talawas – Lời tạm biệt
02/11/2010 | 4:39 sáng | 53 Comments
Category: 9 năm talawas, Báo chí - Truyền thông
Chín năm qua, talawas đã góp phần khiêm tốn của mình vào sự hình thành và phát triển một công luận độc lập, một ý thức tự do tư tưởng, một tập quán sinh hoạt tinh thần đa nguyên cho người Việt trong và ngoài nước.
Hoàn cảnh đặc thù của những tờ báo và diễn đàn Internet tiếng Việt điều hành tại hải ngoại như talawas luôn đặt những người chủ trương trước câu hỏi: “Làm thế nào để tồn tại?” Câu hỏi ấy đương nhiên đi liền với câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của mình. Hơn ai hết, chúng tôi mong đến ngày talawas không còn cần thiết nữa. Ngày ấy, nền báo chí tự do của Việt Nam sẽ do những nhà báo chuyên nghiệp, sống với nghề báo và sống bằng nghề báo, đảm nhiệm.
Ngày ấy tuy còn chưa đến, chính quyền Việt Nam hiện thời vẫn tiếp tục áp dụng chính sách kiểm duyệt báo chí và trấn áp tự do ngôn luận như một trong những công cụ then chốt để duy trì quyền lực toàn trị trong chế độ hậu cộng sản, nhưng quang cảnh báo chí và truyền thông Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thay đổi quan trọng.
Bất chấp tham vọng cũng như các cơ chế kiểm soát và chỉ đạo tư tưởng của chính quyền, báo chí chính thống tại Việt Nam, đặc biệt là các tờ báo mạng, đã ngày càng tự mở rộng giới hạn cho phép. Nhiều bài, nhiều tác giả dăm năm trước chỉ có thể xuất hiện trên báo chí hải ngoại, nay có thể công khai hiện diện trên những tờ báo trong nước có đông đảo độc giả. Đáng kể hơn nữa là sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng blogger Việt Nam mà chủ lực là những tác giả, học giả, những nhà báo và nhà hoạt động văn hóa, chính trị có tên tuổi trong công luận. Trong một thời gian ngắn, cộng đồng này đã chứng tỏ sức mạnh của mình và trở thành một quyền lực ngày càng độc lập với guồng máy tuyên truyền chính thống, có khả năng phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước những sự kiện thời sự nóng bỏng. Và đặc biệt là sự ra đời đầy ấn tượng của một số trang mạng độc lập do các trí thức trong nước chủ trì, mà tiêu biểu là trang Bauxite Việt Nam. Như thế, không gian phản biện của những người quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam đã được mở rộng hơn rất nhiều so với thời điểm mà talawas bước vào hoạt động và một số năm sau đó.
Xu thế này là khó có thể đảo ngược, song đường tiến tới một nền báo chí tự do cho Việt Nam còn rất dài.
Hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời, với những thành tích đàn áp và triệt tiêu mọi ý kiến bất đồng trong quá khứ và ngay cả trong những ngày này, chắc chắn không thay đổi qua đêm. Kinh nghiệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở” đầu những năm 50, của giai đoạn “Đổi mới” cuối những năm 80, cho thấy khoảng không gian tự do ngôn luận vừa giành được đó có thể bị rút lại bất kì lúc nào, bịt miệng những tiếng nói độc lập là điều kiện sống còn của chế độ độc tài tư tưởng. Song ngay cả trong trường hợp chế độ ấy tan rã thì hậu quả và di tích của nó cũng đặt những người làm báo trước những nhiệm vụ khổng lồ.
Chúng tôi cho rằng bối cảnh hiện tại này đòi hỏi một mô hình hoạt động khác, dựa trên những nền tảng khác, mà talawas – xuất phát từ điều kiện và nhu cầu của những năm qua – không còn phù hợp.
Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự cộng tác bền bỉ, chí tình của hàng trăm tác giả, dịch giả suốt 9 năm qua cũng như tình cảm, sự gắn bó và sự hỗ trợ tài chính của các độc giả và thân hữu. Chúng tôi đặc biệt tri ân những đóng góp tận tụy thầm lặng của các chuyên viên kĩ thuật đã giúp talawas đứng vững sau nhiều đợt tấn công của tin tặc.
Quý vị và các bạn là những người làm nên talawas. Toàn bộ kho lưu trữ bài vở của Diễn đàn talawas 2001-2008, talawas blog 2009-2010, talawas chủ nhật và tạp chí talawas, được bảo quản và duy trì trên mạng, là tài sản chung của cộng đồng mạng chúng ta.
Chào tạm biệt.
Ban biên tập talawas 2001-2010
Bùi Duy Dzy, Cao Việt Dũng, Cổ Ngư, Dietmar Erdmann, Đào Tuấn, Đinh Bá Anh, Đỗ Kh., Hà Vũ Trọng, Hòa An, Hoài Phi, Hoàng Hưng, Hương Trà, La Thành, Lê An, Lê Trọng Phương, Lý Đợi, Mai Chi, Ngô Hải, Nguyễn Khánh Hưng, Nguyễn Phú Thịnh, Patrick Raszelenberg, Phạm Thị Hoài, Tiểu Hằng Ngôn, Trịnh Hữu Tuệ, Trương Hồng Quang, Vy Huyền
Tiếp theo „Lời tạm biệt“
Câu hỏi talawas để lại, trớ trêu thay mà cũng lý thú thay, lại chính là „talawas?“!
*
Khi mới đọc talawas, tôi đã nghĩ tới và trình bày trong „Ý kiến ngắn“ về hình ảnh „Tả thanh thiên – Viết lên trời xanh“ của „Tháp Bút, đài Nghiên“; Cũng nhắc đến „Đằng vân do hận cửu thiên đê“ mà thời đại đã hiện thực hóa ước mơ người xưa bằng INTERNET.
Talawas, theo tôi, là khí uất của trí thức với bản năng vươn tới TỰ DO. – Một tư tưởng đã kết thành một cơ cấu (trang mạng) khơi gợi và quần tụ những tinh anh đồng điệu.
TƯ TƯỞNG TỰ DO đó, ngày nay, như hoa cỏ mùa xuân đang hình thành và lớn mạnh vườn „blogger“ nơi quê hương để gieo hạt và kết trái…
„Một trái rụng, muôn ngàn trái mọc“ – Tôi đồng ý nhận định của „Lời tạm biệt“ trong tinh thần như vậy.
*
Một tư tưởng chỉ có thể tồn tại trong một cơ cấu.
Làm sao có được? Làm sao để duy trì như mình mong muốn? …
Quý bác đã biết và nói rõ cả rồi. Trong khả năng của mình, tôi chỉ có thể mong và chờ đợi.
*
Xin không dám dài câu chữ.
Bên cạnh lời cảm ơn và cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho các Anh, Chị chủ trương – Xin được thêm một lần cảm ơn và ghi nhớ quý bác đã
– chỉ cho ý nghĩa từng câu chữ hán-nôm,
– đã chia sẻ và chỉ bày thêm về một ý tưởng,
– đã tận tình chỉ vẽ cách trình bày sao cho đúng và đẹp,
…
Chia tay với thật nhiều thân mến,
Tôn Văn
PS.:
49 ngày, 7 tuần (7×7), là thời gian linh hồn còn lẩn quất nơi „thân trung ấm“. Người sống, trong ước mong dẫn dắt linh hồn theo đường sáng, thường đọc tụng các kinh giác ngộ của Phật như một sự nhắc nhớ.
Talawas nói „Lời tạm biệt“, nhưng ANH LINH (tất cả các phiên bản) thì còn đó như sự thường tồn. – NGUYÊN KHÍ còn thì NƯỚC VIỆT còn.
Tôi tin tưởng người tráng sỹ vẫn tiếp tục chí nguyện của mình.
[…] talawas – Lời tạm biệt […]
[…] talawas – Lời tạm biệt […]
Việc talawas ngừng hoạt động tuy có là điều đáng tiếc và cũng là nỗi buồn của chính chúng tôi, những độc giả, nhưng cũng không phải là điều khó hiểu. Ngay những đại công ty như Pan Am, Lehman Brothers với sức mạnh tài chính lớn lao như vậy mà cũng có ngày đóng cửa. Chỉ nghĩ riêng về một khía cạnh tài chính cũng đã thấy sự hy sinh của các anh chị em trong BBT như thế nào, còn chưa nói đến bao nhiêu thời gian và công sức của họ bỏ ra nữa. Nếu họ đã vác thánh giá suốt 9 năm trời thì cái công ấy đâu phải là nhỏ. Rồi ai cũng còn có gia đình riêng, những mối quan tâm riêng, những ước mơ, nguyện vọng riêng nữa chứ. Đâu có thể bắt họ phải quên cái riêng đi để chỉ lo cho cái chung không thôi. Việc gì phải đến thì nó sẽ đến, dù không muốn ta cũng đành phải chấp nhận, as is, và cũng không nên có những phán xét quá nghiệt ngã.
9 năm qua, bản thân tôi cũng đã được học hỏi thêm biết bao tri thức, nhờ những bài báo có giá trị đã đăng trên trang này. Nay phải nói lời chia tay, thật đau lòng, tôi bỗng nhớ lại lời của Hamlet nói với người bạn thân nhất của mình, Horatio, đang hấp hối:
Nếu bạn vì tôi,
Xin hãy nán phút giây cực lạc,
Kéo dài thêm ít phút nhọc nhằn
Trên cõi đời ô trọc này.
Xin cám ơn các bạn trong BBT, chúc các bạn “nhất lộ bình an” và sớm đạt được những cao vọng của mình.
Cùng với các độc giả trung thành của talawas, “Tôi ra đứng ở đầu làng / Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa”.
***
Cũng tiện đây xin được phép chào bác Phùng tiên sinh và bác đốc tờ Tích. Nếu trong những phản hồi của tôi trước đây có những chỗ quấy quá chưa phải, mong các bác thể tất cho. Mong gặp lại các bác sau này.
Xin chào các anh Hòa Nguyễn, lebac, khonglaai (tôi đã nhận được địa chỉ email của anh), Cư trần Lạc đạo, Nguyễn Đình Đăng, và Hoài Phi là những người bạn tôi mới giao lưu trên mạng và rất quý trọng. Hẹn gặp lại.
Xin chào anh Lâm Hoàng Mạnh với những bài viết dí dỏm của anh. Mong rằng có ngày chúng ta sẽ cùng đi thăm lại các “Làng mằn dzềnh”: Jubilee, Xám sủi pẩu, A cái lầu cái, Tống dzềnh, Pắc dzềnh, Mả thầu vầy. Đi uống cà phê ở Hò nòi cái, Hổi phoòng cái. Đi thăm lại Cửu lồng sềnh, Cún thoòng, Moòng coọc, Tchím sá chuẩy, anh nhé.
Gửi chị Phạm Thị Hoài và Ban Biên tập talawas trước giờ “G”
Mấy ngày qua tôi và nhiều bạn bè khi ngồi với nhau bên ly cà phê đều nói về sự ra đi không hẹn ngày trở lại của talawas. Sáng nay thức dậy bóc tờ lịch nhìn phần ngày âm là 27/9 Canh Dần – sao Chẩn (hung). Ngày tiếp theo sao Giác cũng vẫn (hung). Chao ôi! Xem thì xem thế thôi, chứ lường sao được, biết sao được cái sự “hung” “cát” ở thời thế này. Tin quá có khi lại thành bi kịch, thậm chí bi kịch thảm hại “Bống bị lừa nên bống chỉ còn xương – Tấm quá tin Tấm thành khung cửi dệt”. Vì vậy mới “ Người xưa gửi Tấm vào cổ tích – để với muôn đời Tấm nhắc một đức tin”. Nhưng thưa các anh, chị có một điều tôi rất tin khi có người viết “ Nhà văn là do tổ chức trời phân công”. Vâng! Tôi thấy với những người cầm bút chân chính thì đúng là như vậy. Trời phân công họ. Trời bắt “tội” họ. Trời “hành” họ. Thủa bần hàn ăn đói, mặc rách thì nghĩ và viết về thân phận mình, về thân phận đồng bào của mình đã đành. Nhưng khi đã ăn ngon, mặc đẹp, có nhà cửa khang trang rồi, họ lại càng sa xót, thương cảm cho những phận người còn trong kiếp lầm than bởi bất công, cường quyền… Thế là họ dùng ngòi bút để gây sự và phải chấp nhận phiền toái, kể cả ngồi tù…
Vâng! suốt 09 năm qua các anh, chị là những nhà văn đã dấn thân, tự nguyện dấn thân. Trời bảo các anh chị phải dấn thân rồi kéo theo nhiều người cầm bút thứ thiệt khác cùng dấn thân. Suốt 9 năm đó, talawas đã làm được rất nhiều. Đặc biệt là những giá trị xã hội vô hình mà talawas mang lại, đặt trong thời điểm và bối cảnh bi thương của đất nước mới thấy hết những giá trị quý giá này. Đó là talawas đã góp phần rất hữu hiệu đánh thức “Kẻ Sỹ” người Việt mình thức dậy nhận lấy trách nhiệm, nhận lấy cái vinh, cái nhục của người cầm bút, người trí thức trước hiện tình và vận mệnh đất nước.
Giờ “G” đã đến gần rồi. Ông Giời lại bảo các anh, chị làm gì và làm như thế nào cho phải thì các anh, chị cứ làm thôi. Tôi rất tâm đắc với ý của một tác giả trên talawas rằng, talawas đã để lại sẵn một con đường. Đúng là thế, suốt 9 năm con đường ấy đã chi chít những dấu chân. Bất giác tôi lại nghĩ đến ông Giời. Sau giờ “G”, ông Giời lại bảo tất cả chúng ta phải đi tiếp. Chắc là thế! Còn “đi” như thế nào, “đi” bằng hình thức gì, thì ông Giời sẽ bảo tiếp…
Tạm biệt talawas, tờ báo tôi yêu thích. Xin trân trọng kính chúc sức khỏe toàn BBT talawas.
Nguyễn Chính
Hơn tuần nay, tôi ngần ngại không muốn từ biệt talawas. Trước tiên là sốc, sau cứ mong có lẽ đây chỉ là 1 bước ngoặt nhưng đã từng có…
Tuy thấy tiếc (cho những người yêu quí Talawas), và buồn vì sự trống vắng, nhưng tôi sẽ không nói lời từ biệt.
talawas vẫn còn. Bộ cũ & blog này vẫn nằm yên với những tài liệu, bài viết giá trị. Tôi sẽ vẫn tiếp tục thăm talawas thường xuyên.
Cám ơn chị Hoài (xin phép được gọi như vậy), ban biên tập & những tác giả với những bài viết giá trị. Mong sẽ gặp lại chị qua những tác phẩm mới của chị.
Talawas đột ngột chia tay khiến không ít người sụt sùi nhưng theo tôi, cuộc chia tay không báo hiệu trước đủ lâu, không một lời giải thích chi tiết chỉ một lá thư tạm biệt, không tổng kết thành quả, không dự phóng cho tương lai và đề nghị kế thừa v.v. Tất cả việc này khiến tôi có những suy nghĩ sau (chắc chắn là sẽ bị phản pháo rất mạnh):
1. Đỏng đảnh, cảm tính, và trịch thượng
2. Vô trách nhiệm
3. Vô tổ chức
4. Coi thường độc giả (kẻ khen ngưởi chê), cộng tác viên (kẻ hay người dở), và những người hâm mộ.
5. Vô hình trung làm cho Tiền Vệ của Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Diêu được nhiều độc giả hơn mặc dù tinh thần tôn trọng phản biện có khác!
Bravo ý tưởng tuyệt vời của Arthur,
Đi nghe nhạc cổ điển Tây Phương thường thấy thiên hạ vỗ tay dạt dào ít nhất là 3 bận, có kỷ lục lên tới mấy chục lần, người trình tấu đi ra chào, đi vô và lại đi ra rồi lại đi vô đi ra… chào để đáp lại tấm thịnh tình, và cũng thường xảy ra trong các “encore” này là concertist ngồi xuống chơi thêm một tiểu phẩm, sau màn trình tấu encore này thì thính giả biết thân biết phận vỗ tay thêm một cú chót rồi thôi.
Ở Việt Nam cũng có tập tục tương tự khi người thân qua đời là trong 7 tuần đầu, mỗi tuần đều cúng thất, đây là dịp cho thân quyến chấp nhận sự mất mát một cách tiệm tiến, mỗi lần cúng thất là dịp cho các thầy (Phật giáo) nhắc nhở về lẽ vô thường, về sự nên giảm lòng thương nhớ vốn là mối ràng buộc giữ hương linh quyến luyến không siêu thoát được. Đây là những liệu pháp tâm lý rất thông minh, hiệu nghiệm cho người ở lại, để tới thất tuần = 49 ngày là bữa cúng chót như là dấu mốc buông bỏ cho hương linh siêu thoát, và người ở lại thanh thản vì đã trải qua một quá trình hội nhập làm quen với sự mất mát.
Dầu ý tưởng của Arthur quá tuyệt vời nhưng tôi có cảm tưởng là tâm lý của bbt talawas có vẻ Tây Phương “pure, dure, sure” như ấn tượng mà bà chủ nhiệm Phạm Thị Hoài chiếu rọi bàng bạc, nên khả năng “encore” xảy ra là thấp. Dẫu vậy tôi nghĩ đây là một dịp bằng vàng để chúng ta, nhất là bbt talawas thể hiện hài hoà bản sắc dân tộc lẫn tác phong làm việc đâu ra đó của Tây Phương bằng cách bbt talawas trình tấu một “encore” – thời gian ngắn dài tùy thích, như một liệu pháp 49 ngày đẹp đẽ, thông minh của văn hoá dân tộc.
Mặt khác, phần encore này cũng như các giai đoạn chuyển tiếp, kế thừa mà các tổ chức, định chế chính trị, văn hóa ở các nước tiên tiến thường làm để bảo đảm sự ổn vững, hài hòa của xã hội. Ở Mỹ thì sau khi đắc cử, 2 tháng trước khi nhậm chức, mỗi buổi sáng tổng thống mới đã được thuyết trình, trao đổi về các vấn đề hệ trọng của đất nước. Các ê-kíp kinh tế, chính trị, quân sự v.v… của 2 chính phủ cũ và mới cũng có dịp trao đổi, bàn giao từ từ, người mới có thời gian nắm vấn đề, xây dựng ê-kíp. Nước người hùng cường, con người tâm lý ổn vững do có chỗ phát tiết bày tỏ, trao đổi, bàn bạc, kỹ thuật tổ chức quản trị cao, và chính vậy họ mới hùng cường.
Không cần chuyển giao talawas nhưng cần có sự chuyển tiếp từ trạng thái có-talawas ra trạng thái không-talawas diễn ra một cách tốt đẹp; hơn là một cái chợ tư tưởng vẫn có hàng ngàn kẻ mua, người bán tấp nập bỗng dưng đóng cửa đột ngột mà không cho ai có thời gian chuẩn bị. Đây là một sự thất lễ mà tôi mong là vô tình. Lời tạm biệt mơ hồ như diễn văn của Greenspan, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Mỹ, ai muốn hiểu ra ra sao thì hiểu.
Không làm được chuyện chuyển tiếp này thì những lời hù dọa hay lo ngại của chính quyền VN về sự hỗn loạn sẽ xảy ra khi chế độ bị thay đổi vì dân trí Việt Nam còn thấp là có cơ sở.
Chào chị Hoài,
Cảm ơn tâm huyết và những nỗ lực của chị dành cho talawas trong 9 năm qua. Nếu biết đâu trong đời thực, tôi được gặp chị, tôi sẽ đến gặp chị để được nói lời cảm ơn với tấm lòng chân thành nhất. Hy vọng.
Chúc chị và gia đình luôn luôn vui và khỏe.
Cảm ơn ý kiến của anh Hoàng Ngọc Tuấn. Nếu PHẢN BIỆN tiếp tục được tinh thần của talawas là một điều đáng mừng. Về nội dung thì xin không lạm bàn, tuy nhiên nếu blog PHẢN BIỆN duy trì hình thức tiếp nhận phản hồi như talawas đã từng làm thì sẽ tạo điều kiện cho độc giả góp được nhiều ý kiến và tiện theo dõi những ý kiến của độc giả khác một cách liên tục, tất nhiên là thông qua “bộ lọc” của những người chịu trách nhiệm.
Xin đừng điều hành mục Ý Kiến Phản Hồi như mục Đối thoại mà trang Tiền vệ đang làm.
Ý kiến nhỏ là vậy, rất mong anh thực hiện PHẢN BIỆN càng sớm càng tốt.
Chúc PHẢN BIỆN thành công!
Cuộc vui nào cũng phải đến lúc tàn, (all good thing must come to an end), đã đến lúc nói lời chia tay với talawas, một địa chỉ mà tôi đã lui tới 9 năm qua, từ những ngày mới của talawas với những bài tranh luận về ngôn ngữ và dịch thuật, tôi đến với talawas tình cờ và không hề biết đó là trang web của PTH, một cây bút mà tôi thích từ trước, thấm thoắt thời gian qua đi, talawas ngày càng phong phú, tôi cũng thi thoảng đóng góp bài vở và ý kiến phản hồi, BBT talawas cho tôi cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, bài vở phong phú, phong cách biên tập chuyên nghiệp khắt khe nhưng công bằng, tóm lại giúp cho kỹ năng viết lách của một kẻ ngoại đạo như tôi nhiều tiến bộ.
Nay trước khi chia tay, xin gửi vài lời cầu chúc cho BBT talawas nhiều may mắn và vững tiến trên chặng đường mới. Hy vọng một ngày gần đây lại gặp lại các bạn trong ở một địa chỉ mới và trong một hoàn cảnh mới.
[…] Nguồn: talawas […]
Xin có lời cảm ơn gửi đến những người đang nỗ lực tiếp nối Talawas, đặc biệt là anh Hoàng Ngọc-Tuấn cùng nhóm Tiền Vệ.
Tôi tin rằng sự chấm dứt của Talawas sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều diễn đàn đặt trọng trách tự do ngôn luận lên hàng đầu xuất hiện, bên cạnh một cộng đồng blogger Việt Nam đang ngày càng trở nên phong phú hơn.
Trân trọng. Và hẹn gặp lại.
Có nên đề nghi BBT Talawas chơi/hát lại bài “It is time to say goodbye” một lần nữa không? Ý tôi là tạm hoãn thời hạn “Đóng cửa” trang Talawas Blog thêm vài ngày để, ví dụ, Tiền vệ kịp ra trang PHẢN BIỆN; ai đó có thêm ý tưởng mới; nếu đó là một quyết định sai lầm (như gợi ý của Phạm Hồng Sơn) thì mọi người có đủ thời gian sửa sai; …
Tôi cứ tưởng tượng đến cảnh sân khấu đã hạ màn; mọi người vẫn nhiệt tình vỗ tay, hét bravo, huýt sáo, và … màn sân khấu lại mở ra; Ms. Hoài Nam và BBT lại quay ra, trình diễn thêm một lần nữa trước khi say goodbye lần cuối (tự cười: thật khéo mơ/tưởng tượng!)
PS: “It is time to say goodbye” là tên bài hát opera.
CÓ THẾ CHỨ!
THẾ MỚI ‘TIỀN VỆ’ CHỨ!
Thưa bác Hoàng Ngọc Tuấn,
Tôi thật vui mừng, cảm động và cảm phục cả tấm lòng lẫn sĩ khí “Tiền Vệ” của bác với các nhà văn/nhà thơ trong BBT Tiền Vệ.
Không dám mon men xin một chân ‘hậu vệ’, song nếu có việc về… ‘hậu sự’, tôi sẵn sàng đóng góp một tay.
Thưa bác Phùng Tường Vân,
Chúc mừng bác cắt cơn vật vã
Em cũng đang từ biệt… vợ con
Quyết khăn gói đầu quân trướng bác
Lục Vân Tiên đà vẫy gọi đầu non!
Lên đường luôn,
Bác nhỉ!
Kính chúc hai bác an mạnh,
trầm kha