Trần Hoàng Lan – Lời từ biệt talawas
01/11/2010 | 12:37 sáng | 3 Comments
Category: 9 năm talawas, Báo chí - Truyền thông, Chính trị - Xã hội
Một cuộc chia tay
Một cuộc chia tay của những người chưa từng gặp nhau
Một cuộc chia tay không nói khi nào gặp lại,
cũng không bảo rằng xa nhau mãi mãi.
Một cuộc chia tay mà mỗi bài viết,
mỗi câu trả lời,
mỗi phản hồi
và cả những lặng im,
đều là những lời giã biệt.
Một cuộc chia tay hẹn nhiều cuộc gặp khác.
Đó là cuộc chia tay của talawas
với độc giả của diễn đàn.
Nếu có nói thêm vài lời tiếc nuối nữa thì cũng không ngăn cản được quyết định đóng cửa diễn đàn vào ngày 3/11 tới của ban chủ nhiệm, vì vậy lời từ biệt của tôi sẽ là phỏng đoán về lý do mà diễn đàn đóng cửa. Sự phỏng đoán của một thành viên tham gia chưa đầy ba tháng, viết được vài bài cho diễn đàn nhưng có tới một nửa trong số đó không được duyệt, mong sẽ được ban chủ nhiệm, độc giả châm chước, chấp nhận nó là lời từ biệt. Tôi sẽ phỏng đoán lý do diễn đàn đóng cửa bằng phương pháp loại trừ.
talawas cùng một số diễn đàn như Dân Luận, Nhân Quyền Cho Việt Nam, Bauxite Việt Nam… đã thu hút được rất nhiều độc giả, bởi nó đã đem đến cho độc giả, nhất là các độc giả trong nước những thông tin mà nhà nước cố tình bưng bít che giấu, những quan điểm, những cách nhìn đa dạng về mọi vấn đề, điều mà chỉ trong môi trường tự do báo chí, tự do ngôn luận mới có được. Vì vậy một bức tường lửa của an ninh nhà nước xung quanh những trang mạng này được thiết lập nhằm ngăn cản các độc giả trong nước truy cập. Nhưng chính bức tường lửa này lại trở thành “bức tường hào quang” vinh danh các trang mạng, trong đó có talawas. Việc độc giả trong nước vượt tường lửa để đến với các trang mạng đó đã thành một công việc không quá khó khăn. Trang mạng talawas cũng đã nhiều lần bị tin tặc đánh phá phải ngừng hoạt động, nhưng sau mỗi lần phục hồi, độc giả lại được thấy nó cuốn hút hơn trước. Như vậy lý do đầu tiên là trang mạng thường xuyên bị ngăn cản truy nhập bằng tường lửa, thường xuyên bị tin tặc đánh phá dẫn tới phải tuyên bố đóng cửa được loại trừ.
Lý do thứ hai là ban chủ nhiệm, ban biên tập đã quá mệt mỏi với những công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của diễn đàn. Đây là lý do mà nếu là thật thì nó sẽ là một thất vọng cho những người Việt Nam đang tranh đấu cho một nước Việt Nam có tự do dân chủ thực sự, nhưng tôi tin vào ban chủ nhiệm, ban biên tập. Do vậy tôi sẽ không chấp nhận lý do này.
Lý do thứ ba là phỏng đoán của tôi và có lẽ cũng là lý do mà nhiều độc giả mong đó là lý do thực sự: Diễn đàn talawas đóng cửa để thay thế bằng một diễn đàn mới hứa hẹn nhiều hấp dẫn, thú vị cho độc giả, nhất là những độc giả quan tâm tới cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho Việt Nam.
Sau đây là phần trả lời phỏng vấn các câu hỏi của talawas.
I.
1. Vấn đề đầu tiên và cũng hệ trọng nhất là chế độ độc tài đảng trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được cầm đầu bởi một tập thể lãnh đạo bất tài, bảo thủ, giả dối, tham lam đã tồn tại quá lâu, từ đó gây ra vô số các hệ lụy, cũng chính là các vấn đề hệ trọng của Việt Nam ngày nay. Xin đơn cử:
2. Chính trị, xã hội, môi trường: Mặc dù biết cải cách chính trị sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của đất nước nhưng vì sợ mất địa vị lãnh đạo, mất những đặc quyền đặc lợi của bản thân và gia đình, phe nhóm đang hưởng, tập đoàn lãnh đạo cộng sản vẫn khăng khăng duy trì một thể chế chính trị lỗi thời, cấm đoán hạn chế những quyền tự do của người dân, đàn áp tôn giáo, đàn áp phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ vì tiến bộ của đất nước. Luật pháp không nghiêm, tham nhũng tràn lan, cùng với các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, mê tín dị đoan ngày càng trở thành phổ biến góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề là hậu quả của những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế bất chấp tác động xấu cho môi trường mà chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một điển hình. Sự biến đổi khí hậu cộng với sự dốt nát trong quy hoạch, xây dựng của lãnh đạo làm tăng thêm mức độ tàn phá của thiên tai. Ngập lụt ở Sài Gòn, Hà Nội, lũ lụt miền Trung trong những năm vừa qua xuất hiện ngày càng nhiều, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
3. Kinh tế: Có tăng trưởng nhưng không bền vững: tăng trưởng do bán tài nguyên thô, tăng trưởng do thu hút nước ngoài đầu tư nhưng không chú trọng tới môi trường. Các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ gây lãng phí tiền của, tài nguyên của đất nước nhưng vẫn được nhà nước để cho tồn tại, ưu tiên vốn và các lợi thế để cạnh tranh với kinh tế tư nhân. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Một bên là những cán bộ quyền chức của Đảng, nhà nước cùng họ hàng phe cánh nắm trong tay mọi cơ hội làm giàu, từ cơ hội tham nhũng đến những chủ trương chính sách tự tay ban hành, một bên là nhân dân nghèo khổ bị bần cùng hóa, bị cả “tư bản đỏ” và tư bản nước ngoài bóc lột. Nợ nước ngoài nhiều: ngoài Vinashin còn có thể có rất nhiều các tập đoàn nhà nước khác cũng có những món nợ khổng lồ nhưng chưa được công khai và khi có một biến động về tài chính nào đó, Việt Nam rất có thể lâm vào hoàn cảnh như của Hy Lạp vừa qua.
4. Văn hóa, giáo dục: Giáo dục lạc hậu do sai về triết lý. Bệnh thành tích, dối trá trong giáo dục ngày càng trầm trọng, được cả một guồng máy lãnh đạo Đảng và nhà nước ngầm khuyến khích dưới các hình thức thi đua, khen thưởng. Văn hóa suy đồi, các giá trị văn hóa tốt đẹp bị đảo ngược.
5. Chủ quyền, an ninh: Chủ quyền, an ninh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng qua những sự kiện để Trung Quốc lấn chiếm biên giới, hải đảo, cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên biển Đông, mua rừng đầu nguồn sát biên giới, khai thác bauxite ở Tây Nguyên, trúng thầu các công trình trọng điểm.
II.
Những việc đầu tiên cần làm theo thứ tự sẽ là:
- thả hết tù chính trị;
- bãi bỏ ngay lập tức các điều luật ngăn cấm, hạn chế các quyền tự do của người dân đã được nêu trong các công ước của quốc tế;
- trung lập hóa lực lượng vũ trang;
- kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để duy trì ổn định xã hội;
- thành lập chính phủ lâm thời điều hành đất nước;
- chuẩn bị để đưa ra trưng cầu dân ý về bãi bỏ điều 4 hiến pháp và tương lai chính trị của Việt Nam.
III.
Năm 2010 đã gần qua. Năm 2020 nếu Việt Nam xóa bỏ được chế độ cộng sản để thành lập một nhà nước dân chủ đa nguyên thì những di chứng, tàn tích của nó để lại về mọi mặt cho đất nước vẫn hết sức nặng nề, cần phải có một thời gian dài để khắc phục hậu quả và như vậy phải tới năm 2030 Việt Nam mới căn bản trở thành một nước tự do dân chủ có nhiều tiến bộ về kinh tế.
© 2010 Trần Hoàng Lan
© 2010 talawas
Bình luận
3 Comments (bài “Trần Hoàng Lan – Lời từ biệt talawas”)
“Một cuộc chia tay của những người chưa từng gặp nhau
Một cuộc chia tay không nói khi nào gặp lại,
cũng không bảo rằng xa nhau mãi mãi.” (Trần Hoàng Lan)
Ta ngỡ bên em trọn kiếp nầy
Ai ngờ phúc chốc bỗng đứt dây
Luyến lưu thuở ấy nay đành vậy
Ai biết chăng ai nỗi khổ nầy
Wờ quạng đêm đen mò kiếm bước
Ao ước ngày nào trở lại đây
Sẽ khóc cho vơi nỗi nhớ nầy.
[…] Lời từ biệt talawas […]
Sự thiếu minh bạch là chìa khóa của sự tồn tại của chế độ trá hình cộng sản ở VN hiện nay. Chỉ có sự minh bạch mới đánh đổ sự giả trá và hư hoại ấy. Sự minh bạch đã và đang được những diễn đàn “lề trái” duy trì và đây là những chiếc gai nhức nhối trong mắt của những người đang ngồi trên chiếc ghế lãnh đạo.
Talawas dẫu đóng cửa, nó vẫn hiện hữu trên mạng với nguồn thông tin khổng lồ và hữu ích. Hãy mở cửa những “talawas” mới và hãy dùng sự minh bạch để dẹp bỏ những gỉa trá và hư hoại.
Nếu tôi có 24 giờ, tôi sẽ dùng nó để minh bạch tất cả mọi điều đến 90 triệu người dân Việt Nam ở khắp miền đất nước.