talawas – Lời tạm biệt
02/11/2010 | 4:39 sáng | 53 Comments
Category: 9 năm talawas, Báo chí - Truyền thông
Chín năm qua, talawas đã góp phần khiêm tốn của mình vào sự hình thành và phát triển một công luận độc lập, một ý thức tự do tư tưởng, một tập quán sinh hoạt tinh thần đa nguyên cho người Việt trong và ngoài nước.
Hoàn cảnh đặc thù của những tờ báo và diễn đàn Internet tiếng Việt điều hành tại hải ngoại như talawas luôn đặt những người chủ trương trước câu hỏi: “Làm thế nào để tồn tại?” Câu hỏi ấy đương nhiên đi liền với câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của mình. Hơn ai hết, chúng tôi mong đến ngày talawas không còn cần thiết nữa. Ngày ấy, nền báo chí tự do của Việt Nam sẽ do những nhà báo chuyên nghiệp, sống với nghề báo và sống bằng nghề báo, đảm nhiệm.
Ngày ấy tuy còn chưa đến, chính quyền Việt Nam hiện thời vẫn tiếp tục áp dụng chính sách kiểm duyệt báo chí và trấn áp tự do ngôn luận như một trong những công cụ then chốt để duy trì quyền lực toàn trị trong chế độ hậu cộng sản, nhưng quang cảnh báo chí và truyền thông Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thay đổi quan trọng.
Bất chấp tham vọng cũng như các cơ chế kiểm soát và chỉ đạo tư tưởng của chính quyền, báo chí chính thống tại Việt Nam, đặc biệt là các tờ báo mạng, đã ngày càng tự mở rộng giới hạn cho phép. Nhiều bài, nhiều tác giả dăm năm trước chỉ có thể xuất hiện trên báo chí hải ngoại, nay có thể công khai hiện diện trên những tờ báo trong nước có đông đảo độc giả. Đáng kể hơn nữa là sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng blogger Việt Nam mà chủ lực là những tác giả, học giả, những nhà báo và nhà hoạt động văn hóa, chính trị có tên tuổi trong công luận. Trong một thời gian ngắn, cộng đồng này đã chứng tỏ sức mạnh của mình và trở thành một quyền lực ngày càng độc lập với guồng máy tuyên truyền chính thống, có khả năng phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước những sự kiện thời sự nóng bỏng. Và đặc biệt là sự ra đời đầy ấn tượng của một số trang mạng độc lập do các trí thức trong nước chủ trì, mà tiêu biểu là trang Bauxite Việt Nam. Như thế, không gian phản biện của những người quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam đã được mở rộng hơn rất nhiều so với thời điểm mà talawas bước vào hoạt động và một số năm sau đó.
Xu thế này là khó có thể đảo ngược, song đường tiến tới một nền báo chí tự do cho Việt Nam còn rất dài.
Hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời, với những thành tích đàn áp và triệt tiêu mọi ý kiến bất đồng trong quá khứ và ngay cả trong những ngày này, chắc chắn không thay đổi qua đêm. Kinh nghiệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở” đầu những năm 50, của giai đoạn “Đổi mới” cuối những năm 80, cho thấy khoảng không gian tự do ngôn luận vừa giành được đó có thể bị rút lại bất kì lúc nào, bịt miệng những tiếng nói độc lập là điều kiện sống còn của chế độ độc tài tư tưởng. Song ngay cả trong trường hợp chế độ ấy tan rã thì hậu quả và di tích của nó cũng đặt những người làm báo trước những nhiệm vụ khổng lồ.
Chúng tôi cho rằng bối cảnh hiện tại này đòi hỏi một mô hình hoạt động khác, dựa trên những nền tảng khác, mà talawas – xuất phát từ điều kiện và nhu cầu của những năm qua – không còn phù hợp.
Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự cộng tác bền bỉ, chí tình của hàng trăm tác giả, dịch giả suốt 9 năm qua cũng như tình cảm, sự gắn bó và sự hỗ trợ tài chính của các độc giả và thân hữu. Chúng tôi đặc biệt tri ân những đóng góp tận tụy thầm lặng của các chuyên viên kĩ thuật đã giúp talawas đứng vững sau nhiều đợt tấn công của tin tặc.
Quý vị và các bạn là những người làm nên talawas. Toàn bộ kho lưu trữ bài vở của Diễn đàn talawas 2001-2008, talawas blog 2009-2010, talawas chủ nhật và tạp chí talawas, được bảo quản và duy trì trên mạng, là tài sản chung của cộng đồng mạng chúng ta.
Chào tạm biệt.
Ban biên tập talawas 2001-2010
Bùi Duy Dzy, Cao Việt Dũng, Cổ Ngư, Dietmar Erdmann, Đào Tuấn, Đinh Bá Anh, Đỗ Kh., Hà Vũ Trọng, Hòa An, Hoài Phi, Hoàng Hưng, Hương Trà, La Thành, Lê An, Lê Trọng Phương, Lý Đợi, Mai Chi, Ngô Hải, Nguyễn Khánh Hưng, Nguyễn Phú Thịnh, Patrick Raszelenberg, Phạm Thị Hoài, Tiểu Hằng Ngôn, Trịnh Hữu Tuệ, Trương Hồng Quang, Vy Huyền
Bác Nguyễn Phong,
Tui thấy đây là vấn đề personal perspective. Tui thì subscribed theo cái nhìn “the cup is half full (not half empty)”, evolutionism (not revolutionism). Cụ thể ra, tui thấy trường hợp báo Người Việt, Việt Báo cũng khá thành công: họ đã evolutionarily survive cho đến nay. Họ đã không hề nhận trợ cấp dài hạn từ chính phủ nào, họ đã xây dựng từ zero. Nhưng họ không ở trong cái cùng business line như talawas này. (Giá như là Người Việt open up cái business mandate, forum để đón nhận dân talawas tị nạn !)
Bác than phiền “nhưng chẳng ai chịu đứng ra tổ chức, chỉ ngồi chờ người khác tổ chức hộ mình thôi.” Tui hổng biết trường hợp tổng quát là như thế nào, tui chỉ ủng hộ ông Dương Danh Huy cố gắng “còn nước còn tát” — save what you can – trong trường hợp cụ thể này.
Nhìn lại, tui thấy talawas đã là almost perfect trong cái business của mình: evolutionary expansion/growth, etc, etc. Chỉ có thiếu continuation plan, transition plan vào lúc cuối như thế này!
[…] Đọc tiếp trên Talawas […]
Bác Phùng Tường Vân,
Tôi đã set up hai phương tiện sau.
Thứ nhất là trang mạng này:
http://tamlawas.wordpress.com/
Trang mạng http://tamlawas.wordpress.com/ là phương tiện cơ bản để các bloggers và khách mời tiếp tục đăng bài. Nó cũng là phương tiên cơ bản để độc giả tiếp tục bình luận.
Bất cứ ai cũng có thể bình luận về bất cứ bài nào.
Ai muốn tiếp tục dùng nick mình đang dùng trên talawas thì vào đây đăng ký nick đó
https://en.wordpress.com/signup/
Sau đó, vào đây đăng nhập trước khi gửi lời bình:
https://en.wordpress.com/ hay
https://en.wordpress.com/wp-login.php
Thứ nhì là d/c email này:
tamlawas@gmail.com
Đây là d/c mà bloggers và khách mời có thể gửi bài đến để được đăng.
Cần có môt hay vài người nào đứng ra để tôi bàn giao hoàn toàn 2 tài khoản này cho họ, và sẽ hoàn toàn không dính líu gì đến 2 tài khoản đó:
http://tamlawas.wordpress.com/
tamlawas@gmail.com
Tạm thời ít nhất các bác có thể dùng nó để bàn về các bước đi tới.
Bác Nguyễn Phong,
Set up trang đó tốn khoảng 1h :-).
Tôi không đảm nhiệm vì 3 lý do:
1. Ưu tiên tôi chọn cho tôi là v/d Biển Đông.
2. Trên talawas có nhiều người không ưa gì tôi, nếu tôi đảm nhiệm thì điều đó sẽ là cản trở cho viêc họ tham gia.
3. Tôi không hoàn toàn đồng ý với Talawas, eg, bài “Metatalawas: Bài talawas về talawas” (http://www.talawas.org/?p=11134).
Tôi không rành lắm, nhưng có lẽ tin tặc mà muốn đánh wordpress.com chắc cũng khó.
Minh Biên không có nhiều bài cho nên khi bị tin tặc đánh sập thì cũng không ai thiết tha khôi phục lắm. Khác với talawas có nhiều bài và nhiều người thể hiện là họ quý talawas.
@Nguyên Phong
(http://www.talawas.org/?p=26665#comment-19229)
Thưa rằng, trân trọng đôi lời :
“Vén mây cho thấy lưng trời công ai” !
Tôi thấy các bác hơi lạc quan và ảo tưởng quá. Ông DDHuy mất chắc không đầy 5 phút lập ra một cái blog miễn phí rồi cũng đẩy ngay chuyện quản lí cho người khác, vì chắc ông còn bận nghiên cứu về Biển Đông. Những người khác cũng vậy thôi, người thì bận chuyện lớn này, người thì lo chuyện nhỏ khác. Ai cũng chỉ muốn có người nào đó đứng ra “vác ngà voi” hộ mình, còn mình thì có sẵn một cái sân chơi cứ thế vào mà “quậy”. Nói đâu xa, cái trang minhbien.org mà ông Huy là thành viên chủ chốt, nó chết ụych một cái do tin tặc xóa sổ, thế là cũng chẳng thấy ai làm gì nữa cho nó. Làm ra một cái blog tạm bợ, không có người quản lý thì đúng là dễ lắm các bác ạ. Chỉ hỏi mội chuyện nhỏ này thôi: nếu cái blog ấy không có tiếng vang gì thì tin tặc chẳng thèm đụng đến, còn nếu có tiếng vang thì nó đánh ngay. Ai đứng ra mà bảo vệ nó ạ? Chắc ông Huy sẽ bảo: “À, cái đó tôi không chịu trách nhiệm”. Nhưng ai chịu trách nhiệm hả các bác? Nói thế để thấy là cái chuyện làm báo này nó cũng như chuyện Việt Nam mình, ai cũng lo lắng muốn đóng góp chuyện nước cả, nhưng chẳng ai chịu đứng ra tổ chức, chỉ ngồi chờ người khác tổ chức hộ mình thôi.
Còn vụ tài chánh nữa, nói ra có khi lại rầu lòng các bác đang hăng hái. Các bác ở đây cùng lắm mỗi người đóng góp được 50, 100 Dollar mỗi năm phải không ạ? Thế chẳng hạn như một cái RFA nó cần bao nhiêu tiền hoạt động mỗi năm? Tôi tính sơ sơ nhé: Ít nhất là chục mạng ăn lương tòan phần, mỗi người bét ra là 2000-2500 Dollar / tháng. Mỗi tháng nó đã ngốn mất 20000-25000 Dollar, mỗi năm là khoảng 300000, cộng thêm các chi phí kĩ thuật, đầu tư bài vở, nhuận bút vân vân nữa là đứt nửa triệu. Chín năm như Talawas là trị giá 4-5 triệu Mỹ kim tiền công lao động, tiền nhuận bút bài vở. Vậy cái vụ này chỉ giải quyết được nếu như có một nhà triệu phú Việt kiều nào đứng ra, chứ cứ như anh em ta thì cố hết sức cũng được nhinh nhỉnh chục ngàn, chẳng ăn thua gì đâu. Tôi hỏi các bác chứ, cứ như ta đi làm công ăn lương ở nước ngoài đây, người có trình độ thì mỗi năm cầm tay trung bình có dưới 30-40 ngàn không? Còn phóng viên các báo lớn trong nước thì khỏi phải bàn, mèng ra cũng 15-20 triệu lương, chưa kể “lậu”.
Cho nên tôi thấy cái tương lai cái “nền báo chí tự do Việt Nam” nó không khả quan gì đâu. Hải ngoại thì yếu như thế, không trách ai được!
Tui cám ơn Ban Chủ Nhiệm, Ban Biên Tập Talawas về những hy sinh, thành tựu trong trong 9 năm qua. Tui cũng cám ơn những contributors khác, nhưng the game is never over:
Dương Danh Huy đã tạm thời tạo ra web-site dưới đây để cộng đồng talawas có nơi tụ họp, lively interact sau 3/11/2010:
http://www.talawas.org/?p=25868&cpage=7#comment-18975
http://tamlawas.wordpress.com/2010/10/29/tamlawas/
Các bác nên di cư, di tản đến đó và cùng nhau bàn chuyện thay đổi cái thế giới này!
Tôi đồng ý với bạn Nguyễn Phong, nhưng đã trễ chăng? dù sao tôi cũng cầu chúc ban chủ trương và các vị cộng tác bằng cách viết bài, đóng góp ý kiến trên Talawas được luôn an khang và cho tôi gởi lời cảm ơn đến các vị đã cho tôi niềm vui dược đọc bài vở, ý kiến trên Talawas.
Au plaisir de vous revoir, “một mô hình hoạt động khác, dựa trên những nền tảng khác”.
Vietnam giải độc, Vietnam cất cánh.
@ bác Nguyễn Phong
Tôi đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu với bác. Sao talawasiens không hè nhau gom góp số vốn kha khá lập quỹ đầu tư lấy lời yểm trợ talawas để ngài Gia Cát Dự khỏi mắc công khổ hạnh sờ bụng đụng xương sống, đấm xương sống lại thành đấm bụng. Đọc bài Gia Cát Dự thấy thương quá!
Thời buổi internet này việc lập một quỹ tài chánh đầu tư dưới sự kiểm sát của mọi thành viên chẳng khó khăn gì, tui xin ủng hộ ý kiến của bác Nguyễn Phong.
Kính chúc an lành
ĐN
Sau chuỗi cười khá thoải mái do ông Gia Cát Dự tạo ra ngay trước giờ talawas lâm chung, là lời từ biệt trang trọng và nhiều ý nghĩa khi trang mạng talawas sắp trôi mất dần vào không gian hư ảo.
Tôi thật tình không biết trong 9 năm qua talawas đã đạt được kết quả như thế nào so với dự tính ban đầu của những người chủ trương. Bây giờ họ thấy hài lòng, ưng ý gì không qua nhận định khách quan tình hình: “ không gian phản biện của những người quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam đã được mở rộng hơn rất nhiều so với thời điểm mà talawas bước vào hoạt động và một số năm sau đó. Xu thế này là khó có thể đảo ngược, song đường tiến tới một nền báo chí tự do cho Việt Nam còn rất dài.“.
Nhưng bước tiến của VN được như thế trong chín năm dài có thể cho là nhiều chưa, chỉ xét về mặt ngôn luận, báo chí? Tôi nghĩ vẫn còn bất cập, vẫn chưa tạo được sự tin cậy của người dân để có thể là tiếng nói của họ hay phản ánh trung thực nguyện vọng họ, và vẫn chưa có được cái sức mạnh đáng kể của giới truyền thông khiến chính quyền nể trọng để lắng nghe (nhiều hơn). Talawas rút lui vào lúc các trang báo mạng ở vào thế thủ, đang phải phòng bị nhiều đợt tấn công ác liệt khác. Dân Luận, X-Café không còn vào đọc được dễ dàng như trước, và Bauxite Việt Nam, theo ông NHC trình bày, phải tự định cho mình một mức giới hạn để không bị đốt cháy (chuyện rất dễ đối với một trang blog mà những người chủ biên đang sống trong nước). Tình hình tự do ngôn luận nói chung là không mấy lạc quan, nay thêm sự mất mát của talawas mà nhiều nhiều người cho là trang mạng rất có giá trị (tôi không muốn viết là thuộc vào bậc nhất). Như đã nói một lần, tôi rất ưa chuộng cái sắc thái “đa dạng” và đồng thời có tầm cao, chiều sâu của talawas (có lẽ do thóí quen từ nhỏ khi tôi bắt đầu đọc tạp chí Bách khoa ở miền Nam khoảng từ số 80 liên tục cho đến khi BK đình bản, và bài viết loại nào tôi cũng đọc).
Xin cảm ơn chân thành những người chủ trương và làm việc cho talawas đã đem lại tôi nhiều vui thú lớn khi đọc và viết góp ý trên talawas. Với ban biên tập tôi có lòng kính trọng và quý mến, kể cả biết ơn nữa vì đã chỉnh sửa nhiều lỗi, sơ suất trong phản hồi của tôi để đáng đọc hơn. Tuy nhiên, nhìn lại thư từ giã này tôi thấy mình đã từng “va chạm”, mạnh hay vừa phải, với ít nhất ba hay bốn vị trong BBT qua những phản hồi về những vấn đề “gây tranh cãi” nhiều khi rất nóng cháy. Thật đáng tiếc về những chuyện đã xảy ra, nhưng qua đó cũng chứng tỏ ở góc không gian nhỏ này, chúng ta có được cái tự do nói lên những gì mình chân thật nghĩ (mà ít ra không sợ đụng chạm lắm). Sự không biết nhau giữa những người đối thoại tuy là một khuyết điểm (không hiểu được nhau nhiều), nhưng nhờ đó chúng ta phát biểu mạnh dạn, thẳng thắn, có thể chân thực hơn, và tất nhiên đã có những lúc quá đà. Dù sao, vẫn là điều đáng tiếc. Điều phiền muộn nhất với tôi là từ nay mỗi sáng khi mở máy tính lên không còn tìm vào trang talawas trước để đọc các bài viết và phản hồi mới được đưa lên trong đêm.
Xin kính chúc ban biên tập talawas và các thành viên tham dự được mọi điều an lành và giữ vững được chí hướng riêng. Điều mong ước chung lớn nhất, như vị nào đã nói, có lẽ là ngày nào đó chúng ta cùng gặp mặt nhau và biết nhau hơn trên quê hương tự do.
[…] Lời tạm biệt […]
[…] BBT Talawas […]
Lời đề nghị khẩn khoản của tôi
Những phân giải của talawas tôi xin thưa thực rằng, nói rằng không hiểu thì không hẳn mà nói là hiểu thì cũng không đúng, nghĩa là tôi vẫn nghĩ rằng trùm phủ lên cái quyết định cho talawas ngưng hoạt động vẫn có một cái gì mà tôi chưa nắm bắt được, nhưng điều này cũng chẳng còn quan trọng gì nữa.
Tạm thời tôi xin đề nghị ông Dương Danh Huy cho triển khai cái plan Ta(m)lawas… mà ông khởi xướng để lấy chỗ cho bà con mình có một chỗ liên lạc, trao đổi, thì mới có cái cơ hội cho một thực thể khác thành hình, nếu không e rằng chúng ta rơi tõm vào cái khoảng trống vắng yên lặng kể cũng buồn quá nhỉ !
Thực ra ở hải ngoại hiện nay thì có mô hình nào hay hơn? Tôi không biết. Nhưng cũng như nhiều vị ở đây đã nói: đúng là người Việt hải ngoại phải làm sao nuôi được những tờ báo hoặc cơ quan truyền thông chuyên nghiệp, chứ làm báo không công như tất cả các trang Talawas, Tiền Vệ, Thông Luận, Da Màu, Dân Luận v.v. mãi như thế này thì có hai vấn đề: 1) Chất lượng không thể ngày càng phát triển; 2) Thời gian tồn tại không thể kéo dài.
Thử tưởng tượng nếu không có các đài và trang mạng RFA, BBC, VOA Việt ngữ thì báo chí truyền thông hải ngoại sẽ thế nào? Mà tất cả các cơ quan này hoạt động bằng ngân sách công của các nhà nước Mỹ, Anh… Chính vì thế mà các cơ quan này tồn tại được lâu như vậy. Vì sao người Việt hải ngoại không thành lập nổi một cái quỹ nuôi những cơ quan như thế? Đó là câu hỏi đáng cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại suy ngẫm. Đòi tự do ngôn luận, muốn dẹp bỏ chế độ cộng sản trong nước nhưng lại không sẵn sàng bỏ ra mỗi người vài đồng tiền còm để nuôi các tờ báo. Thế thì tranh đấu suông chăng?
Có người nói, vì các tờ báo như Talawas này không biết làm quảng cáo kiếm tiền. Tôi nghĩ khác là: báo thương mại quảng cáo như ở Sài Gòn Nhỏ thì tràn đầy đấy, nhưng khi tờ báo phải lo đi làm thương mại thì nó làm gì còn tâm trí mà lo tranh đấu nữa. Thử hỏi BBC, RFA, VOA có phải đi làm quảng cáo thương mại không? Không. Vì sao chúng ta không tự lo cho mình được, mà cứ phải để nhà nước Anh, Mỹ… lo cho chúng ta một cơ quan ngôn luận bằng tiếng Việt?
Tóm lại, cộng đồng hải ngoại mạnh mẽ giàu có thành công thế nào thì chưa biết, chỉ thấy là trong câu chuyện này nó rất là nghèo nàn! Đáng tiếc!
LÊ QUỐC TRINH – LỜI GIÃ BIỆT
Thân mến gửi đến BBT Talawas và các bạn độc giả xa gần,
Talawas ra đi, dĩ nhiên tạo một nỗi buồn nuối tiếc hụt hẫng giữa chúng ta với nhau. Tuy nhiên tôi vào Talawas đã gần hai năm qua, chia sẻ, đấu đá khá nhiều trên những vấn đề đất nước và giáo lý Đạo Phật, nay đành phải nói lời chia tay vĩnh biệt, lòng vẫn thấy nao nao.
Nếu xem Talawas như là một phương tiện, một môi trường để truyền đạt tâm tư, sở nguyện và học hỏi cùng các bạn xa gần thì tôi đà mãn nguyện, không trong mong gì hơn. Trong bối cảnh quyết liệt này của đất nước thì hầu như mọi Trang Mạng thông tin tự do, dân chủ ở hải ngoại đều từng bị đánh phá tơi bời hoa lá, số phận bị thâu tóm chung trong một “sổ bìa đen”, cho nên tôi chỉ biết thông cảm với các anh chị em BBT và chị chủ nhiệm Phạm Thị Hoài.
Tôi hy vọng ngôi sao Talawas này lặn đi thì sẽ có vài ngôi sao sáng Talawas mới khác xuất hiện, cứng cáp hơn, kỹ thuật cao hơn và tập trung nhiều tay bút cự phách để rồi các bác các anh chị lại tiếp tục phong trào đấu tranh phản biện mới cho đến khi đất nước thực sự tự do dân chủ, phát triển kinh tế vững mạnh.
Thân chúc chị Phạm Thị Hoài, BBT Talawas và các bác các anh chị nhiều sức khoẻ, vững lòng tin trong tương lai. Hẹn gặp lại trong những dịp khác.
Chào thân ái,
Lê Quốc Trinh, Canada