Trịnh Khả Nguyên – Lời chia tay
02/11/2010 | 2:06 sáng | 1 phản hồi
Category: 9 năm talawas, Báo chí - Truyền thông
Phải chia tay bất ngờ với những gì thân mến thì thật là thảng thốt, nhưng nếu cuộc chia tay đã được biết trước thì lại buồn sớm, tiếc sớm, trong thời gian chờ đợi.
Hôm ngồi nhậu, một người bạn trẻ mời tôi một ly và nói: “Mới vào sân chạy chưa đổ mồ hôi thì trọng tài thổi còi tan trận. Uổng nhỉ?”
Uổng quá đi chứ! Sau ngày 3/11/2010 không còn cái “sân” talawas, có rất nhiều người bị “uổng”, trong đó có nhiều người tài giỏi, tâm huyết, chứ như tôi thì kể làm gì. Nói thì nói thế, nhưng cũng nên kể vào, không làm vận động viên thì làm một “fan” cũng thú vị như thường. Tôi làm độc giả thì từ lâu, nhưng viết cho talawas thì mới ken xà ren và cũng ít, độ mươi bài thơ, bốn năm cái truyện ngăn ngắn, vài đoản văn. Nay sắp không còn cái địa chỉ nầy để viết nữa. Tiếc thật!
Nếu một dân tộc có nhiều thế hệ, không được biết chính xác những sự kiện lớn về lịch sử, văn hóa… trên chính đất nước mình, ngay chính thời mình đang sống, phải tin cái “không” là cái “có” thì thật là bất hạnh. Rồi ra, mấy chục năm, trăm năm sau thì sẽ thế nào? Nhờ nhiều bài, nhiều tác giả trên talawas mà tôi biết thêm nhiều tư liệu về lịch sử, văn học… của đất nước. May mà có em (hoặc những người như em) chứ không thì anh “mù” một nửa.
Nhớ lại, trước 75 tôi cũng tập tò viết một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn. Hương lửa đương nồng thì 30 tháng 4 đến, tờ báo bị đình bản. Khác với talawas bây giờ là chia tay có báo trước, còn tờ Bách Khoa ra đi mà không bảo gì nhau. Tiếc thật!
Bách Khoa trước đây và talawas bây giờ, với tôi, là những tờ báo đáng đọc. Nó nghiêm túc, chừng mực, có bài hay, có bài không hay, có người viết tay trái, có người viết tay phải, nhưng không ồn ào.
Những truyện ngắn, những bài viết của tôi, nói chung cũng chẳng hay ho, mới mẻ gì. Tôi cũng không mộng viết để thành văn/thi sĩ. Nhưng có một điều là tôi thích viết, đơn giản là viết thì tôi chỉ phụ thuộc vào tài của tôi thôi, hay nhờ dở chịu, còn làm việc khác tôi phải phụ thuộc vào “bạn hàng”.
Những truyện ngắn của tôi đăng trên Bách Khoa là những truyện tình trai gái, hơi làm dáng, lồng trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh. Những suy nghĩ không nguôi về cuộc chiến, không phản, không chống, không cổ vũ, tôi viết trong chiến tranh và cho rằng chẳng còn đề tài nào lớn hơn. Mong rằng trong hiện thực vĩ đại nầy sẽ có một tác phẩm văn học, một quyển truyện của một ai đó nói được thực trạng của đất nước.
Mấy năm đầu, sau 75 không biết người ta thế nào, còn tôi thì ít đọc, rất ít viết, mặc dù đất nước đã hòa bình. Thời gian hòa bình dài gần gấp đôi thời gian chiến tranh, thiên hạ có dư ngày rộng tháng dài để “trăn trở” hơn, có nhiều thuận lợi hơn thì, đáng lẽ, có nhiều tác phẩm hay hơn. Nhưng theo các nhà phê bình có uy tín thì “nó cũng gì gì” đâu, vẫn “hình như là…” nghe xưa như “Nàng” độ nào. Hay có những tác phẩm hay mà các nhà phê bình chưa phát hiện ra. Hy vọng thế.
À, có điều nầy, tại sao talawas lại bỏ cuộc chơi sau 9 năm, trong khi đang nồng ấm? Những người cũ đang ngơ ngác, còn talawas định đi tìm ai? Đó là những riêng tư, chưa tiện nói ra, hay talawas “nghỉ khỏe” thay đổi xiêm y cho hợp hơn? Hy vọng ý sau nầy đúng.
Còn, lâu nay tôi vẫn không biết “talawas” là gì. Rồi tự giải thích rằng đây là tên gọi. Tên để gọi, cần gì có nghĩa, phải thế không? Ở Tây, ít khi người ta gửi gắm một hoài bão, một tư tưởng vào tên người, tên đất. Tôi hỏi thế, vì ở đây, bây giờ người ta rất ưa dùng “chữ”, chữ nào chữ nấy thật kêu như cái trống, thật hoành tráng như cái cổng chào. Không tin thì nghe các phát biểu, có chuẩn bị trước, của từ một học sinh tiểu học đến các em dự thi hoa hậu, đến các xếp. Nhưng chữ như vậy mà nghĩa không như vậy, hay đôi khi còn trái cái nghĩa của nó nữa. Chữ không đồng hành với nghĩa (lại gặp đồng hành, đồng tỏi nữa, khổ thật!), chữ ở lại, nghĩa đội nón ra đi (từ “đội nón ra đi”, tôi mượn của người ta).
Còn cái việc trả lời ba câu hỏi thì tôi “xin”, vì ai hỏi mà mình thưa, kể cả xin không làm lãnh đạo tối cao vì biết chi mà làm. Không biết mà làm lãnh đạo tối cao, quyền lực đầy mình thì chỉ có phá đất nước nầy thôi. Xin đừng làm, đừng phá.
Dông dài như thế cũng quá rồi. Trước khi chia tay, xin chúc những điều tốt đẹp. Hy vọng sẽ lại gặp nhau đâu đó. Xin chào, bye!
© 2010 Trịnh Khả Nguyên
© 2010 talawas
Bình luận
1 phản hồi (bài “Trịnh Khả Nguyên – Lời chia tay”)
Talawas ơi
Ta giã biệt em
Như giã từ cuộc chiến
Giã từ đồng đội
Chiến hào.
Giã từ em
Có thể nào như giã biệt trăng sao
Khi mẹ Việt Nam tiếng rên xiết vẫn cất cao
Với triệu vết thương cần băng bó.
Em ơi
Cuộc chiến chưa tàn
Sao đành bỏ cuộc
Giã từ em
Ta biết nói gì đây ?