Nguyễn-Khoa Thái Anh – Nguyễn Huệ Chi và Vũ Huy Quang: Dị biệt và Tâm giao
31/10/2010 | 2:29 sáng | 21 Comments
Category: 9 năm talawas, Chính trị - Xã hội
Thẻ: Người Việt tại Mỹ > Nguyễn Huệ Chi
Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010
Quốc lộ 1 lượn cong cong, trải dài một đường cung vòng theo triền đồi, một bên là núi một bên là biển trắng xóa với những làn sóng bạc đầu xô dạt vào bờ. Pacifica 1 mile: biển chỉ đường cho biết điểm hẹn sắp đến.
“Thưa thầy, nhìn cảnh thần tiên này thầy!”
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bừng mắt dậy: “Đẹp quá, đẹp quá! Chúng ta còn ở San Francisco không?”
“Dạ không, mình cách San Francisco khoảng 12 dặm về phía Nam.”
Với tốc độ cao, chiếc xe lao vun vút xuống dốc như có thể bay được trên khoảng không đáp xuống mặt biển. Khoảng 10 phút sau chúng tôi rẽ phải vào đường Crespi. Trời hôm nay trong xanh, chẳng bù với ba hôm trước mưa sa, mây mù, gió bão khắp vùng Bắc Cali. Gọi điện cho anh Vũ Huy Quang cho biết đã đến nơi, chúng tôi ra khỏi xe, lững thững bước nhìn phong cảnh hữu tình. Mùi mặn và tanh của nước biển tràn ngập hai buồng phổi mang lại sinh khí cho hai người.
“Thầy thấy có khoẻ không?”
“Khoẻ chứ, hôm qua chỉ ngủ được ba tiếng. Nắng ấm tốt quá.”
Ngồi trước cửa khu chung cư dành cho người hưu trí một chặp thì di động reo.
“Anh Quang gọi.”
“A, đây rồi, ngồi khuất thế này làm sao mà thấy được.” Anh Quang bước tới, ta thán.
Nguyễn Huệ Chi và Vũ Huy Quang tay bắt mặt mừng. Nom thấy mái tóc hoa râm và gương mặt suy tư rất ư là đạo mạo của anh Quang, tôi buột mồm: “Trông anh còn có vẻ già hơn ông Chi đấy nhé.”
“Mười năm rồi còn gì.” ông Chi nói. “Này, mình hàn huyên với nhau một chặp rồi cho tôi đi thăm cụ nhé?”
“Được, được.”
Chúng tôi dùng thang máy lên từng thứ tư, đi gần cuối một hành lang có cửa sổ cho thấy cảnh trong xanh của nước bể đằng xa.
“Có biển xanh là ta vẫn còn hy vọng”, tôi nói. Anh Quang mở cửa đưa chúng tôi vào căn hộ. Vừa bước vào bên trong là hơi thuốc lá đã xông vào mũi, nồng nặc. Căn hộ gồm hai gian, phòng khách và nhà bếp chia nhau một gian ngoài, với cửa kính ở cuối phòng đưa hướng nhìn xuyên qua mái ra đến vùng biển núi đằng xa. Bên trong là phòng ngủ và một buồng tắm. Đặc điểm của căn hộ là cửa kính nhìn ra núi và biển.
“Ông có biết chỗ này người ta gọi là gì không?” Anh Quang hỏi giáo sư Chi.
“Không.”
“Ngoạ hổ tàng long. Núi gặp biển thế kia, tôi ở đúng vào một nơi địa lý hiểm trở đấy!” Vũ Huy Quang vừa nói xong là cả hội cười. Gian ngoài gồm cái giường futon và một cái bàn nhỏ kê sát quầy, chia phòng khách và bếp, ở trên bàn có sách vở, mấy chai rượu và lọ gia vị. Đặc biệt là kệ sách mà hơn 90 phần trăm là sách về chủ thuyết và luận cứ cộng sản. Gặp anh một đôi lần, tôi cũng nghe tiếng Vũ Huy Quang là một Trotkyist thiên tả.
“Anh ở Mỹ mà theo cộng sản không sợ người ta gọi là phản động à?” Tôi đùa.
“Tôi chẳng theo ai. Ở Mỹ, Đảng Cộng sản vẫn được phép hoạt động chính thức cơ mà. Chính ra tôi là Trotskyist, tranh đấu suốt đời…” Anh còn lơ lửng thì ông Chi đỡ lời:
“Anh Quang thuộc phe Đệ Tứ thì đã bị phe Đệ Tam diệt cả rồi, tranh đấu gì được nữa!”
Chúng tôi lại cười ồ.
“Nói thật với anh nhé, bọn chống cộng ở đây chả biết cóc gì về cộng sản, ngay cả đám cộng sản trong nước họ cũng chẳng hiểu gì về cộng sản, có ai chịu đọc sách, học hỏi tư tưởng Bác Hồ, tư tưởng Marxisist-Leninist bao giờ đâu!”
“Anh nói thế về ông Hồ thì tôi không đồng ý, người ta ai cũng biết tư tưởng của cụ là thế nào chứ.”
Tôi lại chêm vào: “Anh Quang à, lý thuyết cộng sản của anh thì chỉ có trong sách vở.”
“Ở đây có người Việt ở không?” Giáo sư Chi hỏi.
“Tôi là người Việt duy nhất ở đây. Xin lỗi, mấy tên Bolsaviks (Bolsa được xem là thủ phủ chống cộng máu nhất ở Cali) thì có thớ gì mà vào được đây, có thành thạo tiếng Anh đâu, có nói chuyện, am hiểu được người Mỹ đâu mà sống trong vùng này. Họ chỉ sống trong vũng lầy của họ thôi.”
Lan man một hồi với nhiều giai thoại về những người đồng lứa, những người bạn xưa cũ, những người mà nay Vũ Huy Quang cho rằng sự thành công của họ được đo bằng tiền của, nhưng không vượt lên trên ý thức gì xa xôi hơn, theo anh:
“Khi nói chuyện với mình họ chỉ nhìn – nói xin lỗi – từ fermeture quần trở xuống chân và giầy dép. Đ.M., nói chuyện với họ chỉ năm mười phút là tôi chán chẳng còn chuyện gì để nói. Cái đầu họ chẳng có tí gì.”
Nói chuyện người khác rồi lại nói đến chuyện mình, Vũ Huy Quang như gặp đúng người trút bầu tâm sự. Khi Giáo sư Chi hỏi thăm về người bạn năm xưa, khơi mào chuyện than trách về cuộc tình cũ của anh, một người mà anh cho là hiền lành và dại dột không biết lượng thời thế. Muốn giúp cho Vũ Huy Quang bớt đắng cay vì “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bèn phê một câu:
“Chị ấy chịu đựng được anh bao nhiêu năm nay thì đúng là chị ấy khôn rồi!”
“Chú nói thế không đúng, vì chịu đựng anh ấy được bao nhiêu năm nay nên ta phải nói là chị ấy dại nhất trần đời!” Lời nói thẳng thừng không đắn đo suy nghĩ của tôi làm ông Chi cười ha hả và anh Quang cũng đỏ mặt cười theo không phản đối gì. Anh Quang cũng là người độ lượng, không chấp nhất những lời châm chọc của tôi. Trái lại, anh cho tôi biết trong đời anh sợ và mến nể nhất là những người trẻ, những người ít tuổi nhưng nhiều hiểu biết và nhiều khi chính anh có lỗi với họ nhưng họ vẫn không giận, vẫn tử tế, giúp đỡ anh. “Thí dụ như cô Cầm nhé, nó chịu đựng tôi đủ điều, nạt nộ la hét vô lối, nhưng chẳng bao giờ cô ấy để ý hay giận tôi. Cả đời tôi biết ơn và nể trọng những người như thế.”
Vũ Huy Quang cho thấy lý do anh sống xa cách nơi phồn hoa đô hội chẳng phải là do cây thông của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!” mà cũng chẳng phải vì anh là nhà thơ nhiều mơ mộng: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?” như Kiều của Nguyễn Du, hay một người mẫn cảm như trong ca dao: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.”
Anh kể lại chuyện tình với một người anh gọi là cô du kích, tình cờ một hôm chở cô đi chơi lạc vào vùng Pacifica, đường núi ngoằn ngoèo, sương mù lại kéo xuống không biết đường về, phải tá túc lại một đêm ở motel. Sáng hôm sau, đi ngang đến chỗ này, anh thấy biển và núi nên thơ hữu tình, thích quá nhưng sợ ngoài tầm tay với của mình anh định không vào, nhưng được cô du kích phán cho một câu chí lý: “Anh cứ vào hỏi đi, không được thì thôi, có ai giết mình đâu mà sợ.”
Và như người Mỹ thường nói: “Phần còn lại là chuyện đã rồi.” (And the rest is history.) Sau đó chúng tôi lên xe đi thăm bà cụ thân sinh anh Quang mà Giáo sư Nguyến Huệ Chi đã gặp khoảng mười năm trước. Trên chiếc xe Volvo đời cũ của anh, tôi vớ được một quyển sách:
“Trong tất cả các sách của anh, em chỉ thích nhất là quyển này!”
“Quyển gì đó?”
“Elmore Leonard’s Ten Rules of Writing. Mười điều răn về viết văn của ông Elmore Leonard.”
“Anh tặng Thái Anh đó!”
“Cám ơn anh nhiều nhé.”
Sau khi đi ăn, đi ngao du vùng biển chúng tôi về nhà anh, kết thúc buổi gặp gỡ bằng một vài bí quyết làm bếp. Quân tử há phải xa lọ bếp núc?
Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010
Ở đời có nhiều cơ duyên tình cờ run rủi cho mình được gặp những hiền tài, những người mến mộ từ lâu – những người đã gợi lên trong ta chuyện “quốc hồn, quốc túy”. Đến nửa tuổi đời, tôi như một thằng bé đi tìm cái hay trong ý nghĩa cuộc sống của thân phận người. Chẳng may đó là thân phận, số kiếp của dòng giống Lạc Việt, trải qua hàng nghìn năm hiện hữu mà có khi nào trong suốt chiều dài lịch sử đó, đã có ai phải tự hỏi trong thời điểm họ đang sống: “Có phải đất nước ta đang đứng trước một hiểm họa tương lai vô tiền khoáng hậu không?” Ít ra chân lý tầm sư học đạo của một người xa quê hương như tôi còn tìm được những bậc tri kỷ để chia sẻ chuyện tâm giao, an ủi được những lúc mình cố quên đi số phận Việt của mình.”
Hơn tuần nay bàng hoàng vì quyết định đóng cửa của talawas, tôi suy nghĩ nhiều về mấy câu phỏng vấn của Phạm Thị Hoài. Đối với tôi, điều hệ trọng nhất là sự hiện diện của khúc ruột ngàn dặm, khoảng ba triệu người Việt hải ngoại, họ chính là tiềm năng lớn của đất nước. Làm thế nào để nhà nước thực sự cải tổ, để những người con xa nhà vẫn có thể đóng góp cho quê hương. Không hiểu ý tưởng này quá xa rời thực tế không: Nếu chẳng may nước Việt Nam trở thành một quận huyện của Trung Quốc thì những con dân hải ngoại giống như những người Do Thái một ngày kia sẽ trở về khôi phục lại giang sơn? Hay là lúc đó người Việt đã bị đồng hóa cả hai chiều, trong nước họ sẽ trở thành một sắc tộc của người Hoa, ở hải ngoại họ sẽ trở nên những người Âu Mỹ gốc châu Á?
Hôm tiễn biệt giáo sư Nguyễn Huệ Chi ở phi trường, nhìn quyển hộ chiếu màu nâu tím của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi bèn hỏi ông: “Chú có biết cháu có một lợi điểm hơn chú ở chỗ nào không?”
“Không biết, cháu nói cho chú nghe.”
“Dù gì đi nữa thì cháu cũng còn quốc tịch Mỹ, còn hơn phải mang quốc tịch Tàu. Cái lợi điểm của người Việt hải ngoại cũng chính là cái khó của họ, lúc nào họ cũng còn Hoa Kỳ để nương tựa, cho nên ít khi nào họ tranh đấu đến cùng cho sự sống còn của Việt Nam. Còn trường hợp những người trong nước thì khác, chú có đồng ý không?” Ông chỉ gượng cười nhưng không nói.
Khoảng tuần lễ nay tôi có nhiệm vụ làm tài xế cho giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Năm nay ông ngoài 70, nhưng người còn tráng kiện, rắn rỏi, dáng người nhỏ, da ngăm ngăm. Tôi cảm thấy mình có diễm phúc được biết đến một con người khả kính và bình dị như ông, thâm sử Việt lại sành Hán văn. Có hôm tôi ngồi say mê nghe ông nói chuyện với những bậc đàn anh về Lý-Trần, về Cao Bá Quát, về công việc lùng kiếm những bia cổ, chuyện đốt sách của Minh Thành Tổ. Kể cả khi ông được đi nghiên cứu ở Trung Quốc, nói chuyện khí tiết với một học giả và cán bộ phiên dịch Trung Hoa làm anh ta xấu hổ vì bị ông vạch mặt ý đồ của tổ tiên họ, chuyện họ muốn diệt văn hóa Việt cũng như đồng hóa Việt Nam. Một hôm đưa ông đến nhà một anh bạn sưu tầm đồ gốm cổ Việt Nam, ông đã bỏ gần ba tiếng đồng hồ để ngắm nghía, đọc và chú giải những hàng chữ Nôm, chữ Hán trên những đồ cổ bằng sành, sứ.
“Chú ơi vào đây xem, sách vở của anh Peter như thế này thì khiếp quá.” ông Chi bước theo tôi vào phòng sách của giáo sư sử Peter Zinoman (thuộc Đại học Berkeley). Cả một gian phòng mà ba bức tường đều kê bằng những kệ sách, vừa Việt vừa Anh, lại có một số sách bằng Pháp văn. “Thế này thì chưa thấm vào đâu, Thái Anh phải đến xem sách của chú ở Hà Nội.” Anh Peter cũng bước vào, nói tiếng Việt với giọng Hà Nội: “Chú nhiều sách thế à, cháu còn sách ở phòng này nữa.” Anh Peter vừa nói vừa đưa chúng tôi sang một phòng khác. Cô Cầm cũng đi theo. “Đây đúng ra là phòng làm việc của Cầm”, Peter nói. Lại hai bức tường kê rất nhiều sách. Giáo sư Chi không bỏ lỡ cơ hội, rà soát những quyển sách cổ và quý của Việt Nam, kể cả Pháp. Từ Kiều đến Phạm Quỳnh, đến các tác giả thời Tự lực Văn đoàn, đến những quyển sử ký quý của Việt Nam. Nhiều sách ông chưa cầm đến đã biết do ai soạn, xuất bản năm nào, sai sót điều gì. Ngay cả khổ sách ông cũng biết. “Sách này hẳn đã in lại, sách chính nguyên bản làm gì có khổ lớn như thế này!”
“Sao, cháu có quen chị T. à, chị ấy dạo này ra sao, còn đẹp và hiền thục như khi xưa không?” hoặc, ” Còn cô T.V. nữa, cấm cố tu thân thật à?”, ông hỏi han tất không sót một người nào. “Còn mẹ anh Quang, ngày xưa đã từng chăm sóc chú tử tế lắm, bà chính là người báo tin cho chú cuộc tấn công Tháp Đôi ở New York ngày 9/11… Ta phải gọi điện, hẹn ngày đến thăm họ ngay.” Ông không để tôi quên một người nào.
Ông cũng dí dỏm không kém, một hôm đưa ông vào khuôn viên Đại học Berkeley, đi qua Sproul Hall nơi tụ họp đình đám của các nhóm sinh viên phản chiến vào thập niên 60, tôi hỏi ông có muốn theo tinh thần Free Speech của Berkeley đứng giữa các bậc tam cấp lấy loa rao giảng không? “Thôi mình Free Speech với Kiến nghị ở trang Bauxite Việt Nam như thế đủ rồi!” Tôi bật cười: “Lấy kiến nghị của Mỹ nữa chứ!” Ông trả lời: “Mấy nghìn chữ ký, lại có lão thành cách mạng nặng ký ở Việt Nam như bà Nguyễn Thị Bình ký thì Mỹ nào sánh bằng?”
Lúc vào tiệm sách cộng sản trong Durant Square ở Berkeley, tôi giới thiệu ông với cô hàng sách người Mỹ trắng, bảo rằng: “Ông này là giáo sư ở xứ Việt Nam cộng sản sang thăm các đồng chí đây!”
“Ấy chết, ai lại nói thế?!” Ông cười nhẹ nhàng phản đối. Ai ngờ bắt đúng tần số, cô Mỹ trắng lại biện minh cho nhà nước thân yêu: “Việt Nam không thể nào gọi là một nước cộng sản được, anh nói thế không đúng, v.v.và v.v.”
Khi đi qua các hội sinh viên bày biện bàn ghế, băng-đơ-rôn quảng cáo những việc làm của họ, ông cũng rất vui. Gặp các em trong hội sinh viên Việt Nam, ông mừng rỡ khi nghe những em còn nói được tiếng Việt, ông khuyến khích và cổ động các em gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa, hỏi thăm thân thế của các em rất chân tình.
Tất cả những điều thâm thúy về văn học sử này đương nhiên được hun đúc bằng những năm nghiên cứu, học hỏi dài lâu, nhưng có lẽ điều đáng quý của con người của ông là được bổ túc bằng những đức tính nhân nghĩa, cách đối xử bình dị, thân thương và rất trọng tình nghĩa của phong tục Việt Nam. Ông nhớ mãi những tiểu tiết của mười năm trước, những cử chỉ, những hành vi tốt lành, một lời nói chí tình, một ánh mắt, một nụ cười đôn hậu. Trong một hoàn cảnh đất nước, cái thiện cái ác lẫn lộn, khi nhân nghĩa, đạo đức có vẻ như bị suy đồi thì văn hóa, tình người thuần Việt của cha ông ta có lẽ còn tồn đọng ở những người như ông, chưa mất.
© 2010 Nguyễn-Khoa Thái Anh
© 2010 talawas
Bình luận
21 Comments (bài “Nguyễn-Khoa Thái Anh – Nguyễn Huệ Chi và Vũ Huy Quang: Dị biệt và Tâm giao”)
« Trang trước 1 2
Nguyễn Khoa Thái-Anh nói “Vũ Huy Quang là một Trotkyist thiên tả”. Nghe hay quá. Có lẽ cũng có cái gọi là “Trotkyist thiên hữu” nên anh ta phải nhấn mạnh “Trotkyist thiên tả” để phân biệt cho rõ ràng đây mà!
Vũ Huy Quang còn tự xưng: “Chính ra tôi là Trotskyist, tranh đấu suốt đời…”
Nghe mà bùng hết hai lỗ tai. Xin các vị trí thức chỉ ra giùm cho tôi biết từ trước đến nay ông Vũ Huy Quang đã “tranh đấu” với ai, “tranh đấu” cho cái gì, “tranh đấu” chống lại cái gì, “tranh đấu” ở đâu!
Tôi thấy ông Vũ Huy Quang cả đời chỉ viết được dăm ba bài khảo luận về chính trị, ngoài ra ông ta không chứng tỏ đã “tranh đấu” cho ai cả.
Không biết ông Vũ Huy Quang sang Mỹ từ lúc nào, bằng cách nào. Nếu ông ta là người tỵ nạn vượt biển, thì sao ông ta không “tranh đấu” cho người tỵ nạn, “tranh đấu” chống lại cái chế độ đã khiến hàng triệu người phải vượt biển ra đi, hàng trăm ngàn người phải vùi thây trong lòng biển?
Ông “tranh đấu” cái kiểu gì mà ông ở một nơi sang cả quá chừng, dân tỵ nạn không dám tới. Ông tuyên bố: “Tôi là người Việt duy nhất ở đây. Xin lỗi, mấy tên Bolsaviks (Bolsa được xem là thủ phủ chống cộng máu nhất ở Cali) thì có thớ gì mà vào được đây, có thành thạo tiếng Anh đâu, có nói chuyện, am hiểu được người Mỹ đâu mà sống trong vùng này. Họ chỉ sống trong vũng lầy của họ thôi.”
Ông “thiên tả” mà sao ông khinh bỉ nhân dân lao động quá chừng. Ông nhiếc móc họ đến mức này: “Khi nói chuyện với mình họ chỉ nhìn – nói xin lỗi – từ fermeture quần trở xuống chân và giầy dép. Đ.M., nói chuyện với họ chỉ năm mười phút là tôi chán chẳng còn chuyện gì để nói. Cái đầu họ chẳng có tí gì.”
Nguyễn Khoa Thái-Anh nghe những lời của Vũ Huy Quang, thì được lời như cởi tấm lòng, tâm đắc quá nên nhớ làu làu từng chữ, bỏ sức viết ra thành bài mà truyền bá trên mạng. Quả là nồi nào vung nấy.
Nếu ông Nguyễn Huệ Chi mà cũng tâm đắc với những lời nói và thái độ của ông Vũ Huy Quang, thì tôi không còn biết định nghĩa “trí thức” là cái gì nữa.
Lời ông Vũ Huy Quang làm tôi nhớ tới lời thứ trưởng ngoại giao của nhà nước cộng sản tên Phan Hiền trả lời phóng viên nhà báo ngoại quốc tại Thái Lan khi làn sóng người Việt tỵ nạn cộng sản đang tràn xuống Thái Lan, Mã Lai, Indonesia rằng thì là “các người đó là những kẻ lười biếng trốn lao động, thành phần ma cô đĩ điếm cặn bã của xã hội…”.
Ôi, dân Việt ta! Ôi chế độ!
@ Nguyễn Khoa Thái Anh
Trước khi chiéc thuyền talawas trầm mình để đi vào lịch sử xin mạn phép chỉ ra vài rò rỉ trong các câu thơ bác trích để nói lên tâm trạng của bác: (i) cái tựa bài thơ không đúng; (ii) các chữ trong câu hai sai và làm cho ý thơ lệch lạc; (iii) chữ trong câu ba cũng sai làm nhẹ ý thơ của tác giả; và (iv) chữ trong câu bốn cũng sai.
Theo http://quantho.net/index.php?view=story&subjectid=4122 thì các chi tiết của bài thơ đó như sau:
“…
Sau đây là bản phiên âm Hán-Việt trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920, trang 400 – 401 và bản dịch của Dương Bá Trạc (đã chỉnh lại lỗi chính tả so với lần in đầu) do nhà biên khảo Phạm Hoàng Quân sao chép lại.
Nam phương ca khúc
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử.[3]
Dịch nghĩa:
Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời
Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?
Quay đầu trông về nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắt
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều.
Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén rượu này
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng
Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây, mưa núi tây một trận sao lênh láng
Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khác
Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say tràn
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm
Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.
Nguyễn Bá Trác dịch thơ:
Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể đông chảy xiết sinh cuồng loạn;
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn.
…”
Mến chúa an lành
ĐN
“Khi nói chuyện với mình họ chỉ nhìn – nói xin lỗi – từ fermeture quần trở xuống chân và giầy dép. Đ.M., nói chuyện với họ chỉ năm mười phút là tôi chán chẳng còn chuyện gì để nói. Cái đầu họ chẳng có tí gì.”
1. Vẫn nhìn được từ fermeture quần xuống là còn khá.
2. Ghê hơn là mấy chả chỉ nhìn từ fermeture quần lên đến fermeture áo. Ghê nhưng chưa đến nỗi ngán (không phải là ngán sợ mà là ngán ớn).
3. Ngán nhất là có người sợ không dám nhìn fermeture. Hễ lỡ (dại) nhìn đến fermeture là họ run rẩy, mắt lấm la lấm lét, miệng mồm lắp bắp…
4. 3 ný nuận trên đã được coi là biện chứng Marxist-Leninist chưa nhỉ?
5. “Nói chuyện với họ” có nghĩa phải có ý nhất hai người trong hội đàm. Ý Ngài VHQ ta đã rõ, còn người kia thì sao? Tôi rụt rè đọc lại ý nghĩ (mới là ý nghĩ chứ chưa có người “tài” như ông NKTA viết và đăng hộ) của người đối thoại với ông Q: “Nói chuyện với Q ngán thấy bà thấy nội. Chao ôi, cái đầu gì đâu toàn chứa mác xít mác xeo. Ngoài ra chẳng có tý gì cả. Hay là Q tự huyễn hoặc mình là có tý gì. Nhưng mà có tý hay có ti thì chả quan trọng với mình. Hết 5 phút mình biến đi chỗ khác hay hơn.”. Nhưng tôi tin vẫn có những ý nghĩ khác.
6. Quả tình rất đáng tiếc cho GS Nguyễn Huệ Chi. Còi hụ vẫn còn to lắm!
KLA
“Sản phẩm của chiến tranh”. Những trích đoạn rời từ chương hai trong tiểu thuyết “Những người đàn bà đến từ hỏa tinh” chưa xuất bản.
Nhân vật Thành đi lính ba năm nhưng suốt cuộc đời còn lại chỉ sống cho ba năm lính ấy.
Nhân vật Trường-Châu tìm cách xóa trắng mấy năm lính tráng bằng cách dùng tên tuổi của một anh sinh viên vừa qua đời.
Chỉ vì một câu nói lấp lửng của người yêu “Em bị trễ kinh một tuần nay” mà nhân vật Long (trung úy phi công) phải trả giá cả cuộc đời này.
Còn Quỳnh (Hướng) thì suốt đời loay hoay với câu hỏi: “ta là ai? ta là ai?”
——
Đàn ông Việt Nam ở Mỹ lứa tuổi 60’s gặp khá nhiều “chấn thương hậu chiến tranh”. Trong một phản hồi của ông Lê Điều: “Trong khi cũng có nhiều trí thức cánh tả cùng trải qua hành trình tư tưởng như tôi trong thời gian qua thì cũng còn không ít người khác tiếp tục bám trụ với quan điểm “thà mang tiếng thân cộng còn hơn mang tiếng chống cộng”. Theo tôi, những người này cũng là một dạng “sản phẩm của chiến tranh”.
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=7871
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=7874
Lời nói thể hiện tư cách “trí thức” của ông VHQ. Lời của ông VHQ, nghe, không khỏi không nhớ tới lời của ông Phạm Văn Đồng trước đây.
Ông VHQ tự hào: 1- tránh xa cái vũng lầy của những người Việt mà kém hiểu biết, 2- trí thức thực thụ, 3- hiểu văn hóa Mỹ, 4- sống ở 1 khu sang trọng (giả sử… chỉ toàn người trí thức thành công) chỉ nói toàn tiếng Mỹ (những điều này thì cũng bình thường không lạ) & 5- nghiên cứu Marx & là Trotkyist (thì thiệt là… khó hiểu).