Nguyễn Thị Thanh Bình trả lời phỏng vấn của talawas
03/11/2010 | 4:25 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở Nguyễn Thị Thanh Bình trả lời phỏng vấn của talawas
Category: 9 năm talawas, Báo chí - Truyền thông
Thôi cũng đành như lần hạnh ngộ. Thôi cũng đành như phút chia tay.
Chúng ta hãy thay nhau tặng talawas một vòng hoa diễm ảo, như gặp nhau trong thế giới ảo:
Thôi lên núi hát tình sầu
Ai vừa xuống núi đoạn cầu cứ qua
Là thấy nhau cả khi xa
Ẩn trong giấy lạnh kêu ca 9 tầng
W (double u) đố “u” thử xoay vần
Áo vai lịch sử một lần cho xong
Sóng văn chương vẫn cuồng phong
thành quách chữ nghĩa dội lòng mai sau
talawas và những lưu dấu. Chính trị, xã hội, văn hóa, văn học nghệ thuật… đến từ mọi ngõ ngách cùng khắp thế giới. Tìm về và mở ra những nẻo đường ý thức Việt Nam dẫn đến tự do, dân chủ. Mãnh liệt, tuyệt vời như chưa bao giờ và hơn cả mãnh liệt tuyệt vời như chẳng thể hẹn tới bao giờ.
Kỳ thực tất cả những điều chúng ta đang và sắp nghĩ ra đây chỉ là những giả định. Giả định như giả định… thơ trong những gieo vận (nước) bất ngờ.
Những câu hỏi của talawas trước lúc chia tay sao vẫn sắc lẹm như những con dao cau Huế. Chưa trả lời mà đã bị rạch đầy thương tích.
Thôi cũng đành mắc tội yêu người, đất nước ơi. Than ôi!
Tỷ như. Giá gì. Khi những khuôn mặt lẫy lừng không xấc lối và vì dân (như Tổng thống Sebastián Piñera của một nước Chile may mắn vừa rồi chẳng hạn). Rằng thì là mà… “vấn đề đất nước là chuyện nội bộ”. Biết đâu chúng ta sẽ được giải đáp của những vị tình nguyện làm đầy tớ nhân dân: Tổng Bí thư sáng giá tương lai Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, hoặc ông Nguyễn trước khi “theo gương Thánh Gióng về trời vui thú điền viên” mà không bận “canh giữ hòa bình thế giới”, chịu lại gần dân, để nghe dân hỏi về cuộc phỏng vấn ngoạn mục này.
Chí ít tôi thấy mấy ông lớn còn bạo làm bạo nói (vì rất ư là có khoa ăn nói, khỏi tốn công bồi dưỡng khóa hùng biện, diễn văn và làm lãnh đạo Việt Nam thì oách hơn người, có quyền làm sai tàn bạo).
Lời nói phải đi đôi với hành động. Không thì trẻ con cũng biết là đem bánh vẽ ra lòe. Mất chữ tín, niềm tin.
Còn chúng ta ư?
Trả lời mà tiếng nói bị té nhào ngay xuống vực hoặc hoạch định mơ mộng cũng chẳng làm được gì.
Im lặng là vàng của một số anh chị em tưởng sẽ có mặt coi vậy mà hợp lý (dù có thể không hợp tình). Đỡ phiền hà hệ lụy và bi lụy.
Chúng ta đúng chỉ là những kẻ lãng mạn như huyền sử. Ẩn số và ẩn số.
Thôi thì cũng chỉ là một góc nhìn, về hiện tình đất nước quê nhà.
1.
Thử tưởng tượng một ngôi nhà. Phía mặt tiền được sơn phết giả hình (giả nghĩa) mà phên vách, vật dụng, đồ đạc ở bên trong đã mục ruỗng. Mục ruỗng đến hồi báo động… Đỏ thì vấn nạn hẳn sẽ nhiêu khê hơn con số 5 nhiều.
a) Một nền giáo dục khủng hoảng nhồi sọ ngu dân, bế tắc trầm trọng, làm triệt tiêu mọi ý chí vươn lên, mở rộng một tầm nhìn độc lập. Nhà nước cũng không thực sự quan tâm đến ngân quỹ giáo dục để đáp ứng nhu cầu nâng cấp cải tiến.
b) Tuổi trẻ băng hoại, không định hướng: Thái độ ù lì, lơ là hư hỏng của tuổi trẻ phải nói là kết quả của những tệ đoan suy đồi đạo đức văn hóa, cũng như những nhồi nhét áp đặt kinh điển, phe nhóm đảng bộ của thành phần con ông cháu cha đã làm chệnh đi những mục tiêu của một người tuổi trẻ cần định hướng, làm họ quên đi trách nhiệm với những hệ lụy đất nước, cũng như ý thức vai trò của một người công dân trong xã hội mình đang sống.
Có bài thơ của người thầy Huỳnh Tấn không dưng tôi bỗng muốn viết lại để tặng tuổi trẻ Việt Nam: “Gằm đầu xuống mà học. Cúi đầu xuống mà đi. Đất nước như món hàng. Đồng bào như con lợn. Trước mắt ta tủi nhục. Sau lưng ta nỗi buồn. Còn gì vui sướng nữa.” (trích Vươn lên trong tủi nhục).
c) Tủi nhục và lo âu trong những hiểm họa xâm lăng. Chắc chắn cuối cùng CSVN. cũng sẽ không thoát được âm mưu thâm độc muốn bành trướng của Trung Cộng. Dĩ nhiên CSVN sẽ phải tiếp tục gia tăng quan hệ với Mỹ và các nước láng giềng để tìm hậu thuẫn.
Không biết CSVN có thừa đủ mánh khóe chính trị để vừa hưởng lợi của Mỹ, vừa được đàn anh không hà hiếp, để yên cho mình duy trì quyền lãnh đạo độc tôn.
Vấn đề trước mắt vẫn là những nỗ lực võ trang tân tiến qui mô, trong chiến lược quốc phòng trừ bị. Muốn sống yên ổn hòa bình, con người phải biết sẵn sàng đối diện với chiến tranh. Cái họa chung của đất nước biết đâu là ý nguyện trời đất, muốn mang dân tộc lại gần nhau. Điều kỳ vọng vẫn là thế hệ trẻ thanh niên vốn rường cột nước nhà.
d) Xài luật rừng, công an trị và hiến pháp không phân minh, nghiêm chỉnh. Chưa bao giờ, lúc nào trong lịch sử, mà sự hống hách dương oai của “những tay cớm vàng” xảy ra như cơm bữa, làm ngược ngạo những cánh cửa công quyền. Sự vô liêm sỉ, sự nhẫn tâm tra tấn, những hối lộ tham nhũng được bao che từ trên xuống. Luật pháp bị coi thường, những luật lệ hành động xử phạt không tuân thủ, tùy tiện. Yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp, vẫn không đủ cho những tiếp tục vi hiến. Vai trò và thế lực lãnh đạo đã đến hồi lũng đoạn, mâu thuẫn rõ ràng từ giấy tờ nguyên tắc và thực tế thi hành. Kinh tế thị trường làm mất uy tín tư nhân ngoại quốc đầu tư là một ví dụ.
e) Sự củng cố quyền lực, tham nhũng thối nát, tham quyền cố vị của một thể chế độc tài. Nghĩ cho cùng, tựu trung, cốt lõi, gây ra những sự mục nát của ngôi nhà. Tham vọng chiếm hữu độc quyền “cái nhà là nhà của ta thôi”, của một chủ thuyết chính trị độc đảng, dẫn đến tình trạng đàn áp không khoan nhượng những đối kháng, đối lập dân chủ, vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận truyền thông báo chí… Làm phân hóa niềm tin nhân dân của một sự cai trị độc ác và độc đoán.
2.
24 tiếng làm “lãnh tụ trong mơ” coi như cũng tàm tạm đi. Chắc tôi lùng bắt ngay một đại trượng phu hiền lành đức độ như Chu Văn An thì chắc đang ở ẩn trên núi, mà chưa chắc đã ổn vì cũng cần biết dấn thân mạnh mẽ. Còn thứ đại trượng phu gian ác, loạn luân như Trần Thủ Độ thì lại chết sống cho sơn hà, dẹp tan quân Mông Cổ nhưng như thế thì cũng không thể ổn được. Vậy thì đúng là cái ông đại trượng phu mà ngay cả khi đang mơ như thế này, tôi vẫn đâu có lùng bắt được.
Kỳ thực tôi đâu muốn làm “lãnh tụ… bất đắc dĩ, chi bằng tôi mượn vương miện của talawas phong đại cho một “trẫm” nào đó, để mình được lên chức “ái khanh” , vừa đỡ phải suy tư chuyện nước đang đến mùa đỏ lửa (đùa!).
À, nếu là giấc mơ thì thường là phải ngủ mới mơ, phải uống thuốc ngủ đủ phê mới mơ được. 24 tiếng thì phải mơ cả ngày lẫn đêm. Mơ tới bến.
Một con mắt nhắm, một con mắt mở nhìn cuộc đời thì chắc là “mơ huyền”. Kỳ thực vẫn có những “giấc mơ ban ngày” cũng chỉ cốt để huênh hoang những ảo vọng.
Làm nghị sĩ thì chỉ thích ngủ gật khi họp, nghị… gật, nhưng 24 tiếng làm “lãnh tụ trời ơi” (nghe sao giống lãnh tụ đầu hàng họ Dương quá) thì ngủ cả 24 tiếng cũng phải thôi.
À, mà nếu được “cầm quyền tuyệt đối” như thế cũng có nghĩa là… “cái nhà là nhà của ta” đã bị san bằng đống gạch vụn?
Nếu thế thì phải kiếm khẩn cấp một hiền tài, để xây lại một ngôi nhà có thật nhiều ô cửa thoáng mát tự do, mở rộng trời xanh, mây lành… dân chủ.
Nói thật, làm lãnh tụ mà chỉ làm lãnh tụ tồi, không ham. Nên chi phải “lùng kiếm, huy động” khắp nơi là vậy. Bởi nếu không, thì đúng là bắt toàn dân “trao thân nhằm một lũ tướng cướp”.
Nhà văn của giải Nobel văn học năm nay, Mario Vargas Llosa cũng có lúc vì quá lãng mạn, ảo tưởng về một điều gì đó có thể thay đổi, cho cuộc diện đẹp hơn, đẹp như thơ nên “suýt” chút nữa làm nhà văn lãnh tụ. Vậy sau 24 giờ “thà một phút huy hoàng”, các bạn có còn muốn làm lãnh tụ chiêm bao nữa không. Kể cũng không dễ gì gặp lại giấc mơ ấy, trong giấc mơ của mình đâu.
Í quên, công việc đầu tiên của tôi trong 24 tiếng nhé. Tôi sẽ tìm ra cho được từ những phỏng vấn của talawas một biểu quyết chung cuộc, để từ đó mà chấp nghi theo thứ tự kiến nghị nhỏ lớn. Mấy ông nhớn đời nay chỉ thích ngồi sa-lông uống rượu vang đỏ hoặc cường dương bổ thận Tàu mà không hề chấp nghi.
Cái giai đoạn chuyển đổi kế tiếp (nghe như cướp chính quyền, đảo chánh) tôi sẽ nhờ một thi sĩ Việt Nam thích đi bên lề trái, có hơi ngầu và có cá tính như nhà thơ Nguyễn Đăng Thường chẳng hạn, sáng tác một bài thơ lấy liền trình diễn trên những hệ thống truyền thông hiện đại (để nguyên con, không cắt xén) theo cùng với bài diễn văn khá lâm ly của tôi cũng sẽ được soạn nhờ tay viết của một trí thức xuống đường như Nguyễn Hưng Quốc (sẽ được cấp visa Liên Hiệp Quốc về thăm nước, khỏi phải sợ bị đuổi đi).
Mải lo chuyện diễn văn thơ phú hứa hẹn xong, thì cũng phải lập hội nội các lâm thời để chính danh tuyên bố mình không phải là tướng cướp, và bàn giao công việc cấp bách. Phàm người ta bám cái ghế lãnh tụ dai như giẻ rách, năm này tháng nọ không muốn nhả mà tôi chỉ có 24 tiếng thì cũng hơi găng và dễ cương sảng.
Công việc tiếp theo nghe hơi cải lương là dẹp và xây biểu tượng.
Đây là khoảnh khắc thay đổi lịch sử nên tôi phải nhanh chân thôi.
Đập hết những nhà tù không bản án để xây lại hoặc trùng tu trường lớp, nhất là xây cái cầu khỉ và cái cầu ở Kontum cho mấy em khỏi phải đu dây Tarzan qua sông đi học. Chúng ta sẽ cho mọc thêm những ngôi chùa, giáo đường, sau khi những nhà tù không tên gọi được đóng lại vĩnh viễn.
Chúng ta sẽ cho mồ yên mả đẹp, như ý nguyện một người đã chết, của một biểu tượng ở Ba Đình.
Thay vào đâu đó, có khi chỉ là những tượng đài nghệ thuật nhưng đơn giản, cốt ghi lại những cái tên của những anh hùng tử trận, hoặc là tượng nữ thần tự do có nét mặt bất khuất của hai nữ anh hùng dân tộc…
Thực thi ngay một tờ báo tư nhân đầu tiên và mời Phạm Thị Hoài về điều hành, như một ước mơ thầm kín được làm sống lại talawas với bất cứ giá nào.
Dĩ nhiên sẽ ra lệnh đóng cửa hơn 600 tờ báo của Đảng đang nắm trong tay.
24 tiếng như “24 giờ phép” ngắn ngủi của những người lính khi xưa mỗi lần được trở về từ trận địa, gợi lên trong tôi có lẽ chúng ta nên dành thì giờ để làm một cuộc hóa giải như kiểu lập đàn giải oan của nhà Phật: Tất cả những người dân sẽ được huy động (dĩ nhiên là qua những phương tiện truyền thông) mặc toàn đồng phục trắng và sẽ thả nhũng cánh chim bồ câu trắng hòa bình bay tung tăng trong bầu trời nắng ấm.
Dĩ nhiên chúng ta cũng sẽ làm một đêm không ngủ để thắp nến nguyện cầu cho hồn thiêng sông núi, để gióng lên những bài ca Bạch Đằng Giang hào hùng.
Một khẩn cấp khác ngoài những chạnh lòng rất đàn bà của một nữ lãnh chúa… có trái tim, tôi cũng sẽ phải chứng tỏ khả năng biết dùng người tài giỏi và không lãng phí, trù dập.
Tôi sẽ triệu tập đặc biệt giới trí thức luật sư ở trong cũng như ngoài nước. Họ có thể sẽ cố gắng tối đa thời gian, để tu chỉnh và cố định lại Hiến pháp Việt Nam theo đường lối Hoa Kỳ và công ước quốc tế. Các khuôn mặt lẫy lừng của những nhà văn hóa, giáo dục, các kinh tế gia cũng sẽ được tụ tập đông đảo để mỗi người phải là mỗi viên gạch đóng góp cho công cuộc xây dựng lại ngôi nhà đổ vỡ.
Vì chúng ta luôn mở ra con đường hòa bình hòa giải dân tộc, nên trong giai đoạn sang trang lịch sử ngắn ngủi, chúng ta sẽ có thể mời một số khuôn mặt đảng viên phản tỉnh hoặc có lòng với đất nước, để ngồi lại với nhau hội thảo, tìm một giải đáp cho mối họa chung của đất nước đã quá gần kề. Điều khôi hài một chút là có thể nội các mới sẽ “mời” một số chóp bu đi du lịch dài hạn ở Trung Quốc để ăn cơm Tàu chính hiệu 16 chữ (nai) vàng và để biết nỗi lòng của những cô dâu được gả bán qua Đài Loan, Hàn Quốc…
3.
2010: biến động lớn nhất là sự từ biệt của talawas (sao talawas lại chọn ngày sinh nhật để nói lời chia tay, bởi có phải trong chia tay cũng có mầm gặp lại). Lý do không hẳn vì có rất nhiều cây viết cộng tác cho talawas ở Việt Nam, mà chính là cái tâm thể chung của Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trên cùng khắp thế giới, đã cùng nhau phát huy, xiển dương cho bầu dưỡng khí tự do. Tất cả đã được thở; đã nhờ talawas để đỡ hấp hối… Hình dung biến động này sẽ làm CSVN khoái tái tê (chữ của Nguyễn Viện).
2020 & 2030: Chúng ta vẫn than vãn 24 giờ cho một ngày là không đủ, là quá ngắn, nhưng nghĩ mà xem, 10 năm hay 20 năm với chiều dài lịch sử thì cũng chẳng nghĩa lý là bao (35 năm/65 năm thì quả là oan nghiệt).
Giá gì. Tỷ như. Những người trong chúng ta đừng sợ hãi 24 giờ là ít. Mọi chuyện sao không như là “thà một phút huy hoàng”. Ai mà biết được sự hủy diệt của những bờ đê vỡ.
Em đâu biết khi nào nguôi gió chướng
Anh chẳng về làm phên vách 1000 năm
Em còn đợi suốt mấy mùa không tưởng
Thắp trong hồn một nghiệt ngã Việt Nam
© 2010 Nguyễn Thị Thanh Bình
© 2010 talawas
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Nguyễn Thị Thanh Bình trả lời phỏng vấn của talawas”)