễ nhận thấy chủ nghĩa quốc tế vô sản chỉ bị áp đặt từ bên ngoài, bằng bạo lực, để mong phá vỡ cái dòng sống tự nhiên của các dân tộc, của loài người. Và đương nhiên chủ nghĩa gọi là quốc tế vô sản đó chứng tỏ đã thất bại, hay đang biến thành một quái trạng lịch sử không biết còn tiếp tục lây lất trong bao lâu nữa bằng dùng bạo lực khuất phục mọi người phải tin theo điều không thật có, là cái chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới không giai cấp .
Nhìn lại, khi con người từ bỏ nếp sống bộ lạc, ở Việt Nam chậm nhất từ thời Hùng Vương, thì ý thức về quyền sở hữu, tức tư sản cũng đã có, đồng thời với ước muốn được tự do xây dựng cuộc sống hạnh phúc theo ý riêng của mỗi cá nhân dù khi bó buộc phải sống trong tập thể xã hội. Cho nên phải kết luận chủ nghĩa dân tộc tư sản đã manh nha, và tồn tại rất lâu dài với các dân tộc từ thời cổ xưa, trong đó có VN, và cùng lúc có cả ý thức có lẽ còn mơ hồ về tự do chống lại các thứ áp bức đến tứ nhiều hình thái tập hợp, tổ chức, định chế. Nghĩa là đồng thời với dân chủ, con người cũng đòi hỏi được tự do hơn. Các chế độ phong kiến sau đó ở Việt Nam luôn mang tính dân tộc, hiện diện một ý thức về quyền sở hữu tự nhiên của con người, và cho dù các chế phong kiến trước đây đôi khi nghiệt ngã, nhưng vẫn thường tôn trọng, bảo vệ quyền lợi, cả ước muốn của mỗi người dân, cho nên nhờ đó chính quyền phong kiến không cần thiết phải sử dụng một bộ máy bạo lực khổng lồ để trấn áp người dân như hiện nay (hãy nghĩ tới con số trên 3 triệu công an, an ninh VN hiện có). Ngoài tinh thần dân tộc, cái tinh thần dân chủ cũng là tự nhiên, có lẽ cũng đã có ngay từ khi loài người từ bỏ nếp sống bầy đoàn, và cũng thấy tinh thần đó tại VN ngay từ xưa được thể hiện ở đơn vị hành chính căn bản là làng xã. Nhưng phải nhận là khi có ý thức rõ về quyền tư hữu, với sự xuất hiện của thành phần tư sản, sự tôn trọng quyền lợi của mỗi cá nhân trở nên lớn mạnh, thì tinh thần dân chủ phát triển được tới mức cao hơn trước nhiều.
Nếu ngày nay, hay ngày mai, người VN tiếp nhận chủ nghĩa tự do dân chủ mà bây giờ đã thành định chế vững chắc ở Tây phương, thì cũng là tiếp tục phát triển lên từ cái ý thức dân chủ đã có sẵn của dân tộc. Tất nhiên trong cuộc sống, VN không thể tách rời khỏi các nước khác trên thế giới, nên xây dựng dân chủ là điều tự nhiên, hợp với bước tiến của nhân loại. Còn về chuyên chính vô sản, được thấy ở đâu hiện nay? Ở Trung Quốc, Cuba hay Bắc Triều Tiên chỉ là những quái trạng của chủ nghĩa cộng sản không tưởng, mà chỗ tương đồng giữa họ là một chính quyền cực kỳ độc đoán, chuyên dùng dối trá và bạo lực đàn áp khốc liệt mọi người dân đang mong muốn xây dựng thể chế dân chủ tự do theo xu hướng chung của thời đại.
Dân chủ và tự do là hai mặt của một vấn đề, cũng là hai vũ khí cho cùng một mục tiêu xây dựng xã hội tiến bộ và hạnh phúc cho con người; cả hai có tính tương lập, tương tác, đồng thời cũng giới hạn sự quá đà của mỗi bên. Dân chủ vì quyền lợi của xã hội và tự do vì quyền lợi của mỗi con người, mà sự thái quá ở bên nào cũng là tai hại. Chế độ cộng sản toàn trị đã nhập nhằng khi nhân danh và sử dụng cái chiêu bài gọi là “dân chủ tập trung” để giết chết tự do chân chính và dân chủ đích thực.
[…] Phạm Đình Trọng – Thời điểm quyết định số phận dân tộc Việt Nam […]
1. “Chủ nghĩa cộng sản là ngoại lai thì rõ rồi, vậy nhưng mô hình chế độ dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập … thì do anh Trần Vằn Tèo hay chị Nguyễn Thị Mít nào nghĩ ra vậy? Quý vị muốn VN hậu cộng sản phát triển theo mô hình nào vậy? Tôi e rằng bây giờ có lập vua như thời Lý Trần cũng không tránh được tiếng ngoại lai, có chăng ai biết vua Hùng trị nước ra sao mà làm theo thì may ra!” (Ý kiến của T)
Theo ngu ý, bạn T đã hiểu sai chữ “ngoại lai” mà tác giả Phạm Đình Trọng sử dụng. Ngoại lai ở đây không có nghĩa giản đơn là “đến từ bên ngoài” như ngữ nghĩa chỉ định (tức là do người nước khác, không phải VN, nghĩ ra hay thành lập ra). Ở đây, theo tôi hiểu, ông Phạm Đình Trọng muốn nói Chủ nghĩa Cộng sản là có tính QUỐC TẾ, có mục đích phục vụ giai cấp vô sản quốc tế, đối lập với tính DÂN TỘC, và có mục đích phục vụ DÂN TỘC. Như chính ông PĐT đã viết ngay sau đó câu nguyên văn: “Ngoại lai đối lập với dân tộc!”. Điều này hoàn toàn đúng. Vì chủ nghĩa CS có mục đích là đấu tranh giai cấp cho toàn thể mọi người vô sản trên toàn thế giới bất kể thuộc quốc gia, dân tộc nào. Cứu cánh của Chủ nghĩa CS là thế giới đại đồng, không còn lằn ranh quốc gia. Đó chính là lý do tại sao từ thời VNDCCH do ông Hồ lãnh đạo ở miền Bắc, cho đến thời CHXHCNVN mãi đến rất gần đây trên toàn quốc, hằng năm không có ngày GIỖ TỔ Hùng Vương. Bởi vì, đối với người CSVN, Tổ Hùng Vương là biểu tượng của DÂN TỘC. Nó đi ngược lại tính QUỐC TẾ của Chủ nghĩa CS mà họ đang hướng tới. Dù trong hơn 60 năm qua, ĐCSVN đã sử dụng chiêu bài DÂN TỘC rất thành công, nhưng đó là do họ khéo tuyên truyền lừa bịp nhân dân ta, chứ DÂN TỘC không bao giờ là mục tiêu của họ cả. Cũng chính vì thế mà các triều đại VN trước đây (người CSVN gọi là các triều đại phong kiến) chỉ được ĐCSVN và Nhà nước CSVN đề cập đến qua loa trong chương trình học của học sinh VN, trong khi họ nhấn mạnh đến Lịch sử ĐCSVN và Chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Bài viết này của ông Phạm Đình Trọng, theo tôi, là rất xuất sắc và dũng cảm. Ông đã can đảm bước qua khỏi bóng tối của những năm phục vụ ĐCSVN như là một đảng viên, để nói lên một cách THẲNG THẮN và THÀNH THẬT những suy nghĩ rất đúng đắn của ông về tình hình đất nước ta hiện nay. Tôi xin nghiêng mình cảm phục ông và chân thành cám ơn ông Phạm Đình Trọng về hành động dũng cảm này. Kính chúc ông chân cứng đá mềm để cùng toàn dân đấu tranh giành lại quyền làm chủ đất nước mà ông Hồ và ĐCSVN đã tước đọat từ tay nhân dân VN vào mùa thu năm 1945.
Chủ nghĩa cộng sản là ngoại lai thì rõ rồi, vậy nhưng mô hình chế độ dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập … thì do anh Trần Vằn Tèo hay chị Nguyễn Thị Mít nào nghĩ ra vậy? Quý vị muốn VN hậu cộng sản phát triển theo mô hình nào vậy? Tôi e rằng bây giờ có lập vua như thời Lý Trần cũng không tránh được tiếng ngoại lai, có chăng ai biết vua Hùng trị nước ra sao mà làm theo thì may ra!
Ngay trên talawas này, rất ít bài (tác giả) thoát được thiên kiến, trách chi trong nước. Tôi thì tiên đoán năm 2030 Nguyễn Y Vần làm TÔng Bí thư!